Đại giới đàn Cam Lộ Vị hoàn mãn

Những giọt cam lộ thanh lương

Mùa xuân năm nay, tại Đạo tràng Mai Thôn đã diễn ra Đại giới đàn Cam Lộ Vị, bắt đầu từ ngày 23.05 đến ngày 28.5.2014. Lễ rước giới bổn được tổ chức thật long trọng tại chùa Pháp Vân, xóm Thượng. Dường như đất trời cũng hòa chung niềm vui của tứ chúng Làng Mai trong ngày khai mạc Đại giới đàn. Ngay khi giới bổn được rước vào thiền đường Nước Tĩnh thì trời bổng nhiên đổ mưa. Những giọt nước cam lộ rơi xuống làm cho đất trời và lòng người đều mát mẻ, thanh lương.

Đại giới đàn năm nay đã cung thỉnh được các vị tôn túc như Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh, Hòa thượng Minh Nghĩa, Ni Sư Như Minh…vào Hội đồng truyền giới.

Trong lễ khai mạc Đại giới đàn, thầy Pháp Hữu – trụ trì chùa Pháp Vân, xóm Thượng – đã có lời tác bạch: “Chúng con ý thức rằng giới luật quý như châu báu, ai cũng muốn tìm cầu không mỏi mệt. Chính vì muốn bảo vệ gia sản thiêng liêng của chánh pháp cho nên Đạo tràng Mai Thôn đã tổ chức Đại giới đàn Cam Lộ Vị…”

Với tinh thần đó, Đại giới đàn đã truyền các giới cận sự (Năm Giới), giới Tiếp Hiện, giới Khất sĩ và Nữ Khất sĩ. Có tất cả 35 vị được thọ giới Khất sĩ, 49 vị thọ giới nữ Khất sĩ, 43 vị thọ giới Tiếp Hiện và 100 vị được thọ Năm Giới. Buổi truyền giới Khất sĩ và nữ Khất sĩ được truyền trực tuyến (qua mạng lưới Internet) cho các giới tử thuộc các trung tâm Làng Mai tại Mỹ và Thái Lan. Ngoài ra, còn có 66 vị tập sự giáo thọ – xuất sĩ và cư sĩ – được truyền đăng trong Đại giới đàn Cam Lộ Vị.

Tình huynh đệ bao la

Đại giới đàn được tổ chức trong không khí trang nghiêm nhưng thật ấm áp tình thầy trò, tình huynh đệ của một đại gia đình tâm linh. Một điều rất đặc biệt trong Đại giới đàn lần này là tứ chúng Làng Mai may mắn được nghe Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh kể về “chuyện tình 60 năm” về trước. Hồi đó Sư Ông Làng Mai còn là một vị giáo thọ trẻ và Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh còn là những vị học tăng của Phật Học Đường Nam Việt, chùa Ấn Quang, Sài Gòn.

Trong lời mở đầu trước khi bắt đầu buổi nói chuyện, Sư Ông Làng Mai chia sẻ:

“Hòa thượng Như Huệ đây hiện bây giờ là một vị cao tăng đang hành đạo tại Úc. Năm nay Ngài 82 tuổi, Ngài đã từng là một vị học tăng tại Phật Học Đường Nam Việt. Ngài có trí nhớ rất tốt, những bài văn, bài thơ, bài hát mà Ngài đã học trong lớp bây giờ Ngài vẫn còn thuộc lòng. Có lần trong chuyến hoằng pháp ở Úc, tôi có đến thăm Ngài. Ngài đọc lại cho tôi nghe bài Sám Quy Mạng (mà tôi đã dịch ra tiếng Việt khi còn là một vị giáo thọ trẻ ở Phật Học Đường Nam Việt), tôi hoàn toàn quên. Khi đó, tôi mới ghi chép lại và đưa vào cuốn Nhật tụng thiền môn. Nếu không có Ngài đây thì bài đó đã bị thất lạc rồi. Ngoài bài đó ra, Hòa thượng còn thuộc những bài khác nữa mà tôi đã quên. Có những bài ca dao mới mà tôi sáng tác thời đó, Ngài cũng thuộc lòng. Hòa thượng giống như một cuốn từ điển sống…

Hòa thượng ngồi bên tôi đây – Hòa thượng Minh Cảnh – cũng là một học tăng trong thời đó. Hòa thượng đây đã trở thành một vị học giả nổi tiếng, rất là giỏi về văn học Phật giáo Trung Quốc. Ngài đã làm ra bộ Bách khoa Phật giáo Từ điển. Ngài đã phiên dịch, sáng tác và chủ trì những lớp đào tạo cho các học giả. Ngài đã đào tạo ra nhiều nhân tài đã và đang làm việc cho nền dịch thuật và sáng tác tại Việt Nam.

Hôm nay, sự có mặt của các Ngài ngồi ở đây là một cái gì rất phi thường, rất mầu nhiệm. Trong những ngày vừa qua, trong những buổi ăn trưa, chúng tôi có cơ hội nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. Hạnh phúc lắm!

Hồi đó tôi là một vị giáo thọ trẻ. Trong hình chụp với các vị học tăng thời đó thì thấy nét mặt của mọi người gần giống nhau, tôi chỉ hơn Hòa thượng đây (HT. Như Huệ) chỉ 5-6 tuổi. Nhìn vào không thể phân biệt được ai lớn, ai nhỏ. Chỉ khác nhau là tôi mặc áo tràng, còn các vị thì đều mặc áo nhật bình. Thầy trò, huynh đệ sống với nhau rất là hạnh phúc!

Hồi đó ở chùa Ấn Quang, Phật Học Đường Nam Việt, vị giáo thọ nào cũng có một thị giả hết. Và trong phòng các vị luôn luôn có một đĩa trái cây do các vị Phật tử cúng dường. Trong phòng tôi không có một đĩa trái cây như vậy, tại vì mình chưa phải là một vị hòa thượng đạo cao đức trọng nên không ai cúng dường hết (cười). Tôi cũng không có thị giả, tại vì mình còn trẻ quá, đâu cần đến thị giả. Nhưng có cái hay là trong phòng tôi luôn luôn có các thầy trẻ, các sư chú trẻ, tại vì thầy trò rất thương nhau, quấn quýt với nhau, hưởng sự có mặt của nhau, cùng một lý tưởng, cùng một hoài bão. Trong lớp học cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, rất là gần gũi nhau. Hạnh phúc của tôi là chưa bao giờ xa lìa tuổi trẻ.

Hồi đó tôi còn nhớ ở cư xá học tăng ở chùa Ấn Quang, cư xá dài, có hai hàng giường cho học tăng thôi, không có những phòng riêng cho 2-3 thầy ở như xóm Thượng bây giờ. Ở phía trước có một câu châm ngôn: “Học tăng là sức sống của đạo pháp đang lên”. Tôi là người gần gũi với các sư chú, các vị trẻ nhất, và tôi nuôi dưỡng họ bằng sự nồng nhiệt, bồ đề tâm, bằng tình thương yêu của tôi, vì vậy thầy trò, huynh đệ, anh em rất là gần nhau. Và tình huynh đệ rất là quý báu. Bây giờ ai nghĩ tới cũng còn cảm động hết.

Hình chụp với các vị học tăng ở chùa Ấn Quang

Hồi đó ở Phật học đường Nam Việt, ngoài Phật pháp ra còn học toán, khoa học, văn chương…Tôi cũng có dạy về văn chương, về thơ ca, về hành văn…Có những bài giảng văn, Hòa thượng Như Huệ đây còn học thuộc lòng, như bài Nhành lúa mới, Hòa thượng có thể đọc vanh vách từ đầu đến cuối. Ở đây ít có vị nào có ký ức tốt như Hòa thượng đây.

Có điều lạ là chúng tôi – ví dụ như tôi với hai Hòa thượng đây – chưa bao giờ giận nhau hết, rất là hay. Không biết tại sao vậy, hay quá! Và điều này tôi cũng được hưởng cả trước Phật học đường Nam Việt nữa. Bởi vì trước Phật học đường Nam Việt, tôi có học ở Phật học đường Báo Quốc, tôi cũng có những huynh đệ thương nhau như vậy.

Hồi đó ở Huế có chiến tranh và chúng tôi tuy đã đi xuất gia rồi, nhưng có nhiều người cũng đồng thời phục vụ cho kháng chiến. Hồi đó Việt Nam tổ chức kháng chiến chống lại quân Pháp, tại vì quân Pháp trở lại chiếm cứ Việt Nam để tiếp tục sự đô hộ. Mà mình đã tu rồi thì đâu có cầm súng, nhưng mà mình có thể làm những công việc bất bạo động để giúp cho cuộc kháng chiến, ví dụ như liên lạc, tổ chức…Vì vậy cho nên có một số các huynh đệ bị lính Pháp bắn chết, trong đó có những vị rất xuất sắc.

Tôi xin đọc một đoạn trong cuốn Bây giờ mới thấy (NXB Phương Đông):

” Tôi may mắn trong thời gian xuất gia được thân cận với nhiều huynh đệ dễ thương, thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Hồi ấy có thầy Trọng Ân, thầy Trí Thuyên, thầy Thiện Hỷ, các chú Tâm Cát, Tâm Thường, Đức Trạm, Minh Tâm, Đồng Bổn, Châu Đức, Châu Toàn, Tánh Huyền…

 

Chúng tôi sống với nhau, tu học với nhau đầm ấm trong tình huynh đệ thật tuyệt vời. Chúng tôi ai cũng vừa yêu đạo vừa yêu quê hương. Ai cũng muốn đóng góp ít nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trí Thuyên bị Pháp bắn chết ở tùng lâm Kim Sơn. Tâm Thường bị bắn chết ở núi Thiên Thai cạnh chùa Thiền Tông. Minh Tâm bị bắn tại huyện Phong Điền. Tánh Huyền bị bắn sau lưng chùa Tường Vân. Châu Quang bị bắn ở mặt trận thị xã Huế… Chúng tôi bí mật tổ chức cầu siêu cho các vị huynh đệ ấy.  Chúng tôi cũng có một bức hình của thầy Trí Thuyên.

 

Bốn câu thơ sau đây được thầy Trọng Ân viết dưới bức chân dung của thầy Trí Thuyên:

 

Năm xưa ai đã cùng ai

 

Đốt lò hương, nguyện dưới đài quang minh

 

Mà nay non nước chưa bình

 

Người đi đâu mất, ảnh hình còn đây?

….

Thầy Mật Thể mất năm 1961, tuổi mới 49. Chí nguyện chưa thành, nhưng đang được chúng tôi tiếp nối. Thầy Châu Toàn, đệ tử của thầy Mật Thể, đã được tôi chăm sóc và hướng dẫn chu đáo. Tôi đối xử với thầy Châu Toàn như một người em ruột. Có thể nói tôi yêu Châu Toàn còn hơn yêu em trai nữa, có thể bởi vì chúng tôi cùng có một thao thức chung, một lý tưởng chung. Mà điều này cũng đúng với thầy Châu Đức và với hàng chục anh em khác.Một điều lạ là chúng tôi chưa bao giờ giận nhau và cãi vã với nhau. Chúng tôi có một niềm tin sâu sắc nơi nhau.

 

Đời tôi có một may mắn là chưa bao giờ bị cách biệt với tuổi trẻ. Tại lớp Trung Học ở Ấn Quang, các vị như Như Trạm, Như Vạn, Như Huệ, Minh Cảnh, Thanh Văn, Thanh Hương, Thanh Tuệ, Trí Không (Tân Uyên), Long Nguyệt, Viên Hạnh, Từ Mẫn, Thiện Tánh, Thắng Hoan, Thanh Hiện, v.v… tuy đều là học trò của tôi nhưng đồng thời cũng  là những người em và những người cùng chí hướng. Cho tới nay mỗi lần nhớ tới những người ấy, tôi vẫn còn thấy biết ơn cái tình thầy trò và huynh đệ kia. Nó nuôi dưỡng chúng tôi. Nó bền bĩ và có khả năng nuôi dưỡng hơn bất cứ một thứ tình nào khác.

 

Các vị như Minh Cảnh và Như Huệ tuy đã trở thành những vị hòa thượng lớn hay những học giả lớn, nhưng bây giờ mỗi lần gặp nhau chúng tôi vẫn còn nắm tay nhau đi chơi như thường. Hòa thượng Như Huệ đang lãnh đạo Phật giáo tại Úc. Năm 1986, khi tôi đến thăm ngài tại chùa Pháp Hoa ở Adelaide, ngài đã ra đón tôi ở cổng chùa và đặt đầu trên vai tôi một cách “nhõng nhẽo” khiến cho cả tứ chúng chùa Pháp Hoa đều kinh ngạc. Đối với các hòa thượng khác như Thiện Hạnh, Thiện Bình, Thanh Từ, v.v… chúng tôi cũng chơi với nhau thân mật như thế….

(Từ trái sang: SC. Chân Không, Ni sư Như Minh, HT. Minh Cảnh, Sư Ông Làng Mai, HT. Như Huệ, HT. Minh Nghĩa)

Vào những năm 50, chúng tôi lên xây dựng một chúng xuất gia trẻ trên chùa Linh Quang ở cao nguyên Đà Lạt, lập Phật học viện để nuôi dưỡng chúng này. Thượng tọa Minh Cảnh trú trì ở đây yểm trợ chúng tôi hết lòng. Hồi đó có các thầy Tâm Hòa và thầy Quang Phú góp công giảng dạy. Chúng tôi thành lập trường Trung Học và Tiểu Học Tuệ Quang, một ngôi trường tư thục đầu tiên của Phật giáo do các vị xuất gia phụ trách điều khiển.

Năm 1954, đất nước chia đôi, tinh thần của giới xuất gia trẻ hoang mang. Ban Giám Đốc Phật Học Đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang Sài Gòn đã mời chúng tôi về để cải tổ lại chương trình giáo dục và thực tập cho học tăng và học ni tại đó. Chúng tôi lập ra một đoàn thể những người học tăng trẻ tuổi, xuất bản tạp chí Sen Hái Đầu Mùa, và xướng xuất phong trào Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Loạt bài đầu của ý thức mới này được đăng trên trang đầu của nhật báo Dân Chủ do Vũ Ngọc Các làm chủ nhiệm, lấy tên là Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới. Chúng tôi muốn cống hiến một đạo Bụt lột xác có khả năng thả một bè lau, cứu được đất nước ra khỏi tình trạng tranh chấp, qua phân và chiến tranh. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) được thành lập năm 1964 và sau đó là Viện Đại Học Vạn Hạnh….

Nói đề tài của câu chuyện là một chuyện tình, đúng là một chuyện tình, tại vì trong cuộc tình này không xảy ra những chuyện hệ lụy, vướng mắc, khổ đau, dìu nhau vào địa ngục. Trong cuộc tình này chỉ có tình huynh đệ, rất là hạnh phúc, rất là trong sáng, được nâng đỡ bởi lý tưởng làm mới đạo Bụt, để cho đạo Bụt có khả năng phục vụ được đất nước, quê hương và nhân loại như đã từng làm được trong quá khứ.”

Hòa thượng Minh Nghĩa và Ni sư Như Minh cũng có một buổi nói chuyện với đại chúng tại xóm Mới. Ni Sư Như Minh đã tặng đại chúng hai bài thơ mà Ni Sư vừa sáng tác trong dịp Đại giới đàn này, đó là bài: Trao truyền tâm đăng và bài Chiến công.

Được lắng nghe những câu chuyện, những lời tâm tình, chia sẻ của Chư Tôn Đức là một cơ hội không dễ gì có được đối với tứ chúng Làng Mai. Đó là những giây phút huyền thoại! Trong suốt thời gian Đại giới đàn, hạnh phúc nhất là được thấy hình ảnh Sư Ông Làng Mai nắm tay các Hòa thượng cùng đi thiền hành, rồi cùng ăn trưa, kể cho nhau nghe những kỷ niệm ngày xưa… thật là đẹp, nó chứng minh rằng tình huynh đệ là một cái gì có thật trong cuộc đời này.

Giờ đây Đại giới đàn đã đi qua, nhưng những câu chuyện, những hình ảnh ấy vẫn còn và sẽ mãi được lưu giữ trong lòng của tất cả mọi người may mắn có mặt trong Đại giới đàn năm nay. Xin cảm ơn cuộc đời mầu nhiệm đã cho chúng con được sống những khoảnh khắc thiên thu ấy!

Để xem thêm hình ảnh của Đại giới đàn, xin bấm vào đây: https://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/dai-gioi-dan-cam-lo-vi

Chương trình dự kiến

 

Chùa Pháp Vân – Xóm Thượng, Thứ Sáu – 23/05/2014

8:00

Tập họp tại Thiền đường Chuyển Hóa

8:30

Rước Giới Bản – Ba La Đề Mộc Xoa từ Thiền đường Chuyển Hóa đến thiền đường Nước Tĩnh

9:00-10:00

Lễ Khai Đàn

10:15

Nghỉ ngơi

11:00

Truyền 5 giới

13:00

Ăn trưa

Nghỉ trưa

15:00

Truyền giới Tiếp Hiện

18:00

Trở về lại Xóm của mình

18:30

Ăn tối

 

 

Chùa Pháp Vân – Xóm Thượng, Thứ Bảy – 24/05/2014

8:30

Tập họp tại Thiền Đường Nước Tĩnh

9:00 – 12:00

Truyền giới Nam Khất Sĩ

12:30

Ăn trưa

Nghỉ trưa

14:30

Tập họp tại Thiền Đường Nước Tĩnh

15:00 – 17:30

Truyền giới Nữ Khất Sĩ

18:00

Trở về lại Xóm của mình

18:30

Ăn tối

8:30

Tập họp tại Thiền Đường Nước Tĩnh

 

 

Chùa Cam Lộ – Xóm Hạ, Chủ Nhật – 25/05/2014

8:30

Tập họp tại Thiền đường Hội Ngàn Sao

9:00

Lễ Khai Mạc Truyền Đăng và Lễ Truyền Đăng cho 6 vị

11:30

Thiền Hành

12:30

Ăn trưa

Nghỉ trưa

14:30

Tập họp tại Thiền đường Hội Ngàn Sao

15:00

Giáo thọ mới chia sẻ chung

18:00

Trở về lại xóm của mình

18:30

Ăn tối

8:30

Tập họp tại Thiền đường Hội Ngàn Sao

9:00

Lễ Khai Mạc Truyền Đăng và Lễ Truyền Đăng cho 6 vị

 

 

Chùa Từ Nghiêm – Xóm Mới, Thứ Hai – 26/05/2014

8:30

Tập họp tại Thiền đường Trăng Rằm

9:00

Lễ Truyền Đăng

11:30

Thiền Hành

12:30

Ăn trưa

Nghỉ trưa

14:30

Tập họp tại Thiền đường Trăng Rằm

15:00

Giáo thọ mới chia sẻ chung

18: 00

Trở về lại xóm của mình

18:30

Ăn tối

8:30

Tập họp tại Thiền đường Trăng Rằm

9:00

Lễ Truyền Đăng

 

 

Chùa Từ Nghiêm – Xóm Mới, Thứ Ba – 27/05/2014

8:30

Tập họp tại Thiền đường Trăng Rằm

9:00

Lễ Truyền Đăng

11:30

Thiền Hành

12:30

Ăn trưa

Nghỉ trưa

14:30

Tập họp tại Thiền đường Trăng Rằm

15:00

Giáo thọ mới chia sẻ chung

18:00

Trở về lại xóm của mình

18:30

Ăn tối

8:30

Tập họp tại Thiền đường Trăng Rằm

 

 

Chùa Pháp Vân – Xóm Thượng, Thứ Tư – 28/05/2014

8:30

Tập họp tại Thiền đường Nước Tĩnh

9:00

Tiếp tục lễ truyền đăng và bế mạc đại giới đàn

12:30

Ăn trưa

14:30

Tập họp tại Thiền Đường Nước Tĩnh

15:00

Giáo thọ mới chia sẻ chung

18:00

Trở về lại xóm của mình

18:30

Ăn tối

9:00

Tiếp tục lễ truyền đăng và bế mạc đại giới đàn

12:30

Ăn trưa

 

Nhật ký Tây Ban Nha (phần III)

Thầy và Tăng đoàn đến Barcelona

Sau hơn 10 ngày cho khóa tu ở Madrid, Thầy và tăng đoàn đã có mặt tại Barcelona vào lúc 20 giờ, thứ Ba, ngày 6/5. Barcelona là thành phố lớn thứ hai sau Madrid, và cũng là một trong những thành phố lớn ở Châu Âu. Thành phố nằm trong vùng Ðông Bắc nước Tây Ban Nha cạnh biển Ðịa Trung Hải. Barcelona là thành phố có lịch sử lâu đời với một chiều dài lịch sử gần 2,000 năm kể từ khi giành được độc lập từ đế quốc La Mã. Đây là thành phố cổ kính đã được hiện đại hóa lên từ sau thế vận hội Omlympic 1992. Kết nối những khu nhà cổ kính là một hệ thống đường phố, giao thông hiện đại, rộng lớn, sạch và  với nhiều loại cây xanh mát. Có khu phố đi bộ rộng thênh thang La Ramblas, nhà thờ Betlem, những khu phố cổ nhất “Le Barrio Gottico”, các di tích lịch sử quan trọng: Plaza Del Rey, Reial Plaza, thánh đường Plaza San Jaume nổi tiếng theo lối kiến trúc Gothic, các viện bảo tàng, Khải Hoàn Môn Arco de Triunfo …và còn nhiều nữa. Thành phố này luôn luôn tấp nập bởi du khách và cuộc sống bận rộn của xã hội hiện đại Châu Âu.

Trong suốt thời gian ở đây, Thầy và tăng đoàn đã được chào đón và nghỉ tại một tu viện nữ của đạo Công giáo. Cộng đồng nữ tu ở đây đã tiếp đón và chăm sóc quý thầy, quý sư cô rất chu đáo thể hiện được sự cởi mở và hòa hợp giữa các truyền thống. Trong tu viện có thiền đường zendo cho khoảng 100 người, trên bàn thờ có cả Bụt và chúa Jesus. Nhiều người đã đến đây thực tập thiền đều đặn. Từ tu viện đến địa điểm diễn ra khóa tu chừng 30 đến 45 phút đi xe.

Pháp thoại công cộng (Thứ năm 8/5)

Đầu tiên ban tổ chức dự định buổi pháp thoại công cộng sẽ diễn ra tại nhà thờ Santa Maria del mar cổ kính tọa lạc tại trung tâm thành phố. Nhưng vì sức chứa chỉ hơn 1000 người nên ban tổ chức đã chuyển sang trung tâm hội nghị Museu De Ciències Naturals. Trung tâm này rất hiện đại, sức chứa lên đến 3,200 người. Vé cũng được bán trên mạng và hết rất sớm, còn nhiều người muốn tham dự nhưng không được. Bảy giờ chiều pháp thoại bắt đầu, nhưng bốn giờ thiền sinh đã có mặt, và đông dần lên. Họ đã đứng xếp thành một vòng tròn rất lớn ngoài sân hội trường để chờ soát vé.

6 giờ 30 sư cô Hài Nghiêm, Sứ Nghiêm (người Pháp), Trì Nghiêm (người Úc) đã hướng dẫn thiền ca cho mọi người. Mái vòm của hội trường cao, chất lượng âm thanh tốt cộng với sự tham gia của hơn 3000 người đã tạo nên một âm hưởng thiền rất hùng tráng. 7 giờ Thầy hướng dẫn thính chúng thực tập lắng nghe nỗi khổ niềm đau của chính tự thân, của những người xung quanh và của thế giới khi tăng đoàn Làng Mai niệm danh hiệu bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn. Sau đó Tăng đoàn đã niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm theo nhạc đệm bởi sự kết hợp của: cello, violin, ghi ta và trống do quý thầy, sư cô đảm trách. Tiếp theo Thầy cho pháp thoại về sự thực tập chánh niệm, về sự chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau. Pháp thoại kết thúc vào lúc 8 giờ 45 phút.

Khóa tu dành cho các nhà giáo dục: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới” ( 9/5 – 11/5)

Khóa tu này đã được tổ chức tại trường đại học Barcelona (University of Barcelona). Đây là trường đại học có bề dày lịch sử trên 564 năm, và là một trong những trường uy tín của Tây Ban Nha và quốc tế. Khóa tu được yểm trợ bởi 60 quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Ngoài ra còn có những vị thiền sinh đã gắn bó lâu năm với Làng Mai chia sẻ về những kinh nghiệm quý báu của họ trong việc ứng dụng thiền chánh niệm vào học đường.

Trong suốt 3 ngày của khóa tu, mọi người không chỉ thảo luận hay chia sẻ kinh nghiệm mà còn được hướng dẫn những thực tập cụ thể về chánh niệm để trị liệu thân tâm và về những kỹ năng truyền thông với mọi người. Nhiều người chia sẻ là khi được biết về lợi ích của chánh niệm trong cuộc sống, họ đã đăng ký các khóa học ngắn hạn về chánh niệm. Họ đã nghe nói và tiếp nhận rất nhiều định nghĩa về chánh niệm cùng với những chứng minh và kinh nghiệm, nhưng họ vẫn không thật sự cảm nhận được cho đến khi tham dự những khóa tu do Thầy và Tăng thân Làng Mai hướng dẫn. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì trong các khóa tu của Làng Mai, năng lượng tập thể hùng hậu luôn được chế tác bởi sự thực tập của quý thầy, quý sư cô và các bạn thiền sinh. Ngoài ra trong khóa tu thiền sinh không chỉ được trao truyền các phương pháp thực tập chánh niệm mà  họ còn có cơ hội áp dụng những gì được học ngay trong khóa tu. Khóa tu lần này cũng diễn ra trong tinh thần đó. Trong ba ngày, mọi người đã được nghe pháp thoại từ Thầy, thảo luận về thực tập chánh niệm trong nhà trường song song với việc thực tập chánh niệm qua các pháp môn căn bản như: thiền đi, thiền thở, thiền buông thư, ăn trong chánh niệm, pháp đàm…

Trong bài pháp thoại ngày 10.5, Thầy đã nói đến 5 phép thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày phù hợp cho một cuộc sống bận rộn tại thành phố. Thí dụ như thiền điện thoại, thiền đi… Thầy chia sẻ với thiền sinh về sự thực tập thành công của giáo sư Henri Nguyễn Văn Kỷ Cương, người đã rất thành công trong việc đem sự thực tập chánh niệm vào trong lớp học. Ngoài ra Thầy còn dạy về bốn yếu tố của một tình yêu chân thật là từ, bi, hỷ, xả và bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Thiền sinh đã có rất nhiều hứng khởi khi đem các phương pháp được học ứng dụng ngay trong khóa tu. Bài pháp thoại này sau đó đã được một bạn thiền sinh Tây Ban Nha ghi chép lại rất chi tiết  và đưa lên facebook tnhspain cùng với rất nhiều hình ảnh.

Buổi ngồi thiền tập thể cho hòa bình (Flashmob 11/5)

Vào chiều chủ nhật, 11 tháng năm vào lúc 18:30 Thầy và tăng thân Làng Mai đã hướng dẫn buổi ngồi thiền tập thể (Flashmob) cho hòa bình tại Khải Hoàn Môn ARCO DE TRIUNFO. Buổi Flashmob này là sự kiện cuối của chuyến đi hoằng hóa Tây Ban Nha năm nay. Đây cũng là dịp để người dân Tây Ban Nha đúc kết, chiêm nghiệm và cũng để khắc sâu những lời dạy quý báu mà Thầy trao truyền trong suốt chuyến đi.

17giờ30, mọi người đã đến khá đông, và được hướng dẫn hát thiền ca. Mỗi hơi thở, mỗi lời ca nhịp nhàng giúp cho hàng ngàn người có thể hòa cùng nhịp đập với một cơ thể lớn. 18:30 đoàn thiền hành từ trường đại học Barcelona đến gồm có quý thầy và sư cô cùng 600 thiền sinh của khóa tu Chánh niệm dành cho các nhà giáo dục. Buổi Flashmop thu hút khoảng hơn 6000 người tham dự. Sư kiện này được tăng thân Tây Ban Nha tổ chức rất chuyên nghiệp và chu đáo. Có rất nhiều tình nguyện viên tham gia để giúp ổn định trật tự và cũng có rất nhiều các vị cảnh sát túc trực các ngã đường để bảo hộ.

18giờ45, Thầy và tăng đoàn ngồi tĩnh tọa trên lễ đài. Hàng ngàn người cũng ngồi yên lặng như thế trong vòng 20 phút tạo nên một năng lượng rất hùng tráng. Vì địa điểm của buổi Flashmob nằm ngay ở trung tâm thương mại nên có rất nhiều tiếng ồn bởi xe và người đi lại. Tiếng chuông trầm hùng cùng lời khai thị thiền hướng dẫn của Thầy như một sức mạnh giúp mọi người dừng lại mà không chạy theo cuộc sống ồn náo, huyên náo bên ngoài. Mọi người đã trao tặng cho nhau một điều quý giá nhất đó là sự tĩnh tại và bình an. Hầu hết thời gian mọi người đều chạy quá nhiều theo nhịp sống bận rộn nên dừng lại và thở sẽ mang lại sự an lạc nhiệm mầu.

Đây là cơ hội để mọi người tắt đài phát thanh luôn vang lên cả ngày trong tâm của mình. Sự yên lặng ở đây không có nghĩa là để chống lại bất cứ điều gì, nó đại diện cho hương vị hiểu biết và truyền thông. Sự yên lặng của mình sẽ minh chứng cho sự tự tại, bình an, và tình thương. Sự yên lặng và bình an đã được chuyển tải đến những nhà chức trách xã hội, những nhà trí thức, những nhà có nhiều quyền lực một thông điệp của sự khao khát sâu sắc về một xã hội dựa trên nền tảng của sự hiểu biết lẫn nhau, thương yêu và cùng hướng về hạnh phúc chân thực.

Mặc dù hôm đó trời gió rất nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng Thầy vẫn có mặt đó cho mọi người bằng sự vững chãi của một bậc đạo sư. Thầy rất từ bi, đã chia sẻ về sự mầu nhiệm của việc lắng nghe danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm và tặng thính chúng một bài pháp thoại sau khi Tăng đoàn niệm danh hiệu Bồ tát.

Pháp thoại nhắn nhủ mọi người tinh cần thực tập chánh niệm, chuyển hóa khổ đau, tái lập truyền thông trong gia đình và với mọi người xung quanh. Pháp thoại kết thúc trong sự biết ơn và lòng hoan hỷ của hàng ngàn người tham dự. Sau khi Thầy rời khỏi khán đài, sư cô Chân Không đã hát tặng và động viên mọi người nên hòa giải với người thương của mình ngay tối hôm đó. Chắc chắn sau khi được tiếp nhận “mưa pháp”, mọi người sẽ có nhiều trị liệu và động lực để hòa giải với người thương của mình. Ngay sau đó có rất nhiều người, nhiều gia đình đã thiền ôm với nhau. Đứng trên khán đài nhìn xuống thấy hàng ngàn người thực tập như vậy thật cảm động. Khoảng 21:30, nhiều thiền sinh đã ở lại chào tạm biệt quý thầy, sư cô trong khi chờ xe buýt, và họ đã đứng đó cho đến khi tăng thân đi khuất.

Đây là lần đầu tiên tăng thân xuất sĩ có mặt đông như vậy tại Tây Ban Nha, đã đem lại nhiều hạnh phúc, niềm vui và sự động viên thực tập cho mọi người. Trong suốt chuyến đi, tăng đoàn đã nhận rất nhiều tấm lòng từ người Tây Ban Nha, từ việc giúp tổ chức khóa tu đến việc chăm sóc chỗ ăn nghỉ, phương tiện đi lại, những nơi tham quan có ý nghĩa lịch sử và đời sống đất nước này. Hy vọng mối lương duyên và thâm tình đó sẽ là điều kiện tốt giúp cho nhiều tăng thân thực tập chánh niệm được thành lập nơi đây.

Không đến cũng không đi (No coming, no going)

Sáng ngày 12. 5, Thầy và tăng đoàn đã tạm biệt thành phố Barcelona với trái tim ấm áp và tràn đầy niềm vui. Dường như tất cả quý thầy, quý sư cô, cũng như các bạn thiền sinh Tây Ban Nha đều trải nghiệm được sự chuyển hóa, trị liệu và niềm vui khi được thực tập cùng nhau như một tăng thân. Một bạn thiền sinh chia sẻ rằng: “Chuyến hoằng pháp lần này của Thầy và Tăng thân Làng Mai chưa kết thúc, đây chỉ mới là sự mở đầu cho mối nhân duyên gắn bó giữa Làng Mai và người dân Tây Ban Nha.


Nguồn: Các hình ảnh sử dụng trong bài viết này được lấy từ facebook tnhspain

Nhật ký Tây Ban Nha (phần III)

Nhật ký Tây Ban Nha (phần II)

Khoá tu Nghệ Thuật Sống Tỉnh Thức tại Madrid (từ ngày 30/4 – 4/5/2014)

Vào ngày 30/4/2014, từ lúc 3 giờ chiều, thiền sinh từ khắp các thành phố của Tây Ban Nha bắt đầu về đến Khu du lịch El Escorial (El Escorial Resort Park) để tham dự khoá tu “The Art of Being Awake” (Nghệ Thuật Sống Tỉnh Thức).  Khu du lịch El Escorial tọa lạc trên dãy núi Guadarrama, hướng Tây Bắc của thành phố Madrid, trên con đường M-600, cách thành phố Madrid khoảng 1 giờ lái xe.

Số thiền sinh tham dự khoá tu này có đến 600 người, trong đó có 60 người trẻ và 35 trẻ em. Phần lớn thiền sinh được ngủ trong bungalow (nhà gỗ một tầng), số còn lại thì ở lều trong khuôn viên của Khu du lịch. Nơi đây khá khang trang và mát mẻ.

Đây là khoá tu năm ngày, từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 4 tháng 5. Thời khoá của khoá tu gồm có: buổi sáng ngồi thiền vào lúc 7 giờ; ăn sáng lúc 8 giờ; thiền hành lúc 9 giờ 30; nghe pháp thoại lúc 11 giờ; dùng trưa lúc 1 giờ 30; nghe thuyết trình về 5 Giới Tân Tu hoặc pháp môn Làm Mới, hoặc được hướng dẫn thực tập thiền buông thư lúc 3 giờ 30 (thời khoá khác nhau mỗi ngày trong giờ này); chia sẻ pháp đàm lúc 5 giờ 30; dùng cơm chiều lúc 7 giờ; ngồi thiền lúc 9 giờ; và thực tập im lặng hùng tráng sau giờ ngồi thiền cho đến sau buổi ăn sáng ngày hôm sau.

Được biết Thầy Làng Mai đã từng qua Tây Ban Nha giảng dạy vào thập niên 70. Khi đó tăng đoàn Làng Mai chưa được thành lập và mỗi lần Thầy đi qua Tây Ban Nha giảng dạy chỉ có một thị giả đi cùng. Nhưng lần này lại khác, Thầy dẫn cả một tăng đoàn gồm 57 vị xuất sĩ với nhiều quốc tịch khác nhau, đặc biệt là có sư chú Trời Hy Mã người Tây Ban Nha cũng được đi theo Thầy và Tăng thân để hoằng pháp trên chính quê hương yêu dấu của mình. Sư chú vô cùng hạnh phúc!  Tăng đoàn khá đông nên năng lượng rất hùng hậu!

Một anh thiền sinh người Tây Ban Nha tên Fran cũng là thành viên tình nguyện trong khóa tu này đã chia sẻ, “Con sinh ra và lớn lên trong vùng El Escorial. Đây là quê hương của con. Con rất hạnh phúc và biết ơn Thầy và tăng thân Làng Mai đã đến đây giảng dạy. Đây thật là phước đức và vinh dự lớn lao cho người Tây Ban Nha nói chung cũng như cho người dân địa phương trong vùng này nói riêng. Con xin gửi lòng tri ân sâu sắc của con đến Thầy và tăng đoàn” . Cũng như thế, có rất nhiều thiền sinh trong ngày khai mạc khóa tu đã chia sẻ với quý thầy và quý sư cô như vậy.

Sư chú Trời Hy Mã

Chuyến hoằng pháp năm nay tại Tây Ban Nha được tổ chức bởi tăng thân cư sĩ địa phương với sự hướng dẫn của thầy Pháp Lưu và thầy Pháp Liệu. Thầy Pháp Lưu là người Mỹ và thầy Pháp Liệu là người Pháp gốc Việt. Cả hai đều nói được tiếng Tây Ban Nha rất thông thạo.  Vì đây là lần đầu tiên tổ chức một khoá tu lớn cho Thầy tại đất nước Tây Ban Nha, nên Ban tổ chức không nghĩ là số người tham dự sẽ đông như những khóa tu mà Thầy và Tăng thân Làng Mai đã tổ chức ở những nơi khác (thường những khóa tu đó đều có hơn 1000 người tham dự). Họ nghĩ rằng chắc ít người Tây Ban Nha biết đến Thầy. Vì vậy mà Ban tổ chức chỉ tìm một địa điểm cho số lượng 600 người tham dự mà thôi. Nhưng một điều rất bất ngờ là khi đưa tin lên mạng để cho thiền sinh đăng ký thì chỉ trong 24 giờ là số người ghi danh đã đầy và kết quả lại có hơn 600 người khác nằm trong danh sách chờ đợi. Thật là một điều đáng tiếc cho những thiền sinh không được tham dự.

Thầy dùng ngọn lửa nhỏ để giảng về tính không sinh không diệt của vạn pháp

Chủ đề của khóa tu như chúng ta đã biết là “Nghệ Thuật Sống Tỉnh Thức”.  Tỉnh thức (chánh niệm) là một nguồn năng lượng giúp ta nhận diện những gì đang xảy ra trong thân tâm ta và xung quanh ta trong giây phút hiện tại. Sống tỉnh thức với những khổ đau, những điều mầu nhiệm của sự sống và những người thương xung quanh ta. Chánh niệm là nền tảng của nếp sống tỉnh thức. Khi ta có chánh niệm thì mọi lời nói, mọi hành động và mọi suy tư đều chứa đựng thương yêu, hòa giải và đem đến an vui hạnh phúc cho mình và cho người. Muốn làm được như thế thì ta phải biết xử lý những khổ đau của chính mình.

Thầy dạy: Ai trong chúng ta cũng có khổ đau trong lòng, vì vậy chúng ta cần học cách xử lý khổ đau. Biết cách xử lý khổ đau trong tự thân, chúng ta sẽ khổ đau rất ít và có thể sử dụng khổ đau một cách khéo léo để chế tác hiểu biết và thương yêu, làm hạnh phúc cho mình và cho kẻ khác. Xử lý được khổ đau trong tự thân, ta sẽ không làm khổ người khác và có thể giúp cho họ xử lý được khổ đau của họ. Phép thực tập này ai cũng cần học hỏi, dù người ấy thuộc về tôn giáo nào hoặc có lập trường chính trị nào cũng vậy.

Tối ngày 30 tháng 4, vào lúc 9 giờ, tại thiền đường của Khu du lịch El Escorial đã diễn ra lễ khai mạc khóa tu, mở đầu bằng sự thực tập trì niệm Hồng Danh Đức Bồ tát Quán Thế Âm (bằng tiếng Phạn). Sau đó, sư cô Tuệ Nghiêm (người Mỹ gốc Việt) và thầy Pháp Lưu (người Mỹ) – hai vị giáo thọ của Làng Mai – cho pháp thoại hướng dẫn tổng quát để toàn thể thiền sinh biết cách tham dự khoá tu như thế nào cho có nhiều hạnh phúc và chuyển hoá nhất.

Các em nhỏ tham dự khóa tu

Sau khóa tu này, thành phố kế tiếp mà Thầy và tăng đoàn sẽ đến là thành phố Barcelona. Nơi đây sẽ có một khóa tu cho giới giáo chức, một buổi pháp thoại công cộng và một buổi ngồi thiền công cộng (flash mob).

Để xem thêm hình ảnh về khóa tu tại El Escorial, xin bấm vào đây:

https://www.facebook.com/media/set/?set=a.10152210426209635.1073741829.7691064634&type=1

Bài viết có liên quan: Nhật ký Tây Ban Nha (phần I)

(còn tiếp)

Nhật ký Tây Ban Nha

Tăng thân cư sĩ Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức, Hà Lan là những tăng thân có mặt hùng hậu nhất trong suốt một tháng khóa tu mùa hè mỗi năm tại Làng Mai. Từ bấy lâu, tăng thân cư sĩ Tây Ban Nha luôn mơ ước có ngày được đón Thầy và tăng đoàn Làng Mai đến hướng dẫn tu học cho người dân nước này. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, giờ đây giấc mơ của họ đã thành hiện thực.

Tăng thân cư sĩ Tây Ban Nha đã tu tập và chuẩn bị hết lòng cho chuyến đi này. Điều đáng quý là tinh thần tu học và làm việc của họ rất đoàn kết và hòa hợp. Có một hình ảnh làm mọi người vô cùng cảm động, đó là ngày Thầy và Tăng đoàn đến Madrid, mỗi nhà cư sĩ đều chuẩn bị thêm trên bàn ăn chiều của gia đình một phần ăn để bày tỏ sự trân quý và lòng tôn kính của họ đối với sự có mặt của Thầy và Tăng đoàn tại đất nước này.

Pháp thoại đầu tiên tại Tây Ban Nha (ngày 27/4, tại Nhà hát lớn Lope de Vega)

Chủ nhật ngày 27/4 là ngày diễn ra pháp thoại công cộng tại Nhà hát lớn Teatro Lope De Vega. Sức chứa của nhà hát này là 1800 người. Khi công bố bán vé trên mạng thì chỉ trong một ngày, số vé đã bán hết. Rất nhiều người muốn đi nhưng không được. Trên hai phần ba khán giả là những người mới, chưa biết gì nhiều về pháp môn. Trước đó Ban tổ chức ở Madrid cố gắng tìm một nơi có sức chứa cỡ ba ngàn người tại trung tâm thủ đô nhưng không được nên đã chọn nhà hát này.

10 giờ 45, quý thầy và sư cô tập cho các bạn thiền sinh tập bài thiền ca “thở vào thở ra, là hoa tươi mát, là núi vững vàng, nước tĩnh lặng chiếu, không gian thênh thang”. Cùng với tiếng đệm đàn ghi ta, cả nhà hát đã vừa hát vừa tập thở. Khi hát  “inspirando, espirando”(thở vào thở ra) là tất cả mọi người đều thực tập thở và dùng đôi tay để thể hiện lời bài hát. Hơi thở, lời hát và động tác diễn tả được kết hợp một cách nhịp nhàng và hợp nhất. Vào lúc 11 giờ, Thầy bắt đầu bài pháp thoại về nghệ thuật chuyển hóa khổ đau.

Nếu biết cách khổ, mình sẽ khổ rất ít

Thầy chia sẻ rằng nếu chúng ta biết cách tận dụng khổ đau thì chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc. Hạnh phúc và khổ đau cũng giống như bùn và sen.  Nếu không có bùn thì cũng không có sen. Nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Sự thực tập chánh niệm là nhận diện khổ đau, nhìn sâu vào bản chất của khổ đau và học cách chăm sóc khổ đau trong ta. Học về nghệ thuật khổ đau để khổ đau ít hơn những người cùng hoàn cảnh như ta và cũng để tạo ra hạnh phúc cho chính mình và cho những người mà mình đã nguyện thương yêu.

Hầu hết chúng ta không biết cách khổ đau nên rất sợ khổ đau. Với năng lượng chánh niệm, chúng ta có đủ can đảm để trở về với tự thân, tiếp xúc khổ đau nơi chính mình. Nếu mình biết nghệ thuật thở và đi trong chánh niệm, khi đó mình có thể làm phát khởi năng lượng chánh niệm để trở về ôm ấp sự sợ hãi của mình và không bị tràn lấp bởi khổ đau. Với chánh niệm mình sẽ đủ mạnh để đối diện với khổ đau trong tự thân, để ôm ấp và nhìn kỹ bản chất của khổ đau. Nếu biết thực tập, mình có thể làm lắng dịu khổ đau, và cuối cùng chuyển hóa khổ đau để tạo ra hạnh phúc. Khổ đau trong ta có liên hệ tới khổ đau của cha mẹ, của ông bà tổ tiên. Chỉ cần dành một ít thời gian để nhìn kỹ khổ đau trong chính mình, ta sẽ hiểu được khổ đau của cha mẹ và tổ tiên. Khi đó, trong ta sẽ phát sinh một nguồn năng lượng từ bi có công năng trị liệu. Khi chúng ta bớt khổ và có thêm tình thương thì chúng ta sẽ dễ nhận diện khổ đau nơi người khác, hiểu họ hơn và có thể giúp họ bớt khổ.

Tiếp theo đó, Thầy hướng dẫn đại chúng thực tập khi lắng nghe  quý thầy, quý sư cô niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn. Mục đích của sự thực tập là làm phát khởi nguồn năng lượng từ bi để có thể được trị liệu. Quý thầy quý sư cô sẽ niệm danh hiệu Bồ tát và tiếp xúc khổ đau nơi chính mình để làm phát sinh nguồn năng lượng từ bi. Khi niệm lần thứ hai, quý thầy quý sư cô sẽ tiếp xúc với khổ đau của những người trước mặt, bên trái và bên phải và cũng là để cho nguồn năng lượng từ bi phát khởi. Khi niệm lần thứ ba, nguồn năng lượng từ bi của tăng thân sẽ hùng mạnh hơn, bởi việc tiếp xúc với khổ đau khắp nơi trên thế giới. Thầy nhấn mạnh: “Mục đích của việc niệm danh hiệu Bồ tát không phải là để cầu nguyện ai đó mang năng lượng từ bi tới cho ta.” Sự thực tập chánh niệm để tiếp xúc với khổ đau trong tự thân và nơi người khác sẽ làm phát sinh năng lượng từ bi trong ta.

Trong suốt thời gian niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, đại chúng trở về theo dõi hơi thở, dừng suy nghĩ, để cho nguồn năng lượng chánh niệm và từ bi nuôi dưỡng thân và tâm. Mọi người có thể buông bỏ những căng thẳng trong thân. Thầy dạy đại chúng thực tập mở lòng ra để trở thành một giọt nước trong dòng sông, cho phép dòng sông ôm ấp và chuyên chở mình. Nếu có nỗi đau, phiền muộn, sợ hãi thì đây là cơ hội tốt để được trị liệu. Chỉ cần mở lòng ra là năng lượng từ bi của tăng thân có thể đi vào, ôm ấp và giúp chuyển hóa những khổ đau trong mình, chỉ cần vài phút là có thể bớt khổ. Thầy nói trong khi nghe niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, mình có thể khóc nếu cảm thấy quá khổ đau, nhưng phải khóc trong chánh niệm với sự có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại.

Nghệ thuật sống tỉnh thức

Thầy chia sẻ về chánh niệm, về sự an trú trong giây phút hiện tại để không lỡ hẹn với sự sống. Nếu thực tập hơi thở chánh niệm, mình sẽ dừng được những suy nghĩ liên miên trong đầu. Chúng ta thường ở trong tình trạng: thân một nơi mà tâm một nẻo. Tâm bị lôi kéo theo những dự án trong tương lai hay những sợ hãi, khổ đau trong quá khứ. Chỉ cần một hơi thở nhẹ là tâm có thể trở về với thân. Nếu thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, mình có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, như trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo…Sự thực tập thiền đi, thiền thở giúp chúng ta trở về và có mặt trong giây phút hiện tại.

Thiết lập sự có mặt trong giây phút hiện tại, chúng ta có thể tiếp xúc với ngôi nhà đích thực trong tự thân. Ngôi nhà đích thực đó trước tiên là cơ thể của mình. Tiếp xúc sâu sắc sẽ thấy cơ thể mình chứa đựng cả vũ trụ. Cha mẹ, ông bà tổ tiên đang có mặt trong mỗi tế bào của mình. Vì vậy, chúng ta có thể tiếp xúc với tổ tiên tâm linh và huyết thống bất cứ khi nào mình muốn. Đất mẹ và trời cha cũng có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể ta. Chỉ với một hơi thở nhẹ, chỉ khoảng 2 giây thôi, nhưng ta có thể khám phá ra nhiều điều. Trước tiên là ta nhận ra là ta đang có một thân thể khỏe mạnh, ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm nơi tự thân và sự sống xung quanh. Vì thế sự thực tập chánh niệm có công năng chuyển hóa và trị liệu về hai mặt thân và tâm.

Khi làm việc trên máy tính hai giờ đồng hồ, chúng ta thường không ý thức về thân thể của mình. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể dùng tiếng chuông chánh niệm để mang tâm về với thân. Các bạn có thể tìm thấy các phần mềm hỗ trợ này trên trang nhà Làng Mai. Cứ sau mười lăm hay nữa giờ đồng hồ, sẽ có tiếng chuông thỉnh lên để giúp mình dừng lại công việc, buông thư trên ghế và thở một cách thoải mái.

Thực tập chánh niệm có thể mang đến niềm vui và hạnh phúc bất cứ khi nào mình muốn. Nếu lấy một tờ giấy viết xuống những điều kiện hạnh phúc, thì một tờ cũng không đủ, 2 tờ cũng không đủ, 10 tờ cũng không đủ. Mình có rất nhiều điều kiện để hạnh phúc. Sở dĩ mình không nhận ra là do mình không có đủ chánh niệm. Chỉ một việc đơn giản thôi là khi mở vòi nước mình có thấy hạnh phúc không? Trên thế giới vẫn còn rất nhiều nơi, người ta phải đi tới vài dặm mới có thể có nước. Thầy còn nhắc chúng ta về những điều kiện căn bản, như còn cơ thể khỏe mạnh đây, hiện tại không nhức răng là một hạnh phúc lớn, còn đôi mắt sáng để nhìn thấy mình đang sống trong thiên đường của thế giới mầu nhiệm. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng hạnh phúc nằm ở tương lai, đây là tập khí của chúng ta. Thật ra mình có nhiều hạnh phúc lắm. Đó là những gì mà Thầy luôn nhắc nhở mọi người.

Thầy còn chia sẻ là Thầy đã hơn tám mươi lăm tuổi, mà mỗi ngày Thầy vẫn còn có cơ hội bước đi những bước vững chãi và thảnh thơi. Với chánh niệm Thầy nhận ra là đôi chân Thầy vẫn còn khỏe và Thầy có thể nuôi dưỡng Thầy bằng việc đi như thế mỗi ngày.  Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc.

Mỗi giây phút đều có thể trở thành mỗi giây phút vui tươi và hạnh phúc. Năng lượng chánh niệm luôn có trong ta, chỉ cần làm nó phát khởi bằng sự thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm. Năng lượng này không chỉ giúp cho ta tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc, mà còn có công năng phục hồi lại sự tươi mát, vẻ đẹp và sức khỏe. Không những thế nó còn giúp cho ta ôm ấp và chuyển hóa khổ đau trong tự thân.

Bốn yếu tố mang lại hạnh phúc

“Một người không có sự tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và tự do thì không thể là người hạnh phúc” , Thầy chia sẻ về  bốn yếu tố mang đến hạnh phúc. Thầy dạy đại chúng phương pháp thiền sỏi để chế tác bốn yếu tố: tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và tự do trong tự thân. Nếu một người đang có đầy những lo lắng, giận hờn thì không thể nào có hạnh phúc. Nhiều người tin rằng hạnh phúc được làm bằng danh vọng, tiền tài, quyền lực và sắc dục. Nhưng nhìn xung quanh, nhiều người có  những thứ ấy nhưng họ đâu có hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự được làm bằng hiểu biết và thương yêu. Ta không nên dành hết thời gian để chạy theo những thứ ấy mà phải dùng thời gian để vun trồng hiểu biết và thương yêu.

Hiểu biết là nền tảng căn bản của thương yêu. Nếu có hiểu biết, mình sẽ không muốn trừng phạt người mà mình nghĩ là nguyên nhân khiến mình khổ đau. Khi hiểu được những nỗi khổ niềm đau nơi người đó, những giận hờn sẽ tan biến. Mình sẽ không còn khổ đau về người đó nữa, trái lại mình còn muốn làm một điều gì đó giúp người ấy bớt khổ. Với hiểu biết và thương yêu mình sẽ có rất nhiều không gian trong trái tim. Mình có thể nhìn người làm mình khổ bằng đôi mắt từ bi. Bằng sự thực tập lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ, chúng ta có thể hòa giải và khôi phục lại những mối liên hệ của mình. Thầy còn nhắn nhủ: “Đọc sách nói về chánh niệm vẫn chưa đủ, cần phải tham dự khóa tu chánh niệm khoảng 5 – 6 ngày mới đủ khả năng giúp ta hòa giải những khó khăn“. Hiểu biết về chánh niệm thì dễ, nhưng thực hành thì cần phải có một môi trường yểm trợ để cho tập khí chánh niệm trong ta được phát triển thuần thục.

Sau cùng Thầy cho mọi người có cơ hội đặt câu hỏi. Người đầu tiên đặt câu hỏi là một cô gái – trong buổi pháp thoại, cô là người phiên dịch cho những người bị khiếm thính đến dự buổi pháp thoại:Những gì học được sáng nay rất có giá trị và quan trọng cho con trong đời sống hàng ngày. Nhưng con không biết những thực tập này có tác dụng như thế nào trong hoàn cảnh có chiến tranh và xung đột?

Thầy trả lời: Mình không cần phải đợi có chiến tranh rồi mới thực tập. Nếu biết cách thực tập trong thời gian hòa bình thì đã ngăn chặn được chiến tranh xảy ra rồi. Chiến tranh xảy ra là do hằng ngày mình không biết thực tập. Thầy nói rằng Thầy đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và rất khó để thực tập trong hoàn cảnh đó. Dưới bom đạn thì thật là khó để nói với nhau làm sao dừng lại cuộc chiến tranh. Vì vậy trong thời gian hòa bình, chúng ta nên thực tập chánh niệm để nhận biết rằng hòa bình đang có mặt. Hòa bình và chiến tranh tương tức với nhau. Nếu mình biết trân quý hòa bình thì mình sẽ không để cho chiến tranh xảy ra. Chúng ta phải nhắc nhau về điều kiện hạnh phúc trong thời bình để trân quý. Thực tế là khi có chiến tranh thì sự thực tập sẽ khó khăn hơn gấp trăm lần. Có nhiều người trẻ chưa từng đi qua chiến tranh nên không biết trân quý hòa bình mà họ đang có. Chúng ta nên nhắc cho các bạn trẻ đó thực tập chánh niệm. Sự giáo dục về hòa bình sẽ giúp cho họ hiểu và thấy được những khổ đau do chiến tranh gây ra.

Có một bạn trẻ đến từ Columbia đặt câu hỏi là: trong xã hội có rất nhiều hận thù, bạo động và tình dục đang tưới tẩm ta mỗi ngày, vậy ta phải thực tập như thế nào để không đánh mất mình? Đây là câu hỏi rất thực tế và Thầy đã trả lời: Nếu ta thực tập như một cá nhân thì tốt rồi, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu ta biết thực tập với một nhóm người hay một tăng thân. Nếu xây dựng tăng thân và sống có niềm vui, có tình huynh đệ, và chứng nghiệm được rằng hạnh phúc không phải do tiền bạc, quyền lực, sắc dục mang lại thì chúng ta sẽ giúp được cho nhiều người thức tỉnh. Họ sẽ không chạy theo những đối tượng thèm khát, vì như thế họ sẽ khổ đau rất nhiều. Nếu chúng ta có cái thấy đúng về hạnh phúc thì chúng ta sẽ không đi về hướng sai lầm.

Có một người trẻ đã hỏi Thầy về vấn đề một xã hội hiện đại, anh ta hỏi rằng: Làm sao thực tập chánh niệm trong những tình huống căng thẳng? Thầy mỉm cười và nói: “Chỉ cần nhận diện và nói là mình đang bị căng thẳng.” (mọi người cười lên) “và mình không muốn cho trạng thái này tiếp tục. Không muốn để cho nó cuốn mình đi. Sự thực tập thiền thở sẽ giúp mình lắng dịu và buông bỏ những căng thẳng. Mình phải tự hỏi: mình có muốn sống như vậy không, có muốn đánh mất mình như vậy không? Thấy được như vậy sẽ giúp mình không chấp nhận hoàn cảnh đó. Với sự thực tập chánh niệm, mình có đủ can đảm vượt qua hoàn cảnh. Mình có thể nhờ sự trợ giúp của tăng thân, của quý thầy quý sư cô. Đôi khi hoàn cảnh căng thẳng như thế giúp kiểm tra lại khả năng chánh niệm của mình tới đâu” . Và còn vài câu hỏi của các bạn trẻ nữa. Thầy đều trả lời và làm cho các bạn rất hạnh phúc. Có người chỉ mới đọc sách Thầy vài ngày trước đó, và ước rằng Thầy có mặt ở đây để cô được học hỏi trực tiếp. Và Thầy đã xuất hiện giống như một phép mầu, điều này khiến cho cô ta cảm thấy rất sung sướng và biết ơn.

Hơn 2 giờ chiều, Thầy đã dừng buổi vấn đáp nhưng số người đặt câu hỏi còn nhiều. Thầy mời sư cô Chân Không hát. Sư cô đã hát bài le Sourire (Nụ cười) làm cho cả nhà hát thư giãn. Tuy đã 76 tuổi rồi mà giọng hát của sư cô vẫn còn trong trẻo như thời còn trẻ. Giọng hát đó chứa đựng một tâm nguyện tha thiết giúp người bớt nỗi sầu đau, đói nghèo… Vì thế đã không biết bao nhiêu người đồng cảm đã yểm trợ Sư cô rất nhiều trong các chương trình từ thiện, không những từ ngày còn chiến tranh mà bây giờ vẫn thế.

Thầy giảng xong, cả hội trường vang lên những tràng pháo tay để tỏ lòng tri ân và kính ngưỡng Thầy đã ban cho họ một cơn mưa pháp mát lành. Nét căng thẳng trên các khuôn mặt, sự ồn ào lăng xăng của mấy giờ trước đó đã nhường chỗ cho những nụ cười và năng lượng bình an tỏa ra từ thính chúng. Mọi người ra về với món quà Thầy trao, đó là Hạt giống chánh niệm. Hạt giống chánh niệm đã được gieo trồng trong đất tâm của mỗi người có mặt trong buổi pháp thoại hôm ấy, mong sao hạt giống ấy được chăm bón cho cây tình thương được lớn lên mỗi ngày để hiến tặng cho đời nhiều bóng mát thương yêu.

Ngồi thiền và Đi bộ cho hòa bình (Peace Walk)

Vào lúc 17 giờ cùng ngày (27/4), khoảng 100 người gồm quý thầy quý sư cô và tăng thân Madrid đã có mặt tại quảng trường lớn trước cung điện hoàng gia Palacio Reál của vua Juan Carlos II để hướng dẫn buổi Đi bộ cho hòa bình (Peace Walk). Đại chúng ngồi thiền im lặng. Dần dần có nhiều người đến tham dự, và số lượng đã lên đến gần 1000 người.

Trước khi bắt đầu buổi Đi bộ cho hòa bình, sư cô Chân Không hướng dẫn thiền ngồi cho đại chúng. Sư cô chia sẻ rằng ai cũng dễ thương, nhưng vì giận hờn, lo lắng, sầu muộn nên gương mặt ai cũng khô héo. Sự thực tập là làm sao ngồi cho an, cho vững để giúp ta làm lắng dịu thân tâm và phục hồi lại sự tươi mát của mình. Thời tiết mùa xuân mát và có gió nhẹ nên mọi người ngồi rất thoải mái.

Quảng trường rất lớn và có rất nhiều nhóm người khác nhau. Có nhóm chơi nhạc, nhóm du khách, nhóm người trẻ tụ tập cuối tuần v.v…Có thể nói rất nhiều loại âm thanh xen lẫn nhau nơi quảng trường này. Đặc biệt hôm ấy có một loại âm thanh làm cho biết bao nhiêu người phải ngạc nhiên, đúng như lời Thầy dạy trong buổi pháp thoại 2 tuần trước khi đi Tây Ban Nha, đó là âm thanh của sự thinh lặng (the sound of no sound). Sau 30 phút, buổi ngồi thiền kết thúc. Sự tĩnh lặng của một tập thể hùng tráng đã có công năng đem mọi người đến với nhau mà không cần một lời mời gọi.

Sau khi hướng dẫn mọi người tập thể dục, thầy Pháp Lưu chia sẻ về thiền đi. Do loa âm thanh khá nhỏ, không thể dùng cho một tập thể đông như thế nên đại chúng đã áp dụng phương pháp “truyền tin”, một người nói muôn người lặp lại (human microphone). Đứng giữa một quảng trường lớn như vậy mà cả ngàn người đều “dị khẩu đồng thanh” thì không chỉ những người đó được nghe mà những người khác cũng được ảnh hưởng. Đại chúng bắt đầu đi từng bước thảnh thơi đến đền Ai Cập (Templo de DeBod). Đây là ngôi đền đã có lịch sử 2.200 năm, được tặng và chuyên chở tới Tây Ban Nha năm 1968 bởi chính quyền Ai Cập, là biểu tượng của mối liên hệ hữu nghị giữa hai nước.

Để có được buổi đi thiền hành cho hòa bình giữa lòng thủ đô Madrid mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, tăng thân Madrid đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để liên lạc và xin phép chính quyền thành phố. Một lực lượng cảnh sát giao thông hùng hậu được cử đến, họ có mặt trước buổi đi thiền hành để ổn định giao thông. Họ đã tặng cho đại chúng một phần đường lớn trong hai phần đường của đại lộ. Có thể đây là lần đầu tiên người dân nơi đây thấy có một hiện tượng lạ như thế. Trước đó, như thường lệ mọi người và phương tiện vận chuyển qua lại tấp nập, vậy mà hôm nay đột nhiên cả đại lộ đều chậm lại. Khi những người đi bộ bên đường được biết là tăng thân đang đi thiền hành cho hòa bình thì rất nhiều người cũng đi theo.

Khi chúng tôi ngoái đầu nhìn lại thì đoàn người đã che kín gần 1 km. Số lượng đã gần 1000 người. Trong đoàn này không chỉ có người Tây Ban Nha mà còn nhiều người đến từ nhiều quốc gia khác, tất nhiên trong đó có người Việt. Buổi sáng Thầy dạy: “Tu tập trong thời chiến tranh khó hơn gấp trăm lần” . Thật vậy, bước đi những bước thảnh thơi, tự do và được sự yểm trợ của cảnh sát mọi người không lo lắng, sợ hãi nhiều như khi mình phải đi dưới mưa bom bão đạn, vì vậy ai cũng trân quý điều kiện hạnh phúc mình đang có. Đâu có dễ gì mà cả ngàn người tập trung lại và đi được những bước thảnh thơi trong im lặng. Đâu dễ gì cho những đất nước còn đang có những khó khăn, xung đột có được một buổi ngồi yên và đi cho hòa bình với sự yểm trợ của cảnh sát. Mọi người ai cũng biết rằng đi vững chãi, bình an như thế là đi cho mình, cho tổ tiên mình và cho cả thế giới.

Đoàn người tiến dần đến ngọn đồi, nơi có đền thờ Ai Cập. Lực lượng cảnh sát đã có mặt khắp nơi để yểm trợ giao thông. Phía trước đoàn người, cảnh sát mở đường cho đại chúng, họ cũng thực tập bước chậm rãi theo đoàn. Do được tổ chức khéo léo nên dòng người cứ tiếp tục bước đều mà không có vấn đề ùn tắc hay căng thẳng xảy ra. Phía bên kia phần đường xe vẫn tiếp tục di chuyển, nhưng có điều hôm nay, các vị “hộ pháp” đã hướng dẫn cho các phương tiện giao thông “thiền chạy” cho hòa bình, bằng cách ra dấu hiệu giảm tốc độ trước khi vào khu vực có đoàn người thiền hành.

Đại chúng chậm rãi bước lên đồi, hướng về phía đền thờ nhưng không dừng lại đó mà tiếp tục đi vào bên trong khuôn viên, nơi có một khoảng đất rộng với không gian bao la phía trước. Khi đại chúng đến gần rào chắn của ngọn đồi thì dừng lại và ngồi thiền 30 phút. Kết thúc buổi Đi bộ cho hòa bình, mọi người cùng hát thiền ca và nắm tay nhau. Đã đến giờ ra xe buýt mà không ai muốn chia tay. Đã 8 giờ tối rồi mà trời vẫn còn nắng và sáng như 4 giờ chiều ở Việt Nam vậy. Sau ba tiếng chuông, mọi người xá nhau và tạm biệt. Chúng tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ đến cám ơn quý thầy quý sư cô đã cho họ có cơ hội tận hưởng sự bình an tuyệt vời như thế. Gương mặt ai cũng thư giãn rạng rỡ hẳn lên. Họ nói là sẽ đến Làng Mai trong một ngày gần đây.

Lại những cánh tay đưa lên vẫy chào thay lời tạm biệt. Đại chúng đã lên xe buýt mà bên dưới dòng người vẫn còn đứng đó đưa mắt hướng vào trong xe. Đúng là bốn biển đều là huynh đệ, những con người trước đây vài giờ đồng hồ chưa hề quen biết, và cho đến nay vẫn chưa hề biết đến tên nhau, nhưng từ trong sâu thẳm, tình nhân loại đã sống dậy một cách mạnh mẽ với năng lượng chia sẻ thương yêu. Ngày sắp qua nhưng tình người vẫn ở lại trong mỗi con người.

(còn tiếp)

Để xem thêm hình ảnh về buổi Ngồi thiền và Đi bộ cho hòa bình tại Madrid, xin bấm vào đây: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.10152210145069635.1073741828.7691064634&type=1

Ngày chánh niệm khai giảng Khóa tu Mùa xuân

Tăng thân Làng Mai xin kính mời quý vị thân hữu xa gần về tham dự Ngày Chánh niệm khai giảng Khóa tu Mùa xuân tại Làng Mai vào ngày 13/3/2014. Sau đây là thời khóa của Ngày Chánh niệm:

 

08h30:

Ngồi thiền (15 phút) và Tụng kinh trước pháp thoại

09h00:

Pháp thoại khai xuân của Thầy Làng Mai

09h45:

Đại diện Viện Đại học Hồng Kông trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho Thầy Làng Mai

(Bảy vị trong ban Giám Học Viện Đại Học Hong Kông đã bay từ Hồng Kông qua Làng để kính dâng cấp bằng danh dự đó cho Thầy Làng Mai. Nhân dịp này, Thầy sẽ có lời nhắn nhủ dành cho giới trẻ các trường đại học)

10h00 – 11h30:

Đối thoại về Tuổi trẻ ngày nay giữa Thầy Làng Mai và Ngài Viện Phó Viện Đại học Hồng Kông

11h30:

Thiền hành

12h30:

Ăn cơm trong chánh niệm tại thiền đường Nước Tĩnh

15h00:

Pháp đàm về đề tài: Tuổi trẻ hôm nay

16h30:

Kết thúc ngày chánh niệm

Về Làng vào dịp đầu xuân, quý vị thân hữu sẽ có cơ hội được tận hưởng những mầu nhiệm của đất trời với những bông hoa thủy tiên, hoa mận, hoa bồ công anh…đang khoe sắc rực rỡ. Tịnh Độ đang có mặt, bây giờ và ở đây!

Tăng thân Làng Mai.