Thầy ơi!…

Chân Hoạt Nghiêm

Hươu nai ưa đồng quê,

Chim chóc ưa trời mây…”

Con rất thích được Thầy gọi chúng con là những con hươu con về cánh đồng quê nội. Được Thầy đặt cho biệt danh “Hươu Con” con rất được nuôi dưỡng. Con thấy con là chú hươu con hạnh phúc được nằm trong vòng tay yêu thương của nội. Mỗi ngày chúng con luân phiên nhau đem cơm lên nhà nội và được dùng cơm chung với nội. Đó cũng là thời gian con được làm thị giả cho Thầy, được mang cơm cho Thầy, những ngày ấy đã để lại cho con nhiều kỷ niệm đẹp.

Thầy ơi! viết xuống những dòng này bao nhiêu kỷ niệm về Thầy sống lại trong con. Thầy đã từng dạy chúng con rằng: “có những giây phút nếu như mình biết sống cho trọn vẹn và trân quý thì giây phút đó sẽ trở thành bất diệt”. Con nuôi dưỡng những giây phút được sống gần Thầy. Và mỗi lần gọi hai tiếng “Thầy ơi!”, con lại thấy Thầy đang có mặt cho con ngay trong giây phút ấy. Tiếng gọi ấy cũng là bài học Thầy đã dạy con trong thời gian con làm thị giả.

Mỗi lần được ngồi bên Thầy con thật hạnh phúc, đôi khi Thầy trò không cần nói gì cả. Có khi Thầy kể chuyện cho chúng con nghe. Có một buổi chiều hai chị em con vào thư viện của Thầy để thỉnh Thầy ra dùng cơm. Thầy đang ngồi trên võng đọc sách, Thầy dạy hai chị em con ngồi xuống chơi với Thầy. Thầy dạy hai chị em con cách gọi “Thầy ơi!”. Con được bắt đầu trước. Thầy dạy con nói theo Thầy:

– “Thầy ơi…! ơi…!…ơi!”

Con chưa nói theo được. Con thưa:

– Thưa Thầy, khó quá con không nói được.

– Không khó mô, con cứ nói theo Thầy đi! Con nói được. Con đọc theo Thầy này: “Thầy ơi!…ơi!…ơi!”

Lần này con đọc theo:

– Thầy ơi!

– Không, chưa hay, chưa giống Thầy, dài hơn, nhẹ nhàng hơn nữa, con đọc lại đi! Phải đọc cho diễn đạt, cho hay như Thầy vậy đó.

– Thầy ơi…! ơi…!

– Con tập đọc theo Thầy nhiều lần. Con thầm nghĩ, con phải nói cho được để Thầy vui và đỡ mất sức phải chỉ cho mình nên con tiếp tục gọi:

– Thầy ơi…! ơi…! ơi…!

– Ơi … ơi… ơi! – Thầy đáp lại.

Con cảm nhận như có nguồn yên vui, hạnh phúc, trân quý, thương kính trào dâng, không thể nào nói được thành lời. Con thấy mình may mắn được làm đệ tử của Thầy và được Thầy chỉ dạy.

Đến phiên sư em con, sư em ngại ngùng không chịu nói, sư em thưa:

– Bạch Thầy, con không nói được.

Thầy dạy: – Con nói được, con cứ xem Thầy như Ba của con đi! Ở nhà con có nói như vậy với Ba con không?

– Dạ không, bạch Thầy!

– Vậy thì bây giờ con tập nói đi. Thầy ơi…! ơi…! ơi…!

– Bạch Thầy, con không nói được đâu.

– Bây giờ con không chịu nói, đợi đến khi Thầy thành nắm tro rồi mới chịu nói cho Thầy nghe thì muộn rồi!

Sư em đã cố gắng, nhưng hơi khó cho sư em. Sư em không làm được. Cuối cùng Thầy không ép sư em con nữa. Thầy cho sư em con mắc nợ, lần sau sẽ đọc.

Rồi Thầy dạy: “Khi nào các con có khó khăn, chỉ cần các con gọi thầy ơi thôi, là khó khăn đã nhẹ đi nhiều lắm rồi. Con sẽ có thầy bên cạnh, yểm trợ và giúp mình vượt qua khó khăn. Và cứ mỗi khi các con gọi thầy như vậy thì thầy sẽ âm thầm đáp lại “ơi!” liền cho các con”.

Ba Thầy trò ra phòng ăn. Trong bữa ăn, có thêm hai sư em con cùng ăn cơm nữa nên Thầy lại dạy chúng con tập gọi Thầy như lúc nãy. Sư chị, sư em nào gọi xong được Thầy thưởng cho một miếng đậu hủ, sư em chưa gọi được nhưng Thầy cũng thưởng cho sư em một miếng.

Thầy kính thương!

Chị em con mỗi người lớn lên với nhiều hoàn cảnh khác nhau! Chúng con thương Thầy, thương Tăng thân và có chung lý tưởng. Có những sư chị, sư em con đến với Thầy rất dễ dàng, nhưng cũng có những sư con của Thầy chỉ thích đứng từ xa nhìn Thầy, nghe Thầy nói pháp thoại mà không dám lại gần. Thầy đã giúp chúng con phá đi cái hàng rào ấy để chúng con có được tình Thầy trò rất đẹp. Sư em con vẫn đang tập gọi “Thầy ơi” mỗi ngày, chúng con thường kể lại chuyện này cho nhau nghe và chúng con nói với nhau rằng “Sư Phụ” của chúng mình dễ thương quá!

Mùa đông này con tu tập có hạnh phúc hơn rất nhiều. Con không biết tình thương của Mẹ là gì nhưng tình thương của Thầy đối với con ngọt ngào quá! Con thương Thầy nên cố gắng tu cho thật tốt. Khi con làm điều gì đó sai, con thật sự thấy có lỗi với Thầy. Con đã cố gắng làm bất cứ cái gì mình có thể để giúp chúng và giúp các sư chị sư em khi các chị em cần đến con. Và mỗi lần gọi “Thầy ơi”, con biết Thầy đang âm thầm đáp lại “Ơi!” cho con và Thầy đang mỉm cười.