Cuộc hành trình của chánh niệm

Trần Thùy Anh

Tôi không phải là một cây viết hay, càng không phải là một kẻ có tài hùng biện. Nhưng sau những trải nghiệm của mình khi về Làng vào khóa học mùa xuân vừa rồi, cũng như khóa học lần này, bỗng dưng tôi muốn chia sẻ  câu chuyện của mình. Câu chuyện của chuyến đi tìm về với mình, tìm về với phút giây hiện tại. Cho tôi được gọi tên là: “Cuộc hành trình của chánh niệm”.

Xin phép được bắt đầu câu chuyện của mình bằng một câu nói mà tôi đọc ở đâu đó, rằng: “Hiểu biết là khi ta học thêm được điều gì đó mỗi ngày. Sự thông thái là khi ta biết buông bỏ mỗi ngày”. Vâng, bài học về sự buông bỏ chưa bao giờ dễ dàng với cá nhân tôi. Chính vì thế mà đôi khi tôi cảm thấy mình mắc kẹt trong những cảm xúc của chính mình, loay hoay giữ sự phân vân và hoài nghi về con người mình, về tương lai và mong muốn của mình. Loay hoay giữa câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Tôi làm được gì?” và "Tôi mong muốn gì?”. Cái cảm giác luôn sống trong sự phân vân quả thật là vô cùng khó chịu. Cảm thấy đôi khi trống rỗng, mất phương hướng và chán nản. Khoan hãy hỏi về những vấn đề của tôi, hãy nghe tôi kể về cuộc hành trình tìm về chánh niệm, mà điểm đến là “Viện Phật học ứng dụng châu Âu” (gọi tắt là EIAB) hay cho tôi được gọi tên Thiền viện – một góc Làng Mai gửi gắm lại Waldbroel, miền Nam nước Đức, nơi tôi đã hẹn lòng một ngày phải tới thăm.

Ấy là ngày cuối tuần đầu mùa thu, tôi chọn khóa học: “Thầy cô giáo hạnh phúc làm thay đổi thế giới” (Happy teachers change the world) bởi có sự hướng dẫn của một người thầy tôi vô cùng trân trọng và kính mến. Khóa học kéo dài mười ngày, tiếc là chỉ có thể tranh thủ đôi ngày cuối tuần về thăm Thiền viện, điều mà đến giờ đây tôi vẫn cảm thấy tiếc nuối vô cùng, giá như tôi có thể ở dài hơn. Kết thúc công việc vào lúc 1 giờ sáng ngày thứ Bảy, 5 giờ sáng tôi vội vàng lên chuyến bay từ Berlin về Koeln trong một trạng thái vô cùng mệt mỏi, ấy vậy mà chặng đường đi lại đưa tôi hết từ trạng thái cảm xúc này tới trạng thái cảm xúc khác.

Mùa thu luôn mang lại cho ta nhiều cảm xúc. Đúng vậy, nhất là với một đứa vốn hay lãng đãng mơ màng như tôi, thì quả là chuyến xe buýt từ thị trấn nhỏ Hennef đến Waldbroel thật nhiều cảm xúc. Từ cái cảm xúc vừa buồn cười, vừa ngạc nhiên khi ông lái xe buýt vượt giữa hai làn đường ở trung tâm thị trấn và không ngại bấm còi inh ỏi khi chiếc ô tô phía trước trót dại cản trở đường đi của ông; cho đến cái “ồ”, “à” khi con đường về Waldbroel nằm giữa những cánh rừng già, một bên là vách núi, hoặc những ngọn đồi thoai thoải cỏ non xanh rờn, nơi những chú ngựa đang nhởn nhơ gặm cả những hạt sương rơi đầu ngọn cỏ. Một bên là dòng suối nhỏ, mà ngồi trên xe tôi vẫn nghe được rõ âm thanh róc rách. Lâu lắm rồi, giữa ồn ào thành thị tôi hình như đã quên mất cái âm thanh yên bình ấy. Thiếu sót lắm nếu không kể đến nụ cười của tôi khi nhìn thấy những bến chờ xe buýt nhỏ, vẫn còn quây quanh như một cái vọng gác, băng ghế gỗ cũ kỹ vết thời gian, nơi chỉ đôi ba người khách đứng chờ chuyến xe cuối tuần mỗi hai giờ đồng hồ, hay một trạm điện thoại công cộng đứng lẻ loi bên vệ đường, mà tôi nghĩ rất lâu mới có một vị khách ghé thăm.

Bến xe buýt cách không xa thiền viện như tôi tưởng, đi bộ chỉ khoảng 3, 4 phút. Thiền viện nằm trên ngọn đồi thoai thoải. Kéo vali lên tới nơi, tôi được chào đón bằng nụ cười ấm áp của bất kỳ ai dù chỉ đi thoáng qua tôi. Tôi đến sớm hơn giờ đăng ký mấy giờ đồng hồ. Bước vào phòng đăng ký, một sư cô chạy lại gần, hướng dẫn tôi bằng thứ tiếng anh lơ lớ, và ôm lấy tôi khi tôi thốt ra mấy câu tiếng Việt sệt giọng bắc. À, hóa ra là người Việt, cô ân cần hỏi tôi đã dùng bữa trưa hay chưa, và dẫn tôi tới nơi đăng ký nhận phòng nghỉ. Sư cô ý nhị sắp xếp cho tôi một phòng cùng hai cô bạn sinh viên người Đức, bởi sư cô biết tôi đến từ Berlin. Cám ơn sư cô rồi trở về phòng vì cũng đủ thấm mệt sau chặng đi dài, tôi định bụng nghỉ ngơi một chút để cài đặt lại tâm trí, cũng như cho đôi mắt được nghỉ ngơi. Nhưng sự háo hức, và niềm vui từ sự chào đón ấm áp của quý thầy, quý sư cô, cũng như khung cảnh yên bình nơi đây kéo tôi dậy. Dạo bước một vòng quanh thiền viện, hương thu vảng vất nơi tán lá đang chuyển màu, trong âm thanh tiếng chim ríu rít, huyền diệu trong cái không khí trong lành nơi làng quê nhỏ. Thời tiết quả là biết chiều lòng người. Nắng vàng nhè nhẹ giữa những chùm lá, hắt xuống góc sân, nơi lầu chuông nhỏ. Chọn cho mình một ghế băng gần đó, tôi thả mình thư thái giữa không gian rất thu và vô cùng yên bình nơi ấy.

Hít một hơi thở nhẹ, đón trọn hương thu, hơi thở đưa tôi về với mình. Hơi thở chánh niệm đến với tôi tự nhiên đến lạ, trong khoảnh khắc, mọi sự mệt mỏi, mọi phân vân, mọi trăn trở như một dòng chảy trôi qua tôi nhẹ nhàng như dòng suối nhỏ bên đường đi vậy. Thân tâm bỗng trở nên lắng dịu lạ thường. Tôi nhớ lời Thầy dạy về hơi thở chánh niệm: “Thở vào, tôi có mặt cho cảm thọ của tôi. Thở ra, tôi an tịnh cảm thọ của tôi”. Lúc trước tôi không hề biết hơi thở lại có sức mạnh diệu kỳ đến vậy! Tôi cảm nhận hơi thở đi vào trong mình, như gọi tâm trở về với thân, hướng thân tâm hòa nhập, để tôi ý thức mình đang sống trong giây phút hiện tại, kéo tâm khỏi những boăn khoăn, lo lắng, để đọc được cảm xúc trong mình. Hơi thở đi ra tôi mang lại sự an lạc trong lòng. Bầu trời xanh, tiếng chim hót, tiếng gió thu xào xạc, thức tỉnh mọi giác quan. Mình nhìn rõ mình nhất khi mình trở về với chính mình: không thanh minh, không biện bạch, không phòng vệ, cũng không lo sự phán xét. Tôi bắt đầu với chính mình, chợt nhận ra mình như một kẻ khờ, giữ khư khư chiếc ô trên tay, và đi vòng quanh để chờ một cơn mưa tới, dù bầu trời ngoài kia xanh và trong, dù nắng hồng đang chiếu sáng.

Buông bỏ không có nghĩa là buông xuôi, cũng không phải từ bỏ. Trở về và an trú trong phút giây hiện tại, không có nghĩa là chối bỏ hay chạy trốn các vấn đề của mình. Dừng lại để nhận diện những gì đang diễn ra trong tâm mình và để nhận biết điều gì nên buông bỏ, và điều gì là quan trọng với mình, xác định mình muốn gì, và cần phải làm gì để mong muốn ấy thành sự thật. Ấy là sự thực tập chánh niệm, với tôi khi ấy như một sự tỉnh thức, giống như ta lạc đường trong những lo lắng cho tương lai, bế tắc trong những băn khoăn về hiện tại, và khi ta chợt nhận ra điều gì là cần thiết nhất, mong muốn nhất, để ta biết ta nên và phải làm gì. Trong một tích tắc ta nhìn nhận mọi thứ vô cùng rõ ràng và bỗng nhiên chợt cảm thấy lòng nhẹ bẫng…  Dạo bước quanh thiền viện, gió thu mơn man bên bờ vai…

Bài pháp thoại của thầy Pháp Lưu mà tôi được dự thính buổi sáng hôm sau giúp tôi gọi tên và nhận diện rõ ràng hơn những gì đang diễn ra trong tôi. Đó là bài học về sự “Dừng lại” (Stop) và sự “Buông bỏ” (Letting go). Dừng lại không có nghĩa là dồn nén cảm xúc của mình; như thầy chia sẻ, thì cảm xúc như một dòng chảy khi ta dừng lại. Hãy để cho dòng chảy ấy nhẹ nhàng trôi. Nhấn một nút dừng, nhận biết những gì đang diễn ra trong mình, gọi tên những cảm xúc ấy. Mọi cảm xúc (sợ hãi, lo lắng, tức giận, khao khát, ghen tỵ…) giống như một đứa trẻ đang khóc, hãy ôm ấp nó, chứ đừng để nó nắm giữ ta. Bình tâm lại, ta sẽ biết được nguồn cơn của mọi sự bất an, lo sợ, giận giữ hay khát khao ấy. Thông thường ta thường chọn cách chạy trốn khỏi những cảm xúc tiêu cực, nhưng đó không phải là cách.

Tôi cũng đã chạy trốn… Tôi gọi tên người bạn mới trong mình là: “Sự sợ hãi”. Sợ hãi rằng mình là kẻ kém cỏi, sợ phải thay đổi, sợ phải đối mặt với những thử thách mới, sợ bị tổn thương, sợ bị từ chối, sợ sai và sợ bị đánh giá và bao biện cho sự sợ hãi ấy bằng những lo lắng, boăn khoăn. Và khi mà tôi chưa dám gọi tên cảm xúc thật sự của mình, thì khi ấy tôi còn luẩn quẩn và bế tắc trong chính mình. Chánh niệm là khi tôi dừng lại, tôi biết được tôi đang sợ hãi, thay vì trốn chạy, tôi chấp nhận nó là một phần trong tôi, và khi ấy tôi nhìn rõ nhất tôi cần phải làm gì. Tôi khẽ cười khi phát hiện mình như một kẻ khờ, thu mình trong sự sợ hãi của bản thân, xây quanh mình một hàng rào cao và vững chắc bằng nỗi lo lắng và sự boăn khoăn, và ngồi trong dấm dứt khóc than, cầu cứu người khác.  Khi ai đó lại gần bức tường ấy và hỏi:

-“Tôi làm được gì cho bạn?”

-“Tôi không biết, nhưng hãy cứu tôi!”. Tôi khẩn thiết

-“Tôi có thể cứu bạn bằng cách nào? Bạn cần gì, và mong muốn điều gì?”

-“Tôi cũng không biết mình muốn gì?”

-“Vậy chìa khoá của bức tường thành này đâu rồi, để tôi đưa bạn ra?”

-“Tôi không biết nó đâu rồi, tôi cũng chẳng muốn đi ra. Bạn chẳng hiểu gì tôi cả,  chẳng ai hiểu tôi cả!” Tôi vội vàng quy chụp

Vậy đấy, ấy là cách tôi chạy trốn sự sợ hãi và lười biếng trong mình. Cũng là cách tôi làm tổn thương mình, và loay hoay giữa sự bế tắc trong chính mình. Khi tôi biết dừng lại, khi tôi biết nhìn vào mọi cảm xúc, gọi tên và học cách chấp nhận nó, cũng như học cách buông bỏ, tôi thấy mình nhẹ nhõm vô cùng. Suốt ba tháng qua, tôi đã không dành cho mình thời gian để dừng lại, mải miết chạy. Và chuyến đi này là một nút dừng quý giá để tôi quay về với xứ sở của phút giây hiện tại, quay về với hòn đảo tâm hồn mình, để biết mình nên và cần phải làm gì. Cũng biết sự thực tập cần được bồi đắp mỗi ngày, vẫn biết đừng để khi bế tắc mới loay hoay tìm kiếm, đôi khi ta nguỵ biện rằng cuộc sống vội vã ngoài kia cuốn ta đi, nhưng hãy dừng lại, dù chỉ một vài phút về với mình mỗi ngày, cuộc sống này sẽ nhẹ nhàng hơn.

Tôi nhớ đêm tôi về, rảo bước lên máy bay, tôi dừng lại vài phút giữa phi trường bởi đêm ấy trăng sáng quá, trăng ngày Rằm thì phải. Lặng ngắm, mỉm cười và hít một hơi thở nhẹ… Tôi nhớ lời hẹn trở về Làng… Vâng, con sẽ quay về Làng, và khi ấy con sẽ trưởng thành hơn… Nam mô Bụt.