Chúng con thương Thầy lắm, Thầy ơi!

08.09.20

Bạch Thầy thương kính của chúng con!

Tối qua con mơ một giấc mơ thật đẹp mà sáng nay ngủ dậy, miệng con vẫn cười ngây ngô một mình… Đó là Thầy ngồi dạy hát thơ Thầy cho chị em con, mặc dù chúng con hát dở ẹc và sai nhạc nhưng Thầy vẫn kiên nhẫn ngồi nghe và mỉm cười.

Thầy ơi! Thầy là người Thầy chỉ lối tâm linh, vừa là người cha bao dung vĩ đại, vừa làm người bạn thấu hiểu tâm tư mọi lứa tuổi… Nếu không gặp Thầy, gặp tăng thân thì con đã không đi tu và không tái sanh trong một kiếp sống mới, lành, ý nghĩa và giá trị như này!

Viết đến đây tự dưng lòng con nghẹn thành từng giọt…

Con xin lạy xuống biết ơn tổ tiên tâm linh đã đưa đường dẫn lối cho con được gặp Thầy, gặp tăng thân. Con biết ơn Thầy nhiều nhiều lắm Thầy ơi. Nếu không làm đệ tử Thầy giờ này chắc con cũng đang trôi lăn trong xã hội, bộn bề, bận rộn, bon chen, rồi chồng con, cơm nước, gạo tiền… như một con rối mà quên đi tính chất tốt đẹp, lành thiện của đời sống con người.

Con biết Thầy luôn dạy chúng con về sự tiếp nối và what happen when we die? (chuyện gì xảy ra khi ta chết?), nhưng cho con được xin một điều dù có trải qua vô lượng kiếp con cũng nguyện được gặp Thầy, được tu tập theo pháp Bụt.

Con nhớ Sư mẹ Thoại Nghiêm có viết trong cuốn “Tay Con Trong Tay Thầy” rằng Thầy đã viết bao lá thư cho chúng con mà chúng con chưa viết nổi một tập thư cho Thầy, trong khi Thầy còn có mặt đây cho chúng con. Con đã bao lần viết thư cho Thầy trong sổ công phu của mình, mỗi lần con lên bờ xuống ruộng, xấc bấc xang bang… hay cả những khi vui đến rạo rực trong lòng. Thầy luôn là người đầu tiên con chọn để thổ lộ, và cảm thấy được cảm thông, an ủi. Thầy trong con luôn sáng đẹp, lung linh, từ bi, thấu hiểu và trí tuệ tuyệt vời. Thưa Thầy, con muốn nói là con rất hãnh diện về Thầy.

Nhắm mắt, lặng yên, nghĩ tới Thầy… tự dưng hình ảnh người trong ngày biểu hiện dâng lên trong con. Đó là một buổi sáng tinh sương, con và sư chị Bạch Nghiêm con đi mua bánh mì mang qua cho Thầy. Chúng con định mang qua rồi về thì được Thầy mời vô ăn sáng. Và Thầy đã tự tay làm “scramble eggs” từ đậu hũ và sữa đậu nành với bánh mì baguette nướng giòn thơm cho chị em con ăn. Con không biết Thầy đã bỏ bí quyết gì mà mấy chị em con thử hoài mà không ai làm ngon như Thầy, thật ạ! Con chỉ biết thưởng thức giây phút đó như là bữa sáng ngon nhất đời mình. Thầy nói khi Thầy đánh răng Thầy nghĩ bài kệ:

 “Tuổi đã ngoài tám mươi.

 Nhai bánh mì rôm rốp.

 Bàn chải cầm trên tay.

 Giây phút này vui thật.”

Thầy con thiệt dễ thương, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sáng tạo, làm mới sự thực tập. Con canh me Thầy dùng xong để đứng dậy rót trà mời Thầy thì Thầy bảo: “Ngồi đó! Thầy sẽ đãi trà ngon tụi con!” Lòng con bồi hồi… Không có một vị Thầy nào mà vào ngày tiếp nối của mình lại làm tất cả cho đệ tử. Cảm nhận được tình thương từ Thầy, đó quả là ly trà ngon nhất quả đất. Thầy bảo: ‘Thầy muốn skip (không tham dự) buổi Be-in (ngồi chơi) chiều nay.” Con rất ngạc nhiên và thầm nghĩ là một vị Thiền sư mà Thầy có chút mắc cỡ khi các đệ tử chuẩn bị buổi tri ân mừng ngày biểu hiện cho mình. Sư cô Chân Không ngồi cười tủm tỉm vì sư cô là tài xế của Thầy nên Thầy không thể đi đâu mà không có phương tiện. Và chiều đó, Thầy đã dạy cho chúng con thông điệp ngày tiếp nối. Câu thần chú của ngày hôm đó đã khắc sâu trong con: “Nothing inside. Nothing outside (không có gì bên trong cũng không có gì bên ngoài). Vấn đề là Thầy nằm trong sự thực tập hơi thở và bước chân an lạc của quý vị.”

Con được nghe sư cô Chân Đức kể về một giấc mơ của Thầy trong sách “At home in the world”. Vào một mùa thu khi đang giảng dạy tại Anh quốc, Thầy mơ rằng Thầy đã đi cùng một người em vô một nơi giống tiệm bán thuốc. Ở đó có rất nhiều kệ chứa đựng những điều mà Thầy mà các huynh đệ đã trải qua. Và hầu hết là những khổ đau trong quá khứ: nghèo đói, lũ lụt, chiến tranh, phân biệt chủng tộc, sợ hãi, tuyệt vọng… Khi Thầy chạm tay vào những kí ức đó, có một cảm giác buồn thương khởi lên trong lòng và đồng thời là cả sự từ bi. Trong tiệm còn có cả quyển sổ tay của Thầy chứa đựng những niềm hạnh phúc từ thời thơ ấu và cả những trải nghiệm khổ đau khác…  Ông chủ quán xuất hiện đứng bên cạnh Thầy và nói một điều rất kinh khủng: “Thầy phải đi qua tất cả những khổ đau này… thêm một lần nữa.” Ổng tuyên bố một cách hùng hồn như là một nhà thẩm phán quyết định số phận. Thầy lúc đó hết hồn… Tất cả những mất mát trong chiến tranh, đói kém, vô minh, hận thù, chết chóc… Thầy cảm giác mình đã phải khổ đau, đã trải qua tất cả cùng các huynh đệ. Và bây giờ đã có tự do. Vậy mà bây giờ ông đó phán phải thật sự nếm lại những trải nghiệm đó sao. Ban đầu, Thầy nghĩ là “Oh no” (Ồ không). Nhưng chỉ sau một khắc, Thầy đã nhìn thẳng vào ông chủ tiệm và nói: “Bằng tất cả sự quyết tâm của mình, ông không hù được tôi đâu. Tôi sẽ vượt qua tất cả không chỉ một mà cả ngàn lần nếu cần thiết. Và tất cả chúng tôi sẽ làm cùng nhau!”

Nghe tới đó con đã rúng động với niềm tin bất diệt của Thầy. Chính điều đó đã nuôi tiếp sự sống cho những tâm bồ đề, những ước mơ, hi vọng về một cuộc sống tốt hơn. Con rất tự hào về tăng thân mình, về gia tài mà Thầy đã trao truyền cho tất cả chúng con. Dù trải qua bao sóng gió, con cũng nguyện chung thuỷ với con đường, với chí nguyện của mình, với giấc mơ xưa của Thầy.

Thời gian qua con có cơ hội về thăm nhà và đợi làm giấy tờ đi Thái Lan nhưng lâu hơn thường lệ do ảnh hưởng của dịch Covid. Đem đạo Bụt vào đời thật sự không dễ chút nào, mà nhất là cuộc đời của những người thân của mình. Ở càng lâu thì lại càng hiểu nhau, cho nhau thấy được những gì thật nhất. Và nhờ pháp môn thực tập, những lời Thầy chỉ dạy “chung đụng trong nhân gian, tâm không hề lay chuyển”, mà con còn giữ được mình, càng thấy rằng quyết định xuất gia là sáng suốt nhất đời con! Con kể Thầy nghe điều này, con còn bị dụ ở nhà bằng một lí do là: “Thay vì đi cứu giúp độ người khác, thì ở nhà vẫn tu và dạy dỗ cho các cháu nên người!” Nghe có vẻ hợp lý Thầy nhỉ!!! Thầy biết con trả lời sao không: “Con phải tự cứu mình trước đã. Và các cháu đã có bố mẹ chịu trách nhiệm, trường lớp, cuộc đời dạy dỗ. Con cũng sẽ giúp một phần. Gia đình con bây giờ không chỉ giới hạn là gia đình huyết thống này mà rộng lớn hơn rất nhiều. Chase after your dream, not people (hãy đi theo lý tưởng của mình)” Trong lòng con lúc đó nghĩ được như rứa thôi!

Lòng con dâng lên niềm biết ơn sâu sắc, nhờ cơ hội này mà con có mặt cho má con, cho anh chị em và các cháu trong gia đình còn nhiều bộn bề. Pháp môn tu học thực sự giúp cho con kiên nhẫn, có mặt, lắng nghe sâu và cảm thông. Gia đình con cũng được an ổn, anh chị em hoà thuận, hiểu và chấp nhận nhau nhiều hơn!

Con thấy mình rất hạnh phúc và phước đức được làm đệ tử Thầy, được là một phần của tăng thân Làng Mai. Bên cạnh niềm tự hào đó, con thấy mình còn quá nhiều thiếu sót, còn nhiều giáo pháp của Thầy mà con chưa thực sự để tâm nghiên cứu, học hỏi và thực nghiệm. Con biết Thầy đã dùng hết cuộc đời mình, bằng tất cả trải nghiệm, tấm lòng, trí tuệ, hiểu biết… để kết tinh thành những gì ý nghĩa, đơn giản mà hiệu quả nhất cho tất cả chúng con, đệ tử xuất sĩ và cư sĩ. Con đã đọc lại “Cẩm nang của một vị giáo thọ” để coi thử mình đã học hỏi điều gì, thiếu điều gì mà tự bổ sung. Con đang nghe những bài Thầy giảng về Dị Bộ Tông Luân Luận và con rất hạnh phúc khi hiểu rõ hơn gốc rễ con đường của mình. Con thấy mình giàu có quá Thầy ơi, bao nhiêu gia tài của Bụt tổ, của Thầy truyền trao. Chúng con cứ như những “đại gia tâm linh” có sẵn hết con đường, và chỉ cần mình trải nghiệm, thực tập bằng trọn thân tâm!

Con xin lạy xuống sám hối Thầy và tăng thân những lỗi lầm con đã tạo ra trong quá khứ. Thưa Thầy, con đã ước nguyện tu tới chết trong hình tướng này. Dù cho có thế nào thì xin Thầy trong con sẽ luôn bên cạnh, nhắc nhở khích lệ con mỗi ngày. Và sự nghiệp xây dựng tình huynh đệ, xây dựng tăng thân là lý tưởng gối đầu giường của con. Khi nào anh chị em con còn đi chung, còn thực tập con đường hiểu thương này thì Thầy sẽ còn hoài và pháp môn tu học được sống mãi trong cuộc đời.

Con nguyện cầu cho thân thể Thầy được nhẹ nhàng, không bị đau nhức. Chúng con đang thở cùng Thầy. Chúng con thương Thầy lắm, Thầy ơi!

Đệ tử thứ 588 của Thầy

Con, Chân Đôn Nghiêm