Đến đi thong dong

Chiều hôm nay, ngày 30.1, sau lễ Đại tường, đại chúng đã cùng nhau vân tập tại công viên Vĩnh Hằng để làm lễ tưởng niệm, dâng hương lên Thầy. Bầu trời trong xanh. Những làn mây nhẹ như khói sương thi thoảng ẩn hiện trên nền trời.

Chúng con, bốn chúng đệ tử của Thầy, có mặt nơi đây, có mặt ở quê hương Việt nam như hiện thân của tấm lòng thơm thảo của Thầy dâng lên Tổ tiên nước Việt. Hóa thân Thầy đã hòa vào hồn Việt, đã làm cho ước nguyện một lòng thương yêu đất nước giống nòi của Thầy được luân hồi một cách đẹp lành nhất. Mỗi người trong chúng con đều đang mang chí nguyện của Thầy đi về tương lai bằng cách riêng của mình, trong dòng chảy chung của tăng thân. Chí nguyện tu tập và phụng sự trọn đời của chúng xuất sĩ, những phát nguyện gìn giữ nếp nhà và nuôi dưỡng thân tâm cùng gia đình, xã hội theo hướng của Năm giới quý báu của chúng cư sĩ đã biểu hiện từ giây phút trà tỳ nhục thân Thầy hai năm trước đang dần trở thành thực tại, và sẽ còn đẹp thêm, rộng lớn thêm ở tương lai. Chúng con nguyện chấp nhận nhau, tha thứ và thương yêu nhau và một lòng đem Thầy đi về tương lai đẹp đẽ, an lành, hùng hậu.

Bước chân chúng con ngày hôm nay, trên mảnh đất này, thật thong dong. Giờ khắc này, những giọt nước mắt ngày trà tỳ trong lễ Tâm tang, nỗi bồi hồi xúc động lúc thăm lại nơi đây vào dịp Tiểu tường đã theo khói hương bay về trời.

Thân tâm thanh thản, chúng con lắng nghe lời chia sẻ của thầy Pháp Ấn về những cống hiến cho đời và đạo của Thầy và của Đại lão hòa thượng Thích Trí Quang.

Những gì Thầy và các bậc tiền nhân đi trước đã thành tựu còn lưu dấu mãi với núi sông. Sự nghiệp của Thầy dù lớn lao, đọng lại trong chúng con vẫn là hình ảnh một vị thầy mộc mạc với chiếc áo tràng nâu, nón lá, môi nở nụ cười bình dị cùng ánh nhìn chứa đầy tha thứ, bao dung. Nhân cách và đức độ của Thầy cùng các bậc tiền nhân là điều mà thế hệ hậu lai chúng con thành kính quy ngưỡng. Chúng con nhớ đến Trúc Lâm đại sĩ với đôi chân trần du hóa khắp nơi, bồi đắp nền đạo đức và văn hóa dân tộc, nhớ đến Tổ khai sơn với chiếc thảo am đơn sơ, ngày ngày cuốc đất trồng rau phụng dưỡng mẹ già,….

Giây phút niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, chúng con như tiếp xúc được với tình thương của Thầy. Thầy đã trao truyền hết cho chúng con những gì Thầy có, không hề giữ lại mảy may. Con đường của nếp sống an lạc, tỉnh thức Thầy đã mở lối, chúng con chỉ cần tiếp bước chân Thầy.

Chúng con đã thiền hành một vòng quanh khu tưởng niệm. Từ học trò tại gia cho đến xuất gia, ai cũng thực tập “đi để mà đi”. Chúng con biết điều duy nhất cần làm giờ phút này là nương tựa vào bước chân hơi thở, có mặt cho Thầy. Năng lượng chánh niệm tập thể của tăng thân chế tác ra cùng với niềm thương kính trong lòng người sẽ ghi dấu lại nơi này để mỗi khi có ai đến thăm, người ta vẫn cảm được giữa không gian mênh mông sự ấm áp của tình thầy trò.

Từng cụm mây đang vân du giữa bầu trời xanh rộng lớn như hóa thân Thầy. Hóa thân ấy nhắc chúng con sống một đời sao cho thảnh thơi, in được trên đại địa những bước chân thong dong. Chúng con sẽ học theo Thầy, đến đi thong dong ở bất cứ nơi nào mà chúng con có mặt…

Thầy thương kính, chúng con có trong Thầy. Thầy có trong chúng con. Đó chính là ước hẹn mà Thầy đã trao truyền cho chúng con và chúng con đang mỗi ngày tiếp nối sự thực tập cùng Thầy:

“Sự thực tập của Thầy cũng không khác. ‘Ta vẫn còn đến đi thong dong’. Chừng nào Thầy còn đến đi thong dong (coming, going, moving around with freedom) thì Thầy vẫn còn là nơi nương tựa cho con, cho các con. Và chừng nào các con vẫn còn trở về với những bước chân thanh thản thì các con vẫn còn là chỗ nương tựa và tiếp nối của Thầy. Và tuy nhìn bề ngoài ta có thể thấy tướng đầy tướng vơi xuất hiện nhưng trong bản chất nội dung thì vầng trăng vẫn là vầng trăng, không bị ý niệm khuyết tròn che lấp. ‘Không tròn không khuyết một vầng trăng”(Thư Thầy viết ngày 22 .04 2001)