Chương 14: Tìm cái vô vi ngay trong cái hữu vi, ngón tay và mặt trăng

Vô hành

Lúc đầu chúng ta nói không có ngã, sự vật nương vào nhau để tạo ra nhân quả và nghiệp báo.

Sau khi Bụt nhập diệt, giáo lý vô tác được xiểng dương rất mạnh bởi trước đó những giáo phái như Thượng Tọa Bộ (Theravāda) và Đại Chúng Bộ (Mahāsānghika). Hữu Bộ (Sarvāstivāda) chủ trương: Ngã không pháp hữu, tức là tất cả các pháp đều có, chỉ cái ngã là không có. Tuy ngã không có nhưng những yếu tố của hiện hữu thì có. Sarva-asti có nghĩa là tất cả đều có. Nhưng giáo lý của Bụt còn đi xa hơn nữa, Bụt nói: Các pháp thật ra đều là trống rỗng. Đó là giáo lý về Không. All formations are empty. Chúng ta sẽ học kinh “Không Chư Hành” tức là tất cả các hành đều trống rỗng, không có bản chất, không có tự tính (self nature). Tuy Bụt đã có dạy rồi nhưng ngay trong thời Bụt người ta đã hiểu lầm Bụt rất nhiều. Giáo lý này là một cuộc cách mạng tư tưởng lớn. Ngay cả trong hàng đệ tử của Bụt cũng có nhiều người không hiểu được rằng: ngã không có mà pháp cũng không thật có.

Bên ngoài người ta tấn công rất nhiều, người ta lên án Bụt Sakya đã chủ trương thuyết hư vô đoạn diệt (nihilism). Ngay trong kinh “Người bắt rắn” Bụt đã than phiền: “Tôi đâu có dạy thuyết hư vô đoạn diệt mà người ta cứ cho là tôi dạy thuyết hư vô đoạn diệt”. Thầy Xá Lợi Phất thấy người ta tấn công đạo Bụt từ nhiều phía quá nên Ngài tạm ngưng dạy “pháp không” để dạy “ngã không” trước. Thực ra giáo lý đích thực của Bụt là vượt thoát vừa hữu vừa vô. Hữu (being) là một tà kiến mà vô (non being) cũng là một tà kiến. Theo đạo Bụt thì sự thật nằm ngoài ý niệm hữu và vô. Chủ trương “ngã không pháp hữu” là không hoàn toàn đúng.

Vì vậy các kinh điển Bát Nhã ra đời vào khoảng 100 năm trước Thiên Chúa giáng sinh đã khai thác triệt để giáo lý Không. Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều không có tự tánh, thấy được như vậy thì ta vượt thoát được những lo lắng, buồn khổ.

Chúng ta thấy rất rõ ràng nếu muốn dựng lại Mười hai nhân duyên như một giáo lý liễu nghĩa có khả năng đưa tới chánh kiến thì giáo lý đó phải giúp cho người ta:

  1. Vượt thoát hữu và vô
  2. Vượt thoát sinh và diệt
  3. Vượt thoát tác giả và thọ giả
  4. Vượt thoát hữu vi và vô vi

Trong kinh Kātyāyana, đức Thế Tôn đã trả lời thầy Kātyāyana rất rõ về thế nào là chánh kiến. Đó là cái thấy vượt thoát hữu và vô. Nếu vượt thoát hữu vô thì ta cũng vượt thoát được sinh và diệt. Hữu vô là tà kiến mà sinh diệt cũng là tà kiến. Tiếp theo là cái thấy vô tác, không có tác giả và thọ giả. Đi thêm một bước nữa là vô hành, tức cái thấy vượt thoát hữu vi và vô vi. Có hữu vi thì có vô vi, ta không thể lấy hữu vi ra khỏi vô vi hay lấy vô vi ra khỏi hữu vi, cũng như ta không thể lấy Niết bàn ra khỏi sinh tử hay lấy sinh tử ra khỏi Niết bàn. Cái thấy thứ tư giúp cho ta thấy hữu vi và vô vi không phải là hai thực thể riêng biệt. Không thể lấy tích môn ra khỏi bản môn hay lấy bản môn ra khỏi tích môn. Niết bàn và sinh tử không phải là hai thực tại riêng biệt.

Ta đang ở trong sinh tử và muốn đi tìm Niết bàn ngoài sinh tử là một chuyện thật buồn cười. Ta đang ở trong luân hồi và muốn đi tìm Niết bàn ngoài luân hồi là một chuyện buồn cười. Hiện tại ở bên ngoài trời rất đẹp, nếu tâm ta không vướng mắc bận bịu thì Niết bàn có mặt và ta có đủ giải thoát.

Tuệ giác của Bụt trong kinh Ca Chiên Diên là: Chánh kiến 正 見 là cái thấy vượt thoát hữu và vô. Nói vô ngã là cũng còn kẹt vào ý niệm vô, nói ngã không pháp hữu thì còn kẹt vào ý niệm có và không. Chữ Không giúp chúng ta thoát ra khỏi ý niệm có và không, vì ý niệm có và không không thể diễn tả được sự thật tuyệt đối. Các pháp không phải có cũng không phải không, các pháp là trung đạo. Chữ Không có nghĩa là không phải có cũng không phải không. Nhưng nếu ta hiểu chữ Không là abhāva thì rất kẹt. Có lẽ thầy Sariputra sợ người ta hiểu lầm chữ Không và cho rằng đạo Bụt chủ trương thuyết hư vô đoạn diệt nên thầy đã nhấn mạnh về giáo lý vô ngã mà không chú trọng về giáo lý Không. Vì vậy phải đợi đến mấy trăm năm sau thì giáo lý Không mới được phát triển. Trong kinh có nói: “Thà rằng bị kẹt vào ý niệm có còn hơn là bị kẹt vào ý niệm không”. Giáo lý Không được đưa ra để giúp ta vượt thoát ý niệm có-không, nhưng nếu ta bị kẹt vào ý niệm không thì lúc đó ngay cả Bụt cũng không thể chữa được cho ta. Không là một phương tiện mà không phải là cứu cánh và không phải là một lý thuyết. Chúng ta học được một điều rất quan trọng: Dù là vô thường, vô ngã hay Không thì đó không phải là những chủ thuyết mà chỉ là những dụng cụ, là ngón tay để chỉ mặt trăng. Nếu kẹt vào ngón tay ta sẽ không thấy được mặt trăng.

Bụt đã dùng hình ảnh của ngón tay: Giáo lý của ta chỉ là ngón tay. Cho dù đó là giáo lý vô thường, vô ngã, Tứ diệu đế hay Bát chánh đạo thì đó cũng chỉ là ngón tay mà thôi. Anh phải khôn khéo nhìn theo hướng của ngón tay để thấy được mặt trăng, còn nếu đi tìm mặt trăng trong ngón tay thì anh sẽ thất bại.

Bụt cũng dùng một hình ảnh khác rất hay, đó là hình ảnh của chiếc bè: “Giáo lý của ta là chiếc bè giúp anh qua sông. Bờ bên kia không phải là chiếc bè. Qua được bờ bên kia rồi thì anh phải để chiếc bè xuống, đừng vác lên vai mà đi”.

Trong kinh Kim Cương có một câu rất rõ ràng: “Pháp mà còn phải bỏ xuống huống hồ là không phải Pháp”. Chúng ta phải hiểu tất cả giáo lý của đạo Bụt chỉ là những phương tiện, những dụng cụ mà ta sử dụng để đạt tới giải thoát. Giải thoát rồi thì ta phải bỏ phương tiện đó đi. Vì vậy đạo Bụt có tinh thần phá chấp, hoàn toàn không giáo điều (dogmaticism) và không cuồng tín (fanaticism).

Vô hành có nghĩa là tất cả các pháp, các hiện tượng, trong đó có những cái ngã, đều có tính cách trống rỗng, không có thực thể, không có tự tính. Đây là giáo lý Không (sūnyatā). Giáo lý này không được Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ khai thác đúng mức. Vì vậy cho nên mới có chủ trương ngã không pháp hữu. Vô hành (asamskrta) có nghĩa là các hành ấy bề ngoài dường như là đang có nhưng thực sự chúng không thực sự có, vì chúng chỉ là những tập hợp (formation) không có thực chất. Đặc tính của các hành là trống rỗng (sūnya). Giáo lý “ngã không pháp hữu” của Hữu Bộ như vậy là không trung thực lắm với những gì Bụt dạy. Vì vậy mà bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, phong trào Đại thừa đã phát sinh để khai triển giáo pháp vô hành này bằng nền văn học Bát Nhã. Những kinh điển như Bát Thiên Tụng Bát Nhã (Astasāhasrikā prajñāparamitā sūtra) bắt đầu ra đời và cả một nền văn học phong phú được lập thành để khai triển giáo lý vô hành, nghĩa là giáo lý pháp không, công việc mà Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ đã không chịu làm.

Tuệ giác tùy thuận trí (anulomatajñāna) cho ta thấy tất cả các hành đều nương vào nhau mà được thành lập, không phải cái này sinh ra cái kia, cho nên ý niệm tương hành (sahasamskrta, interconditioning) có thể giúp ta vượt khỏi cặp đối đãi cuối cùng là hữu vi và vô vi để ta có thể thấy rằng Niết bàn nằm ngay trong sinh tử. Bài học chúng ta học được là những gì Bụt dạy đều là những phương tiện quyền xảo như những ngón tay chỉ mặt trăng, ta phải khéo léo lắm mới thấy được mặt trăng và không bị kẹt vào ngón tay. Bụt ra đời để cứu độ chứ không phải để lập ra những chủ thuyết, dù đó là chủ thuyết vô ngã.