Sự nghiệp dựng Tăng
Trả lời câu hỏi của một bạn đọc liên quan đến lá thư “Tỉnh dậy đi thôi, các bạn xuất gia trẻ”
Thư gửi Ban Biên Tập trang nhà Làng Mai
Kính thưa Ban Biên Tập. Tôi là một vị giáo thọ đang giảng dạy tại một trường Trung cấp Phật học tại Việt Nam. Tôi vừa đọc xong bài Tỉnh dậy đi thôi, các bạn xuất gia trẻ! và cảm thấy chấn động. Bài này đã nói ra được những sự thật đang xảy ra trong các trường Phật học và cho giới xuất gia trẻ. Đúng là cái học tại các trường Phật học là một cái học từ chương, học để dạy lại cho người khác, và nó không có ảnh hưởng gì rõ ràng trên đời sống hàng ngày của người xuất gia trẻ. Tôi thấy các lớp học, các trường Phật học không phải là những đoàn thể tu học, tại vì trong đó không có tình huynh đệ, không có pháp môn tu học, không có người hướng dẫn tu học và không có sự chia sẻ lý tưởng và tương lai chung. Người dạy cũng như người học bắt buộc phải dạy và phải học vậy thôi. Giữa các vị Giáo thọ và các học Tăng, học Ni cũng không có tình thầy trò và cũng không có lý tưởng chung. Cho nên hiện tượng hư hỏng xảy ra rất nhiều trong giới xuất gia trẻ. Phần lớn bây giờ đang đi tìm cầu những tiện nghi vật chất và tình cảm, không mấy ai thao thức nghĩ tới chí hướng của người xuất gia lúc ban đầu.
Trong bài Tỉnh dậy đi thôi, các bạn xuất gia trẻ! Sư Ông có nói tới những phương pháp tu học có khả năng xây dựng tăng thân, tạo ra một đoàn thể trong đó có tình huynh đệ, có niềm vui sống chung. Những phương pháp để chế tác niềm vui, hỷ lạc, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày của người xuất gia, những phương pháp để có thể xử lý, làm lắng dịu những tâm hành, cảm xúc, cảm thọ khổ đau và những phương pháp sử dụng ái ngữ – lắng nghe để tái lập lại truyền thông, hòa giải với nhau trong tình huynh đệ, những cái đó có thật hay không? Có những ai đang thực sự dạy? Có những ai đang thực sự học?
Những phương pháp nói trên được căn cứ trên những kinh điển nào? Mình có thể tới đâu để học được những phương pháp đó? Để mình có thể về xây dựng một tăng thân làm nền tảng thực hiện cho chí nguyện của một người xuất gia. Xin Ban Biên Tập vui lòng cho chúng tôi một số thông tin.
BBT trả lời:
Kính gửi Thầy,
Ban Biên Tập rất vui khi nhận được thư Thầy. Vui vì có cơ hội được chia sẻ với Thầy những gì có thể giúp cho những người xuất gia trẻ.
Pháp môn mà mình nói tới đó là pháp môn xây dựng tăng thân, được gọi tắt là dựng tăng. Đó cũng là công trình của Bụt, đó là sự nghiệp của Bụt. Ngay sau khi thành đạo, Bụt đã biết rất rõ rằng nếu không xây dựng được một tăng thân thì mình không thể nào thực hiện được sự nghiệp của một vị Bụt. Vì vậy Ngài đã để ra rất nhiều thì giờ và công sức để xây dựng một tăng thân. Ngay trong năm đầu sau khi thành đạo, Bụt đã xây dựng một tăng thân xuất gia gồm có 1250 vị, và tăng thân này đầu tiên xuất hiện tại một rừng kè ở ngoại ô thành phố Rajagraha.
Năm Ngài 80 tuổi, Vua Prasenajit (Ba Tư Nặc) có nói một câu rất hay để ca ngợi Bụt về công trình xây dựng tăng thân ấy. Vua nói: Bạch đức Thế Tôn, mỗi lần con thấy tăng thân của đức Thế Tôn là con lại có niềm tin nhiều hơn ở nơi chính đức Thế Tôn.
Nếu không có một tăng thân, nếu không có tình huynh đệ trong một tăng thân, nếu không có một lý tưởng chung với tăng thân thì mình không thể nào tu trọn đời của một người xuất gia. Cho nên xây dựng tăng thân, xây dựng tình huynh đệ trong tăng thân là thực tập nòng cốt. Chuyện nòng cốt không hẳn là chuyện học Phật pháp cho giỏi để trở thành uyên bác về kinh điển. Xây dựng tăng thân đòi hỏi phải xây dựng chính mình. Nếu trong con người của mình có niềm vui, có hạnh phúc, nếu mình đã biết xử lý những nỗi khổ niềm đau của mình, nếu mình đã có khả năng sử dụng những phương pháp lắng nghe – ái ngữ để tái lập truyền thông với người huynh đệ thì khả năng xây dựng tăng thân sẽ lớn và mình sẽ thành công.
Một ví dụ khá hay là Tu viện Bát Nhã. Gần 400 tu sinh Tu viện Bát Nhã, hầu hết đều còn trẻ, không thể nói họ uyên bác về giáo lý, không thể nói rằng công phu thiền tọa, thiền hành của họ đã sâu sắc, không thể nói rằng Niệm, Định và Tuệ của họ đã đủ vững chãi. Không!
Sở dĩ họ ở với nhau được, truyền thông với nhau được và có đủ sức mạnh và niềm tin để nắm tay nhau, cố gắng duy trì sự có mặt của Tu viện Bát Nhã, bất chấp những phá hoại và buộc họ phải ra đời, và những cố gắng ấy đã kéo dài được trên một năm rưỡi với niềm thương và tinh thần bất bạo động để mong có cơ hội được cùng tu với nhau là vì họ có tình huynh đệ. Có rất nhiều người trẻ tới từ khắp nơi, không phải vì mê những bài pháp thoại, mê những phương pháp tu học mà tại vì lần đầu tiên họ đã khám phá ra được tình huynh đệ ở Tu viện Bát Nhã và quyết tâm ở lại Bát Nhã, vì trước đó họ chưa thấy được tình huynh đệ đó trước khi về Bát Nhã.
Đối với họ, tình huynh đệ là sự sống đích thực. Cho nên công trình xây dựng tình huynh đệ cũng là công trình chính của người xuất gia. Có tình huynh đệ thì mình sẽ tu được suốt đời. Nếu không thì mình sẽ chán và sẽ đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm, do đó mình sẽ buông bỏ lý tưởng đẹp đẽ ban đầu của mình.
Tuy Làng Mai chưa xuất bản được một tập sách với chủ đề “Dựng Tăng”, nhưng trong 40 năm qua, Làng Mai đã học hỏi rất nhiều, đã ghi nhận và đã tập hợp được rất nhiều kinh nghiệm về pháp môn xây dựng tăng thân.
Tại Làng Mai, dù ở tại các xóm, các chùa ở bên Pháp hay các trung tâm như Lộc Uyển, Bích Nham, Mộc Lan ở Hoa Kỳ, Học viện Phật học Ứng dụng Châu Âu ở Đức, Trung tâm quốc tế Làng Mai Thái Lan, Viện Phật học Ứng dụng Châu Á ở Hồng Kông, hoặc ở những nơi khác, nơi nào cũng có người dạy, nơi nào cũng có người học về pháp môn này, dù là người xuất sĩ hay người cư sĩ. Ta có thể gọi môn học này là môn xây dựng tăng thân, một môn học quan trọng nhất trong số các môn học quan trọng như nội điển, giới luật, cách thức tổ chức tu học cho đoàn thể mình và cho những thiền sinh ở ngoài đời.
Trước hết là những pháp môn tu tập để mình có thể chế tác được niềm vui trong đời sống hằng ngày của mình (chế tác Hỷ và Lạc) làm lắng dịu những niềm đau, nỗi khổ của mình, tái lập được truyền thông với người huynh đệ. Những pháp môn này đã có mặt ngay trong những Kinh điển truyền thống nguyên thủy, những kinh mà các thầy và các sư cô thời của Bụt đều đã được học thuộc lòng. Đó là các kinh như kinh Niệm Xứ, kinh An Ban Thủ Ý, kinh Diệt Trừ Phiền Giận, kinh Soi Gương,…Trong kinh An Ban Thủ Ý, có những bài tập để giúp mình đem tâm trở về với thân và làm lắng dịu thân, buông thư toàn thân.
Không ai ở Làng Mai, không ai tới Làng Mai, dù là người cư sĩ mà không được học những pháp môn cơ bản như pháp môn này. Đem tâm trở về với thân, thấy được những căng thẳng, những đau nhức trong thân, thở như thế nào để buông thư, làm lắng dịu được những căng thẳng ấy và những đau nhức ấy. Mình phải học làm cho được trong các tư thế đi, đứng, nằm và ngồi. Trong những lúc thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền đứng, thiền làm việc, ta phải có khả năng làm lắng dịu thân hành. Thân hành tức là hình hài của mình. Đây là các bài tập thứ 3 và thứ 4 trong kinh An Ban Thủ Ý.
Tiếp đến đem tâm trở về thân cũng có mục đích nhận diện được những mầu nhiệm của sự sống, những điều kiện hạnh phúc mình đang có bây giờ để có thể chế tác ngay được Hỷ (niềm vui) và Lạc (hạnh phúc). Đó là hai hơi thở thứ 5 và thứ 6 trong kinh An Ban Thủ Ý. Đây là nghệ thuật Hiện Pháp Lạc Trú, không đi tìm hạnh phúc trong tương lai mà tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Giáo pháp Hiện Pháp Lạc Trú là một giáo pháp rất căn bản của Bụt dạy, nhưng phần lớn Phật tử ít biết đến, chỉ biết đi tìm cầu hạnh phúc trong tương lai hoặc ở một cõi trời hay một cõi Tịnh độ, trong khi hành tinh này thực sự là một nơi xinh đẹp nhất mà ta được thấy trong vũ trụ trong giây phút hiện tại.
Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi cử chỉ đều có thể chế tác được Hỷ và Lạc cho mình và cho người khác. Đó là công trình thực tập chánh niệm. Chánh niệm giúp ta nhận diện những may mắn, những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có. Khi ta nhận diện được chúng rồi thì tự nhiên Hỷ và Lạc được chế tác. Chế tác Hỷ và Lạc là để mình tự nuôi dưỡng mình và mình có thể đi xa trên con đường lý tưởng. Khi mình tự nuôi dưỡng được mình rồi thì mình cũng sẽ có khả năng nuôi dưỡng được người huynh đệ của mình, giúp cho người ấy cũng làm được như mình.
Hơi thở thứ 7 và thứ 8 giúp ta nhận diện những nỗi khổ, niềm đau, những khổ thọ, những cảm xúc đang đi lên. Nếu biết cách thở thì ta có thể chế tác được năng lượng chánh niệm để nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu những nổi khổ, niềm đau trong vài ba phút. Đó là những pháp môn thực tập rất quan trọng, nằm ngay trong kinh điển của Bụt. Nếu mình chỉ học lý thuyết thì sẽ không bao giờ làm được.
Khi trong người mình đã cảm thấy khỏe, khi mình đã biết xử lý những nỗi khổ, niềm đau của mình, khi mình đã có đủ Hỷ, Lạc trong đời sống hằng ngày rồi thì rất dễ cho mình trong công việc giúp người huynh đệ cũng làm được như vậy.
Mình có thể sử dụng phương pháp lắng nghe với tâm từ bi để giúp cho người kia nói ra được những niềm đau, nổi khổ trong người đó. Một giờ lắng nghe như vậy sẽ giúp cho người kia bớt khổ rất nhiều. Ái ngữ là những lời nói từ ái có thể giúp cho người kia mở lòng ra được, thấy rằng người đang nói chuyện với mình không có ý làm cho mình khổ. Nếu người kia trong quá khứ đã gây cho mình nhiều thương tích, cũng tại vì người ấy chưa thấy được nỗi khổ niềm đau của mình.
“Lâu nay tôi biết huynh có rất nhiều khó khăn và đau khổ. Tôi đã không giúp được huynh mà cách tôi phản ứng đã làm cho huynh khổ đau thêm. Đó là lỗi tại tôi. Tại tôi chưa thấy được những nỗi khổ niềm đau ở trong huynh, những khó khăn, bức xúc ở trong huynh mà chỉ thấy được nỗi khổ niềm đau của tôi thôi, cho nên tôi cứ liên tục trách móc. Sự truyền thông giữa chúng ta đã bị cắt đứt. Bây giờ tôi thấy được sự thật rồi, tôi thấy huynh có rất nhiều khó khăn, khổ đau và bức xúc. Nếu huynh thương tôi mà vui lòng nói cho tôi biết thêm về những nỗi khổ niềm đau của huynh thì chắc chắn từ nay về sau tôi sẽ không phản ứng cái kiểu lâu nay tôi đã từng phản ứng, và chắc chắn rằng từ nay về sau tôi sẽ không làm cho huynh khổ như tôi đã từng làm. Nếu huynh không giúp tôi, thì ai giúp tôi bây giờ. Xin huynh cho tôi một cơ hội để trở thành một người huynh đệ thực sự của huynh.”
Đó là pháp môn ái ngữ. Khi ta nói được những lời ấy thì người kia sẽ mở lòng ra và nói cho ta nghe về những khó khăn và khổ đau của người ấy. Có thể là trong khi nói, người ấy sẽ đưa ra một vài lời trách móc, buộc tội và có thể người ấy chứng tỏ có rất nhiều tri giác sai lầm về ta. Nhưng pháp môn lắng nghe với tâm từ bi (bi thính, compassionate listening) đòi hỏi mình không được ngắt lời người kia, dù người kia đang nói những điều sai với sự thật. Nếu mình cắt lời, mình sẽ biến buổi thực tập lắng nghe thành một buổi tranh luận và như vậy là hư bột hư đường hết. Mình phải tiếp tục thở trong khi mình lắng nghe và tự nhắc nhở rằng mình lắng nghe như thế này chỉ với một mục đích duy nhất là giúp người kia nói ra được những niềm đau nỗi khổ trong lòng để người kia bớt khổ. Còn những hiểu lầm kia trong năm bảy hôm sau, khi có cơ hội, mình sẽ cung cấp cho người ấy một số thông tin để người ấy có thể điều chỉnh nhận thức của họ. Bây giờ chỉ lắng nghe mà thôi.
Tái lập được truyền thông, hòa giải được với người huynh đệ, đây là một phép thực tập rất quan trọng. Nếu không biết pháp môn này thì làm sao ta xây dựng được tăng thân?
Trong pháp môn xây dựng tăng thân, có những sự thực tập được rút ra từ Luật tạng rất hay, như phương pháp ngăn ngừa sự vướng mắc, đối trị với sự vướng mắc, điều phục cơn giận, làm mới, soi sáng và phủ rơm lên bùn.
Sự vướng mắc có thể xảy ra giữa một người tu nam và một người tu nữ, nhưng cũng có thể xảy ra giữa hai người tu nam với nhau hoặc hai người tu nữ với nhau. Phương pháp sống trong tăng thân là phải thương cho đều. Thương cho đều là yếu tố xả, một trong bốn vô lượng tâm. Xả nghĩa là không kỳ thị, tình thương phải ôm lấy mọi người không loại trừ bất cứ ai. Nếu mình chỉ thương một người thì mình đi ngược với xả. Thường thường thì người ta chỉ thương những người dễ thương, dễ chịu. Đó là bản tính của con người. Tu trong đạo Bụt là phải tập thương cho đều. Từ các bậc sư trưởng cho đến các em mới tập sự, ai cũng phải học phương pháp này.
Khi sự vướng mắc xảy xa, đương sự thường không chịu công nhận là mình có vướng mắc. Nhưng khi có tới bốn vị Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni đưa vấn đề ra chúng thì đó trở thành một vấn đề chính thức phải đem ra chúng để giải quyết. Chúng sẽ họp và sẽ đưa ra những phương pháp thực tập để hai người từ từ sinh hoạt lại bình thường. Nếu sau một thời gian không thành công thì phải chuyển một trong hai người đi một trung tâm khác. Đây là chuyện bất đắc dĩ.
Điều phục cơn giận là pháp môn thực tập rất quan trọng. Theo phương pháp thực tập chánh niệm, mỗi khi bực tức giận dữ đi lên thì mình đừng hành động, đừng nói năng để tránh gây đổ vỡ. Mình phải trở về chăm sóc cơn giận của mình. Thở, đi thiền hành, ngồi thiền, chế tác năng lượng chánh niệm để nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu cơn giận đó. Tìm hiểu cơn giận tới từ đâu, có thể từ một tri giác sai lầm của mình, có thể từ sự vụng về của người kia, chứ không hẳn là người kia đã cố tình làm mình khổ.
Theo phương pháp này hành giả không để cho cơn giận kéo dài quá 24 giờ. Phải tìm cách đối thoại với người kia. Nếu cần thì có một huynh đệ khác ngồi với mình để hai bên cùng có cơ hội nói chuyện với nhau.
Mỗi tuần trong chúng có một buổi làm mới. Đại chúng họp lại và tưới hoa cho nhau, nghĩa là khen ngợi nhau về sự tu học và về những thành quả đạt được của những người khác. Nhân cơ hội mình cũng có thể nói ra những cái mình đã bị tổn thương trong tuần vừa rồi, và xin những người kia cắt nghĩa tại sao đã nói và đã làm như thế. Người kia sẽ có cơ hội giải thích. Đó là phương pháp làm mới. Khi đại chúng nhận thấy giữa hai người có một sự căng thẳng, không có sự truyền thông, đại chúng phải giúp cho hai người thực tập cho đến khi hai người đó giải tỏa được với nhau.
Soi sáng là một phương pháp rất hay. Phương pháp soi sáng được sử dụng trước khi một giới tử được thọ giới, một người sắp được truyền đăng, một người sắp được chấp nhận là thành phần của chúng thường trú. Đương sự nghe từng người nói lên những ưu điểm và những khuyết điểm của mình và nhận một lá thư trong đó có ghi chép tất cả những gì chúng đề nghị.
Trong lễ tự tứ cũng vậy. Ngày tự tứ người nào trong chúng cũng nhận được một lá thư soi sáng của đại chúng. Đây là một sự thực tập rất công phu và đầy tình thương. Đại chúng ngồi chung lại như một đoàn thể anh em và soi sáng cho mỗi người bằng tâm từ bi. Đương sự có thể có mặt để tự mình soi sáng cho mình trước, và sau khi được nghe soi sáng có thể đứng dậy để làm lễ tạ ơn. Phương pháp này rất hay và được thực tập ở tất cả các trung tâm của Làng Mai.
Phương pháp phủ rơm trên bùn được lấy từ phép bảy phương pháp diệt trừ tranh chấp (thất tránh diệt pháp) của giới lớn. Vị trưởng lão trong chúng, mỗi năm có cơ hội ân xá cho thành phần đang thực hiện pháp sám hối để vị này có cơ hội trở về để hội nhập với tăng thân. Theo đúng luật nghi, có những hành động làm cho mình không tiếp tục được như một thành viên trọn vẹn của tăng thân. Điều này có thể kéo dài cả năm. Nhưng mỗi năm vị trưởng lão của tăng đoàn, nhân một lễ hội lớn như Vu Lan hay Tết, có thể ban xuống một ân xá để người kia có cơ hội được trở về hội nhập với tăng thân.
Những điều này tất cả các trung tâm của Làng Mai đều có thực tập.
Đứng về phương diện tổ chức tăng thân thì nghệ thuật dựng tăng nói rất rõ: vị trụ trì, vị sư trưởng không phải là người quyết định mọi chuyện. Theo truyền thống thì hội đồng các vị xuất sĩ, các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất. Những quyết định này có liên hệ tới hạnh phúc và sự tu tập của chúng. Quyền hạn tối cao trong chúng không nằm ở vị trụ trì hay vị sư trưởng mà nằm ngay trong hội đồng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Những buổi họp của hội đồng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni phải bắt đầu bằng những lời quán nguyện, nhắc nhở nhau rằng, những quyết định mà mình sẽ làm trong buổi họp này là vì hạnh phúc của tăng thân. Một quyết định nào đó có thể gây một vài đau nhức nhưng những đau nhức đó rất cần thiết để chữa trị và làm hạnh phúc cho đại đa số. Mình không thể nể một người, dầu người đó có hạ lạp cao cũng vậy, nếu người đó đang gây những ứ đọng và bế tắc trong tăng thân.
Khi mình đã trở thành một vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni thì mình đã được bình đẳng với các vị khác về vấn đề phát biểu và quyết định dầu hạ lạp mình còn ít. Mình có một phiếu và mình có quyền đóng góp sự quyết định của mình trong hội đồng Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni bằng lá phiếu đó. Đây là tinh thần dân chủ của giáo đoàn nguyên thủy.
Trước khi hội đồng Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni họp, các Thầy lớn, các Sư cô lớn có thể đến ngồi chơi với các giới sa di, sa di ni, thức xoa ma na và cư sĩ để lắng nghe những nguyện vọng, ước mơ và khó khăn của họ để trong khi hội đồng Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni họp, các vị ấy có thể nói những điều ấy ra cho tất cả đều nghe, để cho quyết định của hội đồng có thể làm hạnh phúc cho đại đa số, trong đó có giới cư sĩ.
Trong chúng còn có hội đồng Giáo thọ. Hội đồng giáo thọ gồm những người đã được truyền đăng nhưng không phải các vị giáo thọ có quyền cao hơn các vị Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni. Hội đồng giáo thọ chuyên về vấn đề giáo dục, tổ chức các khóa tu, lập chương trình tu học. Nhưng những đề nghị và chương trình này của hội đồng giáo thọ phải được đưa lên hội đồng Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni để duyệt y trước khi đưa ra thực hiện.
Thầy trụ trì cũng như ban chăm sóc (CTC – Care Taking Council) là cơ quan điều hành. Các vị này không có quyền quyết định thay hội đồng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni mà chỉ thực thi những quyết định của hội đồng Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni. Những gì chưa chắc ăn thì họ phải luôn trở về hỏi các thầy, các sư cô trong hội đồng Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni. So với các ban Thường vụ ở ngoài đời thì ban Thường vụ ở ngoài đời quyền hạn quá nhiều, trong khi đó thì vị trụ trì cũng như ban chăm sóc (CTC) chỉ là cơ quan hành pháp, thực thi những quyết định của hội đồng Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni mà thôi.
Trong khi làm việc với nhau, tổ chức tu học cho nội chúng, hoặc tổ chức những khóa tu cho người cư sĩ thì các thành phần của chúng xuất sĩ ý thức rằng đây không phải chỉ là công việc như công việc ngoài đời làm để có lương, mà là một cơ hội để học làm việc chung, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và xây dựng tình huynh đệ. Cho nên không phải vì mình có tài năng về một ngành như ngành máy tính mà mình say sưa đánh mất mình trong công việc. Đây là một điều tối kỵ. Mình phải luôn tham dự vào sinh hoạt chung của đại chúng.
Trong công việc xây dựng tăng thân, khi một vị xuất gia đi đâu luôn luôn phải có một vị thứ hai đi theo. Đây là pháp môn đệ nhị thân. Dù đi ra bưu điện, ra chợ để mua rau hoặc tới chùa của một chúng khác phái thì người xuất sĩ cũng phải đi hai người.
Trong tinh thần xây dựng tăng thân, đại chúng cùng đi như một dòng sông, không đi riêng như một hạt nước. Đi như một hạt nước sẽ bị bốc hơi mau chóng. Chúng ta không đi tìm một sự nghiệp riêng và một tương lai riêng cho mình, mà cùng tìm về về một tương lai chung và hoàn thành một sự nghiệp chung cho cả tăng thân.
Đã là người xuất gia thì mình phải hoàn toàn nương tựa vào tăng thân. Khi mình nương tựa và tăng thân thì tăng thân cũng sẽ lo cho mình. Khi mình có bệnh tật thì tăng thân sẽ lo chữa trị cho mình. Nếu mình cần đi nhà thương, khám bệnh, chữa trị thì tăng thân sẽ lo cho mình. Nếu gia đình có những khó khăn về vấn đề tình cảm hay tài chính thì tăng thân cũng sẽ tìm mọi cách để giúp cho gia đình mình để mình có thể yên tâm tu học và tiếp tục con đường lý tưởng.
Trong công trình xây dựng tăng thân, vai trò của người cư sĩ cũng rất quan trọng. Ngoài đời khổ đau tràn ngập cho nên ai cũng cần phải tu tập. Sự có mặt của các vị xuất sĩ không đủ, không thấm thía vào đâu cả nên mình cần có cánh tay nối dài trong xã hội. Đó là những vị cư sĩ. Ban đầu, họ là những người thọ năm giới trong một khóa tu mà họ tham dự. Năm giới của Làng Mai giống như giới của Bồ tát. Sau đó một thời gian, một số được thọ giới của dòng tu Tiếp Hiện. Mười bốn giới Tiếp Hiện đích thực là những giới Bồ Tát mà các vị xuất sĩ và cư sĩ đều có thể thực tập. Những vị Tiếp Hiện tại gia có bổn phận tổ chức những tăng thân tu học trong thành phố của mình. Họ có khả năng hướng dẫn nghi lễ, hướng dẫn các buổi tụng giới, pháp đàm, thiền hành và nói những bài pháp thoại.
Sau đó mình lại có những vị giáo thọ cư sĩ Tiếp Hiện, họ có thể là cánh tay nối dài của các thầy, các sư cô giáo thọ xuất gia. Mình cũng có những nhóm tình nguyện viên ở ngoài đời, lo tổ chức sự tu học cho mọi giới, trong đó có giáo chức, có các đoàn thể trẻ, sinh viên, học sinh và nghiệp đoàn. Mình cũng có những người cư sĩ thường trú cùng ở chung với các thầy, các sư cô để làm những công việc thích hợp với người cư sĩ hơn để yểm trợ cho các thầy và các sư cô. Họ cũng sống với những tiện nghi tối thiểu như các thầy và các sư cô.
Trước đây, Làng Mai gọi phương pháp nói trên là “Đạo Phật ứng dụng” (Applied Buddhism). Ở Đức có một học viện gọi là Học viện Phật học Ứng dụng châu Âu ( The European Institute of Applied Buddhism). Không phải chỉ tại đây mới có dạy môn này mà trong tất cả các trung tâm và các cơ sở Làng Mai khắp nơi trên thế giới, nơi nào cũng có học môn Đạo Phật ứng dụng.
Sau này, để phương pháp được mở rộng khắp nơi trong xã hội nên mình đã bỏ bớt chữ Đạo Phật và chỉ dùng danh từ mới là Đạo đức học ứng dụng (Applied Ethics) để dễ dàng đi vào cuộc đời, như phong trào Wake Up Schools hiện bây giờ đang rầm rộ đi tới. Phong trào đã đào tạo rất nhiều giáo chức trong pháp môn tu học xây dựng tăng thân, để họ đem vào lớp học, giúp cho học sinh bớt khổ, tái lập lại truyền thông giữa cha mẹ, con cái và tình thầy trò, xây dựng tình huynh đệ trong lớp học để người dạy bớt khổ và người học cũng bớt khổ và để giúp cho học sinh chuyển hóa, có khả năng hòa giải được với bố mẹ ở nhà và tìm được một con đường lý tưởng cho cuộc đời.
Hiện bây giờ ở Làng Mai, có các Thầy từ nhiều nước tới như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… để học những pháp môn này. Họ thấy rất lợi lạc, họ có nhiều chuyển hóa và rất mong đem những pháp môn này về áp dụng tại chùa của họ. Nhiều chùa hiện bây giờ giống như những dịch vụ. Các thầy và các sư cô không có thì giờ tu học và xây dựng tăng thân, chỉ tạm có đủ thì giờ để phục vụ cho khách hành hương, dù đồng ra đồng vào rất nhiều.
Thưa Thầy, nếu Thầy muốn có một kinh nghiệm về pháp môn này thì Thầy có thể tới một trong những trung tâm của Làng Mai trên thế giới, ở lại chừng ba tháng để quán sát, nghe ngóng và Thầy sẽ cảm thấy đây là cái quý nhất của Làng Mai, dù trung tâm nào của Làng Mai cũng còn những yếu kém. Sức mạnh của Làng Mai không phải là những khóa tu về những kinh điển sâu sắc như Trung Quán Luận, Dị Bộ Tông Ngôn Luận, Duy Thức Tam Thập Tụng mà là Đạo Phật Ứng Dụng. Những vị có bằng tiến sĩ Phật học tại các trường đại học lớn cũng chưa chắc có thể sử dụng những kiến thức của mình để vượt thắng những niềm đau, nỗi khổ của họ. Cho nên trong những bài giảng của Làng Mai, dù giảng về Trung Quán Luận hay Nhiếp Đại Thừa Luận thì luôn luôn có chen vào những pháp môn tu học rất thực tế. Những giáo huấn đó thuộc về phạm vi của Đạo Bụt Ứng Dụng.
Mong rằng những điều mà Ban Biên Tập chúng tôi vừa nói có thể giúp cho Thầy có được một ý niệm rõ hơn về phương pháp dựng tăng. Kính chúc Thầy có cơ hội tốt đẹp để hướng dẫn thế hệ xuất gia trẻ đi lên một phương trời khoáng đạt và nhiều hào quang hơn.