Kể chuyện Người xưa
Thầy Minh Hy
Sư em thương kính! Sư anh sẽ kể cho sư em nghe câu chuyện về một vị Thầy, câu chuyện này từ khi bắt đầu cho đến kết thúc là cả một đời người nhưng câu chuyện còn rất mới, mới như ngày hôm qua vậy đó. Vị Thầy mà sư anh muốn kể cho sư em nghe là Sư Thúc, một vị thầy khả kính trong lòng Tăng thân. Nếu có dịp về Huế và đi dọc theo con đường chạy dài từ Thuận An đến cửa Tư Hiền, sư em sẽ có dịp dừng chân lại thăm một ngôi làng nhỏ tên là Thanh Dương, thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Ngôi làng ấy có một con sông lớn ở bên này và bên kia là biển rộng. Vào mùa hè, dân làng trồng thật nhiều hoa sen, có rất nhiều đầm sen lớn và mỗi đêm về hương sen tỏa ra thơm ngát, theo gió đem đến cho người dân trong làng những giấc ngủ bình yên. Chắc rằng thời thơ ấu, Sư Thúc có rất nhiều niềm vui và những kỷ niệm đẹp với ngôi làng này.
Hồi còn nhỏ, Sư Thúc có nhiều anh em để chơi vì gia đình có đến mười ba anh chị em, Sư Thúc là kế út. Sư Thúc biểu hiện vào ngày 12 tháng 03 năm Mậu Tý (1948) và được đặt tên là Phạm Trí. Bố và mẹ của Người đều là những người chân quê, chất phát, thật thà, cả hai đều là phật tử. Thân phụ tên là Phạm Tăng Khế, pháp danh Trừng Cơ, còn thân mẫu tên là Nguyễn Thị Biểu, pháp danh Nguyên Phong. Có lẽ thân phụ của Người là đệ tử năm giới của Sư Cố chùa Từ Hiếu. Đó là một gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời, cho nên ngay từ nhỏ Sư Thúc đã được tiếp xúc với phật pháp. Đến tuổi trưởng thành Người từ giã song thân đến chùa Từ Hiếu xin xuất gia làm đệ tử của Sư Cố Thanh Quý – Chân Thật, lúc ấy Sư Thúc tròn mười tám tuổi. Với bản chất thật thà và cần mẫn, Sư Thúc rất được Bổn sư và các huynh đệ đồng liêu thương yêu và tin tưởng.
Thời gian làm điệu là những ngày tháng thật vui. Sư Thúc kể có một lần các điệu thèm kẹo quá, thấy trong liêu Sư Cố có mấy gói mè xửng của mấy vị Phật tử đem lên cúng nhưng không ai dám xin. Thế rồi các điệu mới bàn cách làm sao để có kẹo ăn. Bàn tính xong đâu vào đấy các điệu giao trách nhiệm cho điệu thị giả. Sáng hôm sau trong khi quét dọn, chú điệu thị giả mới chắp tay thưa Sư Cố: “Bạch Thầy! Có mấy con kiến nó đã chui vào trong gói mè xửng và đang ăn bánh của Cố.” Thế là “thừa thần dư huệ”, chú điệu được đem gói mè xửng đó xuống chia cho các điệu. Thì ra, ngày hôm qua trong khi quét dọn điệu đã dùng một cái tăm xỉa răng làm thủng mấy lỗ nơi một gói mè xửng. May quá điệu làm việc đó mà không bị phát hiện. Có lẽ vì vậy mà sau này trong liêu phòng của Sư Thúc lúc nào cũng có bánh kẹo và mỗi lần các sư chú, các điệu, các sư cô lên thăm thì việc đầu tiên là Sư Thúc dạy chú thị giả đem bánh kẹo ra mời.
Làm điệu được hai năm thì Sư Cố viên tịch, khi đó Sư Thúc chưa thọ giới sadi, nhưng vì thấy Sư Thúc rất siêng năng trong công phu tu tập nên trước khi viên tịch Sư Cố đã có thưa chuyện với chư vị tôn túc trong sơn môn và đã được chư vị hứa khả. Một thời gian sau đó, Sư Thúc được thọ giới sadi ở chùa Trúc Lâm – Huế cùng với hai sư huynh nữa đều là đệ tử của Sư Cố. Sư Thúc được đặt pháp danh là Trừng Huệ, pháp tự là Chí Mậu. Sau khi nhận được giới pháp, Sư Thúc tu tập rất tinh chuyên dưới dự dẫn dắt của pháp huynh là Hòa thượng Chí Niệm. Sư Thúc có giọng tụng kinh rất hùng mà mãi cho đến khi lớn tuổi mà giọng tụng kinh của Người vẫn đậm đà như xưa. Đặc biệt, Sư Thúc có đôi lông mày rất đẹp làm tô thêm vẻ uy nghiêm, nhưng bù lại Người có nụ cười hiền từ làm cho ai cũng dễ mến. Đến năm hai mươi hai tuổi, tức là vào năm 1970, trong đại giới đàn Vĩnh Gia được tổ chức tại Phật Học Viện Phổ Đà – Đà Nẵng, Sư Thúc được thọ Cụ Túc – Bồ tát Giới. Trong đại giới đàn ấy, Hòa thượng Giác Nhiên làm Hòa thượng đàn đầu. Sau khi thọ giới, Sư Thúc vẫn tiếp tục ở lại học, cho đến năm 1975 thì trở về Huế nương chúng tu học và cùng chăm sóc chùa Tổ. Thời gian ấy rất khó khăn, biết bao nhiêu huynh đệ cùng trang lứa vì khó khăn của thời cuộc và chiến tranh mà không thể đi tiếp con đường tu, nhưng Sư Thúc vẫn giữ một tấm lòng sắt son nương tựa Tam Bảo.
Có sức khỏe và lòng nhiệt huyết của một người tu trẻ, Sư Thúc đã đảm trách những công việc nặng nhọc như tri ruộng và tri vườn. Hồi ấy, chùa Tổ nổi tiếng là một nơi làm vườn rất giỏi. Đến năm 1979, Hòa thượng Chí Niệm viên tịch. Sư Thúc đã được Tông môn ủy cử lên đảm trách điều hành Phật sự của Tổ đình và tiếp tăng độ chúng. Với nhiệt huyết sẵn có, Sư Thúc đã đem hết lòng của mình để phụng sự Tam Bảo, làm cho chùa Tổ trở nên xinh đẹp, ấm cúng, làm phát khởi niềm tin cho Phật tử và du khách mọi nơi mỗi khi trở về thăm viếng. Đến năm 1994, Người đã cùng với chư tôn đức ở Huế và nhiều vị giáo thọ khác mở Phật Học Viện tại Từ Hiếu. Mặc dù điều kiện rất khó khăn nhưng học viện đã đào tạo được hơn bốn khóa, mỗi khóa năm năm.
Một duyên lành rất lớn vào năm 2004, Sư Thúc đã đến thăm Làng Mai trong khóa An Cư năm 2004 – 2005, đại diện Tổ đình mời Sư Ông về thăm quê hương sau ba mươi chín năm xa cách. Năm ấy, Sư Ông đã ra tận sân bay để đón Sư Thúc làm cho ai cũng ngạc nhiên và xúc động. Sư Thúc kể rằng, khi gặp Sư Ông thì Sư Thúc thấy mình như là một chú điệu, không biết làm gì hơn, Sư Thúc đã chắp tay và lạy sụp xuống, Sư Ông đã cúi xuống đỡ Sư Thúc lên và nắm tay Sư Thúc đi ra xe. Những khoảnh khắc ấy thật sâu đậm mà ai đã chứng kiến thì chắc không thể nào quên. Thời gian ở Làng năm ấy là thời gian hạnh phúc nhất trong đời của Sư Thúc. Sư Thúc được gần gũi bên người sư huynh mà mình hằng yêu quý nhưng đã hơn bốn mươi năm chưa một lần thấy mặt. Sư Ông đã dẫn Sư Thúc đi chơi rất nhiều, khắp các xóm của Làng. Trong mấy mươi năm mãi lo phụng sự Tam Bảo, lo cho ruộng vườn để nuôi chúng tu học có khi nào Sư Thúc được thanh thản như vậy đâu. Chỉ khi được qua Làng Người mới có thật nhiều thời gian để đi chơi. Lần đó Sư Ông đã viết tặng Sư Thúc hai câu thơ:
Sư Thúc nói: “Thầy thấm hai câu đó lắm!” Vì vậy mà khi về lại chùa Tổ Người cứ đọc cho các chú, các điệu nghe hoài. Cũng trong đại giới đàn năm đó Sư Thúc đã nhận truyền đăng và được Sư Ông trao kệ đắc pháp:
Mãn mùa an cư, Sư Thúc trở về Việt Nam để cùng với chư tôn đức trong sơn môn chuẩn bị cho chuyến về thăm quê hương và Tổ đình của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai. Sau khi Sư Ông rời Huế, thấu hiểu được ước mơ của những người tu trẻ, Sư Thúc đã cùng với tăng chúng chùa Tổ quyết định làm mới lại sự thực tập và xây dựng chùa Tổ thành một Tu viện đầu tiên ở Việt Nam tu học dưới sự hướng dẫn của Sư Ông và Sư Thúc là một cây đại thụ luôn luôn có mặt đó để làm chỗ nương tựa cho Tăng thân. Sau gần năm năm thực tập pháp môn mới, giờ đây chùa Tổ đã có hai chúng xuất gia nam và nữ hơn một trăm vị cùng tu học và cùng đi trên một con đường chung. Vậy là tâm nguyện của Sư Thúc với Tam Bảo cũng đã được tròn đầy khi thấy con cháu của mình biết tu học và thương yêu nhau như người một nhà, đó cũng là lúc Sư Thúc xả bỏ báo thân, vào ngày 18 tháng 06 năm Kỷ Sửu (2009). Sáu mươi hai tuổi đời và bốn mươi năm làm một người xuất gia, Sư Thúc đã để hết thời gian của mình để phụng sự Tam Bảo, xây dựng Tăng thân, làm cho Tổ đình ngày thêm hưng thịnh.Để hàng con cháu sau này luôn tưởng nhớ đến công hạnh của Sư Thúc, Sư Ông đã viết một câu đối tặng Sư Thúc. Câu đối đã được khắc lên bảo tháp Sư Thúc trong khuôn viên chùa Tổ:
Sư em thương kính! Vậy là câu chuyện mà sư anh kể cho sư em nghe cũng đã hết nhưng câu chuyện này sẽ bước sang một trang mới, Sư Thúc là trang đầu trong rất nhiều trang có trước đó, còn các trang sau chúng ta sẽ viết tiếp. Nếu có dịp về thăm chùa Tổ sư em sẽ được tiếp xúc với Sư Thúc qua những hình tướng mới. Sư em sẽ thấy Sư Thúc qua sự có mặt của các thầy, các sư chú, sư cô và các điệu ở đó. Chùa Tổ vẫn còn đó, dấu ấn của chư liệt vị tổ sư vẫn còn có đó, chỉ cần đặt từng bước chân thật vững chãi và nhẹ nhàng trên mảnh đất thiêng ấy thì sư em sẽ tiếp nhận được rất nhiều năng lượng bình an của chư vị.
Mai Thôn, Mùa An Cư Kiết Đông 2009 – 2010.
Chân Minh Hy
Những bài có liên quan:
– Quyết tâm nuôi lớn tình huynh đệ
(Hình ảnh trên: Sư Ông Làng Mai và Sư Thúc Chí Mậu trong chuyến về Việt Nam năm 2005 của Tăng đoàn Làng Mai)