Đoản Xuân Ký

Đông Nguyên

Tôi đang có mặt ở xóm Hạ. Sau mấy ngày trời vừa mưa gió đón anh chị em chúng tôi, mọi thứ bắt đầu quang tạnh. Nắng tràn ngập khắp ruộng đồng gò bãi. Một góc đồng quê nước Pháp như khoác lên tấm áo mới. Cảnh vật và con người như thân quen tự thuở nào. Tôi có nhiều chuyện lắm từ xa tới gần nhưng gần nhất là chuyện đón Tết ở Làng tôi. Ở xa, chắc bạn hiền không tưởng tượng ra hết được không khí tết ở Làng tôi đâu ha? Tết Làng tôi vẫn có pháo nổ đì đùng. Tết Làng tôi vẫn có múa lân rộn ràng. Tết Làng tôi có văn nghệ dễ thương lắm!

Ngày ấy con về

26 Tết. Sau một ngày đón tết đầy đủ chương trình ở Học Viện, chúng tôi khăn gói về quê ngoại đón tết, các sư anh thì bảo là về quê nội☺, đó là Làng Mai thân thương. Chúng tôi khởi hành lúc tám giờ giờ sáng và gần mười hai giờ khuya là tới, còn Thiền Đường Hơi Thở Nhẹ đã đến trước chúng tôi khoảng sáu tiếng đồng hồ. Xe dừng ở xóm Hạ rồi đưa người về xóm Mới và xóm Thượng là trạm dừng cuối cùng. Trời nhá nhem tối nhưng chúng tôi vẫn nhận ra nhau vì ai cũng dáng áo nâu từ hiền, cũng cái cười như mùa thu tỏa nắng ấy. Sau khi lấy hành lý của mình xong tôi phụ giúp các sư chị khác tìm hành lý và đứng chờ các sư chị sư em khác đưa về phòng ở. Nghe nói các sư chị, sư anh, sư em mà nhất là Sư Ông luôn mong cho tới ngày này. Ngày đoàn tụ với câu đối đỏ „“con đã về rồi đó- con đã tới thật rồi“.

Sư chị cùng cây xuất gia dẫn tôi về phòng. Rửa mặt một chút, nói chuyện một chút rồi tôi chìm dần vào giấc ngủ. Sáng thức dậy như có một cảm giác mới lạ. Mở cửa ra đón một chút nắng, dù trời còn lạnh. Bước ra ngoài, đi nhẹ từng bước quanh khu nhà Persimmon. Ý thức tới thật, về thật có mặt rõ ràng khi tôi nhận ra một chút vệt bùn của xóm Hạ như níu chân người đi. Thương quá mùi bùn thơm. Thương quá những con đường uốn lượn như tranh vẽ, những cánh đồng sớm tinh mơ còn phơn phớt trắng đầu ngọn cỏ. Sau khi uống một bình nước nóng, tôi tự khởi động mình bằng một vài động tác chánh niệm. Thấy người vẫn như mọi ngày. Bữa ăn sáng, chị em quây quần, chỉ nhìn nhau cười trong ý thức chị mình, em mình đang có mặt cho mình đây. Im lặng tận hưởng giây phút có mặt cho nhau, dường như không cần phải nói gì thêm. Cái hạnh phúc của chúng tôi trong giây phút này đơn sơ vậy đó.

Hôm nay đại chúng chấp tác, dọn dẹp xóm chuẩn bị cho Tết. Sau khi chào đại chúng, tôi theo quý sư cô sư chị đi chào sư cô trụ trì và những sư cô lớn khác. Phòng nào cũng có không khí tết với cành đào phớt hồng, cành mai trắng tinh, với câu đối đỏ. Đáng lẽ những cành hoa này đợi tới lúc nắng ấm mùa xuân mới bung chồi nhưng các sư chị sư em cắt vào trước, sưởi ấm trong nhà độ chừng mười ngày, canh đúng ngày tết thì hoa sẽ nở. Cho nên đào hoa chưa y cựu mà đã tiếu đông phong hết cả rồi! Ngày tết có hoa, có trà, có trầm, có tiếng cười của chị em coi như „“no ấm“ cả năm rồi.

Chiều 27 Tết. Chúng tôi tập trung về xóm Mới để lên Sơn Cốc chào Sư Ông. Xóm Mới vẫn như ngày nào, các chị em tôi đang xúm xít cùng nhau dọn dẹp xóm, trang trí cổng đón khách, vài chị em khác đang cắt gọt chuẩn bị cho ngày chợ xuân.

Những đứa con xa như lặng đi khi nhìn thấy Thầy mình bước ra. Cánh tay từ ái của người cha hiền như chờ đợi những đứa con xa từ lâu lắm rồi. Không thể diễn tả hết sự ấm áp trong vòng tay ấy.Thầy dẫn chúng tôi thiền hành quanh Sơn Cốc. Len lõi qua hàng tre xanh, men theo bờ suối Phương Khê. Cuối đông, trời đang ấm dần, dòng nước như róc rách cười với chúng tôi. Nước chảy nhiều nhưng không ồn ào.

Chúng tôi còn được vào thăm chỗ viết thư pháp, thăm phòng làm việc, thăm thư viện sách băng đĩa có cả máy in của cái thời mà thầy in ấn những quyển sách đầu tiên như Sen Búp Từng Cánh Hé, Nẻo Vào Thiền Học… và được nghe chia sẻ tỉ mỉ từng chi tiết của mỗi phòng. Thầy trò quây quần tại phòng sách.

“Vẫn xuân đoàn tụ – vẫn còn bên nhau“

Cổng đón khách xóm Mới ấm cúng với câu chào: “cùng nhau vui đón tết“. Dạt dào như khúc Hải triều âm, hợp xướng tăng thân hòa chung lời hát„“Tìm nhau“ trước khi bắt đầu cho buổi bình thơ. Con đã đi tìm Thế Tôn, “Thế Tôn ngồi đó im lặng trời xanh cao núi biếc in nền trời“. Thầy cũng ngồi đó, tự tại thảnh thơi cho đàn con cháu noi theo từng hơi thở, từng bước chân, từng nụ cười trân quý. Phải chăng chính giây phút này Thầy và Thế Tôn là một?!

 

Sư Ông Bình thơ đón giao thừa

Bây giờ là 2 giờ chiều, tính theo giờ Việt Nam là 8 giờ tối, Sư Ông mở đầu “còn vài tiếng đồng hồ nữa là chúng ta sẽ bước sang năm mới“.

Trước giờ ăn chiều đại chúng ngồi thiền đón giao thừa. Thời khắc gõ nhịp cuối cùng cho năm mới sang, chuông trống Bát Nhã vang lên trầm hùng cả khung trời xuân sắc. Lời khấn nguyện đầu năm xúc động gởi ghắm biết bao lời nguyện ước cho một thế giới yên bình, khổ đau chuyển hóa. Tôi cùng bốn huynh đệ khác tranh thủ không ăn chiều, tập dượt một chút cho tiết mục văn nghệ tối nay. Chương trình văn nghệ sum tụ với nhiều tiết mục sinh động, giàu chất trẻ, có thể sẽ không đủ giờ cho tất cả các tiết mục đăng ký. Năm nay cũng như năm ngoái không có tiết mục Táo Quân nhưng thay vào đó là mỗi xóm tự sáng tạo cho phần báo cáo mỗi xóm. Mở màn, xóm Mới cúng dường đoạn video clip cảnh sinh hoạt của xóm trong năm, chị em cùng chơi với nhau, cùng làm việc, cùng học hành, cùng quây quần bên bếp hồng ấm áp. Giai điệu xuân dễ thương, độc đáo của bài hát báo cáo của xóm Hạ do nhóm hát Tứ O trình bày, còn xóm Thượng thì sâu lắng với bài ngâm thơ. Phần lớn tiết mục là do chúng xuất sĩ trình diễn. Xóm Thượng có nhiều tiết mục sinh động của những thầy và sư chú trẻ, đặc biệt có nhóm rap trình diễn khá thiền nhưng cũng không kém phần sôi động. Ngoài ra chương trình còn có sự góp mặt của nhóm hát Inđô, thượng tọa Kai-li, giám niệm xóm Thượng cũng hát hết mình với nhóm Châu Á.

Ban nhạc xuất sĩ trẻ – Xóm Thượng

Những ngày tiếp theo, lần lượt thăm các xóm. Sau phần bói Kiều là giờ thăm phòng. Mỗi xóm đều dành những bất ngờ, đặc trưng đón khách.

Mồng một. Cổng xóm Thượng lủng lẳng hai dây pháo bên câu đối ngày xuân, có vài sư cô tinh nghịch lén đi vào cổng trước nhưng chưa tới giờ được các thầy mời ra để vào lại. Đúng giờ. Sư Ông cùng đại chúng bước vào trong tiếng pháo rôm rả đầu năm. Buổi tối, xóm Thượng tiễn khách bằng màn pháo hoa rợp trời.

Mồng hai. Xóm Hạ. Năm sư cô trong trang phục truyền thống, khăn đống, áo dài cùng đại chúng xóm Hạ hát khúc xuân đón khách ở đầu xóm.

Hội chợ ẩm thực đầu xuận tại Xóm Mới

Mồng ba. Đầu thôn của Xóm Mới có chợ xuân đãi khách những món dân dã, đặc sản. Ghé qua Nhật Nguyệt Xá, thực khách được thưởng thức những đặc sản như chè sương sa hột lựu, bánh cuốn nóng, gỏi bốn mùa, đậu hủ đường… Tôi ghé thăm phòng quý sư cô lớn trước sau đó về phòng của các sư chị sư em. Càng tiếp xúc càng thấy như mình là anh chị em của nhau từ lâu lắm rồi. Đến phòng sư cô Chân Không, chúng tôi được lì xì không phải qua phông bao đỏ mà qua lời chia sẻ của sư cô „“các em nhớ thương nhau như tình thương của thầy dành cho mình nghe. Dù ở xa hay ở gần nhưng thầy luôn thương hết tất cả. Hễ ai tu có hạnh phúc là thầy tăng thêm vài trăm cà ram. Mà ai rời chúng hay gặp khổ đau thì thầy cũng tụt xuống vài trăm cà ram. Có hạnh phúc hay khó  khăn gì mình cứ thật tình chia sẻ với các sư chị sư anh, với Thầy để tìm cách đi đi ra, chứ đừng để lâu quá cho tới khi rời chúng. Thầy hay sư cô hay các sư anh sư chị lớn chỉ dìu các em đi một đoạn thôi. Mỗi anh chị em, mỗi thế hệ là đoạn tiếp nối. Để dòng chảy được liên tục thì các em trẻ sẽ tiếp nối các anh chị lớn. Thầy mình tuy lớn tuổi nhưng vẫn học hỏi mỗi ngày, không ngơi nghỉ nên các em cố gắng mỗi ngày dành thời gian một chút để học. Tuổi còn trẻ học nhanh lắm“. Mang theo „“phông bao lì xì“ đó, tôi cũng đi để mà tận hưởng và học hỏi. Mỗi nơi ghé lại một chút, đủ để chơi với chị với em, học hỏi cách sống và tận hưởng cái tình dành cho nhau. Sơn Hạ có sân chơi dân gian, hội lô tô, văn nghệ bỏ túi.

Nắng dần ấm, tiếng chim hót đánh thức nụ tầm xuân đầu hè. Tiếng gọi xuân ý nhị qua từng kẽ lá. Trong nhà ấm áp tiếng cười của quý sư cô, sư chị, sư em. Pháo Tết là tiếng cười giòn tan bên tách trà ấm tay. Một sư em nói với tôi: „“tết mình đâu cần nhiều chị hả? Có một cành hoa, một bình trà, một ánh nến là đủ đầy cho chị em mình ngồi chơi với nhau rồi“. Tiếng cười thay cho tiếng pháo.

Bốn ngày Tết nhẹ nhàng qua đi. Tạm biệt nhé ngày xuân ơi. Dư vị như còn đọng lại nơi âm vọng của tiếng cười, của những câu chuyện tu học cuối năm mà chị em chia sẻ cho nhau. Nghe đâu hoa thủy tiên ở Pháp Thân Tạng đang đợi anh chị em chúng tôi về xóm Thượng trong khóa tu xuất sĩ sắp tới.

Ngàn hoa thủy tiên hé

Ngồi thiền với Bụt

Vui xuân bói Kiều

Bói Kiều ngày Tết đã trở thành một văn hóa đẹp ở Làng Mai, một loại hình giải trí lành mạnh làm bạn có cảm tưởng mình đang được thưởng thức dòng văn học nghệ thuật uyên thâm của nhà thi hào Nguyễn Du. Bạn còn được nghe quý thầy, quý sư cô ngâm thơ, lý, hò qua các giọng Bắc, Trung, Nam cùng các nhạc cụ như violon, đàn tranh, sáo… rất quê hương.

Nếu bạn được đề nghị lên trước toàn đại chúng bốc Kiều thì đó là một may mắn lớn. Lúc nghe đến tên mình, mời bạn đứng dậy chắp tay bước từng bước chánh niệm đến trước bàn thờ, và  rồi lạy xuống chí thành. khi nghe chuông.

.

Kế đến bạn đặt một tay lên chuông và tự thầm đặt câu hỏi của mình đến với cụ Nguyễn Du và sư Giác Duyên,  sau đó hãy bốc một quẻ Kiều rồi trình ra với đại chúng. Trước toàn thể đại chúng, bạn có thể nói ra cái khó khăn của bạn, cái thao thức của bạn là bạn đã thành công một nửa rồi. Sau đó câu Kiều sẽ được ngâm, hò… để từng lời thấm vào lòng người bốc, người giải và cả những người nghe Kiều…

Ngồi nghe Kiều bạn học hỏi được rất nhiều từ cách Thầy giải quẻ, Thầy thường ngồi lắng nghe hết lòng câu hỏi của đương sự và để cho tuệ giác ứng hợp với từng lời cụ Nguyễn Du dạy. Câu Kiều như chân thật, gần gũi, như đang thong dong dạo chơi trong lời giải của Thầy. Đây là một buổi bình Kiều khá thú vị trong giờ học văn không chính quy của tăng sĩ Làng Mai. Hay đây còn là một buổi tham vấn nhẹ nhàng, thiền vị, giúp đương sự tham dự cuộc chơi và dễ dàng nói thật được những gì mình đang có khó khăn. Ngồi chơi với nhau mà giúp nhau hồi nào không hay! Chính vì vậy, Thầy dạy đại chúng nên tham dự Bói Kiều đầy đủ trong mấy ngày Tết.

Niềm vui đó đã thu hút nhiều thiền sinh đến Làng trong dịp Tết năm nay và quý sư anh, sư chị, sư em Tây phương có cảm hứng sáng tạo ra nhiều cách bói may mắn khác như bói Victor Hugo (văn hào Pháp), hay bói Shakespeare (văn hào Anh). Thật là vui khi bạn có cơ hội chọn nhiều văn hào nổi tiếng, để tham vấn, học hỏi, chia sẻ và tâm sự.

Ngồi trong khung cảnh đó bạn sẽ cảm nhận mình đang tham dự một cuộc trao đổi văn hóa cùng những lời khuyên hiền thiện mang nhiều nét đẹp trong tác phẩm như đang về sống với thời đại mới. Qua đó đại chúng có cơ hội hiểu thêm đời sống tâm linh và mong ước của nhau. Không hẹn mà gặp, một cuộc hội ngộ đầu xuân thật nhiều niềm vui đã và đang có mặt tại Làng.

Lời khấn nguyện đầu năm 2013

 

Dâng lời khấn nguyện đầu năm 2013 tại thiền đường hội ngàn sao – Chùa Cam Lộ

Kính lạy Đất Mẹ – Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa,

Kính lạy Trời Cha đức Bụt Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, A Di Đà.

Kính lạy chư vị Tổ tiên tâm linh và huyết thống của chúng con,

Trong giờ phút linh thiêng khởi sự cho năm mới, chúng con tập hợp lại đây như một gia đình tâm linh để cùng dâng lên Đất Mẹ, Trời Cha và chư vị Tổ tiên lòng biết ơn và nguyện ước sâu sắc của chúng con. Chúng con ý thức rằng Đất Mẹ, Trời Cha và chư vị đang có mặt trong chúng con, là nơi nương tựa vững chãi cho tất cả chúng con.

Kính lạy Trời Cha, nhờ ánh sáng của Cha mà vạn vật được sinh sôi nảy nở. Cha là Mặt trời, là một vị Bụt lớn, một vị Bồ tát lớn, là Đại Nhật Như Lai, là Vô Lượng Quang, là Vô Lượng Thọ, là Amitabha, là thần thái dương. Ánh sáng của Cha chiếu rọi làm cho đất mẹ ấm áp, xinh đẹp, giúp đất mẹ tạo ra sự sống cho chúng con và nuôi dưỡng chúng con. Mỗi khi chiêm ngưỡng mẹ, con thấy cha trong mẹ. Cha không phải chỉ ở trên trời mà còn ở dưới đất, đang có mặt trong mẹ và trong con. Mỗi buổi sáng, cha xuất hiện từ phương Đông như một chiếc đĩa hồng chói lọi, hào quang phóng ra muôn phương rạng rỡ uy hùng. Cha là một bậc cha hiền với lượng cả bao dung, vô cùng uy dũng.

Chúng con thường quán chiếu rằng, mỗi chúng con đều có một trái tim trong cơ thể, nếu trái tim đó ngừng đập thì chúng con sẽ chết ngay lập tức. Nhưng khi nhìn lên, chúng con biết cha mặt trời cũng là một trái tim khác của chúng con, không phải nằm trong cơ thể nhỏ bé này mà nằm trong cơ thể thái dương hệ. Nếu cha mặt trời biến mất thì sự sống của chúng con và sự sống của đất mẹ cũng phải chấm dứt. Cho nên chúng con nguyện quán chiếu trái tim mặt trời, để thấy được sự tương giao, tương tức giữa trời cha, đất mẹ, chúng con và muôn loài. Chúng con nguyện tập thương đất mẹ, trời cha và thương yêu nhau dưới ánh sáng của tuệ giác bất nhị và tương tức, để giúp chúng con vượt thoát mọi kỳ thị, sợ hãi, ganh tị, oán thù và tuyệt vọng.

Kính lạy đất Mẹ, thở vào chúng con ý thức rằng chúng con và Tổ tiên của chúng con đều là con của Mẹ. Với đức kiên trì chịu đựng, đức trung hậu vững bền, đức vô úy đại hùng cùng sức sáng tạo không hề mệt mỏi, Mẹ đã đưa chúng con ra đời, chuyên chở và nuôi dưỡng chúng con qua ngàn muôn kiếp. Mẹ còn cho ra đời vô lượng các vị Bụt, Bồ Tát và các bậc Thánh nhân. Mẹ là Đại Địa, là Terra, là Gaia, là hành tinh xanh xinh đẹp và mát lành của chúng con. Mẹ là Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa. Chúng con biết rằng dù chúng con và Tổ tiên của chúng con đã gây ra bao nhiêu lầm lỗi, chúng con cũng được Mẹ tha thứ. Và mỗi lần chúng con trở về với Mẹ là Mẹ lại đưa vòng tay từ mẫu ra để ôm lấy chúng con vào lòng.

Chúng con đã tạo ra biết bao chia rẽ, hận thù, khổ đau, cô đơn và tuyệt vọng vì tâm phân biệt và những tri giác sai lầm. Chúng con đã để cho tập khí chủ nghĩa cá nhân lộng hành, gây tàn hoại cho chính bản thân và làm cho Mẹ phải nhọc lòng. Chúng con đã chạy theo danh vọng, tiền tài, quyền lực và tư dục mà quên rằng những thứ ấy không bao giờ đem lại hạnh phúc chân thực cho chúng con.

Từ muôn kiếp chúng con đã không nhận ra Mẹ chính là Tịnh Độ, là Thiên quốc, là quê hương xinh đẹp và mầu nhiệm nhất mà lại đi tìm kiếm Tịnh Độ hay Thiên quốc ở một nơi xa xôi nào đó trong tương lai. Điều này đã gây khổ đau cho chính chúng con và cho cả Mẹ. Lạy Mẹ, trong giờ phút linh thiêng này, chúng con xin buông bỏ tất cả những rong ruổi, tìm cầu để trở về dâng lên Mẹ, lên Cha và chư vị Tổ tiên sự có mặt đích thực của chúng con. Chúng con đã về, đã tới. Mẹ chính là quê hương đích thực của chúng con!

Chúng con thấy được rằng chỉ có thương yêu và hiểu biết mới làm cho sự sống của chúng con có ý nghĩa, giúp chúng con chữa lành thân tâm, có khả năng giữ gìn và bảo vệ vẻ đẹp của Mẹ. Chúng con phải tập sống với nhau như một gia đình, như một tăng thân vì tất cả chúng con đều là con của Mẹ, của Cha. Chúng con biết rằng xây dựng tình huynh đệ trong giây phút hiện tại là cách duy nhất để bảo đảm cho con cháu chúng con một tương lai sáng đẹp trên trái đất này.

Lạy Mẹ, lạy Cha cùng chư vị Tổ tiên, trong giờ phút bước sang Năm Mới 2013, chúng con xin sám hối những lỗi lầm mà chúng con đã gây ra và kính cẩn phát nguyện là chúng con sẽ tập thở cho có chánh niệm, tập đi cho có chánh niệm trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Chúng con sẽ tập sống đơn giản trở lại, tập thương yêu theo tinh thần từ bi và không kỳ thị như Mẹ và Cha đã làm. Chúng con sẽ tập lắng nghe tiếng nói của Mẹ, của Cha để có thể hiểu được Mẹ và Cha sâu sắc hơn. Chúng con hứa sẽ học hỏi thái độ cởi mở để có thể truyền thông được với những thành phần khác trong gia đình và trong Tăng thân. Chúng con nguyện tập nhìn và nghe bằng mắt và tai của gia đình và của tăng thân, tập nói lời hòa ái với anh chị em, bằng hữu và con cháu của chúng con, để có thể sống với nhau một cách hài hòa, an vui và hạnh phúc. Chúng con nguyện tập thấy hạnh phúc của gia đình và tăng thân là hạnh phúc của chính mình.

Chúng con xin hứa sẽ không trốn chạy khổ đau mà nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa chúng. Chỉ khi nào hiểu được gốc rễ của khổ đau thì chúng con mới có cơ hội chữa lành và tiếp xúc được với hạnh phúc chân thực.

Cha và Mẹ đã gọi chúng con trong ngàn muôn kiếp và có những người trong chúng con đã nghe được tiếng kêu đau thương ấy. Cha, Mẹ đã hỏi chúng con hàng triệu lần rằng: “Liệu Cha, Mẹ có thể tin tưởng và trông cậy vào các con hay không?” Trong giờ phút linh thiêng này, chúng con xin chắp tay một lòng hướng về Cha, Mẹ và dâng lên câu trả lời chân thành của chúng con là: “Cha, Mẹ từ bi và thánh thiện của chúng con ơi Cha, Mẹ có thể trông cậy và tin tưởng ở chúng con.”

Chúng con nguyện thực tập cho Cha, cho Mẹ và cho tất cả Tổ tiên cũng như con cháu của chúng con, để hòa bình, thương yêu và an lạc luôn có mặt trên thế gian này. Chúng con kính dâng lên chư vị hương hoa, quả phẩm cùng lòng hiếu thảo của chúng con. Xin Cha, Mẹ và chư vị Tổ tiên tin tưởng ở chúng con.

Đọc thêm:

Bài kinh ca ngợi Bụt Amitaba >>

Bài kinh ca ngợi đất mẹ >>

Lịch sinh hoạt xuân

 

Chủ Nhật 03-02-2013 (23-12-Quý Tỵ) – Gói bánh ngày tết tại Xóm Thượng
8g30: ngồi thiền
9g00: pháp thoại
sau pháp thoại: Dựng nêu, gói bánh

Tối đưa Ông Táo

 

Chủ nhật 09-02-2013 (29-12-Tân Mão) – Đón giao thừa tại Xóm Mới
15g30: Bình thơ
17g30: Lễ đón giao thừa
20g00: Văn nghệ tết

Mùng 1 tết (10-02-2013) – Xóm Thượng – Chùa Pháp Vân
10g00: Múa lân, Lễ đầu năm (Chúc thọ, đảnh lễ)
11g00: Bói Kiều, Shakespeare, Victor Hugo
12g30: Cơm trưa, thăm phòng chúc tết.

Mùng 2 tết (11-02-2013) – Xóm Hạ – Chùa Cam Lộ
10g00: Bói Kiều, Shakespeare, Victor Hugo
12g00: Cơm trưa, thăm phòng chúc tết.

Mùng 3 tết (12-02-2013) Xóm Mới – Chùa Từ Nghiêm
10g00: Bói Kiều, Shakespeare, Victor Hugo
12g00: Cơm trưa, thăm phòng chúc tết.

Mùng 4 tết (13-02-2013) – Xóm Thượng – Chùa Sơn Hạ
10g00: Bói Kiều, Shakespeare, Victor Hugo
12g00: Cơm trưa, thăm phòng chúc tết.

_________________________

Nghệ Thuật Đoán Quẻ Kiều >>

Làng Mai mùa Xuân

Lịch sinh hoạt xuân
Lời khấn nguyện đầu năm 2013
Vui xuân bói Kiều
Ngàn hoa thủy tiên hé
Sinh hoạt của Làng Mai sau Lễ tự tứ (04/02/2013) tới Hội hoa Thủy tiên 10/03/2013
Đoản Xuân Ký
Tết Quý Tỵ – 2013
Xuân về tới
Chuyên đề đón Xuân Quý Tỵ 2013
Chúc Thọ Thầy
Lời chúc thọ của tứ chúng Làng Mai dâng lên Sư Ông trong ngày đầu năm Quý Tỵ 2013
Một tuần không biết giận
Khóa tu mùa xuân 2013

Bước tới thảnh thơi – Bước tới an vui

Một nhóm gồm năm quý thầy và sư cô từ Làng Mai đã đến hướng dẫn khóa tu cho người trẻ tại EcoMe, một cộng đồng thật tuyệt vời ở cách Jerusalem khoảng nửa tiếng đồng hồ lái xe, nằm trong một sa mạc giữa Biển Chết và Jericho. Nơi đây là một “đặc khu” mà cả người Palestine lẫn người Do Thái đều cảm thấy thoải mái. Đây là nơi mà người dân hai bên cùng gặp gỡ, chia sẻ và làm việc.

Quý thầy và sư cô Làng Mai ước muốn chia sẻ càng nhiều công cụ thực tập chánh niệm càng tốt để giúp các bạn phát triển tuệ giác về tương tức, thí dụ như phương pháp thở chánh niệm, thiền tọa, thiền hành, lắng nghe sâu và dùng lời ái ngữ. Các bạn Do Thái, Palestine cùng với các bạn đến từ các quốc gia khác trên thế giới có cơ hội để học hỏi các phương tiện quyền xảo để chế tác hiểu thương trong cuộc sống hàng ngày.

Tất cả mọi người ai cũng rất mở lòng và nhiệt tình muốn tìm hiểu về người khác. Ngày mới tới có một cuộc gặp mặt để ngồi chơi, làm quen. Sau đó mọi người dùng bữa chung với nhau, rồi thiền tọa. Những cuộc chuyện trò và chia sẻ bắt đầu ngay lập tức và kéo dài một cách rất vui vẻ cho tới tận giờ chỉ tịnh.

Ngày thứ hai rất đầy vì là ngày học các pháp môn thực tập. Ai thức khuya đêm trước tha hồ buồn ngủ.

Lúc 6 giờ 30 sáng, mọi người chuẩn bị bánh sandwich để mang theo khi đi thiền hành và sau đó sẽ ăn sáng cùng nhau. Đi ngang qua những cảnh đẹp trong sự yên lặng tuyệt đối của sa mạc, chúng tôi dừng lại hai lần để ngắm và để lắng nghe tiếng tụng kinh theo lối Lakota của một thầy. Mặt trời chiếu rực rỡ. May thay chúng tôi đang 250m dưới mặt biển nên không có tia tử ngoại và không hề có chuyện bị nắng cháy da. Tuy vậy chúng tôi vẫn rất hạnh phúc khi tìm được bóng râm của một ngọn núi để ngồi ăn sáng.

Sau khi lấy lại sức, mọi người tập 10 động tác chánh niệm và sau đó là một thời pháp thoại. Rồi tất cả cùng quay trở lại EcoMe, rất vui nhưng mệt đừ người và chui vào túi ngủ.

Buổi chiều có thiền buông thư, chấp tác, tham vấn với quý thầy và quý sư cô và ăn tối. Trong buổi pháp đàm sau đó, các bạn thiền sinh chia sẻ những cái thấy và kinh nghiệm thực tập của họ. Sợ hãi, hy vọng, những nhu yếu cũng như những niềm ao ước cho một tương lai chung của cả hai quốc gia đã được giải bày một cách thật trung thực và thân mật làm cho tất cả mọi người cảm thấy mình đã “cùng trưởng thành”, là một và chung một gia đình. Buổi chiều hôm ấy thực sự đã là đỉnh điểm của sự chữa lành thương tích và chuyển hóa trong khóa tu này.

Mọi người nhiệt tình hưởng ứng bữa ăn tối. Ngày hôm ấy thật là “giàu có” và mặc dù ai cũng mệt lử nhưng chúng tôi vẫn tập họp một cách vui vẻ để nghe thuyết trình về Năm Giới do năm bạn trẻ đã nhận giới ở Làng Mai chia sẻ. Từng người một, các bạn nói về ảnh hưởng và lợi lạc của năm giới trong cuộc sống của mình. Buổi chia sẻ chấm dứt lúc 10 giờ. Khá trễ nên không có thiền tọa. Không ai có đủ sức thức thêm đến giờ chỉ tịnh để thực tập Im lặng hùng tráng vì tất cả đều buồn ngủ díp mắt.

Ngày hôm sau, mọi người lại càng cảm thấy gắn bó hơn. Năng lượng của thời thiền tọa buổi sáng thật hùng hậu, sau đó là pháp thoại với đề tài “Lòng Từ bi và sự Bao dung”. Bài pháp thoại có công năng khuyến khích và gây cảm hứng để tất cả chúng ta sống và thực tập hết lòng trong ánh sáng của quy luật tương tức, tình thương yêu và sự bình an trong tự thân mỗi người.

Khóa tu thật đúng nghĩa “Bước tới thảnh thơi, bước tới an vui” này đã được kết thúc bằng một buổi ngồi chơi thật vui có vẻ như không bao giờ chấm dứt. Mọi người đem đến cho nhau những bài hát, bài thơ, câu chuyện, cả những điệu múa và tạm quên đi sự vô thường của thời gian. Cuối cùng, sau khi thực tập vô số “thiền ôm”, trao đổi emails, trao đổi những nụ cười và cả những giọt nước mắt, chúng tôi lại chia tay nhau để đi về mười phương thế giới, đem theo hành trang là những hạt giống thương yêu, bình an và gắn bó để chia sẻ với tất cả mọi loài.

Ngồi ở Làng viết lại những dòng này, những cảm giác của sự gắn bó đó khởi lên lại trong lòng tôi làm tôi cảm thấy rất biết ơn và hạnh phúc. Tôi mong muốn được tiếp tục thực tập với các bạn ở đây, ở đó hay ở bất cứ nơi đâu. Cảm ơn vì tất cả những gì các bạn đang là. Tôi đang ở trong các bạn và các bạn cũng đang có trong tôi.

Sư chú Chân Trời Ngộ Không

BBT chuyển ngữ từ Stepping into Fredom stepping into Joy

Sư chú Chân Trời Ngộ Không, người Nam Tư (Czech slovakia), là một sư chú rất vui tính, thuộc gia đình cây Trúc Tím, xuất gia tại chùa Pháp Vân, Xóm Thượng năm 2011. Sư chú hiện đang sống và thực tập rất hạnh phúc cùng quý thầy tại đây.

Khóa tu trẻ… trên sa mạc

Bài viết của sư cô Sứ Nghiêm

Sư cô Duyệt Nghiêm chuyển ngữ từ tiếng Pháp

Đó là một khóa tu rất ấn tượng mà vào các ngày 7, 8 và 9 tháng Ba vừa rồi, nhân chuyến đi cho khóa tu 4 tuần ở Israsel – Palestin, chúng tôi (bao gồm thầy Pháp Ứng, thầy Pháp Ý, sư chú Ngộ Không, sư cô Trung Nghiêm và tôi – sư cô Sứ Nghiêm) đã có cơ hội tham dự… Trên sa mạc. Với những người trẻ ở một ngôi làng sinh thái (eco-village).

Làng EcoMe đây rồi

Làng Ecomé, tuy chỉ cách Jerusalem chừng khoảng mười cây số, nhưng đã ở ngay trong vùng sa mạc, không xa Biển Chết lắm. Ngôi làng được dựng ngay trên một ngã tư đường, là một nơi mở ngỏ cho những người Israel và Palestin có thể gặp nhau. Vì thế mà có rất nhiều xe hơi lưu thông quanh làng cho dù nơi đây tất cả mọi người đều đi chân trần và những cấu trúc xây dựng đều bằng đất nung, vải và lá cọ… tuy vậy, rất đẹp và đặc biệt đơn giản. Người ta gọi đây là một ngôi làng sinh thái, vì ở đó có một cộng đồng người trẻ đang sống với những quan tâm hàng đầu của họ là làm thế nào để góp phần chăm sóc và bảo vệ môi trường. Họ thực hiện điều đó bằng việc sử dụng những nhà vệ sinh không dùng nước (toilette sèche, dry-toilet), tạo những hố rác tự phân hủy và nhà vườn dùng phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, mối quan tâm thứ hai của họ là việc gặp gỡ và đối thoại giữa những văn hóa, những dân tộc và những tôn giáo sống rất gần nhau nhưng thường xuyên xảy ra xung đột.

Vào ngày đầu tiên, chúng tôi đem theo thức ăn sáng và khởi hành sớm để bắt đầu cho một buổi thiền hành im lặng trên sa mạc với tất cả những người trẻ trong làng. Chúng tôi có cả thảy khoảng 50 người, bao gồm những người trẻ Israel, Palestin và cả những nước khác; những người khách tình cờ ghé ngang hay những người chính thức tham dự khóa tu.

Sa mạc. Yên lặng. Tập hợp. Hoa anh túc. Bình an. Sỏi. Bụi. Dân du mục Ả Rập. Tâm kinh. Tuổi Trẻ. Lắng nghe. Liên kết. Hy vọng… Tất cả như những hạt cát hòa quyện với nhau cùng gợi lên buổi thiền hành tuyệt đẹp này.

Buổi thiền hành, như một cuộc đối thoại vượt lên trên mọi ngôn ngữ, mang chúng tôi lại với nhau trong sự bình an trong sáng và tuyệt đẹp. Tất cả tạo thành một phong cảnh bao bọc lấy chúng tôi trong suốt buổi.

 

Thiền hành trên sa mạc

Trong suốt khóa tu ngắn ngủi này, những người trẻ đã chia sẻ một cách hăng say và chân thực, trái tim cũng như những ước muốn sâu sắc nhất của họ gắn liền với những đau khổ, xung đột, chiến tranh và những khó khăn to lớn trong việc truyền thông giữa những tôn giáo và những quốc gia hiện đang có mặt ở vùng đất này. Hoàn toàn không có chuyện tán dóc bởi vì ở đây ý thức về khổ đau có mặt một cách rõ ràng và chúng tôi chỉ có thể đi thẳng vào những câu hỏi thiết thực nhất như: Làm sao để ra khỏi những cuộc xung đột? Thực sự có hy vọng hay không? Sự thực tập có thể đáp ứng được những vấn đề quá lớn và liên hệ đến chính trị như vậy hay không? Hòa bình trong tự thân, hòa bình toàn cầu, có đủ hay không? Chúng ta muốn thay đổi, nhưng làm thế nào để thay đổi bằng sự thực tập?…

Vào buổi chiều của ngày thứ hai, chúng tôi đã có một buổi chia sẻ rất dễ thương, và cũng là buổi cuối cùng, với toàn nhóm. Sau đó là thiền ôm để kết thúc với rất nhiều biết ơn và thân thương. Đây là một số từ ngữ những người trẻ đã dùng mà tôi đã viết xuống từ từ trong suốt buổi chia sẻ này: “Những người bạn, tình bạn. Thở. Hát và múa với những khổ đau của mình, được yểm trợ để tự giải phóng mình ra khỏi mạng lưới trong lòng. Không khí sa mạc qua ống sáo, trống châu Phi và những thầy tu Hồi giáo nhảy múa. Chúng ta như những chiếc lá trên cùng một cây. Chúng ta là một! Vững như đất! Đàn harpe, vòng tròn đồng thanh hát ca ngợi Chúa (Alléluila). Nam mô Amitabaya, Bouddhaya, Dharmaya, Sanghaya! Alléluia!”…

Chúng tôi đã cùng nhau trải qua một khóa tu rất đẹp, phong phú và cô đọng, thỉnh thoảng cũng có đôi chút thử thách. Sau vài giờ đầu tiên hơi rụt rè, khóa tu cũng đã khởi đầu tốt đẹp, sau đó diễn ra trong một niềm bao dung tương ái, và nhất là ngày thứ hai và ba đã kết thúc rất vui vẻ.

Chúng tôi đã cùng chứng thực một điều, đó là sống an lạc chung với nhau.

 

Sư cô Sứ Nghiêm và các bạn trẻ đang chia sẻ

Vào hai buổi sáng tinh mơ, chúng tôi đã có cơ hội sống trong vòng tay của sa mạc, tận hưởng sự yên lặng bao la và tuyệt diệu dưới một bầu trời đầy sao. Thêm nữa, thật là quá hạnh phúc khi vừa mở mắt, vào lúc 5 giờ sáng, chúng tôi đã được ngắm một con lạc đà đang thản nhiên gặm cỏ ngay trước lều của mình.

Sau cùng, tôi thấy rằng, sa mạc thì luôn khô, nóng. Dù vậy, đó vẫn là một suối nguồn tâm linh sống động tuôn trào. Liệu nó có thể tưới tắm cho những người trẻ làng Ecomé của chúng ta hay không khi mà những người đó đang chứng tỏ một sự dũng cảm lớn lao và một quyết tâm sâu sắc hiến tặng cuộc đời họ cho cuộc đối thoại và hòa giải giữa những dân tộc của họ.

Sư cô Sứ Nghiêm là một sư cô trẻ người Pháp. Sư cô xuất gia năm 2008 tại chùa Pháp Vân, Xóm Thượng. Sư cô hiện đang sống và thực tập tại chùa Cam Lộ, Xóm Hạ, Làng Mai.

Xin xem thêm bài chùm ảnh “Khoát tu Israel 2013

Cùng nắm tay ta xây dựng tăng thân

Quang Minh Sơn, Phổ Giác Thiền Tự, Singapore

Chiều ngày 16.03.2013, lúc bốn giờ đã có lễ khai mạc cho khoá tu gia đình với chủ đề: Hạnh Phúc là con đường tại Vô Tướng Đường, chùa Phổ Giác. Đây là khoá  tu hàng năm tại Singapore được kết hợp tổ chức bởi chùa Phổ Giác (Kong Meng San Phor Kark See) và Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á. Khoá tu năm nay tuy chỉ có 170 người tham dự nhưng tỉ lệ các cháu thiếu nhi là rất cao. Có nhiều người muốn tham dự nhưng vì đăng ký sau thời hạn thông báo nên ban tổ chức đã không đồng ý tiếp nhận. Theo danh sách của ban tổ chức, khoá tu có 40 cháu thiếu nhi trong chương trình Gieo Hạt (Planting Seeds), 16 em thanh thiếu niên trong chương trình Teen Programe và 110 người lớn được chia thành 6 nhóm pháp đàm. Thiền sinh tham dự khóa tu đã tu học theo nhiều truyền thống Phật giáo: Tịnh Độ, Nam Tông, Tây Tạng… Họ chia sẻ là họ muốn tham dự khóa tu để học cách thực tập chánh niệm để làm sao áp dụng vào đời sống hàng ngày. Và kết thúc khóa tu 16 em thanh thiếu niên đều phát nguyện tiếp nhận và thọ trì Năm giới. Về tăng thân xuất sĩ thì có 16 thầy, sư cô và sư chú tới từ nhiều Trung tâm: hai thầy từ Làng Mai, hai sư cô và hai thầy từ Trung tâm Làng Mai Thái Lan, hai sư cô và hai thầy từ Việt Nam và ba thầy, ba sư cô từ Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á (AIAB).

Khóa tu đã đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho các bạn thiền sinh và các em thiếu nhi cũng như cho quý thầy, quý sư cô. Mời quý vị coi một vài hình ảnh về khóa tu do Tăng thân ở Singapore ghi lại:

 

Ngoài các vị giáo thọ ra, khoá tu này còn có sự đóng góp của ba vị xuất sĩ mới: sư chú Trời Linh Thứu, sư cô Trăng Yên Tử và sư cô Trăng Cam Lộ. Đây là khoá tu nói tiếng Anh đầu tiên mà các vị xuất sĩ trẻ này tham dự hướng dẫn tu học cho các cháu thiếu nhi, ban biên tập trang nhà Làng Mai đã nhận được cảm nhận của các vị ấy về khoá tu đặc biệt này và xin chia sẻ với mọi người.

1. Ban biên tập: Đây là khóa tu đầu tiên sư cô tham dự, hướng dẫn, mà lại là một khóa tu nói tiếng Anh,  sư cô có cảm nhận gì?

Sư cô Trăng Yên Tử: Đây là khóa tu đầu tiên con tham dự hướng dẫn ở nước ngoài và là khóa tu nói tiếng Anh. Con thấy con vừa vui vừa run. Con vui vì con có cơ hội được học hỏi và làm việc cùng quý Thầy, Quý Sư Cô lớn, được tiếp cận với một môi trường mà mình chưa biết, và Ba Mẹ con cũng sẽ vui khi được biết con có cơ hội đó. Con có hội được đem Ba Mẹ con và gia đình con ở trong con đi ra ngoài để làm điều mà Ba Mẹ và gia đình con chưa  có cơ hội làm. Con run vì con biết rõ giới hạn của mình trong việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, cũng như con ý thức được rằng mình còn chưa có kinh nghiệm gì hết. Con sợ con không hoàn thành được tốt công việc được giao, phụ lòng Sư Cô y chỉ sư của con và Quý Sư Cô lớn ở nhà và không xứng đáng để đi thay cho Sư Chị, Sư Em con.

2. Ban biên tập: Đi đến một nước bạn và hướng dẫn tu học cho người bản xứ có mang lại cho sư cô cảm hứng mới nào cho việc học tập, phụng sự và xây dựng tăng thân?

Sư cô Trăng Yên Tử: Đi đến một nước bạn và hướng dẫn tu học cho người bản xứ mang lại cho con nhiều niềm vui và cảm hứng trong việc học tập, phụng sự và xây dựng tăng thân. Con yêu quê hương và con người Việt Nam. Con thương những điều kiện khó khăn mà người Việt còn đang gặp phải. Tâm nguyện của con là được phụng sự cho quê hương  mình. Nhưng khái niệm quê hương trong con thay đổi theo thời gian. Thuở nhỏ chỉ là một tỉnh, lớn lên là đất nước, còn bây giờ là bất kỳ nơi nào con đang ở, mặc dù rằng trong con vẫn có phần thiên vị cho Việt Nam. Ngày đầu tiên đi thiền hành, con ý thức con đang đặt chân trên đất nước của Singapore. Con đang mang tâm hồn của dân tộc mình đến với một nước bạn. Con đang tiếp nối Chư Tổ để mang thông điệp của hòa bình đến với nước bạn. Điều đó xóa bỏ mặc cảm của một dân tộc ở một nước nhược tiểu, thua kém về kinh tế và điều kiện sống mà đang tồn tại ở trong con cũng như nhiều người Việt Nam khác. Mặt khác, đặt chân trên đất nước Singapore, con ý thức rằng con đang đặt chân trên một đất nước khác, nhưng cũng là đang bước đi trên Trái Đất, trong một bước chân, chưa từng có sự xa cách với quê nhà. Và vì vậy, con nhìn người Singapore và tiếp xử với họ không có khoảng cách trong lòng mình. Con nghĩ có thể trong tương lai, con cũng sẽ như vậy khi gặp những người ngoại quốc khác, trong những khóa tu khác. Con có thêm nhiều cảm hứng trong việc nghĩ cách nào chơi với trẻ em mà vẫn chia sẻ pháp môn được. Con cũng muốn được nâng cao khả năng nghe tiếng Anh của mình và thực tập các pháp môn căn bản nhiều hơn.

Trong việc xây dựng tăng thân, con thấy rằng mình càng có nhiều tăng thân trên thế giới thì Việt Nam càng có nhiều cơ hội được sống trong hòa bình và hạnh phúc. Vì nếu như người dân của một đất nước nào đó có lòng yêu mến và kính trọng con người và văn hóa Việt Nam thì mình có cơ hội được yểm trợ nhiều. Con cũng thấy sự thực tập hòa hợp, lắng nghe và yêu thương nhau trong tăng đoàn cũng rất cần thiết và giúp khóa tu thành công. Và bản thân con phải ý thức để đóng góp phần mình trong sự thực tập đó.

3. Ban biên tập: Chơi và hướng dẫn tu học cho các cháu thiếu nhi tại Singapore trong khóa tu này  sư cô thấy rằng sự thực tập chánh niệm có thể mạng lại lợi lạc gì cho các cháu? Về phần mình, sư chú sư cô có lợi lạc gì không và mình cần chuẩn bị những gì trước khóa tu để cho khả năng hướng dẫn của mình thêm hiệu quả?

Sư cô Trăng Yên Tử:  Chơi và hướng dẫn tu học cho các cháu thiếu nhi tai Singapore trong khóa tu này, con thấy sự thực tập chánh niệm có thể mang lại cho các cháu những lợi lạc sau:

  • Các cháu có ngay những niềm vui trong lúc đang chơi và thực tập.
  • Tự các cháu khám phá ra giá trị của sự thực tập khi trả lời những câu hỏi do chúng con đưa ra,
  • Các cháu ý thức hơn về những điều kiện hạnh phúc đang có, như là sự có  mặt và sự nuôi dưỡng của ba mẹ dành cho các cháu.
  • Các cháu có những hiểu biết ban đầu về các pháp môn căn bản, về sự thực tập thương yêu và giới,
  • Các cháu có thể mở rộng tâm hồn mình với những người ở nước khác thông qua hình ảnh Quý Thầy, Quý Sư Cô và học được cách chia sẻ về mình, bày tỏ ý kiến của mình cũng như những cách tiếp xử đẹp căn bản (chào, trao đồ vật, nhận đồ vật , vv…)

* Về phần mình, con có rất nhiều hạnh phúc khi nhận sự tươi mát từ các cháu truyền sang cũng như mỗi khi thành công trong việc hướng dẫn và chia sẻ với các cháu. Con cũng học hỏi được từ các cháu rất nhiều, và có thêm nhiều kinh nghiệm khi chơi với trẻ con. Ví dụ như:

  • Chỉ trong một nhóm 17 cháu, con nhận thấy như là một thế giới thu nhỏ. Có những cháu rất hiếu động và ưa gây gổ. Có những cháu thích phản kháng và ưa nói “không” với mọi đề nghị, và cũng rất nhạy cảm với sự hơn thua. Có cháu thích chơi một mình hơn là chơi chung, nhưng lại rất khéo léo trong việc vẽ, và trang trí; giống như mẫu cá tính của nhiều nghệ sỹ thường thấy, cháu trồng cây cũng giỏi. Có cháu lại rất khéo trong chia sẻ và bày tỏ tình cảm của mình. Có cháu thì cử chỉ hơi thô tháo và tỏ ra già trước tuổi. Có cháu thì ưa thực tập một pháp môn căn bản nào đó.  Có cháu thì lặng lẽ, ít thích sự náo nhiệt.  Có cháu thì dễ dàng chấp nhận và tham gia mọi trò chơi.  Có cháu lại rất dễ thương, ưa thích phục vụ….
  • Nhưng con cũng nhật thấy các cháu cũng có những điểm chung giống như bất cứ trẻ con nào ở bất cứ đâu, là: dễ chán khi phải ngồi yên lâu. Nghe khen bạn khác thì cũng ráng làm giỏi như vậy để được khen, thích thi đua. Nhiều tình cảm và ít che dấu cảm xúc hơn người lớn. Học hỏi và tiếp thu cái mới rất nhanh.  Dễ vui trở lại sau những cảm xúc tiêu cực hơn người lớn …
  • Con cũng học được rằng khi tổ thức các trò chơi (có thực tập) cho các cháu thì con nhận thấy:

–          Có những trò chơi cá nhân, tự mỗi cháu làm. Ví dụ như: trồng đậu xanh. Các cháu khám phá về sự tương tức, về quan hệ nhân quả, và về tình thương.

–          Có những trò chơi tập thể, ví dụ cùng nhau làm thiệp cho thực tập tưới hoa  (watering flowers). Các cháu và chính bản thân con học được rằng mình có thể có được nhiều niềm vui trong sự giúp đỡ người khác, cũng như khi chấp nhận người khác như chính họ cùng với những giới hạn của họ. Và khi mình chấp nhận cho họ cơ hội để tham gia làm việc thay vì nói với họ không thể làm đâu, thì có khi họ sẽ làm nên những kết quả tốt mà mình không ngờ tới.

–          Theo con thấy thì trước mỗi khóa tu, những ai tham gia tổ chức Children program cần có sự bàn thảo, học hỏi kinh nghiệm cũng như cách thức làm việc của người đi trước. Cũng như lần này, chúng con học hỏi được rất nhiều từ Sư Cô Thẩm Nghiêm con. Bên cạnh đó cần đầu tư suy nghĩ thêm những trò chơi mới, cách mới để chia sẻ sự thực tập. Vì trẻ con nhớ dai và mau chán, nên nếu năm sau cũng chơi y như năm trước thì sợ không đủ sức thu hút các cháu.

–          Ngoài ra thì đối với con, rất cần sự thực tập kỹ năng lắng nghe bằng tiếng Anh nhiều hơn và suy nghĩ thêm với những cháu có cá tính đặc biết thì nên tiếp xử như thế nào để các cháu hòa nhập được và có nhiều niềm vui. Con cũng cần thu thập thêm những chuyện kể và tập kể chuyện bằng tiếng Anh. Vì con thấy trẻ con Việt Nam thích nghe con kể chuyện nhưng các em ở Singapore thì chưa.

4. Ban biên tập: Nếu được đại chúng cử đi tham dự hướng dẫn một khóa tu khác tương tự như khóa tu nà sư  cô nghĩ rằng mình cần luyện tập thêm. Và những kỹ năng nào và mình có thể rèn luyện, học tập những kỹ năng ấy trong thời khóa hàng ngày của chúng mà mình đang thường trú hay không? Rèn luyện và học tập như thế nào?

Sư cô Trăng Yên Tử:  Nếu được cử đi tham dự hướng dẫn một khóa tu khác tương tự như khóa tu này, con nghĩ con cần để một ít thì giờ để luyện tập thêm những kỹ năng như đã nói ở trên. Ngoài ra cần tập nghe và tụng kinh tiếng Anh nhiều hơn. Nếu là kỹ năng tiếng Anh thì hơi khó thực tập chung. Vì có sự chênh lệch nhiều, và nhu cầu học hỏi về các pháp môn căn bản của từng người cũng nhiều nên ít thời gian dự. Chúng con cũng có nhu cầu tự học. Về phần con, con sẽ rất vui nếu có nhiều tài liệu nghe bằng tiếng Anh, loại có thể chép vào máy MP3 để nghe thêm khi rảnh rỗi. Có thể chúng con sẽ thỏa thuận với nhau, giữa một vài Sư Chị, Sư Em, là sẽ nói tiếng Anh với nhau vào ngày thứ hai làm biếng.

5. Ban biên tập: Sư cô có thể kể một vài chuyện vui, vài hanh phúc và vài chuyển hóa của mình trong khóa tu này?

Sư cô Trăng Yên Tử: Những chuyện vui, hạnh phúc cũng như chuyển hóa của con đã được kể phần nào trong những chia sẻ trên. Con cũng xin kể thêm một chút:

Con thấy trẻ em rất thích trả lời câu hỏi. Và vì vậy, thay vì thuyết trình cho các em một bài, thì con hỏi để các em thi nhau trả lời. Các em rất hứng thú và nhiều câu trả lời rất thông minh mà cũng rất hồn nhiên làm chúng con bật cười.  Ví dụ:

Trong trò chơi thiền Snack, con hướng dẫn các em thử nhai chậm hai miếng, miếng thứ 3 thì nhanh hơn, khi các em ăn táo. Sau đó con hỏi ăn nhanh với ăn chậm, cái nào hơn. Thì các em trẻ lời ăn chậm hay hơn. Hỏi vì sao, thì một em nói là ăn nhanh nhai mệt quá! (^_^)

Hỏi các em vì sao không nên trộm cắp, một em vòng tay ra sau lưng nói là vì sẽ bị cảnh sát bắt. Hỏi vì sao không nên chơi video games nhiều quá, có em chỉ vô cặp kiếng con đeo và nó là chơi nhiều sẽ phải đeo kiếng. (^_^)

Cho các em trồng đậu xanh, con hỏi các em có cảm giác như thế nào khi cây mọc, thì các em trồng được đều trả lời là rất hạnh phúc (very happy)  khi thấy cây mọc lên.

Con hỏi các em là nếu muốn đối trị cảm xúc thì phải làm sao, các em trả lời là Chánh Niệm (mindfulness), làm thiền sỏi (do pebbles meditation), đi như Bụt (Buddha walking)… Còn có một em nằm đưa chân lên trời nói là thiền ngủ  (sleeping meditation).

Con thấy mặc dù có em nghịch và có vẻ không tham gia nhưng các em đều có tiếp thu hết và có thể trả lời rất thông minh.

Một trong những giờ phú hạnh phúc của con trong khóa tu này là khi dự Làm Mới (Beginning Anew) giữa cha mẹ và các cháu. Vì các cháu nhỏ từ 5-8 tuổi nên chúng con nhờ giáo viên cùng chúng con giúp các em viết thư cho ba mẹ. Trong thư cảm ơn những gì ba mẹ đã làm cho các em, xin lỗi vì các em có lỗi lầm gì đó, và hứa sẽ tốt hơn. Đến giờ làm mới, cả ba mẹ và các em đều hồi hộp, xúc động. Hầu hết các em mắc cỡ, nhờ ba mẹ đọc thư giúp. Có vị đọc thư của con thì cảm xúc đi lên, rơm rớm nước mắt. Có em thì ba mẹ đọc thư thì mắt em đỏ hoe mặc dù em là con trai. Vì sự xúc động rất thật nên rất nuôi dưỡng,và gia đình này cũng được nuôi dưỡng nhờ sự đóng góp của gia đình khác. Cả các cô giáo tham dự cũng rất xúc động.

Một kỷ niệm đẹp nữa là khi các bé ăn trong thiền Snack. Một em khất thực nhiều nho khô quá, bị nhiều em la lên là không dễ thương, thì tủi thân khóc. Con chia sẻ với các em là không nên như vậy, vì ai cũng có lúc phạm lỗi, và các em nên tập nói lời dễ thương. Sau đó khi con đề nghị thì có mấy em nói: Cậu cừ lắm (You are good), Cậu được đấy (You are OK), với vẻ rất “người lớn”. Khi một giáo viên (cũng là bà ngoại của một em) nói nhỏ vô tai em đó kêu mang ít đồ ăn của mình cho bạn, thì em làm theo, và sau đó nhiều em trong lớp tự động làm theo, rất là ấm áp. Tuy bé trai kia còn khóc nhưng con nghĩ cảm xúc đã dễ chịu hơn.

Khi cả lớp đang viết thư tình (love letters) cho ba mẹ để chuẩn bị cho buổi thực tập làm mới thì có một em cứ ngồi yên, hỏi gì cũng không nói (em này thuộc dạng cá biệt, hay nói không, và dễ buồn) con hỏi thăm các giáo viên thì họ chia sẻ là mẹ em rất dễ thương. Sau đó con nói với em là con sẽ vẽ trên lá thư thay em. Con vẽ em và mẹ em, sau đó con viết tên em + tên của má em (Mummy) ở dưới. Thì có một em bé khác tới viết thêm “= trái tim” và trong trái tim em đó viết “eternal love”. Một em khác thì tới vẽ thêm mặt trời trên thư. Rất dễ thương. Và em cá biệt đó cũng làm mới rất vui với mẹ, khi mẹ em khen em, ôm em và em tặng thư cho mẹ em.

Con cũng có rất nhiều niềm vui khi cùng làm việc với thầy Minh Hy con và sư em Trăng Cam Lộ. Vì con học được từ thầy sự nhường nhịn các sư em và tạo điều kiện cho các sư em thực tập, làm việc chung. Sư em Trăng Cam Lộ thì luôn có mặt để lấp vào những chỗ mà con còn yếu, còn khiếm khuyết. Sư em rất ưa thích dọn dẹp, giúp đỡ mọi người và có khả năng đến và chia sẻ với các em bé cá biệt tách ra khỏi nhóm, làm cho các em đó vui. Con tin rằng trong con đã có những sự thay đổi lớn lên nhiều, mặc dù con không thấy rõ để gọi tên nó là gì. Và mặc cảm tự ti của dân tộc ở nước nhỏ cũng đã được nhận diện và chuyển hoá ở trong con.

6. Ban biên tập: Sự thực tập nào hay những sự thực tập nào giúp sư cô nuôi dưỡng và gìn giữ được năng lượng bình an và thảnh thơi trong khóa tu này? Sư cô thực tập những điều ấy như thế nào?

Sư cô Trăng Yên Tử:   Những điều giúp con nuôi dưỡng và gìn giữ được năng lượng bình an và thảnh thơi trong khoá tu này là :

Con ý thức được điểm mạnh và điểm yếu của con. Con biết là nếu con ngủ đủ thì con sẽ làm việc tốt, nên con tranh thủ ngủ vào những lúc không có thời khoá để giữ năng lượng.

Trong khi đang có khoá tu, con hạn chế chơi, nói cười, hay làm bất cứ gì mà cho ra nhiều năng lượng, trừ lúc đang chơi với trẻ con trong thời khoá.

Lúc chơi với các em, con hướng các em về những trò chơi nhẹ nhàng, có thực tập, thì các em yên mà con cũng đỡ mất năng lượng. Những trò náo động thì con để các em tự chơi, chỉ đứng hoặc ngồi yên để yểm trợ khi cần.

Con nhắc nhở mình thực tập ý thức về thân hành nhiều hơn, và thực tập ngồi thiền, thiền hành thêm vào lúc rảnh. Tuy nhiên, con cũng không phải là người thực tập thêm nhiều, vì có lúc con cần ngủ thì con ngủ. Người mà con được nuôi dưỡng là sư em Cam Lộ, sư em con rất giỏi trong việc quay về và sắp xếp giờ giấc để thực tập thêm mỗi ngày.

7.Ban biên tập: Sư cô có thể nói một chút về mình?

Sư cô Trăng Yên Tử:  Con là Chân Trăng Yên Tử, quê ở Phan Thiết. Năm nay con 33 tuổi theo dương lịch, 34 tuổi mụ. Càng ngày con càng cảm nhận được rằng những gì con làm là những gì của gia đình con, Thầy, bạn bè…  cùng làm. Vì trong những gì con tiếp nhận và trao truyền đều có hình ảnh của tất cả trong đó. Không có cái gì là tự con làm nên cả. Trong một khoá tu cũng vậy, nếu không có quý thầy, quý sư cô, sư anh, sư em con, thì con cũng không làm được gì. Và trong children program lần này, sự có mặt của các giáo viên trong lớp cũng giúp chúng con rất nhiều. Con nghĩ con đã chia sẻ nhiều về mình trong những câu hỏi trên. Con xin cám ơn Sư Ông và quý thầy, quý sư cô, cám ơn sư cô y chỉ sư của con đã cho con rất nhiều niềm vui trong thực tập và phụng sự.

Tiếp theo: Chia sẻ của sư chú Trời Linh Thứu và sư cô Trăng Cam Lộ