Đồi xưa, mưa nhớ nắng cười…
Chân Duyệt Nghiêm
Cho con gửi cái cảm giác biết ơn không cùng đến Thầy, đến những người anh, người chị… đi trước đã tìm ra cái góc trời vắng yên và thơ mộng này mà khai hóa, xây dựng và những người đang giữ gìn nơi này như một cõi sống đầy bình an, độ lượng để ôm ấp, che chở, cho không biết bao nhiêu con người, tâm hồn đang tìm nơi nương tựa …
Và cho Bích Nham, những ngày xuân hạ đầy…
Một ngày, tôi hỏi sư chị tại sao lại sắp xếp bàn học theo kiểu để ngồi quay lưng ra cửa sổ – một khung cửa sổ rộng rãi, đẹp đẽ và đối diện với thiên nhiên? Sư chị nói vì mỗi lần có người đi qua đi lại ngang cửa sổ là sư chị lại mắc nhìn lên, rồi không tập trung học được. Tôi nói: Nhưng mà khung cửa sổ đẹp như vậy mà, phải ngồi quay ra để… ngắm trời, ngắm đất chứ! Sư chị lại nói: Nhưng học thì làm sao ngắm được, phải tập trung vào sách vở chứ! Ừ há, nhưng mà, tôi nghĩ thầm, cho dù có ngồi học, chúi đầu vào sách vở hay máy tính thì tôi cũng thích ngồi trước cửa sổ, để biết rằng chỉ cần ngẩng đầu nhìn lên là thấy bên ngoài kia là cả bầu trời, là cây sồi thật to bên ngoài cửa sổ lúc nào cũng có những bé sóc tất bật chạy lên chạy xuống, hay là những rặng cây và chỏm núi phía xa xa; để biết rằng trời đang mưa rào rạt, hay sương mù mù, hay nắng chang chang ngoài đó! Chỉ cần nhìn lên là thấy, là gặp. Đại khái là một cảm giác được ‘kết nối’. Kết nối với thiên nhiên…
Ngày ngồi trên máy bay để bay từ ‘bên nớ’ sang ‘bên ni’, dù đã “nghe đồn” là ở đây có rừng, có suối… tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi không biết nơi này có đủ đẹp như mình mơ không? Không biết mình có thương được nơi này như đã thương những cánh đồng rộng mênh mông, những dốc đồi chập chùng, các con đường quanh co uốn lượn… làm như khi nào bước ra cũng như đi ngắm tranh phong cảnh vậy không? Có sen không? Có chuông đại hồng không? Nhưng rồi chợt nghĩ, mình đã nhận mình là con của đất Mẹ rồi đó, thì chỗ nào Mẹ – con cũng sẽ thương nhau. Đất Mẹ đâu có chỗ này thì thương mình còn chỗ kia thì đòi hỏi mình hay ghét mình, phải không?! Vậy nên tôi tự nhủ là tôi sẽ thương quý và trân trọng nơi này cho dù nó không đủ ‘bao la, bao la’ hay thiếu vắng những cánh đồng hoa hướng dương và những cánh đồng lúa mì… Và tôi cũng sẽ thương những con người ở đây hay ở đó, tu sĩ hay cư sĩ, da trắng hay da vàng… vì ai cũng là con của đất Mẹ này. Và tất nhiên là tôi cũng thương luôn những con nai, con sóc, con thỏ… nữa.
Nhưng mà, đúng là trời thương người hiền (!), cho nên tôi không cần phải sống lý trí vì vừa đến là tôi đã yêu thích cái khung cảnh ở đây rồi. Phía sau lưng tu viện là rừng, bên trái, bên phải và trước mặt cũng vậy. Nói tóm lại là giống như tôi ở trong rừng vậy, chính xác hơn là tôi ở trong một thung lũng, vì tiếp sau rừng là núi, phía sau núi là đồi, rồi lại…thung lũng, rừng, núi, đồi… như vậy, nối với nhau bằng những dòng suối, có khi chảy hiền hòa, róc rách len lỏi dưới những vòm rừng, rồi lại có những đoạn lớn nước chảy về ào ạt hay những ngày cạn khô, trơ gan cùng tuế nguyệt!
Ở trong lòng thiên nhiên, nhiều khi mình trở thành hồn nhiên chi lạ. Tôi nhớ có một ngày tôi đau đầu kinh khủng, mà lại là ngày nấu ăn, cho nên nấu ăn sáng xong thì bèn mang trà, nước vào rừng, và chọn một tảng đá ngay giữa suối để ngồi uống trà. Những ngày tuyết tan hay trời mưa nhiều, suối nguồn từ trên núi chảy về ầm ào, cho nên ngoài uống trà thì tôi chẳng có chuyện gì khác để làm ngoài… thở và nghe tiếng suối chảy. Nhớ câu thơ của Phan Thịnh: “Róc rách vào chung trà tĩnh lặng. Là tiếng mơ hồ sông suối xưa…” Đó có lẽ là hình ảnh người ngồi uống trà trong trời khuya, một mình, chế trà mà nghe cả tiếng im lặng, tiếng róc rách của nước từ ấm trà chảy xuống tách, rồi lại nghe như tiếng suối, của một ngày xa xôi nào đó, lâu lắm rồi, âm thầm, giữa núi rừng trong một am tranh vắng … Còn tiếng suối chảy trong buổi sáng đó của tôi thì mạnh mẽ, ầm ào như muốn cuốn đi hết mọi suy nghĩ, tâm hành, cảm thọ. Suối còn hát ca, một điều cũ kỹ và tha thiết: Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng chỉ để sống và hãy thả trôi đi hết những tị hiềm… Lời của Trịnh Công Sơn là ‘tị hiềm’, còn tôi thì thích thả luôn cả ‘buồn phiền’ nữa… Có một chuyện tôi không quên làm nữa là… thở. Thở mạnh và sâu vì ý thức rằng não của mình đang cần không khí, có lẽ nó đau vì thiếu không khí hay sao đó. Cho nên, uống trà, thở và nghe suối hát một một chặp thì tự nhiên…hết đau đầu và thấy lòng hân hoan, vui vẻ, tôi bèn lấy nhạc ra hát lại cho suối nghe, hát thoải mái, hồn nhiên từ bài này sang bài khác. Rồi hát không chưa đủ tôi còn quay phim suối, tự thu ‘giọng hát trong tiếng suối’ mình nữa chứ. Bài hát có câu như vầy: “Còn đây có bao ngày, còn ta cứ vui chơi. Rồi mai sẽ ra đi, dù nhớ thương con người…” Đôi khi tôi thấy mình là ‘con nhà giàu’ thật đó. Có cả một cánh rừng, dòng suối, núi đồi… để chơi, để tung tăng thả lòng hát ca, tắm gội.
Thật là sang trọng, trước bàn học tôi ngồi là một khung cửa sổ rất rộng, với những cảnh như đã tả ở trên. Có những ngày, dù sáng sớm hay đêm về, hay những buổi trưa thức dậy, khi có thời gian để ngồi yên và thở, nhất là những ngày mưa, ngắm nhìn hay lắng nghe đất trời, cỏ cây như thế, một hồi là lúc nào lòng cũng thấy mềm lại, thấy nhẹ nhàng, bình an… Và thấy vui, thấy mừng khi thấy trong lòng mình lại có chỗ cho những cơn nắng, cơn mưa, cơn gió như thế đến, đi, rơi xuống, thấm xuống để tắm mát lại linh hồn.
Ở đây, những ngày cuối đông, đầu xuân, khắp rừng lộc non xanh tơ, nhìn cả cánh rừng như bàng bạc những đám khói màu xanh, lửng lơ hòa quyện trong nắng hay trong sương. Rồi ‘mùa tuôn dậy’ ào ạt, bao nhiêu năng lượng ấp ủ trong mùa đông giờ cây gửi ra cho chồi, nên chẳng mấy chốc những đám khói xanh ấy biến thành những ngôi sao xanh, bé nhỏ, nhấp nháy đùa chơi với nắng trên những cây cành nâu thẫm. Và bây giờ, những ngày cuối xuân, đầu hạ, rừng cây đã sang màu đậm đà, sắc nét và đủ đầy. Những cây cành như đằm thắm lại, như đang bình thản để thở, để lắng nghe đất trời trong một khoảng thời gian không có nhiều biến chuyển, thay đổi như xuân, thu kia.
Mỗi ngày, tôi hay dành một chút thời gian để ‘nói chuyện’ với cái cây ngoài cửa sổ phòng mình. Đó là một cây sồi to, đẹp đẽ, khỏe mạnh… Ngày nào tôi cũng được ‘ăn’ cái màu xanh và những tiếng chim ở đó, rồi tắm gội trong sự dịu mát với những sắc màu biến đổi vô chừng trên những tàng lá – lung linh với nắng, rào rạt với mưa hay mơ hồ lãng đãng đùa chơi với những cụm sương trong những ngày khí trời ầm ào thay đổi. Và tất nhiên là tôi biết ơn cái cây nhiều lắm. Cái cây nuôi tôi, làm bạn tôi mà còn là một biểu hiện của hình hài đất Mẹ. Những khi tôi im lặng một mình thì chỉ cái cây và bầu trời thôi, đã mang một niềm cảm thông sâu sắc, trong nỗi lặng im, lắng nghe và chia sẻ… Thế nên tôi đã gọi thiên nhiên là tri kỷ rồi đó. Bất cứ khi nào có những nỗi buồn, trống trải, tôi lại gọi tên tri kỷ. Tri kỷ này ở đây rất đẹp, rất hiền, rất rộng lượng… sẽ luôn luôn lắng nghe, ủi an và làm nguôi ngoai mọi nỗi trong lòng. Do đó mà lúc nào tôi cũng có tri kỷ cạnh bên; nhiều khi không cần gọi, hay không cần nghe ‘ơi’ thì tôi cũng biết là tri kỷ đang lắng nghe tôi ở đó. Vì vậy, có những ngày đi ra phố, lơ ngơ giữa những tòa nhà chọc trời, giữa khói bụi, xe cộ ngược xuôi, có những giây phút nghe trong lòng kêu gào ‘thiên nhiên, thiên nhiên…’ tha thiết, nhớ như đã xa từ lâu những vòm lá xanh, những sóc nai hồn nhiên, nhởn nhơ; rồi cùng lúc lại thấy thương không biết bao nhiêu những con người trong phố ấy… Như vậy chắc là tôi bị “kẹt” rồi đó. Kẹt vào một thứ cảm giác dễ chịu, nhẹ nhõm khi ngồi trong rừng; cảm giác bao la, khoáng đạt khi đứng trước biển; cảm giác bé nhỏ, thần phục khi về giữa núi non. Nhưng mà… thôi kệ, chứ biết sao! Vì biết rằng mình vẫn thương thật nhiều ‘những mặt người giữa phố hoang mang…’, như dáng mình đã từng những ngày lầm lũi đâu đó trên những ngả phố, con đường. Ấy cũng là… vì thương mình mà đã biết thương trần gian… Đi ra phố, để rồi lại quày quả về lại rừng, chăm sóc khu vườn, nâng niu màu xanh, giữ gìn sự thinh lặng… cho một ngày những người con phố còn có nơi để đến, để về, để rũ bỏ bớt nhọc nhằn và thở cùng đất Mẹ.
Có một câu khá thú vị mà tôi đọc thấy trên mẩu giấy nhỏ của gói trà túi lọc: If you love the nature, you’ll see the beauty everywhere (tạm dịch: nếu bạn là người yêu thiên nhiên thì nhìn đâu bạn cũng thấy được cái đẹp). Vậy là thiên nhiên đã ‘dốc lòng’ cho ta hết rồi đó, miễn là ta cũng thương quý và dễ thương với thiên nhiên. Một ông bộ trưởng Brazil về môi trường, người chịu trách nhiệm bảo vệ rừng Amazon, đã viết: “Xã hội kỹ nghệ tân tiến quả là một thứ tôn giáo cuồng tín. Chúng ta đang phá hoại, làm nhiễm độc, hủy diệt tất cả mầm sống trên hành tinh này. Chúng ta đang ký những giấy nợ mà con cháu của chúng ta sẽ không thể trả… Chúng ta đang làm như thể mình là thế hệ cuối cùng trên hành tinh này. Nếu không có một biến cải tận gốc về tâm, trí và lối nhìn, thì trái đất sẽ kết thúc như Vénus, cháy thành than và chết.” (Trích Tạng thư sống chết – Sư Trí Hải dịch). Lâu lâu gọi điện về nhà, nghe Má thông báo tình hình thời sự, thời tiết (!), trong đó có tin đâu đó ở Việt Nam có tuyết (không phải ở ĐL, Sapa), thoắt một cái thì Hà Nội nóng 400C, khô cằn, hạn hán khắp nơi; rồi lại sông Seine (Paris) lũ lụt, những viện bảo tàng nổi tiếng phải lo di dời cổ vật vì sợ nước ngập lên và tràn vào bảo tàng… Đại loại là như vậy, chưa kể bão lũ, sóng thần… Bây giờ nắng mưa không còn là ‘chuyện của trời’ nữa rồi…
Nhớ hồi đọc “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện, chuyện về một người bỗng nghe nói về ‘núi thiêng’, ngờ ngợ, rồi quả quyết đi tìm. Trong đó, nhân vật chính là ‘ta’ và ‘mi’, xen kẽ, luân phiên xuất hiện qua từng chương truyện. ‘Ta’ và ‘mi’ cứ đi hoài, đi mãi, qua bao nhiêu núi, bao nhiêu rừng, bao nhiêu phố, nhiều khi đến Vu Sơn,… cứ ngỡ là Linh Sơn nhưng rồi không phải, và lại đi. ‘Ta’ và ‘mi’ nghe biết bao nhiêu câu chuyện, trải bao nhiêu thử thách, hiểm nguy, nhiều khi đâm đầu vào những ngõ ngách bí hiểm, mịt mùng… Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Trung Hoa. Một đất nước mênh mông trong chiều dài của thời gian và chiều sâu, dày của văn hóa, lịch sử… Nhớ hoài một câu cảm thán của nhân vật, đại khái “rốt cuộc, mình cũng chỉ là một giọt nhỏ nhoi và yếu đuối giữa bể dâu…” và kết quả cuối cùng là nhân vật chính vẫn không thể tìm được “Linh Sơn”. Đọc xong truyện, có cảm giác lãng đãng, đắm chìm, dường như không hiểu gì lắm vì có quá nhiều tình tiết sâu xa, đan dài và trải rộng, xưa cổ và hiện đại, kỳ bí lẫn trần trụi trong đó… Chỉ nghĩ nôm na một điều là: Linh Sơn chính ở trong lòng. Cho nên, nhiều khi liên tưởng rằng, ta đi tìm ta, ta đi tìm mi, hay ta đi tìm Linh Sơn thì hãy chỉ quay về với cái gốc ở trong lòng mà thôi. Đất Mẹ là một cái gốc. Đất Mẹ cũng là Linh Sơn, cho nên ta quay về với đất Mẹ là quay về với ‘núi thiêng’ trong lòng mình, quay về với chính mình. Nếu ta vô ý đối xử tệ bạc hay đang tâm tàn phá đất Mẹ thì ta cũng đang tàn hoại ‘cõi thiêng’ trong lòng mình và lấy đâu nơi nào để mà quay về? Tôi vẫn nghĩ cõi thế gian đâu chỉ có chiều dài rộng của dòng sông, chiều thẳng đứng của đỉnh cao và vực sâu, còn đâu đó một chiều thứ tư có thể bất ngờ vỡ hoang từ tâm thức nữa, một khi ta thương quý được từng cội cây, từng ngọn gió, từng mảnh trời xanh trong vắt,… ấy cũng là khi lòng ta chạm đến “núi thiêng” ở trong ta…
Quê hương trẻ mãi như tâm hồn thiên nhiên. Em đi qua đó không bao giờ muộn phiền… Vậy đó, hãy để tâm hồn mình bình yên, dung dị như cỏ, cây, hoa lá, để đi về trong quê hương. Một quê hương vượt ngoài những khoảng cách địa lý, không gian hay thời gian. Một quê hương lúc nào cũng ở đó, ở ngay tại thiên nhiên, ở trong lòng …