Thư Thầy

Âm thanh huyền diệu chiếc hồ cầm

Thư ngày 13.10.2009

Thầy đang viết tiếp cho các con từ thất Thạch Lang ở tu viện Bích Nham. Hôm nay là ngày 13 tháng 10, 2009. Thầy vừa đi New York về. Ở New York, Thầy và Tăng thân đã hướng dẫn hai ngày tu tập cho khoảng trên 2000 thiền sinh Hoa Kỳ thuộc Tăng thân miền Đông Bắc. Địa điểm là nhà hát Beacon ở đường Broadway, và đề tài của hai ngày thực tập là Xây Dựng một Xã Hội An Bình và Từ Bi (Building a Peaceful and Compassionate Society). Vào lúc 12g30 ngày 10.10.09, trên hai ngàn người đã được đi thiền hành ở đại lộ Broadway để gởi năng lượng về cho các con Bát Nhã của Thầy đang an trú ở Phước Huệ.

Thầy nhớ thời gian ở Phước Huệ, Thầy đã cư trú với hai vị huynh đệ của Thầy là thầy Tâm Cát và thầy Đức Trạm, cũng suýt soát tuổi Thầy. Cả ba người trong những năm 1940 đã từng học chung ở Phật Học Đường Báo Quốc, Huế. Thầy Tâm Cát tên đời là Huyền Tôn Viễn Lâu, thầy Đức Trạm là một trong các vị đệ tử lớn của Hòa Thượng Trí Thủ ở chùa Ba La Mật. Ba anh em ở đó tu học với nhau và hướng dẫn Phật tử cùng tu học. Chiều nào ba người cũng ra chơi bóng đá ở một khu đất rộng phía sau chùa. Hồi đó, chưa có ai trong giới xuất gia biết chơi bóng đá. Hòa Thượng Thiện Minh (tức là thầy Trí Nghiễm) hồi đó còn trẻ, tuổi khoảng 25, là người xuất gia đầu tiên chịu chơi bóng đá trước nhất, cùng với các chú sa di ở chùa Linh Sơn, Đà Lạt. Những năm sau đó thì có các thầy Như Trạm, Trí Không, Long Nguyệt và một số các vị học tăng khác từ Phật Học Đường Ấn Quang cùng lên Phước Huệ tu học với Thầy. Tại chùa Phước Huệ, Thầy cũng đã mở các lớp tiểu học và trung học cho trẻ em trong làng. Sư anh Nhất Trí của các con đã được xuống tóc ở đấy. Và cùng một ngày, một cậu bé khác cũng đã được xuống tóc và thọ ba giới. Cậu chỉ được thọ ba giới, bởi vì cậu còn bé quá, mới sáu hoặc bảy tuổi gì đó. Cậu bé sau này đã trở thành Hòa Thượng Nguyên Hạnh hiện giờ là Viện Chủ chùa Việt Nam ở Houston, một ngôi chùa thuộc hạng lớn nhất ở Hoa Kỳ. Sư anh Nhất Trí của các con có nét chữ viết tay giống hệt nét chữ của Thầy, cũng giống như sư chị Lương Nghiêm khi viết bút pháp thì nét chữ cũng rất giống nét chữ của Thầy. Sư anh Nhất Trí của con là một trong những người đi đầu trong phong trào Thanh Niêm Phụng Sự Xã Hội, và đã góp công xây dựng hai làng Tình Thương đầu tiên của phong trào này là làng Cầu Kinh và làng Thảo Điền. Chính Hòa Thượng Châu Đức đã mang sư anh từ Quảng Nam vào và gởi gắm cho Thầy. Những học sinh theo các lớp tiểu học hoặc trung học thời đó ở Bảo Lộc bây giờ đây đều đã trên sáu mươi hoặc bảy mươi, đa số đều đã trở thành ông nội hoặc bà ngoại… Các con hãy mỉm cười đi. Các con còn rất trẻ, hãy tập sống sâu sắc trong giây phút hiện tại, hãy cười bằng những nụ cười rất tươi và rất thật, hãy nhìn bằng con mắt thật hiền và thật sáng, hãy học thương yêu và tha thứ ngay trong giờ phút hiện tại, hãy chế tác những giây phút hạnh phúc với sự thực tập chánh niệm… để đừng trở thành những bậc đại lão hòa thượng sớm quá. Sư Ông của các con, Tổ Thanh Quý Chân Thật, đã giữ được tâm hồn trẻ thơ trong trắng của Ngài cho đến tuổi 80. Đó là nhờ Sư Ông đã nuôi nấng được Tâm Ban Đầu nguyên vẹn. Sư thúc Chí Mậu đã kể rằng vào giờ thị tịch, Sư Ông đã nằm trong tư thế sư tử tọa với hai bàn tay chắp lại thành búp sen. Thầy trò mình cũng mong ước thực tập được như Sư Ông, giữ gìn chí nguyện và Tâm Ban Đầu cho nguyên vẹn trong suốt một đời tu. Năng lượng của Tâm Ban Đầu đem lại cho chúng ta và cho những người thương của chúng ta rất nhiều hạnh phúc. Mà Tâm Ban Đầu là loại thực phẩm quý giá nhất của một người tu.

Trong chuyến đi này ở Bắc Mỹ, khi giảng dạy về Bốn Nguồn Thực Phẩm, Thầy đã đề cập tới Tư Niệm Thực trước, rồi mới nói tới Thức Thực, Xúc Thực và Đoàn Thực. Cách giảng dạy này được áp dụng bắt đầu từ khóa tu dành cho người xuất sĩ tổ chức ở Tu viện Lộc Uyển. Thầy mong các con Thầy khắp nơi có dịp được nghe ba bài pháp thoại của khóa tu ấy. Tâm Ban Đầu cũng gọi là Sơ Tâm hay Bồ Đề Tâm, là nguồn thực phẩm cần thiết nhất của chúng ta. Nó thuộc về nguồn thực phẩm thứ nhất là tư niệm thực. Ở ngoài đời, người ta gọi nó là lý tưởng, là chí hướng, là ước muốn sâu sắc nhất của một đời người. Có cái lý tưởng đó thì tự khắc ta có một nguồn năng lượng lớn giúp ta đi tới, vượt thắng được mọi chướng ngại, thực hiện được những mơ ước và đạt được nhiều hạnh phúc. Người không có lý tưởng và chí hướng là người không có sức sống. Đối với chúng ta, những người tu, lý tưởng ấy là chuyển hóa khổ đau trong ta và giúp đời chuyển hóa. Chúng ta đã đến với nhau vì lý tưởng ấy chứ không phải vì tìm cầu danh lợi, quyền hành và sắc dục. Và vì biết rằng danh lợi, quyền hành và sắc dục là thứ tư niệm thực có thể mang lại nhiều hoạn nạn và khổ đau cho thân tâm cho nên chúng ta đã quyết tâm từ bỏ chúng để đi tìm một nguồn tư niệm thực lành mạnh hơn, đó là tâm bồ đề. Tâm bồ đề lúc ban đầu mạnh lắm, nó giúp ta cắt đứt và buông bỏ hệ lụy một cách dễ dàng. Trong suốt một đời tu, ta phải biết nuôi dưỡng tâm ấy, đừng để nó bị soi mòn. Và do đó ta phải có nguồn thực phẩm thứ hai, đó là thức thực, nghĩa là tâm thức cộng đồng của một Tăng thân. Tăng thân là một đoàn thể của những người có cùng một chí hướng. Mọi người trong Tăng thân đều có nguồn năng lượng của tâm bồ đề, ai cũng muốn thực tập để chuyển hóa tự thân và để đóng góp vào sự nghiệp độ đời. Tăng thân trong khi sống đời sống lục hòa cọng trú, chế tác được năng lượng tập thể của Niệm, của Định và của Tuệ. Chính năng lượng này giúp nuôi dưỡng tâm bồ đề của mỗi thành phần trong Tăng thân. Sở dĩ các con của Thầy yêu mến Tăng thân, không muốn rời Tăng thân, tìm mọi cách để xây dựng Tăng thân, đó là vì các con có nhu yếu được nuôi dưỡng bởi năng lượng tập thể này. Cho nên khi người ta muốn giải tán Tăng thân thì các con đã tìm mọi cách để bảo hộ Tăng thân, không để cho Tăng thân tan rã.

Ở ngoài đời, những người đi làm cách mạng cũng có tâm bồ đề của họ. Họ có lý tưởng, họ có chí nguyện cứu nước, cứu dân, đánh đuổi quân xâm lược, tranh đấu cho nền độc lập của đất nước. Tư niệm thực của người đi làm cách mạng cũng lớn không kém tâm bồ đề của người tu. Và người làm cách mạng cũng cần đến một Tăng thân để nuôi dưỡng chí nguyện ấy, đó là tổ chức cách mạng của họ. Nếu trong Tăng thân chúng ta có tình đồng đạo, thì trong tổ chức cách mạng cũng có tình đồng chí. Chính cái tình đồng chí ấy là nguồn tư niệm thực nuôi dưỡng được chí khí và hành động của người cách mạng. Xây dựng tổ chức cách mạng phải có đạo đức cách mạng: liêm khiết và chính trực là hai đức tính căn bản của một tổ chức cách mạng. Cũng như giới, định và tuệ là bản chất của một Tăng thân. Nếu ta không thực tập giới luật, uy nghi và chánh niệm thì ta không nuôi dưỡng được năng lượng của Tăng thân. Nếu người cách mạng không thực tập liêm khiết và chính trực thì không nuôi dưỡng được tổ chức cách mạng và ngọn lửa cách mạng sẽ tàn lụi. Một Tăng thân cũng thế, nếu không có sự thực tập lục hòa cọng trú với năng lượng của niệm, định và tuệ thì Tăng thân sẽ không còn sức sống, bề ngoài thì giống như một đoàn thể tu học nhưng bên trong thì chỉ có những cá nhân đi tìm cầu tiện nghi vật chất và tình cảm cho một cuộc sống không lý tưởng. Giáo Hội là Tăng thân của mọi Tăng thân, nếu Giáo Hội được làm bằng những Tăng thân có sức sống lý tưởng của bồ đề tâm thì năng lượng của Giáo Hội sẽ hùng hậu và Giáo Hội sẽ trở thành nguồn năng lượng tư niệm thực cho cả hai chúng xuất gia và tại gia. Nếu không thì Giáo Hội chỉ là nơi người ta tới tìm cầu chức vị và quyền lợi. Nếu ngọn lửa thiêng cách mạng đã tàn lụi, thì tổ chức chính trị không còn sức sống, và những người xin gia nhập không còn là những người mang lý tưởng và chí nguyện cứu nước cứu dân nữa, mà chỉ là những người đi tìm cầu địa vị và quyền lợi mà thôi.

Khi các Cha của Dòng Chúa Cứu Thế lên tiếng để che chở cho Tăng thân Bát Nhã, Thầy thấy dòng tu này đang bảo trì được sức sống của một Tăng thân nên mới có đủ hùng lực để lên tiếng như thế. Khi Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội Lâm Đồng lên tiếng che chở và bảo hộ cho Tăng thân Bát Nhã thì Thầy thấy Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội còn bảo trì được sức sống của một Tăng thân nên mới có được đủ can đảm và tình yêu thương ấy. Mà sở dĩ các vị lên tiếng bảo vệ và che chở cho các con là vì Tăng thân Bát Nhã là một Tăng thân còn được nuôi dưỡng bởi Tâm Bồ Đề, không ai muốn chạy theo danh vọng, quyền hành và sắc dục, tất cả đều chỉ muốn tu tập và độ đời. Hồi tháng Tư năm nay, tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu bên Đức, Thầy đã nói một bài pháp thoại ngắn về Tăng thân và về cơ sở: cái quan trọng nhất là sự có mặt của một Tăng thân đẹp, còn cơ sở là vấn đề phụ thuộc. Có một trái đào thật đẹp thì mình mới đi tìm một cái đĩa hay một cái khay để đặt trái đào lên. Nếu không có trái đào thì cái đĩa hoặc cái khay ấy dùng để làm gì? Nếu không có cơ sở Bát Nhã này thì có cơ sở Bát Nhã khác, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một Tăng thân đẹp. Hành động đầu tiên của Đức Thế Tôn sau khi giác ngộ dưới cây Bồ Đề là đi tìm các bạn tu mà thành lập một Tăng thân. Dựng Tăng là sự nghiệp của các vị Bụt. Dựng Tăng cũng là sự nghiệp của bất cứ người tu nào. Cũng như người làm cách mạng thì phải xây dựng tổ chức đoàn thể cách mạng. Nếu không có Tăng thân thì sự nghiệp của một vị Bụt không thể nào thành tựu. Nếu không có tổ chức cách mạng thì sự nghiệp của người làm cách mạng không thành. Trong sáu mươi năm qua, Thầy của các con không có lúc nào bỏ lơi sự thực tập xây dựng Tăng thân. Thầy đã giúp dựng lên hàng ngàn Tăng thân trên thế giới, và mỗi Tăng thân như thế đã trở thành nơi nương tựa cho nhiều hành giả địa phương. Martin Luther King là người Thầy rất thân quen, đã nói tới Tăng thân như những “beloved communities” nghĩa là những “Tăng thân yêu quý”. Tăng thân Bát Nhã cũng là một trong những “Tăng thân yêu quý” này.

Ngày xưa khi còn là một người xuất gia trẻ, trong thời gian cách mạng chống Pháp, Thầy đã từng tìm cách che chở cho những chiến sĩ cách mạng gặp bước nguy nan tìm cách tỵ nạn trong chùa. Đây là một trong những việc làm nguy hiểm nhất: lính Pháp có thể bắn chết mình vì mình đã dám che chở cho quân kháng chiến. Các thầy Trí Thuyên, Tâm Thường và bao nhiêu vị xuất gia trẻ khác trong nước đồng lứa tuổi với Thầy đã bị bắn vì làm những công việc ấy. Hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tìm đến ẩn náu tại các ngôi chùa, và các thầy các sư cô đã luôn luôn tìm cách bảo bọc và che chở họ. Đó là vì chúng ta ai cũng có tâm yêu nước, và vì yêu nước nên mới muốn bảo hộ cho các chiến sĩ. Trong lá thư gởi cho Chủ Tịch Nước ngày 30.09.09, Thầy đã nhắc lại chuyện này. Thầy chắc rằng Chủ Tịch Nước hồi còn làm một chiến sĩ cách mạng, cùng với bao nhiêu chiến sĩ khác mà bây giờ đã trở thành những bậc cách mạng lão thành, đã từng trải qua những gian nan hiểm nguy như thế và không thể nào quên được tình quân dân cá nước ngày xưa. Và cũng vì vậy cho nên trong lá thư ấy, Thầy cũng viết rằng những vị công an, cảnh sát nào và những người nào đã ra lệnh cho họ sử dụng mọi cách để đánh bật các con ra khỏi Bát Nhã “chắc hẳn không phải là con cháu của cách mạng”. Hành động ấy là một hành động vô ân, bất nghĩa, phản bội, không phải là hành động của truyền thống cách mạng. Và Thầy đã lên tiếng xin Chủ Tịch Nước ngăn chận lại hành động trái chống với đạo đức cách mạng, và với truyền thống luân thường đạo lý của đất nước ta. Tại sao những người công an này hành xử như thế, sử dụng những biện pháp bá đạo như thế? Tại sao họ không tiếp nối được truyền thống liêm khiết và chính trực của cách mạng? Tại sao họ không phải là con cháu của cách mạng? Tại sao tham nhũng và lạm dụng quyền hành lan tràn? Chỉ có một câu trả lời đích xác: tại vì ngọn lửa cách mạng đang tàn lụi, đạo đức cách mạng không còn và vì nguồn tư niệm thực là lý tưởng cách mạng không còn. Khi chúng ta không còn giữ được tâm bồ đề, thì ta không còn là “đạo hữu” của nhau, không còn là “đồng đạo” của nhau nữa, dù ta vẫn còn mang danh Phật tử. Khi chí nguyện cách mạng không còn, khi ta bị tham nhũng và lạm dụng quyền hành lũng đoạn thì ta cũng không thật sự còn là “đồng chí” của nhau, dù trên giao tiếp ta vẫn gọi người kia là đồng chí. Có lý tưởng, có tâm bồ đề và có tình huynh đệ rồi thì chúng ta đã có đủ hạnh phúc, chúng ta không cần đi tìm hạnh phúc về phía tiền bạc, danh vọng quyền hành và sắc dục nữa. Chúng ta sống với nhau một nếp sống lành mạnh và đơn giản. Thầy đã ngồi thiền với các con, ăn cơm chánh niệm với các con, thở với các con, nghe chuông với các con, đi thiền hành và chấp tác với các con, tổ chức các khóa tu với các con và tìm thấy hạnh phúc trong những giây phút sống chung ấy. Thì các chiến sĩ cách mạng cũng thế, họ sống với nhau hạnh phúc vì họ có lý tưởng, có khả năng buông bỏ những gì mang tới hệ lụy. Họ chiến đấu bên nhau, chịu đựng sương gió bên nhau, tại vì họ có tình đồng chí, tại vì họ được sưởi ấm bởi lửa thiêng cách mạng.

Nói như vậy không có nghĩa là ngày nay ta không khơi dậy lại được ngọn lửa của Tâm Bồ Đề đã tàn lụi trong ta, không có nghĩa là ta không làm sống dậy được ngọn lửa thiêng cách mạng đang tàn lụi trong ta. Khi các con đến với Tăng thân, ngọn lửa của bồ đề tâm trong các con đã được khơi dậy. Biết bao nhiêu người xuất gia trẻ sau khi đọc tác phẩm “Nói Với Người Xuất Gia Trẻ” và tiếp xúc với Tăng thân đã khôi phục lại được tâm bồ đề của họ. Và chúng ta đã bắt đầu sống với nhau rất thật, rất hạnh phúc, bởi vì trong chúng ta ngọn lửa của chí nguyện đang bốc cháy. Người trẻ đến với chúng ta càng ngày càng đông. Và đây là điều làm cho kẻ khác sợ. Họ đã gửi người tới trà trộn với chúng ta ở Làng Mai, ở Lộc Uyển, ở Từ Hiếu, ở Bát Nhã, ở khắp nơi, để xem chúng ta thực sự đang làm gì và tại sao chúng ta hấp dẫn được những thành phần trẻ mau chóng như thế? Chúng ta có bí quyết gì không? Chúng ta không có bí quyết gì cả! Nếu có một cái gọi là bí quyết thì đó là vì ta biết sống thật với nhau trong tình huynh đệ, chúng ta biết buông bỏ những đeo đuổi nào có thể mang tới hệ lụy, chúng ta có lý tưởng tu tập, giúp người và độ đời. Và chúng ta sống từng phút giây với lý tưởng ấy. Vì vậy cho nên khi người trẻ tiếp xúc với chúng ta cũng thấy trái tim họ được thắp lên bởi lý tưởng độ đời ấy. Chuyện này chắc chắn cũng có thể được thực hiện trong một đoàn thể hay một tổ chức cách mạng: nếu người ta sống thực với nhau, nếu người ta khơi dậy được ngọn lửa lý tưởng cách mạng, nếu người ta có năng lượng của lý tưởng thì nạn tham nhũng và sự lạm dụng quyền hành sẽ bị đánh bại, và những người tới với tổ chức không còn là những người vụ lợi, những người cơ hội chủ nghĩa nữa.

Nếu những người đến dò xét ta thấy được sự thực này thì “cả hai bên cùng có lợi”: ta được an ổn tu hành còn họ học được cách vực dậy niềm tin nơi lý tưởng. Đằng này họ không thấy được cho nên họ nghi ngờ. Và từ nghi ngờ đi tới sợ hãi. Vì sợ hãi họ đã sử dụng những biện pháp phi đạo đức để giải tán một đoàn thể những người trẻ mà họ có cảm tưởng không kiểm soát được. Sự thực: có cần phải kiểm soát sự nuôi dưỡng đạo đức hay không?

Có một ông vua rất hiếu kỳ muốn tìm hiểu tại sao một chiếc hồ cầm có thể phát ra những âm thanh kỳ diệu như thế và đã ra lệnh chẻ chiếc hồ cầm ra để tìm bí quyết. Chẻ chiếc đàn ra thành hàng trăm mảnh mà không tìm ra được gốc gác của những âm thanh kỳ diệu đã nghe. Phải ngồi quán sát cây đàn và cách đánh đàn, chứ không thể chẻ cây đàn ra được. Tăng thân cũng như một cây đàn, cứ tham dự và quán sát, thì sẽ thấy được phép lạ của Tăng thân, tại sao phải chẻ Tăng thân ra thành nhiều mảnh, gửi mỗi mảnh về quê quán của mình để mất đi cơ hội học hỏi? Các bậc cách mạng lão thành, và tất cả những ai trong chúng ta còn giữ được chút lửa hồng của cách mạng trong lòng, nhờ sự thực bung ra từ pháp nạn Bát Nhã, đều có cơ hội quán chiếu để làm cháy lên trở lại ngọn lửa huyền diệu ngày xưa.

(thơ còn dài, Thầy sẽ gửi tiếp sau)

Sống mỗi ngày cho đẹp,
Thầy