Thư Thầy

Con đã về tới chưa?

Thư Thầy, ngày 2.6.2014

Nội Viện Phương Khê, ngày 2 tháng 6 năm 2014

Thương gửi các con của thầy khắp nơi,

Hôm qua, ngày 1 tháng 6 năm 2014, là ngày thiền sinh các nước tới để tham dự khóa tu 21 ngày tại Làng Mai về đề tài “Cái gì xảy ra khi ta  chết?”. Các thầy và các sư cô ở bốn xóm của Làng Mai đã ra ga và phi trường để đón thiền sinh về Làng. Khoá tu này có tới trên 700 thiền sinh tham dự.

Có hai sư cô ở xóm Hạ trên đường ra ga đã ghé Nội viện để trao lại một lá thư của ai đó gửi về xóm Hạ cho Thầy. Đó là các sư cô Lưu Nghiêm và Ngộ Nghiêm. Thầy hỏi Lưu Nghiêm: “Thiền sinh đã về tới gần đủ chưa?” Lưu Nghiêm trả lời: “ Dạ thưa thầy, họ đã về tới gần đủ”. Thầy hỏi tiếp: “ Còn con, con đã về tới chưa ?” Lưu Nghiêm ngập ngừng. Có lẽ bởi câu hỏi hơi đột ngột. Nhưng cuối cùng Lưu Nghiêm cũng chắp tay lại và trả lời Thầy: “Dạ thưa, con đã về tới”.  Sau khi Lưu Nghiêm và Ngộ Nghiêm chào Thầy để ra xe , Thầy cũng mặc áo đi ra thiền hành ở trong khuôn viên Nội Viện. Thầy nghĩ  là mấy trăm thầy trò nhà mình ở Làng phải thật sự về tới, mình mới có thể làm hạnh phúc cho hơn 700 thiền sinh về tu học với mình. Mình chưa về tới thì mình chưa đủ vững chãi, thảnh thơi và sự tươi mát để giúp người và độ đời.

“Về tới” có nghĩa là đã giải tỏa được những gì chưa ổn định trong lòng, có khả năng chế tác hỷ, lạc và chăm sóc cho những tâm hành chưa phải là hỷ lạc. Cái mà thiền sinh được thừa hưởng nhiều nhất khi về Làng không phải là những bài pháp thoại hay, hoặc những khung cảnh nên thơ và thanh tịnh của các xóm, mà là năng lượng tập thể bình an, tươi mát và tình huynh đệ trong đại chúng mà họ cảm nhận được khi bước chân về Làng.

Mục đích của thầy trò ta khi đi xuất gia là được độ người và giúp đời. Một khóa tu như khóa tu này là một cơ hội để chúng ta độ người và giúp đời. Mà khả năng độ người và giúp đời của chúng ta tùy thuộc vào khả năng chế tác năng lượng hỷ, lạc và bình an của chúng ta. Trong khi chúng ta lái xe đi đón thiền sinh, ghi tên cho họ, chuẩn bị phòng ốc cho họ, nấu cơm cho họ ăn, hướng dẫn cho họ thực tập,v.v. Chúng ta  phải làm những công việc ấy như thế nào để trong khi làm, ta vẫn có thể chế tác được hỷ, lạc và bình an. Đó là bí quyết của sự thành công.

Ở ngoài đời, có nhiều người làm việc rất giỏi, và giỏi hơn chúng ta nhiều, nhưng vì có người không biết cách chế tác hỷ lạc và bình an cho nên dễ bị căng thẳng và không tiếp tục lâu dài được. Họ không tiếp tục lâu dài được, một phần cũng vì họ không có một tăng thân vững mạnh để nương tựa. Còn chúng ta, chúng ta có một tăng thân. Thầy nhờ có các con, nhờ có tăng thân cho nên đến tuổi nầy mà Thầy vẫn còn tiếp tục được làm những gì mà Thầy ưa làm. Các con cũng vậy. Nếu các con nương vào tăng thân, đồng thời biết chế tác hỷ, lạc và bình an trong khi giúp người và độ đời thì các con cũng sẽ giữ được tâm bồ đề lâu dài. Chúng ta phải nương tựa vào nhau, phải nhắc nhở nhau để mọi người cùng nhau thực tập chế tác hỷ, lạc và bình an.

“Đã về tới” không có nghĩa là ta không còn vấn đề. Dù ta còn vấn đề, nhưng nếu ta có phương pháp thực tập và có niềm tin nơi tăng thân thì ta vẫn chế tác được bình an, dù vấn đề còn đó. Ở ngoài đời có những cơn sóng gió rất lớn, như những cuộc biểu tình và đảo chánh ở Thái Lan, hay những cuộc xung đột biển đảo ở Thái Bình Dương. Biển Đông hiện giờ đang nổi sóng. Nhưng sóng gió trong lòng ta cũng như sóng gió trong tăng thân, so với sóng gió ngoài đời thì không có nghĩa gì cả. Đó chỉ là sóng gió trong một bát canh. Và bát canh này lại là một bát canh chay, thành ra sóng gió này có thể được bình định một cách dễ dàng bằng những pháp môn thực tập hàng ngày như thiền đi, thiền thở, pháp môn chế tác hỷ lạc, làm lắng dịu niềm đau, ôm lấy nỗi khổ niềm đau của mình và nhận diện nỗi khổ niềm đau nơi người, lắng nghe, ái ngữ, v.v. Những thực tập căn bản ấy chúng ta đã được trao truyền và chúng ta đang thực tập hằng ngày. Chế tác bình an vì vậy là một pháp thực tập  mà ta có thể ứng dụng và thành công trong vòng năm phút hay nửa giờ. Và do sự thực tập đó mà ta có rất nhiều năng lượng hỷ, lạc và bình an để hiến tặng cho những thiền sinh đang tới với chúng ta .

Thầy trò ta biết nuôi nhau bằng lý tưởng độ đời. Mình cũng biết nuôi nhau bằng sự có mặt tươi mát và bình an của nhau. Thầy biết giờ này đây ở xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới,  xóm Sơn Hạ, xóm Vô Ưu, xóm Chùa Đại Bi, xóm Trăng Tỏ, xóm Trời Quang, xóm Vững Chãi, xóm Trong Sáng, xóm Tùng, xóm Hạc, xóm Mai Vàng,  xóm Trúc Xanh, xóm Liên Trì, xóm Trúc Lâm, xóm Diệu Trạm,  xóm Từ Hiếu, xóm Hơi Thở Nhẹ, xóm Từ Đức, xóm Long Thành v.v. các con của Thầy đang sống và làm việc như những bầy ong siêng năng, biết chế tác năng lượng hỷ, lạc và bình an để nuôi nhau, nuôi Thầy và làm hạnh phúc cho thiền sinh. Chúng  ta đang có mặt cho nhau và cho những người đến với chúng ta.

Hiện giờ trên xóm Thượng, có thầy đã viết một câu trên bảng tăng xá: Sự có mặt của chúng ta là món quà quý nhất cho thiền sinh. Chúng ta có mặt trong giờ xướng tụng, trong buổi thiền hành, trong buổi thiền tọa, trong buổi pháp đàm, trong bữa cơm chánh niệm. “I am here  for you”, đó là câu linh chú thứ nhất. Và chúng ta thực tập câu linh chú thứ năm “This  is  a legendary moment” (Đây là một giây phút huyền thoại). Trong Đại Giới Đàn Cam Lộ Vị ở Làng Mai, những câu linh chú ấy đã đem lại biết bao nhiêu là hạnh phúc cho tất cả mọi người, từ giới sư tới giới tử…

Khóa tu 21 ngày sẽ được tiếp nối bởi khóa tu mùa Hè và các khóa tu ở Học Viện Ứng Dụng châu Âu. Chúng ta có cơ hội để phụng sự. Ở Thái Lan, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Việt Nam và bao nhiêu nơi khác mà chúng ta đang có mặt, cỗ xe Phật Học Ứng Dụng đã lên đường, đã và đang tạo ra bao nhiêu kỳ tích. Hạnh phúc của chúng ta lớn lắm, vì chúng ta có tăng thân, có tình huynh đệ, có cơ hội phục vụ. Chúng ta không có lý do gì để than phiền, dù trên con đường phục vụ chúng ta có gặp nhiều trở ngại. Nhưng những trở ngại này cũng là những cơ hội để chúng ta được học hỏi và lớn lên. Đức khiêm cung nhờ đó mà vững mạnh.

Thầy ôm tất cả các con vào lòng.

Thầy

Nhất Hạnh.