Về Việt Nam

Nội viện, ngày 15 tháng 11 năm 2004

Đã sắp đến ngày lên đường đi Việt Nam, Thầy xin cám ơn tất cả quý vị đã ghi tên cùng đi với Thầy trong chuyến đi lịch sử này. Chuyến đi ba tháng của chúng ta sẽ là phẩm vật cúng dường của chúng ta cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải hiến tặng những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể hiến tặng.

Ngày rời Việt Nam 39 năm về trước để kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh tang thương nơi đây, Thầy cũng giống như một tế bào của cơ thể Tăng thân bị lấy ra khỏi cơ thể Tăng thân. Nếu tế bào ấy đã không bị khô chết sau vài năm lưu đày, bởi vì Thầy đã thực tập mang Tăng thân đêm ngày trong trái tim mình. Trong thời gian giảng diễn và nỗ lực vận động hòa bình, thầy đã có cơ hội chia sẻ sự thực tập của mình với các bạn ở Âu, Mỹ, Úc và Á châu và khuyến khích họ cùng thực tập. Không có ngày nào mà thầy xao lãng sự xây dựng Tăng thân mà thầy đã có thể tái tạo ra được một đoàn thể Tăng thân nguyên vẹn gồm đủ bốn chúng. Bây giờ trở về quê hương, thầy không trở về như một tế bào mà là như một Tăng thân trọn vẹn. Và quý vị chính là Tăng thân của Thầy, nghĩa là một phần của chính hình hài thầy.

Việt Nam là một đất nước đẹp, một giống người đẹp. Chúng ta sẽ có cơ hội nghiên cứu những cái đẹp ấy. Chúng ta sẽ có dịp đi thiền hành bên hồ Gươm, leo núi Yên Tử nơi đã từng có một vị vua tên là Trần Nhân Tông xuất gia và thực tập, rong chơi ở Vịnh Hạ Long nổi tiếng là một trong những thắng cảnh bậc nhất Đông Nam Á… Đi đâu, chúng ta cũng sẽ thực tập an trú thảnh thơi trong từng giây từng phút hiện tại, và làm tỏa chiếu năng lượng an lạc và tin yêu quanh ta. Các vị Phật tử cư sĩ sẽ cư trú ở các khách sạn, phải lấy khách sạn làm trung tâm tu học, đi, đứng, nói cười, ăn uống trong chánh niệm. Người ta sẽ chú ý và quan sát chúng ta kỹ lắm, nhất là giới công an. Giới công an sẽ có khả năng thấy được năng lượng lành tỏa chiếu từ sự thực tập của chúng ta và chắc chắn sẽ tiếp nhận được nhiều lợi lạc từ sự tiếp xúc ấy.

Năm giới mà chúng ta thực tập sẽ biểu hiện một cách cụ thể nhất pháp môn tu chánh niệm của Làng Mai. Trong chúng ta sẽ không có ai hút thuốc, ăn thịt cá, uống rượu dù là rượu vang hay rượu bia. Không tà dâm, không nói lời tà ngữ. Khi đi thì chúng ta tập trung tâm ý vào bước chân và hơi thở mà không nói chuyện. Khi cần nói thì dừng lại mà nói. Chúng ta thực tập để trở thành Tăng thân của Bụt Thích Ca và hình hài của Thầy. Những vị nào là giáo thọ hoặc giáo thọ tập sự xin chăm sóc để cho sự thực tập của Tăng thân suốt trong ba tháng được tươi mát, vững chãi và hạnh phúc. Như thế chúng ta sẽ tạo hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người trong suốt chuyến đi.

Thầy sẽ được gặp quý vị trong vài ba hôm nữa.

Thầy

 

(Thư thầy viết cho các thành phần trong tăng thân đi Việt Nam gồm trên 30 quốc tịch)

Phẩm vật cúng dường

Thư Thầy viết cho các thành phần trong tăng thân đi Việt Nam, gồm trên 30 quốc tịch.
Làng Mai ngày 03 tháng 01 năm 2005

 

Đã sắp đến ngày lên đường đi Việt Nam, thầy xin cám ơn tất cả quý vị đã ghi tên cùng đi với thầy trong chuyến đi lịch sử này. Chuyến đi ba tháng của chúng ta sẽ là một phẩm vật cúng dường của chúng ta cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải hiến tặng những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể hiến tặng.

Ngày rời Việt Nam 39 năm về trước để kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh khốc liệt trên đất nước, thầy cũng giống như một tế bào của cơ thể tăng thân bị lấy ra khỏi cơ thể tăng thân. Tế bào ấy đã không bị khô chết sau vài năm lưu đày, bởi vì thầy đã thực tập mang tăng thân đêm ngày trong trái tim mình. Trong thời gian giảng diễn và nỗ lực vận động hòa bình, thầy đãcó cơ hội chia sẻ sự thực tập của mình với các bạn ởÂu, Mỹ, Úc và Á châu và khuyến khích họ cùng thực tập. Không có ngày nào mà thầy xao lãng sự xây dựng tăng thân trong lúc liên kết các bạn để vận động cho hòa bình. Do đó từ một tế bào của tăng thân mà thầy đã có thể tái tạo ra được một đoàn thể tăng thân nguyên vẹn gồm đủ bốn chúng. Bây giờ trở về quê hương, thầy không trở về như một tế bào mà như một tăng thân trọn vẹn. Và quý vị chính là tăng thân của thầy, nghĩa là hình hài của thầy. Việt Nam là một đất nước đẹp, một giống người đẹp. Chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những cái đẹp ấy. Chúng ta sẽ có dịp đi thiền hành bên hồ Gươm, leo núi Yên Tử nơi đã từng có một vị vua tên là Trần Nhân Tông xuất gia và thực tập, rong chơi ở vịnh Hạ Long nổi tiếng là một trong những thắng cảnh bậc nhất Đông Nam Á… Đi đâu, chúng ta cũng sẽ thực tập an trú thảnh thơi trong giây phút hiện tại và làm tỏa chiếu năng lượng an lạc và tin yêu quanh ta. Các vị Phật tử cư sĩ cư trú ở các khách sạn phải lấy khách sạn làm trung tâm tu học, đi, đứng, nói, cười, ăn uống trong chánh niệm. Người ta sẽ chú ý và quan sát chúng ta kỹ lắm, nhất là giới công an. Giới công an sẽ có khả năng thấy được năng lượng lành tỏa chiếu từ sự thực tập của chúng ta và chắc chắn sẽ tiếp nhận được nhiều lợi lạc từ sự tiếp xúc ấy.

 

Năm giới mà chúng ta thực tập sẽ biểu hiện được một cách cụ thể nhất pháp môn tu chánh niệm của Làng Mai. Trong chúng ta sẽ không có ai hút thuốc, ăn thịt cá, uống rượu, dù là rượu vang hay rượu bia. Không tà dâm, không nói lời tà ngữ. Khi đi thì chúng ta tập trung tâm ý vào bước chân và hơi thở mà không nói chuyện. Khi cần nói thì dừng lại mới nói. Chúng ta thực tập để trở thành tăng thân của Bụt và hình hài của thầy. Những vị nào là giáo thọ hoặc giáo thọ tập sự xin chăm sóc để cho sự thực tập của tăng thân suốt trong ba tháng được tươi mát, vững chãi và hạnh phúc. Như thế chúng ta sẽ tạo hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người trong suốt chuyến đi.

Thầy sẽ được gặp quý vị trong vài ba hôm nữa.
Thầy


Thương gởi Mỹ Nghiêm

Mai Thôn, ngày 07 tháng 07 năm 2005,
Thương gởi Mỹ Nghiêm con của Thầy,

Thầy và đại chúng bên này thường cầu chư Phật và Bồ tát gia hộ cho con được mau bình phục. Con đã có cơ duyên nương tựa Tam bảo thì bất cứ những gì xảy đến cho con đều sẽ là thuận lợi cho tâm bồ đề của con. Vì vậy cho nên con đừng nên lo lắng, chỉ nên để hết thì giờ để nghe kinh, nghe pháp thoại, nghe tiếng chim tiếng suối, thở không khí trong lành ở nơi con ở và niệm Bụt, đặt hết niềm tin nơi Tam bảo. Thầy cũng đã làm như thế khi Thầy trải qua những giai đoạn khó khăn. Thầy hay tập thở nhẹ, dài và sâu, thấy được từng hơi thở nuôi dưỡng cơ thể và niềm vui sống của mình .

Thầy và đại chúng bên này tiếp tục gửi năng lượng và hộ niệm cho con.

Thầy của con
Nhất Hạnh



Sư em Mỹ Nghiêm

Nội viên Phương Khê, ngày 12 tháng 07 năm 2005.
Kính gởi các thầy, các sư cô và sư chú Làng Mai,

 

Sư em Mỹ Nghiêm một trong 19 cây Vú Sữa vừa thị tịch tại tu viện Phương Bối Bát Nhã lúc 9 giờ sáng ngày 12.07.05. Sư em đã qua đời một cách êm dịu với sự có mặt của mẹ sư em và các sư chị lớn Làng Mai. Sáng hôm nay tứ chúng đạo tràng Mai Thôn đã niệm Bụt cho sư em tại Xóm Mới, trước giờ pháp thoại của sư cô Chân Không.

Gia đình Làng Mai như vậy là đang có tang, Thầy xin đề nghị là tất cả chúng ta đều để tang cho sư em trong bảy ngày. Mỗi ngày viết nhật ký ta đều viết cho sư em một câu. Ví dụ: Sư em Mỹ Nghiêm sư chị (sư anh) biết sư em còn đó và tâm bồ đề của em rất hùng hậu. Sư chị (sư anh) sẽ thực tập cho em ngày hôm nay.

Và trong ngày hôm ấy ta hãy thực tập nhìn nhau với con mắt hiểu và thương, chăm sóc và tha thứ cho nhau, nâng đỡ nhau để cho tình huynh đệ thêm lớn. Sự thực tập này sẽ đem lại nhiều công đức và niềm vui cho sư em chúng ta. Sư em Mỹ Nghiêm sinh năm 1985, tên là Lê Thị Hồng Vân, là sư em áp út, trước Thao Nghiêm. Tại tổ đình Từ Hiếu, đại chúng đã cử thầy Pháp Khâm, sư chú Pháp Nhã (anh ruột của Mỹ Nghiêm) và sư chú Pháp Toại vào Bảo Lộc tham dự tang lễ. Chúng ta hãy thực tập và tiếp nối chí nguyện cho sư em.

Trước khi sư em thị tịch, Thầy có viết cho sư em một lá thư. Thư viết ngày 07.07.05, và sư em đã nhận và đã đọc được. Xin gởi kèm thư ấy để đại chúng cùng đọc.

Cầu Bụt và chư Tổ gia hộ cho sư em và cho tất cả chúng ta.

Thầy
Nhất Hạnh

Xây dựng tình huynh đệ

Nội Viện Phương Khê, ngày 12-12-2005
Thân gởi các con của Thầy ở Từ Hiếu và Bát Nhã.

Thư này Thầy gởi không chỉ cho các cây Vú Sữa, các cây Hướng Dương mà là gởi cho tất cả mọi người đang tu tập ở Từ Hiếu và Bát Nhã, không phân biệt là đệ từ của Thầy hay của Thầy Chí Mậu hay của thầy Đức Nghi, hay của các thượng tọa và ni sư đã gởi đệ tử tới học và tu tại Từ Hiếu hay Bát Nhã, không phân biệt là đã xuất gia hay đang còn tập sự. Thầy thấy đệ tử của Thầy cũng là đệ tử của thầy Chí Mậu và thầy Đức Nghi, và đệ tử của thầy Chí Mậu và thầy Đức Nghi cũng là đệ tử của Thầy. Đệ tử của các thượng tọa và ni sư gởi tới Từ Hiếu và Bát Nhã cũng thế. Tu tập theo pháp môn mà các vị đang tu tập là xây dựng tình huynh đệ mà tình huynh đệ đích thực thì không có tính kỳ thị và phân biệt. Thấy được như thế thì ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc. Trong công phu tu tập, không có ngày nào mà ta không chế tác tình huynh đệ. Tình huynh đệ cũng được chế tác trong khi chúng ta chấp tác với nhau hay đi chơi với nhau. Nếu tình huynh đệ không được nuôi dưỡng và lớn lên mỗi ngày đó là vì chúng ta chưa nắm được pháp môn, chưa thật sự áp dụng được pháp môn trong đời sống tu tập hàng ngày. Hạnh phúc và tình huynh đệ ấy là năng lượng thiết yếu để ta có thể giúp đời và độ người.

Bên này tuy công việc chấp tác có nhiều nhưng Thầy và các huynh đệ vẫn giữ được sự thảnh thơi. Không bao giờ tự đánh mất mình trong công việc. Thầy thường nghĩ đến các con và gởi năng lượng của Thầy cho các con hàng ngày. Thầy thấy sự có mặt của các con tại quê hương cũng là sự có mặt của Thầy ở quê hương và Thầy thấy ấm lòng mỗi khi nghĩ đến điều ấy. Thầy rất mong các sư anh và sư chị sắp đặt để tất cả các con được nghe lại những bài pháp thoại mà Thầy đã giảng ở các khóa tu cho người xuất gia tại Từ Hiếu, Hoằng Pháp và Nguyên Thiều vào đầu năm 2005 trong thời gian thăm viếng quê hương của Thầy.

Mai mốt Thầy sẽ viết tiếp cho các con.

Nhất Hạnh

Sống theo tinh thần lục hòa

Phương Khê Nội Viện, Đạo Tràng Mai Thôn, Pháp Quốc
Ngày 10 tháng 02. 2006

 

Thương gởi học chúng tại Tổ đình Từ Hiếu,

Mùa xuân đã đến tại quê hương, nhưng ở Âu châu còn phải đợi thêm gần một tháng nữa. Tôi trân trọng kính chúc các thầy, các sư chú, và các Phật tử cư sĩ của tổ đình một mùa xuân tươi vui và hạnh phúc.

Nhân tiện tôi xin nhắc lại vài điểm then chốt về nguyên tắc sinh hoạt và tu tập tại tổ đình:

 

1. Thượng tọa Chí Mậu và tôi là hai người chịu trách nhiệm trực tiếp với chư Tổ để chăm lo và duy trì cơ sở và nếp sinh hoạt tu học của tổ đình. Tổ đình là một ngôi chùa cổ nhưng cũng là một tu viện và một  Phật học viện. Tôi tin chắc tổ đình sẽ thành công như một đạo tràng gương mẫu, bởi vì tôi và Thượng tọa Chí Mậu là hai anh em bất khả phân ly, cùng một sứ mạng và một chí hướng, với lại Thượng tọa đã được đắc pháp qua tôi, vì vậy không một âm mưu, hoặc đàm tiếu nào có thể chia rẽ hai chúng tôi được.

2. Tất cả các vị xuất gia, dù là đệ tử của ai, một khi đã được chấp nhận thường trú tại tổ đình đều được đối xử bình đẳng trên cương vị thân hòa đồng trú, ý hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân.

3. Tất cả những quyết định về sinh hoạt học hỏi và tu tập đều do hội đồng tỳ kheo đưa ra trong buổi họp hằng tuần. Thượng tọa Chí Mậu chủ tọa những buổi họp ấy với sự giúp đỡ của một vị giáo thọ do Thượng tọa mời chọn. Thượng tọa Chí Mậu cũng đại diện cho tôi. Nếu cần tham khảo ý kiến của tôi về một vấn đề quan trọng, Thượng tọa có thể điện thoại hoặc fax cho tôi, và tôi sẽ cung cấp ý kiến trong vòng một giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng nếu cần, tôi cũng có mặt trong buổi họp qua đường giây internet.

4. Các Phật tử cư sĩ tu học theo tổ đình được khuyến khích có một buổi họp giữa những vị cư sĩ ít nhất mỗi tháng một lần để đạo đạt ý kiến xây dựng của mình lên hội đồng tỳ kheo. Các vị sa di cũng có buổi họp hằng tuần để thực tập kiến hòa đồng giải và góp ý cho hội đồng tỳ kheo để hội đồng này có đủ ý kiến và nguyện vọng mà đi tới những quyết định đem lại hạnh phúc và sự tiến tu trong toàn chúng.

5. Ban điều hành (ban chăm sóc) được hội đồng các vị tỳ kheo bầu ra, không phải dựa trên nguyên tắc thâm niên mà dựa trên nguyên tắc khả năng làm việc. Có thể có những thành viên sa di và cư sĩ trong ban này. Thành phần của ban có thể thay đổi hoặc bổ túc trong những buổi họp của hội đồng tỳ kheo xảy ra sau đó, để càng ngày ban điều hành càng làm việc giỏi. Yếu tố thâm niên không dính líu gì đến việc công cử thành phần của ban điều hành. Quyền lực tối cao của chúng nằm ở hội đồng tỳ kheo chứ không phải ở một cá nhân. Hội đồng tỳ kheo đi tới mọi quyết định trên nguyên tắc tác pháp yết ma – chứ không phải trên nguyên tắc thâm niên. Đây là truyền thống đích thực của tăng đoàn Phật giáo từ nguyên thỉ.

6. Ban nghi lễ (có thể đặt tên là ban ứng phú hoặc ban hóa độ) được hội đồng các vị tỳ kheo công cử. Thành phần của ban gồm có những người có khả năng ứng phú nhưng cũng có khả năng độ người. Thành phần này cũng có thể được thay đổi hay bổ túc bằng những bưổi họp tỳ kheo sau đó. Mọi cúng dường đều được trao lại cho thủ quỹ của tổ đình, trừ chi phí chuyên chở, thuốc men, ẩm thực, v.v…Tất cả các bao thơ do các thí chủ cúng dường, dù cúng dường chung hay riêng cho các vị kinh sư, đều được trao lại cho vị thủ quỹ . Thượng tọa Chí Mậu sẽ có thông báo bằng văn thư hay bằng pháp thoại cho giới Phật tử tại gia biết về vấn đề này. Các thầy trong ban nghi lễ (cũng có thể gọi là ban kinh sư) như vậy sẽ có cơ hội nuôi dưỡng chúng bằng sự thực tập của mình, và sẽ được chúng biết ơn và thương yêu.

7. Vì là một tu viện, một học viện, một tổ đình lớn, nên sự học hỏi và hành trì thường nhật là cột sống của tổ đình, do đó ai trong đại chúng cũng có nhiệm vụ tham dự vào các sinh hoạt tu học và tổ chức, nhất là các vị có hạ lạp lớn cần phải làm gương mẫu cho các sa di và tân tỳ kheo. Những buổi giảng dạy, thiền tọa, tụng kinh, tụng giới hay học hỏi mọi người đều có mặt tham dự, chỉ trừ trường hợp bệnh, chấp tác hay tăng sai. Ba lần vắng mặt không có lý do sẽ bị cảnh cáo, sám hối, và nếu không tham dự vào sự học hỏi và tu tập nhiều ngày thì sẽ không được thường trú nữa ở tổ đình, dù đó là đệ tử của Sư ông Làng Mai hay Thượng Tọa Chí Mậu. Mỗi buổi công phu có mặt của toàn thể đại chúng luôn luôn có năng lượng hùng hậu nuôi dưỡng mọi người, ta không thể để cho một số sa di le hoe đi công phu trong khi các thầy lớn vắng mặt như ở các chùa bình thường. Sự kiện Thượng tọa Chí Mậu có mặt trong tất cả các buổi thiền tọa là một sự kiện mầu nhiệm, là một tấm gương lớn cho tất cả đại chúng. Tôi rất mừng về sự kiện này.

Thưa đại chúng, tất cả những điểm tôi vừa nhắc nhở đều đã được trình bày trong khóa tu tăng ni tại tổ đình vào tháng ba năm 2005 do tôi hướng dẫn. Những điểm ấy là cột sống của truyền thống Phật giáo. Với sự bảo hộ của chư tổ, tôi sẽ có mặt tại tổ đình mỗi năm để dạy học và thực tập với đại chúng. Thượng tọa Chí Mậu và tôi đều mong ước là trong vòng một vài năm nữa số lượng các vị xuất gia thường trú tại tổ đình sẽ lên tới 150 vị, và năng lượng tu tập sẽ rất hùng hậu. Ta sẽ đóng góp cho đất nước, cho dân tộc, cho giáo hội bằng sự tu học miên mật của chúng ta bằng cách tu học tinh chuyên. Tôi viết những dòng chữ này với tư cách niên trưởng của môn phái và của tổ đình. Xin anh em nắm tay nhau đi như một dòng sông để mọi người có thể xây dựng được tình huynh đệ cho vững chãi và thành tựu được ước mơ của mình, đó là bồ đề tâm của chúng ta. Thơ này nên sao ra để mỗi người có một bản để tự nhắc nhở mình.

 

Kính thư
Nhất Hạnh


Vị trụ trì giỏi của Tổ Đình

Phương Khê, ngày 12 tháng 06 năm 2006,
Thân gửi Sư thúc Chí Mậu,

Tôi nhớ hồi Sư thúc ở bên này mình đã có dịp ngồi chơi và đi chơi với nhau thật nhiều lần. Sáng nào ngồi thiền cũng có mặt Sư thúc, trưa nào ăn cơm với chúng cũng có Sư thúc, buổi thiền hành nào tại xóm Thượng, xóm Mới hay xóm Hạ cũng đều có Sư thúc đi bên cạnh tôi. Các sư em luôn muốn được gần gũi với Sư thúc. Chúng ta đã có cơ hội bàn tới tương lai và hướng đi của Tổ đình. Ngày hôm nay Sư thúc đã đưa Tổ đình ra khỏi được vòng tranh chấp, và năng lượng tu tập của đại chúng cũng như chất lượng hạnh phúc của đại chúng trong Tổ đình rất cao, điều này đang tạo ra nhiều niềm tin và hạnh phúc cho thật nhiều người. Tôi đã chứng kiến được sư tu tập và chuyển hóa của Sư thúc. Ngày xưa một mình Sư thúc lo cho Tổ đình, bây giờ Sư thúc đã buông bỏ được quyền hành và tiền bạc và để cho đại chúng trực tiếp điều hành việc chùa, đó là một sự thay đổi rất lớn. Sư thúc lại có khả năng ân cần tiếp cận và nâng đỡ các vị đệ tử để cho tình thầy trò và huynh đệ càng ngày càng bền chặt; đó là một sự thực tập hết sức quý hóa và cần thiết. Tôi nghĩ lịch sử sẽ ghi tên Sư thúc như là một trong những vị trú trì giỏi nhất của Tổ đình.

Từ Hiếu đang nổ lực để trở thành một Tổ đình gương mẫu cho thời đại mới, cung cấp những giáo lý và thực tập có khả năng giúp người trí thức và thanh niên thời đại mới chuyển hóa và đi tới. Công việc của Sư thúc cùng các thầy ở Tổ đình bây giờ là sư tiếp nối quan trọng của công việc mà các nhà chấn hưng Phật giáo tại Huế như các hòa thượng Thiền Tông, Trúc Lâm, các vị giáo thọ trẻ thời ấy như Mật Khế, Mật Thể, các vị cư sĩ giỏi thời ấy như Lê Đình Thám v.v.. đã làm trong những năm từ 1930 đến 1945. Nếu không có những người can đảm như thế thì làm sao có được hội An Nam Phật học và Tổng hội Phật Giáo Việt Nam để đi đến một giáo hội Thống Nhất các tông phái?

Cho nên tôi mong muốn Sư thúc và các vị cộng sự nhớ rằng chúng ta đang tiếp nối công trình chư tổ, đẩy bánh xe lịch sử Phật giáo đi tới, và không sờn lòng trước những trở ngại mà thời nào cũng có, nơi nào cũng có.

Thân chúc Sư thúc cùng tất cả đại chúng Tổ đình một mùa Kiết hạ nhiều hạnh phúc.

 

Kính thư
Nhất Hạnh


Kết hợp

Nội viện, ngày 06 tháng 12 năm 2006,
Thư gởi các Thầy, các Sư cô và các vị Phật tử cư sĩ, các đạo tràng Từ Hiếu và Diệu Nghiêm

Hôm thứ sáu vừa qua, không biết các Thầy đã đốt lò sưởi ở thiền đường Nước Tĩnh ở xóm Thượng bằng thứ củi nào mà làm cho thiền đường thơm quá, tôi ngồi thiền trong ấy với đại chúng chùa Pháp Vân mà thấy dễ chịu quá chừng. Ở xóm Thượng nhiều khi các Thầy cũng đốt những thứ hương rất thơm và rất ngọt, nhưng chưa hề có thứ hương nào cho ta cảm giác sảng khoái như thứ hương của loại đốt trong lò sưởi hôm ấy. Tôi biết trận bão mùa thu đã làm gãy đổ nhiều cây tùng trên xóm Thượng, và chắc chắn là thứ gỗ mà các Thầy, các sư chú bỏ vào lò hôm ấy thuộc về một loại tùng gỗ rất thơm, theo tôi thì không có thứ gỗ chiên đàn nào bì kịp.

Mùa An cư kết đông năm nay tôi rất phong lưu dù tôi không bỏ một buổi pháp thoại nào hay một buổi ngồi thiền nào hay một buổi cơm trưa nào của đại chúng. Gần như mỗi ngày tôi đều có đi thiền hành xuống chùa Sơn Hạ dưới chân núi Thệ Nhật, thường là vào buổi sáng, mỗi buổi đi thiền như thế kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Nhưng buổi đi thiền một mình như vậy rất là dễ chịu, dù rằng mỗi tuần đi thiền hành chung với đại chúng ba lần cũng đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc. Từ thất Ngồi Yên tôi đi xuống rừng sồi lá đỏ rồi băng qua rừng tùng để xuống Sơn Hạ. Đã tháng chạp tây rồi mà ở đây còn ấm quá, cỏ còn xanh và lá vàng mùa thu rụng trên cỏ vẫn còn tươi. Hành tinh của mình thật là quý giá; tưởng tượng đi trên mặt trăng ta không thấy một lá cỏ hay một tờ lá vàng. Thấy được như vậy mỗi bước chân đem lại rất nhiều hạnh phúc. Rừng tùng còn trẻ, hai chàng Yannick và Utam đã dọn rất sạch, thành ra con đường tùng xuống Sơn Hạ đi rất dễ chịu, có khoảng chín ngàn cây tùng trong vùng đất này, tôi đã từng đưa Thầy Chí Mậu đi trên con đường này hai lần. Ngày xưa còn là chú điệu chưa biết đi thiền hành trên đồi Dương Xuân trước cửa tam quan Từ Hiếu. Lớn lên làm vị giáo thọ có nhiều việc ưa làm thành ra không có cơ hội thưởng thức từng bước chân thảnh thơi an lạc trên ngọn đồi thông ấy. Hai năm trước được về trở lại quê hương tôi đã dẫn chúng xuất gia đi thiền hành lên đồi thông Từ Hiếu và mỗi bước chân đều tiếp xúc được rất sâu sắc với thực tại. Đúng như lời vua Trần Thái Tông nói: ‘bộ bộ đạp trước thực địa’. Hạnh phúc của từng bước chân rất lớn. Trong khóa tu người xuất gia tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu, những buổi thiền hành qua hồ Sao Mai lên đồi Dương Xuân, thật là những giờ phút mầu nhiệm. Tôi an trú trong giờ phút hiện tại không ít hơn một trăm phần trăm trong từng bước chân, không hề có một cố gắng nào. Đúng là “this is it”. Xin các vị trong tứ chúng Từ Hiếu và Diệu Nghiêm đừng bỏ lỡ cơ hội. Hãy bước những bước chân an lạc, chánh niệm cho Bụt, cho chư tổ, cho đất nước và cho thành phố Huế. Tôi tin rằng mỗi ngày quán niệm các Thầy các sư cô và các Phật tử cư sĩ đều đi thiền hành qua các hồ Sao Hôm, Sao Mai và lên đồi Từ Hiếu rồi ngồi thiền trên ấy chừng hai mươi phút rồi mới trở về.

Tôi nghe quý vị có nhiều hạnh phúc khi được tu học dưới sự che chở của Sư Bà Diệu Nghiêm và Ôn Trú trì Từ Hiếu và rất mừng cho Huế. Tôi nghĩ Từ Hiếu và Diệu Nghiêm tu học cho có hạnh phúc và mỗi ngày xây dựng cho bền vững tình huynh đệ, đó là hai tặng phẩm đẹp nhất cho Huế. Khóa tu cho người xuất gia tổ chức tại Tổ đình hai năm về trước đã lấy chủ đề là Tình huynh đệ trên hết. Có tình huynh đệ, ta sẽ không bao giờ để cho ai chia rẽ chúng ta. Mười bốn năm trước, Phật giáo bị chia rẽ trầm trọng, tại vì chúng ta còn khờ dại. Có người sợ sức mạnh của Phật giáo Huế cho nên cố tình chia rẽ chúng ta, họ muốn cho Phật giáo Huế tê liệt để đừng làm gì có hại cho họ đó là tri giác sai lầm về phần họ. Mình tu học thì duy trì được đạo đức, khiến cho những tệ nạn xã hội giảm bớt thì mình góp phần vào việc xây dựng an ninh xã hội, chứ có gì mà họ phải sợ. Họ làm cho các nhóm gia đình Phật tử ghét nhau, chống nhau. Họ làm cho các vị trưởng thượng giận nhau, chống nhau. Và chúng ta đã phải gánh chịu tình trạng tê liệt trong 12 năm. May mắn được chư Tổ gia hộ nên cách đây hai năm chúng ta đã về tụng giới với nhau được. Kỳ này chúng ta nhất định đề cao cảnh giác để họ không còn chia rẽ chúng ta. Xin các Thầy và các sư cô đọc lại các bài giảng trong khóa tu Tăng ni tại chùa Từ Hiếu. Các bài này đã được phiên tả in thành sách, với nhan đề là Dựng Xây Tình Huynh Đệ. Sống theo đúng tình thần của khóa tu ấy, chúng ta sẽ không bao giờ lặp lại lỗi lầm của 16 năm về trước. Chúng ta phải tìm cách giúp họ, cho họ thấy rằng con đường phụng sự đất nước và làm đẹp cho Huế của chúng ta là con đường tu học, không phải là con đường chính trị. Họ mà hiểu cho chúng ta thì họ sẽ không còn nghi ngờ và sợ hãi, mà chúng ta sẽ có nhiều an ổn và hạnh phúc lớn.

Vấn đề của chúng ta vốn rất nhỏ. Có một vài vị trưởng thượng có khuynh hướng thủ cụ, chưa chấp nhận được đường hướng và pháp môn tu học của chúng ta, không thấy thoải mái khi chúng ta chỉ dùng tiếng Việt mà không dùng chữ Hán, khi chúng ta tổ chức tu tập không như một đoàn thể tứ chúng, khi chúng ta đi theo hướng không còn kỳ thị người nữ. Ta chỉ cần kiên nhẫn thì một ngày nào đó các vị ấy sẽ thấy được con đường ta đi là con đường mà các thế hệ tương lai thế nào cũng phải đi. Chúng ta đang ở vào thời đại toàn cầu mà! Cho nên dù các vị có rầy la chê trách, chúng ta không nên giận hờn oán trách mà phải tìm cách lễ phép ôn hòa giúp cho các vị từ từ hiểu được mà chấp nhận chúng ta. Đừng để người ngoài lợi dụng đôi chút khác biệt về ‘cũ mới’ ấy mà chia rẽ chúng ta, làm cho chúng ta trách móc và thù nghịch nhau. Tôi đã xem Ôn như một người em trong đạo từ lúc Ôn còn hai mươi tuổi. Thầy Chí Thắng cũng là em của tôi. Thầy Thái Hòa và thầy Viên Đức cũng là cháu của tôi. Các vị có thể có vài cái thấy không giống tôi, nhưng không bao giờ tôi có thể nhìn các vị ấy là người thù nghịch được. Tôi đã khôn lớn rồi có phải không? Tuệ giác của tôi đủ để che chở cho tôi và cho các vị ấy, xin quý vị đừng lo. Tôi tin chắc là nếu chúng ta thực tập theo lối của tình huynh đệ, thì chúng ta sẽ không thấy ai là kẻ thù, và sẽ không bao giờ bước vào cái bẫy pháp nạn nào nữa.

Bên này đại chúng bắt đầu chuẩn bị cho đại giới đàn Văn Lang và mới nhận tin là có sáu vị Hòa Thượng và Thượng Tọa từ quê hương đã nhận lời qua tham dự vào hội đồng truyền giới. Các vị sẽ được mời cư trú tại tăng xá xóm Thượng để chứng kiến được tình huynh đệ trong nếp sống tu học hằng ngày. Tôi có đức tin rất mãnh liệt là các Thầy các sư cô và các Phật tử cùng các thân hữu của hai đạo tràng Từ Hiếu và Diệu Nghiêm có đủ thương yêu và tuệ giác để nuôi dưỡng được hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai. Chúng ta hãy nhớ thực tập cho im lặng và cho khiêm cung thì không có lý do gì mà chúng ta không hoàn thành được chí nguyện.

Tôi cầu chư Bụt chư Bồ tát và các vị Tổ sư ngày đêm che chở cho liệt vị.

Nhất Hạnh

Thầy thở con thở

Chùa Sùng Phúc, Hà Nội, ngày 27.4.2007

Hôm qua ngồi trên võng bên cạnh thất, thầy thấy rõ là dù đang ở đâu các con cũng đang tiếp nối thầy bằng cách này hay cách khác hoặc bằng nhiều cách khác nhau cùng một lần. Nơi nào có con ngồi thì có thầy ngồi, nơi nào có con thở thì có thầy thở, nơi nào có con đi thì có thầy đi, nơi nào có con mỉm cười thì có thầy mỉm cười. Trong chuyến đi này những vị đi với thầy đều tu tập và làm việc hết mình, thầy cũng vậy, dù có những lúc mệt, thiếu ngủ, thiếu nghỉ ngơi nhưng lúc nào ai cũng thấy được năng lượng của tăng thân bảo hộ, che chở và nâng đỡ. Các trai đàn chẩn tế nhờ quốc dân yểm trợ và cầu nguyện hết lòng đã làm cảm động cả quỷ thần và trời đất. Mấy ngày hôm nay Hà Nội rất mát mẻ nhờ những trận mưa Cam Lộ đổ xuống sau trai đàn chẩn tế Sóc Sơn. Mọi loài mát mẻ sống an vui …

Tối hôm qua thầy trù trì chùa Sùng Phúc và các sư em Bát Nhã, Từ Hiếu và Diệu Nghiêm đã được mời tới tham dự và hộ niệm cho buổi pháp thoại nói bằng Anh ngữ tại khách sạn Melia ở Hà Nội, một khung cảnh mà lần đầu tiên quý vị ấy bước tới, rất khác với khung cảnh chùa. Khách sạn Melia năm sao quá sang trọng, và người nghe toàn là người ngoại quốc. Chắc thầy trú trì và các sư em cũng lấy làm lạ là pháp môn cũng đi tới được những nơi chốn như thế này.

Thầy biết dù đang ở đâu con cũng theo dõi chuyến đi gần như mỗi ngày và ngày nào thầy cũng nhận được năng lượng yểm trợ của các con gởi tới. Chuyến đi này giống như một mũi thuốc bổ chích vào cơ thể đất nước, chất thuốc từ từ thấm vào mọi ngỏ ngách của cơ thể, mình có thể cảm nhận được hiệu lực nuôi dưỡng và chuyển hóa của chất thuốc.

Trong tuần nữa trung tâm Bích Nham ở New York sẽ bắt đầu hoạt động, thầy nghĩ là đạo tràng này sẽ đem lại rất nhiều hạnh phúc cho chúng ta và cho nhiều thiền sinh các tiểu bang miền Đông Bắc. Đạo tràng sẽ rất đẹp và rất ấm cúng, đây là một tin mừng cho tất cả chúng ta.

Chúng ta giống như một đàn gà con vừa mới mổ phá được vỏ trứng để thoát ra ngoài, có nhiều không khí và ánh sáng. Chúng ta đang chiêm chiếp gọi đàn và biết rằng không ai trong chúng ta còn muốn chun trở lại trong chiếc vỏ trứng. Có rất nhiều con gà con còn thơ dại, nhưng tất cả đều lớn lên rất mau. Ở đâu chúng ta cũng đang chiêm chiếp gọi đàn và chúng ta biết là chúng ta đang có nhau, đang có mặt khắp nơi và mỗi chúng ta đại diện cho tất cả mọi chúng ta, bởi vì chúng ta không phải là một thực tại riêng lẻ mà là một tăng thân. Thầy biết bất cứ cái gì con làm sáng nay cũng là để hồi hướng cho tăng thân, làm hạnh phúc cho tăng thân, và thầy có niềm tin nơi tất cả các con. Thầy đang đi với chân của tất cả các con và thở bằng phổi của tất cả các con, và thầy cũng biết là con đang đi cho thầy và đang thở cho thầy.

Giây phút hiện tại rất mầu nhiệm! Con đừng bỏ qua rất uổng. Thầy gởi tới tất cả các con niềm tin cậy và thương yêu của thầy.

Nhất Hạnh

Tái bút:  Sáng nay thầy đi Ninh Bình. Hy vọng có thì giờ đi thăm cố đô Hoa Lư và chùa Bích Động! Thầy sẽ ngắm cho các con.

Bảo tháp tình huynh đệ

Trong quá trình tổ chức ba Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan tại Việt Nam đầu năm 2007, các vị tôn túc cùng chư vị cư sĩ đã tới với nhau bằng trái tim thuần khiết để cùng kiến lập Trai Đàn cũng như để cầu nguyện giải trừ oan khổ cho mọi tầng lớp đồng bào tử vong trong cuộc chiến, không phân biệt Nam, Bắc, tôn giáo và khuynh hướng chính trị. Trong quá trình kiến lập trai đàn và cầu nguyện cho chư hương linh, sự chân thành của mọi giới Phật tử đã xây đắp lên một tình huynh đệ rất đẹp. Thầy Làng Mai nói đó là một bảo tháp của Tình Huynh Đệ, tuy không hình tướng, nhưng sẽ đứng mãi với thời gian. Xin đọc lá thư Thầy Làng Mai gửi cho Thượng tọa Lệ Trang, sám chủ Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan tại chùa Vĩnh Nghiêm.

 

Mai Thôn, 18.07.07.
Kính gửi Thượng tọa Lệ Trang.

Các Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan được tổ chức tại quê hương đầu năm nay đã làm ấm lòng bao nhiêu đồng bào và giúp cho không biết bao nhiêu người bớt khổ. Tuy trở ngại khá nhiều, khó khăn cũng không ít, nhất là ở miền Trung và miền Bắc, nhưng tình huynh đệ đã tạo ra được phép lạ giúp chúng ta vượt thoát những trở ngại và khó khăn kia, trong đó kể cả những kỳ thị, lo lắng, thờ ơ, sợ hãi và nghi ngờ. Trong khi thiết lập trai đàn, anh em chúng ta cũng đã xây lên được một Bảo tháp của Tình huynh đệ, một bảo tháp tuy không có hình tướng, nhưng rất hiện thực và không có một ai có khả năng phá đổ. Chúng ta, từ giới xuất gia cho đến giới tại gia, đã tìm tới với nhau để kiến lập các trai đàn với một trái tim thuần khiết, một tình thương không phân biệt không kỳ thị, không hề vướng một chút lợi hoặc một chút danh. Chúng ta ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện đóng góp mà không ai nghĩ đến chuyện được đền đáp. Chúng ta đã đến với nhau để cùng chú nguyện, cùng hộ niệm, cùng khóc thương, để giải tỏa niềm đau, nhờ đó mà những oan khổ lâu nay của những người đã chết và cả những người còn sống đã có cơ hội giải trừ và tiêu tán. Hiệu quả trị liệu được trông thấy rõ ràng, làm cảm động cả trời đất, những cơn mưa trái mùa đã đổ xuống sau mỗi đại trai đàn làm mát dịu biết bao tấm lòng. Chư vị tôn đức trong ban chứng minh và các ban kinh sư đã làm việc hết lòng mà các giới Phật tử tại gia cũng đã đem hết khả năng và tâm thành để góp sức kiến đàn và cầu nguyện. Hình ảnh ấy, tình huynh đệ ấy, tôi thấy không có gì đẹp hơn. Trong dịp kiến lập các đại trai đàn này, tôi thấy lại được tình huynh đệ của năm 1963, khi Phật tử Việt Nam tới với nhau với niềm thương cảm và một trái tim thuần khiết, vô úy và thánh thiện. Điều này làm tôi giữ được niềm tin nơi khả năng của Phật tử Việt Nam trong cuộc vận động hiện đại hóa đạo Bụt để nền đạo lý dân tộc có đủ khả năng giúp người đương thời chuyển hóa được những khó khăn và khổ đau mới của họ. Tôi xin cám ơn Thượng tọa đã gửi qua Mai thôn chiếc bình Tịnh thủy đã được sử dụng ở Đại Trai Đàn Vĩnh Nghiêm. Với lá thư này, đạo tràng Mai Thôn kính thỉnh Thượng tọa qua Mai thôn một vài tuần thăm viếng và nếu có thể, dạy dỗ thêm cho các huynh đệ bên này về lễ nhạc Phật giáo. Sự có mặt của Thượng tọa sẽ đem lại nhiều cảm hứng và niềm vui cho tứ chúng bên này.

Kính thư,
Nhất Hạnh