Chương 21: Hai quyến rũ lớn nhất của đạo Bụt
Quyến rũ thứ nhất: Thần hóa Bụt, biến đạo Bụt thành một tôn giáo thuần túy tín mộ Chúng ta đã học là có hai thứ đạo Bụt: đạo Bụt của tuệ giác (le bouddhisme de la sagesse) và đạo Bụt của sự tín mộ (le bouddhisme de la dévotion). Có sự liên hệ giữa hai thứ đạo Bụt đó hay không? Điều chắc chắn là đạo Bụt của tín mộ được đông người theo hơn. Chúng ta luôn cần một đối tượng để thương yêu, kính ngưỡng và tôn thờ. Mỗi khi ta hướng tâm về đối tượng đó thì ta bớt khổ rất nhiều. Khi ta để tâm nương theo Bốn phép tùy niệm (niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới) thì ta bớt khổ, ta thấy khỏe, ta có tự do. Bốn phép tùy niệm có thể tu theo hai cách:
- Ta biết trong tự thân mình có hạt giống của tuệ giác, của Bụt, Pháp, Tăng và Giới. Trong bản thân mình có những điều kiện của hạnh phúc gọi là tánh Bụt. Khi tiếp xúc với những điều kiện đó thì hạt giống tốt bừng dậy và ta thấy khỏe, nhẹ, tự do, hạnh phúc. Đó là tuệ giác.
- Ta nghĩ Bụt, Pháp, Tăng là những gì rất thiêng liêng ở ngoài ta. Ta cần một đối tượng của sự ái mộ, sự tin yêu và khi nghĩ tới đối tượng đó ta thấy khỏe. Đó là đạo Bụt của sự tín mộ.
Sau khi đức Thế Tôn qua đời người ta rất thương tiếc. Người ta đặt vấn đề: Sau khi đức Thế Tôn qua đời rồi thì Ngài còn hay không còn, hay Ngài vừa còn vừa không còn? Ngay khi đức Thế Tôn còn tại thế người ta đã đặt vấn đề đó rồi. Ngay khi năm uẩn của đức Thế Tôn còn nhìn thấy được mà người ta đã có nhu yếu muốn tôn thờ, kính ngưỡng. Khi Ngài đi du hành sang nước khác thì người ta nhớ trông. Một lần khi đức Thế Tôn không có mặt tại thành Xá Vệ, người ta nhớ Ngài nên thầy A Nan đã lấy một nhánh cây ở Bồ Đề Đạo Tràng đem về trồng ở tu viện Cấp Cô Độc để người ta tới nhìn cho đỡ nhớ. Khi ta thờ một cái răng hay một móng tay của Bụt thì đó cũng là một sự thương yêu, tín mộ. Ta cần một đối tượng để thương yêu, tín mộ.
Ngành học Phật Thân Quan chuyên nghiên cứu về thân của Bụt. Bụt trước hết là một con người (living being) như chúng ta, đã sinh ra và chết đi ở một thời điểm nào đó của lịch sử. Nếu chỉ theo định nghĩa đó thôi thì sau khi qua đời Bụt không còn nữa. Ta chỉ còn ký ức về Bụt và ta chỉ thương yêu, ái mộ một ký ức mà không phải là một cái gì sinh động đang có thật. Vì vậy người ta muốn có một đức Bụt thường tại (living Buddha) cũng như trong Thiên Chúa giáo có một Chúa ngàn đời (living Christ). Sau khi Chúa bị đóng đinh và qua đời, người ta rất cần hình ảnh Chúa để tôn thờ nên mới có lễ Phục sinh. Trong đạo Bụt người ta cũng cần có Bụt ngàn đời để sùng kính. Có căn bản nào để ta có thể thiết lập một đức Bụt ngàn đời hay không? Các nhà Phật học cho là có vì giáo lý của đức Thế Tôn nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Không những đức Thích Ca mà cả anh, chị cũng có Phật tánh. Phật tánh đó là bất diệt, Phật tánh đó là Bụt. Bụt không chỉ là hình hài mà Bụt còn là Phật tánh.
Trong thời đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài có nói tới chuyện đó. Ngài đi thăm thầy Vakkali và hỏi:
– Thầy còn tiếc nuối gì không trước khi chết?
– Dạ bạch đức Thế Tôn, con không còn tiếc nuối gì. Con chỉ hơi tiếc là con bệnh quá nên không thể lên núi Thứu để thăm Ngài.
(Thầy này ngày xưa có vướng mắc với đức Thế Tôn nên Ngài không cho làm thị giả nữa. Nhưng sau đó thầy cũng thoát ra và tu được. Khi thầy sắp mất trong nhà của một người thợ gốm thì Bụt tới thăm). Bụt nói:
– Nhục thân của tôi, hình hài năm uẩn của tôi đây là vô thường, sinh diệt. Thầy đã có pháp thân của tôi rồi thì tại sao thầy phải cần hình hài này làm gì nữa?
Nếu một ngày nào nhục thân chấm dứt thì pháp thân vẫn còn tồn tại mãi mãi. Bụt cũng là pháp thân (principe vivant), dharmakāya. Bụt cũng là một nguyên lý tâm linh (principe spirituel), là Phật tánh (buddha nature).
Nhìn lại hình hài của mình, ta thấy hình hài này một ngày kia thế nào cũng sẽ tan rã. Sự thật thì nó đang tan rã chứ không phải sẽ tan rã. Nhưng nếu có tu tập, ta sẽ chế tác được năng lượng của niệm, định và tuệ. Năng lượng này sẽ luân lưu trong thế giới và còn mãi. Những tư tưởng lành, tư tưởng tha thứ, thương yêu vẫn còn. Những lời nói, những câu chuyện, những bài pháp thoại vẫn còn. Ta thấy rõ là ta cũng có pháp thân như Bụt. Một lời nói dễ thương, có tha thứ, bao dung không bao giờ mất được, nó vẫn còn trong người kia và còn trên thế giới. Đó là pháp thân của ta, khi hình hài này không còn nữa thì pháp thân vẫn tiếp tục. Vì vậy pháp thân là bất diệt, chúng ta có cơ sở để thiết lập một vị Bụt ngàn đời (the living Buddha).
Sau khi Bụt nhập diệt khoảng 140 năm, giáo đoàn đã chia làm hai bộ phái: Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ.
Chư Phật, Thế Tôn giai thị xuất thế (các vị Bụt thuộc về thế giới xuất thế gian) Đại Chúng Bộ chủ trương rằng Bụt rất khác người, tất cả những gì thuộc về Bụt đều có tính cách thiêng liêng hay xuất thế gian (lokottara), còn những gì thuộc về thế gian (loka) thì không có tính cách thiêng liêng. Uẩn xứ và giới của Bụt đều xuất thế gian. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức của Bụt là thanh tịnh, xuất thế gian, còn năm uẩn của chúng ta là thế gian. Mười hai xứ tức sáu căn và sáu trần của Bụt là xuất thế gian, còn sáu căn và sáu trần của chúng ta, những người trần mắt thịt, là thế gian. Mười tám giới (gồm sáu căn, sáu trần và sáu thức) của Bụt là xuất thế gian, còn sáu căn, sáu trần và sáu thức của chúng ta là thế gian.
Chủ trương thứ tám của Đại Chúng Bộ là:
Chư Phật thọ lượng diệc vô biên tế (mạng sống của Bụt không có biên giới)
Trong kinh Pháp Hoa tư tưởng trên đã được khai triển một cách tuyệt đối: thọ mạng của chư Bụt là không có biên giới hay vô lượng thọ (infinite life).
Do đó chúng ta biết có một khuynh hướng muốn thần thánh hóa Bụt, làm Bụt trở thành đối tượng của sự thờ phụng, sự tín mộ và biến đạo Bụt thành ra một tôn giáo. Đạo Bụt của tuệ giác trở thành ra đạo Bụt của sự tín mộ. Chư Bụt thuộc về thế giới xuất thế gian, có thọ mạng không biên giới còn chúng ta là những phàm phu có sinh có diệt. Chư Bụt là không sinh không diệt. Nếu bề ngoài chúng ta thấy chư Bụt như có sinh diệt thì đó là do chư Bụt giả bộ như vậy thôi.
Với chủ trương đó, Đại Chúng Bộ đã vạch một ranh giới giữa thế gian và xuất thế gian, giữa phàm và thánh. Bụt là hoàn toàn thánh còn chúng ta là hoàn toàn phàm. Đó là thế lưỡng nguyên, không trung thực với giáo lý bất nhị mà Bụt đã dạy. Sen chỉ là sen, bùn chỉ là bùn và sen không dính líu tới bùn. Trong khi đó chúng ta biết rất rõ không có bùn thì không có sen. Làm gì có xuất thế nếu không có nhập thế, không biết các thầy trong Đại Chúng Bộ có nhớ tới điều này trong khi đưa ra những định đề này: Muời tám giới của chư Bụt là xuất thế gian và thọ mạng của chư Bụt là vô lượng vô biên trong khi chúng ta chỉ sống tới một trăm năm là tối đa.
Đứng về phương diện đạo Bụt của tuệ giác, nếu quán chiếu thì chúng ta thấy không có gì là không thuộc về xuất thế gian và thế gian cùng một lúc. Ví dụ như đám mây là không sinh không diệt. Tuy không còn ở trên trời nhưng không có nghĩa là đám mây đã chết. Nếu khôn khéo ta sẽ thấy được sự tiếp nối của đám mây trong cơn mưa, trong lọn tuyết hay trong dòng sông. Không phải chỉ có đức Thế Tôn mới có thọ mạng vô lượng mà đám mây cũng có thọ mạng vô lượng và chính chúng ta, những phàm phu tục tử, cũng có thọ mạng vô lượng. Bản chất của chúng ta là không diệt, khoa học hiện nay cũng nói vật chất và năng lượng là bất sinh bất diệt. Chia chẻ xuất thế gian và thế gian thành hai thế giới khác nhau là một sai lầm căn bản.
Chủ ý của Đại Chúng Bộ là tạo ra một đối tượng để cung kính, tôn thờ. Đó là một nhu yếu rất con người. Chỉ có đạo Bụt của tuệ giác thôi thì không đủ vì đạo Bụt của tuệ giác chỉ dành cho một số ít người, những người có thì giờ để nói về sắc và không, chân như và Niết bàn, những người có chút trí tuệ. Nếu cuộc sống quá chật vật, đầu tắt mặt tối để kiếm cơm áo thì làm sao người ta có thì giờ nghiên cứu về uẩn, xứ, giới, chân như hay Bát nhã? Đạo Bụt của tuệ giác chỉ phục vụ được một số ít người. Bụt là người đại từ đại bi, giáo lý của Ngài phải ôm trùm được tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, già cũng như trẻ, dại cũng như thông minh. Vì vậy phải có đạo Bụt của sự tín mộ. Đó là nhu yếu tất nhiên của con người. Khi đạo Bụt đã trở thành một tôn giáo có tính cách toàn cầu, có rất đông người theo thì phải tạo ra đạo Bụt của sự tín mộ. Chúng ta có thể pha loãng đạo Bụt của tuệ giác thành ra đạo Bụt tín mộ. Một bên thì dạy ngồi thiền bảy năm thì mới giác ngộ còn một bên thì nói chỉ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mười lần thôi cũng đã giác ngộ rồi. Nếu không dễ như vậy thì những người làm ăn đầu tắt mặt tối suốt ngày đêm làm sao có được cơ hội? Trong khi nghiên cứu đạo Bụt, chúng ta có thể hiểu đạo Bụt tín mộ là do lòng từ bi rất lớn mà có.
Lý lẽ (logic) của tuệ giác chỉ dành cho những người có đủ thông minh. Nếu Bụt và chúng sanh không khác nhau thì ta cần gì phải lạy Bụt? Nếu Ta bà và Tịnh độ là một thì ta cần gì phải niệm Bụt để cầu xin sang Tịnh độ? Nếu không có dơ, không có sạch (bất cấu bất tịnh) thì ta cũng có thể sống bê bối sao?
Vì vậy lý lẽ của đạo Bụt tuệ giác chỉ dành riêng cho một số người ưu tú nào thôi. Chúng ta cần có một đạo Bụt của sự tín mộ cho đại đa số quần chúng.
Khi lạy Bụt chúng ta có thể nghĩ rằng đức Thích Ca vẫn còn tuy hình hài của Ngài ngày xưa đã buông bỏ rồi. Đó là Bụt ngàn đời (the living Buddha). Ngài còn đó cho chúng ta lạy xuống. Người ta học hỏi tuệ giác từ Bụt, người ta khâm phục Bụt đã đành nhưng người ta còn thương thầy của mình nên có khuynh hướng muốn thần hóa thầy của mình. Tuy có sự nguy hiểm nhưng đó là một chuyện rất là tự nhiên của con người. Sau này chúng ta có một đạo Bụt hoàn toàn trông cậy vào tha lực. Người ta chấp nhận sự thật là mình còn yếu kém, không có khả năng tự cứu, chỉ hoàn toàn trông cậy vào tha lực. Khi lạy xuống năm vóc nằm sát đất, ta nghĩ: Con hoàn toàn không làm được gì hết, con không có khả năng tự cứu mình. Con đặt hết thân mạng của con cho Bụt, để Bụt lo hết cho con. Trong trạng thái đó, người đang lễ lạy có sự bình an, có chỗ nương tựa là giúp cho người đó đỡ hơn rồi, dù cho đó là một hình thức rất pha loãng của đạo Bụt. Chúng ta đừng đứng vào vị trí của đạo Bụt tuệ giác mà phê phán hay lên án những hình thái thực tập khác. Chúng ta chưa có đủ cái thấy nên chưa có từ bi, chưa có đủ cái hiểu nên chưa có cái thương. Cho rằng “đạo Bụt của anh là sai, đạo Bụt của tôi là đúng” là chưa hiểu, mà chưa hiểu thì không thương được.
Nhưng đứng về phương diện đạo Bụt của tuệ giác chúng ta vẫn có thể nói: Sau khi đã nhập diệt, đức Thích Ca vẫn còn với chúng ta. Chúng ta thấy pháp thân của Ngài vẫn tiếp tục. Tuy hình hài của Bụt đã tiêu hoại rồi, nhưng giáo lý và sự hành trì đạo Bụt vẫn tiếp tục giúp cho nhiều chế độ độc tài, tàn bạo trở nên nhân bản, đã cứu độ cho biết bao thế hệ con người từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Tuy không còn hình hài, nhưng Bụt vẫn còn. Cũng như trên trời không còn đám mây nhưng ta vẫn có dòng sông, có trà để uống, có nước để nấu cơm.
Nhưng trong Bụt ngàn đời đó, ta phải thấy tất cả đều chuyển biến. Ta phải thấy Bụt trong hình dáng bất ngờ. Tôi có câu thư pháp: ”Smile to the cloud in your tea.” (Hãy cười với đám mây trong chén trà của anh). Nhìn vào chén trà mà thấy đám mây là ta bắt đầu có cái nhìn vô tướng. Tuy không có hình tướng của đám mây, nhưng đám mây đang ở trong trà. Không có hình ảnh của Siddhārtha, nhưng Bụt vẫn đang có trong đời sống hằng ngày của mình. Tôi có viết câu thư pháp: You may be in the company of a Buddha, you may be in the company of several Boddhisattvas but you don’t know. Bạn có thể đang cùng đồng hành với một vị Bụt, hay với rất nhiều vị Bồ tát mà bạn không hề biết. Bụt của thế hệ chúng ta có thể đang mặc quần Jeans hay T- shirt mà ta không biết. Có những vị Bồ tát ăn mặc lôi thôi, còn rất trẻ nhưng có tâm rất lớn và trong sáng. Khi viết câu thư pháp đó tôi rất vui: Anh có thể sống với một vị Bụt mà không biết. Anh có thể sống với những vị Bồ tát mà không hay. Anh có mắt mà như không. Bụt Thích Ca vẫn còn đó cho chúng ta trong đời sống hằng ngày. Học được pháp môn vô tướng, ta thấy Bụt Thích Ca đang có mặt thật sự dưới những hình thái khác, có thể là những hình thái rất bất ngờ, cũng như trong ly trà có đám mây ngũ sắc ngày xưa. Ta đừng bị kẹt vào tướng. Làng Mai chúng ta ý thức được điều đó nên ta rất cẩn thận, ta phải có khả năng nhận diện được một vị Bụt hoặc một vị Bồ tát. Chúng ta tập nhận diện hành tinh xanh là một vị đại Bồ tát, mẹ của các vị Bụt và các vị Bồ tát, mẹ của muôn loài. Ta tiếp xúc với vị Bồ tát này suốt ngày đêm mà không biết và ta đi tìm một vị Bồ tát ở một hành tinh khác mà ta không chắc là có hay không. Trong khi đó đất Mẹ là một vị Bồ tát có thật mà ta có thể tiếp xúc được, không chỉ bằng tâm mà còn có thể tiếp xúc bằng hai bàn tay hay hai bàn chân. Trong khi trồng rau, ta nắm lên hai nắm đất, đó là vị Bồ tát của mình. Với chánh niệm, định lực và tuệ giác, ta có thể thấy được điều này.
Chúng ta có Bụt Thích Ca, ta biết Bụt Thích Ca không phải là vị Bụt duy nhất. Chính đức Thế Tôn có nói tới bảy vị Bụt (thất Phật) trong đời của Ngài, hay 24 vị Bụt, hay 1000 vị Bụt. Chúng ta có thể thấy mặt trời của chúng ta là một vị Bụt, gọi là Bụt A Di Đà, Bụt Vô Lượng Thọ, Bụt Vô Lượng Quang. Đó là một vị Bụt có mặt cho ta mỗi ngày mà ta thờ ơ, ta lơ là. Nếu không có mặt trời, tức Bụt Tỳ Lô Giá Na thì làm gì có hơi ấm, có sự sống trên thế giới. Chúng ta đi tìm gì trong khi người thương của ta có mặt 24 giờ đồng hồ cho ta mà ta không hề có ý thức. Ta đi tìm một hình ảnh nào đó để cung kính, để thờ phụng trong khi các vị Bụt và Bồ tát lớn đang có mặt thật trong đời sống hằng ngày của ta mà ta coi như không có. Ngay chính dòng sông chảy qua thành phố của ta cũng là một vị Bụt. Tôi thường nhắc các thầy, các sư cô và các Phật tử ở Paris, mỗi khi tới thiền đường Hơi Thở Nhẹ và đi thiền hành xuống sông Marne thì hãy nhìn sông Marne như một vị Bồ tát, một vị Bồ tát tươi mát, trung kiên luôn luôn có đó cho chúng ta. Chúng ta có thể bước những bước chân thiền hành rất hạnh phúc trên bờ sông Marne.
Chúng ta có Bụt Akṣobhya (Bất động), Bụt Amitābha (Ánh sáng vô lượng) hay Bụt Amitāyus (Thọ mạng vô lượng), Bụt Bhaiṣajyaguru (Dược sư) có thể trị liệu cho ta trong đời sống hằng ngày. Chúng ta có Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Địa Tạng và Bồ tát Văn Thù. Bồ tát Văn Thù là Bồ tát của trí tuệ, khi có hiểu thì ta có thể tha thứ, thương yêu và chấp nhận được. Bồ tát Văn Thù có thể ở ngay bên cạnh chúng ta. Chúng ta có thể có một người anh, người chị hay người em có khả năng hiểu. Đó là một vị Bồ tát, chúng ta phải học từ người anh, người chị, người em đó để ta cũng có thể hiểu và tha thứ được. Ta không có hạnh phúc là vì ta không hiểu. Ta trách móc người kia không hiểu mình, làm khổ mình, nhưng thực ra thì chúng ta cũng không hiểu mình và không thấy chung quanh ta có những vị Bụt và Bồ tát.
Vì nhu yếu muốn độ được nhiều người nên ngoài đạo Bụt của tuệ giác, chúng ta còn cần tới đạo Bụt của tín mộ. Nhưng ta phải luôn luôn nhớ là đừng để đạo Bụt của tín mộ ở một mình, vì đạo Bụt tín mộ là một đạo Bụt pha loãng nên chúng ta phải có đạo Bụt nguyên chất. Chúng ta tu và có cơ hội tiếp xúc được với đạo Bụt tuệ giác là một sự may mắn, một ân huệ lớn. Chúng ta có bổn phận phải giữ cho đạo Bụt nguyên chất đừng mất đi, và với đạo Bụt nguyên chất ta mới có thể pha loãng. Chúng ta phải giữ được chất liệu tâm linh và tuệ giác, điều này rất quan trọng. Khi pha loãng chúng ta cũng phải rất cẩn thận, vì nếu thấy thành công quá thì ta có thể nghĩ rằng mình không cần cái nguyên chất nữa. Trong y khoa có loại thuốc gọi là thuốc trấn an (placebo), trong thuốc đó không có chất gì cả, chỉ là giả dược. Nhưng khi người ta uống thuốc đó vào thì thấy khỏe ngay, tại vì người ta có niềm tin. Ở Việt Nam có những người làm ăn như thế này: họ lấy một chén nước lạnh để lên bàn thờ, họ đọc một câu chú, đốt một đạo bùa rồi lấy tro quậy vào nước cho người bệnh uống và người này lành bệnh. Đó là thuốc trấn an. Thấy làm ăn được, ta nghĩ mình không cần đạo Bụt nguyên chất nữa và hoàn toàn đi về phía mê tín, đánh mất tuệ giác, như vậy thì rất tội cho Bụt.
Quý vị đã học được bài học của bao dung, hiểu biết. Chúng ta có thể cùng đi tới kết luận: Nếu có cơ duyên, có phúc tiếp xúc được với đạo Bụt nguyên chất thì ta phải tìm cách bảo hộ đạo Bụt của tuệ giác. Nếu cần ta có thể có đạo Bụt tín mộ, là đạo Bụt pha loãng nhưng đừng bao giờ quên là nếu không có nguyên chất thì pha loãng một hồi sẽ chỉ còn lại nước lạnh mà thôi. Thần thánh hóa đức Thế Tôn, biến đạo Bụt thành một tôn giáo thuần túy tín mộ là một trong hai quyến rủ lớn trong lịch sử của đạo Bụt. Việc làm này có thể phát xuất từ tâm từ bi hay ý muốn thành công, nhưng có sự nguy hiểm là nếu ta không duy trì được đạo Bụt nguyên chất thì mai này chúng ta sẽ đánh mất di sản quý báu mà đức Thế Tôn đã để lại.
Quyến rũ thứ hai: Tìm một cái ngã để giải thích rõ ràng và hướng dẫn sự tu học
Đức Thế Tôn nói không có ngã, mà nói không có ngã thì rất khó giải thích. Không có ngã thì ai đi luân hồi? Không có ngã thì cái gì thoát ra khỏi thân này, đi vào thân khác để luân hồi? Không có ngã thì ai trong kiếp này làm người, kiếp sau làm chim, kiếp sau nữa thì làm cá, làm trời rồi xuống làm người trở lại? Không có ngã thì ai gây nghiệp và ai thọ báo? Không có ngã thì ai thương ai?
Trong đạo Bụt tuệ giác, đi sâu vào ta thấy không cần có một cái ngã mà vẫn có sự thương yêu, vẫn có sự luân hồi. Ví dụ như đám mây không có ngã mà vẫn đi luân hồi hoài hoài, đám mây là bất sinh bất diệt. Trong đạo Bụt tuệ giác thì không có ngã nhưng vẫn có luân hồi, có tạo nghiệp và có quả báo. Nhưng có bao nhiêu người hiểu được điều này? Chỉ một phần nhỏ ưu tú có thể hiểu được mà thôi, nên nếu chỉ giảng dạy cho một phần nhỏ đó thì rất tội cho đại đa số quần chúng. Đạo Bụt tuệ giác chỉ để dành cho một số thầy tu may mắn có thì giờ chuyên tu. Đạo Bụt đó không phải để cho đại đa số quần chúng đang đau khổ. Chúng ta phải có một đạo Bụt của đại chúng, của sự tín mộ. Vì vậy có một khuynh hướng rất mạnh muốn tạo ra một cái gì tương đương với một cái ngã để giải thích về luân hồi và nghiệp báo một cách dễ dàng. Trong đạo Bụt xuất hiện những tông phái như Độc Tử Bộ, Chánh Lượng Bộ hay Kinh Lượng Bộ. Những bộ phái này chủ trương là có ngã để làm chủ thể cho sự luân hồi, sự tạo nghiệp và sự thọ báo. Để không trái chống lại những lời Bụt đã dạy trong kinh điển liễu nghĩa, họ gọi cái ngã đó là cái ngã thắng nghĩa, tức thắng nghĩa bổ đặc già la. Bổ đặc già la (pudgala) là ngã. Các bộ phái này có cơ sở lý luận dựa trong kinh. Họ cho rằng trong kinh rõ ràng là Bụt nói có ngã, ví dụ như trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya) có đoạn nói: Có một người mà sự xuất hiện của người đó đem lại lợi lạc cho biết bao người khác. Người đó là ai? Người đó là đức Thế Tôn. Trong khi đó Thượng Tọa Bộ chủ trương là Bụt dạy không có ngã, chỉ có năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà không có người. Nhưng khi Bụt nói “thầy A Nan, tôi với thầy lên đồi chơi” thì rõ ràng là có người. Thật ra Bụt nói không có một linh hồn bất tử (ātman). Trong đoàn thể của đức Thế Tôn có bốn đôi và tám bậc thánh quả (tứ song bát bối): Nhập lưu hướng và Nhập lưu quả, Thất lai hướng và Thất lai quả, Nhất lai hướng và Nhất lai quả, A la hán hướng và A la hán quả. Đó là những người (pudgala) rõ ràng. Ngay trong kinh Bụt đã sử dụng những từ như “tôi với ông”, “người này với người kia”, như trong kinh Trọng Đảm (kinh Gánh Nặng): Có năm gánh nặng là năm uẩn và có người gánh cái gánh đó lên và bị ràng buộc vào năm gánh nên người đó khổ đau. Bây giờ nhờ tu tập đúng pháp môn mà người đó đặt được gánh nặng xuống và giải thoát. Ngoài năm uẩn phải có người gánh tại vì cái gánh không tự nó gánh được. Vì vậy rõ ràng là Bụt nói có cái ngã. Họ đã trích dẫn không biết bao nhiêu câu trong kinh để chứng tỏ đức Thế Tôn nói có ngã rõ ràng.
Đức Thế Tôn dạy tất cả đều vô thường, nếu đã vô thường thì không có một cái ngã thường tại. Nhưng nếu cho cái ta đó là cái gì không thường tại, biến chuyển từng giây từng phút thì có thể được. Bên Thượng Tọa Bộ thì quá hình thức và cố chấp. Ví dụ như quân đội chỉ là những người lính tập hợp lại, cho nên ta có cảm giác là có quân đội nhưng thật ra chỉ có những người lính mà không có quân đội, không có rừng mà chỉ có cây thôi. Chủ trương của Thượng Tọa Bộ là ngã không pháp hữu. Những người lính là có thật nhưng quân đội chỉ là sự tập hợp nhất thời.
Một người đi ngang qua một thầy đang ngồi thiền, người đó hỏi:
– Bạch thầy, thầy có thấy một người đàn bà vừa đi ngang qua đây không?
Thầy đó trả lời:
– Tôi không thấy người đàn bà nào hết. Tôi chỉ thấy có một sự tập hợp của năm uẩn chạy qua đây thôi.
Chủ trương của Thượng Tọa Bộ quá cứng và quá giáo điều nên các bộ phái khác đã phản ứng lại mà trước hết là Độc Tử Bộ. Độc Tử Bộ đặt ra những danh từ như “phi tức phi ly uẩn ngã” 非 即 非 離蘊 我 , có nghĩa là ngã không phải là uẩn, cũng không nằm ngoài uẩn. Họ đưa ra cái gọi là Thắng nghĩa bổ đặc già la 勝 義 補 特 伽 羅. Người ta phân biệt ra:
- Phàm ngã
- Thần ngã (atma) tức ngã của Bà la môn giáo, sau này thần ngã sẽ đoàn tụ với đại ngã (brahman) và được giải thoát hoàn toàn.
- Thắng nghĩa ngã
- Đại ngã, tức cái ngã trong Niết bàn, không còn phân biệt ra thành từng cá nhân.
Thắng nghĩa bổ đặc già la không phải là năm uẩn mà cũng không nằm ngoài năm uẩn. Cũng như lửa và củi, lửa không thể tự nó có mà phải nương vào củi mới có được. Thắng nghĩa ngã phải có năm uẩn mới biểu hiện được. Lửa không phải là củi nhưng ngoài củi thì không thể có lửa. Đó là một ví dụ đưa ra để nói về ngã. Vì vậy đức Thế Tôn nói không có phàm ngã nhưng có thắng nghĩa ngã, và người ta dùng thắng nghĩa ngã để giải thích luân hồi, nghiệp và quả báo. Các vị chủ trương có một cái ngã, nhưng trình bày cái ngã đó như thế nào để đừng đi ngược lại với những điều đức Thế Tôn đã dạy, và họ vẫn được các bộ phái khác trong đạo Bụt chấp nhận. Người ta đã theo rất đông vì giáo lý đó dễ hiểu: có cái ngã thì mới có người đi luân hồi, có người gây nghiệp và có người nhận quả báo. Đó là một nhu yếu rất cần thiết. Luân hồi, nghiệp báo mà không có ngã thì quá khó hiểu, giáo lý này chỉ dành cho rất ít người. Lúc thầy Huyền Trang sang Ấn Độ du học vào thế kỷ thứ VII thì số các vị xuất gia thuộc Pudgalavāda đã lên tới sáu mươi ngàn thầy, họ là một bộ phận quan trọng của tăng đoàn.
Khi học ta thấy rõ ràng sở dĩ có những bộ phái chủ trương Thắng nghĩa bổ đặc già la là vì phía Thượng Tọa Bộ có thái độ hơi cứng và giáo điều nên đạo Bụt chỉ giới hạn trong một số ít người. Người ta khó hiểu được nghiệp báo, luân hồi theo lối vô ngã. Sau này Đại Thừa xuất hiện và cũng muốn trung thực với giáo lý vô ngã của đức Thế Tôn. Tuy không dùng “phi tức phi ly uẩn ngã” hay “thắng nghĩa bổ đặc già la” nhưng Đại Thừa cũng sử dụng một cái rất gần với cái ngã. Duy Thức thì dùng thức A lại da (Alaya), gần giống như cái ngã. A lại da thức hay tàng thức là phần tâm thức chứa đựng tất cả những kinh nghiệm của chúng ta. Ngay trong Thượng Tọa Bộ cũng có hữu phần thức (bhavānga), trong Đại Chúng Bộ có căn bản thức (mūla vijñāna). Cả hai bộ phái lớn này cũng có khuynh hướng tìm một cái gần như cái ngã. Người ta còn nói tới cùng sinh tử uẩn, tức là cái uẩn tồn tại cho tới khi ta giải thoát sinh tử mới thôi. Đó là sự quyến rủ thứ hai: muốn lập ra một cái tương đương với cái ngã để có thể giải thích luân hồi, nghiệp báo một cách dễ dàng. Khuynh hướng này có trong tất cả các tông phái Phật giáo.
Đại Thừa Duy Thức tông (Pháp Tướng tông) chủ trương A lại da thức, Tam Luận tông (Pháp Tánh tông) chủ trương Phật tính, Chân như, Như Lai tạng, Pháp thân. Đây đều là những cái ngã trá hình. Tuy rằng Đại Thừa khéo hơn, dùng những danh từ không làm cho người ta nghĩ tới cái ngã, nhưng A lại da thức, Phật tính, pháp thân đều là những cái gần như là thường tại.
Khi vừa lớn lên tôi đã được tiếp cận với đạo Bụt Đại thừa, đó là một sự may mắn. Sau đó khi lớn hơn, tôi được tiếp cận với đạo Bụt Tiểu thừa, đạo Bụt Nguyên thỉ. Đó cũng là một sự may mắn lớn, như một sự trở về với suối nguồn. Điều hay nhất trong đạo Bụt Đại thừa là cái nhìn phóng khoáng. Đại thừa ý thức được là mình đang sử dụng những hình thức mới để chuyên chở những cái rất cũ, dùng bình mới để đựng rượu cũ. Những tinh hoa trong đạo Bụt Nguyên thỉ cần có một cách diễn bày mới để người ta có thể tiếp cận dễ dàng hơn, đó là mục đích của Đại thừa. Đại thừa không khác với Tiểu thừa, tuy dùng hình thức mới nhưng đã chuyên chở được tất cả những tinh ba của đạo Bụt nguyên thỉ.
Trong kinh Đại Bát Nhã có những câu mà khi đọc ta biết nó đã được lấy ra từ các kinh Nguyên thỉ. Ví dụ như trong kinh Niệm Xứ có câu: Khi vị tỳ kheo cúi xuống thì vị tỳ kheo biết là mình cúi xuống. Khi vị tỳ kheo ngẩng lên thì vị tỳ kheo biết là mình đang ngẩng lên. Khi vị tỳ kheo khoác áo cà sa (sanghati) thì vị tỳ kheo biết là mình đang khoác áo cà sa (sanghati). Khi vị tỳ kheo ôm bát thì vị tỳ kheo biết là mình đang ôm bát. Đó là sự thực tập chánh niệm. Kinh Đại Bát Nhã chỉ sửa lại một chữ: Khi vị Bồ tát cúi xuống thì vị Bồ tát biết là mình đang cúi xuống. Khi vị Bồ tát ngẩng lên thì vị Bồ tát biết là mình đang ngẩng lên. Khi vị Bồ tát đắp sanghati thì vị Bồ tát biết là mình đang đắp sanghati. Khi vị Bồ tát ôm bát thì vị Bồ tát biết là mình đang ôm bát.
Đại thừa đã trình bày lại những kinh Nguyên thỉ rất hay, rất khéo và hấp dẫn. Ví dụ như trong kinh Pháp Hoa có nhiều phẩm và mỗi phẩm giống như một màn kịch. Hồi đó ở Ấn Độ người ta rất thích xem kịch và tư trào đó thấm vào trong đạo Bụt nên kinh Pháp Hoa được dựng lại theo phong cách của kịch. Đọc kỹ ta thấy những tinh ba của kinh Nguyên thỉ có rất nhiều trong kinh Đại thừa. Theo nguyên tắc thì Bụt Thích Ca đã tịch, không còn tiếp tục nói pháp trên núi Thứu hay trong tu viện Cấp Cô Độc. Nhưng đó chỉ là nhục thân, pháp thân của Bụt vẫn còn và pháp thân có thể có mặt ở nhiều chỗ trong nhiều thời gian. Ngay trong thời Bụt đã có từ pháp thân, Bụt đã nói: Khi hình hài của tôi tan hoại thì pháp thân của tôi vẫn còn để hướng dẫn quý vị. Trong đạo Bụt Đại thừa, danh từ pháp thân có một ý nghĩa mới là pháp thân của Bụt đang có mặt cho chúng ta trong giây phút hiện tại và bất cứ ở đâu. Nếu có niệm, định ta có thể nghe pháp thân thuyết pháp bất cứ lúc nào. Pháp thân chưa bao giờ ngừng thuyết pháp, bông hoa vẫn chưa bao giờ ngưng lời hát ca.
Nếu biết lắng nghe tiếng gió thổi qua cây thông thì ta nghe được giáo lý Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần. Ngồi trên bờ biển nghe tiếng hải triều lên là ta đang nghe tiếng đức Thế Tôn thuyết pháp. Đức Thế Tôn vẫn còn và vẫn đang thuyết pháp qua lời chim, qua tiếng thông reo, tiếng hải triều. Pháp thân vẫn đang thuyết pháp, tại ta điếc nên ta không biết lắng nghe mà thôi. Trong kinh A Di Đà cũng có nói: Này Xá Lợi Phất, ở cõi Tịnh độ có hàng cây bảy báu mà mỗi khi gió thổi qua, nếu biết lắng nghe thì ta sẽ nghe thuyết pháp Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần. Nghe tiếng gió xào xạc trong cây, nghe tiếng thuyết pháp thì ta trở về niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng. Kinh A Di Đà là một kinh Đại thừa.
Nhìn mặt trăng có chánh niệm thì ta thấy mặt trăng đang thuyết pháp, mặt trăng là sự tiếp nối của đức Thích Ca. Nhìn một buổi sáng bình minh hùng vĩ, chói lọi ta thấy đó là một bài thuyết pháp rất hùng tráng. Đức Thích Ca vẫn đang còn tiếp tục. Phật giáo Đại thừa cung cấp cho chúng ta một nguồn thi ca rất lớn. Chim hót, thông reo, hoa nở, đó là tiếng nói của pháp thân. Hồi còn trẻ tôi có làm bài thơ thế này:
Sáng hôm nay
Tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình em* ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh
Tiếng gọi (thơ Nhất Hạnh)
(* em ở đây là Bụt)
Không cần phải lên núi Thứu mới được nghe kinh Pháp Hoa. Ngồi ở Úc, uống một ly trà, nhìn bãi cỏ xanh cũng nghe được tiếng của Ngài đang thuyết pháp. Trúc vàng, trúc tím, hoa thủy tiên đều là những pháp thân đang thuyết pháp. Đó là cái đẹp của Đại thừa. Đại thừa đã thay thế vị A la hán gầy ốm bằng hình ảnh của một vị Bồ tát tươi mát, đẹp đẽ để có thể hấp dẫn được con người của thời đại mới. Vị Tỳ kheo tu cho mình nhiều hơn, còn vị Bồ tát thì vừa tu cho mình vừa tu cho người. Đại thừa chỉ thay thế chữ “vị Tỳ kheo” bằng chữ “vị Bồ tát”.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà ta có thể có đủ tư liệu về các tông phái Phật giáo như Nguyên thỉ, Tiểu thừa, Đại thừa. Chúng ta có rất nhiều may mắn nhưng chúng ta cũng nên cẩn thận bởi hai sự quyến rủ rất hấp dẫn của đạo Bụt:
- Thần thánh hóa đức Thế Tôn. Thần thánh hóa đức Thế Tôn cũng hay nhưng cũng có sự nguy hiểm.
- Tìm một cái thay cho cái ngã để giải thích được sự luân hồi, nghiệp báo một cách dễ dàng hơn. Nếu không giáo điều thì chúng ta không cần phải chống đối nhau. Không có ngã cũng đúng mà có ngã cũng đúng. Nếu ta biết cái ngã đó là một sự tiếp tục không thường tại, không vĩnh viễn, không có bản tính riêng biệt thì ta cũng có thể nói tới cái ngã.
Chúng ta có Bụt Thích Ca, ta biết Bụt Thích Ca không phải là vị Bụt duy nhất. Chính đức Thế Tôn có nói tới bảy vị Bụt (thất Phật) trong đời của Ngài, hay 24 vị Bụt, hay 1000 vị Bụt. Chúng ta có thể thấy mặt trời của chúng ta là một vị Bụt gọi là Bụt A Di Đà, Bụt Vô Lượng Thọ, Bụt Vô Lượng Quang. Đó là những vị Bụt đang có mặt cho ta mỗi ngày mà ta ơ thờ, ta lơ là. Nếu không có mặt trời, tức Bụt Tỳ Lô Giá Na thì làm gì có hơi ấm, có sự sống trên thế giới. Chúng ta đi tìm gì trong khi người thương của ta có mặt 24 giờ đồng hồ cho ta mà ta không hề có ý thức. Ta đi tìm một hình ảnh nào đó để cung kính, thờ phụng trong khi các vị Bụt và Bồ tát lớn có mặt thật trong đời sống hằng ngày của ta mà ta coi như không có. Ngay chính dòng sông chảy qua thành phố của ta cũng là một vị Bụt, một vị Bồ tát. Chúng ta có thể bước những bước chân thiền hành rất hạnh phúc trên những bờ sông như thế.
Quý vị đã học được bài học của bao dung, hiểu biết. Chúng ta đi tới kết luận: Nếu có cơ duyên, có phúc tiếp xúc được với đạo Bụt nguyên chất thì ta phải tìm cách bảo hộ đạo Bụt của tuệ giác. Nếu cần ta có thể làm một đạo Bụt tín mộ, pha loãng nhưng đừng bao giờ quên là nếu không có nguyên chất thì pha một hồi sẽ chỉ còn lại nước lạnh mà thôi. Thần hóa đức Thế Tôn, biến đạo Bụt thành một tôn giáo thuần túy tín mộ là một trong hai quyến rủ lớn trong lịch sử của đạo Bụt. Việc làm này có thể phát xuất từ tâm từ bi hay ý muốn thành công, nhưng có sự nguy hiểm là nếu ta không duy trì được đạo Bụt nguyên chất thì mai này chúng ta sẽ đánh mất di sản quý báu mà đức Thế Tôn đã để lại.