Nguyên do Hoàng Cầm bị bắt

Tôi được biết, một thời gian sau khi bị bắt, Hoàng Cầm đã bắt đầu đi vào tình trạng tâm lý hỗn loạn, bế tắc, nói năng không còn kiểm soát được. Trước tình trạng của anh như vậy, Nhà nước thấy cũng khó trả lời với những thăm hỏi của Amnesty International (qua anh Mac Aree, chuyên viên đặc trách về Á châu lúc đó) và những bức thư dễ thương ân cần như bức thư của Giáo sư Laurent Schwartz và của các bạn của giáo sư. Thành ra sau thời gian dài rất lâu, không tìm ra được chứng cứ nào chứng minh Hoàng Cầm cũng như bác sĩ Cần Thơ đã làm hại chính quyền hay là hại đất nước để trả lời cho Ông hội trưởng Hội Pháp Việt Laurent Schwartz, cuối cùng Nhà nước đã quyết định trả tự do cho Hoàng Cầm cuối năm 1984.

Sau này, quán chiếu sâu hơn tôi biết chắc Hoàng Cầm bị bắt hoàn toàn không phải vì tôi. Vì có khi nào tôi công bố một bài thơ nào của anh ấy đâu? Dù Nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại của thầy trò Phương Vân Am có ấn hành văn tập Tắm mát ngọn sông đào, bao gồm các tác phẩm của văn nghệ sĩ trong nước mà không ghi tên thật, chỉ lấy bút danh, thì cũng không có bài thơ nào của Hoàng Cầm, dù dưới tên giả.

Nhưng nhìn kỹ lại tình hình lúc đó, tôi thấy vào khoảng tháng 3 năm 1982 nhạc sĩ Phạm Duy đã cho ra đời hai băng cassettes: 1. Ngục ca, phổ biến 10 bài thơ của Nguyễn Chí Thiện do Phạm Duy phổ nhạc, những bài như: Từ vượn lên người, Từ người xuống vượn, Cái lầm to thế kỷ… 2, (Hoàng) Cầm ca, trong đó có bốn bài thơ của Hoàng Cầm là Lá Diêu Bông, Qua vườn ổi, Cỗ bài tam cúc, Đôi cá đòng đong. Trong băng nhạc này, trước khi Thái Hiền hát, Phạm Duy đã nói tới các bài thơ này như những lời buộc tội chế độ Cộng sản của thi sĩ. Theo Phạm Duy, thi sĩ Hoàng Cầm đã ví Cộng sản như một người chị, một người đàn bà rất xấu mà muốn cho mình có một bộ mặt xinh đẹp nên đã dỗ dành bao nhiêu người em đi tìm cho mình những chiếc lá tô son điểm phấn cho chế độ và hứa hẹn sẽ thưởng khi tìm ra lá Diêu Bông, và dù cho có em nào đã tìm ra lá, cô chị vẫn xoè tay phủ mặt không nhìn. Phạm Duy lại viết trong tác phẩm Ngàn lời ca rằng Lá Diêu Bông là một loại lá đặc biệt ở làng Đình Bảng Bắc Ninh, phụ nữ Việt Nam thời xưa đã vắt nước lá này để bôi lên mặt cho da thịt thêm hồng hào tươi đẹp. Theo Phạm Duy, nhà thơ Hoàng Cầm đã cho rằng không ai có thể làm cho chế độ Cộng sản Việt Nam này tốt đẹp được. Trong khi đó, lời chú giải về Lá Diêu Bông của chính Hoàng Cầm viết cho tôi là: “Còn lá Diêu Bông không thể ai tìm thấy tên trong bất cứ một sách vở tài liệu nào về khoa học tự nhiên. Tự người đọc, nếu yêu thơ sẽ hình dung ra cái lá ấy. Một cái lá anh đặt tên để làm symbole (biểu tượng) thế thôi. Symbole của những mối tình cao đẹp, của những lý tưởng trong sáng, của những gì là Thật, là Lành, là Đẹp vốn có trong mỗi con người. Nhưng rồi cuộc sống lắm khi tàn nhẫn vì xâu xé vật lộn, vì ngu si tham lam nên lắm khi cái lá ấy ở ngay trong mình mà mình không thấy, và đến khi nhận ra thì cuộc đời đã tàn!

Khi Phạm Duy vừa phổ biến Ngục ca Cầm ca ở nhiều thành phố hải ngoại vào tháng 3, tháng 4 thì ở trong nước Hoàng Cầm lãnh đủ. Nhà thơ bị bắt vào ngày 20 tháng 8 năm 1982. Viết điều này tôi cũng không có ý chê Ngục ca của Nguyễn Chí Thiện. Tôi đã khóc khi đọc những bài thơ đau khổ cùng cực của Nguyễn Chí Thiện và rất cảm động với một bài thơ có câu “Thương ánh mắt không dám nhìn cái đẹp”, có lẽ là anh tả ánh mắt của một người thiếu nữ anh gặp trong tù. Tôi chỉ nói Phạm Duy tung ra hai băng nhạc này CHUNG với nhau là không đúng thời. Hai người nghệ sĩ này khác nhau tuy cùng là nạn nhân của thời cuộc.

Than ôi, Hoàng Cầm đâu có biết địa chỉ Phạm Duy ở Hoa Kỳ nên làm sao mà gửi những bài thơ đó cho Phạm Duy được? Tuy hai người có quen nhau hồi 1945 cho đến 1954, nhưng giờ Phạm Duy đang xa tít mù khơi bên Hoa Kỳ. Chỉ có việc Hoàng Cầm liên lạc với tôi là có bằng chứng! Và anh bị bắt vì tội liên lạc cấu kết phản động với người nước ngoài. Tôi bị oan và Hoàng Cầm cũng oan.

Cho tới bây giờ tôi cũng chưa biết ai đã gửi những bài thơ của Hoàng Cầm đến cho Phạm Duy?

Anh được trả về vào khoảng cuối năm 1984 nhưng không dám viết thư cho tôi dù thời gian đó tôi vẫn tìm cách gửi quà về cho chị. Nhiều bạn bè rất sợ, chỉ có em Phan Đạm Hiệp là gan dạ và chịu khó nhất. Tôi thật tri ân Phan Đạm Hiệp đã hết lòng làm những việc rất khó. Anh Hoàng Cầm về nhà thì bị trầm cảm nặng, đã muốn tự tử nhiều lần.

Tháng 8 năm 1985 thì chị Lê Hoàng Yến vợ của Hoàng Cầm lên áp huyết cao và mất.

Đây là bài thơ anh làm tưởng nhớ người vợ mới mất:

XA

I

Nắng động bên giường bừng tỉnh giấc,

Lại rơi vào quạnh quẽ đêm qua.

Hình như vừa chợp mê gì đó…

Xa rồi… hôm nay em rất xa…

Mạng nhện đung đưa bên cửa sổ

Tiếng chim lảnh lót dãy tường rêu

Bao nhiêu lá úa rơi ngơ ngác

Cũng nói rằng em xa bấy nhiêu

Sợi tóc ngủ lâu trên gối lạnh

Đến hôm nay như muốn cựa mình

Phải chăng thấp thoáng em về đấy?

Sợi tóc lìa xa… gối lặng thinh

Thế nghĩa là em thực hoá mơ

Tưởng như em chẳng sống bao giờ

Em ơi! Ai xé hồn anh vậy?

– Tiếng mối tường bên chen tiếng mưa

II

Em đi rồi để lại ngày đêm

Chớp mắt nhìn đâu cũng thấy em

Bóng tối thầm thì trong đất lạnh

Rợn người, anh lại thắp hương thêm.

Em đi rồi để lại bóng ma

Theo anh đằng đẵng những ngày qua

Nặng như đá tảng nghiền giun dế

Cứ khóc triền miên ở góc nhà

Em đi rồi, để lại hư vô

Đau xót âm thầm anh lửng lơ

Như chiếc lá tre rơi mặt sóng

Giạt mãi về đâu chẳng bến bờ

III

Đêm đêm hương khói, ngày hương khói

Toả ngát về đâu bóng dáng em?

Anh biết khấn gì ngoài tiếng gọi:

– Xa rồi! Em hỡi! – Gọi gì thêm?

Bong bóng xà phòng thuở bé chơi

Sắc màu rực rỡ phút giây thôi!

Em đi là tắt bao nhiêu nắng,

Tắt hết trăng sao, hết miệng cười!

Hết cả, chỉ còn cơn giãy giụa

Làm sao thoát được nợ nào xưa

Anh không hiểu nữa! Em nào biết!

– Một sợi tơ trời thoảng giấc mơ…

Tháng 9.85 tặng vợ Lê Hoàng Yến (mất tháng 8.1985)