Áo vách đá, áo vách núi, và áo núi lam
Thư ngày 06.05.2009
Viện Vô Ưu, Walbröl, 06.05.09.
Thân gởi các con của thầy ở Bát Nhã, và ở khắp nơi.
Hồi hôm ngủ ở đây, thầy đã nằm mơ thấy mình đang leo núi với Bụt, và với bé Hải Triều Âm. Lúc đó khoảng hai giờ khuya bên này, tức là vào khoảng tám giờ sáng ở Việt Nam.
Trong giấc mơ, thầy thấy Bụt còn trẻ lắm, khoảng 60 tuổi, còn thầy thì độ 50 tuổi và bé Hải Triều Âm thì 10 tuổi. Bụt không đầy đặn, phúc hậu như thầy Lệ Trang, mà hơi ốm ốm cao cao như thầy Pháp Hộ. Bụt leo núi thoăn thoắt; thầy đi theo sát Ngài, thầy leo cũng khá giỏi, còn bé Hải Triều Âm thì khỏi nói. Bụt và thầy không cần đợi nó. Tuy làm thị giả nhưng bé Hải Triều Âm chẳng mang theo trà nước gì cả, chỉ mang theo một chiếc túi kinh màu nâu, trong đó không biết có chứa gì không. Bụt không mang bát, thầy không mang bát, và bé Hải Triều Âm cũng chẳng mang theo bát của nó. Thầy và bé Hải Triều Âm đang đóng vai làm thị giả cho Bụt thay thầy A Nan. Nhưng thầy và bé Hải Triều Âm làm sao làm khéo như thầy A Nan, tại vì hai thầy trò đâu có giúp được gì cho Bụt, kể cả việc mang y và bát cho Ngài.
Núi mà Bụt, thầy và bé Hải Triều Âm đang leo hơi giống núi Thứu, nhưng không phải là núi Thứu. Ở đây, ngoài những vách đá màu lam, còn có những vách đá sừng sững màu nâu, khó leo hơn ở núi Thứu nhiều. Leo hết tầng này đến tầng khác, những tầng núi liên tiếp hiện ra trông hùng vĩ vô cùng. Thầy không thấy mệt mà chắc bé Hải Triều Âm cũng không biết mệt. Được leo núi với Bụt là một diễm phúc lớn, làm sao thấy mệt cho được hở các con?
Trong cuộc đời thật, bé Hải Triều Âm, tức là thằng Tý trong sách Tý, chiếc lá ổi non và trong sách Tý, cây tre triệu đốt, năm nay đã suýt soát 40 tuổi, đã đậu bằng tiến sĩ luật, đã lập gia đình. Trong giấc mơ, bé Hải Triều Âm chỉ có 10 tuổi, vẫn thơ ngây chăm chú như những ngày còn sống ở cư xá Hồ Đào, Xóm Hạ, Làng Mai trong những năm đầu Làng mới mở cửa. Nó mặc một chiếc áo nhật bình màu khói hương, và đeo một chiếc túi vải màu nâu. Thầy mặc áo tràng màu nâu. Và điều lạ nhất là Bụt cũng mặc áo tràng màu nâu, chứ không khoác áo Tăng già lê theo kiểu Nam Tông. Xem bộ Bụt cũng ưa mặc áo tràng màu nâu, màu áo của giới xuất gia ở Việt Nam. Hoặc giả là Bụt muốn “đồng sự” với thầy và bé Hải Triều Âm nên đã mặc áo tràng để cùng leo núi cho vui? Sự thực là tại Làng Mai, có nhiều thầy gốc Thái Lan, Nhật Bản, Đại Hàn, Nam Dương, Sri Lanka, Lào, Campuchia… sau một thời gian sống chung với các thầy ở Tăng xá Xóm Thượng Làng Mai cũng đã cất y Tăng già lê của họ để mặc áo tràng nâu với các thầy mình cho vui, và chỉ khoác y của đất nước mình trở lại vào những dịp tụng giới và truyền giới như thầy Pittaya, thầy Sariputta, thầy Đạo Trị, thầy Ananda, sư chú Học Hiền… chẳng hạn.
Trong giấc mơ, có một lúc nào đó, Bụt dừng lại ngồi chơi ở bên một dòng suối từ vách núi chảy ra. Thầy và bé Hải Triều Âm cũng được ngồi hầu bên Ngài. Bé Hải Triều Âm tự nhiên lắm. Nó chắp tay nhìn lên Bụt, và hỏi chuyện với Bụt. Nó nói: “Bạch Đức Thế Tôn, thầy con nói, màu nâu của chiếc áo tràng mà các thầy và các sư cô ở Việt Nam thường mặc, tượng trưng cho nếp sống giản dị của người xuất gia, và cũng nói lên được sức mạnh của năng lượng bồ đề tâm của người xuất gia. Con cũng thương cái màu nâu đạm bạc ấy lắm. Nhưng tại sao mình lại gọi chiếc áo nâu đó là áo tràng? Áo tràng là áo gì, bạch Đức Thế Tôn?”
Bụt đưa mắt nhìn ra những dãy núi cheo leo rồi nhìn lại bé Hải Triều Âm bằng một cái nhìn rất dễ thương, Ngài nói: “Con có thể gọi chiếc áo tràng ấy là áo vách núi, áo núi đá, hoặc áo vách núi đá”.
Giấc mơ của thầy chấm dứt đột ngột sau câu nói của Bụt. Thức dậy, thầy tiếc ngẩn ngơ, tại vì giấc mơ đẹp quá. Thầy nằm thở, và cố ghi nhớ lại những chi tiết của giấc mơ. Câu nói của Bụt vừa được ghi lại ở trên, thầy chỉ bảo đảm là đúng khoảng 70% mà thôi. Hình như Bụt chỉ dùng một cái tên thôi, hoặc đó là áo vách núi, hoặc là áo núi đá, hoặc là áo vách núi đá. Nhưng có một điều chắc chắn là tên áo chỉ có hai chữ, hoặc là núi đá, hay đá núi, hoặc vách núi, hoặc vách đá, chứ không thể là vách núi đá, cái tên ba chữ quá dài. Thầy ghi lại tất cả cho chắc ăn, đứng về phương diện ý, chứ không phải Bụt đã dùng từng chữ rành rọt như thế.
Bé Hải Triều Âm là một chú tiểu mặc áo nhật bình màu lam, nghĩa là màu khói hương hay khói sương. Đó là màu núi đá trên núi Linh Thứu. Màu lam này không hẳn là màu xanh. Nó chỉ là màu khói sương, nó là màu áo nhật bình mà cũng là màu áo Gia đình Phật tử. Nó cũng đại diện cho sự thanh khiết nhẹ nhàng của khói hương, sương lam, và hùng khí của núi rừng. Núi Lam là vùng đất thiêng nơi vị anh hùng áo vải Lê Lợi chuẩn bị cuộc đánh đuổi quân Minh xâm lược. “Vầng ô lên, sương tan mờ trong mây núi”. Cho nên màu lam cũng là mầu của hùng lực. Chiếc áo tràng màu nâu mà các vị xuất gia Việt Nam đã sử dụng từ hai ngàn năm nay cũng đại diện cho nếp sống lành mạnh và đạm bạc của người dân quê Việt Nam. Dân quê Việt Nam ưa mặc màu nâu. Các cô thôn nữ Việt Nam ngày xưa và cả bây giờ mặc áo dài màu nâu non rất đẹp. Màu nâu thầm lặng đơn sơ và có nhiều hùng lực. Cho nên thầy đã từng nói với bé Hải Triều Âm là các vị xuất gia trẻ đệ tử của thầy nên giữ lấy màu nâu ấy của truyền thống Phật giáo Việt Nam, và chỉ nên đắp y vàng trong những lễ truyền giới và tụng giới. Bé Hải Triều Âm đã nhớ điều đó, và đã thỏ thẻ bạch lên Đức Thế Tôn trong chuyến leo núi hôm qua. Giờ này, ngồi viết thư cho các con, nhớ tới hình ảnh của Đức Thế Tôn trong chiếc áo tràng màu nâu, thầy cảm thấy rất vui. Đức Thế Tôn “đồng sự” với mình đó. Thầy tính đề nghị với các con là từ nay, mình gọi áo nhật bình màu lam là áo núi lam, và gọi chiếc áo tràng màu nâu là áo vách núi. Ở các tu viện Lộc Uyển và Bích Nham có những vách núi rất cheo leo mà các thầy các sư cô mình hay ưa trèo lên. Vách đá cheo leo là một cụm từ rất thiền. Nó tượng trưng cho một con đường khó đi, nhưng leo tới được thì hạnh phúc vô cùng. Con đường xuất gia cũng là một con đường khó đi, nhưng rất đẹp. Chúng ta đều đang được leo núi với Đức Thế Tôn. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ cũng đã có khi muốn bỏ tất cả để được đi leo núi. Ông có nói tới một cây thông đứng vững chãi trên sườn núi cheo leo, độc lập không bị hệ lụy vào bất cứ vào một tình huống nào. Đó đích thực là hình ảnh của một người xuất gia. Ông viết:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa vùng vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông”.
Thầy trò mình tuy rất ưa leo lên các vùng vách đá, nhưng thầy trò mình vẫn muốn kiếp sau cứ được làm người như thường. Bài sám Quy mạng của chúng ta trong sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 có câu:
“Kiếp sau xin được làm người
Sinh ra gặp pháp, sống đời chân tu
Dắt dìu, nhờ bậc minh sư
Nương vào chánh tín, hạnh từ xuất gia”.
Thầy rất hạnh phúc mỗi khi nhớ tới là thầy trò chúng ta trong giờ phút hiện tại đang được cùng nhau leo lên ngọn đồi thế kỷ thứ hai mươi mốt. Chúng ta đã leo gần được mười năm rồi (năm nay đã là năm 2009). Năm 2050, chúng ta sẽ đứng trên đỉnh đồi và chắc chắc là khi nhìn xuống sẽ thấy đẹp lắm, không thua gì đứng trên núi Thứu. Thầy Giác Thanh đệ nhất trụ trì tu viện Lộc Uyển trước giờ thị tịch đã được thầy trao một bài kệ (1), và sau khi thị tịch còn được thầy trao thêm một câu đối. Câu đối như sau:
“Một lá ngô đồng rơi, người vẫn cùng ta leo đồi thế kỷ
Ngàn hoa thủy tiên hé, đất cứ theo trời hát khúc vô sinh”.
Hai câu này đã được khắc trên tháp kỷ niệm của thầy Giác Thanh tại một vách đá cheo leo trên tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.
Trong truyền thống Thiền, có một tác phẩm rất nổi tiếng bình giảng về các công án Thiền, đó là sách Bích Nham Lục. Nham là vách đá. Bích là màu xanh lam. Núi Yên Tử nơi Trúc Lâm Đại Sư Trần Nhân Tông tu học và hành đạo cũng là một vùng đất thiêng, đầy sương khói màu lam. Màu áo của chúng ta có truyền thống lâu đời, các con nhớ giữ cho được hai màu áo ấy, màu lam và màu nâu.
Ở Bát Nhã không có vách núi cheo leo nhưng thầy trò mình cũng đã leo đồi xuống suối nhiều lần, và lần nào cũng có rất nhiều hạnh phúc. Con đường xuất gia không phải là một xa lộ êm ái mà là một con đường cheo leo. Các con đã leo núi rất giỏi. Bé Hải Triều Âm đã leo núi rất giỏi, vì có Bụt cùng leo. Thầy cũng vậy. Cho nên thầy trò ta đều đang có nhiều hạnh phúc, dù vẫn còn gặp những khó khăn. Các con là những người xuất gia hay tại gia đã từng lên tu tập ở Bát Nhã hay các đạo tràng khác như Từ Hiếu, Bích Nham, Lộc Uyển, Đình Quán, Trúc Lâm, Diệu Trạm… tất cả các con đều là bé Hải Triều Âm của thầy, vẫn còn giữ được tâm hồn vô tư trong sáng của người trẻ tuổi có chí nguyện độ đời. Dù chưa phải là người xuất gia, các con cũng có thể sử dụng hai màu áo ấy. Cái cách chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, tu tập trong niềm vui, và chế tác tình huynh đệ hàng ngày đủ để làm cho mọi người trong xã hội nhận ra được chúng ta là ai.
Chúng ta là sự nối tiếp của Bụt và chư Tổ sư, trong đó có Trúc Lâm Đại Sĩ, Thiền sư Lâm Tế, Thiền sư Liễu Quán và Thiền sư Nhất Định. Chúng ta đi như một dòng sông, và chúng ta cũng đồng thời đang leo đồi thế kỷ với rất nhiều niềm vui.
Thầy đang ở tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu trong một chương trình hướng dẫn tu tập cho thiền sinh người Đức. Mấy hôm nay, người trẻ Đức tới tu tập đông lắm. Ngày thứ sáu, 08.05.09 tới đây, Tăng đoàn áo đá vách núi đã được ông Thị trưởng thành phố mời tới tòa thị chính để chào mừng, vì đây là lần đầu tiên có những ngày quán niệm được tổ chức tại thành phố xinh đẹp này. Các thị giả của thầy, thầy Pháp Hy và thầy Pháp Hữu sẽ kể chuyện cho các con nghe về những sinh hoạt đang diễn ra tại miền trái tim của Châu Âu.
Hẹn các con ở thư sau.
Thầy của các con,
Nhất Hạnh
___________________________________________________
(1) Trượng phu tiếng đã biết
Việc cần làm đã làm
Tháp vừa dựng sườn núi
Tiếng cười trẻ đã vang.