Mây tím gọi nhau vẹn một lòng

Thầy Nguyên Tịnh

(Thương gửi anh chị em xuất sĩ Huế)

Bạn hiền thương,

Khóa An cư Kết đông chỉ còn một tháng nữa là kết thúc. Vậy là tôi đã có mặt tại xóm Thượng được hơn một năm rồi.

Sao tôi thích những cảnh chùa yên bình như vậy quá. Có bạn ở đây, thế nào tôi cũng mời bạn đến thăm cây Mimosa đang nở vàng bên hồ sen nhỏ. Hồ đóng băng, cây vẫn rộ vàng, tỏa hương nhẹ nhàng mà lại đi rất xa, thơm cả khoảng trời xóm Thượng. Hoa ra nhiều, những cành nhỏ vì thế mà trĩu nặng, càng nặng hơn vào mỗi sáng sớm đầy sương.

Mùa đông lạnh, đứng trước hình ảnh đó, chắc chắn bạn cũng sẽ như tôi, thấy lòng dâng lên một niềm cảm phục và cung kính. Những cành đầy hoa oằn xuống. Bạn biết đó, không ai bắt ép Mimosa phải cho hoa, hay phải cho hoa nhiều. Hoa có mặt như là một chuyện tự nhiên, một chuyện hiển nhiên. Mà bạn hiền ơi, tự nhiên làm sao được, hiển nhiên làm sao được. Phận sự của cây Mimosa trong lúc ấy là cho hoa. Tiếng nói từ trái tim, từng mạch nhựa nơi rễ, nơi thân, nơi cành, nơi lá, vâng theo một nhịp mà chuyển vận và làm việc, mà tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nụ hoa biểu hiện. Dù mọc ở phố thị đông nghẹt, bao nhiêu ánh mắt qua lại, hay độc cư một mình trên ngọn đồi xa xăm không người nhìn ngó, Mimosa, bạn hiền ơi, tôi tin là vẫn ra hoa như nhau. Mỗi lần bắt đầu chớm nụ, tôi có cảm giác như cây nghĩ rằng đây là lần cuối cây sẽ cho hoa. Hoa bung hết lòng bất chấp mùa đông băng giá. Những nụ hoa tròn vàng mỏng manh, lặng lẽ đứng trong mưa gió, trong sương lạnh, hương bay ướp cả một vùng. Tôi trông thấy sự oai hùng kia nơi thân cây bé nhỏ.

Nói bạn hiền nghe, tôi thực tập còn nhiều vụng về lắm, nên hôm ấy, đứng trước gốc Mimosa trong sương mờ, lòng tôi dâng ngập một sự kính trọng như đứng trước một vị đạo sư, và tôi tiếp tục con đường tôi đi thêm nhiều phấn khởi. Những ngày tiếp theo sau bài học đó, tôi thấy bước chân tôi chạm vào đất mẹ vững vàng hơn, mỗi chén trà tôi nâng trên tay có mặt đầy đủ hơn. Bước chân này như là bước chân cuối cùng tôi đi. Chén trà này như là chén trà cuối cùng tôi thưởng thức. Tôi nhìn anh chị em tôi như là lần cuối cùng tôi có thể làm một công việc giản đơn dễ dàng đó. Biết đâu, mọi thứ đều trở thành không còn có thể. Tôi thấy, nếu tôi thực tập an trú có chánh niệm nơi những động tác nhỏ nhất thì tôi có cơ hội chạm tới nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc đời này.

Bạn hiền thương,

Hình ảnh trên khiến tôi nhớ lại những năm ở Kim Sơn, trong mùa An cư, quý thầy và phật tử thường trì tụng kinh Pháp Hoa, và tôi đã từng nói với bạn rằng, bản kinh ấy, càng tụng, càng chiêm nghiệm, lại càng thấy giản đơn, càng giản đơn lại càng thêm phần vô cùng thâm sâu thấm thía, lại càng tìm ra được nhiều phương pháp thiết thực để áp dụng vào đời sống thường ngày, lại càng thấy lòng yên.

Bạn ơi, chiều nay, đọc ngang qua phẩm 24, phẩm Bồ tát Diệu Âm, cái thấy trong tôi sáng tỏ hơn, bạn muốn nghe một chút cho vui không!?

Diệu Âm là vị Bồ tát thường sinh hoạt ở cõi nước có tên là Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm, tức cõi nước được trang nghiêm bởi tất cả sự đầy đủ của ánh sáng và những yếu tố trong sạch. Cõi nước ấy, Bụt kể, rất đẹp, bằng phẳng, không có những sự nguy hiểm. Bồ tát Diệu Âm muốn tới quốc độ Kham Nhẫn, tức cõi Ta bà, cõi chúng ta đang sống này bạn, để thăm đức Bụt và chư Thánh đệ tử, có nghĩa là từ quốc độ sáng-sạch tới thăm một thế giới với nhiều cảnh tượng nguy hiểm, không đẹp mắt, nhiều ngục tù, nhiều khóc than, gập ghềnh, lồi lõm, không trang nghiêm chi cho lắm, thân người cũng không đẹp đẽ gì.

Bồ tát Diệu Âm đã được nhắc nhở về chuyện này nhưng không lấy đó làm ái ngại hay khởi tâm khinh chê. Bồ tát tuyên bố, ta đến cõi Kham Nhẫn là vì trí tuệ, vì công đức, vì tất cả sự nghiệp mà đức Thích Ca Mâu Ni đã thành tựu và truyền trao nơi đây. Tới vì phẩm chất bên trong chứ không phải tới vì nội dung bên ngoài. Đó là một bài học lớn cho chúng ta chiêm nghiệm, phải không bạn!?

Tới với một người bạn, một gia đình, một đoàn thể nào đó, ta tới vì điều gì? Vì người bạn đó có khuôn mặt và vóc dáng đẹp, vì gia đình đó giàu có vật chất, nhà sang, xe sang, chỗ ngồi sang? Hay vì người bạn đó có một tâm hồn sáng trong thuộc về lành thiện, biết cảm thông, có tình, lịch sự, sống chừng mực; vì gia đình đó rất ấm áp tình người, bước vào ngôi nhà nhỏ bé kia là như có sẵn bếp lửa hồng sưởi ấm trái tim ta? Nếu người đó có vóc dáng và khuôn mặt đẹp mà sống cẩu thả trong suy nghĩ và nói năng, sống không lịch sự, mình tới với người đó thì tới vì một điều gì khác chứ không phải tình bạn. Nếu gia đình đó giàu có về vật chất mà chất liệu tâm linh thì thấp kém, không biết tôn trọng nhau cả trước mặt lẫn sau lưng, hành xử thô thiển, chỉ biết vung tiền ra để đáp ứng những nhu cầu hưởng thụ, mình tới với gia đình đó thì vì cái gì chứ không phải vì tình người cao sang.

Bạn mình không đẹp lắm, chỉ nhìn được, nhưng tâm hồn thì phong phú, hiền từ, nói năng nhã nhặn, biết chia sẻ với mình tất cả những khốn khó, biết đi cùng về cõi đẹp, biết tiếp xúc với không gian bao la mà vui sống, chơi với người đó, mình sẽ trở nên giàu có vô cùng tận. Sự giàu có đó, không một thế lực hay hoàn cảnh nào cướp đi được. Gia đình đó không giàu có gì, nghèo lắm, hoặc chỉ đủ sống, nhưng bước vào, từ người lớn tới người nhỏ, ai cũng sống chan hòa, ưa thích sự êm ấm thanh bình, biết sống đủ, không tham lam vật chất, ăn uống đạm bạc, ham thích sách vở trí thức, nói năng lễ độ, ham thích những câu chuyện tình người. Đến với gia đình đó, ta sẽ giàu có bất tận. Cái tình ấy nuôi ta mãi thiên thu.

Chùa cũng vậy. Chùa thì không nên tỏ ra quá giàu, sắm sửa bao nhiêu bộ bàn ghế đắt tiền, hào nhoáng và lộng lẫy. Chùa phải như quốc độ Kham Nhẫn, xấu xấu một chút, thiếu thiếu một chút về hình thức và vật chất, để đồng sự với cuộc đời như màu nâu sồng quê hương. Cái đủ đầy là phẩm chất thực tập. Chùa có tu tập nghiêm túc, đó là ngôi chùa đẹp. Chùa mà huynh đệ biết sống vui, thương nhau trong cảnh nghèo thanh bình, đó là ngôi chùa đẹp. Và chúng ta cần tìm đến những cảnh chùa nghèo nghèo trong cõi vui thanh bình ấy, với tất cả tấm lòng tôn kính và khao khát học hỏi như Bồ tát Diệu Âm đã thực tập. Người trí thức không bao giờ chê bai, thấy xấu hổ khi tới thăm một ngôi chùa hơi nghèo mà khoáng đạt. Người trí thức chỉ thấy không vui vì chuyện khác.

Đẹp biết bao nhiêu một nét chùa quê nghèo vui trong cõi thanh bình. Cái cảnh đó, bước vào là đã được nuôi dưỡng rồi, bước vào là những sầu muộn tự thân nó bắt đầu tự chữa trị rồi. Cảnh nào mà ở đó có mặt sự thanh bình, lịch sự, yên tĩnh, có tâm linh, đó là cảnh cho ta đi về.

Bồ tát Diệu Âm nhờ tu tập và an trú được trong định có tên Biểu hiện tất cả các sắc thân nên Bồ tát hiểu, sắc thân chỉ là biểu hiện, có thể thay đổi, liên tục thay đổi, nhưng phẩm chất tu, chất liệu thầy tu trong đức Thế Tôn và chư đệ tử ở cõi Ta bà là một điều có thật. Vì thế mà một vị Bồ tát thượng thủ cũng muốn tới chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường và học hỏi. Đó cũng là Tiếng nói vi diệu_Bồ tát Diệu Âm nhắn gởi.

Hai mươi năm, ba mươi năm, năm mươi năm, hay nhiều hơn, sống trong cuộc đời này, chúng ta nghĩ chúng ta đã sống nhiều quá, đã hiểu biết nhiều quá. Tuổi thơ đánh mất khi nào không hay. Bạn hiền ơi, làm một người xuất sĩ, chúng ta có cơ hội để sống lại với những điều mà có thể chúng ta đã từng hoang phí vì dại dột, vì tự hào tuổi trẻ, vì coi thường những thứ hiện hữu xung quanh. Tôi có nhiều hạnh phúc khi ở đây. Hạnh phúc ấy, từ tự thân tôi chế tác ra, và một phần đến từ những người huynh đệ quanh tôi. Tôi tìm thấy những sư anh, những sư chị, những sư em mà sự thực tập là một dòng sông nối dài hình ảnh của Thầy. Tăng thân là một dòng sông, trong đó có Thầy, có các con của Thầy khắp nơi cùng nắm tay nhau chảy về biển lớn. Đỉnh núi xa kia nơi dòng sông đã bắt đầu trong quá khứ cũng là nguồn cội. Biển lớn kia nơi con sông sẽ chung hòa cũng là nguồn cội. Chúng ta đã đến với nhau, như những giọt nước có thể tích tụ từ nơi thân cây này hay chiếc lá kia, nơi thảm rêu lạnh, nơi lòng đá ngàn năm, nơi bùn lầy nước đọng, nơi mây trời thênh thang… tất cả góp gom và cùng chảy một dòng. Chỉ còn một cái tên chung có nghĩa của tăng thân, của tình huynh đệ, của đồng sự, của nâu sồng, của hiểu thương, của phụng sự.

Thế thì bạn ơi, đi chung với nhau, dù ở đâu, chúng ta cũng gặp nhau nơi dòng chảy đó, phải không?