Mai rụng làng xưa

(Thầy Thích Trí Chơn)

Người về thắp một bình minh
Khơi nguồn tuệ giác kết tình năm châu
Dấu chân trải khắp Á Âu
Vẫn sau trước chiếc áo nâu quê nhà
Giữa khuya gió thoảng hương xa
Làng xưa rụng cánh mai hoa trước thềm
Dưới trăng vẳng tiếng chuông huyền
Thiền sư dời gót qua miền vô sinh.

Kính lạy Thầy
Ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần

 

 

 

Người thầy, người đồng hành thông thái

Shantum Seth (Chân Thật Đạo)

Shantum Seth, một đệ tử cư sĩ người Ấn Độ được Thầy truyền đăng năm 2001 trong Đại giới đàn Kỷ Nguyên Mới, người đã giúp tổ chức rất nhiều chuyến hành hương, nhiều khóa tu tại Ấn Độ cho Thầy và tăng thân. Bài viết dưới đây chia sẻ những kỷ niệm của chú từ những ngày đầu tiên gặp Thầy và được học hỏi giáo pháp.
BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Tôi gặp Thầy lần đầu vào năm 1987, Thầy 61 tuổi, trẻ hơn tôi hiện tại. Vậy mà ngay từ lúc ấy cho đến bây giờ, tôi luôn cảm thấy Thầy đã đến được nơi cần đến, dù là trên con đường đạo Bụt dấn thân hay trên con đường giác ngộ của mình. Tôi có thể hình dung Thầy đang mỉm cười khi đọc những dòng này và nhẹ nhàng nói: “Shantum, chuyện thực tập, nói cho cùng, chẳng phải là để đi đến đâu hay để trở thành cái gì, mà chỉ là để có mặt bây giờ và ở đây”.

 

 

Cuộc gặp gỡ đầu tiên đó xảy ra tại trụ sở của tổ chức Ojai Foundation – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại tiểu bang California. Khi ấy, Thầy đang hướng dẫn khóa tu một tuần cho các nghệ sĩ. Hơn cả trăm người ngồi dưới một gốc sồi lớn. Hiếm ai được nghe đến tên Thầy trước đó.

Khóa tu ấy tôi phụ trách phần ghi âm. Trong lúc đang loay hoay cài đặt thiết bị, vừa ngẩng đầu lên tôi trông thấy một thầy tu áo nâu đơn sơ đang bước nhẹ về phía một cái cây mà chúng tôi thường gọi là Cây giáo pháp (Teaching Tree). Thầy bước nhẹ mà rất chú tâm. Chẳng hề cố ý, chúng tôi ai nấy đều lập tức ngưng hết mọi việc đang làm, đứng dậy khỏi ghế và xá chào Thầy. Sự có mặt của Thầy mang theo một cái gì đó thật vô cùng đặc biệt.

Thầy nói hay làm gì cũng đều rất đơn giản. Thầy ngồi yên, mời đại chúng cùng nghe một tiếng chuông, rồi Thầy giảng, rồi Thầy bước đi. Bao nhiêu năm tôi đã rong ruổi tìm kiếm một con đường để có an lạc. Và trong giờ phút ấy, tôi cảm thấy đang nếm được sự an lạc mà tôi tìm kiếm bấy lâu, ngay trong từng bước chân và từng hơi thở mà chúng tôi có cùng với Thầy.

Suốt khóa tu tôi chẳng hề nghĩ rằng Thầy để ý đến tôi, vậy mà trong giờ phút tôi đang cùng mọi người tiễn Thầy, Thầy chắp tay xá chào, rồi Thầy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Con hãy mang giáo pháp của Bụt về lại quê hương Ấn Độ”.

Cuộc gặp gỡ ấy còn đọng lại rất sâu trong tôi. Về lại Ấn Độ vài tháng sau đó, tôi thao thức muốn gặp lại Thầy. Trong một phút hơi bồng bột, tôi đã mạo muội viết thư cho Thầy. Tôi mời Thầy đến thăm Ấn Độ và hứa sẽ tiếp đón bất cứ khi nào Thầy đến. Vậy mà lá thư nằm hoài trên bàn giấy của tôi suốt ba tháng, chờ tới lúc tôi gom đủ can đảm để gửi đi.

Thật bất ngờ, và cũng thật hạnh phúc, Thầy đã hồi âm! Thầy hỏi liệu tôi có thể tổ chức một chuyến hành hương Ấn Độ cho Thầy và 30 vị đệ tử của Người không? Tôi nhảy cẫng lên vui sướng vì có cơ hội được gặp lại Thầy lần nữa.

Chúng tôi bắt đầu chuyến hành hương từ Delhi, từ nhà tôi tại số 8 Rajaji Marg. Cả gia đình tôi sống ở đó, ai nấy đều có chút hoài nghi nhưng cũng rất tò mò. Thầy ngồi giữa chúng tôi trong vườn, bên cạnh một hồ súng. Ở đó, với năng lượng chánh niệm rất hùng hậu, Thầy đã dạy cho chúng tôi phương pháp thiền hành. Thầy bước đi, ba mẹ và anh chị tôi đều im lặng bước theo. Tôi nghĩ là cả nhà tôi không ai có thể cưỡng lại được sức mạnh của lực hút đó.

Trong ba mươi lăm ngày sau đó, tôi đã đi theo Thầy xuyên qua các vùng Uttar Pradesh và Bihar. Lớn lên ở Patna nên tôi từng có dịp đặt chân đến vài nơi trong những vùng này. Nhưng cuộc viếng thăm lần này cùng với Thầy lại là một trải nghiệm rất khác. Khi đó Thầy vừa viết xong tác phẩm Đường xưa mây trắng. Ở mỗi địa danh mà chúng tôi viếng thăm, Thầy đã mang đức Bụt trở về có mặt rất gần gũi với chúng tôi.

Thật tuyệt vời khi được nghe những tình tiết ly kỳ trong cuộc đời của Bụt qua con mắt của Thầy. Với Thầy, đức Bụt không phải là Thượng đế hay một vị thần linh xa xôi. Bụt là một con người bằng xương bằng thịt, thoải mái có mặt cùng với bất cứ ai đến từ bất cứ nơi đâu, hòa mình dễ dàng với người ăn xin, bác nông dân, giàu hay nghèo, trẻ hay già, bác sĩ, thầy giáo, một người thuộc tầng lớp cùng đinh hay một vị Bà la môn, vương thần, vua chúa hay những cô gái điếm, và với tất cả các loài động vật, sâu bọ, cây cối, hoa màu.

Ở mỗi nơi đặt chân đến, Thầy đều hết sức vui sướng và tò mò, giống hệt một đứa trẻ được tận mắt gặp gỡ vị thầy thương kính của mình. Ngồi thiền trong những hang động, ở trên những tảng đá nơi năm xưa Bụt có lẽ từng ngồi. Vượt những dòng sông Bụt từng vượt qua. Ăn những thức ăn Bụt từng ăn. Chào hỏi những em bé là con cháu của những em bé mà Bụt từng gặp gỡ.

Thầy thích nhất là đỉnh Linh Thứu, vùng Rajgir. Nơi đây, Thầy đã ngắm mặt trời lặn cũng như mọi cảnh vật xung quanh với cặp mắt của Bụt. Chính trên đỉnh Linh Thứu, Thầy đã làm lễ xuất gia cho ba vị đệ tử đầu tiên của Người. Và cũng ở nơi đây, Thầy đã trao truyền Mười Bốn Giới và Năm Giới cho các đệ tử tại gia. Các giới này là những chỉ dẫn rất rõ ràng về nghệ thuật sống đơn giản, bình an và hạnh phúc ngay trong thời đại hỗn loạn hiện nay.

Chúng tôi ngồi dưới những gốc cây và lắng nghe Thầy giảng về con đường của Bụt. Thầy đã nắm lấy tay tôi trong im lặng. Trong giây phút đó tôi cảm thấy mình đang được nhìn bằng mắt của Thầy và thấy được tất thảy mọi thứ đều tương tức. Tôi chưa từng suy tư về những điều này, nhưng trong giây phút ấy tôi hiểu được những điều Thầy dạy, rằng không có gì sinh ra và không có gì chết đi. Thầy quay lại nhìn tôi, tay chỉ lên cái khăn quấn trên đầu tôi và nói: “Shantum, chuyện sinh tử là chuyện khẩn cấp như thể cái khăn quấn trên đầu con đang bốc cháy vậy đó”.

Một đêm trăng tròn ở Kushinagar, nơi Bụt nhập diệt, Thầy và sư cô Chân Không đã cạo tóc cho tôi. Thầy và sư cô rất mong tôi xuất gia, tôi cũng muốn vậy nhưng vẫn còn chưa chắc chắn. Vài ngày sau ở Lumbini, Thầy đưa cho tôi một chiếc áo tu. Tôi không mặc chiếc áo đó nhưng đã giữ nó lại suốt vài năm sau đó.

 

 

Lúc ấy, tôi cảm thấy đời sống xuất sĩ không hợp với mình. Tôi muốn được sống giữa cuộc đời, trong sự hỗn độn của các mối liên hệ hay trong những vất vả của thường nhật, chứ không thể chỉ sống ẩn dật trong một tu viện. Khi tôi nói với Thầy những điều này, Thầy đã cảnh báo tôi rằng thực tập ở ngoài đời khó hơn nhiều so với thực tập ở trong chùa.

Có lần tôi đề cập với Thầy là tôi thấy rất khó để đưa ra quyết định, đặc biệt khi mà sự lựa chọn nào cũng tốt. Câu trả lời của Thầy, đơn giản mà sâu sắc, đã ở lại và đi theo tôi suốt đời: “Vấn đề không phải là con làm gì, mà là ở cách con làm”.

Khi quyết định lập gia đình, tôi đã dẫn vợ chưa cưới của tôi, Gitu, đến chào Thầy. Thầy nói cô ấy làm Thầy nhớ tới công nương Yasodhara. Gitu đã cười rất láu lỉnh đáp lại rằng cô chỉ thích làm cô bé Sujata, người đã cúng dường Bụt bát sữa trước khi Bụt thành đạo, hơn là làm công nương Yasodhara, người vợ mà thái tử Gotama rời bỏ để đi tìm con đường giác ngộ. Thầy chỉ cười.

Chúng tôi đến thăm chỉ mong được Thầy ban cho một lời chúc phúc, nhưng cuối cùng Thầy nhất quyết tổ chức lễ hằng thuận cho chúng tôi trước toàn bộ đại chúng ở Làng Mai.

Thầy dặn rằng vào mỗi đêm trăng tròn chúng tôi phải nhắc lại lời phát nguyện thương yêu mà Thầy đã trao. Trong suốt hai mươi lăm năm qua, đêm rằm nào chúng tôi cũng làm theo lời Thầy. Nhờ vậy mỗi ngày chúng tôi bồi đắp thêm niềm tin và niềm cảm thông đối với nhau. Đó cũng là một dịp thật tuyệt vời để chúng tôi cùng nhau thưởng trăng và ý thức về chu kỳ đến-đi của chị Hằng.

Lần kế tiếp Thầy quay lại Ấn Độ thì Gitu và tôi đã cưới nhau được gần một năm. Đi cùng Thầy là mười hai vị xuất sĩ. Khi đến làng của Sujata, gần Bodhgaya, chúng tôi đã ghé thăm một ngôi trường. Rất đông dân làng đã tụ họp tại đó và Thầy đã giảng dạy cho mọi người về cách truyền thông với nhau.

 

 

Gitu và tôi ngồi cạnh Thầy. Người quay sang Gitu và hỏi: “Điều gì ở Shantum làm con khó chịu, bực bội?” Thầy đề nghị Gitu thử đóng kịch một chút, cứ mạnh dạn nói thẳng ra trước mặt hơn cả trăm dân làng đang ngồi dưới. Gitu bối rối quá, không nói gì được ngay. Thầy đã động viên cô ấy và nói đây là một cách để dạy và giúp người trong việc truyền thông sao cho khéo léo. Thầy gợi ý cho Gitu sử dụng ngôn ngữ từ ái. Vậy là lúc đó chúng tôi đã đóng một “vở kịch Phật pháp” (Dharma Drama)! Bằng một giọng rất ngọt ngào, Gitu đã nói ra với tôi cảm giác bực bội của cô mỗi khi tôi về nhà trễ sau giờ ăn và làm cho thức ăn nguội lạnh hết cả. Lúc đó, cô ấy chỉ nghĩ chọn chuyện này để những phụ nữ có mặt ở đó liên hệ được với đời sống của mình. Rồi Thầy đề nghị tôi không được phản ứng lại hay đáp trả ngay lập tức những lời chia sẻ của Gitu, mà ngược lại, thực tập lắng nghe sâu. Điều quan trọng lúc đó là Gitu có thể nói ra được nỗi khó chịu, bực bội trong lòng và tôi có thể lắng nghe được với toàn bộ sự chú tâm mà không phán xét.

Tôi rất xúc động. Không hiểu người khác rút ra được điều gì nhưng với tôi, bài học thực sự không những ở chuyện tôi không nên trễ giờ ăn và để cho người khác phải đợi mình, mà còn ở việc lắng nghe sâu và nói lên sự trân quý của tôi dành cho Gitu. Lớn lên trong nền văn hóa Ấn Độ, với tôi việc đó không hề dễ dàng gì.

Sau đó khi được ngồi với Thầy, cùng thưởng thức một ly trà ô long, loại trà Thầy rất ưa thích, tôi đã nhắc lại chuyện này với hy vọng là Thầy có thể giúp tôi chữa trị cái tật đó. Tôi hỏi Thầy một cách ngây thơ: “Thưa Thầy, con có thói quen hay tới trễ, con phải làm sao bây giờ?” Thầy trả lời gọn ơ: “Thì xuất phát sớm hơn thôi!”

Gitu và tôi đi theo Thầy trong chuyến US tour năm 1999. Một ngày nọ Thầy tới gặp tôi và bảo là tôi được đề cử nhận truyền đăng làm giáo thọ cư sĩ. Tôi liền hỏi Thầy ai đã đề cử tên tôi, Thầy đáp: “Thầy”. Vui mừng xen lẫn ngạc nhiên, nhưng lúc ấy tôi cảm thấy mình chưa đủ sẵn sàng. Khi tôi nói cho Thầy những điều còn nghi ngại trong lòng, Thầy đã nói rằng Thầy có niềm tin nơi tôi. Sau đó Gitu và tôi đã quyết định đến sống ở Làng một thời gian để tôi có thể tự tin hơn mà nhận lãnh vai trò mới là một vị giáo thọ cư sĩ.

Thầy luôn tiếp xử với Gitu và tôi với tấm lòng thương quý. Khi Gitu mang thai, Thầy không chỉ hỏi thăm Gitu mà còn hỏi thăm em bé đang hình thành trong bụng mẹ. Thầy cũng hay hỏi tôi có thường xuyên nói chuyện với em bé trong bụng Gitu không. Một lần nọ, chúng tôi đang ngồi chơi trên bãi cỏ, Thầy đề nghị tôi nói chuyện với Gitu như thể tôi chính là thai nhi trong bụng cô ấy. Thầy giải thích là theo tiếng Việt, bụng mẹ được gọi là tử cung, cung điện của em bé, một nơi mà em bé an trú trong cảm giác rất an toàn. Lúc đó tôi lúng túng quá, chẳng biết phải làm gì vì đang có nhiều người khác ngồi cùng với chúng tôi. Nhưng rồi đâu có cách nào lý luận với Thầy được, tôi đành cúi xuống và nói chuyện với Gitu như thể tôi đang là em bé trong bụng cô ấy.

Và đó đã là một cuộc tâm tình tha thiết nhất. Tôi nói: “Cảm ơn mẹ đã mang con trong bụng và chăm sóc con. Cảm ơn mẹ đã nuôi dưỡng con, cho con ăn, và đã thở cho con. Cảm ơn mẹ đã mang theo con đi thiền hành đến nơi ngắm mặt trời lặn vào mỗi buổi chiều và đã tả cho con nghe khung cảnh ấy đẹp đến nhường nào. Cảm ơn mẹ đã nói chuyện với con và thương con. Cảm ơn mẹ đã vì con mà cẩn thận chọn lựa cách ăn uống và tiêu thụ. Con mỉm cười mỗi khi mẹ mỉm cười. Con có thể cảm nhận mỗi khi cảm xúc của mẹ thay đổi, mỗi khi mẹ hạnh phúc hay buồn phiền. Còn bây giờ thì sao hả mẹ, mẹ đang cảm thấy thế nào? Mẹ ơi, mẹ có đang vui không? Có điều gì làm mẹ mệt không? Mỗi khi con đạp trong bụng mẹ, mẹ cảm thấy thế nào?” Tôi đã hỏi, đã nói chuyện như thể tôi chính là em bé đang nằm trong bụng Gitu. Trong phút chốc, tôi đã có thể cảm nhận được rằng Thầy, và ngay cả đức Bụt nữa, ai cũng từng là một em bé nằm trong bụng mẹ, giống như tôi thôi.

Cũng nhờ ơn Thầy mà tôi có được một nghề nghiệp sinh sống như hiện giờ. Thời đó tôi đang làm việc cho Liên Hiệp Quốc và đã chọn chỉ nhận thu nhập một đô-la Mỹ mỗi năm, vì vậy tôi cần một công việc khác để có thu nhập sinh sống.

Sau chuyến hành hương đầu tiên với Thầy, Người đã đề nghị tôi tổ chức các chuyến hành hương hàng năm với chủ đề “Theo dấu chân Bụt”. Tôi rất vui vẻ nhận thử thách này. Lúc đầu, tôi chỉ làm mỗi năm một lần, nhưng rồi cuối cùng công việc này đã trở thành nghề nghiệp chính của tôi trong hơn ba mươi năm qua.

Từ chuyến hành hương đó với Thầy, tôi đã quyết trong lòng là hàng năm sẽ đến và sống với Thầy một tháng, ở bất cứ nơi nào Thầy đang có mặt, dù là ở Làng Mai Pháp hay ở một đất nước nào nơi Thầy đang hoằng pháp. Những năm sau đó, đã có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp khi tôi được tiếp xúc với Thầy, đặc biệt là trong chuyến đi lịch sử năm 2008 khi Người ghé thăm Ấn Độ trở lại… Biết nói sao cho đủ về Thầy, người dẫn đường, người thầy và người đồng hành thông thái của tôi.

Nhớ mãi ơn Thầy

(Ni trưởng Thích Nữ Như Minh)

Con quỳ lạy giác linh Thầy,
Cúi xin bộc bạch, giải bày lòng con.
Ơn giáo dưỡng tựa núi non,
Nguyện xin ghi tạc sắt son lời Thầy.
Thiện duyên con được gần Thầy,
Tăng thân tu tập những ngày tháng qua.
Lòng từ sông núi chan hòa,
Tình thương rộng lớn, bao la biển trời.
Thiết tha hạnh nguyện cứu đời,
Tăng thân gầy dựng khắp nơi hướng về.
Đạo tâm kiên cố Bồ đề,
Từ bi ươm hạt, sum suê cây cành.
Vào đời hoá độ chúng sanh,
Giúp người thoát khỏi bao vòng khổ đau.
Nguyện lòng nhớ mãi ơn sâu,
Tâm thành ghi lại mấy câu dâng Thầy!

 

NT. Chân Không, NT. Như Minh, HT. Minh Cảnh, Sư Ông, HT. Như Huệ, HT. Minh Nghĩa (từ trái sang phải) trong Đại Giới Đàn Cam Lộ Vị năm 2014

Dưới chân ngọn hùng phong

(Sư Cô Chân Thuần Khánh)

Tôi đến xóm Hạ vào một ngày cuối thu năm 2000. Xe dừng trước một căn nhà đá thấp mà sau này tôi biết đó là cư xá Mây Tím. Một sư cô dáng người nhỏ nhắn mặc đồ nâu, đeo tạp dề nâu và chít khăn nâu, ra đón hai chị em tôi trước cửa. Thầy Pháp Độ, giúp lái xe, nói: “Sư chị, sư em mới của sư chị nè”.

Đó là sư cô Bảo Nghiêm. Sư cô mỉm cười, mắt nheo nheo rồi nói với thầy Pháp Độ một cách vui vẻ: “Cám ơn sư em nhé”.

Thế là tôi đi vào nhà với sư cô, em tôi thì lên xóm Thượng với thầy. Tôi ở lại xóm Hạ từ đó. Xóm Hạ trở thành một nơi quay về, là quê hương thứ hai của tôi.

 

Về tới rồi hả con!

Một tuần sau, chị tôi, sư cô Tuệ Nghiêm, từ tu viện Thanh Sơn ở Mỹ về tới, và đưa tôi lên chào Sư Ông trong ngày quán niệm ở xóm Mới. Sư Ông ngồi trên một phiến đá cạnh khóm tre ngay trước Phật đường. Một vị Hòa thượng sao lại có thể ngồi bệt trên đá, sát nền đất vậy nhỉ? Ý nghĩ kia chỉ thoáng qua trong đầu tôi, rồi thay vào đó là một cảm giác quen thuộc và an tâm lạ lùng. Sư chị Tuệ Nghiêm chưa kịp thưa gì thì Sư Ông đã lên tiếng: “Về tới rồi hả con!”

Trong giây phút đầu tiên, tôi tưởng Sư Ông hỏi sư chị, nhưng đâu đó trong tâm thức đang bị khuấy động, tôi biết rằng câu hỏi đó dành cho tôi, dành cho một người mà Sư Ông chưa biết là ai: “Về tới rồi hả con!” Thực sự đó không phải là câu hỏi. Đó là lời chào đón ấm áp, đơn giản, thường nhật và rất gia đình của ôn nội, của ba, của mạ, lúc tôi đi học hay đi chơi đâu đó về. Tôi chắp tay đứng đó, nhìn Sư Ông chăm chú, không trả lời, cũng không kịp nhớ thưa thỉnh Sư Ông bất cứ điều gì. Mọi ý niệm trong đầu rụng rơi đâu mất, y như những tán cây cao lớn chẳng còn một chiếc lá nào xung quanh. Bỗng nhiên, tôi sụp lạy xuống chân Sư Ông, đầu chạm xuống nền cỏ xanh và còn kịp nhìn thấy tia mắt lấp lánh cười. Năng lượng bình an như bao trùm lấy khoảng không gian có tôi trong đó. Tay trái vẫn đặt nhẹ trên đầu gối, Sư Ông đưa tay phải nâng tôi dậy, xoa đầu tôi. Bỗng dưng tôi muốn khóc quá chừng, tâm tưởng dạt dào một niềm xúc động khó tả. Tôi không hề biết đó là cái gì và tại sao tôi lại bị chấn động sâu xa như thế. Sư Ông hỏi han, tôi trả lời, sư chị Tuệ Nghiêm cũng ngồi xuống bên cạnh và góp vào câu chuyện. Vậy nhưng tôi vẫn thấy thật mơ hồ, như bơi trong một giấc mơ đẹp đẽ và không thật nào đó mà tôi cảm thấy thích thú, vui tươi, an lành. Giấc mơ đó dường như đã lặp đi lặp lại nhiều lần với sự bí ẩn của những hàng cây cao lớn rụng hết lá một cách kỳ lạ, với những ngôi nhà đá thấp như ẩn chứa bí mật dưới lòng đất, với những tháp canh tròn mái nhọn có thể xuất hiện một bà phù thủy hay một cô tiên bất cứ lúc nào.

Người làm sách

Buổi chiều sau ngày quán niệm, tôi và em tôi – thầy Trung Hải, được Sư Ông dẫn đi tham quan Sơn Cốc. “Thầy làm hướng dẫn viên du lịch cho con”, Sư Ông nói với chúng tôi như vậy. Những hành lang hẹp dài, những căn phòng cũ kỹ với dáng vẻ rất xưa, những kệ sách cao lên tận trần nhà, bàn ghế và tủ giường y như là được mang ra từ một câu chuyện cổ tích nào đó. Tất cả những thứ ấy làm cho tôi thích thú lắm, giống như tôi đang đứng tại một thời điểm nào đó và chạm tay vào những khoảnh khắc của quá khứ. Sư Ông dẫn hai chị em tôi đến một căn phòng nhỏ, xung quanh còn nhiều trang sách, và vài cuốn sách để mở, nhiều quyển chưa đóng bìa và gáy. Trên bàn có một cái máy đóng sách, Sư Ông nói vậy. Rồi Sư Ông giới thiệu cách thức Sư Ông tự đóng sách, gáy và bìa sách như thế nào. Tôi yêu sách và thích ngửi mùi giấy. Vậy nên đứng trong căn phòng nhỏ hẹp chứa đầy sách và giấy, với sự có mặt thâm sâu, khoáng đạt và thú vị của người làm sách, tôi cảm thấy như có cái gì đó vượt lên trên những điều tầm thường nhỏ nhặt. Tôi không thể giải thích được cảm giác đó là gì, chỉ cảm thấy như cuộc sống xung quanh đẹp đẽ, ý nghĩa hơn lên. Mọi thứ sáng lên, sự vật như lên tiếng nói riêng của chúng và mỉm cười với tôi. Giới thiệu xong, Sư Ông lấy cuốn Nẻo vào thiền họcTuyển tập thơ đưa cho chúng tôi và nói: “Đây là quà cho các con, tự tay thầy đóng cuốn sách này đó con”. Mắt mở lớn và lòng tràn đầy niềm vui, hai tay tôi nhận lấy sách mà mắt vẫn như dán chặt vào Sư Ông. Sư Ông mỉm cười nhìn tôi trong dáng vẻ đó, và quay lưng ra cửa, tiếp tục dẫn chúng tôi khám phá những ngõ ngách khác của tòa nhà cũ kỹ mà lạ lùng, trước khi đưa chúng tôi ra thăm rừng trúc và con suối có tên Phương Khê.

 

Đón về những đứa con

Phương Khê là suối thơm. Có một con suối đơn giản hiền hòa chảy ngang Sơn Cốc. Bên bờ suối Sư Ông đã trồng trúc từ bao giờ tôi không rõ, chỉ biết Sư Ông gọi đó là rừng trúc. Tôi nhớ đến một đoạn thư ngày xưa Sư Ông đã viết cho các học trò đang làm việc tại Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Tôi cảm thấy đó như là những gì thâm sâu nhất mà Sư Ông muốn xây dựng cho cộng đồng:

“Các em tìm cho ra một nơi có đất tốt, cây xanh, có đá, có nước. Tôi mê những thứ đó. Cây, đá và nước là những thứ đẹp nhất: những thứ đó chữa lành thương tích của chúng ta. Và các em hãy cho tôi một lô đất trong làng ấy nhé. Tôi sẽ làm nhà, và xung quanh tôi sẽ trồng rau và rất nhiều rau thơm: ngò, tía tô, kinh giới, bạc hà, tần ô, lá lốt, thì là, vân vân. Khi em đến chơi thế nào tôi cũng đãi em một bát canh có rau thơm rắc lên trên mặt bát. Mỗi năm, ta có ít nhất một tháng tĩnh tu tại làng, không hoạt động gì hết. Cả ngày ta đối diện với đá, với nước, với cây; cả ngày ta đối diện với chính ta. Trồng rau, tỉa đậu, chơi với các cháu nhà bên, ta tìm lại ta, chữa lành thương tích, trang bị thương yêu để sẵn sàng trở lại môi trường phụng sự… Chúng ta hãy nhìn lại nhau để biết thương nhau hơn.”
Trả về cho non sông, thư viết ngày 18.07.1974

Đối với tôi, Sơn Cốc, Phương Khê trở nên thánh địa từ đó. Sau này trở về lại Làng, thân tâm mang đầy thương tích sau thời gian ở Bát Nhã, tôi đã lạy xuống nền cỏ xanh giữa lòng Phương Khê, dập đầu xuống đất để biết chắc là mình đã được an lành trong sự bình an, thánh thiện của thánh địa, để được ôm ấp và chữa lành.

Hôm đó là buổi sáng. Thầy dẫn tôi và sư chị Tịnh Hằng thiền hành quanh Sơn Cốc, rồi thầy trò cùng ngồi trên những mô đá thấp trong rừng trúc cạnh bờ suối. Đó là thời gian tôi bắt đầu gọi được tiếng Thầy, sau rất nhiều lần Sư Ông dạy tôi rằng Người muốn tôi gọi Người là Thầy. Thầy trò không nói gì nhiều, tiếng suối đổ như reo vui, như an lành, như đón về những đứa con lang thang mệt mỏi. Ngồi như thế dưới chân Thầy bên bờ suối, trong rừng trúc, tôi thấy mình ngồi dưới chân ngọn hùng phong cổ xưa hùng vĩ. Thầy chính là ngọn hùng phong đó, gọi về trong tôi sự khoảng khoát bao la của chính mình.

Hãy đến cùng tôi dưới chân hùng phong không tên gọi
Ngồi trên những tảng đá xanh không tuổi
Lặng nhìn thời gian se từng sợi tơ óng ánh
Dệt thành bức lụa không gian

Uyên nguyên, thơ Thầy

Sau này mỗi lần về Sơn Cốc, tôi vẫn nghe tiếng gọi của con suối thân thương ngọt ngào mà hùng tráng trong tâm can. Có vài sư em hỏi tôi rằng sao con suối nhỏ xíu và có gì đặc biệt đâu mà có tên là Phương Khê? Tôi mỉm cười không biết trả lời ra sao. Sư em nói chính xác về mặt hiện tượng. Những lúc đó, thế nào trong tâm thức tôi cũng hiện lên ngọn hùng phong đỉnh vươn cao vút giữa trời mây, và hiện lên hình ảnh Thầy, ngọn hùng phong của cuộc đời tôi, với nụ cười bình thản và bước chân an nhiên bên bờ suối, trong rừng trúc. Phương Khê là con suối thơm lành đẹp đẽ, cái thơm lành đẹp đẽ của tâm thức được trở về, được chở che. Con suối chảy quanh co dưới chân ngọn hùng phong đó, sư em có thấy không? Con suối này cũng đẹp đẽ không thua gì những con suối rộng lớn chảy dưới chân dãy núi Alps hùng vĩ.

Có những ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc, các sư em thường muốn tổ chức sao cho năng động, có sinh khí mới hạnh phúc, mới vui. Tôi thì chỉ cần bước chân vào Sơn Cốc, chạm bước chân đầu tiên vào thánh địa, chắp tay xá Thầy, ngay từ khi đứng ở cổng vào, như ngày xưa tôi dập đầu lạy xuống thánh địa, là đã thấy hạnh phúc rồi. Tôi ưa đi thăm mọi ngõ ngách của Sơn Cốc, đi ngang con đường nhỏ quanh co trong rừng trúc mà Thầy thiền hành mỗi ngày, ngang qua những mô đá nhỏ bên bờ suối, chỗ treo võng Thầy thường dừng lại nằm chơi, cây hoa đào mà Thầy đã dẫn tôi ra thăm dạo nọ,… Đất Sơn Cốc không rộng như đất các xóm, nhưng hễ bước chân vào Sơn Cốc, lọt thỏm giữa lòng Phương Khê, là y như rằng tôi thấy nó thật rộng lớn và an toàn. Tôi thấy như bốn phía của Sơn Cốc được bảo vệ bởi một thứ quyền năng nào đó mà tôi hay bất kì vị xuất sĩ nào khi tiếp xúc được sẽ được bảo hộ trên con đường tâm linh của mình. Tôi vẫn thường tự chế giễu mình vì có vẻ đó là những ý tưởng “trên mây”. Nhưng chưa bao giờ bước vào Sơn Cốc mà tôi không cảm thấy và tiếp nhận được nguồn năng lượng bảo hộ đó, chưa bao giờ ngồi nơi một góc nào bên bờ suối mà không cảm thấy mình được trở về ngồi dưới chân ngọn hùng phong kia và bỗng nhiên bao nhiêu não phiền đều tan biến hết. Ngồi giữa lòng Phương Khê rồi thì tôi được trở về giản đơn với cái tôi nguyên sơ, lành lặn. Có một năm tôi bị bệnh và đang ở Huế, sư em Pháp Nguyện đi Việt Nam nên Thầy đã gửi về cho tôi một tấm thư pháp có chữ Phương Khê.

Trên tảng đá xanh không tuổi

 

 

Sáng hôm đó, ngồi trong rừng trúc, Thầy dang hai cánh tay ra hai bên ôm lấy chúng tôi như an ủi vỗ về. Tiếng suối vẫn róc rách, bình thản. Chợt Thầy nhìn xuống tà áo nhật bình của tôi và hỏi: “Con có cái áo nào mới và đẹp hơn cái áo này không con?” Tôi giật mình, không hiểu Thầy muốn nói gì. Hôm đó, tôi mặc chiếc áo nhật bình cũ mà tôi thích, nơi vạt áo chỗ đầu gối, không biết vì một “tai nạn” vấp ngã nào đó mà bị rách và được vá lại với hình mấy ngôi sao. Tôi chưa kịp trả lời thì Thầy đã dạy: “Thầy muốn con của Thầy ăn mặc thật đẹp. Thầy đủ sức nuôi con và cho con chiếc áo đẹp mà, phải không con?” Tôi cúi đầu dạ nhỏ và không dám nói gì thêm, nhưng tâm can xúc động mãnh liệt trước tình thương của Thầy. Thầy ơi, Thầy cho con cả cuộc đời tâm linh, Thầy đã sinh con ra thêm một lần trong cuộc sống xuất gia sáng đẹp này, Thầy cho con nhiều hơn như vậy nhiều lắm! Kể từ đó, không bao giờ lên Sơn Cốc gặp Thầy mà tôi còn mặc áo cũ nữa. Tôi cũng để ý để ăn mặc đàng hoàng tươm tất cả trong những ngày quán niệm. Vì nếu có gặp, Thầy sẽ vui khi thấy con của Thầy được mặc áo mới.

Thầy, trong tôi, mãi mãi vẫn là ngọn hùng phong không tuổi cho tôi nương tựa, hướng về. Hễ lắng lòng thì sư em sẽ nghe thấy tiếng hải triều vẫn trầm hùng vang vọng. Ngọn hùng phong vẫn muôn đời còn đó, uy nghiêm, che chở, hùng anh.

Một buổi mai
Thức dậy
Dưới chân ngọn hùng phong
Đầu ngẩng lên đỉnh non cao vút
Mây trắng từng cụm thong dong
Nụ cười nở trên tảng rêu ngàn năm tuổi
Ấm áp
Đến vô cùng
Thơm một cõi Phương Khê.

Có mặt với Phương Khê, tôi sẽ chẳng bao giờ cần phải lớn lên. Ở Phương Khê có nắng, có mưa, có cây, có suối, có đá, có Thầy và có cả rừng áo nâu. Phương Khê đang cất giữ bao nhiêu là kỷ niệm tình thầy trò, bao nhiêu là niềm thương, tiếng cười, tâm nguyện. Phương Khê còn cất giữ những bước chân tự do và hơi thở an lành của Thầy để trao tặng và gửi gắm gia tài cho các con. Tôi biết Thầy ở đâu thì Phương Khê ở đó, tôi ở đâu thì Phương Khê ở đó, sư em ở đâu thì Phương Khê ở đó. Những lúc ở xa Phương Khê về mặt địa lý, tôi cũng đã nuôi Phương Khê như vậy trong lòng.

Đâu đâu cũng dấu hài

(Thầy Chân Trời Nội Tâm)

Xuân Phong ơi, chuyến về Làng lần này, em có cảm giác như một đứa con cần tìm về hơi ấm của gia đình. Nó đến một cách tự nhiên, nhưng dứt khoát. Phải về Làng. Có lẽ Xuân Phong cũng thế, Xuân Phong được may mắn hơn em là được về bên Thầy, được hầu Thầy trong những ngày Thầy còn đang biểu hiện. Pháp thân Thầy thì bất diệt bất sinh, nhưng em có cảm tưởng mình vẫn muốn được gần Thầy bằng xương bằng thịt.

Em về Làng, Xuân Phong về chùa Tổ. Cả hai chúng ta đều được trở về, thế mà có lúc em cảm thấy tủi thân vì thấy mình phước mỏng, không được như Xuân Phong, được về bên Thầy trong thế giới của tích môn hiện tượng.

Ngày xưa em thấy một chút ngại ngùng khi gọi Sư Ông là Thầy, em vẫn ưa hai chữ Sư Ông hơn vì thấy nó gần gũi với mình. Nhưng không hiểu sao, mấy hôm nay chữ Thầy lại làm em có nhiều cảm xúc đến thế. Giống như người con muốn được gọi tên cha.

Giọt nước cành dương

Sự trở về nhà lần này của chúng ta như một lời mời gọi, từ Bụt, từ Thầy. Mình trở về để thấy rõ mình hơn. Xuân Phong chắc vẫn nhớ buổi sáng tinh khôi hôm ấy. Lễ xuất gia, Thầy đặt tay lên đầu từng người một. Bàn tay Thầy nhẹ nhàng, từ ái. Những giọt nước cam lộ từ trong bình tịnh thủy rưới lên như dập tắt phiền não, cởi trói những hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Nước mắt chúng ta đã lăn dài, hòa vào dòng nước mát thanh lương, hòa vào âm thanh trầm hùng của tiếng niệm Bồ tát Quan Âm. Núi rừng Pakchong như chở che, bao bọc những đứa con từ bên kia biên giới muốn có một nơi để trở về. Nhìn lại, chúng mình quả có phước đức vì được Thầy trực tiếp làm lễ xuất gia. Em vẫn tự nhủ lòng, cơ hội chỉ xảy ra một lần duy nhất. Và giờ đây, khi Thầy ngưng biểu hiện, em lại càng trân quý giờ phút thiêng liêng đó.

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời

Xóm Thượng mùa này đẹp lắm, Xuân Phong ơi. Sáng thức dậy là thấy khung cảnh mây mù giăng khắp lối. Cỏ cây đất đá đều đóng một lớp băng mỏng. Đi ngồi thiền, em ưa đi trên mặt cỏ. Khi đó băng giá còn chưa tan, tiếng giày giẫm lên cỏ kêu lắc rắc. Cái giây phút bàn chân tiếp xúc đó làm cho em có cảm tưởng mình đã về, đã tới. Về tới đâu hả Xuân Phong? Có lẽ em đã về đã tới trong phút giây hiện tại. Vì chỉ có giây phút đó là giây phút chân thật nhất. Mỗi bước chân trôi qua đã là một niệm trong quá khứ, tiến thêm một bước là một niệm ở tương lai. Cái giây phút ngắn ngủi, khi mặt giày chạm vào cỏ đó, là phút giây thực sự trọn vẹn nhất, em không cần nắm bắt hay tìm cầu gì nữa trong cả quá khứ lẫn tương lai. Sự thật là hiện tại mà trọn vẹn thì quá khứ và tương lai cũng trọn vẹn.

 

 

Mặt hồ trước thiền đường Nước Tĩnh đóng một lớp băng mỏng, thò tay xuống ấn nhẹ một cái là băng tan. Băng chìm lại vào làn nước mát, băng lại về với nước. Sự ẩn tàng của Thầy cũng giống như mọi hiện tượng cỏ cây hoa lá có tướng trạng tại xóm Thượng. Nhưng quán chiếu cho sâu thì tất cả đều đồng một thể tánh.

Vào những ngày có nắng, khoảng chừng 12 giờ trưa, khi mặt trời lên cao, chỗ nào có ánh nắng mặt trời chiếu vào thì chỗ đó sẽ tan băng trước. Cả mặt băng ở hồ sen cũng thế, mà cỏ cây đất đá cũng vậy. Băng lại tạm ẩn tàng, hòa vào đất, bay lên nghi ngút thành khói, thành sương.

Phiền não tức Bồ đề

Hình ảnh băng tan trên cỏ làm cho em ấn tượng lắm. Cùng xảy ra trên mặt đất thế mà lại có chỗ tan trước tan sau, tùy thuộc vào sức nóng của mặt trời rọi vào đó. Người tu tập cũng vậy, cũng cùng tiếp nhận mưa pháp mà lại có người được hưởng nhiều, người hưởng ít, cũng là khổ đau phiền não mà lại có người chứng quả Bồ đề. Cuộc đời của Thầy phải đối diện với muôn ngàn chông gai, thử thách của thời cuộc, đau thương của đất nước và với chí nguyện, hoài bão làm mới đạo Bụt để đưa lời Bụt dạy đi vào cuộc đời. Chính những hỷ nộ ái ố của cuộc đời đã làm tăng thượng duyên cho Thầy. Thầy có mặt trong cuộc đời này, tại quê hương của chúng ta, có lẽ là do Thầy đã phát nguyện lớn. Chính cuộc đời của Thầy đã làm vững mạnh bồ đề tâm trong em, cho em sức mạnh để đối diện với những chông gai phía trước.

Pháp giới thực ấn

Xuân Phong đang được hầu kim quan Thầy những ngày cuối cùng. Em tin là những đêm được ngồi bên Thầy, được thở cùng Thầy, được đi kinh hành cùng Thầy sẽ đi vào huyền thoại với Xuân Phong, và cả em nữa. Em ở đây cũng thế, em tập quán chiếu những gì mình đang thấy ở xóm Thượng, từ cỏ cây đất đá tới anh chị em xuất sĩ và các vị thiền sinh đang nhiếp tâm hộ niệm cho Thầy. Đó chính là những pháp thân của Thầy, em cũng là một phần nhỏ bé trong đó.

 

 

Mấy ngày nay khi tụng kinh ở thiền đường Chuyển Hóa, em quán chiếu thấy Thầy hồi còn 60 tuổi. Thầy đang đi, ra vào tự tại. Khi đó Làng còn giản dị, đơn sơ. Thầy còn trẻ, mắt Thầy sáng trưng, và miệng nở nụ cười tươi ơi là tươi. Em tụng kinh có nhiều hạnh phúc, cái giọng tụng kinh xưa nay dở tệ, bỗng hôm nay thấy hay hơn bao giờ hết.

Em đi dạo một vòng quanh Làng, đi từ đồi cao xóm Thượng, men theo rừng hoa mai, đi xuống rừng thông, ngang qua vườn Bụt, ghé xuống thiền đường Thánh mẫu Maya. Ở đâu em cũng thấy pháp thân Thầy. Quả thực em chưa bao giờ thấy pháp thân Thầy rõ ràng đến thế!

Đường xưa mây trắng

Giây phút Xuân Phong và đại chúng khắp chốn được ngồi quanh kim quan Thầy trong lễ trà tỳ sẽ là một giây phút thiêng liêng và đẹp hơn bao giờ hết. Chỉ nghĩ tới đó thôi, em đã muốn trào nước mắt. Hình ảnh đó làm em liên tưởng đến lúc đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Khắp các cõi trời, người rúng động. Từ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, cho đến vua quan đại thần, từ giai cấp Bà la môn tới những người dân nghèo của Ấn độ, cỏ cây đất đá, cầm thú chim muông đều dốc lòng cung kính niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng.

Em cũng sẽ tập quán chiếu như thế, để đi vào thế giới bản môn – vô sinh bất diệt, để thấy em và Xuân Phong cùng khắp pháp giới đồng chắp tay, hướng về kính lạy Thầy. Sau giờ ngồi thiền tối, ngước nhìn lên bầu trời với muôn vàn tinh tú sáng lấp lánh, ba ngôi sao thẳng hàng vẫn còn đó, bất chợt lời Thầy dạy đi lên “Trăng sao là tâm thức, ta là trăng sao.” Bước chân em dường như nhẹ nhàng, hòa vào trong sương đêm tinh khiết.

Thầy kính thương, con xin được kính dâng lên Giác linh Thầy bài thơ con làm, trong khi bàn tay đặt lên đầu, trước khi ngủ.

Trên đầu không lọn tóc
Dưới chân đạp cỏ gai
Trong ba ngàn thế giới
Đâu đâu cũng dấu hài

Con của Thầy,
Chân Trời Nội Tâm.
Xóm Thượng, Làng Mai, 27.01.2022

Tình Thầy là ánh trăng đầy

(Sư cô Chân Hội Nghiêm)

Thầy kính thương,

Con đang ngồi một mình ngoài hiên nhà, thưởng thức không khí yên tĩnh của trời đêm và cảm nhận những làn gió mát mẻ đang thổi vào da mặt. Tự nhiên, con nhớ đến Thầy. Mấy hôm nay con cũng thường hay nhớ về Thầy với niềm thương kính biết ơn vô hạn.

Con đang được phép về thăm nhà, có mặt cho ba mẹ và gia đình. Nhân dịp này, con thuyết phục mẹ con sửa chữa lại nhà cửa cho ổn định, tiện việc sinh hoạt cho ba con. Nhà con sống ở miền quê với nếp sống rất đơn giản. Cái chất đơn giản ấy đã thấm vào dòng máu của ba mẹ con, cho nên lúc nào ba mẹ cũng cảm thấy đầy đủ. Ba mẹ sống thiểu dục tri túc hơn cả con nữa Thầy ạ. Chính vì vậy mà không bao giờ ba mẹ thấy cần thêm một thứ gì cả. Con phải thuyết phục lắm mẹ con mới đồng ý xây thêm phòng. Mẹ con cứ nghĩ là nhà đâu có ai ở mà xây chi cho nhiều. Ba con năm nay cũng đã 88 tuổi rồi, đi lại rất khó khăn, dường như chỉ đi vào nhà vệ sinh, còn lại đều đi bằng xe lăn hoặc ngồi một chỗ. Ba con thường đùa là hồi trước tu tại gia bây giờ tu tại giường.

Con phụ dọn dẹp, đi vào đi ra, làm cái này cái nọ, phụ xúc vài thau đất, đẩy vài xe gạch, đập vài viên đá, có mặt cho mẹ và chị. Ba con thì tạm thời qua “tị nạn” bên nhà chị đầu của con. Hình như với sự có mặt của con thì mọi thứ trở nên yên ổn hơn. Con thấy vui và thầm cảm ơn Thầy đã cho con có mặt với gia đình, dạy cho con biết trân quý mẹ cha, biết thưởng thức chuối ba hương và xôi nếp một. Nhờ Thầy mà con đã học được phương pháp thở để thư giãn, để buông bỏ, để có mặt, để mỉm cười, để bình an, để trân quý người thương và để sống trọn vẹn giây phút hiện tại.

Con thấy may mắn là mình ở miền quê nên cũng có nhiều không gian, cây cối xanh tươi và không khí trong lành. Những đêm trời trong gió mát, trăng sáng vằng vặc, con thường hay đi dạo. Bước những bước chân an lành, con lại nhớ đến Thầy với niềm biết ơn. Thầy đã dạy cho con biết thưởng thức thiên nhiên, biết yêu cái đẹp và biết nuôi dưỡng mình bằng sự yên lắng. Mỗi lần ngắm trăng là con thấy lòng mình thật bình an và thanh thản.

Một mùa trăng đi qua và một mùa trăng khác nữa lại đến. Mới đây mà đã là thất thứ năm của Thầy rồi. Nhanh quá phải không Thầy? Con nhớ sáng hôm ấy, thức dậy, ánh trăng đã thu hút con, nên thay vì ngồi thiền con bước ra đi thiền hành mấy vòng quanh vườn. Không gian rất thanh bình và yên tĩnh. Yên đến nỗi con phải ngạc nhiên sao hôm nay đất trời yên bình đến lạ, và lòng con cũng yên. Không nghĩ ngợi điều gì, con chỉ thưởng thức cái yên tĩnh mà trời đất đã ban tặng. Sau đó con vào ngồi thiền, tiếp tục để cho cái yên tĩnh ấy thấm vào từng tế bào trong cơ thể của con. Con lại biết ơn Thầy đã dạy cho con biết ngồi yên.

 

 

Con vừa mới xả thiền thì chị con qua báo tin: “Cô Hội ơi, Sư Ông mất rồi!” Tự dưng lòng con chùng xuống rồi bàng hoàng, thương mến. Con mở điện thoại lên, không biết là bao nhiêu cuộc gọi nhỡ, bao nhiêu tin nhắn báo tin Thầy mất. Con có thói quen đi ngủ là tắt điện thoại nên không nhận được tin sớm. Con gọi cho sư em Khải Nghiêm, sư em đang sắp xếp cho các sư em gái ở Từ Đức đi Huế. Hôm đó không có máy bay nên sư em thuê xe cho mọi người cùng đi. Con chuẩn bị hành lý, thay quần áo, đi lạy Bụt, lạy Thầy rồi chào ba mẹ lên Từ Đức để tháp tùng đoàn ra Huế. Một cảm giác thật khó tả. Vừa an, vừa sâu, vừa thương, vừa nhớ và vừa chạnh lòng. Con ý thức là giờ này con phải thở những hơi thở thật bình an, phải đi những bước chân thật thanh thản, phải nói những lời hòa ái và phải nở những nụ cười thật tươi. Làm gì con cũng phải làm cho Thầy, vì con đang mang theo Thầy trong lòng.

Sư em Khải Nghiêm chu đáo lắm. Sắp xếp xe cho tất cả mọi người. Chuẩn bị hết mọi thứ. Con chỉ việc leo lên xe là đi thôi. Đúng là mình có phước lắm mới có sư em giỏi như vậy phải không Thầy? Trên đường đi xe bị nổ lốp, phải mất mấy tiếng đồng hồ mới thay được lốp xe mới. Thế nhưng con vẫn thấy lòng mình bình an, không hề nôn nao, bực bội hay khó chịu, chỉ ngồi đó thưởng thức từng hơi thở vào ra của mình. Con ý thức là mình phải thở cho Thầy, phải bước đi cho Thầy và phải thật bình an cho Thầy. Bởi vì Thầy đã trao truyền cho mình hết rồi mà mình không chịu làm thì thật không xứng đáng là con của Thầy. Con biết ơn Thầy đã là Thầy của chúng con, đã thắp sáng ngọn lửa trong tim chúng con.

Xe đến Diệu Trạm lúc hơn 12 giờ khuya. Mấy chị em đem hành lý vào phòng, tắm rửa, rồi qua Từ Hiếu đảnh lễ Thầy. Bước vào cốc Thầy, con cảm nhận một nguồn năng lượng bình an và thương kính tràn ngập nơi đây. Sau khi đảnh lễ Thầy, mấy chị em con ngồi yên. Sư cô Định Nghiêm đến gần và hỏi: “Em có muốn đến ngồi dưới chân Thầy không?” Chỉ cần một câu hỏi nhẹ như thế mà sống mũi con đã thấy cay cay, mắt con đã ươn ướt và cổ họng con đã nghẹn ngào rồi. Con hỏi lại: “Được hả sư cô?” Vì thực sự là con rất muốn được ngồi bên cạnh Thầy nhưng không biết có được phép hay không. Sư cô trả lời: “Được chứ”. Thế là con đứng dậy, đến ngồi dưới chân Thầy, thấy lòng bình an và ấm áp như thể Thầy vẫn đang còn sống, như những lúc con ngồi dưới chân Thầy đưa võng hầu Thầy, kể chuyện cho Thầy nghe hay nghe Thầy kể chuyện.

Sư cô Chân Không cũng ưu ái nhích qua một chút để cho con có được một chỗ ngồi thích hợp. Sư cô còn dạy con nhích qua để nhìn mặt Thầy cho rõ. Sư cô thật dễ thương. Lúc chúng con mới tới, đến chào sư cô, sư cô bảo: “Vào thăm Thầy, chơi với Thầy đi con, kẻo mai là hết được gặp Thầy rồi” (vì ngày hôm sau là lễ Nhập Kim Quan). Con thấy chung quanh con tràn ngập niềm thương mến. Thầy Trung Hải từ đằng sau đi đến mở chiếc y Thầy đang đắp ra. Con đến gần Thầy hơn, quỳ bên Thầy, kính cẩn đặt tay mình lên tay Thầy và cảm nghe một nguồn năng lượng bình an lan tỏa tràn ngập căn phòng như thể là Thầy vẫn đang còn thở với chúng con. Con thở với Thầy rất lâu rồi phát nguyện sẽ làm một tiếp nối đẹp của Thầy. Cám ơn Thầy đã truyền cho con nguồn năng lượng bình an, đầy tình thương yêu ấy.

Con biết những ngày tiếp theo mình sẽ rất bận rộn và có muốn ngồi yên bên cạnh Thầy cũng không thể được, nên tối hôm đó con đã ngồi suốt đêm trong cốc Thầy với ý thức là Thầy vẫn đang còn đó, đang có mặt trong các sư anh, sư chị, sư em, trong cỏ cây, hoa lá, trong trời đất, trăng sao, trong mây mưa nắng tuyết… và Thầy vẫn luôn còn đó trong con.

Sáng hôm sau là lễ Nhập Kim Quan. Cốc Thầy hơi nhỏ không đủ chỗ cho tất cả mọi người, đặc biệt là khi ban kinh sư vào làm lễ thỉnh Thầy ra thiền đường Trăng Rằm. Ai cũng muốn có mặt để chứng kiến giây phút linh thiêng đầy niềm thương kính ấy, nên dù thầy Mãn Phước đã mời mọi người ra ngoài cho có không gian bên trong nhưng ai cũng nấn ná, chần chừ không chịu ra. Con xúc động chứng kiến cảnh quý thầy đội Thầy trên đầu mà đi, từ cốc Thầy ra thiền đường Trăng Rằm, như một biểu tượng bày tỏ niềm cung kính của người học trò đối với Thầy. Và, cho dù chúng con có đội Thầy trên đầu mà đi suốt cả cuộc đời cũng không đủ để trả ơn Thầy, để bày tỏ niềm cung kính và biết ơn của chúng con. Cám ơn Thầy đã là một người Thầy tuyệt vời của chúng con.

Sau lễ Nhập Kim Quan, có một buổi họp giáo thọ để phân công trách nhiệm. Sau buổi họp đó ai nấy đều bắt tay vào công việc, mỗi người một tay, mỗi người nhiều việc. Con thấy thương và phục các sư anh, sư chị, sư em của mình quá!

Các anh chị em từ khắp nơi cũng lần lượt bay về. Quý thầy quý sư cô lớn từ các trung tâm, có những vị đã rời chúng, có những vị đã ra đời, tất cả đều quy tụ đầy đủ. Tuy gặp nhau cũng chỉ chào hỏi được đôi ba câu nhưng sao thấy vui và ấm áp, đầy tình huynh đệ. Âu đó cũng là ước muốn của Thầy. Thầy luôn mong muốn các anh chị em có mặt cho nhau, chơi với nhau cho vui, cùng nhau xây dựng tình huynh đệ. Con thấy dường như Thầy đã gọi các anh chị em con về để có mặt cho nhau, có mặt bên Thầy, hưởng năng lượng từ Thầy, giống như trong những khóa tu lớn Thầy đã sắp xếp cho các anh chị em chúng con đi cùng Thầy vậy. Cho nên lễ tang của Thầy vừa thương mà lại vừa vui. Giây phút nào cảm động thì cứ khóc, giây phút nào thương thì cứ thương, giây phút nào vui thì cứ vui. Thật khó có một tang lễ nào mà tràn đầy nguồn năng lượng thương yêu như thế. Cám ơn Thầy đã dạy cho chúng con biết thương yêu và trân quý nhau.

Con thấy mình thật may mắn có mặt trong dịp này để chứng kiến, để tham dự những buổi lễ của Thầy. Biết bao lần chúng con sắp xếp cho hậu sự của Thầy ở Làng, ấy vậy mà giờ này, con lại diễm phúc có mặt bên Thầy. Có ai sắp xếp được đâu phải không Thầy? Nếu có thì e là Thầy đã sắp xếp hết mọi thứ. Hay là nhân duyên, đất trời, vũ trụ đã thay Thầy sắp xếp tất cả.

Con được phép về thăm nhà, vừa mới cách ly tại nhà xong mấy ngày thì hay tin Thầy viên tịch. Rất nhiều anh chị em khác cũng về thăm nhà trong đợt này, có những người thì đúng hạn về thăm nhà, nhưng cũng có nhiều vị vì những lý do này hay lý do khác. Chúng con có cảm tưởng như Thầy gọi chúng con về.

Trong tình hình covid đang tăng cao, nhà nước mới ra thông báo bãi bỏ chỉ thị 16, bỏ chuyện cách ly thì Thầy đi, nên anh chị em khắp nơi tập trung về mà không hề bị cản trở. Khí trời cũng rất đẹp. Suốt hơn cả tuần, trời mát mẻ, không mưa một tí nào, cho dù đang trong mùa mưa lạnh. Hoa tim tím quanh chùa Tổ cũng nở rộ khắp vườn đồi. Con nghĩ là Thầy yêu cái đẹp nên Thầy chọn thời điểm đi cũng rất đẹp.

Qua lễ tang của Thầy, con thấy sự thật là mình chẳng sắp xếp được gì cả. Tất cả đều do nhân duyên sắp đặt. Mình cũng chỉ là một trong những nhân duyên đó thôi. Cho nên mình thực tập thuận theo nhân duyên thì mọi thứ mới hài hòa. Con thấy mình may mắn và biết ơn vô cùng đã được Thầy dạy bài học: “Tương lai mình đã có rồi, chỉ vì mình chưa thấy đó thôi”. Cám ơn Thầy đã cho con có mặt bên Thầy, cho chúng con cơ hội được hội ngộ.

Lúc Thầy còn sống, con rất thích được ngồi yên bên Thầy nên mỗi khi có những giây phút rảnh con thường vào cốc Thầy, đảnh lễ Thầy rồi ngồi yên và đi kinh hành. Đứng nhìn ra khung cửa sổ, con ý thức Thầy cũng đã từng đứng đó ngắm mây, ngắm nắng, ngắm mưa, ngắm nhìn đồi thông, hoa cỏ. Con cảm nhận nguồn năng lượng bình yên sâu thẳm của Thầy vẫn còn đó. Cám ơn Thầy đã để lại cho chúng con nguồn năng lượng quý giá ấy. Dường như Thầy ra đi mà không mang theo một thứ gì cả. Thầy đã để lại tất cả cho chúng con như một gia tài vô giá. Nơi nào Thầy đi qua chúng con cũng cảm nhận được nguồn năng lượng bình an ấy. Cái giây phút linh thiêng khi sáu ngọn lửa châm vào nhục thân của Thầy trong buổi lễ Trà tỳ đã làm con vỡ oà. Vỡ oà để được bình an trở lại. Vỡ òa để thấy Thầy mới mẻ, dưới muôn vàn hình thức khác.

Thầy kính thương, Thầy thường ca ngợi:

Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần.

 

 

Con thấy Thầy cũng là một vầng trăng mát. Mỗi lần gần ánh trăng ấy là con thấy mát mẻ thanh lương, bình an tĩnh tại, tự do và thanh thoát. Trăng trên trời còn có lúc tròn lúc khuyết, còn vầng trăng của Thầy thì không bao giờ vơi, khuyết. Quả thật tình Thầy là ánh trăng đầy.

Thở cười con bước theo thầy
Hiểu thương con thấy tràn đầy niềm vui
Hạt bồ đề, quyết đem vùi
Mai thành cổ thụ chở che cho đời
Bao dung tha thứ vun bồi
Thân tâm chuyển hóa luân hồi còn đâu
Thầy ơi, con nguyện khắc sâu
Anh em bốn biển năm châu là nhà
Cùng nhau chung sống thuận hòa
Uy nghi giới luật nở hoa nơi này
Tình Thầy là ánh trăng đầy
Tình huynh đệ, áng mây bay giữa trời
Ta có nhau tự muôn đời
Bây giờ tiếp nối rạng ngời tương lai.

Con sẽ tiếp nối Thầy điều gì nhỉ? Con nhớ ngày Thầy dạy con làm trụ trì, lúc đó hai thầy trò đang ngồi trong thư viện ở Sơn Cốc. Bói Kiều cho con xong Thầy bảo: “Làm trụ trì hay không không quan trọng. Cái quan trọng là con phải có tự do”. Con thấy con thực tập điều này chưa giỏi, nên con phát nguyện sẽ tiếp nối Thầy đức tính tự do, tự tại. Vì không có tự do thì con cũng sẽ không có bình an và hạnh phúc được, phải không Thầy! Cám ơn Thầy đã là Thầy của chúng con, đã dạy cho chúng con biết thở, biết cười, biết bước những bước chân an lạc thảnh thơi, biết sống một nếp sống tĩnh lặng, thiểu dục tri túc, biết thương yêu trân quý, biết nhẫn nại bao dung, biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Con sẽ luôn mang Thầy trong lòng, Thầy kính thương của tất cả chúng con.

Thương kính Thầy thật nhiều!
Con của Thầy,
Chân Hội Nghiêm.

Ngày tuyết nhớ Thầy

(Sư cô Chân Duyệt Nghiêm)

“Dù trần gian có xót xa, cũng đành về với quê nhà…”Đóa hoa vô thường – tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thầy đã về yên nghỉ dưới cội cây
Sau bao tháng năm miệt mài “mòn chân du thuyết”
Thầy đã nghỉ ngơi rồi, thảnh thơi và bình an như chiếc lá
Sau đời kia mộng huyễn với phong ba…

Thầy trở về đây cho đất Mẹ tươi hoa
Lại góp cho đất đai quê hương một mảnh vườn, một khung trời xanh mát
Thầy nhắc: năm xưa, “gậy trúc chống xuống, đạo Tổ hưng sùng”
Để chúng con mãi nhớ, “cháu con bảo hộ, sáng chói tông phong”Hai câu đối ở bàn thờ Tổ trong thiền đường Nến Hồng, xóm Hạ
Suối nguồn tâm linh bất tuyệt, Thầy chảy mãi giữa non sông
Chảy khắp trần gian mà Thầy vẫn thương yêu gọi là: “Hành tinh xanh xinh đẹp”
Quê hương gấm vóc mượt mà,
hay quê hương bình dị như rau tía tô, cơm gạo Tám
Thầy giữ mãi trong trái tim,
để trên bước đường ngược xuôi khắp nẻo địa cầu
Thầy vẫn luôn hướng về,
mà ngậm ngùi, mà thương, mà xót…
mà tìm mọi cách dựng xây, gieo trồng, chăm bón
Vững tin, ngày mai muôn triệu hạt mầm sẽ nên cây…

Chí nguyện năm xưa, Thầy khắc vào cây chốn Tổ
“Thệ nguyện độ chúng sanh”
Giờ đã viên thành
Để hôm nay lớp lớp người hướng về,
Cúi đầu thành tâm đảnh lễ
Muôn vạn cuộc đời đã đổi thay
từ lời dạy:
Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy.
Để trưởng thành
Để cuộc đời nhường một bước đi lênDựng tượng tuổi thơ – Thơ Thầy
Đừng tìm kiếm hạnh phúc xa vời giữa cuộc sống vô thường…
Hãy sống trọn vẹn từng phút, từng giây
của ngày hôm nay, ở đây,
cho chính mình, cho tất cả…

Giờ đây, quê hương trọn vẹn có Thầy
Chúng con vẫn trọn vẹn có Thầy
Trong từng bước chân, nụ cười, hơi thở
Trong niềm thương yêu, bình an của lượng cả bao dung
Trong những “thiên đường” Thầy đã dựng xây và chúng con vẫn chung lòng
“Nếu gọi tên Thầy, con sẽ tự khắc thấy Thầy ngay”Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai – Thơ thầy

Thầy… Thầy ơi!…
Những ngày này, mùa đông, tuyết cứ mải miết rơi
Có phải Thầy hóa thân làm tuyết?
Cho con nhớ, con vui, như năm nào Thầy vẫn ưa vui đùa trên tuyết
Hay Thầy muốn viết cho con một bài thơ màu trắng
Rồi kể câu chuyện của cội mai già, can trường đứng giữa mùa đông
Và cái đẹp của trần gian là vô tận, vô cùng
Bởi Thầy đã cho con một đôi mắt để ngắm nhìn, biết ơn, trân quý

Tạ ơn Thầy đã sinh ra con thêm một lần trong đời sống này
Cho con một con đường, để con đi theo Bụt, theo Thầy vào phương trời cao rộng
Cho con một niềm tin vào tình huynh đệ bao la
và tình thương không đòi điều kiện
Để con nguyện thương yêu từng cuộc đời, như chính cuộc đời con
Bao hoa ngọt, trái lành…, tấm lòng Thầy mãi sắt son…

 

Thầy mỉm cười thích thú

(Sư cô Chân Định Nghiêm)

Đi xem tuồng Tề thiên đại thánh

Bạch Thầy,

Con nhớ những chuyến đi hoằng pháp ở Trung Quốc vào những năm 1995, 1999, 2000 và 2002 đã mang đến cho Thầy thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Thầy từng nói với chúng con rằng xưa kia, các Tổ đã từ Trung Hoa đi sang Việt Nam hoằng hóa rất nhiều, kinh điển, sách Phật hầu hết bằng tiếng Hán. Hôm nay, Thầy trở lại Trung Quốc giảng dạy là để đền ơn chư Tổ. Phẩm vật cúng dường mà Thầy dâng lên chư Tổ là nhiều bộ sách của Thầy đã được dịch ra tiếng Hoa.

Chuyến đi nào chương trình cũng dày đặc, nào là những khóa tu, nào là những ngày quán niệm dành cho xuất sĩ cũng như cư sĩ. Trong chuyến đi 2002, có một lần sau ngày sinh hoạt, thầy trò mình lên xe đi về. Con và sư em Pháp Niệm làm thị giả nên sư em con ngồi cạnh Thầy, còn con thì ngồi sau lưng Thầy. Phía sau con là sư em Pháp Hải. Sư em con thông thạo tiếng Hoa nên lúc nào cũng có bao nhiêu là chuyện để kể cho các chị em, chuyện chốn chùa chiền cũng như chuyện thế giới bên ngoài. Chiều hôm đó, sư em rủ mấy chị em con đi xem tuồng hát Tề thiên đại thánh đang được diễn tại nhà hát lớn của Bắc Kinh. Các chị em đang thầm thì bàn tán sôi nổi thì bỗng nhiên Thầy xoay qua phía con và lên tiếng thật to: “Định Nghiêm, sao con không mời Thầy đi xem hát với tụi con?” Con sửng sốt và nghĩ trong lòng: “Ủa, Thầy mà cũng đi xem hát sao?” Con còn đang ngạc nhiên và chưa kịp phản ứng thì Thầy lặp lại câu hỏi thêm một lần nữa. Con bèn nhanh nhẩu chắp tay thưa: “Bạch Thầy, tụi con thỉnh Thầy đi xem Tề thiên đại thánh với tụi con.”

Thầy mỉm cười thích thú.

Trong lòng con và sư em Pháp Hải trào dâng một niềm vui khó tả. Không những đã không bị la vì đã dám bàn tính đến chuyện đi xem hát mà lại còn được Thầy hưởng ứng và cùng đi chung nữa chứ. Còn gì vui bằng khi có Thầy cùng tham dự cuộc vui với mình? Nhưng cuối cùng thì thầy trò đều đi về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một ngày dài kế tiếp chứ đâu có đi xem hát gì đâu! Ấy vậy mà cả thầy lẫn trò tràn đầy hạnh phúc, thỏa mãn không khác gì như vừa mới đi xem hát về.

 

Mở vườn ươm cây

Bạch Thầy, hiếm lắm Thầy mới có mặt ở Làng vào mùa thu, vì đó là mùa của những chuyến đi dài qua Bắc Mỹ hoặc các nước Đông Nam Á. Nhưng mùa thu năm ấy Thầy lại ở nhà với chúng con và đó là một mùa thu đặc biệt nhất, thú vị nhất cho tất cả chúng con.

Thầy có thật nhiều thì giờ để dẫn chúng con đi thiền hành dưới những hàng bạch dương lá vàng óng ánh ở xóm Hạ. Thầy thường ghé chơi ở xóm Mới và dẫn chúng con leo đồi mận, khi cả đồi thơm sực nức mùi mận chín. Thường thì mình không hái mận mà để cho mận chín tới rồi tự rụng xuống đất. Lúc bấy giờ trái mận mới thật ngọt và mọng nước. Nhưng trong số chúng con có những chị em lại thích ăn mận giòn. Thế là Thầy tự cắt một chai nhựa, cột vào một khúc tre khô. Đây là dụng cụ vô cùng tiện lợi và hữu hiệu Thầy sáng chế ra để khoèo những trái mận giòn.

Tại xóm Thượng, Thầy thích nhất đi thiền hành giữa những hàng sồi lá đỏ rực mà nhìn xa con cứ ngỡ là rừng hoa. Ở Sơn Cốc, từng chậu hoa, từng cụm cây đều hạnh phúc vì được Thầy chăm chút mỗi ngày. Cuối thu ở Pháp là mùa cúc, Thầy đang đợi những chậu cúc đại đóa thật to, thật tròn màu hỏa hoàng, hoặc những bông cúc thanh cảnh với những cánh hoa thon thả, cong vào cong ra như những bàn tay Bồ tát đang bắt ấn.

Sáng hôm đó ngoài vườn Sơn Cốc, Thầy đi gom hết lại những bụi cúc tàn của năm ngoái, còn con thì đi thu thập lại hết những cái chậu cây cũ bằng nhựa. Dưới sự hướng dẫn của Thầy, con bỏ đất vào chậu, chuẩn bị sẵn sàng cho Thầy chiết cúc vào đó. Ngồi trên chiếc ghế trắng bằng sắt dưới cây linden, Thầy thong thả làm công việc với tất cả sự bình an và thích thú. Chậu nào làm xong, Thầy chuyền qua con, để con lại rải thêm một lớp mỏng phân bón. Cuối cùng, hai thầy trò sẽ mở ống nước để tưới hết tất cả các chậu một lần.

 

 

Không khác gì lúc còn bé trong vườn nhà, con chỉ chú ý đến hai bàn tay mình đang vọc đất với tất cả sự thích thú. Thỉnh thoảng con ngước lên nhìn xem tay Thầy đang làm gì. Thì ra những tia nắng yếu ớt còn sót lại trong năm đang tìm cách len lỏi qua tán lá để chạm nhẹ vào hai bàn tay Thầy, chúng cũng muốn được phụ Thầy một tay! Thỉnh thoảng, vài chiếc lá chín rơi nhẹ lên đôi vai Thầy như muốn gây sự chú ý: “Thưa Thầy, có con đây, Thầy cho con chơi với!” Những chiếc lá chậm rãi nhảy xuống chân Thầy rồi đáp xuống nền đất để tạo thành một lớp thảm mỏng màu vàng nhạt. Trong vài ngày hay một tuần nữa, tấm thảm vàng sẽ dày hơn và êm hơn cho bước chân thiền hành của Thầy. Ngoài kia, những cây thông Thầy trồng năm xưa nay đã thật cao, thật mạnh mẽ, vẫn giữ chiếc áo xanh tươi của chúng. Sơn Cốc vào mùa thu đủ màu đủ sắc, và năm nay – Thầy ở nhà – đất, trời, cây cỏ, tất cả đều hớn hở, đua nhau khoe những vẻ đẹp đặc sắc nhất của mình để Thầy mặc tình thưởng thức.

Không đủ chậu để Thầy chiết tiếp, con phải về lại xóm Mới gom thêm chậu cho Thầy. Cuối cùng, chiều hôm đó, xung quanh hai thầy trò chỉ toàn là chậu với chậu, hơn cả trăm chậu. Bỗng nhiên con hình dung những nhánh cúc con này trong khoảng hai tháng nữa sẽ cứng cáp và mạnh khỏe để cho ra đời bao nhiêu là bông hoa thật to, thật tròn. Cao hứng, con thưa Thầy: “Bạch Thầy, nếu thầy trò mình thành công với những chậu hoa này, mình có thể mở được một tiệm bán cây con!”

Thầy mỉm cười thích thú.

Ngay trong khoảnh khắc ấy, con cảm thấy vui quá, giống y như thầy trò mình vừa mới khai trương được một tiệm bán cây con!

Con hướng dẫn khóa tu, Thầy đi theo chơi

Đó là vào năm 2006. Sau khóa tu mùa Hè, các chị em xóm Hạ và xóm Mới chúng con tổ chức đi chơi núi Pyrénées chung với nhau. Ban ngày, chúng con leo núi và rong chơi với thiên nhiên. Về đêm, con ngủ chung lều với sư em Anh Nghiêm ngay kế con suối bắt nguồn từ một thác nước. Đến ngày về, chúng con vẫn còn quyến luyến cảnh núi rừng nên trên đường, xe van chúng con đã dừng lại tại một ngôi làng nhỏ tên là Gavarny. Chị em chúng con đi thiền hành vào hướng núi khoảng một hay hai cây số chi đó. Ban đầu, chúng con chỉ nghe tiếng gió và tiếng chim hót, nhưng càng đi, chúng con nghe từ xa vọng lại tiếng nước càng lúc càng rõ hơn.

 

 

Rồi bất chợt, chúng con dừng lại sửng sốt trước một dãy núi thẳng đứng hình vòng cung bao quanh chúng con. Cả nhóm chúng con không ai nói gì với ai, chỉ đứng lặng người thật lâu để chiêm ngưỡng cảnh tượng trước mắt. Từ những sườn núi, có cả mấy trăm con thác đang đổ xuống ào ạt. Có những dòng thác to và dày, bắn nước tung tóe; nhưng cũng có những dòng rất mỏng và thanh tao như những chùm tơ thật dài, lơ lửng giữa không gian, nửa chừng bị gió thổi cong nhẹ sang một bên. Ô hay, lại có những con thác đang đổ xuống từ mây! Thì ra là phía trên, ngọn núi cao quá, đã bị che khuất bởi sương và mây. Nếu ai đó muốn đếm xem tổng cộng có bao nhiêu con thác trước mặt thì cũng không tài nào mà đếm được. Mấy trăm thác nước, mỗi thác mỗi vẻ, không thác nào giống thác nào. Tuy vậy, tất cả đều liên tục đổ về một hướng, hòa vào nhau để tạo nên một bản hòa tấu vang rền không bao giờ gián đoạn. Sau khi đứng yên lặng ngắm một hồi lâu, chúng con lên tiếng gọi nhau ra về. Nhưng dù đứng cách nhau một sải tay, và có lấy hết sức bình sinh để hét thật to thì cũng không ai nghe thấy, ngay cả mình cũng không nghe được tiếng hét của chính mình. Ôi, chưa bao giờ chúng con thấy mình nhỏ bé đến thế, trong không gian và trong thế giới của âm thanh.

Về đến Làng, vừa gặp lại Thầy, con kể liền cho Thầy nghe về cảnh đẹp hùng vĩ chưa từng thấy trên đời. Thầy phải thấy cảnh đẹp này! Con muốn đưa Thầy đến đó. Con suy nghĩ cách nào để có thể đưa Thầy đi. Chắc chắn Thầy sẽ không bao giờ muốn đi du lịch. Tịnh độ của Thầy là Sơn Cốc, là thất Ngồi Yên, là xóm Hạ, xóm Mới… Nếu có đi thì Thầy chỉ đi khóa tu mà thôi. Thầy thường nói Thầy không còn nhiều thì giờ nữa, vì thế Thầy chỉ nhận lời đi dạy những khóa tu lớn cho ngàn người. Tổ chức một khóa tu tại Gavarny, một ngôi làng nhỏ như vậy trong nước Pháp thì chỉ có đủ chỗ cho 100 người là cùng. Con chợt nảy ra một cao kiến: “Bạch Thầy, con sẽ đi hướng dẫn một khóa tu tại Gavarny. Con mời Thầy đi theo con. Thầy chỉ đi theo chơi thôi mà không cần phải làm gì hết, con sẽ làm hết cho Thầy, Thầy chỉ cần ghé xem những thác nước tuyệt vời đó thôi”.

Thầy mỉm cười thích thú.

Còn con thì cảm thấy mãn nguyện khi đã tìm ra phương cách để đưa Thầy đi xem cảnh đẹp.

Con hát cho Thầy thở

(Sư cô Chân Không)

Chia sẻ của sư cô Chân Không nhân ngày cúng thất thứ 2 của Sư Ông, tại chùa Tổ Từ Hiếu.

Thầy là cọp chúa, con là cọp con

Con mang tuổi cọp. Hồi nhỏ, con là một đứa cứng đầu lắm, ai nói gì cũng không nghe. Con thường nói: “Em là con cọp đó, đừng ép…” Vậy mà khi vào tăng thân, Thầy bảo gì con đều làm hết và con không cãi gì! Con vâng lời và làm hết sức mình, sống chết với những điều Thầy căn dặn. Con nhỏ hơn Thầy đúng 12 tuổi. Con thấy mình đúng là một con cọp con, bổ túc cho phần nào còn thiếu, dù rất nhỏ, của con cọp chúa là Thầy. Cọp chúa thiếu móng chân, con sẽ làm móng chân của cọp chúa. Thầy cần con làm chuyện gì thì con làm. Chuyện gì Thầy không làm được, con đều cố gắng giúp Thầy thực hiện.

Con hát cho Thầy thở

Có lần, một nhóm thượng nghị sĩ Pháp mời Thầy chia sẻ pháp thoại. Hôm ấy con lái xe đưa Thầy đi cùng một vài vị khác. Mới về ngày hôm trước, sau chuyến đi Thụy Sĩ, nên Thầy còn rất mệt, không nói được nhiều. Chia sẻ được khoảng một phần tư câu chuyện thì tự nhiên Thầy nói bằng tiếng Pháp: “Sư cô Chân Không sẽ lên hát cho quý vị nghe một bản nhạc”. Con hết sức ngạc nhiên vì Thầy chưa diễn thuyết gì hết mà lại dạy con lên hát. Con liền đi tới gần Thầy. Thầy nói với giọng rất nhỏ: “Này con, con hát giùm Thầy ba, bốn hay năm bản cũng được vì Thầy mệt quá, thở không ra hơi. Tự nhiên, Thầy mệt quá đó con”. Thế là con hát hết bài này tới bài khác, nhưng thỉnh thoảng con lại nhìn Thầy để xem đã đủ chưa. Thầy bảo con hát thêm nữa. Sau đó, Thầy cười và nhìn khỏe khoắn hơn hẳn. Bài pháp thoại hôm đó Thầy đã giảng rất hay! Những lúc Thầy mệt, Thầy giảng không được thì Thầy dạy con hát chen vào chỗ trống để có thời gian cho Thầy thở. Con thấy con không làm được gì nhiều đâu nhưng mà Thầy cũng mệt lắm nếu không có người hát cho Thầy thở!

 

Thầy cho con xuất gia đi Thầy

Vừa qua tới Pháp con xin Thầy: “Thầy cho con xuất gia đi Thầy”. Nhưng Thầy nhất định không chịu. Lí do là vì ở Pháp sau đệ nhị thế chiến, rất nhiều cô gái Pháp đã từng có liên hệ thân mật với lính Đức đều bị cạo đầu. Họ bị coi là những cô gái ăn sương, là người phản quốc. Thầy nói: “Nếu con cạo đầu thì người ta có thể hiểu nhầm. Con biết tại sao Thầy để tóc dài không? Tại vì trong thời gian này, ở Âu châu xuất hiện một nhóm gọi là Skin head. Họ cạo sạch tóc, chỉ còn thấy da đầu và họ đã làm nhiều chuyện xấu. Nếu Thầy cạo đầu, họ tưởng Thầy thuộc nhóm Skin headnên Thầy phải để tóc giống các ông Cha”. Thành ra Thầy để tóc dài. Thầy cũng nói con để tóc dài và con vẫn được mặc áo dài như thường.

Sau này, khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, công việc cứu thuyền nhân cũng kết thúc. Với tư cách cư sĩ, con làm gì cũng không được nữa, con lại năn nỉ Thầy cho con xuất gia. Khi đó Thầy nói: “Thầy cần những vị tam sư thất chứng giỏi nhưng ở Pháp thì chỉ có một mình Thầy (lúc đó, mình chưa mời được quý Hòa thượng và quý Ni sư bên Việt Nam qua). Con chờ năm tới, Thầy sẽ tổ chức đi hành hương Ấn Độ và sẽ cho con xuất gia ở núi Linh Thứu. Thầy sẽ đảnh lễ và xin đức Bổn Sư làm thầy truyền giới cho con, Thầy chỉ là Giáo thọ A Xà Lê, chỉ thuyết giới giùm cho đức Bổn Sư thôi. Thầy biết con là một người con gái rất giỏi của Bụt. Con ráng chờ”. Quả đúng năm sau, con được đi Ấn Độ với một nhóm cư sĩ, trong đó có ca sĩ Hà Thanh. Lúc đó, không ai biết sau khi lên núi Linh Thứu, Thầy sẽ truyền giới cho con và Tam sư thất chứng là Bụt và các Ngài Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ưu Bà Ly, A Nan Đà, La Hầu La, Gotami… Lần đó, trên núi Linh Thứu, cùng với con, sư cô Chân Đức cũng được thọ giới Tỳ kheo ni, sư cô Chân Vị thọ giới Sa di ni.

Con nhớ đã từng chia sẻ với Thầy: “Con rất thương và rất kính phục đức Thế Tôn, con muốn đi theo con đường của đức Thế Tôn nhưng con có cảm tưởng con sẽ không hạnh phúc khi xuất gia ở một ngôi chùa Ni tại Việt Nam. Con có duyên được gần gũi một Ni sư ở Bến Tre. Ni sư cưng con lắm. Ni sư nói: con thế nào cũng sẽ thành Phật, nhưng trước hết con phải tu giỏi thì kiếp sau con sẽ sanh thành người nam, rồi người nam tu giỏi nữa thì kiếp sau con sẽ thành Phật. Nghe như vậy, con nói: “Con muốn lập chùa ni riêng, nếu chùa ni giống truyền thống thì con không thích lắm. Con đã bỏ mấy anh chàng để đi tu rồi, giờ lại trở thành người nam nữa thì chán lắm”. Khi nghe con chia sẻ như vậy, Thầy cười không nói gì. Con hỏi tiếp: “Dạ, trong tương lai con sẽ lập một chùa ni, không theo truyền thống, Thầy sẽ vẫn làm thầy cho chúng con phải không ạ?”

Từ đó, Thầy biểu gì con cũng làm theo ý của Thầy. Con hạnh phúc được làm phần bổ túc rất nhỏ của Thầy, góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp của Thầy.

Con cũng trở về với gốc rễ như Thầy

Con từng nghĩ Thầy sẽ không về lại Việt Nam. Nhưng ở Thái Lan hôm đó, quý thầy Pháp Ấn, Pháp Niệm và Trung Hải đã lên gặp Thầy, vì Thầy đang muốn diễn tả một việc gì đó mà chúng con cảm được là quan trọng lắm. Khi các thầy tới, Thầy chụm một bàn tay trên ngực, tay kia vẽ một vòng tròn và dừng lại ở điểm bắt đầu của hình tròn ấy. Chúng con đã hiểu ý Thầy: dù đi Đông hay Tây, cuối cùng Thầy vẫn muốn trở về với gốc rễ của Thầy. Ngày hôm nay, con xin phát nguyện là con sẽ không quên gốc rễ của Thầy. Gốc rễ của Thầy cũng là gốc rễ của con. Giống như Thầy, con cũng sẽ quay về với gốc rễ của mình.

 

Cung Tán Nhất Hạnh Thiền Sư Niết Bàn Nhập Diệu

(Hoà Thượng Lệ Trang)

 

 

Nhất niệm oai hùng trang sử Việt
Hạnh tâm sáng tỏa đẹp ngàn phương
Thiền hòa Nam Bắc từng hơi thở
tượng Đông Tây ngát tuệ hương
Niết thủ vào ra trong chánh niệm
Bàn đàm tuôn chảy suối chơn thường
Nhập tam ma địa vô sanh khúc
Diệu sắc diệu quan diệu pháp vương.