Chuyện cái tên

 

Trong văn học có nhiều môn học khác

Con thường hay hỏi Thầy rằng sao con không thích môn Văn mà Thầy lại đặt tên con là Văn Nghiêm. Rồi con kể Thầy nghe là hồi nhỏ con thích môn Toán như thế nào… và muốn sau này mình sẽ là giáo viên dạy toán như mẹ con vậy. Thầy chỉ cười hiền lành và nói: “Nếu con nhìn kỹ thì thấy trong Văn có Toán. Mình không được có sự phân biệt thiên lệch như thế. Tên Văn rất là hay. Ngày xưa có những ông quan văn giúp nước rất nhiều. Một nhà văn giỏi là phải nắm rõ tình hình đất nước. Nếu ông vua biết dùng quan văn và quan võ thì nước sẽ mạnh và phát triển nhiều lĩnh vực mà không chỉ dùng binh lực và vũ khí. Đó là yếu tố bất bạo động và áp dụng hiệu quả phương cách chỉ trì tác phạm. Ngăn ngừa hơn là xử phạt.”

Thầy vẫn biết con không chịu viết văn nên có dịp Thầy lại khai thị cho con học hiểu và chấp nhận cái tên của mình. Thầy dạy: “Trong văn học có rất nhiều môn học khác như sử, địa, ngôn ngữ, văn hóa, khoa học, vật lý, xã hội, triết học và cả toán học nữa đó!” Thầy lại cười, nụ cười của Thầy làm cho sự háo thắng của con bị điểm huyệt khi con cứ một mực không chịu để mất quá nhiều thời giam cho việc viết lách. Nhưng con bắt đầu chịu ngồi yên hơn một chút với cái tên của mình. Thầy thường khích lệ văn phải ôn, võ phải luyện. Ở Làng, thiên nhiên đẹp như vậy mà không biết thưởng thức thì tiếc thật! Rồi Thầy dạy mùa xuân Thầy đi khóa tu, con ở Làng nhớ chơi với thiên nhiên và viết thư kể cho thầy nghe chuyện ở Làng. Thầy cũng đọc cho con nghe bài Cúc cu đúng hẹn rồi Giao cảm, Padmapani,… Mỗi bài thơ chuyên chở bao nhiêu là hình ảnh đẹp và nó hay vì có đôi mắt và đôi tai cùng nhịp thở của sự sống tỉnh thức. Nếu mình biết nuôi dưỡng cái đẹp thì câu chữ của mình cũng là một liều thuốc trị liệu. Thế là con chịu ngồi yên, ngoan ngoãn nghe theo sự chỉ bày của Thầy.

 

 

Có hôm thầy hỏi: “Con có biết Văn Lang là gì không?” Con nghĩ liền đến niên hiệu nước Việt những năm đầu. Nhưng Thầy cười và nói: “Lang là lành, ngày xưa ông thầy thuốc là thầy lang. Văn lang là ông thầy thuốc trị bệnh bằng văn chương”. Ôi! Con nghe xong là như bị điểm huyệt vậy đó. Con lại đứng ngây người ra vì ngạc nhiên và bối rối. Từ hôm đó, Thầy bắt đầu hướng dẫn con viết đề tài nào là con y giáo phụng hành. Con không bị kẹt vào ý niệm “văn nói láo, báo nói thêm” như ngày xưa nữa. Nhưng nhiều khi thấy mình phải loay hoay tìm hiểu, nghe ngóng mới tập viết được. Nhiều hôm làm biếng con vẫn phải tranh thủ ngồi luyện viết mà thở đau cả ruột. Thầy gặp con và chỉ nhắc chừng: “Con có làm biếng không đó!” tức là có đủ hạnh phúc và bình an không vậy? Con chắp tay mỉm cười. Ôi! Thầy luôn theo sát sự thực tập của con.

Con là “beautiful in the temple”

Thời gian làm thị giả cho Thầy là thời gian Thầy không được khỏe. Con thấy Thầy thường nghe Nhật tụng thiền môn trong những ngày Thầy bệnh. Cũng nhờ vậy mà con có động lực học kinh, chép kinh mỗi lúc con không đủ khỏe. Và mỗi lần cầm cuốn kinh Nhật tụng con lại thấy như đây là một tặng phẩm mà Thầy đã dày công biên soạn và trân quý. Nhưng canh cánh trong lòng con vẫn không hiểu về chuyện cái tên của mình nên lựa ngày đẹp trời con thưa thật với Thầy là con không hiểu vì sao Thầy đặt tên con là Văn Nghiêm và lại bắt con viết văn nữa. Con chẳng thích công việc này và luôn tránh né vì những luật lệ văn chương, câu cú… Lâu nay, con thường cho rằng người ta cho mình ăn bánh vẽ qua từ ngữ. Con còn tâm sự là hồi nhỏ, con là đứa mê đọc sách và con đọc hết cả tủ sách gia đình và thư viện. Nhưng lớn lên thì con thấy thế giới văn chương là không thật và như ảo ảnh làm con bị “tẩu hỏa nhập ma” vì quá nhiều điều hay đẹp có trong sách mà con không chạm tới được. Nhưng có một sự thật là con thích giọng văn của Thầy.

Mỗi lần đọc sách Thầy, con thấy mình được nuôi dưỡng và trị liệu, con có cảm giác an ổn và đầy tình thương. Trong sách, Thầy thường chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc đời tu học của Thầy như là đang soi gương lại cuộc đời mình. Đây là một cách viết khá độc đáo mà từ nhỏ đến giờ con mới thấy – viết về những cái rất là mình, những suy tư, thao thức, những khổ đau, hạnh phúc đơn giản mà rất thực và sống động.

Rồi có một buổi chiều Thầy tình cờ ghé qua xóm Mới. Khi được tin Thầy đến, con vội vội vàng vàng ra đón Thầy nhưng Thầy đã đi tới thiền đường và bước ra bãi cỏ sau lưng thiền đường. Thầy đang đi ngang qua bụi hồng trên thảm cỏ xanh mướt mới trồng trong ánh nắng chiều đổ xuống mái tháp chuông. Con đứng nhìn ngây người, quên mất là mình đang làm thị giả cho Thầy. Thầy ngoái lại nhìn tinh nghịch như chọc quê con và nói nhỏ: “Con là beautiful in the temple”. Thầy cười và thả những bước chân thảnh thơi trong sân chùa như một người tự do. Đây là lần thứ hai con bắt lại khoảnh khắc thật đẹp không bút mực nào tả xiết; một lần ở đồi thông Từ Hiếu và lần này tại xóm Mới. Để rồi mỗi khi nhìn bụi hồng hay bắt gặp một tia nắng, một bông hoa là con lại thấy nụ cười bao dung của Thầy trong sân chùa ngày ấy.

 

 

Học một chữ Văn

Từ ngày hiểu cái tên mới này, con bắt đầu thấy như mình gần với thiên nhiên hơn. Ngồi trong gia đình pháp đàm, mỗi khi giới thiệu tên bằng tiếng Anh con thấy mình vui vẻ hơn với cái tên Văn là “beautiful in the temple”.

Học một chữ Văn cũng mệt rồi

Can gì tìm kiếm nơi xa xôi

Đi đứng thong dong cười tĩnh mặc

Gặp người, gặp Bụt đó người ơi.

Đó là bốn câu thơ cho những ngày con mới xuất gia, con tập tác ý với cái tên Thầy cho. Rồi những ngày được Thầy khai thị, con bắt đầu thấy mình may mắn khi có cái tên đẹp như vầy, nên bốn câu thơ sau thể hiện được niềm vui an ổn hơn trước một chút.

Học một chữ Văn cũng đủ rồi

Thôi đừng tìm kiếm ở xa xôi

Đông Tây kim cổ mình hội lại

Cho nắng hoa cười em cùng tôi.

Ôi chao thơ con làm bắt đầu có hoa, có nắng, thật ngạc nhiên! Con khoe với Thầy và viết thư sám hối với Thầy về sự bướng bỉnh của mình. Thầy chỉ cười và nói: “Hồi xưa Thầy cũng vậy! Có nhiều bài thơ Thầy làm bị hiểu lầm lắm, nhưng sau này Thầy sống được với nó nhiều hơn và rất thật nữa. Cho nên con phải thấy thơ văn đi ngang qua con người mình rất hay mà đừng có tri giác “văn nói láo, báo nói thêm” mà tội nghiệp. Con phải tập viết văn đúng với sự thật”. Con “dạ” khe khẽ, thầm công nhận những gì Thầy nói và đã làm bằng cả cuộc đời Thầy.

Không chỉ là ước mơ

Nhìn lại những tháng ngày về lại Việt Nam như lời hẹn ước sau mười năm, con ung dung khi thấy mình không phải lo lắng gì nhiều, cứ nương sư chị, sư em mà đi tới thôi. Các bài pháp thoại thì đầy trên mạng, thích bài nào thì nghe bài đó, thời buổi công nghệ mà! Nhưng thời gian đầu về Trạm Tịch, có rừng cây che phủ nên con như cách biệt với thế giới bên ngoài. Các  sư em thì chưa tiếp xúc với Thầy trực tiếp, lại không quen với giọng nói nhẹ nhàng của Thầy nên cứ than buồn ngủ và không hiểu khi chỉ mở pháp thoại của Thầy bằng băng đĩa. Thế là phải nghĩ ra chiêu học cùng các sư em qua các lớp học như thời Bát Nhã thôi!

Lúc đầu con rất cứng khi hướng dẫn cho các em học lớp Đường xưa mây trắng, một tác phẩm nổi tiếng của Thầy được mọi người yêu chuộng. Thầy đã từng dạy con viết lại Đường xưa mây trắng, thêm phần lịch sử của chư Tổ vào. Con thật sự bối rối khi Thầy dạy điều này. Có sư cô nói với con rằng Thầy chỉ thử sức con thôi. Con cũng thấy mình chưa dành thời gian để học hết lòng tác phẩm này, nên con cho qua. Rồi cơ duyên về Trạm Tịch, các sư em đề nghị con đứng lớp môn này như là cơ hội để sư chị sư em học chung, chơi chung như cách học gia đình mà Thầy hay kể cho con nghe. Con tự nghĩ, hay mình thử lối học này, và con sẽ kể chuyện như Thầy đã từng kể cho chúng con nghe vậy đó. Rồi con nghe vang vọng lời Thầy cùng ánh mắt nhìn con như khích lệ, động viên và nói: “Thầy tin con làm được mà!” Nên con lấy cơ hội này để học lại tác phẩm mà Thầy đã từng kể cho con nghe vì sao Thầy viết và vì sao nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Lại nhớ hình ảnh Thầy vừa viết, vừa đặt tay lên lò sưởi, hiện về cùng bao tâm sự khi ban biên tập trang nhà phỏng vấn Thầy nhân dịp kỉ niệm 30 năm Làng Mai. Thế là con học cách “vừa học vừa trông em” như ngày còn bé.

Vừa học, vừa chơi, vừa ôn lại tháng ngày được ở bên Thầy, trong vòng tay Tăng thân, con như thấy Thầy đang hiện diện nơi thiền đường Trạm Tịch thân yêu. Để mỗi sáng tập thể dục con lại thấy mình đang hòa vào núi đồi xanh ngát, cùng những ánh nắng tinh khôi đầu ngày xuyên qua tán lá thật đẹp. Đôi mắt con hay đôi mắt Thầy nhỉ? Đôi khi con không tin mình đã là một người biết thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên nếu không có Thầy đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời này. Thành kính tri ân tình Thầy.

(Chân Văn Nghiêm)