Làng Mai qua năm tháng

Ban biên tập phỏng vấn sư cô Chân Không và ghi lại.

Từ Phương Vân Am đến Phương Khê nội viện

“Bên cội tùng chú bảo
Thầy vừa đi hái thuốc
Chỉ tại núi này thôi
Mây mù không thấy được”

Thầy có thể đang đi hái thuốc nhưng cũng có thể là không. Ngoài những khi cứu người, giúp đời nếu có thời gian rảnh là Thầy lại trở về những nơi yên tĩnh, thanh vắng, có sương sớm, có núi đồi, có rừng cây, có tiếng suối, tiếng chim. Có thể Thầy đang đốt lò sưởi trong ngôi nhà gỗ ở Phương Bối Am nơi rừng Đại Lão, trên ngôi nhà Thượng hay ở chiếc Cầu Mai trước cửa rừng, cũng có thể Thầy đi lên đồi Thượng để thăm những luống chè mới và ngắm nhìn những ngọn núi xa có mây trắng phủ đầy. Hoặc là Thầy đang cuốc đất trồng rau ở Phương Vân Am hay đang ngồi chơi, nghe suối chảy trong vườn tre ở Nội viện Phương Khê. Dĩ nhiên là sư chú biết Thầy mình đang ở đâu, nhưng vì không muốn làm phiền Thầy nên sư chú đã mượn mây mù, mượn núi thẳm để nói đấy thôi.

Phương Bối là một loại lá thơm, Phương Vân là mây thơm, và Phương Khê là dòng suối thơm. Chúng ta có am Phương Vân vào tháng 8 năm 1971. Đó là một ngôi nhà bỏ hoang ở giữa con đường liên tỉnh nối liền thành phố Troyes và Sens nằm ở miền trung nước Pháp, cách Paris khoảng 150 cây số. Am Phương Vân nằm tựa trên một sườn đồi và sau ngọn đồi ấy còn nối tiếp những ngọn đồi khác, rất đẹp. Trước mặt am về phía bên kia quốc lộ 60 là những cánh đồi và cánh rừng thuộc vùng Othe. Sau lưng am là ruộng lúa mì và phía bên phải cách đó 500 mét là đồng cỏ của một nông trại nuôi bò. Trên đỉnh đồi trái phía sau am là một khóm rừng lớn, ở đó có một cây thông rất lớn và rất sum suê, Thầy đặt tên là cây thông Thanh Từ. Ngoài ngôi nhà chính thì cốc của Thầy là cái chuồng bò kế bên, vách đá giống như nhà chính. Vì chuồng bò, hai bên không thông nhau nên rất tiện xây cốc cho Thầy để không ai làm phiền khi Thầy cần không gian yên tĩnh để viết lách hay dịch kinh. Phía trước sân am có một cái giếng nước cũ, thành giếng do Thầy xây lại, cạnh giếng có một cây mận rất ngon và xung quanh giếng có treo nhiều võng, gần đó cũng có một cây táo (pommier) rất sai trái. Loại táo có trái khá lớn nhưng chua; các em thiếu nhi và cả người lớn thường giã muối ớt để ăn với táo, rất thú vị. Họ cắt táo thành nhiều lát mỏng để ăn như ăn xoài chua.

phương khêMặc dù đã có Phương Vân Am, nhưng Thầy chưa về ở hẳn vì có nhiều công tác cần phải làm như vận động hòa bình, nhân quyền cho Việt Nam, dạy học.., Thầy chỉ về am vào những ngày cuối tuần hay vào những lúc rảnh rỗi khác. Cũng vào năm đó, tức là năm 1971, trong khi đi Canada trình bày với quốc hội Canada về tình hình Việt Nam thì Thầy bị chính quyền của cả hai miền Nam-Bắc vô hiệu hóa hộ chiếu, không cho Thầy trở về nước nữa; Thầy liền trở về Pháp và tổ chức họp báo ngay tại phi trường Charles de Gaulle – Paris, và cuối cùng chính quyền Pháp đã cho Thầy tỵ nạn tại Pháp. Cuối năm 1975, sau khi gặp nhiều khó khăn trong việc gửi tiền và gạo về Việt Nam, Thầy quyết định đóng cửa Văn Phòng Phái Đoàn ở Paris và về ở luôn tại Phương Vân Am để nuôi dưỡng và tĩnh tu, và cũng để giúp cho những người đồng sự của Thầy chữa lành những vết thương. Có lần vì thấy những người học trò của mình cứ bị chìm trong những lo lắng và sầu khổ về tình trạng ở Việt Nam, Thầy nói: “Các con phải tự cứu lấy mình thôi, Thầy có vững chãi mấy cũng không thể bơi dùm cho các con được. Phải bám lấy hơi thở để giữ cho tâm an định trong giây phút hiện tại và tập nhìn sâu để thấy cái giá trị, cái mầu nhiệm của giây phút ấy trong từng công việc hàng ngày của mình như rửa chén, lau nhà, làm vườn, không được rời giây phút hiện tại, đừng để mình trở thành nạn nhân của hoàn cảnh. Các con nghe không!” Khi đọc lại Nẻo Về Của Ý, chúng ta cũng thấy lời dạy ấy: “Chúng ta phải có một nơi như thế để quay về để chữa lành những vết thương đang rướm máu, để nuôi dưỡng và bồi đắp lại những gì chúng ta đã phí phạm và để chuẩn bị cho một cuộc hành trình khác. Niềm tin, sự trong sáng của tâm hồn chúng ta đã bị hao tổn quá nhiều. Chúng ta nhận thức được điều đó, và chúng ta quyết định tìm con đường phải đi. Nghĩa là điều trước tiên và căn bản cần phải làm là phải trị liệu, bồi đắp, và nuôi dưỡng tự thân, nếu không thì sẽ đánh mất chính chúng ta.” Do đó, trở về để tự chữa trị và nuôi dưỡng lại thân tâm là sự thực tập rất quan trọng trong những năm Thầy bôn ba làm việc xã hội và vận động hòa bình cho quê hương đất nước.

Trong thời gian còn ở am Phương Vân, khi hay tin sách của Thầy và một số sách của những nhà văn nhà thơ ở Việt Nam bị đốt, Thầy buồn lắm. Ngay sau đó, Thầy thành lập nhà in để in sách chuyển đến cho các trại tị nạn và cố nhiên là tìm cách gửi chui về Việt Nam; cùng thời điểm đó, có rất nhiều người đến gặp Thầy để hỏi đạo. Thầy bắt đầu lấy việc tổ chức và hướng dẫn khóa tu làm niềm vui. Nhưng ở am Phương Vân thì quá nhỏ mà nhu yếu về am Phương Vân để tu học của bà con người Việt thì càng ngày càng đông. Ở am Phương Vân chỉ đủ chỗ ở cho không quá năm mươi người. Vì vậy Thầy phải đi tìm đất mới để làm trung tâm tu học cho bà con Phật tử.

Từ Paris, Thầy đi về phương Nam nơi có nhiều nắng nhất ở nước Pháp. Vào những năm này, rất nhiều nông dân Pháp bán nhà để lên thành thị kiếm những nghề lao động khác. Trung bình mỗi mười lăm phút thì Pháp mất một người nông dân. Thầy đi xem gần mười bất động sản mà vẫn chưa có cái nào thích hợp. Cuối cùng thì đến vùng Dieulivol. Ở đây Thầy tìm được một ngôi nhà cũ có khá nhiều phòng và cửa sổ, sáng sủa rất tiện để cất giữ sách, giấy tờ và tài liệu. Thầy rất thích ngôi nhà này và đã mua lại từ một ông nhà giàu với giá là hai trăm tám mươi nghìn quan Pháp. Trước đó nó là ngôi nhà thờ Tin Lành. Nói là ông nhà giàu, nhưng thật ra cha của ông mới giàu, đến đời của ông thì chỉ biết ăn chơi, cho nên của cũng hết mà đất thì ông đem bán dần cho các tá điền. Chỉ còn lại ngôi nhà này với hơn một mẫu tây (1 hectare 10000 mét vuông) đất vườn, nhưng rồi ông cũng treo bảng bán luôn. Đó là vào ngày 29 tháng 11 năm 1978 và am Phương Khê có mặt từ đó. Sau khi có Phương Khê thì Thầy và các học trò đi đến các tiệm sách và mua rất nhiều sách Việt Nam cũ đem về đây. Tuy đã có am Phương Khê, nhưng Thầy vẫn chưa về ở hẳn. Thầy vẫn lưu lại Phương Vân. Ở am Phương Khê Thầy trồng thêm trúc và mấy cây tùng, trong đó có ba cây tùng thuộc giống Himalaya và một cây tùng bút rất đẹp làm cho vườn cảnh ở am Phương Khê nên thơ, vừa hùng dũng vừa huyền bí. Sau này am Phương Khê được đổi tên là Nội viện Phương Khê, hay còn gọi là Sơn Cốc, là nơi sinh hoạt chỉ dành riêng cho các vị xuất sĩ. Trong khóa an cư Kiết Đông, thầy trò trở về đây mỗi tuần một lần để tu học, có mặt cho nhau rất đầm ấm, gọi là Ngày Xuất Sĩ, một ngày sinh hoạt rất thân mật, nuôi dưỡng và làm lớn thêm tình huynh đệ, nghĩa Thầy trò. Thầy đã sửa sang lại thêm một số phòng nghỉ để mỗi khi các học trò của Thầy muốn có một hoặc hai tuần tĩnh tu thì có thể về đây. Trong thâm tâm các thầy, các sư chú và các sư cô, thì Sơn Cốc là “quê nội” mà họ cảm thấy rất vui, hạnh phúc mỗi khi được trở về, được rong chơi trong không khí quê hương, trong những lời dạy dỗ, khích lệ quý báu đầy tình thương của Thầy.

Đất Bụt Phương Nam

Bước sang năm 2012 chúng ta sẽ ăn mừng Làng Mai ba mươi tuổi, nhưng có thật là chúng ta chỉ có ba mươi tuổi không? Chúng ta thử đi ngược lại dòng thời gian để được lắng nghe những niềm mơ ước của Thầy và đây là một đoạn trong Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, cuốn sách dưới dạng một bức thư mà Thầy viết cho anh Thiều (một cựu tác viên xã hội của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội): “Không những tác viên cần có một ngày trong mỗi tuần, họ còn cần có một tháng trong mỗi năm nữa. Chắc Thiều còn nhớ lá thư tôi viết để trả lời thầy Châu Toàn về dự tính Làng Hồng. Làng Hồng là một quê hương tâm linh cho người tác viên, cũng như Phương Bối là quê hương tâm linh cho chúng ta ngày xưa vậy. Chúng ta cần có Làng Hồng để trở về sau những lần đi công tác phương xa. Tại đây ta trồng cây, trồng rau thơm, đi bách bộ với trẻ con trong làng, thực tập quán niệm và thiền tọa. Thầy Châu Toàn trong một lá thư viết cho tôi đã nói tới dự tính ấy, và gọi khu làng quê hương tâm linh này là làng Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Thầy có nói cho tôi hay rằng khu vực chọn lựa có thể nằm gần miền cao nguyên và như thế có thể hạp với cây Hồng. Tôi nói như thế thì đặt tên làng là Làng Hồng nhẹ và đẹp hơn tên kia. Thầy Châu Toàn là một nghệ sĩ cho nên tôi rất tin cậy nơi thầy về khía cạnh tạo dựng vườn cảnh nghệ thuật của làng. Tôi có dặn thầy nên giữ tất cả những tảng đá lớn nhỏ có mặt trong khu đất dù dưới suối hay trên đồi và cũng dặn thầy đi đánh dấu tất cả cây lớn nhỏ nào có giá trị nghệ thuật để giữ lại. Làng sẽ có công viên, rừng và rất nhiều con đường đi bộ qua rất nhiều vườn Hồng và tên làng do đó mà có. Làng sẽ chia ra nhiều lô đất và mỗi tác viên sẽ có một lô; Thiều cũng có một lô, tôi cũng có một lô. Chúng ta sẽ làm một căn nhà đơn giản trong khu đất và trồng cây ăn trái và rau quả quanh nhà. Tôi ưa trồng rau thơm lắm. Tôi sẽ trồng sau nhà của tôi nhiều thứ rau thơm: cây ngò, cây quế, cây húng, cây tía tô, cây kinh giới, cây tần ô, cây rau răm, cây lá lốt. Tôi cũng sẽ trồng cây lá dứa thơm, cây sả, một giàn mướp ngọt, và có thể có cả một giàn hoa lý trước nhà. Thiều cười tôi đang sống với tương lai phải không? Đúng đó. Nhưng tôi cũng đang sống với hiện tại. Bên này tôi cũng trồng đủ thứ rau thơm. Tuyết có gởi cho tôi nhiều loại hạt giống nhưng chỉ trồng được vào mùa ấm thôi. Làng Hồng đối với tôi đã là một thực tại rồi. Làng Hồng cũng đã bắt đầu có mặt nơi Thiều. Thiều và các bạn nên xúc tiến việc thành lập Làng Hồng. Làng Hồng là một hình ảnh tươi mát trong lòng mọi chúng ta. Làng Hồng cũng là hình ảnh ấm áp. Các anh chị tác viên khi lập gia đình cũng nên về cư ngụ tại Làng Hồng. Làng Hồng sẽ có hợp tác xã. Mình sẽ săn sóc cho Làng. Tổ chức sinh hoạt cho trẻ con và tạo nề nếp sinh hoạt tâm linh cho mọi người. Mỗi tác viên khi về tới Làng Hồng là cảm thấy thoải mái. Trong một tháng cư trú tại Làng Hồng, người tác viên chơi đùa với trẻ con (bọn Lê Hải Thiều Âm lúc này có lẽ đông lắm), đọc sách, nằm võng, trồng rau, ngồi thiền, rũ bỏ mọi bụi bặm phiền não, luyện thêm ý chí, thêm yêu thương.” Đó là vào khoảng năm 1973. Vậy thì chúng ta đâu chỉ có ba mươi tuổi, chúng ta còn có mặt lâu hơn thế nữa. Nhưng chỉ vì thời cuộc, chiến tranh, lòng người mà chúng ta đã không tạo dựng được ước mơ của chúng ta ngay chính trên quê hương Việt Nam mà đã xây dựng một Làng Hồng trên quê hương nước Pháp. Cũng vào năm 1971, chính phủ hai miền vô hiệu hóa hộ chiếu của Thầy. Không thể trở về Việt Nam được nữa nhưng tình thương thì trước sau vẫn như một. Thầy và những người học trò của người vẫn đi khắp nơi để nói lên tiếng nói thay cho những người dân đang chạy dưới làn bom đạn.

Diễn hành New York 1982Vào năm 1982, nhiều tổ chức ở Mỹ mời thầy đi tham dự ngày diễn hành cho hòa bình tại New York. Hơn nửa triệu người Hoa Kỳ cùng tham dự cuộc diễn hành đó. Thầy cùng một số đệ tử và Phật tử Hoa Kỳ, học trò của thiền sư quá cố Suzuki cùng đi chung. Với tinh thần là Reverence for Life. Thầy dạy mọi người phải thật tình có bình an (Being Peace) thì mới đi cho hòa bình được (Walking for Peace). Thầy dạy rằng “Đi cho hòa bình thì mình tập đi trong tinh thần bất bạo động, không la ó, không vội vã, mỗi bước chân đi phải chế tác được năng lượng bình an”, và đó là pháp môn thiền đi. Ngày diễn hành, đoàn do thầy dẫn đầu với thiền sư Baker Roshi đi rất thảnh thơi. Nửa triệu người đi diễn hành phía sau không thích lắm vì đi chậm quá! Họ vượt qua mặt, rồi quay lại định mắng thì thấy đoàn người đi theo Thầy mang tấm băng rôn rất đẹp với dòng chữ “Reverence for Life” (Trân quý sự sống). Sau đó có nhiều nhóm tập đi chậm lại, thanh thản lại và viết nhiều bài báo về Thầy và nhóm của Thầy. Cũng trong chuyến đi đó Thầy ghé thăm Hòa thượng Mãn Giác trong một ngày gặp mặt các vị xuất sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Lần đó Thầy đã tâm sự rằng: “Người tu mà không có một nơi để tu học mà chỉ biết thờ phụng và cúng vái thì khó mà đi xa được trên con đường thành tựu đạo nghiệp và độ đời.” Hứng khởi từ lời chia sẻ của Thầy mà sau đó thầy Tịnh Từ đi tìm đất và bắt đầu xây dựng tu viện Kim Sơn. Cùng với lời mời của ông Baker Roshi (một vị thiền sư người Mỹ, trưởng tử của thiền sư Suzuki người Nhật đã viên tịch), một số thiền sinh Hoa Kỳ đã đứng ra tổ chức mời Thầy đi dạy trong nhiều tiểu bang Mỹ. Từ đó, cứ mỗi hai năm một lần Thầy đi qua Mỹ dạy Thiền Chánh Niệm Việt Nam cho người Hoa Kỳ. Lần nào cũng có bảy hay tám khóa tu cho người Mỹ và hai khóa tu tại Tu viện Kim Sơn: một khóa cho xuất sĩ và một khóa cho cư sĩ. Sau chuyến đi Mỹ năm đó thì người muốn theo học với Thầy quá đông. Thư thăm hỏi và xin đến học với Thầy gởi tới tấp. Nhiều nhóm người Hoa Kỳ muốn cúng dường đất, cúng dường trung tâm để Thầy mở Trung tâm thực tập chánh niệm. Vì Am Phương Vân quá nhỏ nên Thầy muốn lập Làng ngay để nhiều thiền sinh có thể đến tu học.

Xóm Thượng và Xóm Hạ có mặt

Thế là Thầy tiếp tục đi tìm đất. Từ Dieulivol Thầy đi về hướng Duras và cuối cùng tìm ra được một quả đồi khá rộng ở làng Thenac thuộc xã Sigoules. Sau này Thầy đặt tên là Thệ Nhật Sơn – Pháp Vân Tự, chữ Thệ Nhật rất gần âm với chữ Thenac. Thầy rất thích miếng đất này vì nó nằm trên một cái đồi cao, buổi sáng thấy được mặt trời mọc và buổi chiều có thể ngắm được cảnh mặt trời lặn, lại có rừng cây bao bọc xung quanh rất kín đáo, yên tĩnh. Nhưng Thầy thích nhất là con đường thiền hành rất đẹp bao quanh ngọn đồi. Ông chủ cũng thích miếng đất của ông lắm vì đây là nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông mà. Nhưng vì bị mất mùa liên tiếp mấy năm liền nên bà chủ mới nói ông bán đi để lấy vốn cho con trai lập nghiệp. Thế là ông đành treo bảng bán với giá 320 ngàn quan Pháp. Giá đắt quá, ông biết nhưng vẫn làm như vậy với niềm hy vọng là sẽ không có ai mua, một mặt cũng là vì chiều lòng bà xã. Tuy vậy, khi  mình hỏi mua thì ông cũng chưa chịu bán. Chắc là ông thương mảnh đất này quá. Nhưng bà vợ ông thì nói: “Quý vị ráng đợi đi, thế nào rồi ông cũng sẽ bán.”

Trong thời gian này Thầy đã liên lạc được với anh Thiều ở trại tỵ nạn Strasbourg và có ý mời anh về đây cùng Thầy xây dựng Làng Hồng. Có lẽ anh Thiều là một trong những người học trò yêu quý của Thầy nên Thầy đã dành rất nhiều tình thương cho gia đình anh. Trong chuyện Tý – Cây Tre Triệu Đốt, Tý (là đứa con trai đầu của anh Thiều) kể rằng: “Năm ngoái khi nghe tin ba vượt biên, ngày nào Sư Ông cũng niệm Phật để hộ niệm cho gia đình Tý được tai qua nạn khỏi. Sư Ông nói Sư Ông niệm Phật trong lúc cuốc đất, giặt áo, lượm củi, trồng rau và cả khi rửa chén bát nữa. Sư Ông nói nếu ba qua được thì ba sẽ cùng với Sư Ông làm Làng Hồng.” (Lời kể của Tý – trang 43-Lá Bối in lần thứ nhất 1984). Vì vậy, không mua được Xóm Thượng, nhưng Thầy muốn tìm một nơi khác để anh Thiều làm chỗ cắm dùi. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982 thì Thầy tìm được Xóm Hạ ở làng Loubès-Bernac, cách Xóm Thượng khoảng bốn cây số. Sau khi ký giấy mua Xóm Hạ thì vào tháng mười năm 1982 gia đình anh Thiều, từ Strasbourg về định cư ở Xóm Hạ. Gia đình anh gồm có hai vợ chồng anh Thiều, cu Tý, em Miêu, và Chó Con mới sinh ở trại Strasbourg chưa đầy một tháng, sau này Chó Con được đặt tên là Nhật Tâm, có nghĩa là trái tim mặt trời. Ngoài ra còn có anh Dũng là em nuôi của anh Thiều.

Hai tháng sau, đúng như lời tiên đoán của bà chủ, một trận mưa đá lớn đã làm hư hết nho của ông. Tức quá, ông tăng giá cao hơn nữa từ 320 lên 360 nghìn, nhưng ông vướng mắc vào mảnh đất này rồi cho nên vẫn chưa chịu bán. Nhưng mấy tháng sau, bà vợ làm áp lực cho nên ông cũng chịu bán với giá 360 nghìn quan, đó là vào tháng giêng năm 1983.

Xóm Thượng và Xóm Hạ có mặt

Đúng là đất ở Xóm Thượng thì chỉ toàn là đá với đá, cho nên khi sư cô Chân Không đi ra làm giấy tờ bà thư ký xã mới nói: “Tội nghiệp cho cô quá, gia đình cô sẽ chết đói. Ở đó không có nước, muốn lấy nước thì phải đi xuống cái giếng ở dưới mé rừng”. Nhưng sư cô nói: “Bây giờ đã có nước máy vào tận nhà rồi”. Bà thư ký xã nói tiếp: “Nhưng ở đó chỉ toàn là đá với đá, không trồng gì được cả, gia đình tôi đã bị chết đói ở đó”. Nhưng bà đâu có biết chỉ cần cày lên mấy luống, rồi tưới nước là trong vòng một tuần sau đã thấy mọc lên không biết bao nhiêu là rau dền. Rau dền mà nấu canh hay luộc chấm với nước xì dầu thì ngon đáo để.

Xóm Hạ có cả thảy là tám ngôi nhà, tất cả đều nằm trên lưng đồi. Nhà được xây bằng đá dày tới bảy tám tấc, mái được lợp bằng ngói âm dương. Những ngôi nhà này khoảng chừng hai trăm tuổi. Phía trước Xóm có hai cây sồi cổ thụ, mỗi cây được hơn ba trăm tuổi. Nhưng sau đó không lâu thì Làng bị bão và hai cây sồi bị trốc gốc. Cả Làng ai cũng buồn, cũng thương. Cu Tý thì vừa thương cho hai cây sồi mà cũng thương Sư Ông nữa. Nó nghĩ, Sư Ông cưng hai cây sồi này lắm. Nếu Sư Ông biết hai cây sồi đã ngã chắc là Sư Ông sẽ khóc. Giờ này Sư Ông đang ở trên Xóm Thượng, ở đó cũng có một cây đề (linden) rất lớn và nó cầu Bụt cho cây đề ấy đứng vững. Sư Ông đã không khóc như nó nghĩ, nhưng Sư Ông cũng gần khóc khi nhìn thấy cây đề quằn quại trong gió bão mà Sư Ông không làm gì được. Nhưng may thay sau đó có anh thiền sinh Scott Mayer (là nhà chăm sóc cây) tới giúp, cho nên cây đề được khỏe mạnh và đẹp hơn trước: Cây đề nằm ở trước sân Thiền đường Chuyển Hóa. Thiền đường Chuyển Hóa trước đó là một cái nhà nuôi bò và cừu, phân bò và phân cừu cao tới bụng nhưng sau đó được dọn sạch để làm thiền đường. Đến năm 1989 thì mình đã mời bạn của chị Thục Quyên là anh Ryzek, kiến trúc sư người Đức, trình bày lại phía trước và sửa sang lại như bây giờ, nhưng vẫn chưa có lò sưởi dù là sưởi củi. Đến khoảng năm 1998 – 1999 thì mình mới tô tường lại và đặt sưởi trung ương (central heating) và xây thêm nhà Tổ phía sau.

Vào khoảng năm1990, mình mua căn nhà của ông hàng xóm bên cạnh và đặt tên là Friendship Building (Tình Hữu Nghị, nghĩa của từ này gần với tên của ông chủ nhà Bonamy). Căn nhà này dùng cho thiền sinh cư sĩ lưu trú. Mình đã sửa sang lại với những phòng ngủ có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng dành cho hai người, ba người, bốn người. Nối liền với Friendship Building là nhà Stone Building (Nhà Thạch Lang.) Những năm đầu chưa có Cốc Ngồi Yên thì Sư Ông đã ở tầng trên của ngôi nhà này. Đó là phòng Mây Trắng. Bây giờ phòng ấy đã được ngăn lại thành hai phòng là phòng Walnut và Star Flower. Chính tại ngôi nhà này Sư Ông đã viết tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng.

Xóm Đoài và Xóm Trung

Năm 1992, chính quyền sở tại nói Xóm Thượng có thể bị đóng cửa vì không đủ tiêu chuẩn sinh hoạt công cộng. Cũng vào lúc đó anh cư sĩ Chân Pháp Nhãn (Karl Schmied) và chị Thục Quyên ở Đức đã chung nhau mua một căn nhà, cách Xóm Thượng khoảng một cây số và họ sửa sang lại rất đẹp. Có thể nói căn nhà này là nhà khách “năm sao” tính vào thời điểm đó. Đến năm 2003 thì cả hai người đã cúng lại cho Làng, và mình đặt tên là Xóm Đoài. Cùng năm này mình mua Xóm Trung, còn có tên là chùa Pháp Mai, chùa này chỉ mở cửa đón khách vào dịp có khóa tu lớn, Giáng Sinh hay tết Tây. Vào mùa Hè thì dành riêng cho người Việt và các thầy, các sư cô được cử tới để chăm sóc, hướng dẫn cho Phật tử tu học. Xóm Trung nằm trên con đường đi từ Xóm Thượng xuống Xóm Hạ. Vào những khóa tu lớn, đại chúng hàng trăm người đi bộ qua lại hai Xóm để dự ngày quán niệm, trông vui như ngày hội.

Làng mở cửa

Vào ngày 15 tháng 07 năm 1983, Làng mở cửa lần đầu – Summer Opening. Thầy đã viết thư mời mọi người qui tụ  về Làng Hồng lần đầu tiên. Có 117 người về tham dự. Lúc đó Xóm Thượng và Xóm Hạ, mỗi xóm chỉ có ba nhà vệ sinh cho nên các bác và các thanh niên đã giúp đào những hố tiêu khô dùng tạm. Trong số thiền sinh về Làng cũng có nhiều người còn có tri giác sai lầm. Họ nghĩ “chắc ông Thầy này là cộng sản nên đặt tên là Làng Hồng. Hồng hồng đỏ đỏ là cờ cộng sản đó mà(!) chắc là nơi thân cộng hay quy tụ cộng sản gì đây”, cho nên họ chuẩn bị đủ thứ giấy tờ, câu hỏi để chất vấn Thầy. Tuy nhiên sau khi về tu thấy người Việt cũng như người Pháp, người Anh,  người Hoa Kỳ ai cũng tập thở, tập đi trong chánh niệm, ngồi nghe pháp thoại và thấy Thầy chẳng nói gì đến cộng sản, cũng chẳng dính đến quốc gia, nhưng lại dính líu đến gia đình mình mà còn chỉ cách cho mình tháo gỡ những khó khăn với vợ con mình, nên từ từ họ mến Làng, thuyết phục vợ con cùng về Làng và càng ngày càng về đông. Vì vậy mà Làng mở cửa mỗi năm một tháng vào tháng bảy để người Việt có dịp đưa con cháu của họ về Làng học văn hóa. Thiếu nhi vừa học vừa chơi một tuần là có thể có “bằng chứng chỉ văn hóa Việt Nam”, biết bà Âu Cơ là ai, vua Hùng Vương là ai, Trưng Trắc Trưng Nhị, bà Triệu, Thánh Gióng, Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Lợi,… là ai, biết sông Hương ở đâu, sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai ở đâu; biết mười câu ca dao, biết mười thành ngữ Việt Nam. Tuần nào cũng có thực tập và học hỏi về truyền thống văn hóa Việt Nam: vì sao phải lạy Tổ Tiên, phải giỗ tổ tiên? Có lễ Bông hồng cài áo (là ý thức chánh niệm về sự hiện diện của Mẹ của Cha), Lễ Mừng Trăng Lên (để dạy ý nghĩa Tết Trung Thu). Không khí Làng trong những ngày Khóa tu mùa Hè thật vui, mọi người được nói tiếng Việt, được ăn cơm Việt, được mặc áo dài, áo bà ba, lại được tự tay mình cuốc đất trồng rau ngò, tía tô, xà lách, rau húng, và làm những giàn su su, bầu, mướp ngọt. Làng cũng là chiếc cầu nối giúp cha mẹ và con cái ngồi xuống để lấy đi những hố ngăn cách. Sự thay đổi môi trường và tuổi tác, mà nhất là văn hóa Tây Phương quá khác với văn hóa Việt Nam nên đã làm cho không khí trong nhiều gia đình ở hải ngoại rất nặng nề và căng thẳng. Nhờ vậy mà pháp môn Làm mới đã ra đời để giúp tháo gỡ những khó khăn và đổ vỡ ấy.

Trong lần kêu gọi đó, Thầy cũng nói đến ý định trồng mận (pruniers, plum trees) để gây quỹ cho trẻ em đói ở Việt Nam. Nếu để dành tiền túi được 15 francs là có thể trồng được một cây mận sống một trăm tuổi. Vậy là các cháu lại dành dụm tiền túi từ bố mẹ cho gửi về Làng trồng mận. Cháu nào cũng trồng năm sáu cây mận cho quỹ trẻ em đói. Các cháu trồng được tất cả là 1250 cây mận. Loại mận cho trái ngon và ngọt nhất. Không những chỉ có trẻ em Việt mà trẻ em Tây phương cũng rất hăng hái với lời kêu gọi này. Cha mẹ các cháu thì thấy đây là một việc làm có ý nghĩa và cũng là dịp để gieo trồng những hạt giống hiểu biết, thương yêu vào trong lòng các cháu cho nên rất hết lòng yểm trợ.

Thời gian trôi qua thật đẹp và bình yên. Đến năm thứ hai đầu mùa xuân, không biết từ đâu hoa thủy tiên mọc lên hàng nghìn, hàng vạn ở mé rừng bên phải Xóm Thượng, Thầy đặt tên cho mé rừng này là Pháp Thân Tạng. Vậy là Thầy lại viết thư mời mọi người về Làng dự Hội Thủy Tiên vào đầu tháng ba. Ba bốn năm sau, hoa mận đã lớn và cũng đã cho rất nhiều hoa. Vậy là bà con cũng kéo nhau về thăm Làng và thưởng thức Hội Hoa Mai. Vì ở miền Bắc Việt Nam hay gọi mận là mai (trái ô mai). Vào tháng tư, mận nở hoa trắng xoá nên thầy dạy đổi tên là Làng Mai cho hợp với thực tại. Vì vậy cho nên từ đó Làng lấy tên là Làng Mai. Bởi vì chữ Hồng có thể hiểu lầm là Làng chỉ trồng hoa hồng, cũng có thể là chỉ trồng hồng trái. (Ở Pháp người ta chỉ trồng hồng trái cho đẹp vườn nhà. Vì thế Làng chỉ trồng năm cây hồng ăn quả mỗi Xóm cho mình ăn thôi.) Xóm Hạ được Thầy đặt tên là Mai Hoa Thôn, Cam Lộ Tự.

Ngày 7 tháng 4 năm 1984 là lần đầu tiên ở Làng Mai có lễ truyền giới Tiếp Hiện, gồm có anh Lê Nguyên Thiều (nhận lại pháp danh Chơn Lễ), anh Đỗ Trọng Lễ (pd Chân Thuyên), Võ Thanh Giao Trinh (Chân Tuyền), Trương Diễm Thanh (Chân Thể), Trần Đức Minh (Chân Phong), Nguyễn Bá Thư (Chân Trí) và Lê Ngọc Ẩn (Chân Quán). Mùa Hè năm đó có chị Carole Melkonian (Chân Dung) người Hoa Kỳ, anh Robert Naeff (Chân Niệm) người Bỉ, chị Judith Bossert (Chân Sắc) người Hà Lan cũng nhận giới Tiếp Hiện.

Chúng Tiếp Hiện đầu tiên ở Làng Mai_Chúng Tiếp Hiện đầu tiên ở Làng Mai

Chúng Xuất sĩ và Cư sĩ

Trong mấy năm đầu thành lập Làng thì chưa có chúng xuất sĩ. Thầy chưa nhận đệ tử xuất gia vì chưa hội đủ điều kiện, không có thì giờ để chăm sóc và nuôi dạy đệ tử. Thỉnh thoảng cũng có quý Thượng tọa, Ni sư từ những nơi khác đến thăm. Trong số những người cư sĩ đầu tiên ở Làng thì có gia đình anh Lê Nguyên Thiều, rồi chị Chân Dung Carole Melkonian, nhưng chị Chân Dung chỉ ở một năm rồi xin trở về Mỹ và đến năm 1986-1987 gia đình anh Thiều cũng xin đi lập nghiệp ở một nơi khác. Hồi đó có chị Annabelle Laity (giáo sư cổ ngữ Đại học London), chị Thanh Minh là thuyền nhân đến năm 1987, anh Nguyễn Văn Ân cũng là thuyền nhân, sau khi nhận giới Tiếp Hiện thì có tên Chân Minh, Anh Đức chị Đoan (từ Thụy Sỹ) và chị Tịnh Thủy từ Vương quốc Bỉ qua. Nhờ tu tập có hạnh phúc mà chị đã sáng tác được một loạt những bài thiền ca xuất sắc như: Nên Hôm Nay Ta Vẫn Sống Nhẹ Nhàng, Từng Bước Chân Thảnh Thơi, Tao Ngộ, Thanh Thản Nẻo Đi Về, Xuân, Cây Sồi Năm Xưa, v.v.. Sau này có thêm bài Mở Thêm Rộng Lớn Con Đường. (Chị Tịnh Thủy đã phổ nhạc từ thơ của Thầy để tặng những người học trò đầu tiên của Thầy xuất gia trên núi Thứu). Chị Tịnh Thủy cũng là người hay “than thở” thời khóa dày quá và cuối cùng Thầy đã chế tác ra một ngày thực tập trong tuần không thời khóa gọi là Ngày Làm Biếng. Ngày đó có rất nhiều thời gian và không gian để thực tập, để chơi và làm những việc mà mình thích. Thầy dạy rằng mình phải thật sự làm biếng, đừng biến mình thành một công cụ bận rộn. Cho nên mỗi khi Thầy gặp ai vào ngày đó, Thầy ưa hỏi: “Sao! Con làm biếng đủ không?” (Are you lazy enough?). Cũng có chị Chân Hòa Evelyne Beulmes ở Hòa Lan sang, chị cũng sáng tác nhiều nhạc thiền rất xuất sắc như: The cloud, The Moon (có thể tìm thấy trong tập Mẹ Trong Lòng Người Đi). Sau đó không lâu thì có bác sĩ Lê Văn Hoàng, có anh Hoàng thì Làng cũng được nhờ rất nhiều, đặc biệt là trong những lúc có người ốm đau. Anh Hoàng dù đã tốt nghiệp Đại học Y Khoa Pháp nhưng anh lại chỉ chữa trị cho bệnh nhân theo nguyên tắc nhịn ăn, uống nước âm ấm thật nhiều và xoa bóp. Anh về Làng vì yêu và nhớ Việt Nam quá. Do vậy mà sau này đi đâu, anh cũng trồng tre khắp các Xóm. Ít lâu sau thì có bác Tư, bác Tư là người ở Làng lâu nhất, vì vậy mà ở Làng có rất nhiều người biết bác Tư. Nói chung trong mấy năm đầu thì Làng chỉ có những người cư sĩ thôi, phần đông là người Việt.

Ngày 17 tháng 11 năm 1988, chị Cao Ngọc Phượng được nhận đại giới khất sĩ nữ với Thầy trên núi Linh Thứu ở Ấn Độ (cô đã nhận 14 giới Tiếp Hiện xuất sĩ từ năm 1966 với tên Chân Không) cùng với chị Annabelle Laity với pháp danh Chân Đức (chị đã tu tại Ni viện Tây Tạng, Ấn Độ từ những năm 1980 trước đó), và chị Thanh Minh thọ 10 giới sa di ni với pháp danh Chân Vị. Kế đó có sư cô Thanh Lương (đệ tử thầy TịnhTừ) và sư cô Huệ Hảo (đệ từ thầy ThanhTừ) cũng tới xin thường trú tại đây, như vậy là Tăng thân xuất sĩ đầu được thành lập năm 1988 với năm thành viên. Sư cô Chân Không nói rằng, không ngờ sau khi có hình tướng của người xuất gia thì công việc xã hội của sư cô bỗng lớn rộng và làm lợi lạc cho rất nhiều người. Sư cô chỉ cần giúp cho người ta tu tập để chuyển hóa những khó khăn của họ thôi, nhưng chính những người đó sau khi được chuyển hóa thì lại là một cánh tay đắc lực giúp lại sư cô trong các công tác xã hội. Từ khi Làng bắt đầu có hình ảnh của những người xuất gia thường trú, thì những người trẻ cảm thấy thích thú và vui hơn mỗi khi về Làng tu tập. Sau nhiều lần được tiếp xúc với người xuất gia, người trẻ bắt đầu phát tâm xuất gia. Vào ngày 3 tháng 9 năm 1990 có đợt xuất gia đầu tiên tại Làng. Gồm có sư cô Chân Tu và sư cô Chân Đoan Nghiêm. Vào thời điểm đó Xóm Thượng chỉ có những người cư sĩ Tây Phương, họ không ở Xóm Hạ vì sự khác biệt văn hóa và thực phẩm. Cho đến ngày 27 tháng 12 năm 1990 có thêm một đợt xuất gia nữa, trong đó có thầy Nguyện Hải, sư cô Bảo Nghiêm, thầy Pháp Đăng và thầy Vô Ngại. Lúc bấy giờ Sư Ông đưa các sư chú mới xuất gia lên Xóm Thượng và cư sĩ Tây Phương cũng được chia ra, người nữ độc thân về cư trú ở Xóm Hạ và người nam cư sĩ ở tại Xóm Thượng. Tuy nhiên vì các sư chú mới xuất gia, chưa thành thạo nếp sinh hoạt và tu tập của Làng nên Sư Ông đã cử sư cô Chân Đức làm công việc quản chúng và hướng dẫn cho các sư chú một thời gian. Đến năm 1991 thì thầy Giác Thanh mới về ở hẳn tại Làng, sau đó có thầy Đạo Trị người Pháp tu theo truyền thống thiền Nhật Bản và thầy Sariputta tu theo truyền thống Nam Tông cũng về xin nhập chúng làm thường trú nên sư cô Chân Đức trở về lại Xóm Hạ, và kể từ đó Xóm Thượng hoàn toàn nằm dưới sự điều hành của chúng xuất sĩ nam. Năm 1990 có Lễ Truyền Đăng đầu tiên gồm: sư cô Chân Không, sư cô Chân Đức, anh Chân Đắc Arnie Kotler, anh Chân Hội Nguyễn Tấn Hồng, anh Chân Cơ Trịnh Đình Tấn, anh Chân Tuệ Nguyễn Hữu Lợi, chị Chân Sắc Judith Bossert, Chân Tiếp Joan Halifax, chị Eileen Kiera. Trong những thiền sinh Tây phương này có những vị đã là giáo thọ các truyền thống khác, nhưng Thầy thấy họ trân quý pháp môn chánh niệm của Thầy dạy nên Thầy đã trao đèn cho họ để đi hành đạo, để họ có thể truyền năm giới cho mọi người giúp người ta ăn ở hiền lành tử tế hơn. Vào ngày 26 tháng 01 năm 1991, có lễ xuất gia khác gồm có sư cô Hoa Nghiêm và sư cô Từ Nghiêm. Vào ngày 24 tháng 05 năm 1992 Sư Ông xuống tóc cho thầy Chân Pháp Ấn. Cuối năm 1992 có Lễ Truyền Đăng được tổ chức lần thứ hai ở Làng cho thầy Giác Thanh, sư cô Diệu Nghiêm, sư cô Như Phước Đàm Nhật, Chân Tịnh Lary Rosenberg, Chân Thừa Harrison Hoblitzter, Chân Giải Thoát Robert Schaibly (cựu mục sư Tin Lành), Chân Trí Nguyễn Bá Thư, Chân Ý Nguyễn Anh Hương, Chân Truyền Đinh Vân Khanh. Ngày 31 tháng 12 năm này Thầy làm lễ xuất gia cho sư cô Hương Nghiêm, thầy Pháp Tạng và sư cô Tịnh Nghiêm. Cuối năm 1993, ngày 11 tháng 12 có lễ xuất gia cho thầy Pháp Thành, sư cô Thoại Nghiêm, thầy Pháp Dụng, thầy Pháp Ứng, sư cô Định Nghiêm và sư cô Tuệ Nghiêm, gọi là gia đình xuất gia Con Cá. Ngày 24 tháng 05 năm 1994 có lễ xuất gia gia đình Con Chim gồm có sư chú Pháp Truyền, sư chú Pháp Hướng, sư cô Pháp Nghiêm và sư cô Bích Nghiêm. Ngày 03 tháng 08 năm 1994 có lễ xuất gia mang tên gia đình Cây Sồi gồm có thầy Pháp Niệm, sư cô Giải Nghiêm, thầy Pháp Cảnh, sư cô Khai Nghiêm và thầy Pháp Trú. Kể từ đó số đệ tử xuất gia với Sư Ông gồm cả người Đông phương và Tây phương tăng lên một cách thật nhanh. Khoảng vào năm 1999 tăng xá của khu nhà Bamboo không còn đủ chỗ ở nữa nên chuyển ra nhà Linh Quy và Thanh Phong nằm ở cánh rừng bình minh gần thất Ngồi Yên của Sư Ông. Sau đó vẫn không đủ chỗ và nhận thấy chúng xuất sĩ chia ra nhiều nơi thì không tiện lắm, nên đến năm 2001, chúng Xóm Thượng xây khu tăng xá mới chứa được khoảng sáu chục người. Cuối năm 2002 là hoàn tất và các thầy, sư chú đã chuyển vào ở. Tăng Xá mới của quý Thầy ở Xóm Thượng được xây theo hình chữ khẩu nhưng mặt trong và ngoài đều có cửa kiếng nên rất thoáng. Không khí rất chung, rất gần gũi, ấm cúng. Nhà ăn Xóm Thượng ở trên gác nhà bếp đã quá chật hẹp, nên năm 1999 – 2000 quý thầy đã sửa sang lại nhà bếp, xây lại nhà ăn và thêm phòng ăn mới. Thầy Pháp Dung về Làng đã vẽ nhà ăn và chăm lo việc xây dựng vì thầy là kiến trúc sư trước khi đi tu.

Khi mới mua đất, Sư Ông cũng đã tự tay trồng những hàng tùng và những cây tùng lọng, bây giờ chúng đã to lớn, khỏe mạnh trông rất hùng. Mỗi lần có dịp đi dạo quanh Xóm Thượng, Sư Ông hay chỉ cho các thầy, sư cô, và sư chú các cây tùng ấy và nói: “Các cây tùng này là những đệ tử rất giỏi, rất trung kiên của Thầy, là các sư anh của các con đó. Các con nên thỉnh thoảng tới thiền ôm các sư anh của mình để hưởng năng lượng vững chãi và trung kiên từ các sư anh. Các sư anh đã chứng được quả vị an trú, một trong bốn quả vị tu chứng của Làng Mai.” Sự có mặt của thầy Giác Thanh thường trú trong chúng cũng là một trường hợp đặc biệt. Thầy đã bôn ba nhiều nơi, tới với nhiều truyền thống thiền để học đạo, nhưng không thành công lắm. Khoảng năm 1987-1988 thầy đã được gặp Sư Ông lần đầu, nhưng thầy chỉ chào hỏi ngắn ngủi rồi ra. Thầy đã đến những trung tâm thiền tập lớn của Hoa Kỳ. Thầy đã từng tu miên mật ở trung tâm tu thiền của truyền thống Đại Hàn, Providence Zen Center. Ở trung tâm này, họ tu rất gắt: thức dậy 3 giờ sáng, ngồi thiền một giờ, lạy 108 lạy, kinh hành rồi ngồi thiền 1 giờ rồi lạy 108, ăn cơm vội vàng,… rồi lại lặp lại ba sinh hoạt tu tập đó cho đến 11 giờ khuya mới nghỉ. Thầy đã cố gắng, ép mình thái quá nên cái đầu của thầy bị lắc lắc mỗi khi thầy nhắm mắt vào thiền. Sau này thành dị tật. Cũng không có kết quả. Thầy lại bôn ba tìm thầy học đạo. Hôm đó thầy đi Canada thăm gia đình, Thầy gặp lại Sư Ông trong một khóa tu tổ chức tại Montreal, Canada. Trong khóa tu này thầy được đi thiền và ngồi chơi ngoài trời với Sư Ông và đại chúng. Trong buổi ngồi chơi ngoài trời ngắm mùa thu rực rỡ sắc màu, đại chúng hát bài “Thu Đẹp Vẫn Còn Hoài” do Sư Ông sáng tác dựa trên điệu nhạc dân ca Pháp; khi nghe bài nhạc đó thầy tự nhiên cảm thấy thân tâm nhẹ nhõm, thoái mái và an vui lạ thường. Sư Ông nói với thầy: “Này thầy Giác Thanh, tu tập đâu cần phải lao tác mệt nhọc để cầu giải thoát, giác ngộ trong tương lai. Tu là phải có an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Tất cả những cái thầy đang tìm kiếm đều đang có mặt ngay đây và bây giờ, không cần nhọc tìm đâu xa. Thầy thấy mùa thu có đẹp không? Đạo, giải thoát, giác ngộ đang nằm sờ sờ đó.” Từ đó thầy đã ngộ ra và thu xếp về ở luôn với Làng. Thầy được bổ nhiệm trú trì thiền đường Hoa Quỳnh tại Paris mà sau này đã đổi tên là trung tâm thực tập Hơi Thở Nhẹ. Năm 2000 thầy được Sư Ông và đại chúng bổ nhiệm làm trú trì Tu viện Lộc Uyển. Một năm sau thầy thị tịch vì căn bệnh tiểu đường đã khá lâu. Ở Xóm Thượng thầy có cái cốc gần bên thất Ngồi Yên, gọi là cốc Phù Vân.

Ở Làng mãi tới khoảng năm 1999-2000 mới có hệ thống sưởi trung ương (central heat), trước đó chỉ có sưởi củi và các thầy, các sư cô vào mùa thu và đông nào cũng bổ củi. Công việc ấy đã trở thành một sự thực tập rất vui trong đời sống hàng ngày của tu viện. Thiền đường Nước Tĩnh đã được xây dựng vào năm 1985, tới năm 1988 mới hoàn tất. Từ năm ấy tới năm 2009 – 2010 mới trùng tu lại và lần này là do những bàn tay của các thầy, sư chú tự làm, thỉnh thoảng có sự trợ giúp của các sư cô từ các xóm và các vị cư sĩ. Cho nên công trình trùng tu thiền đường Nước Tĩnh được thực hiện với nhiều niềm vui và tình huynh đệ. Thiền đường Nước Tĩnh bây giờ không còn phải sưởi bằng lò củi như trước nữa mà đã có hệ thống sưởi nền rất tốt, ấm mà ít hao tốn điện. Thất Ngồi Yên cũng được sửa sang lại đẹp hơn, ấm hơn vì có sưởi nền.

Xóm Mới và Sơn Hạ

Xóm MớiCàng ngày số lượng thiền sinh về Làng càng nhiều. Hồi năm 1985 chưa có thiền đường Cam Lộ đẹp như bây giờ. Chỉ có khung sườn nhà bằng sắt, nóc lợp tôn (tôle) để che nắng mưa và làm chỗ cho những sinh hoạt lớn vì thiền đường Nến Hồng của Xóm Hạ quá nhỏ. Khi có tiền xây thêm vách và gọi là thiền đường Cam Lộ thì ban Kiểm tra An ninh về hỏa hoạn đến kiểm tra thấy không an toàn cho quần chúng đến tham dự. Vì thế họ bắt đóng cửa Xóm Hạ để làm lại hết từ thiền đường đến các cư xá… Nhưng chỉ còn hai tháng nữa là Làng mở cửa cho khóa tu mùa Hè; cận ngày quá, Thầy trò phải đi tìm chỗ. Đi tìm rất nhiều chỗ nhưng không thích hợp và giá cả cũng đắt. Cuối cùng thì đi đến một dịch vụ chuyên tìm bất động sản cho khách. Họ cho xem khu nhà ở số 13 Martineau thuộc xã Dieulivol. Gặp được chủ nhà thì mới biết nguyên khu này nhà nước phải đầu tư bốn triệu rưởi quan để làm một trung tâm sinh hoạt vui nhộn nhằm giữ chân thanh niên thiếu nữ, sợ họ thấy làng quê tẻ nhạt mà bỏ lên thành thị. Xây dựng mấy năm nhưng không đủ vui, trung tâm sắp đóng cửa nên ban giám đốc nghĩ là chắc phải làm thêm phòng khiêu vũ thì mới giữ được người trẻ. Họ phải vay ngân hàng 500 ngàn để sửa nhà chứa rơm xưa thành phòng khiêu vũ, nhưng không đủ người trẻ đến và trung tâm bị vỡ nợ. Khu nhà này đáng giá là năm triệu tất cả nhưng vì thiếu ngân hàng nửa triệu mà không tiền trả nên ngân hàng siết nợ, cho đấu giá bắt đầu là nửa triệu Francs, hy vọng thiên hạ trả giá cao hơn. Nhưng không ai mua hết nên ông chủ nhà này mua được với giá chỉ có nửa triệu. Sau khi trả những nợ điện nước, giấy tờ, chi phí tổng cộng gần 800 ngàn Francs, ông hy vọng sẽ bán được giá cao. Chờ hoài mà không ai mua dù ông đã giảm giá còn một triệu quan. Sau khi đi thăm mình rất thích nhưng xin bớt lại một trăm nghìn để sửa chữa những nơi còn bị hư hỏng, ông đồng ý. Đó là vào năm 1996. Liền sau đó Thầy đặt tên cho trung tâm này là Xóm Mới. Nhà nước chủ trương xây dựng thôn quê cho tươi vui để người dân đừng bỏ quê mà đi, nhưng không được. Còn mình thì xây dựng Tăng thân, tổ chức khóa tu để cho người ta về, đem niềm vui lại cho miền quê, như vậy là hợp với chủ trương của nhà nước, là thuận với ý trời. Dieulivol có nghĩa là “thuận ý trời”. Vì thế Thầy mới đặt tên cho Xóm Mới là Thiên Ý Thôn – Từ Nghiêm Tự. Bên cạnh đó ở Xóm Hạ mình cũng đã sửa lại được Thiền đường Cam Lộ cho đúng tiêu chuẩn an ninh hỏa hoạn và được mở cửa trở lại kịp cho khóa tu mùa Hè. Chỉ có thiền đường là đúng tiêu chuẩn đón khách, nên mình chỉ cho khách xài thiền đường. Ngoài ra thiền sinh tất cả đều cắm lều. Mãi đến 1998, cư xá Đồi Mận mới được lên nóc, xây tường, tráng men nhà vệ sinh thì Xóm Hạ mới được phép chính thức hoạt động trọn vẹn.

Năm 1999 bác Mounet mất, nhà bác ở đầu thôn Hạ. Sau đó đứa con trai của bác cưới một cô vợ người Cao Miên, nhưng vì duyên nợ tiền kiếp như thế nào ấy khiến anh đổi tánh hoàn toàn. Anh thường gây khó khăn cho Làng, cứ liên tục đâm đơn đi kiện. Cuối cùng nhờ anh Chân Hộ Tăng (Pritam Singh) ở Mỹ mua giúp ngôi nhà đó, nên mình mới được yên; đó là căn nhà Cherry House bây giờ. Nhà Cherry House đã mua rồi nhưng nhưng chưa sửa sang gì cho nên chưa được đẹp lắm.

Sơn HạnLúc đó Thầy Pháp Lữ mới mách là ở dưới chân đồi Xóm Thượng về hướng Đông Nam có ông hàng xóm muốn bán mấy ngôi nhà rất đẹp. Hồi đó mình chưa có ý định mua, vậy mà không hiểu vì sao ông Dutheil cứ chạy lên chạy xuống hoài để năn nỉ mình mua. Cho đến một buổi chiều thứ tư hôm đó, ông đi lên Xóm Thượng và nói rằng: “Chuyến này chắc tôi không cách nào mà để dành cho quí vị được nữa, tôi đã hứa với mấy người Anh và thứ sáu này họ sẽ qua ký giấy; quí vị hãy xuống xem thử đi, tôi sẽ bán giá rẻ cho.” Mình đâu có nói mua đâu, chắc ông cũng thương mình và cũng không muốn bán cho mấy người Anh. Sợ họ làm hư mấy khu rừng tùng của ông vì ông biết mình sẽ bảo tồn rừng tùng do chính tay ông trồng. Lúc đó thì Thầy đang từ cốc Ngồi Yên đi ra xe về Sơn Cốc. Sau khi nghe vậy thì Thầy đồng ý đi xuống xem thử. Cùng đi với Thầy còn có sư cô Chân Không, thầy Pháp Ấn, và hai sư chú thị giả. Hiếm khi Thầy chịu đi xem đất lắm nhưng chiều hôm đó Thầy đã hoan hỷ đi. Sau khi đi thăm các dãy nhà, thì Thầy thấy trong dãy nhà kho bụi bặm đầy phân bò đó có một phòng với nhiều khung cửa đặc biệt. Với con mắt nghệ thuật Thầy nhận ra phòng này có thể làm thiền đường rất đẹp, nhưng Thầy thích nhất là khu rừng tùng chạy dài từ Vườn Bụt ở Xóm Thượng xuống dưới này. Ông chủ chỉ định bán ngôi nhà đẹp của ông thôi, rừng thì ông giữ lại. Nhưng Thầy bảo nếu ông chịu bán cả khu rừng từ Vườn Bụt Xóm Thượng xuống ngôi nhà mới này thì mình mới mua. Ông chủ do dự, vẫn còn thương khu rừng có rất nhiều nấm Truffes. Mình định đi về không mua, ông xin chờ vài phút để vào nhà bàn bạc với bà vợ, cuối cùng thì hai vợ chồng đều đồng ý bán luôn khu rừng chung với ngôi nhà. Khi mua xong thì mình liền chuyển một số các thầy và sư chú xuống ở và Thầy đặt tên là chùa Sơn Hạ. Như vậy là chùa Sơn Hạ được thành lập năm 2003 và đó là nhờ Bụt Tổ sắp đặt chứ mình không có tính trước. Sau đó không lâu ông chủ cần tiền nên ông bán thêm mấy khu rừng nữa, trong đó có luôn khu rừng sồi trước mặt thất Ngồi Yên của Sư Ông, trông rất hùng. Khu  nhà lụp xụp đầy phân bò với mấy khung cửa đẹp đã được sửa thành thiền đường Thánh Mẫu Ma Gia. Hai khung dài hai bên đã được đặt kính hoa rất nghệ thuật với hình Hoàng hậu Ma Gia vừa đản sinh Thái tử Tất Đạt Đa. Khung cửa kính bên kia đối diện với cửa chính là hình Bồ tát Địa Tạng tay cầm tích trượng. Từ ngày có Sơn Hạ thì thế đứng của Xóm Thượng trở nên vững chắc và hùng dũng hơn. Sự thật nếu không có Sơn Hạ thì chùa Pháp Vân bị mất thế phong thủy vì Sơn Hạ là mặt tiền của chùa Pháp Vân. Thầy nói, nếu sau này làm cổng chùa Pháp Vân thì phải làm từ Sơn Hạ. Khi thiền khách đến tu tập hay đến tham quan thì sẽ đi từ Sơn Hạ đi lên. Do đó vào năm 2004, Thầy đã cho xây hai trụ đá và khắc chữ Đất Bụt Phương Nam (Nam Phương Phật Độ). Thầy hay đi chơi từ Xóm Thượng xuống Sơn Hạ băng qua khu rừng tùng rất thẳng, hùng, đẹp, và nên thơ này. Những con đường ấy Thầy đặt tên là Những Con Đường Huyền Thoại. Nếu có dịp viếng thăm Sơn Hạ thì ta sẽ thấy câu thơ cạnh dòng suối do Thầy viết: “Sơn Hạ hữu tuyền, trạc chi tắc dũ.” (Câu thơ lấy từ Kinh Thủy Sám).

Sau khi nghe tin Làng có thêm Sơn Hạ thì anh Chân Hộ Tăng có ý muốn mua một ngôi nhà ở gần Xóm Thượng, sau này xong công việc kinh doanh thì sẽ sang Làng ở để có thể tu tập và làm những việc mà anh thích. Anh đã nhờ sư cô Chân Không hỏi mua một ngôi nhà gần đó, nhưng sau đó kinh tế xuống, anh không giải quyết được công việc kinh doanh bất động sản của anh, còn mình thì không đi lui được vì đã ra hành chánh rồi, vì vậy cuối cùng mình cũng mua luôn. Đó là nhà Tây Hồ bây giờ nằm ở hướng tây của Sơn Hạ.

Tu Viện Rừng Phong và Thanh Sơn Miền Đông Hoa Kỳ

Nhà trà tu viện Rừng PhongNăm 1997, Thầy dẫn một phái đoàn gồm khoảng 30 thầy, sư cô, và sư chú đi du hóa ở Mỹ. Đây là chuyến đi du hóa ở Mỹ với đông đảo đệ tử xuất gia nhất kể từ trước tới nay. Anh cư sĩ Chân Hộ Tăng đã bảo trợ tiền vé phi cơ cho Tăng thân. Sau khóa tu ở Đại học Santa Barbara, khóa tu ở Colorado và khóa tu cho giới tâm lý trị liệu được tổ chức tại Key West, Florida, Thầy và Tăng thân được anh Chân Hộ Tăng mời về nhà của anh ở vùng New England miền Đông Hoa Kỳ vì anh muốn cúng một phần đất của anh làm Tu Viện, Sư Ông bằng lòng. Trong khóa tu ở Key West, Sư Ông có làm lễ xuất gia cho bốn Cây Phượng, đó là sư chú Pháp Ân, sư chú Pháp Lạc, sư cô Hằng Nghiêm và sư cô Uy Nghiêm. Sư chú Pháp Lạc và sư cô Hằng Nghiêm lúc bấy giờ chưa có quốc tịch và hộ chiếu nên không thể qua Làng được. Vì vậy cho nên mình đã đưa các vị này về đó ở và tu tập. Anh Chân Hộ Tăng có mua thêm một căn nhà ở bên kia đường để làm nơi ở và tu tập cho các sư cô. Thế là Tu Viện Rừng Phong đã bắt đầu thành lập từ mùa thu năm đó. Sau đó Làng cử sư cô Chân Đức và một vài sư cô khác qua để tu tập và dựng chúng ở tu viện mới này. Thật ra Tu viện Rừng Phong cũng chưa hẳn là tu viện của mình, đó là khu đất dưới quyền sở hữu của anh Pritam, mình chỉ được mời ở đó để tu tập thôi. Anh cũng muốn xây dựng thành tu viện nhưng có rất nhiều khó khăn về vấn đề xin giấy phép sinh hoạt công cộng. Sau đó không lâu thì mình cũng mua thêm miếng đất khoảng 30 mẫu Tây với giá là một triệu Mỹ kim, ở cách đó khoảng 20 phút lái xe để làm trung tâm thực tập chánh niệm. Mình đã đặt tên là Tu Viện Thanh Sơn (Green Mountain Dharma Center). Hơn một nữa số tiền là do anh Pritam cúng, phần còn lại là từ sự cúng dường của các Phật tử, thiền sinh thập phương. Thật ra anh Pritam hồi đó có thể trả hết được, nhưng mình không muốn để một người cúng hết mà phải để cho nhiều người có cơ hội cúng dường, để thấy rằng đó là ngôi nhà tâm linh chung mà ai cũng có cơ hội để xây dựng. Khi đã mua xong Tu Viện Thanh Sơn thì các sư cô dọn về đó vì nó rộng rãi và thoải mái hơn, cũng không quá gần Xóm các thầy. Tăng thân đã ở đó được mười năm. Trong vòng mười năm ấy, mình thấy rất khó phát triển vì nó quá xa các thành phố lớn, lại rất nhiều tuyết vào mùa Đông nên ít người đến. Thứ đến là vì người dân ở đó đa số là người giàu có, họ chỉ muốn vùng đó yên tĩnh, không muốn có những sinh hoạt mang tính công cộng ồn ào nên không xin được phép sinh hoạt cộng cộng. Tu viện là để cho người ta tới tu tập, nhưng nếu mình không có phép để mở khóa tu thì rất khó phát triển. Các thầy cô ở đây cũng chẳng khác gì ở tu viện kín, tách biệt với xã hội, đó không phải là con đường của mình. Tuy phong cảnh tu viện được bao bọc bởi thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, hữu tình, mùa nào cũng đẹp cũng tráng lệ, nhưng mình đành phải dọn đi nơi khác. Mình đi tìm đất mới gần thành phố lớn hơn và cuối cùng đã tìm được Tu Viện Bích Nham vào năm 2007. Mình đã mua được trung tâm này vốn là khách sạn cũ với giá hai triệu bảy trăm ngàn đô la – đó là nhờ tiền bán lại Tu Viện Thanh Sơn. Nơi này có sẵn giấy phép sinh hoạt công cộng. Tu viện nằm trong rừng, khá yên tĩnh, không xa mấy với các thành phố lớn như New York, Boston, Massachusetts. Nay Tu viện Bích Nham phát triển rất tốt. Mỗi lần Sư Ông qua Mỹ thì khóa tu được tổ chức ở Tu viện Bích Nham có số người tham dự luôn trên 1000 người.

Tu Viện Lộc Uyển Miền Tây Hoa Kỳ

Tu viện Lộc UyểnNgay từ chuyến 1997, khi nghe có người cúng dường Sư Ông Trung tâm ở Miền Đông Bắc Hoa Kỳ mà miền này quá ít người Việt, nên rất nhiều Phật tử Việt Nam ở California tha thiết mong Sư Ông có được trung tâm Miền Tây ngay ở California này. Có ba người học trò cũ của Sư Ông là ông bà bác sĩ Nguyễn Văn Tiếng, bác sĩ Phạm Văn Điến và anh chị Nguyễn Trung Quân phát tâm mua một ngôi nhà để cúng dường làm trung tâm tu học. Đó là ngôi nhà ở Oceanside, khá rộng, kế nhà hai nha sĩ Mỹ Hạnh và Lê Văn Hòa. Sư Ông vui lắm và đặt tên là chùa Hải Biên (Oceanside). Nhưng tại đây cũng gặp cùng một vấn đề như Tu viện Thanh Sơn. Tăng thân đi theo Sư Ông không được quyền tiếp khách công cộng. Chỉ được tới thăm đông nhất là vài ba xe hơi nên sau đó mình đành trả lại thí chủ. Cô Hải ở San Diego thì một lòng một dạ muốn xây dựng một trung tâm tu học tại đây. Mùa Hè năm 1999, trong khi Thầy và 50 xuất sĩ nghỉ ngơi ở nhà bác sĩ Nguyễn Xuân Ba thì chị Hải mời anh Pritam cùng đi với thầy Giác Thanh, thầy Pháp Ấn, sư cô Trung Chính và sư cô Chân Không xem một số địa điểm, hy vọng làm trung tâm tu học tại miền Tây. Cô Hải đưa mọi người đi cả ngày xem mấy nơi chục bất động sản mà không tìm ngôi nhà nào vừa ý. Ngày thứ hai cũng tiếp tục đi mà chưa tìm được nơi nào. Cuối cùng anh Pritam mời mọi người đi xem một mảnh đất mà dịch vụ bất động sản mới đề nghị cho anh mua hôm qua. Đó là một khu thung lũng an tĩnh với bốn mặt phẳng đã ủi sẵn, có vài ngôi nhà, được bao quanh bởi đồi núi trùng điệp, rừng sage và vách đá cheo leo rất hoang dã mà lại ở sát phố thị. Chỉ lái xe 10 phút là tới thành phố Escondido thị tứ, bốn mươi lăm phút là tới trung tâm thị xã San Diego, một giờ mười lăm phút là tới Orange County quận Cam và hai giờ là tới phi trường Los Angeles. Trong 437 mẫu đất này lại có được bảy lô đất thổ cư nằm ở lối vào có thể cất nhà được. Tuy giá là trên một triệu hai trăm ngàn, (vì sẽ đưa ra đấu giá và giá sẽ cao thêm tùy người muốn đấu giá mua tranh với mình), nhưng mình có thể bán được bảy lô đất ngoài cổng vào cho những ai muốn cất nhà gần trung tâm và mua với giá ủng hộ là đủ lấy vốn với giá mua đất. Mặc dù bề ngoài khu đất này trông xấu xí, nhà cũ rệu, mười dãy nhà dài thủng nóc, thật nhiều vỏ đạn mà cảnh sát San Diego đến tập dượt để lại, nhưng trong chúng tôi ai cũng biết khu đất này có thể chuyển hóa thành một trung tâm tu học rất đẹp. Được biết khu này được dân da đỏ gọi với cái tên rất dễ thương là Deer Park (Vườn Nai). Sau đó có nhóm da trắng chiếm đóng. Có ghi vào điều lệ của chủ đất là cấm không cho dân da màu (đỏ, đen, vàng…) vào! Họ lập nhóm nudists (lõa thể, không mặc quần áo) trong khu của họ. Sau đó thì chính phủ mua lại và làm trung tâm cai nghiện cho 300 người, sau đó biến thành nhà tù và cuối cùng là trung tâm cho cảnh sát tập dượt bắn súng. Vì cần chỗ cho 300 người nên nhà nước đã cất mười dãy nhà sử dụng cho tù, có căn cứ làm văn phòng và nhà cho nhân viên ở. Có nhà bếp thật to để nấu cho 300 người, phòng ăn vĩ đại nhìn ra núi rừng bao la. Mọi người ưa thích quá nên Tăng thân định mời Sư Ông tới xem nhưng Sư Ông không đi được và nói tùy thuận Tăng thân. Thế là Tăng thân quyết định nộp đơn đấu giá. Giá đầu trong cuộc đấu giá là một triệu hai nhưng có thể lên tới năm sáu triệu vì có tới năm hội đoàn muốn ra đấu giá. Họ đề nghị là đừng đấu giá. Cứ giả vờ đấu giá thôi để giá chỉ là một triệu hai không lên cao. Mua xong thì sẽ chia ra năm phần và mỗi người chỉ trả non 300 ngàn. Tăng thân mình không chịu đề nghị đó. Vì nếu chia ra năm phần, rủi nhóm kia làm “nudists” hay đi săn bắn khác với lý lưởng mình thì sao? Sáu tháng sau mới có tin ngày đấu giá và các hội đoàn sẵn sàng hợp nhau lại đấu với Làng Mai tới cùng, ít nhất là có thể mua đến bảy triệu dollars. Chúng tôi nhờ anh Pritam đi đấu giá và căn dặn: Sư Ông không thích mình vay nợ nghe. Đủ tiền thì mua không thì thôi nhé. Anh nên thay mặt Tăng thân trả giá đến hai triệu rưởi thôi nghe. Nhưng một giờ sau, có một Phật tử ẩn danh điện thoại đến và thưa là vợ chồng con muốn cúng dường hai triệu dollars để Sư Ông mua trung tâm tu học vùng này cho thế hệ con cháu chúng con được nhờ. Nhưng ngay bây giờ thì chúng con xin cúng một triệu dollars trước. Khi nào thấy quý thầy quý sư cô đệ tử tiếp nối Sư Ông tu giỏi thì chúng con xin cúng nốt một triệu đô la còn lại. Nhờ thế nên sáng hôm đó Anh Pritam đi đấu giá với sự ưng thuận của Tăng thân là có thể trả giá lên đến bốn triệu đô la. Nhưng một giờ sau Pritam điện cho chúng tôi biết là đã thua cuộc rồi: “Em ngừng đấu lúc trả đến ba triệu chín”. Tôi tiếc rẻ hỏi tại sao, anh Pritam nói vì thấy có cái gì kỳ kỳ nơi cái ông đại diện cho năm nhóm kia. Sau khi ông thắng thì ông đưa cho em danh thiếp và dặn muốn mua thì liên lạc với ông, Pritam liên lạc sau đó thì ông đòi mình bỏ tiền ra làm một con đường vòng quanh núi vì nhà ông cũng là láng giềng. Mà làm con đường như thế sẽ tốn hai triệu dollars. Pritam nói: “Ông này điên rồi, sư cô quên đi để em tìm nơi khác cho.” Nhưng sư cô Chân Không tiếc quá bèn tìm cách xin số điện thoại của ông. Ông không có ở nhà, sư cô để lại tin nhắn, hai mươi phút sau ông gọi lại và nói: “Nghe tiếng cô bên kia đầu dây, tôi rùng mình và nghĩ rằng cô đã là người tôi trân quý từ nhiều kiếp rồi. Thôi cô gửi anh đại diện của cô đến đi, ta sẽ thu xếp để cô có khu đất đó.” Quả thật ông đã bán lại dễ dàng. Chỉ đắt hơn 100 ngàn dollars nghĩa là bốn triệu mốt để có thể giải thích được cho cái nhóm năm hội đoàn nhờ ông đại diện đứng ra đấu giá. Vậy là tháng 6 năm 2000, mình mua được Tu viện Lộc Uyển với diện tích là 437 mẫu đất nhưng không đủ tiền trả ngay được. Nhà nước cho mình thời hạn là hai năm. Vị thí chủ hứa cho hai triệu kia mới chuyển vô ngân hàng tu viện được một triệu thì ngay sau đó không lâu, nhiều cổ phần trên toàn quốc Hoa Kỳ bị xuống giá cho nên gia đình ấy không có khả năng cúng phần còn lại. Thật là nan giải. Cuối cùng mình làm phiếu kêu gọi Phật tử cúng dường hoặc cho Tu viện mượn tiền. Họ có thể cho mượn không lấy lãi từ 1000 đến 5000 đô la. Sau khi gởi phiếu kêu gọi đi thì có nhiều gia đình Việt Nam đem tiền lên cúng, hoặc cho mượn. Mỗi lần chúng tôi nhận tiền, có khi từ một cụ già (ông nói ông mượn chú hai con trai ông 1000, cô Ba 2000, cậu Tư 2000 và hứa trong vòng năm năm tu viện sẽ trả lại). Chúng tôi mới thưa với cụ rằng: “Chúng con thấy nhờ phước đức của cụ đứng ra làm việc này mà ngày mai đây sẽ có đông con cháu của cụ đến đây tu học, có thể đi tu và làm sáng rỡ sự nghiệp của Bụt ở tu viện này. Chúng ta xây Tu viện này là để cho thế hệ mai sau có nơi để trở về”. Thế là nhờ những bàn tay Bồ tát giúp đỡ nên chỉ trong vòng gần hai năm là mình đã trả hết được số tiền bốn triệu đó và mình đã có được một Tu viện Lộc Uyển hùng tráng như ngày hôm nay. Đó là do nhu cầu tu học của thiền sinh ở Mỹ và cũng nhờ những bàn tay giúp đỡ của nhiều người. Năm 2000 thầy Giác Thanh được cử về đó làm trụ trì cùng với các thầy như thầy Pháp Khâm, thầy Pháp Dụng, thầy Pháp Dung,… và các sư cô Trung Chính, sư cô Thoại Nghiêm, sư cô Châu Nghiêm,… Năm 2001, thầy Giác Thanh thị tịch trong lúc Sư Ông đang hoằng pháp ở Trung Quốc. Sư Ông có tặng thầy Giác Thanh bài kệ và đọc cho thầy nghe bài kệ đó qua điện thoại. Sau đó Sư Ông đánh điện từ xa về đề cử thầy Pháp Dung lên làm trú trì, ai cũng ngạc nhiên vì trước thầy Pháp Dung còn có nhiều sư anh lớn.

Những Năm Đầu Sinh Hoạt của Làng Mai

khóa tu mùahèNhững năm mới thành lập Làng, thời khóa sinh hoạt của Làng còn rất đơn giản, tụng kinh rất ít, nhưng ngồi thiền nhiều. Sư Ông vẫn còn giữ những lễ nghi sinh hoạt theo truyền thống: ví dụ tới giờ thuyết pháp thì phải có hai vị cư sĩ vào làm lễ thỉnh sư đăng đàn, có khay trầm, nến và thỉnh khánh để thỉnh sư vào pháp đường; hoặc ăn cơm quá đường có đắp y vào mỗi tuần vào ngày quán niệm chủ Nhật và cúng ngọ theo nghi quá đường, hoặc đi guốc mộc như các Hòa thượng thời xưa ở truyền thống, hay cho tham vấn riêng (tiểu tham) và mỗi ngày Thầy chỉ cho tham vấn hai người, cũng rất nghi lễ… Sau này Sư Ông lược bớt những lễ nghi để người Tây phương hội nhập dễ dàng hơn. Một khi mình đã có nội dung rồi thì lược bớt sự thực tập hình thức để cho sự thực tập sinh động hơn và đem lại nội dung tốt hơn. Khi không có nội dung trong sự thực tập thì mình dễ bám vào sự thực tập hình thức. Kẹt vào sự thực tập hình thức thì sẽ không sáng tạo và đi xa được. Tuy nhiên những nét nào hay của truyền thống thì Sư Ông giữ lại hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp, thực tiễn hơn với nhu yếu của thời đại. Đứng về phương diện giáo lý, giáo sản và sinh hoạt đều theo nguyên tắc này, tức là hiện đại hóa đạo Bụt. Và muốn cho đạo Bụt cắm rễ được ở đất Tây Phương, mình đã lấy bớt những tính chất nghi lễ mang nặng hình thức truyền thống, lấy đi bớt những kiến trúc chùa, Tu viện theo kiểu Á Đông và cách thờ phụng cũng vậy, để người Tây phương vốn đã có đạo gốc của họ có thể cảm thấy thoải mái khi đến với đạo Bụt. Mục đích là tạo không gian thoải mái để họ có thể học hỏi được cái tinh ba, cái nguồn tuệ giác thâm sâu của Bụt, Tổ để họ chuyển hóa tự thân. Cho nên mình đã có tinh thần cởi mở và linh động trong quá trình tu học, giảng dạy và trao truyền mà không để bị kẹt. Trong ba mươi năm qua, pháp môn tu tập của Làng Mai đã đối thoại được với các tư tưởng triết lý, thần học, tâm lý học và khoa học Phương Tây và chánh niệm là nền tảng tu tập căn bản của Làng Mai đã được áp dụng vào trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, y tế, học đường, môi trường,… Pháp môn tu học của Làng Mai đã dựa một cách vững chắc trên nền tảng giáo lý nguyên chất của Bụt và kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Tứ Niệm Xứ, Kinh Người Biết Sống Một Mình, Kinh Kim Cương và kinh Tam Pháp Ấn hay Tam Giải Thoát Môn là những kinh hành trì căn bản của Làng Mai; ngoài ra còn có những kinh khác nữa. Nắm vững được những kinh này thì khi đọc vào những kinh lớn như kinh Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Pháp Hoa, Đại Trí Độ Luận,… chúng ta không bị bay bổng trên những nguồn tuệ giác được cho là cao siêu mầu nhiệm, ngược lại nó giúp chúng ta ứng dụng được nguồn tuệ giác của những kinh luận ấy vào đời sống thiết thực trong hiện tại để giải quyết khổ đau, bế tắc bây giờ và ở đây.

_______________________

Đăng lại từ Lá thư Làng Mai 35 – 2012

Lịch sử Làng Mai

Tháp chuông đã về đã tới

Những câu chuyện hồi tưởng về Làng…

 Trước đây Làng Mai có tên là Làng Hồng vì ở đây có trồng nhiều cây hồng ăn trái. Sau đó 1250 cây mai thuộc loại pruniers dAgen, đã được trồng bằng tiền của các em thiếu nhi gốc Việt Nam về tu học. Mỗi em được bố mẹ cho tiền để trồng một cây. Cái tên Mai Thôn rất đẹp vì vậy chúng tôi đã đổi tên Làng Hồng thành Làng Mai, vì thực tế ở đây chỉ có mấy chục cây hồng trong khi có tới 1250 cây mai. Sau bốn năm rừng mai bắt đầu cho trái, khi mùa xuân đến mai nở hoa rất đẹp. Cứ tới tháng tư chúng tôi lại tổ chức Ngày Hội Hoa Mai. Dưới những gốc mai có trà, có bánh, có nhạc, có thi ca.

Ở Làng Mai có hai ngày hội hoa, đó là Hội Hoa Mai và Hội Hoa Thủy Tiên. Hội Hoa Mai có thể  tổ chức tại chùa nào cũng được vì cả ba chùa đều có rừng mai. Ở Xóm Hạ thì rừng mai đó chính thức là của mình, còn Xóm Thượng và Xóm Hạ thì không phải là của mình, đó là rừng mai của nhà hàng xóm. Nhưng những người hàng xóm tốt bụng này luôn sẵn sàng cho phép mình đi thiền hành hoặc tổ chức Hội Hoa Mai tại đó. Còn ngày Hội Hoa Thủy Tiên thì luôn luôn được tổ chức tại Xóm Thượng vì vào cuối tháng ba tại đây có hàng ngàn, hàng chục ngàn bông thủy tiên nở. Chúng tôi chưa bao giờ trồng những bông thủy tiên ấy, chúng nằm sẵn ở khu đất gọi là Pháp Thân Tạng. Bình thường thì những củ thủy tiên năm sâu trong lòng đất tới mùa xuân nắng ấm chúng tự động vươn lên, hàng ngàn, hàng vạn đóa thủy tiên rung rinh khoe sắc trong gió xuân. Chúng tôi thường tổ chức Hội Hoa Mai vào cuối tháng ba hoặc đầu tháng tư, sau đó khoảng nửa tháng thì chúng tôi tổ chức Hội Hoa Thủy Tiên. Nếu về Làng Mai trong thời gian này quý vị sẽ được dự những ngày hội rất nên thơ.

Sáu Cây Tùng Lọng

Ngày 28/9/1982, chúng tôi tìm ra được Xóm Hạ. Trước khi tìm ra Xóm Hạ thì chúng tôi đã tìm ra Xóm Thượng nhưng ông chủ của Xóm Thượng không chịu bán đất. Ông có một người con trai. Vợ ông ta muốn bán đất cho Làng Mai để lấy tiền cho con trai làm vốn. Nhưng ông Dezon, chủ của khu đất thì không muốn vì ông rất yêu quý mảnh đất ấy, ông vốn là một người nông dân nên không nỡ buông mảnh đất đã gắn bó với mình suốt bao năm trời. Lần đầu đến thăm Xóm Thượng tôi ưng ý ngay lập tức vì Xóm Thượng rất đẹp, tôi rất thích con đường thiền hành ở đó. Nhưng vì chủ nhà  chưa chịu bán nên chúng tôi đành phải tìm một chỗ khác, và chúng tôi đã tìm ra Xóm Hạ. Mặc dù tìm được Xóm Hạ rồi nhưng chúng tôi vẫn muốn có Xóm Thượng nên vẫn tiếp tục theo đuổi Xóm Thượng. Năm đó có nhiều mưa đá nên vườn nho của ông Dezon bị hư hoại vì vậy ông ta rất bực mình tăng giá đất lên cao. Thật ra ông tăng giá đất không phải để có nhiều tiền mà tăng để cho mình khỏi mua, vì ông vẫn không muốn bán. Nhưng mình ưng quá nên dù đắt vẫn mua.

Chúng tôi quyết định mở cửa Làng ngay năm đó, tức là năm 1983, mua đất vào mùa đông năm 1982 và mở cửa làng vào mùa hè năm 1983. Vì vậy từ mùa đông 1982 tới mùa hè 1983 thầy trò phải làm việc khá nhiều. Trước đó, mỗi mùa hè chúng tôi mở cửa ở Phương Vân Am cho thiền sinh tới tu tập. Phương Vân Am nằm ở miền Đông Nam của Paris. Nhưng am nhỏ quá, không tiếp đón được nhiều thiền sinh. Thế nên thầy trò tôi đã đi về miền Nam kiếm đất để làm một trung tâm tu học có thể tiếp đón được nhiều người. Bài thơ “Ảo hóa” đã được tôi làm ở Phương Vân Am. Hồi đó không gọi là Làng Mai mà gọi là Làng Hồng tại vì tôi còn hoài niệm về Làng Hồng ở Việt Nam. Làng Hồng là một trung tâm tu học mà Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và Dòng Tiếp Hiện dự trù thành lập để làm chỗ tu dưỡng cho những người tác viên xã hội. Hồng đây có nghĩa là cây hồng, trái hồng chứ không phải là hoa hồng.

Thật ra trước đó chúng tôi đã có Phương Bối Am ở miền cao nguyên Trung phần, ở Blao. Nếu quý vị từng đọc cuốn  Nẻo Về Của Ý và từng đọc Fragrant Palm Leaves hay là Feuilles odorantes de Palmier thì quý vị đã biết chút ít về Phương Bối Am. Phương Bối Am cũng là một loại Làng Hồng, được thành lập vào những năm 1950, nơi đây cũng là một trung tâm tu học. Nhưng vì nó cách thành phố xa quá đi, nên Dòng Tiếp Hiện và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã muốn có một Làng gần hơn. Khi viết quyển Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức tôi cũng đã có nói tới Làng Hồng và mãi tới tám năm sau thì điều tiên đoán trong Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức được thực hiện. Chúng tôi “tậu” được Làng Hồng.

Ban đầu chúng tôi tính trồng hồng nhưng thấy không thực tế nên cuối cùng đã chuyển sang trồng mai. Chúng tôi còn khá ngây thơ, nghĩ là nếu trồng nhiều mai thì đó là một nguồn kinh tế tự túc. Nhưng vốn không phải là nông dân chuyên nghiệp nên chúng tôi đã không thành công lắm. Chúng tôi đã hưởng hoa nhiều hơn là trái. Hồi ấy sư cô Chân Đức từng ghi tên học tỉa mai một tuần lễ và cô cũng có khả năng tỉa mai, nếu không tỉa thì mai không thể lớn lên được và không có trái. Nhưng sức của cô chỉ tỉa được vài chục cây là cùng trong khi mình có tới 1250 cây mai.

Chúng tôi bắt đầu trồng mai ngay vào năm đầu của Làng mở cửa, tức là năm 1983. Trong số những cây mai được trồng đó có những cây được trồng bằng tiền túi của các em thiếu nhi về Làng tu học. Các em nghe rằng trong bảy năm mai sẽ có trái, trái đó sẽ được phơi khô, bán và lấy tiền gởi về nuôi trẻ em đói ở Việt Nam và những nước nghèo đói. Vì vậy nhiều thiếu nhi đã để dành tiền túi mà trồng cây mận. Hồi đó mỗi cây mận mang tên một em bé Việt Nam hay một em bé ngoại quốc nhưng số lượng các em bé Việt Nam đông hơn. Mỗi em phải có 35 quan Pháp thì mới có thể trồng được một cây mai. Còn nếu không có đủ 35 quan Pháp thì em phải chung vốn với một em khác mới có thể trồng được một cây ở Làng Mai, nghĩ rằng cây đó để nuôi trẻ em đói nên các em rất vui sướng. Và chúng tôi đã cố gắng để trồng đủ số lượng 1250 cây. Đó là con số của tăng đoàn nguyên thủy của Bụt. Vào tháng 5 năm 1983, chúng tôi ấn hành tập: Sổ Tay Của Người Về Làng bằng tiếng Việt, sau đó mấy tháng cuốn sách ấy được ấn hành bằng tiếng Anh.

Đầu năm 1983 trên Xóm Thượng chúng tôi bắt đầu trồng cây. Những cây đầu tiên là tùng lọng, phía trên của cây tán xòe ra như một cái lọng. Hôm đó chúng tôi đã trồng được sáu cây tùng lọng dưới sự cộng tác của một bác nông dân trong vùng cùng với chiếc máy đào đất. Đất Xóm Thượng toàn đá, đào tới đâu là có đá ở đó nên phải có máy mới đào được. Ngày hôm ấy trời mưa và mọi người đều ướt nhẹp. Sau khi trồng xong tùng lọng thì tôi ngã bệnh và nằm luôn ba tuần lễ. Trong Làng ai cũng lo. May quá, sau đó tôi dậy được và bắt đầu ăn cháo.

Thiền hành - Xóm Hạ - Làng Mai

Khóa tu mùa hè gọi là Summer Opening. Mùa hè đầu tiên có 117 thiền sinh về tu học. Trong mùa tu học này chúng tôi chưa có thiền lạy, chưa có thi kệ nhật dụng nhưng đã có thiền tọa, thiền hành, thiền trà và tham vấn. Hồi đó chưa có các thầy các sư cô nên tôi phải hướng dẫn thiền sinh từ đầu tới cuối, từ A tới Z. Từ thiền ngồi qua thiền trà đến thiền hành. Tôi phải đi sửa lưng của từng người cho thẳng, đầu của từng người cho ngay ngắn. Hồi đó chưa có cuốn Thiền Hành Yếu Chỉ tức là tập sách viết về phương pháp thiền đi. Trước khi Làng mở cửa đã có một Lá Thư Làng Mai, nhưng hồi đó gọi là Lá Thư Làng Hồng. Lá Thư đó chỉ có 3 trang nhưng đọc cũng vui lắm.

Tôi xin đề nghị Tết này mình sẽ photocopy Lá Thư Thứ Nhất, Lá Thư Thứ Hai, Lá Thư Thứ Ba dán lên tường cho mọi người đọc. Các bạn của chúng ta sẽ biết những gì xảy ra trong năm đầu của Làng Mai. Những chi tiết như tôi trồng xong tùng lọng và ngã bệnh nằm luôn ba tuần cũng được ghi chép trong ấy. Mùa thu năm đó có Lá Thư Làng Hồng Số Hai, tường thuật đầy đủ về những gì đã xảy ra trong khóa tu mùa hè khiến mọi người rất hạnh phúc.

Ngay mùa hè đầu tiên mà đã có thiền sinh Tây phương về tu chung với người Việt. Vào mùa hè thứ hai có 232 người về tu, mùa hè thứ ba có 305 người, mùa hè thứ tư có 396 người, mùa hè thứ năm có 452 người, mùa hè thứ sáu 463 người, mùa hè thứ bảy 483 người, mùa hè thứ chín 1030 người. Tới 1996 thì vào mùa hè có 1200 người về. Vào mùa hè 1998 có 1450 người về Làng tu học. Mùa hè 1999 thì có 1500 người và vào năm 2000 thì số lượng thiền sinh tăng lên 1800. Cố nhiên không phải là 1800 người về Làng một lần, tại vì có người chỉ về hai tuần, có người về ba tuần, có người về một tuần, và có người về luôn bốn tuần. Có người về hơn bốn tuần vì sau khi về bốn tuần thì thấy thích quá nên đòi ở lại. Nói như vậy không có nghĩa là thiền sinh chỉ về mùa hè. Trong các mùa khác cũng có thiền sinh về để tu học. Những năm đầu thiền sinh ngoại quốc được ở Xóm Thượng. Thiền sinh gốc Việt Nam và Á châu thì ở Xóm Hạ để được ăn thức ăn quê hương.

Những cây tùng gọi là Cedre Atlantica mà quý vị thấy ở Xóm Thượng cũng được trồng vào năm đầu. Hồi mới trồng chúng chỉ cao có 1m20. Những cây đó lên chậm lắm và càng lớn chúng càng đẹp. Ba trăm năm nữa thì sẽ rất đẹp. Cedre Atlantica dịch là Tùng Đại Tây, có hai loại: một màu lục, một màu lam. Mỗi khi đi thiền hành ở Xóm Thượng chúng ta đều xuất phát từ cây tilleul, cây bồ đề. Qua thiền đường Chuyển Hóa, chúng ta gặp bên tay phải những cây tùng đại tây, những cây Cedre Atlantica. Bây giờ chúng đã đẹp rồi. Mỗi khi đi ngang qua những cây tùng đại tây đó tôi hay nghĩ tới các sư chú, các sư cô. Tôi thường hay đứng lại để ca ngợi “sư chú này làm ăn khá quá”, tại vì các cây tùng đó lên rất tốt tươi, rất xinh đẹp. Tôi thường nhìn và thấy đó là một sư chú hay một sư cô đang lớn lên rất mạnh khỏe trên đất Làng Mai. Mỗi khi đi ngang qua chúng tôi hay dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây tùng ấy. Hai mươi năm qua, bây giờ các cây tùng ấy đã lớn, không còn là những cây tùng nhỏ bé một thước hai như ngày xưa. Ở Làng Mai cũng có nhiều cái đã lớn như các cây tùng. Không những là các sư cô sư chú đã lớn, các Phật tử cư sĩ đã lớn, mà những pháp môn thực tập cũng lớn lên. Cả những kinh nghiệm học hỏi và thực tập của mình cũng lớn như những cây tùng.

Con đường thiền hành

Làng Mai vô tướng

Năm 1983, đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống tôi đã thấy hoa mai nở trắng cả đồi. Đó là cái nhìn trong bản môn.
Bây giờ chúng tôi đã có thêm các trung tâm Làng Mai tại Mỹ, Việt Nam, Đức, Thái Lan, Úc.

Có nhiều người khi tới Làng Mai rất ngạc nhiên vì nó không giống với những gì mà họ tưởng tượng. Có thể trong đầu quý vị ấy nghĩ rằng Làng Mai chắc phải ghê gớm lắm. Đối với phái đoàn của Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc, chúng tôi đã cảnh báo trước với họ rằng bên chúng tôi không có gì hết, chỉ toàn là cây thôi, thiền đường và tăng xá được xây dựng lại từ chuồng bò. Đã nói rất nhiều lần mà khi qua tới họ vẫn còn ngạc nhiên như thường. Họ không ngờ Làng Mai lại nghèo, đơn sơ và thanh bạch như thế. Tôi nhớ hồi xưa khi hòa thượng Tắc Phước ở bên Úc qua, ngài đem theo một cái máy thu hình (camcorder). Khi tới Làng ngài rất ngạc nhiên và nói: “Làng Hồng không có gì hết à?” Mà đúng là Làng Hồng không có gì hết: không có một mái chùa cong, không có một tượng Phật lớn. Vì vậy cho nên ý niệm của bạn về Làng Mai và sự thật về Làng Mai rất khác nhau.

Hồi hòa thượng Minh Cảnh sang thăm viếng Làng Mai. Ngài mới tới đây độ chừng hai tuần hay ít hơn hai tuần. Ngài nói: “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một rờ.” Ngài đã thấy, ngài đã rờ, nhưng mà chưa chắc ngài đã biết được sự thật về Làng Mai. Thượng tọa Nguyên Chơn tới trước, và cố nhiên cái thấy của Thượng tọa đã khác với cái thấy của hòa thượng vì thượng tọa Nguyên Chơn đã có cơ hội thấy những yếu tố không phải Làng Mai của Làng Mai. Nhìn vào Làng Mai như thế nào để thấy được những yếu tố không phải Làng Mai của Làng Mai. Thượng tọa Nguyên Chơn đã được đi Hoa Kỳ, đã được tiếp xúc với tăng thân của Làng Mai ở Hoa Kỳ, và vì vậy thượng tọa thấy được Làng Mai sâu hơn hòa thượng Minh Cảnh. Nhưng thượng tọa Giác Trí lại đã được thấy Làng Mai sâu sắc hơn vì thượng tọa Giác Trí đã được đi theo những chuyến hoằng pháp tại Châu Âu, đã đi Đức, đã đi Ý, đã thấy được tăng thân Làng Mai tại Đức, tại Ý; và vì vậy cái thấy của thượng tọa Giác Trí đã rất khác. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta có một cái thấy về Làng Mai.

Thầy Pháp Cần lớn lên ở bên Đức, học ở bên Đức và qua tu ở Làng Mai. Năm vừa rồi được tháp tùng phái đoàn đi Đức, thầy Pháp Cần đã khám phá ra một nước Đức rất mới. Trong suốt những năm ở Đức thầy ấy chưa bao giờ được tiếp xúc với tăng thân Làng Mai ở bên Đức. Về Đức lần này thầy thấy rõ ràng rằng ở bên Đức số lượng những người Việt và những người Đức tu học theo pháp môn Làng Mai rất đông. Có những pháp thoại ba ngàn người Đức tham dự, có những pháp thoại bảy ngàn người Đức tham dự, có những buổi thiền hành bốn ngàn người Đức tham dự. Trở về nước Đức, thầy khám phá ra một nước Đức hoàn toàn mới lạ. Làng Mai đang nằm trong nước Đức thế nhưng ở bảy, tám năm bên đó mà thầy không thấy. Chúng ta phải tìm thấy sự thật bằng con mắt vô tướng.

Những yếu tố không – phải – Làng – Mai nằm ở khắp nơi, nằm ở trong lòng mình. Thầy Pháp Đôn cũng vậy, lớn lên ở tiểu bang Florida, đã đi chùa bên đó, đã được gặp tôi trong một khóa tu bên Mỹ, đã qua Làng tu học. Mùa thu vừa rồi được tháp tùng tôi và phái đoàn đi Mỹ, thầy đã khám phá ra một nước Mỹ rất mới. Tại vì lần đầu tiên thầy được tiếp xúc với tăng thân Làng Mai ở bên Hoa Kỳ, khắp nơi, khắp nơi. Vì vậy, tới đây với một cái camcorder để thâu hình chưa chắc thâu được Làng Mai. Làng Mai không phải là một ngôi chùa Việt Nam đặt trên mảnh đất Âu châu. Trong Làng Mai ta thấy có văn hóa Ấn Độ, ta thấy có văn hóa Trung Quốc, ta thấy có văn hóa Việt Nam, ta thấy có văn hóa Tây phương. Vì vậy nhìn Làng Mai cho kỹ ta thấy có những yếu tố không phải là Làng Mai nằm ở trong Làng Mai. Cho nên Làng Mai cũng là một đối tượng thiền quán. Nhìn càng sâu, ta thấy càng rõ. Nếu không thì nhìn Làng Mai ta chỉ có một khái niệm rất cạn, rất mơ hồ về Làng Mai. Nếu nhìn Làng Mai cho kỹ thì mình thấy Làng Mai cũng bất sinh và bất diệt.

Ngày xưa khi đi thăm tu viện Kỳ Viên, Jeta Grove, ở Ấn Độ tôi thấy tu viện Kỳ Viên không còn nữa. Có một phái đoàn khảo cổ Nhật đang khai quật khu đất tu viện Kỳ Viên, phát hiện ra nền móng của nhiều tu viện san sát nhau. Tất cả tu viện Kỳ Viên đều đã bị san bằng theo thời gian và đất cát đã phủ lấp lên. Bây giờ nhờ đoàn khảo cổ đó khai quật nên chúng ta mới thấy rõ ràng những tu viện rất lớn nằm bên nhau san sát. Chúng ta nhận ra được đây là chánh điện, đây là tăng xá, đây là giảng đường. Nhưng tu viện Kỳ Viên đâu phải không còn? Vì khi chúng ta đi qua các nước khác, thấy các tu viện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hay Tây Tạng thì chúng ta lại thấy rằng Kỳ Viên vẫn còn đó trong những hình thức mới của nó. Vì vậy Kỳ Viên tính là bất sinh bất diệt. Làng Mai cũng vậy. Ví dụ ngày mai này họ đóng cửa Làng và có người xây cất siêu thị ở Xóm Thượng và Xóm Hạ thì Làng Mai vẫn còn, còn dưới những hình thái mới của nó ở khắp nơi, nhất là trong lòng chúng ta. Vì vậy, tới Làng Mai, ta phải nhìn Làng Mai cho kỹ để thấy được tính bất sanh bất diệt của Làng Mai, thấy thực tại của Làng Mai vượt ngoài các tướng.

Những chiếc lá mầu nhiệm

 

Xóm Thượng, ngày 15.10.1987

Các con,

Sư Ông muốn kể cho các con nghe câu chuyện về mấy chiếc lá mà Sư Ông và một số thiếu nhi đã lượm được ở rừng núi bên Tu Viện Kim Sơn vào tháng 6 năm nay. Khóa tu ấy có 250 người, trong số này có 24 thiếu nhi. Hôm ấy trong buổi đi thiền hành chung với đại chúng, Sư Ông và các thiếu nhi đi đầu. Con đường xuyên qua rừng rất đẹp. Sư Ông lượm được một chiếc lá. Chiếc lá này chỉ lớn bằng hai ngón tay cái của một thiếu nhi mười tuổi nhưng đẹp lắm. Có cả màu đỏ, màu xanh, màu tím, màu vàng trong tờ lá. Những đường gân của tờ lá hiện ra rất rõ. Sư Ông liền trao lại tờ lá đó cho bé Tường Vi.

Đoàn thiền hành đi tới Hiếu Thảo Viên thì dừng lại nghỉ chân. Mọi người ngồi xuống các cội cây và tập hát bài Quay Về Nương Tựa bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Tập hát xong Sư Ông lên tiếng: “Tôi xin báo tin mừng cho đại chúng. Trong khi đi thiền hành, Sư Ông đã lượm được chiếc lá đẹp nhất ở trong rừng và đã trao lại cho bé Tường Vi”. Nói câu ấy xong, Sư Ông quay sang bé Tường Vi và nói bé đem khoe cái lá với mọi người. Tất cả đều chú ý tới chiếc lá. Chiếc lá hiện ra rất rõ. Chiếc lá quả thật là rất đẹp và rất mầu nhiệm. Sư Ông nói tiếp: “Ở trong cuộc sống hàng ngày, có khi ta đi ngang qua nhiều cái rất đẹp, rất mầu nhiệm, mà vì chúng ta không để ý tới cho nên chúng ta không thấy. Điều này rất uổng”.

Sau đó đại chúng đứng dậy, tiếp tục đi thiền hành trong im lặng. Khi đoàn thiền hành về tới sân Tổ Đường, mọi người tập họp lại để có dịp hỏi thêm về cách đi thiền hành. Sư Ông bảo bé Tường Vi lấy chiếc lá đẹp ra và đem tới biếu mẹ như là một món quà quý nhất mà Tường Vi có được trong ngày hôm ấy. Mẹ của Tường Vi rất sung sướng được Tường Vi tặng món quà vô giá này và hai mẹ con đã ôm nhau rất có hạnh phúc trước sự chứng minh của đại chúng.

Ngày hôm sau, trong khi đi thiền hành qua rừng, thiếu nhi đã lượm được chừng mười hai tờ lá khá đẹp và tặng cho Sư Ông. Sư Ông cảm thấy rất sung sướng trong khi tiếp nhận những tờ lá ấy. Sư Ông bỏ tất cả những tờ lá kia vào trong hai túi áo của Sư Ông. Tuy là tháng sáu tây nhưng hôm ấy trời lạnh và hôm nào cũng có sương phủ kín cả ngọn núi Madona. Vì vậy mọi người đều phải khoác áo ấm. Đi thiền hành về tới Tổ Đường, Sư Ông báo tin cho đại chúng biết là Sư Ông đã nhận tới mười hai tờ lá đẹp của thiếu nhi tặng. Sư Ông nói: “Thưa đại chúng, được các thiếu nhi tặng lá, tôi rất sung sướng. Nhưng tôi không muốn giữ cái hạnh phúc này cho riêng một mình tôi. Tôi xin chia sẻ nó ra với quý vị”.

 

 
Rồi Sư Ông đề nghị các thiếu nhi nhận lại mỗi em một tờ lá đẹp và đem tới tặng cho ba hoặc mẹ của mình. Đại chúng theo dõi hơi thở và nhìn các em nhận lá và đem tới tặng cho cha hoặc mẹ. Tặng lá xong,  các em lại được ôm cha mẹ mình. Ôm theo phương pháp mà Sư Ông đã dạy hồi sáng: vừa ôm vừa thở và có ý thức để thấy mình sung sướng trong khi ôm và khi được ôm. Đại chúng lặng yên và chứng kiến cảnh ấy, cảm động như trong lễ Bông Hồng Cài Áo vậy. Món quà chỉ là một tờ lá, nhưng quý giá vô cùng, bởi vì hạnh phúc nó đem đến rất là lớn. Đâu có phải cần nhiều tiền mới mua được quà để tặng cho người thân. Nếu mình tỉnh thức thì mình gặp rất nhiều, thiếu gì những món quà vô giá. Cái nhìn và hai cánh tay của mình cũng là những món quà vô giá rồi.

Ngày hôm sau, trong khi đi thiền hành, thiếu nhi lượm được rất nhiều lá đẹp. Có em còn lượm được những vật khác cũng rất đẹp. Như một hòn sỏi có những hạt lấp lánh như kim cương; như một cái vỏ ốc có đường xoáy tròn theo kiểu thành Cổ Loa nước Đại Cồ Việt. Hôm ấy sương xuống nhiều, cây cối ướt đẫm. Chiếc lá nào cũng đậm sương. Hai túi áo của Sư Ông không lớn lắm nhưng chứa đầy cả lá, sỏi và vỏ ốc. Có ít nhất là sáu mươi cái lá, chiếc nào cũng ướt mèm. Trong túi áo Sư Ông có sẵn một chiếc đồng hồ vuông nhỏ (thứ đồng hồ để ngồi thiền) và một bài thơ của một thi sĩ viết về thiền hành xếp lại làm tư. Cái đồng hồ tuy bị ướt nhưng cũng không sao, tuy có bài thơ thì ướt mèm và bao nhiêu chữ trên giấy đều nhòe hết. Đi thiền hành về tới Tổ Đường Sư Ông mới phát hiện ra điều đó. Sư Ông không ngại gì hết, bởi vì ướt bài đó Sư Ông có thể xin lại bài khác, bởi vì thi sĩ là một trong những thiền sinh còn đang tu cho đến mãn khóa. Sư Ông báo cáo với đại chúng như sau: “Thưa đại chúng, hôm nay tôi là người sung sướng nhất trên đời, vì tôi đã được thiếu nhi tặng đầy hai túi áo biết bao nhiêu tờ lá đẹp, biết bao nhiêu hòn sỏi xinh và vỏ ốc quý. Tôi nghĩ là phải chia sẻ những niềm vui này với quý vị”.

Rồi Sư Ông đề nghị hai mươi bốn thiếu nhi mỗi người lên nhận một tờ lá, một hòn sỏi hay một vỏ ốc để đem tặng các cô các bác có mặt. Sư Ông nói: “Mình có thể tặng quà cho tất cả các cô các bác nào như hôm qua mình tặng quà cho cha mẹ vậy. Quà có nhiều, thành mỗi thiếu nhi có dịp đem tặng hai hoặc ba lần cho những người có mặt. Hạnh phúc được chia đều trong buổi sáng hôm nay.

 

 

Các cháu Thành, Đông, Thảo, Hàm, Lân, Ngọc Anh, Victor, Trân, Minh Đức, Ngọc Đức, Hùng, Hoa, Tân, Huy, Phượng Thư, Quốc, Trung, Quán Anh, Thụy Anh, Phương Thủy, Phong Lan và Duy Ái hôm đó, cháu nào cũng đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người.

Các con ơi, mỗi ngày chúng ta nên tìm cách làm cho một hoặc hai người sung sướng, và những người này có thể là những người thương trong gia đình hoặc bạn bè ngoài xã hội. Làm cho họ sung sướng bằng cách tặng một món quà. Món quà đó không hẳn là phải xuất tiền mua. Món quà đó nếu ta mở mắt ra tự khắc ta tìm được. Một nụ cười, một câu nói, một vòng tay ôm là những món quà ta luôn luôn có sẵn mà không bao giờ ta thiếu hoặc mất đi được. Cho người khác một món quà, làm cho họ có niềm vui, đó là ý nghĩa chữ maitri trong đạo Phật. Maitri nghĩa là Từ, và Từ nghĩa là cho kẻ khác một niềm vui. Sư Ông đã quen tới trên một ngàn thiếu nhi Việt Nam tại Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu lận. Nếu mỗi ngày mỗi thiếu nhi tặng được một niềm vui cho kẻ khác, thì như vậy, mỗi ngày các con làm cho trên một ngàn người có hạnh phúc. Nội một ý nghĩ đó cũng đã làm cho mình vui suốt ngày rồi. Các con có biết đức Bụt tương lai sẽ giáng sinh tên là gì không? Ngài tên là Maitreya, nghĩa là Người Cho Niềm Vui. Chữ Maitreya từ chữ Maitri mà ra.

Hay chính các con họp lại thì thành ra đức Bụt Maitreya đấy ?

Sư Ông của các con

Nhất Hạnh

 

Sinh nhật của một giọt sương

Các con,

Sáng nay đi thiền hành, Thầy nghe tiếng của một giọt sương gọi. Giọt sương không gọi bằng âm thanh mà gọi bằng những tia ánh sáng muôn màu. Thầy dừng lại đến gần giọt sương. Giọt sương nằm ở đầu một chiếc lá liễu buông dài như một ngón tay. Giọt sương đã ôm lấy mặt trời và giọt sương tỏa chiếu ánh sáng muôn màu về phía Thầy. Giọt sương rực rỡ không kém vầng thái dương. Thầy chắp tay chào giọt sương và Thầy nghĩ: Nếu mắt Thầy thấy được giọt sương đang tỏa chiếu hào quang thì ống kính của chiếc máy ảnh cũng thấy được. Thầy đi vào thư viện tìm chiếc máy chụp hình. Thầy đã kê sát ống kính vào giọt sương và Thầy đã thành công ghi lại hình ảnh giọt sương lấp lánh hào quang ngũ sắc.

Ban đầu, Thầy nghĩ giọt sương trên đầu chiếc lá là một hiện tượng mong manh. Nhưng sau đó, Thầy thấy giọt sương cũng có tính bất sinh bất diệt. Buổi sáng nào đi thiền hành qua cây liễu Thầy cũng có thể thấy được giọt sương dù là trong một bình minh sáng chói hay trong một ngày trời âm u. Thầy đã thấy một lần rồi thì Thầy có thể thấy được mãi mãi.

Sư bà Đàm Lựu của các con là một giọt sương lóng lánh bất sanh bất diệt. Trong liên tiếp ba Đại giới đàn Cam Lộ, Hương Tích và Nến Ngọc, Sư Bà đã có mặt để làm thầy truyền giới cho các con. Các con đã được gần gũi và học hỏi nhiều lần từ Sư Bà. Sư Bà đã đi xuất gia từ hồi còn tuổi nhỏ, đã trải qua nhiều gian nan và trở ngại lớn lao, đã vượt thắng tất cả để thành công như một người tu nữ. Tâm bồ đề của Sư Bà chưa từng bao giờ xao động. Chiếc áo người tu Sư Bà tiếp nhận từ ngày xuất gia, Sư Bà đã trân quý mỗi ngày “Đẹp thay áo giải thoát, áo ruộng phước nhiệm mầu, con cúi đầu tiếp nhận, đời đời nguyện mang theo”. Chí khí của Sư Bà cao khiết và hùng lực không kém gì chí khí của một bậc nam tử, có khi còn cao khiết và hùng lực hơn. Sư Bà đã nhiều phen tỏ bày đức vô úy, bất chấp mọi đe dọa, dù những đe dọa ấy tới từ phía nào. Cái gì đúng và đẹp thì Sư Bà làm. Cái gì không đúng và không đẹp thì Sư Bà nhất định không tham dự. Thầy đã nhiều lần nghiêng mình trước đức vô úy ấy.

Sư Bà có nếp sống tâm linh sâu sắc nhưng Sư Bà cũng là một mẫu người hành động. Bằng hai cánh tay của mình, Sư Bà đã xây dựng lên cơ đồ hoằng pháp với bao nhiêu tri chí, kiên nhẫn và tình thương. Đồ chúng của Sư Bà được Sư Bà ôm ấp và che chở như một bà mẹ. Ai cũng hưởng được đức từ bi cao cả của Sư Bà.

Thầy có rất nhiều ân nghĩa với Sư Bà. Từ gần bốn chục năm nay, bất cứ một đề xướng nào của Thầy trong phạm vi Phật sự, Sư Bà đều yểm trợ. Yểm trợ một cách thầm lặng và yểm trợ một cách chính thức. Không có một buổi họp nào về tương lai của người thanh niên học tăng mà Sư Bà không đến tham dự. Không có một khóa tu nào cho người thanh niên học tăng mà Sư Bà không gửi đệ tử tới học. Và chính Sư Bà cũng đến tham dự, ban phát niềm vui trong các khóa tu đầm ấm ấy. Một lần đi thăm khóa tu về, Sư Bà đã hát “Boong, boong, tôi là chuông đại hồng, ngôi chùa xưa trên đỉnh núi” khiến các sư cô đệ tử người nào cũng ngạc nhiên thích thú.

Tại xóm Mới chùa Từ Nghiêm, Làng Mai, Sư Bà nói Thầy là Mẹ Âu Cơ có một trăm con xuất gia. Nhưng trong số các con, có ai không phải là con của Sư Bà? Con gái cũng vậy mà con trai cũng vậy. Tất cả được thương yêu và chăm sóc. Các con có nhớ ngày Thầy trò mình thăm viếng Sư Bà trong mùa Thu năm ngoái không? Sư Bà đứng tên cùng bảo trợ khóa tu, thời thuyết giảng công cộng cho đông đảo đồng bào, buổi đi khất thực trong công viên San Jose và trong chùa Đức Viên…

Sư Bà còn đó, như một giọt sương long lanh ngàn đời bất diệt. Mỗi buổi sáng, ta đều có thể thấy được Sư Bà. Ngày hôm nay là sinh nhật của Sư Bà. Ngày hôm nay là ngày sinh nhật của người tu nữ ấy. Ngày nào cũng là ngày sinh nhật của người tu nữ ấy. Các con hãy viết mỗi người vài dòng để làm quà sinh nhật cho Người.

Thầy của các con

Nhất Hạnh

Trở về trong tình anh em

Thư của Sư Ông Làng Mai gửi Tổng thống Mỹ
George W. Bush (ngày 8.8.2006)

Kính thưa Ngài Tổng thống!

Đêm qua, tôi mơ thấy anh tôi (anh tôi vừa từ trần cách đây hai tuần tại Hoa Kỳ). Anh đang ở bên các con của anh và nói với tôi: “Chúng ta hãy cùng nhau về nhà đi.” Sau một tích tắc ngần ngừ, tôi vui vẻ trả lời, “Vâng, chúng ta phải về nhà thôi.”

Thức giấc vào khoảng năm giờ sáng, tôi nghĩ tới tình hình bên Trung Đông, và lần đầu tiên tôi có thể khóc. Tôi khóc rất lâu và cảm thấy nhẹ hơn sau một giờ đồng hồ. Rồi tôi xuống bếp pha trà. Trong khi pha trà tôi nhận ra rằng lời anh tôi nói là đúng: “Nhà của chúng ta đủ rộng cho tất cả chúng ta. Hãy cùng nhau trở về trong tình anh em.”

Kính thưa Tổng thống, tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống có thể khóc như tôi đã khóc sáng nay, Tổng thống sẽ cảm thấy nhẹ bớt rất nhiều. Chúng ta đang giết những người anh em của chúng ta ở bên đó. Họ là những người anh em của chúng ta – Chúa đã nói với chúng ta như vậy, tất cả chúng ta đều biết như vậy. Họ có thể không coi chúng ta như những người anh em bởi vì họ đang thù hận, hiểu lầm và kỳ thị. Tuy nhiên, với chút ít tỉnh thức, chúng ta có thể nhìn mọi sự từ một khía cạnh khác, và như thế chúng ta giải quyết tình trạng bằng cách khác. Tôi xin đặt hết tin tưởng vào Đức Chúa nơi Ngài. Tôi xin đặt hết tin tưởng vào Phật tính trong Ngài.

Xin cảm ơn Tổng thống đã đọc thư này,

Với lòng biết ơn, và trong tình huynh đệ,

Thích Nhất Hạnh

Làng Mai

Thiết kế trang phục cho xuất sĩ

Agen Pháp
Ngày 13 tháng 10 năm 2014

Thương gửi các con của Thầy khắp nơi,

Cộng đồng xuất sĩ của chúng ta đang tu học và hành đạo trên thế giới bây giờ đã đông trên cả ngàn người và gồm có hơn 30 quốc tịch, trong đó có nhiều thầy và sư cô trẻ các nước tây phương. Chúng ta đang là một tăng đoàn quốc tế, nên cách ăn mặc, cách thiết kế y phục, giày, nón phải được nghĩ tới. Hôm nay nghĩ tới cũng đã chậm rồi. Là một cộng đồng xuất sĩ quốc tế, chúng ta phải có dáng dấp quốc tế trên phương diện hình thức. Vì tất cả đều đang toàn cầu hoá, nên chúng ta cũng phải toàn cầu hoá. Tuy nhiên cộng đồng xuất sĩ của chúng ta vì có nguồn gốc từ truyền thống Việt Nam, cho nên chúng ta cần phải giữ lại ít nhất những yếu tố căn bản của truyền thống ấy.

Trước hết là chiếc y tăng già lê màu vàng, chiếc áo tràng, chiếc áo nhật bình và chiếc áo vạt hò màu nâu, chiếc bình bát nhỏ và chiếc nón lá. Chiếc nón lá này, cùng với chiếc bình bát và chiếc áo tràng nâu đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trên thế giới. Ai trông thấy hình ảnh ấy thì biết rằng đây là những vị xuất sĩ phật giáo có nguồn gốc truyền thống Việt Nam.

Chúng ta đã tổ chức lễ cổ phật khất thực ở nhiều thành phố trên thế giới. Cho nên hình ảnh chiếc nón lá, bình bát và chiếc áo tràng nâu đã trở nên thân thương đối với các phật tử trên thế giới. Thấy những hình ảnh đó, người ta liên tưởng tới những pháp môn tu học của truyền thống chúng ta. Tuy nhiên, hiện giờ trong nước các vị xuất sĩ Việt Nam mang nhiều màu sắc quá, nhất là màu vàng, do đó hình ảnh thân thương của chiếc áo tràng màu nâu truyền thống tượng trưng cho nếp sống bình dị của đời sống dân quê gần như thiếu vắng.

Chiếc nón lá tuy đẹp nhưng hơi cồng kềnh nên có khi các thầy, các sư cô hay chọn một cái nón bằng vải kiểu tai bèo. Chúng ta cũng nên thiết kế một cái nón như vậy chung cho cả hai phái. Chiếc khăn nâu mà các sư cô chít là có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam. Ngày xưa các thầy miền Bắc cũng chít khăn tương tự như vậy vì khí hậu ngoài đó khá lạnh. Chiếc khăn này rất đơn giản mà rất đẹp, chúng ta nên giữ cho được chiếc khăn nâu đó.

Bây giờ đây, trước hết ta phải nghĩ chuyện thiết kế một chiếc áo cho các thầy và các sư cô sử dụng trong khi chấp tác. Không nên mặc áo tràng hay áo nhật bình trong khi chấp tác. Áo chấp tác phải ngắn, phải gọn và tay áo không dài để đừng bị vướng trong khi làm việc. Cắt cỏ, làm vườn, nấu ăn, rửa dọn, tưới rau, cưa cây, cuốc đất, trộn xi măng, lái máy cày hay xe truck… mình đâu cần phải mặc áo tràng hay áo nhật bình, rất bất tiện. Ta phải cởi áo tràng, áo nhật bình ra, mặc áo chấp tác vào rồi mới làm việc. Làm xong thì cởi áo chấp tác ra rồi đi tắm gội hoặc rửa chân tay, sau đó mới mặc áo tràng hay áo nhật bình trở lại.

Vào ngày mà các thầy tới để chấp tác nơi trú xứ của các sư cô hay các sư cô tới chấp tác nơi trú xứ của các thầy, cố nhiên là mình phải mặc áo tràng hoặc áo nhật bình khi tới. Nhưng khi bắt đầu chấp tác thì phải thay áo tràng hoặc áo nhật bình bằng y phục chấp tác. Nếu mình thiết kế (design) một loại áo chấp tác cho thật tiện nghi và đơn giản và có thể được sử dụng cho cả hai phái (unisex) thì rất quý. Tại vì mình rất muốn đẹp.

Tiếp đến là giày. Cố nhiên là giày của người xuất sĩ không được làm bằng các chất liệu lấy từ da thú vật. Chúng ta cần một loại giày vải thật đẹp, cũng đơn giản, có tiện nghi, mang vào thấy thoải mái, có thể dùng chung cho cả hai phái. Đôi giày này phải thật sự mới, không nên mô phỏng theo một kiểu đã có sẵn trong những truyền thống lâu đời. Ta phải thiết kế một kiểu giày mới có tính cách quốc tế.

Tiếp đến là áo tắm cho các thầy, các sư cô. Thầy nhớ ngày xưa ở Ấn Độ vào thời của Bụt, các thầy tắm sông, tắm hồ, tắm suối nước nóng và tắm dưới mưa nhiều lắm. Các sư cô cũng vậy. Đọc kinh Samidhi (Tam Di Đề) ta thấy hình ảnh thầy Samidhi là một hình ảnh điển hình. Buổi sáng mùa hè nóng nực, thầy ra bờ sông, cởi bỏ y áo, để lại trên bờ và lội xuống sông tắm. Tắm xong thầy lên lại trên bờ, đứng đợi cho mình mẩy khô rồi mới mặc y áo trở lại. Nhưng lúc ấy bờ sông đã có người rồi, mà có thể lại là người nữ nữa chứ.Trong trường hợp thầy Samidhi đó là một cô thiên nữ. Cô tới gần, hỏi thầy là tại sao tóc còn xanh, tuổi còn trẻ mà lại cạo bỏ râu tóc, xoay lưng lại với cuộc đời và đi tìm một thứ hạnh phúc nào đó trong tương lai, trong khi tuổi trẻ đang hưởng thụ bao nhiêu thứ hạnh phúc ngay trong hiện tại. Ta thử hỏi lúc đó, mình mẩy thầy Samidhi đã khô chưa và thầy đã mặc y áo vào chưa? Nếu chưa thì thật là bất tiện. Ai mà không cảm thấy lúng túng. Thầy Samidhi thời nay cố nhiên cần một chiếc áo tắm để có thể sử dụng khi tắm sông, tắm biển, tắm hồ và tắm nước mưa.

Các sư cô cũng vậy. Không biết ông Cấp Cô Độc có nghĩ tới chuyện thiết kế áo tắm cho các thầy lần nào không. Nhưng bà Lộc Mẫu (Visakha) cũng gọi là Migara’s Mother (Migāramāta), người ủng hộ giáo đoàn nữ khất sĩ tại tu viện Migāramātupāsāda gần thành phố Savatthi của các sư cô thì có. Bà là người yểm trợ ni chúng cũng như ông Cấp Cô Độc là người yểm trợ các thầy. Các sư cô thường xem bà là một bà mẹ. Một hôm bà tới thăm tu viện các sư cô trong khi trời mưa rất lớn, và thấy các sư cô đang tắm ở dưới mưa mà không có một mảnh gì để che thân. Cho nên bà mới phát tâm cúng dường các sư cô khăn tắm và áo tắm. Tăng đoàn xuất sĩ thời Bụt có rất nhiều người trẻ, và tăng đoàn xuất sĩ chúng ta ngày nay cũng vậy.

Thường thường sau những khoá tu, các thầy hoặc các sư cô cũng có cơ hội đi ra bãi biển hoặc bờ hồ hay bờ sông để thiền hành, ngồi thiền, thực tập mười động tác chánh niệm và ai cũng rất muốn được tắm. Vì các vị không có áo tắm cho nên cứ để nguyên áo nhật bình hoặc áo vạt hò mà lội xuống nước. Điều này rất bất tiện và có khi nguy hiểm nữa. Đó là lý do khiến ta phải thiết kế một chiếc áo tắm cho các thầy và các sư cô.

Tại trung tâm tu học mình đang cư trú, nếu các con biết được một phật tử có khả năng thiết kế y phục chấp tác, giày, mũ và áo tắm cho các vị xuất sĩ thì xin vị ấy giúp làm công việc này cho mình. Công đức vô lượng. Chúng ta sẽ chọn trong các kiểu được vẽ ấy một kiểu y phục chấp tác, một kiểu mũ, một đôi giày vừa tiện nghi, vừa đơn giản mà ta ưng ý nhất, sau đó mới nhờ sản xuất và đem ra sử dụng cho cả tăng đoàn quốc tế chúng ta, kể cả các vị đang có mặt tại Việt Nam. Thầy sẽ mặc theo các con cho giống.

Thầy mong các con của thầy thực hiện điều này càng sớm càng tốt.

Thầy của các con
Nhất Hạnh

Tỉnh dậy đi thôi, các bạn xuất gia trẻ!

Thư tâm tình gửi các con xuất sĩ của Thầy

Nội viện Phương Khê, ngày 27/09/2014

Các con thân mến,

Hồi Thầy mới vào chùa năm 16 tuổi, trên phương diện danh từ thì mình đã được gọi Bụt Sakyamuni là Bổn Sư (Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Sakyamuni). Bổn Sư (tiếng Bắc là Bản Sư) có nghĩa là Thầy tôi. Nhưng kỳ thực đức Bụt mà mình được gặp khi mới vô chùa không phải là một vị Thầy đích thực mà là một nhân vật rất huyền thoại, đầy phép lạ, đầy thần thông, rất xa cách với con người. Mình không được gặp Bụt của đạo Bụt nguyên thủy mà cũng không được gặp Bụt của đạo Bụt tiểu thừa. Hình ảnh Bụt nguyên thủy là một vị Thầy ăn mặc rất đơn sơ, trải bồ đoàn tọa cụ ngồi trên đất, ngồi pháp đàm, nói pháp thoại và ăn cơm với các Thầy. Mình không gặp được hình ảnh đó, vì vậy trên phương diện danh từ mình được gọi là Thầy tôi nhưng kỳ thực giữa mình với đức Sakyamuni có một khoảng cách rất lớn. Đó là một nhân vật hoàn toàn thần thoại, đầy phép lạ.

Mãi cho đến mấy chục năm sau, Thầy mới tìm ra được hình ảnh của một vị Thầy đích thực, một vị Bổn Sư. Bổn Sư chỉ có nghĩa là “Thầy của tôi” thôi. Giống như nói là Bổn Tự thì có nghĩa là chùa tôi, bản tỉnh có nghĩa là tỉnh của tôi. Cho nên sau đó nhiều thập niên, khi khám phá ra được con người thật của Bụt rồi, Thầy mới nuôi giấc mộng là viết một cuốn sách để cho người ta thấy rằng Bụt không phải là một vị thần linh đầy phép lạ mà là một vị Thầy. Do đó Thầy đã để hết tấm lòng của mình để viết cuốn Đường Xưa Mây Trắng, để lột ra khỏi Bụt những vòng hào quang, những vòng thần bí, để Bụt có thể hiện rõ như một con người, một vị Thầy mà mình có thể tiếp cận được. Cho nên Thầy nghĩ cuốn Đường Xưa Mây Trắng có công đức rất lớn. Nó giúp phục hồi được hình ảnh của một vị Thầy sống đơn giản, không sử dụng quyền phép mà chỉ sử dụng tuệ giác và từ bi để giải quyết tất cả mọi vấn đề.

Đức Bụt mà Thầy gặp năm 16 tuổi là đức Bụt của Mật tông. Hồi đó tại các chùa ở Việt Nam có hai thời công phu. Thời công phu sáng hoàn toàn là Mật tông, trì tụng những chú như Lăng nghiêm, Đại bi và mười bài chú khác. Còn buổi chiều thì đó là đạo Bụt A Di Đà. Trong đạo Bụt A Di Đà thì hình ảnh của Bụt Thích Ca bị lu mờ. Đứng trước hình ảnh của Bụt Di Đà, Thầy không có cơ hội gặp được Thầy của mình trong giáo lý tịnh độ. Nhưng vì hồi đó mình ham tu quá, có một tấm lòng rất háo hức, sôi nổi, muốn tu tập để chuyển hóa. Thành thử tuy đó là một vị Bụt xa cách như vậy nhưng mà Thầy vẫn chấp nhận được. Hơn nữa bài kinh mở đầu thần chú Thủ Lăng nghiêm tụng mỗi buổi sáng mà chư Tổ đã chọn là một bài rất là cảm động. Sư chú nào, sư cô nào mà đọc lên bài ấy đều rất cảm động. Đó là những lời phát nguyện của Thầy A Nan muốn thành Phật để độ chúng sanh. Những cảm động đó lôi cuốn Thầy đi, cho nên Thầy không thấy được những mâu thuẫn, những phương pháp giáo dục nhồi sọ nằm trong cách giáo dục của các Thầy ngày xưa.

Có những câu kinh rất cảm động như :

Nguyện kim đắc quả thành Bảo Vương
Hoàn độ như thị hằng sa chúng
Tương thử thâm tâm phụng trần sát

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Những câu này có nghĩa: Bây giờ đây con mong mau chóng chứng quả để trở thành một vị Bụt, để có thể đi vào ngay trong cuộc đời, hóa độ chúng sanh nhiều như hằng sa. Con mong đem hết tất cả tấm lòng sâu xa của con để phụng sự tất cả các cõi. Tại vì con nghĩ như vậy mới tạm xứng đáng để báo đáp được công ơn của Bụt.

Đọc những câu đó, người tu trẻ thấy rất cảm động. Thầy A Nan hồi đó cũng là một người trẻ. Có những câu hồi đó Thầy chỉ biết tụng và nghe theo thôi, Thầy không thấy được những mâu thuẫn ở trong đó. Như trong bốn câu:

Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh,
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.
Như nhất chúng sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ nê hoàn.

Có nghĩa: Xin đức Thế Tôn chứng minh cho chúng con. Trong cuộc đời đầy khổ đau, ngũ dục, độc ác và bạo động này, con sẽ là một trong những người đầu tiên tình nguyện đi vào để cứu độ. Chừng nào còn có một chúng sanh chưa thành Phật thì chừng đó con chưa chịu chứng Niết Bàn. Câu chót này mãi đến mấy chục năm sau Thầy mới thấy sai. Câu này có nghĩa là: chứng Niết Bàn chắc là khỏi phải làm gì nữa hết; vì vậy cho nên khoan chứng Niết Bàn, để làm việc cứu độ chúng sanh đã. Chứng Niết Bàn rồi thì rong chơi thôi. Đó là một quan niệm rất sai lầm về Niết Bàn. Theo nguyên tắc, khi đạt được tuệ giác sâu sắc thì mình tiếp xúc được với bản tính vô sinh – bất diệt, phi khứ – phi lai, phi hữu – phi vô và đó là thế giới của lắng dịu, an lạc và hạnh phúc. Đó là Niết Bàn. Nếu mình không hưởng được những cái ấy thì sức mấy mà mình đủ sức mạnh để tiếp tục cứu độ chúng sanh. Cho nên nói rằng con chưa chịu chứng Niết Bàn đâu, con phải làm việc cho cực nhọc để độ sinh đã. Đó là một điều sai lầm mà Thầy không thấy được tại vì Thầy đang còn trẻ.

Điều này cũng do sự hiểu lầm phổ biến về Niết Bàn. Có quan niệm về hữu dư y Niết Bànvô dư y Niết Bàn. Vô dư y Niết Bàn là Niết Bàn trong đó không còn có những tàn dư như Năm uẩn. Nhưng nếu trong Niết Bàn mà không có Năm uẩn thì làm sao ta hưởng được cái vui, an lạc và lắng dịu của Niết Bàn? Hữu dư y Niết Bàn là đã chứng đạo, đã chứng Niết Bàn nhưng vẫn còn mang hình hài Năm uẩn. Còn mang hình hài Năm uẩn thì có khi còn nhức đầu, đau bụng, mỏi chân, mỏi tay, vì vậy đó chưa phải là vô dư y Niết Bàn. Đó là một quan niệm rất sai lầm. Quan niệm cho rằng hạnh phúc và khổ đau là hai cái hoàn toàn không cần tới nhau, có thể chỉ có hạnh phúc mà không cần khổ đau, và chỉ có thể có khổ đau mà không cần hạnh phúc. Đó là quan niệm lưỡng nguyên không đúng với tinh thần tương tức của đạo Bụt.

Trong đạo Bụt có sự phân biệt Năm uẩnNăm thủ uẩn. Thực ra thì Năm uẩn là những gì rất mầu nhiệm, nhưng nếu mình đem tâm để nắm bắt Năm uẩn, cho Năm uẩn là một cái ta, hay là một vật sở hữu của ta thì Năm uẩn trở thành Năm thủ uẩn. “Thủ” tức là nắm bắt và đối tượng của nắm bắt. Niết Bàn không phải là nơi không có Năm uẩn mà là nơi không có Năm thủ uẩn. Năm uẩn hết sức mầu nhiệm, ví dụ như Năm uẩn của Bụt.

Sau đây là hình ảnh đức Sakyamuni của Mật tông mà người trẻ mới xuất gia được tiếp cận trong bài tụng mở đầu cho chú Lăng Nghiêm:

“Nhĩ thời Thế Tôn, tùng nhục kế trung, dõng bách bảo quang, quang trung dõng xuất thiên diệp bảo liên, hữu hóa Như Lai, tọa bảo hoa trung. Ðỉnh phóng thập đạo, bách bảo quang minh, nhất nhất quang minh, giai biến thị hiện thập Hằng Hà sa Kim cang mật tích, kình sơn trì xử, biến hư không giới. Ðại chúng ngưỡng quan, úy ái kiêm bão, cầu Phật ai hựu, nhất tâm thính Phật vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai tuyên thuyết thần chú.”

“Lúc bấy giờ từ nhục kế trên đỉnh đầu, đức Như Lai phóng ra một luồng ánh sáng. Trong luồng ánh sáng đó có trăm châu báu. Trong luồng ánh sáng ấy của đức Như Lai phóng ra xuất hiện một hoa sen ngàn cánh và ngồi trên hoa sen ngàn cánh là hóa thân của một vị Bụt, và trên đỉnh đầu của vị Bụt hóa thân này cũng phóng ra mười đạo hào quang và đạo hào quang nào cũng có đầy trăm thức quý báu. Trong các đạo hào quang này hiện ra biết bao nhiêu là vị Kim Cương mật tích, số lượng nhiều như số cát sông Hằng. Vị nào cũng một tay nâng ngọn núi, một tay cầm một cái chày bằng kim cương và họ đang có mặt tràn đầy trong không gian. Đại chúng nhìn thấy như vậy, một mặt thì vừa sợ một mặt vừa thương, ai cũng nhìn đức Thế Tôn, khẩn cầu đức Thế Tôn xót thương, che chở và mọi người đợi lắng nghe đức Thế Tôn. Lúc đó đức Thế Tôn phóng ra một hào quang từ nơi đỉnh đầu và bắt đầu tuyên thuyết thần chú Thủ Lăng Nghiêm.”

Trong đạo Bụt nguyên thủy và cả trong đạo Bụt tiểu thừa làm gì mà có cảnh tượng như vậy, Bụt đâu phải là một vị thần linh đầy dẫy phép lạ, đầy dẫy hào quang, xa cách con người như vậy.

Kim cương mật tích tức là những vị thần Dạ Xoa đi theo tu học với Phật và nguyện đem hết sức mình để bảo hộ Phật Pháp. Hình ảnh của một vị kim cương mật tích là hình ảnh của một người đang cầm một cái chày bằng kim cương gọi là kim cương xử và nếu ai động tới Phật Pháp thì chỉ cần một cái chày đó thôi cũng đủ tan thân nát thịt rồi. Khi Bụt phóng hào quang thì đại chúng nhìn lên thấy các vị kim cương mật tích cầm chày kim cương có mặt đầy tràn trong không gian. Một mặt đại chúng rất khiếp sợ, một mặt rất thương kính và do đó tất cả đều lắng nghe Bụt để Bụt bắt đầu tuyên thuyết thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Đây là Phật giáo của Mật tông. Tuy là ở Việt Nam các chùa được gọi là cửa Thiền nhưng thực ra phần lớn chỉ tu Mật tông và tịnh độ mà thôi. Buổi sáng tụng chú, buổi tối niệm A Di Đà.

Hình ảnh một vị Bụt ngồi phóng hào quang và làm xuất hiện vô số các vị kim cương mật tích đầy dẫy khắp hư không, tuyên thuyết một bài linh chú dài tới hai mươi phút, hình ảnh đó không thể nào là đối tượng của niềm tin cho giới trẻ và trí thức ngày nay. Cũng như hình ảnh của một vị thượng đế, một ông già râu dài đang ngồi trên trời và quyết định những gì xảy ra trên trần thế, hình ảnh ấy không còn là đối tượng của niềm tin cho giới trẻ thời nay. Ấy vậy mà buổi khuya nào mình cũng vẫn tụng đi tụng lại cái hình ảnh của một vị thần linh như thế. Thử hỏi một đạo Bụt như thế có còn thích hợp với thời đại của chúng ta nữa hay không?

Trong bài tựa lời phát nguyện của đức A Nan mở đầu cho thần chú Thủ Lăng Nghiêm, có câu ca tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm như sau:

Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng,

Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.

“Định Thủ Lăng Nghiêm này trên đời rất hiếm có. Nó có khả năng giúp con làm tiêu diệt những tri giác sai lầm, chổng ngược được tích lũy trong cả ngàn ức kiếp và con cũng không cần trải qua một thời gian quá dài mới đạt được pháp thân”.

Điên đảo tưởng là những tri giác chổng ngược, như trắng mà nói là đen, khổ thì nói là vui, vô thường thì nói là thường, vô ngã thì nói là có ngã. Đó là những tri giác sai lầm gọi là những tri giác điên đảo. Danh từ “điên đảo” này cũng có ở trong Tâm Kinh: “Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn”, là xa lìa những mộng tưởng điên đảo, tức là tiêu diệt được những tri giác chổng ngược đầu lại.Tứ điên đảo là bốn cái thấy chổng ngược. “Điên đảo” trong tiếng Anh gọi là “upside down”. Bất tịnh mà mình cho là tịnh, khổ mình cho là vui, vô thường mình cho là thường, vô ngã mình cho là có ngã. Đó gọi là Tứ điên đảo. Và các Thầy ngày xưa đã dạy mình một cách rất nhồi sọ. Trong Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (thân, thọ, tâm và pháp). Quán thân trong thân, quán thọ trong thọ, quán tâm trong tâm, quán pháp trong pháp thì phải thấy thân là bất tịnh, thọ là khổ. Thân không thể nào là tịnh được, còn thọ chỉ có thể là khổ, tâm chỉ là vô thường và các pháp chỉ là vô ngã. Mình được học thuộc lòng một cách rất là nhồi sọ: Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã. Đó là chân lý bất di bất dịch mình không thể nói ngược lại được. Trong mười hai nhân duyên, thọ là khổ, nhưng nếu mà thọ chỉ là khổ thì làm sao có thể đưa tới ái? Phải có những cảm giác dễ chịu cho nên người ta mới sinh ra tham đắm, vướng mắc.

Ngay trong thời Bụt còn tại thế đã có danh từ Pháp thân rồi. Hôm đó Bụt đến thăm Thầy Vakkhali, Thầy đang hấp hối.

Thầy được Bụt hỏi: Thầy còn tiếc nuối gì nữa không?

Thầy Vakkhali nói: “Bạch đức Thế Tôn: con không còn tiếc nuối gì nữa cả. Con chỉ còn một tiếc nuối duy nhất là vì bệnh quá nên mỗi khi đức Thế Tôn thuyết pháp trên núi Thứu thì con không được lên để nhìn ngắm và chiêm ngưỡng đức Thế Tôn”.

Ai cũng biết ngày xưa Thầy có vướng mắc với Bụt, cho nên Bụt không cho làm thị giả nữa.

Bụt nói: “Này, nhục thân của tôi đây, hình hài của tôi đây là vô thường, thế nào cũng có ngày tiêu hoại. Nếu Thầy có được pháp thân của tôi thì Thầy đâu còn thiếu thốn gì nữa mà tiếc nuối”.

Đó là câu nói chứng tỏ trong thời Bụt đã có danh từ Pháp thân. Pháp thân là cái hiểu của mình về giáo pháp, trong đó có Tứ đế, Bát chánh đạo, Thất giác chi… và những phương pháp tu tập có khả năng chuyển hóa những niềm đau, nổi khổ đem lại Hỷ, Lạc để nuôi dưỡng mình và những người khác, để cuối cùng mình có thể giải thoát cho mình khỏi hệ lụy, chuyển hóa phiền não, có khả năng độ đời.

Hồi đó chưa có danh từ Tăng thân. Phải đợi tới hai mươi mấy thế kỷ về sau, danh từ Tăng thân mới xuất hiện ở Làng Mai. Trong bộ ba: Phật thân, Pháp thân, Tăng thân thì Tăng thân vô cùng quan trọng. Nếu không có Tăng thân thì chí hướng của một người tu không bao giờ được thành tựu. Cho nên sau khi đức Sakyamuni thành đạo, việc đầu tiên mà Ngài nghĩ tới là đi tìm những người bạn tu để thành một Tăng thân sáu người. Bụt thấy rất rõ là nếu không có một Tăng thân thì sự nghiệp của Bụt không thành tựu được.

Những người tu trẻ của mình khi mới tu, tâm bồ đề rất hùng tráng, rất vững chãi. Chí nguyện của mình là muốn tu để trở thành một vị Thầy lớn, có khả năng giải thoát cho mình và độ đời, đem lại nhiều an lạc, giải thoát cho đoàn thể tu học của mình. Phải xây dựng Tăng thân xuất gia như thế nào để Tăng thân xuất gia ấy có khả năng tổ chức tu học và độ cho những đoàn thể tu học của người cư sĩ. Cho nên trong bài tụng mở đầu cho chú Lăng Nghiêm, lời phát nguyện của Thầy A Nan rất cảm động. Đó là giấc mơ lớn của Thầy A Nan mà cũng là của bất cứ ai muốn tu để trở thành một vị Thầy lớn.

Cũng như bài Phát Nguyện Văn (Sám Quy Mạng) của Thiền sư Di Sơn là một giấc mơ lớn của người tu. Đọc Sám Quy Mạng mình thấy rõ ràng là người tu có một giấc mơ rất lớn, muốn trở thành một vị đạo sư lớn để giúp đời trên mọi phương diện. Trong những năm đầu thì mình tự ru mình bởi những chí nguyện đó. Nhưng vì ở trong chùa, mình không có cơ hội để học hỏi những pháp môn có khả năng xử lý những cảm thọ và những cảm xúc khổ đau, không được học những phương pháp chế tác Hỷ và Lạc để tự nuôi dưỡng mình, sử dụng các phương pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập lại truyền thông với huynh đệ, do đó mình không có khả năng xây dựng được một tăng thân xuất gia. Mình không có một phương tiện thiết yếu để thực hiện được chí nguyện của một người tu.

Dầu mình có cơ hội đi học các trường Phật học, nhưng tại các trường Phật học, dầu là sơ cấp, trung cấp hay cao cấp thì các Thầy, các vị giáo thọ cũng không dạy mình những pháp môn căn bản, mà chỉ dạy giáo lý để mình học thuộc rồi dạy lại cho các thế hệ tương lai thôi. Cái học của mình là cái học từ chương như vậy. Mình phải thay đổi cách học. Các vị Thầy, các vị giáo thọ phải dạy cho mình những phương pháp thở, đi, ngồi, điều phục những tâm hành: giận, buồn, ghét, ganh tị, xử lý được những niềm đau, nổi khổ, làm lắng dịu những cảm thọ, cảm xúc lớn. Khi mình biết làm những chuyện ấy rồi thì mình mới có thể giúp cho huynh đệ mình cũng làm được, và mình mới có thể dạy cho sinh viên của mình làm được những chuyện đó.

Khi mình biết sử dụng ái ngữ, lắng nghe, tái lập được truyền thông, đem lại sự hòa giải,  mình mới có thể xây dựng được một Tăng thân. Tăng thân là phương tiện căn bản để có thể thực hiện được chí nguyện và sự nghiệp của một đời tu. Mình không được học những cái ấy ở trường Phật học. Đó là chuyện rất là thiếu sót. Mà chính các Thầy dạy mình, các vị giáo thọ cũng không biết thì làm sao dạy? Cho nên trong chúng, đôi khi chỉ có năm ba huynh đệ mà sống cũng không hòa hợp với nhau. Mỗi người có một giấc mơ riêng. Trong đời sống hằng ngày chỉ làm những việc như: cung cấp những nhu yếu tín ngưỡng, tín mộ, những tiện nghi tình cảm cũng như tinh thần cho giới bổn đạo mà thôi. Những người nào biết làm chuyện đó thì có cuộc sống dễ dãi hơn những người khác. Nhất là những Thầy có khả năng tán tụng và đi cúng thì sẽ có một cuộc đời thoải mái hơn các Thầy khác. Và cũng hay bị những người khác ganh tị.

Rồi cuối cùng đa số đều ước muốn được làm trụ trì một ngôi chùa, có đồng vào, đồng ra, có đủ bổn đạo để chăm sóc chùa của mình, và một vài vị đệ tử để tiếp nối công việc của mình và giúp mình trong công việc ứng phú, cúng đám. Cho nên giấc mơ chưa bao giờ thực hiện được, giấc mơ vẫn còn là giấc mơ. Khuya nào cũng tụng bài tựa của Thầy A Nan, khuya nào cũng tụng bài Phát Nguyện Văn của Thiền sư Di Sơn, mà rút cuộc là giấc mơ chưa bao giờ được thực hiện. Điều này đã xảy ra cho trên chín mươi lăm phần trăm những người tu trẻ và rốt cuộc họ chỉ trở thành những ông thầy cúng. Rồi những chức vụ lỉnh kỉnh trong Giáo Hội, những danh xưng và địa vị càng ngày càng làm họ lún sâu.

Chỉ có một số vị, ít hơn một phần trăm, trở thành học giả. Học giả tuy rất quý, nhưng không làm được công việc đứng ra xây dựng tăng thân và hóa độ đồ chúng. Trong lịch sử Việt Nam cận đại, chúng ta có được một số vị cao tăng có khả năng dựng tăng và hóa độ đồ chúng, như Thiền sư Phước Huệ, chùa Thập tháp – Bình Định, Thiền sư Trí Thủ trụ trì chùa Ba la mật – Huế, Thiền sư Thiện Hòa giám đốc phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang – đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn, Thiền sư Thiện Hoa trụ trì chùa Phước Hậu – Trà ôn và Thiền sư Trí Tịnh của Phật học đường Liên Hải...

Đó là tình trạng của Phật giáo Việt Nam hiện tại. Xin các con thấy được điều đó mà tỉnh dậy. Mục đích của người tu không phải là đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm mà để trở thành một vị Thầy lớn có khả năng dựng tăng, độ đời, thành tựu được sự nghiệp của một người tu và thực hiện được như tâm bồ đề hùng mạnh của mình lúc ban đầu.

Quan niệm về Pháp thân ban đầu của Phật giáo nguyên thủy chỉ là cái hiểu về giáo lý căn bản của Bụt và những phương pháp cụ thể để tu tập, xử lý niềm đau, chế tác hỷ lạc và giải thoát cho mình, cho mọi người. Pháp thân chỉ có nghĩa đó mà thôi và pháp thân có thể trường tồn nếu mình biết cách trao truyền lại cho các thế hệ tương lai.

Nhưng cho đến khi truyền thống Yogacara ra đời (khoảng thế kỷ thứ năm, thứ sáu) thì bắt đầu phát hiện ra quan niệm Thân tịnh Pháp thân Tỳ lô giá na Phật (Vairocana tathagatha). Pháp thân ở đây không còn là cái hiểu và phương pháp tu học nữa mà chính là vũ trụ (cosmic body), là Pháp giới thân. Bụt không còn là cái hiểu và cái hành, mà chính là vũ trụ. Nếu mình lắng nghe tiếng gió, tiếng chim, quan sát cây cối, chim chóc thì thấy rằng tất cả những hiện tượng ấy đều đang thuyết pháp. Nếu mình biết lắng nghe thì mình sẽ nghe Tứ đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần. Bụt vẫn còn đó, chưa bao giờ tiêu diệt cả và Bụt vẫn tiếp tục thuyết pháp qua vũ trụ. Như vậy Bụt chính là vũ trụ, mà Bụt cũng là Thượng đế tạo ra vũ trụ. Điều này đưa quan niệm pháp thân tới rất gần với quan niệm Thượng đế của các tôn giáo khác. Nó cũng có cái rất hay, vì đã tạo ra một nguồn cảm hứng thi ca rất lớn trong Phật giáo đại thừa. Trúc tím, hoa vàng, trăng trong, mây bạc đều là những biểu hiện cụ thể của pháp thân và tất cả những hiện tượng mầu nhiệm đó đều đang thuyết pháp cả. Đó là tính cách nên thơ rất lớn của Phật giáo đại thừa.

Tiếp theo là quan niệm về Báo thân. Trong Duy Biểu, người ta nghĩ rằng Bụt là người có công hạnh rất lớn. Không có lẽ báo thân của Ngài chỉ là một con người nhỏ bé, cao một trượng sáu như vậy thôi hay sao? Và vì vậy người ta tưởng tượng báo thân Bụt rất lớn, lớn đến hàng trăm trượng. Mà chỉ có người chứng đạo mới thấy được báo thân Bụt. Ba mươi hai tướng đẹp, tám mươi tướng tốt, rất mầu nhiệm, đó là Bụt ở trên trời. Và đó mới chính là Bụt. Còn cái con người nhỏ bé, một trượng sáu, ngồi kiết già trên tọa cụ ở trong rừng chẳng qua chỉ là một hóa thân của Bụt thôi, chưa phải là Bụt. Điều này cũng đã ảnh hưởng tới kinh Pháp Hoa.

Kinh Pháp Hoa nói: Bụt không phải chỉ là đức Sakyamuni đang ngồi thuyết pháp cho đại chúng ở núi Thứu, mà Bụt có hóa thân đầy giẫy khắp nơi trên thế giới, và nếu cần Ngài có thể gọi hàng triệu ngàn ức hóa thân của Ngài trên khắp thế giới trở về, cho nên con người nhỏ bé này không quan trọng gì mấy. Vì vậy người ta bị cuốn theo, bị chìm đắm ở trong quan niệm Pháp thân và Báo thân mà coi thường Bụt như là một con người.

Trong bài Trường ca Avril, Thầy cũng đã có một câu “bông hoa vẫn chưa ngưng lời hát ca”. Bông hoa trong rừng sâu cũng là Bụt của pháp thân, và bông hoa chưa bao giờ từng ngưng thuyết pháp, chưa bao giờ ngưng lời hát ca. Đó cũng là ảnh hưởng của ý niệm về pháp thân của Bụt.

Bụt là vũ trụ. Vũ trụ là thân, là pháp giới thân của mình, gọi là cosmic body. Điều này cũng đúng. Ví dụ tất cả các đám mây hay tất cả các đợt sóng đều có thân đại dương của mình. Mình không phải chỉ là một đám mây, mình không phải chỉ là một đợt sóng. Mà mình chính là đại dương. Điều này cũng là sự thật. Cho nên khi người tu trẻ đi vào trong chùa thì không được gặp Bụt như một con người, mà chỉ được gặp Bụt như một Thanh tịnh pháp thân Tỳ lô giá na, hay một Viên mãn báo thân Lô xá na (Locana). Ngay trong bài cúng dường quá đường, tất cả đều bắt ấn cát tường và tụng “Cúng dường Thanh tịnh pháp thân Tỳ lô giá na Bụt, viên mãn báo thân Lô xá na Bụt “, rồi mới đến “thiên bách ức hóa thân Thích ca mâu ni Bụt”.

Thầy nhớ hồi đó ở chùa Ấn Quang có sinh viên các trường Đại học như cô Chi, cô Nhiên, cô Bích, cô Phượng và các anh Bá Dương, Huệ Dương, Chiểu, Khá, Cương…tới thăm Hòa Thượng Thanh Từ. Thầy Thanh Từ hồi đó còn trẻ lắm và vẫn chưa bắt đầu nghiên cứu Thiền. Thầy Nhất Hạnh có chép ra một số bài kệ Thiền của các vị Tổ Thiền tông Việt Nam đời Lý, đời Trần và tặng Thầy. Hòa Thượng Thanh Từ hồi đó còn là một vị Giáo thọ trẻ, rất thích những bài kệ này và từ đó mới bắt đầu nghiên cứu về Thiền.

Thầy ngồi đó nghe mấy thầy trò họ nói chuyện. Cô Phượng (tức là sư cô Chân Không) nói rằng: Bạch Thầy, Thầy dạy là Thân này là bất tịnh, ở trong đó có đàm, có dãi, có phân, có máu, có tanh, có hôi… mình không nên thương. Nhưng khi con quán chiếu, con cũng có thấy trong Thầy cũng có phân, có nước tiểu, có đàm có dãi… nhưng tại sao con vẫn thương? Tại sao vậy? Thầy cười mà Thầy không hề trả lời cho đám sinh viên này. Thành ra câu hỏi đó chứng tỏ rằng quán thân bất tịnh không có hiệu nghiệm. Tuy miệng thì cứ lặp đi lặp lại “thân bất tịnh, thân bất tịnh” hoài, vậy mà tâm vẫn thương như thường, vẫn bị vướng mắc như thường. Điều này cũng đúng với chuyện thọ thị khổ, như ăn ớt cay, cay quá nhưng vẫn cứ ăn.

Thầy nhớ hồi đó cô Phượng, cô Nhiên, cô Chi, cô Bích, cô Nga và nhiều người khác tới thăm Thầy Thanh Từ, thấy Thầy có một hộp bánh bích quy. Mấy chị em mới nói nhỏ với nhau: “Thầy không biết là trong bánh này có trứng, có bơ thành ra mình để cho Thầy ăn cái này là tội. Mình nên rủ nhau ăn hết đi thì Thầy khỏi ăn, khỏi tội”.Và rứa là mấy đứa cứ mở hộp ra ăn. Còn dư mấy chục cái thì đem về luôn, không cho Thầy ăn. Còn Thầy thì hồi ở Princeton, có lần đi lớp học thì mở cửa sổ rộng ra và đi xuống lầu. Trong khi Thầy vắng mặt thì có một con sóc nhảy từ cây phong đi vào phòng Thầy và tự động mở hộp bánh bích quy của Thầy và ăn gần hết. Thầy về tới thì không còn bao nhiêu bánh trong hộp nữa. Chắc nó cũng sợ Thầy ăn bánh bích quy tội nên đã ăn giúp Thầy.

Ban đầu thì giáo lý Bất tịnh để trừ khử quan niệm về Tịnh. Nhưng mình cứ cho Bất tịnh là một chân lý tuyệt đối mà không biết rằng đó chỉ là một phương pháp khử độc. Còn “Thọ là khổ” có nghĩa là cái cảm thọ hạnh phúc mà anh đang có không thực sự là hạnh phúc đâu, mà chỉ là đau khổ thôi. Những cái mà anh đang cảm nhận đó nó có thể có cái bề ngoài là vui, kỳ thực tất cả Thọ đều là khổ. Thọ là khổ đã trở thành một giáo điều rất nặng. Trong khi đó, trong Tâm Lý Học Phật Giáo nói Thọ có ít nhất là ba loại: Khổ thọ, Lạc thọ và Xả thọ. Tại sao mình lại nhồi sọ mình như thế? Với lại mình không biết rõ rằng cái khổ và cái vui đều có liên hệ với nhau. Nếu không có cái này thì không có cái kia. Ví dụ như mình không biết lạnh là gì thì đến khi mình được mặc vào một cái áo len rất ấm thì mình đâu có thấy hạnh phúc? Vì vậy không có cái khổ thì không có cái vui, không có khổ đau thì không có hạnh phúc, hai cái tương tức với nhau. Điều này rất rõ trong Phật giáo đại thừa sau này. Phật giáo đại thừa khám phá ra được những viên ngọc bị chôn vùi trong Phật giáo nguyên thủy, mà Phật giáo tiểu thừa không thấy được.

Cho nên cái học trong chùa lâu nay có tính cách nhồi sọ rất nhiều. Đạo Bụt là một truyền thống rất cởi mở, nói rằng trong khi học hỏi mình phải dùng trí tuệ của mình để phán xét chứ đừng học như một con vẹt, đừng bị kẹt vào những giáo điều, dầu là những giáo điều Bất tịnh, Khổ, Vô thường và Vô ngã.

Ngày xưa là một vị giáo thọ trẻ, nhờ có óc phán xét, phê phán cho nên Thầy thấy có những điều bất ổn ngay trong các kinh văn, chứ đừng nói gì đến trong các bộ Luận. Tính cách giáo điều, nhồi sọ khá nặng. Nhưng mình là người có lòng rất là hiếu kính đối với các thế hệ tổ tiên, đối với chư tổ, cho nên mình không dám nói. Nhưng trong lịch sử, thỉnh thoảng có những vị Thiền sư dám nói, như Thiền sư Lâm Tế chẳng hạn. Ngài nói: “Tụi bây là đồ ngu, tụi bây muốn ra khỏi Tam giới hả? Ra khỏi Tam giới thì tụi bây đi đâu?” Không có nghĩa là không có những người thông minh, không có những nhà cách mạng trên phương diện tư tưởng.

Cũng vì thái độ hiếu kính đó cho nên tuy Thầy thấy những điểm sai lầm trong Kinh và trong Luận nhưng Thầy tìm cách cắt nghĩa khác hơn để tìm cách cứu chữa cho các vị mà không dám động tới, không dám nói rằng các vị sai. Nhưng trong thập niên gần đây thì Thầy thấy rằng Thầy không còn sợ nữa. Mình cũng đã lớn tuổi rồi. Mình phải nói ra những cái mà mình thấy. Cho nên trong năm, sáu mùa an cư kiết đông vừa qua, Thầy đã thẳng thắn nói ra những điều Thầy thấy là sai lầm, ngay trong các kinh văn căn bản như là Tâm Kinh Bát Nhã. Nhất là sau khi mình khám phá ra được những câu kinh quý như vàng, quý như ngọc ở trong kho tàng Phật Giáo nguyên thủy. Ví dụ trong Như Thị Ngữ (Itivuttaka) hay Vô Vấn Tự Thuyết (Udàna) và ngay chính trong Pháp cú Hán tạng có những câu như sau:

“Này các vị Tỳ Kheo, trên đời có cái có sanh, có diệt nhưng mà cũng có cái không sanh, không diệt. Trên đời có cái có và có cái không nhưng mà cũng có cái không có cũng không không. Trên đời có những cái tạo tác và được tạo tác, nhưng mà cũng có cái không tạo tác và những cái không cần được tạo tác. Trên đời có những cái gọi là hữu vi và vô vi nhưng mà vẫn có cái không hữu vi cũng không vô vi”.

Những câu kinh như thế rất quý. Ngoài ra còn có những câu kinh khác như câu trong kinh Ca Chiên Diên (Katyàyana), Bụt nói rất rõ: “Phần lớn người đời thường bị kẹt vào ý niệm có hoặc là ý niệm không”. Những câu kinh tuy rất ngắn nhưng chính nhờ những câu kinh căn bản đó mà mình có thể chữa lại những sai lầm trong toàn bộ kinh điển.

Mình có phải là tri kỷ của Bụt không? hay chỉ là một người đi theo Bụt một cách mù quáng, nói cái gì thì nghe cái đó? Muốn là người tri kỷ của Bụt thì phải có óc phán đoán, không phải là ai nói cái gì là mình nghe cái đó, dầu đó là lời của một vị tổ sư. Cho nên những cuốn sách như Tri Kỷ Của Bụt không hẳn là một cuốn giáo khoa Phật học. Có thể gọi là giáo khoa Phật học, nhưng đó là giáo khoa cao cấp. Tại vì đây không phải một cuốn sách có công dụng giải thích, cắt nghĩa, làm rõ ý, mà còn có tinh thần phê phán, chỉ ra những chỗ nào đúng, chỗ nào sai, chỗ nào liễu nghĩa và chỗ nào không liễu nghĩa. Vì vậy các con phải biết sử dụng như thế nào để có thể làm sống dậy tinh thần phê phán sáng suốt của đạo Bụt.

Ở trong kinh Kalàma có một lần nhóm người trẻ tới hỏi Bụt: Vị đạo sư nào đi ngang qua đây đều nói rằng giáo lý của họ là hay nhất, đúng nhất. Chúng con biết tin vào ai? Bụt dạy: các em đừng có vội tin một điều gì, dầu điều đó đã được chép trong kinh, hoặc do một vị đạo sư rất nổi tiếng nói ra. Những điều mình nghe, mình phải dùng Văn, Tư, Tu để mà xét lại cho kỹ, phải đem ra áp dụng. Nếu áp dụng mà thấy giải tỏa được những khó khăn, đau khổ, thấy rõ ràng đó là sự thật thì khi đó mình mới tin, chứ đừng vội tin vào bất cứ một cái gì mình mới nghe.

Rõ ràng là những kinh như vậy đã chứng tỏ đạo Bụt là một truyền thống rất cởi mở, rất thông minh, rất có tính phê phán. Nếu mình biến đạo Bụt trở thành một tôn giáo đầy giáo điều như các tôn giáo khác thì điều này rất là tội cho Bụt. Mình đã đánh mất phần tinh túy của Bụt và mình không còn là tri kỷ của Bụt nữa.

Thầy
Nhất Hạnh

Con đã về tới chưa?

Nội Viện Phương Khê, ngày 2 tháng 6 năm 2014

Thương gửi các con của thầy khắp nơi,

Hôm qua, ngày 1 tháng 6 năm 2014, là ngày thiền sinh các nước tới để tham dự khóa tu 21 ngày tại Làng Mai về đề tài “Cái gì xảy ra khi ta  chết?”. Các thầy và các sư cô ở bốn xóm của Làng Mai đã ra ga và phi trường để đón thiền sinh về Làng. Khoá tu này có tới trên 700 thiền sinh tham dự.

Có hai sư cô ở xóm Hạ trên đường ra ga đã ghé Nội viện để trao lại một lá thư của ai đó gửi về xóm Hạ cho Thầy. Đó là các sư cô Lưu Nghiêm và Ngộ Nghiêm. Thầy hỏi Lưu Nghiêm: “Thiền sinh đã về tới gần đủ chưa?” Lưu Nghiêm trả lời: “ Dạ thưa thầy, họ đã về tới gần đủ”. Thầy hỏi tiếp: “ Còn con, con đã về tới chưa ?” Lưu Nghiêm ngập ngừng. Có lẽ bởi câu hỏi hơi đột ngột. Nhưng cuối cùng Lưu Nghiêm cũng chắp tay lại và trả lời Thầy: “Dạ thưa, con đã về tới”.  Sau khi Lưu Nghiêm và Ngộ Nghiêm chào Thầy để ra xe , Thầy cũng mặc áo đi ra thiền hành ở trong khuôn viên Nội Viện. Thầy nghĩ  là mấy trăm thầy trò nhà mình ở Làng phải thật sự về tới, mình mới có thể làm hạnh phúc cho hơn 700 thiền sinh về tu học với mình. Mình chưa về tới thì mình chưa đủ vững chãi, thảnh thơi và sự tươi mát để giúp người và độ đời.

“Về tới” có nghĩa là đã giải tỏa được những gì chưa ổn định trong lòng, có khả năng chế tác hỷ, lạc và chăm sóc cho những tâm hành chưa phải là hỷ lạc. Cái mà thiền sinh được thừa hưởng nhiều nhất khi về Làng không phải là những bài pháp thoại hay, hoặc những khung cảnh nên thơ và thanh tịnh của các xóm, mà là năng lượng tập thể bình an, tươi mát và tình huynh đệ trong đại chúng mà họ cảm nhận được khi bước chân về Làng.

Mục đích của thầy trò ta khi đi xuất gia là được độ người và giúp đời. Một khóa tu như khóa tu này là một cơ hội để chúng ta độ người và giúp đời. Mà khả năng độ người và giúp đời của chúng ta tùy thuộc vào khả năng chế tác năng lượng hỷ, lạc và bình an của chúng ta. Trong khi chúng ta lái xe đi đón thiền sinh, ghi tên cho họ, chuẩn bị phòng ốc cho họ, nấu cơm cho họ ăn, hướng dẫn cho họ thực tập,v.v. Chúng ta  phải làm những công việc ấy như thế nào để trong khi làm, ta vẫn có thể chế tác được hỷ, lạc và bình an. Đó là bí quyết của sự thành công.

Ở ngoài đời, có nhiều người làm việc rất giỏi, và giỏi hơn chúng ta nhiều, nhưng vì có người không biết cách chế tác hỷ lạc và bình an cho nên dễ bị căng thẳng và không tiếp tục lâu dài được. Họ không tiếp tục lâu dài được, một phần cũng vì họ không có một tăng thân vững mạnh để nương tựa. Còn chúng ta, chúng ta có một tăng thân. Thầy nhờ có các con, nhờ có tăng thân cho nên đến tuổi nầy mà Thầy vẫn còn tiếp tục được làm những gì mà Thầy ưa làm. Các con cũng vậy. Nếu các con nương vào tăng thân, đồng thời biết chế tác hỷ, lạc và bình an trong khi giúp người và độ đời thì các con cũng sẽ giữ được tâm bồ đề lâu dài. Chúng ta phải nương tựa vào nhau, phải nhắc nhở nhau để mọi người cùng nhau thực tập chế tác hỷ, lạc và bình an.

“Đã về tới” không có nghĩa là ta không còn vấn đề. Dù ta còn vấn đề, nhưng nếu ta có phương pháp thực tập và có niềm tin nơi tăng thân thì ta vẫn chế tác được bình an, dù vấn đề còn đó. Ở ngoài đời có những cơn sóng gió rất lớn, như những cuộc biểu tình và đảo chánh ở Thái Lan, hay những cuộc xung đột biển đảo ở Thái Bình Dương. Biển Đông hiện giờ đang nổi sóng. Nhưng sóng gió trong lòng ta cũng như sóng gió trong tăng thân, so với sóng gió ngoài đời thì không có nghĩa gì cả. Đó chỉ là sóng gió trong một bát canh. Và bát canh này lại là một bát canh chay, thành ra sóng gió này có thể được bình định một cách dễ dàng bằng những pháp môn thực tập hàng ngày như thiền đi, thiền thở, pháp môn chế tác hỷ lạc, làm lắng dịu niềm đau, ôm lấy nỗi khổ niềm đau của mình và nhận diện nỗi khổ niềm đau nơi người, lắng nghe, ái ngữ, v.v. Những thực tập căn bản ấy chúng ta đã được trao truyền và chúng ta đang thực tập hằng ngày. Chế tác bình an vì vậy là một pháp thực tập  mà ta có thể ứng dụng và thành công trong vòng năm phút hay nửa giờ. Và do sự thực tập đó mà ta có rất nhiều năng lượng hỷ, lạc và bình an để hiến tặng cho những thiền sinh đang tới với chúng ta .

Thầy trò ta biết nuôi nhau bằng lý tưởng độ đời. Mình cũng biết nuôi nhau bằng sự có mặt tươi mát và bình an của nhau. Thầy biết giờ này đây ở xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới,  xóm Sơn Hạ, xóm Vô Ưu, xóm Chùa Đại Bi, xóm Trăng Tỏ, xóm Trời Quang, xóm Vững Chãi, xóm Trong Sáng, xóm Tùng, xóm Hạc, xóm Mai Vàng,  xóm Trúc Xanh, xóm Liên Trì, xóm Trúc Lâm, xóm Diệu Trạm,  xóm Từ Hiếu, xóm Hơi Thở Nhẹ, xóm Từ Đức, xóm Long Thành v.v. các con của Thầy đang sống và làm việc như những bầy ong siêng năng, biết chế tác năng lượng hỷ, lạc và bình an để nuôi nhau, nuôi Thầy và làm hạnh phúc cho thiền sinh. Chúng  ta đang có mặt cho nhau và cho những người đến với chúng ta.

Hiện giờ trên xóm Thượng, có thầy đã viết một câu trên bảng tăng xá: Sự có mặt của chúng ta là món quà quý nhất cho thiền sinh. Chúng ta có mặt trong giờ xướng tụng, trong buổi thiền hành, trong buổi thiền tọa, trong buổi pháp đàm, trong bữa cơm chánh niệm. “I am here  for you”, đó là câu linh chú thứ nhất. Và chúng ta thực tập câu linh chú thứ năm “This  is  a legendary moment” (Đây là một giây phút huyền thoại). Trong Đại Giới Đàn Cam Lộ Vị ở Làng Mai, những câu linh chú ấy đã đem lại biết bao nhiêu là hạnh phúc cho tất cả mọi người, từ giới sư tới giới tử…

Khóa tu 21 ngày sẽ được tiếp nối bởi khóa tu mùa Hè và các khóa tu ở Học Viện Ứng Dụng châu Âu. Chúng ta có cơ hội để phụng sự. Ở Thái Lan, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Việt Nam và bao nhiêu nơi khác mà chúng ta đang có mặt, cỗ xe Phật Học Ứng Dụng đã lên đường, đã và đang tạo ra bao nhiêu kỳ tích. Hạnh phúc của chúng ta lớn lắm, vì chúng ta có tăng thân, có tình huynh đệ, có cơ hội phục vụ. Chúng ta không có lý do gì để than phiền, dù trên con đường phục vụ chúng ta có gặp nhiều trở ngại. Nhưng những trở ngại này cũng là những cơ hội để chúng ta được học hỏi và lớn lên. Đức khiêm cung nhờ đó mà vững mạnh.

Thầy ôm tất cả các con vào lòng.

Thầy

Nhất Hạnh.

Tổ chức trở lại sự tu tập tại Tổ Đình

Nội viện Phương Khê
Ngày 2.1.2014

Thân gửi tất cả các con của Thầy ở Từ Hiếu và Diệu Trạm,

Xin các con tổ chức trở lại sự tu tập tại Tổ Đình cho chu đáo và nghiêm túc. Các sinh hoạt như tụng giới, ngồi thiền, đi thiền, pháp đàm, pháp thoại, ăn cơm chánh niệm, chấp tác chánh niệm, buông bỏ những sách báo, phim ảnh và các thiết bị điện tử có công năng dẫn tới độc hại, v.v…cần được tất cả mọi người trong chúng tham dự và tuân thủ, kể cả các sư anh lớn.

Phải thiết lập lại những ngày Quán Niệm Chủ nhật và Thứ năm, phải tiếp nhận tập sự xuất gia. Không ai có thể vắng mặt ban ngày hay ban đêm mà không có phép của đại chúng. Các sư anh lớn như Từ Đạo, Từ Hòa, v.v…cũng phải tham dự hết lòng vào các ngày Quán Niệm và các khóa tu, như Thầy và các sư anh, sư chị lớn ở Làng Mai vậy.

Đây là lời căn dặn của Thầy mà cũng là lời căn dặn của Sư Thúc Chí Mậu. Hồi sinh tiền, Sư Thúc đã một lòng một dạ yểm trợ con đường tu học này. Sư Thúc cũng đã tiếp nhận Truyền đăng từ Thầy. Nếu các con thực sự muốn có hiếu với Sư Thúc thì phải làm theo những gì Sư Thúc mong muốn.

Đừng để người ngoài xen vào nội bộ của Tổ Đình. Cái gì hợp pháp là hợp pháp. Cái gì không hợp pháp là không hợp pháp, kể cả sự cưỡng chế. Huynh đệ phải ngồi lại với nhau để san bằng những dị biệt. Tuyệt đối không dùng ác ngữ và bạo động. Mình phải nắm lấy vận mệnh của chính mình. Thầy tin cậy nơi các con.

Thầy của các con

Nhất Hạnh.

 

* Bản sao kính gửi Hòa Thượng Thích Chí Mãn, Giám học Tổ Đình Từ Hiếu.

Tổ chức trở lại sự tu tập tại Tổ Đình

Hộ niệm Sư Bà Hải Triều Âm

Trên đây là bài kệ do Sư Ông Làng Mai viết để xưng tán công hạnh của Sư bà Hải Triều Âm, một vị chân tu mà trong nước ai cũng thương kính. Nói chuyện với Sư Ông Làng Mai, chúng tôi được nghe Sư Ông cho biết là bài kệ cũng có mục đích an ủi học chúng của các đạo tràng do Sư Bà thành lập và giáo huấn, trong đó có các vị ni trưởng, ni sư và hàng trăm vị Nữ khất sĩ, Thức xoa ma na và Sa di ni, nhiều vị trẻ trong số đó đã tiếp nhận giới pháp ở Đại Giới Đàn  Phương Bối năm 2007. Đồ chúng của Sư Bà còn là hàng chục ngàn vị Phật tử cư sĩ. Hình ảnh dòng sông là hình ảnh tăng thân gồm có tất cả quý vị ấy. Những con suối nhỏ đã tìm tới với nhau để tạo thành dòng sông và do sự giáo huấn, hướng dẫn của bậc nữ đạo sư là Sư Bà mà dòng sông ấy đã lên đường đi về tương lai của Đạo pháp. “Đi như một dòng sông” là hình ảnh của một tăng đoàn rất đẹp, có hòa điệu, có hạnh phúc, không hề có chia rẽ, có khả năng hiến tặng hạnh phúc cho đời. Tu tập và độ đời đem lại rất nhiều niềm vui và sự thảnh thơi. Do đó có hình ảnh “dòng sông nay đã lên đường rong chơi”. Hải Triều Âm là pháp hiệu của Sư Bà và Cát Tường Lan là bút hiệu của Sư Bà sử dụng để viết những bài về Phật pháp cho tuổi trẻ trên tạp chí Bồ Đề hồi Sư Bà còn trẻ. Cát Tường Lan là phiên âm của Catallan, tên thân phụ Sư Bà. Hồi còn trẻ, Sư Bà cũng hay được gọi là chị Ni, vì tên Pháp của chị là Eugénie. Ban Biên Tập chúng tôi đã tìm cách gửi bài kệ này về đạo tràng Dược Sư, nhưng không biết có tới được kịp không. Nếu có vị thân hữu nào ở gần đạo tràng, xin giúp chúng tôi mang bài kệ này tới và dâng lên cúng dường.

Ban Biên Tập Trang nhà Làng Mai