Chung tay giữ bếp lửa hồng

Chân Chuẩn Nghiêm

(Một vài cảm nhận sau khóa tu xuất sĩ Chung tay giữ bếp lửa hồng)

 Ba chữ bếp lửa hồng khiến tôi nhớ tới một lá thư mà Thầy viết cho đệ tử, trong đó cũng có chữ bếp lửa. Đó là lá thư với tựa đề Giữ bếp lửa hồng ở quê hương. Cuối lá thư Thầy viết rất cảm động: "… Làm mới đạo Bụt trong nước và hiến dâng sự thực tập này cho thế giới, công phu mang lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc. Thầy rất ấm lòng mỗi khi nhớ tới chùa gốc, biết là các con đang giữ bếp lửa hồng ở quê hương để nuôi dưỡng tăng thân khắp nơi trên thế giới. Chúng ta hãy thực tập nắm tay nhau đi như một dòng sông và cùng hướng về và xây dựng một tương lai chung. Đừng bao giờ xé lẻ. Chúng ta nên nói lời nguyện ước của chúng ta với nhau như thế!. Và đúng như lời Thầy dạy, anh chị em xuất sĩ chúng tôi đã và đang cùng nhau xây dựng một tương lai chung. Điều đó được thể hiện rất rõ qua đời sống hàng ngày. Khóa tu xuất sĩ vừa qua giúp tôi nuôi lớn thêm ngọn lửa của bồ đề tâm trong trái tim mình.

Tôi rất biết ơn ban tổ chức đã làm việc hết lòng để mang lại hạnh phúc cho đại chúng. Trước khi đại chúng bước vào khóa tu thì ban tổ chức đã phải chuẩn bị trước đó cả tháng. Từ chuẩn bị thời khóa cho đến phòng ốc, chia danh sách pháp đàm, thiền trà nghi lễ, địa điểm, mời người cho pháp thoại, vấn đáp, chia sẻ… Nói chung là ban tổ chức phải lo tất tần tật, từ A đến Z. Chưa hết, ngày đầu tiên của khóa tu, vì chưa vô thời khóa chính thức nên ban tổ chức còn xuống bếp để nấu ăn cho đại chúng. Một số chị em còn vô đội luân phiên nữa. Tôi chỉ biết thầm cám ơn ban tổ chức và đại chúng mà thôi.

 Dù Thầy đang dưỡng bệnh nhưng Thầy vẫn ra với chúng tôi trong buổi họp chúng đầu tiên. Thầy đã ngồi đó gần trọn buổi để nghe đại chúng họp, bàn, để cân bằng số người làm việc trong khóa tu. Có lẽ Thầy hạnh phúc lắm vì thấy các thầy các sư cô làm việc trong tinh thần kiến hòa đồng giải ý hòa đồng duyệt.

Đất trời đang vào xuân. Xuân về trên những cây đào, cây mận, cây mộc lan, trên những thảm hoa bồ công anh vàng rực xen lẫn màu trắng, xanh, tím của cỏ hoa… Xóm Thượng đã đẹp lại càng thêm đẹp. Những buổi thiền hành tôi thấy mình như đang đi giữa rừng hoa. Cũng có hôm trời mưa nhưng chính ngày mưa ấy, Thầy lại ra đi thiền hành với đại chúng. Những buổi thiền hành dưới mưa như vậy mới cảm động làm sao. Thầy đi trước, các con đi sau, giây phút đó đã đi vào huyền thoại.

Trong suốt khóa tu có hai buổi đại chúng ăn cơm vòng tròn chung với nhau, ngoài ra còn có những bữa ăn trưa ngoài trời, theo tuổi, theo gia đình pháp đàm… Có một buổi Thầy ra dùng cơm cùng đại chúng. Thầy đưa mắt nhìn đại chúng và chúng tôi cũng nhìn Thầy với ánh mắt đầy hạnh phúc. Tôi gọi bữa cơm đó là bữa cơm sum họp vì đại gia đình được ngồi cùng nhau, có Thầy, có huynh đệ, còn hạnh phúc nào bằng. 

Sự có mặt của Thầy trong khóa tu xuất sĩ đã cho chúng tôi một bài pháp không lời. Thầy đã và đang sống đúng với những gì Thầy nói trong buổi trả lời vấn đáp năm nào, khi một thiền sinh hỏi Thầy về kế hoạch “về hưu”: Trong đạo Bụt, chúng tôi quan niệm rằng việc giảng dạy không chỉ bằng lời nói mà còn bằng sự sống của chính mình. Sự sống của chúng ta là một bài pháp, một thông điệp. Và khi nào tôi còn ngồi, còn đi, còn ăn, còn tiếp xúc với mọi người và với Tăng thân thì tôi vẫn còn đang tiếp tục giảng dạy, cho dù tôi đã khuyến khích các đệ tử lớn của tôi bắt đầu thay tôi cho pháp thoại. Trong hai năm vừa qua, tôi đã yêu cầu các vị giáo thọ, cả giáo thọ xuất sĩ và giáo thọ cư sĩ, đứng ra cho pháp thoại. Nhiều vị đã cho những bài pháp thoại rất tuyệt vời, có một số bài pháp thoại còn hay hơn pháp thoại của tôi nữa. Tôi thấy tôi đang được tiếp nối và tôi sẽ không bao giờ phải “về hưu”. Tôi sẽ tiếp tục giảng dạy, nếu không bằng những bài pháp thoại thì cũng bằng cách ngồi, cách ăn, bằng nụ cười và sự tiếp xúc với Tăng thân. Dù không cho pháp thoại, tôi cũng vẫn thích tham dự các sinh hoạt như thiền hành, ngồi thiền, ăn cơm trong chánh niệm, v.v.. Vì vậy, quý vị đừng lo lắng! Những ai tha thiết tu tập vẫn có thể tìm thấy niềm cảm hứng từ sự có mặt như vậy. Chúng ta không nhất thiết phải giảng dạy bằng lời nói. Chúng ta chỉ cần sống đời sống của chúng ta một cách chánh niệm và sâu sắc mà thôi.

Trong khóa tu này, không biết tôi có tham lắm không nhưng thời khóa nào tôi cũng thích, không loại bỏ một cái nào. Từ ăn cơm picnic cho đến ăn cơm có nghi lễ, công phu, thiền hành, workshops, đi bộ, im lặng hùng tráng… Trong khóa tu có một ngày im lặng hùng tráng. Thật thú vị. Không gian thênh thang và không một tiếng nói, tiếng cười nào làm ồn. Ngày hôm ấy tất cả các công việc như rửa dọn, nấu ăn, khử trùng bát đĩa, lau quét nhà ăn… vẫn được diễn ra bình thường vì ai cũng đã biết việc để làm, không cần phải trao đổi gì. Huynh đệ gặp nhau, chỉ cần mỉm cười là đủ.

Tôi nhận thấy rằng không chỉ riêng tôi mà ai ai cũng trân quý từng thời khóa. Điều đó đã khiến cho năng lượng tập thể của khóa tu thật hùng hậu. Giờ công phu sáng, chiều, tiếng niệm Bụt, tụng kinh của đại chúng vang lên sao mà hùng quá. Tôi thật tình không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả cho được sự hào hùng đó. Chỉ biết rằng tôi rất hạnh phúc. Nhìn huynh đệ, tôi thấy biết ơn các ba, các mẹ đã hiến tặng cho tăng thân những người con rất dễ thương. Đi tu rồi, tôi có thêm thật nhiều người anh, người chị, người em. Tôi đang có một gia đình tâm linh rất giàu có về mọi mặt.

Hình như ông trời cũng rất thương đại chúng. Ngày đại chúng đi bộ, ngày có PV Cup thì trời nắng, còn lại là có mưa, dù ít dù nhiều. Ngày đi bộ thật thú vị. Chỉ một việc đi thôi nhưng cũng được chia ra thành nhiều nhóm: nhóm đi nhanh, nhóm đi chậm… Tôi tham gia vào nhóm đi chậm vì tôi vốn đi rất chậm. Cả nhóm đi theo sự hướng dẫn của thầy Pháp Dung, tôi cứ tưởng rằng chỉ đi trên đường quốc lộ, ai ngờ một lúc sau thầy quẹo vô đường ruộng. Ban đầu không có lầy lội gì hết nhưng sau đó thì tha hồ lội bùn. Những đôi giày đang dần dần trở nên nặng trĩu bởi bùn đất bám đầy. Nhưng đã lỡ rồi, không lẽ quay lại nên ai cũng tươi cười để tiến về phía trước.

 

Đi một đỗi chúng tôi thấy có một hồ nước đang ở phía trước. Để đến được hồ nước ấy đại chúng phải đi qua một đoạn đường ruộng lội ơi là lội, nếu bước chân không cẩn thận sẽ bị trượt chân liền. May quá, không ai bị ngã hết. Đến được bên hồ nước thì có thể rửa giày cho đỡ nặng. Cũng đã đến giờ ăn trưa nên cả nhóm ngồi xuống, ngay cạnh hồ để ăn cơm. Đội nấu ăn đã nấu cơm, kho đậu hũ, có đồ luộc, rất ngon. Có thêm bánh mì cho đại chúng lựa chọn. Ngày đi bộ mà.

Sau giờ ăn trưa thì có văn nghệ. Văn nghệ ở đây theo kiểu mì ăn liền. Ai thích lên hát thì lên thôi. Chính  nhờ sự thoải mái đó mà ngay cả sư chú Warman người Indonesia cũng lên hát, dù sư chú mới nhập chúng được vài ba tháng. Thế là đại chúng được nghe bài hát tiếng Indonesia rất dễ thương. Sư chú Trời Đạo Hành cũng lên đọc thơ để tặng đại chúng, bằng tiếng Anh. Hai sư em còn rất trẻ là sư em Trăng Non Cao và Trăng Hàm Tiếu cũng lên hát, rất hồn nhiên, trong sáng. Chính sự trẻ trung, năng động của các sư chú, sư em đã nuôi dưỡng quý thầy, quý sư cô lớn và cả đại chúng nữa. Tôi không trẻ cũng không già nhưng tôi cũng được nuôi dưỡng từ sự trẻ trung, dễ thương đó. Tôi nhận thấy rằng chúng tôi cần nhau, không thể thiếu một ai.

Đoạn đường đi về chúng tôi đã được một trận cười ra nước mắt. Sau khi đi một vòng, khá mỏi chân, cứ nghĩ rằng đi ra khỏi khu rừng này thì sẽ về đến nhà. Nhưng không. Ra khỏi rừng chúng tôi lại thấy cái hồ nước lúc nãy, chỉ có điều là chúng tôi đi một vòng thật rộng để đi về phía đằng sau của cái hồ đó. Thầy Pháp Dung dẫn đường nên thầy cười ra nước mắt thiệt. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ biết cười thôi chứ biết làm sao bây giờ. Thật không ngờ rằng từ chỗ đó về tới nhà chỉ có một chút, nếu như biết trước thì mọi chuyện đã không còn thú vị. Dù đi mua đường nhưng tôi vẫn rất vui và được nuôi dưỡng từ buổi đi bộ này. Tôi biết rằng các nhóm đi bộ khác cũng rất vui và nuôi dưỡng nhưng tiếc là tôi chỉ có thể tham gia vào một nhóm mà thôi.

Những buổi học theo nhóm, theo sở thích, gọi là workshops mang lại cho đại chúng rất nhiều hạnh phúc. Lớp học nghi lễ mà tôi theo học, được thầy Giới Đạt hướng dẫn. Thầy dạy rất hay nhưng thời khóa chỉ cho có hai buổi nên chúng tôi phải xin thầy dạy thêm vào ngày làm biếng.

Có nhiều workshops khác như học đàn ghita, cách để xây dựng tăng thân, cách để kết nối với thiền sinh, vẽ… thật là phong phú, tha hồ cho đại chúng lựa chọn. Tài năng của đại chúng đúng là vô cùng, vô tận.

Tôi nhớ khóa tu xuất sĩ năm ngoái Thầy nằm trong bệnh viện, chúng tôi được nghe pháp thoại của Thầy qua DVD. Rồi quý thầy, quý sư cô lớn thay Thầy cho pháp thoại, cho vấn đáp. Năm nay, Thầy ở nhà với chúng tôi, dù vẫn nghe pháp thoại của Thầy qua DVD nhưng chúng tôi ai ai cũng hạnh phúc vì còn được ăn cơm cùng Thầy, đi thiền hành cùng Thầy. Có một hôm Thầy đến ngồi thiền cùng đại chúng trong giờ công phu sáng. Thường thì giờ ngồi thiền chỉ mở đèn nhỏ và không gian rất yên tĩnh. Lúc Thầy vô ngồi thiền tôi có biết, và tôi tin rằng ai cũng biết, chỉ có điều là ai cũng ngồi yên thôi. Cho đến khi mở đèn thì tôi nhìn thấy Thầy rất rõ. Thầy ngồi đó và thầy Pháp Hữu (thị giả) ngồi bên cạnh. Một luồng điện chạy trong tôi. Tình thầy trò sao mà thiêng liêng quá.

Ngày có vấn đáp Thầy cũng có mặt cho các con. Thầy ngồi yên để lắng nghe các con trẻ của mình hỏi, rồi những người con lớn của mình trả lời. Tôi thấy rất rõ sự tiếp nối của Thầy trong tăng thân.

Sự lắng nghe của đại chúng rất dễ thương. Trong khóa tu có một buổi lắng nghe sâu. Lắng nghe cũng là một sự thực tập. Trong buổi này, ai có những cái thấy để đóng góp, để xây dựng đại chúng ngày một đẹp hơn thì nói lên. Những ai không có ý gì thì lắng nghe. Chính nhờ đó mà rất nhiều người trong đại chúng đã mở lòng mình ra để chia sẻ. Những chia sẻ đó chưa cần tăng thân phải trả lời ngay nhưng đó cũng là một điều rất nuôi dưỡng đại chúng, cả người chia sẻ lẫn người nghe.

Cái hay ở trong một đại chúng có đông người là mình được tự chọn cho mình một công việc mà mình thấy thích và thoải mái đủ. Năm nay tôi chọn công việc nấu ăn sáng. Tính tôi không siêng lắm nên tôi chỉ nấu những thức bình thường như mọi bữa. Có một số đội rất siêng như đội của thầy Pháp Tiến, đội thầy nấu xôi cho đại chúng thưởng thức. Cũng có bữa đại chúng được ăn bánh bao. Số lượng có hạn nên tôi bị hết, cuối cùng các chị em khác san sẻ cho tôi. Hỏi ra mới biết bánh bao do thầy Pháp Dung làm. Chiều hôm đó có PV Cúp, vui nhưng mệt, vậy mà thầy vẫn xuống bếp sau đó để làm bánh bao. Có sư em xuống bếp, thấy thầy thái nào cà rốt, nấm… nhưng đoán không ra nên mới hỏi thầy thì thầy nói là thầy đói bụng, thầy làm để chế mì gói. Sư em tưởng thiệt nhưng sáng hôm sau ăn bánh bao mới đoán ra. Thầy kể rằng lâu lắm rồi không có làm bánh bao nhưng hôm đó thầy đã làm bánh bao y như ngày xưa mẹ thầy đã dạy. Chiếc bánh bao nào cũng nho nhỏ, xinh xinh, làm bằng bột gạo lức (vì thầy kiếm bột bánh bao không ra), ăn rất ngon.

Các bữa ăn trưa, chiều rất phong phú. Có đội rất siêng, làm shusi cho toàn chúng. Món shusi rất cầu kỳ, cần nhiều thời gian. Vậy mà đội nấu ăn vẫn làm được. Tôi chỉ biết thán phục mà thôi vì tôi đâu biết nấu gì đặc biệt ngoài những món cơ bản như cơm, cháo, đồ luộc, đồ kho, đồ xào, canh… và rửa dọn. Có đội làm pizza, ngon và đẹp y như ở nhà hàng. Pizza này do người Ý "thứ thiệt" là  sư chú Trời Đạo Phương nướng nên ai cũng thưởng thức rất tận tình. Trong tăng thân tôi được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon, lạ của những nước khác, do chính huynh đệ mình làm. Thật không còn hạnh phúc nào hơn.

Bây giờ đây, khi ngồi gõ những hàng chữ này thì khóa tu xuất sĩ đã qua từ hơn mười ngày trước nhưng tất cả còn in đậm trong trái tim tôi. Những cái hay, nuôi dưỡng trong khóa tu còn nhiều nữa nhưng tôi không thể kể hết ra đây được vì tôi viết cũng dài rồi. Chỉ biết rằng tôi được nuôi dưỡng rất nhiều từ khóa tu xuất sĩ này. Tôi trân quý từng giây phút trong tăng thân vì Thầy đã dạy vô thường, không biết điều gì sẽ xảy đến với tôi nhưng tôi biết rằng tăng thân đang chuyên chở, dìu dắt tôi đi vì bước chân của tôi còn chưa vững. Tôi tin rằng ngọn lửa Thầy đã trao sẽ cháy mãi, và tôi cũng đóng góp một phần nhỏ vào công trình Chung tay giữ bếp lửa hồng cao đẹp ấy. Tăng thân là nơi để cho tôi quay về nương tựa, như lời Thầy đã dạy: Có con cho nên mới có Thầy. Có một bếp lửa để khi mình đi đâu thì nhớ về. Thầy trò mình hãy chăm sóc bếp lửa hồng để bếp lửa còn cháy mãi, cho mình và cho bè bạn”. (Giáng sinh 2012).

Xem thêm hình ảnh của khóa tu: