Làm mới
Phương pháp tưới hoa
Tại đoàn quán, chúng ta cũng tập cho các em phương pháp làm mới. Làm mới tức là làm cho mới tinh trở lại, không còn vết gợn của sự giận hờn, dù nhỏ cách mấy đi nữa. Khi có sự giận hờn và sự hiểu lầm, dù nhỏ cách mấy chúng ta cũng đừng nên bỏ qua. Ta phải tẩy cho thật sạch như là một chiếc áo của Oanh Vũ, không có một vết mực, vết dơ nào trên đó hết. Ta giặt cho thật sạch. Tâm của chúng ta cũng vậy. Giữa anh Huynh Trưởng và em đoàn sinh, nếu mà có sự hiểu lầm, xích mích, giận hờn thì ta nhất định đừng để lâu, hãy làm mới liền. Phương pháp làm mới là chúng ta ngồi một vòng tròn năm hoặc bảy người, ở giữa có một bình hoa. Trước hết chúng ta thực tập tưới hoa.
Trong bài học trước, chúng ta đã học về ‘tấn’ , tức là tinh tấn, là tứ chánh cần. Những hạt giống nào tốt của các anh, các chị, các em, ta phải biết tưới cho nó lớn. Nếu thấy em Oanh Vũ có những tài năng và đức tính tốt gì thì trong khi cầm bông hoa, ta nói: "Nơi em có hạt giống này rất là tốt, anh (chị) rất mừng thấy em có hạt giống đó, hạt giống của sự siêng năng, hạt giống của sự biết vâng lời người lớn." Phải khen em. Khen không có nghĩa là nịnh. Ta chỉ nói sự thật thôi. Ta không tưới tẩm những hạt giống tốt của em thì tội nghiệp cho nó. Nếu ta là em, mà thấy anh mình có hạt giống tốt thì cũng phải biết tưới tẩm: "Anh là Huynh Trưởng tuyệt vời của em, em chưa thấy ai thương đoàn sinh như là anh. Anh hy sinh, anh ở xa nhưng mà thấy có chuyện gì là anh tới liền." Ta nói với người Huynh Trưởng của ta như vậy. Ta phải nhận diện những hạt giống tốt để mà tưới tẩm. Ta tưới tẩm cho nhau, cho các em của ta, cho trong đoàn có hạnh phúc. Tưới tẩm những hạt giống tốt thì niềm vui đến rất mau. Chỉ cần mười lăm phút là người kia tươi lên như hoa. Nếu các đoàn sinh Gia Đình Phật Tử, các vị Huynh Trưởng mà không biết pháp môn tưới hoa thì uổng lắm, uổng vô cùng. Kết quả của sự thực tập này mau hơn là pha cà phê uống liền nữa, mau hơn là làm mì ăn liền. Quý vị hãy thử đi. Chúng ta có rất nhiều pháp môn thực tập mang lại hạnh phúc rất mau chóng, ở trong đoàn quán cũng như ở trong gia đình.
Phương pháp hóa giải
Nếu ta có nỗi buồn khổ gì thì ta xin được nói ra, nhưng trước hết ta để nỗi buồn khổ của ta qua một bên để tưới hoa cho các em, các anh, các chị trước, xong rồi ta mới nói: "Em có một nỗi buồn, em xin được nói!" Ta nói điều đó ra bằng ngôn từ gọi là ‘hòa ái’. Nói xong ta chắp tay xá, rồi để hoa lại chỗ cũ. Sau đó, vị điều hợp hỏi có ai muốn chia sẻ gì thì nói tiếp. Sau khi tưới hoa và nói được chuyện buồn ra rồi thì chúng ta giải tán. Chúng ta không trả lời ngay, mà phải đợi ba, bốn, năm ngày, hoặc cả tuần sau mới trả lời. Nếu thấy người đó đau khổ vì hiểu lầm thì ta tới nói chuyện riêng với người đó và giải thích sự hiểu lầm. Ta có thể nói: "Hồi nãy nghe em nói, anh thấy tội nghiệp quá. Em hiểu lầm cho nên em mới khổ. Sự thật là như thế này…" Ta giải thích cho em nghe. Rồi chính em đó, trong dịp làm mới sau, có thể nói: "Hôm trước em có nói lên nỗi đau của em, nhưng đó là do tri giác sai lầm mà em khổ, chứ anh Huynh Trưởng của em không có ý làm cho em đau khổ." Chính em nói ra thì anh Huynh Trưởng không phải tự mình thanh minh gì hết. Nhưng ta phải đợi đến lúc hai anh em vui với nhau rồi mới nói: "Hôm trước em nói điều khổ đau của em, anh rất là thương. Anh thấy em khổ mấy ngày tội nghiệp quá, nhưng mà anh muốn nói cho em biết rằng em khổ như vậy là tại em hiểu lầm rồi. Anh đâu có muốn làm như vậy đâu." Giải thích cho em, em sẽ hiểu và tự ý em sẽ đính chính kỳ sau. Ta không cần phải đính chính thì hay lắm.
Trong đoàn quán ta có thể thực tập làm mới. Ta thực tập tưới hoa và hóa giải. Hóa giải là gỡ ra những nút thắt, gặp người kia để mà nói cho người kia nghe những đau khổ của ta. Sau đó vài ba ngày, người kia có dịp giải thích cho ta biết hoặc là nếu có lỗi thật thì xin lỗi. Rồi tình anh em, chị em sẽ được lại như cũ, đó gọi là làm mới. Dĩ nhiên về phía gia đình huyết thống, chúng ta cũng phải thực tập làm mới.
Hiệp Ước Sống Chung An Lạc
Hôm nay chúng ta bắt đầu học về phương pháp gọi là Hiệp Ước Sống Chung An Lạc mà ta có thể thực tập trong gia đình và trong đoàn. Tôi sẽ cống hiến cho quý vị một vài ý niệm căn bản rồi tôi sẽ mời một vài thầy và sư cô lên trình bày cho quý vị về nội dung của hiệp ước cũng như phương pháp áp dụng hiệp ước này trong đời sống của đoàn, của gia đình.
Ta đã học về Tấn, tức là Tinh Tấn trong Tứ Chánh Cần. Chúng ta cũng đã học về hạt giống và tâm hành. Chúng ta có hạt giống của thương yêu, nhưng mà chúng ta cũng có hạt giống của sự thù hận và giận hờn. Vì vậy Hiệp Ước Sống Chung An Lạc này là để thực tập một cách rất cụ thể giáo lý về Tinh Tấn ta mới học. Chúng ta không phải là Thánh, chúng ta là những người thường, và vì vậy cho nên ta không tránh khỏi những nhận thức sai lầm và những vụng về trong đời sống hàng ngày. Ta có thể vì vụng về, vì thất niệm mà nói ra những câu nói làm người kia buồn và tạo ra những đổ vỡ. Không ai tránh khỏi việc này. Người kia có thể là người ta thương, người kia có thể là con ta, mẹ ta hay là chồng ta, người yêu của ta. Người kia cũng có thể là anh ta, chị ta, hay là em ta. Rất nhiều khi ta chỉ vụng về thôi, ta không muốn làm người kia đau khổ, nhưng mà vì vụng về và thiếu chánh niệm cho nên ta đã nói và làm những điều có thể gây rạn nứt và làm cho người kia giận hờn. Hiệp ước này sẽ giúp chúng ta thực tập để mỗi khi cơn giận phát khởi thì ta biết ta phải làm gì.
Cùng ký hiệp ước với nhau
Theo lời Đức Thế Tôn thì mỗi khi giận, ta không được nói, không được làm gì hết, ta không được có phản ứng. Những lúc đó ta cũng không nên đè nén cơn giận của mình xuống. Rất nguy hiểm vì khi cơn giận bị đè nén được một vài lần rồi thì nó cũng sẽ bùng lên và làm ta còn giận hơn trước. Lúc đó ta sẽ nói ra những điều còn độc hại hơn, làm ra những điều còn có tính cách gây đổ vỡ nặng nề hơn nữa. Cho nên phương pháp dằn xuống, đè nén không nên áp dụng. Ta phải tìm hiểu, nghiên cứu hiệp ước này cho kỹ. Rồi sau khi đã đồng ý với nhau rằng đây là phương pháp có thể giúp cho chúng ta tránh bớt được sự rạn nứt và bồi dưỡng lòng thương yêu thì chúng ta phải ký, phải lạy trước Tam Bảo, trước tăng thân (tăng thân tức là sự có mặt của các thầy, các sư cô, tất cả các Huynh Trưởng, các đoàn sinh). Ta lạy xuống và một khi đã ký hiệp ước đó thì ta phải làm theo hiệp ước. Như vậy ta chắc chắn sẽ có thêm an lạc. Tại Làng Mai, mỗi khi chúng tôi làm đám cưới cho một cặp vợ chồng, chúng tôi dạy cho họ hiệp ước sống chung, và chúng tôi bảo họ phải lạy xuống trước đại chúng, trước Bụt, Pháp, Tăng và ký hiệp ước sống chung an lạc rồi thì hai người mới được làm đám cưới. Bởi vì làm đám cưới mà hai người không có thực tập thì nguy hiểm lắm, sau này có thể làm khổ nhau. Theo hiệp ước này, ta không được nói gì hết, không được làm gì hết khi ta đang giận vì ta biết rằng trong khi giận, những câu nói và những hành động có thể đưa tới sự tan vỡ. Cho nên lúc đó ta chỉ nên thực tập hơi thở có ý thức, và nếu có thể được thì mở cửa đi ra ngoài, thực tập thiền hành. Nếu ta cho phép năng lượng giận hờn có mặt một mình thì rất nguy hiểm. Vì vậy ta phải mời năng lượng thứ hai là năng lượng Chánh Niệm đi lên bằng cách thở, đi thiền hành. Ta nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm để ôm ấp và chăm sóc năng lượng giận đang có mặt trong ta. Giống như ta có một đứa em đang đau khổ, đang khóc, thì ta tới ôm em ta trong vòng tay. Ta là cơn giận mà ta cũng là Chánh Niệm. Ta ôm lấy cái giận của mình và làm cho dịu xuống bằng phương pháp thở Chánh Niệm, bằng phương pháp đi Chánh Niệm, đi thiền hành và hơi thở có ý thức.
Em đang khổ, em muốn anh biết điều đó.
Sau đó ta trở về nhà, ta thấy nhẹ nhàng hơn, lúc đó ta mới tìm cách nói cho người kia biết ta đang giận và đang khổ. Bởi vì nói được cho người kia biết ta đang giận, đang khổ thì ta sẽ cảm thấy đỡ vô cùng. Nhưng ta phải nói bằng ngôn từ hòa ái gọi là ái ngữ. Theo hiệp ước này ta có bổn phận phải cho người kia biết là ta đang giận, đang khổ. Ta không thể để quá hai mươi bốn giờ đồng hồ, để quá hai mươi bốn giờ là vi phạm hiệp ước. Thành ra trong hai mươi bốn giờ đó ta phải thực tập hơi thở, thực tập bước chân đàng hoàng để cơn giận lắng dịu rồi ta mới có thể nói được với người kia là ta đang giận người kia và ta muốn người kia biết điều đó. "Anh ơi, em đang giận anh, em đang khổ, em muốn anh biết điều đó". Chuyện này rất quan trọng và trong hai mươi bốn giờ đồng hồ ta phải làm cho được. Nếu người làm cho ta giận là cha ta, ta cũng phải làm như vậy. "Bố ơi, con đang giận bố, con đang khổ lắm". Nếu ta là cha thì ta cũng phải làm như vậy đối với con, ta không được la mắng, chửi bới con của ta, vì như vậy là vi phạm hiệp ước. Ta cũng phải đi thiền hành, ta cũng phải thở. Ta cũng phải dùng tất cả sự nhẹ nhàng của ngôn từ ái ngữ mà nói: "Con ơi! Ba đang giận con, ba đang khổ, ba muốn con biết điều đó." Phải cho người ta thương biết là ta đang giận và ta đang khổ.
Trong trường hợp hai mươi bốn tiếng sắp qua mà ta chưa lắng xuống, chưa bình tĩnh, chưa đủ sức dùng được ái ngữ thì trong Hiệp Ước có một phương pháp rất hay. Ta lấy một tờ giấy và viết xuống như sau: "Bố ơi! Con đang giận bố, con đang khổ, con muốn bố biết điều đó cho con." Và ta làm thế nào để cho tờ giấy đó tới tay cha ta trước 24 tiếng đồng hồ, thì tự nhiên ta bớt khổ nhiều lắm. Ở trong bản Hiệp Ước Sống Chung An Lạc này, người đang chịu đau khổ vì sự hờn giận có mười điều phải thực tập và người mà được nghĩ rằng có trách nhiệm làm người kia giận thì có bốn điều phải thực tập. Hiệp Ước Sống Chung An Lạc này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đừng có ký đại, phải được học hỏi, hiểu thấu phương pháp thực tập rồi thì lúc đó mới nên ký. Trong gia đình, nếu ta giận ai thì ta phải thực tập và nếu ta nghĩ rằng người kia thấy ta là nguyên nhân cái giận của họ thì ta cũng phải thực tập; hai bên đều phải thực tập và hai người hẹn sẽ gặp nhau vào chiều thứ sáu (hay một buổi nào đó thuận tiện mà ai cũng có thể có mặt). Từ đây cho đến ngày thứ sáu còn ba hay bốn ngày nữa nhưng người nào cũng có cơ hội để nhìn sâu, để thực tập, để có cái nhìn rõ ràng hơn. Và đến chiều thứ sáu có thể ta hết giận, có thể ta thấy cái giận của mình do một nhận thức sai lầm, nhận thức vội vã mà có.
Vọng tưởng
Trong đạo Phật gọi vọng tưởng là nhận thức sai lầm (wrong perception). Khi ta đưa tờ giấy đó cho người kia rồi thì ta khỏe ra nhiều lắm. Còn khi mà ta giận, ta khổ mà người kia không biết, thì ta còn giận, còn khổ hơn nữa. Cho nên đưa như vậy là giúp cho ta có một sự nhẹ nhàng, bớt khổ liền. Nếu ta là người kia thì khi nhận được tờ giấy, ta sẽ nghĩ: "Trời đất ơi, mình đã nói những gì, mình đã làm những điều gì để người kia giận vậy kìa?" Rồi ta sẽ quan tâm và trong khi lái xe đi làm hoặc nấu ăn thì ta phải tập thở để quán chiếu lại coi ta đã nói gì, làm gì khiến người kia giận. Nếu trong khi quán chiếu như vậy mà ta tìm ra nguyên nhân là ta đã nói điều đó hoặc đã làm việc đó khiến cho người kia giận thì ta phải lập tức gọi điện thoại và xin lỗi ngay. Để cho người kia giận lâu thì rất tội nghiệp người đó nên khi ta nhìn thấy lỗi của mình thì ta lập tức liên lạc bằng điện thoại, bằng fax, bằng email với người đó càng sớm càng tốt. Còn nếu ta đang giận thì ta cũng phải quán chiếu. Thường thường ta có nhận thức sai lầm rằng người kia muốn làm cho ta khổ, muốn trừng phạt ta trong khi sự thật thì người kia không có ý muốn làm cho ta khổ. Tri giác sai lầm đó, vọng tưởng đó ai cũng có và vì vô minh, vì đa nghi cho nên ta là nạn nhân của những cơn giận, những hờn ghen của chính ta rất nhiều.
Quý vị có nhớ câu chuyện của thiếu phụ Nam Xương không ? Khi chàng Trương hiểu và biết mình sai lầm thì người thiếu phụ Nam Xương đã chết. Chúng ta cũng vậy, chúng ta còn bị kẹt vào những tri giác sai lầm của chúng ta nhiều lắm và chúng ta cứ ôm lấy những mối nghi ngờ, những nỗi hờn giận không căn cứ. Người kia không muốn làm ta khổ mà ta cứ tin rằng người kia muốn trừng phạt ta, muốn làm ta khổ, vì vậy mà ta kéo dài cơn giận của ta, có khi đến suốt đời. Cho nên hai người đừng làm như là chàng Trương và thiếu phụ Nam Xương. Hai người là ai? Hai người là vợ chồng. Hai người là ai? Là hai cha con, là hai mẹ con. Nhiều khi hai người giận nhau vì một tri giác sai lầm mà cứ tiếp tục làm khổ nhau. Cho nên phải biết tới với nhau để nói cho rõ. Nhưng khi tới với nhau thì phải có khả năng ngồi cho yên, sử dụng ngôn ngữ hòa ái và phương pháp lắng nghe.
Phương pháp lắng nghe trong đạo Phật gọi là Đế Thính, đó là hạnh của đức Quan Thế Âm. Ngôn từ hòa ái gọi là Ái Ngữ. Ái ngữ và đế thính là hai yếu tố mà mỗi đoàn sinh, mỗi Huynh Trưởng phải thực tập cho kỹ thì mới có thể tạo dựng lại, khôi phục lại hạnh phúc trong gia đình và trong đoàn của mình. Hiệp Ước Sống Chung An Lạc sở dĩ thực tập được thành công là nhờ hai loại thực tập đó, tức là lắng nghe sâu và sử dụng ngôn ngữ hòa ái. Ta phải làm cho được thì ta mới dạy các em trong đoàn thực tập. Còn chính ta là Huynh Trưởng mà ta không có khả năng lắng nghe, không có khả năng dùng lời ái ngữ thì ta không thể nào dạy các em ta được. Thầy luôn luôn nói với các thầy, các sư cô rằng chúng ta sống với nhau cho có hạnh phúc, có hòa điệu. Nếu chúng ta sống không có hạnh phúc, không có hòa điệu mà chúng ta đi mở những khóa tu cho người khác là chúng ta đang bán hàng giả. Tại vì chúng ta đâu có hạnh phúc, chúng ta đâu có hòa điệu, chúng ta có tin yêu nhau đâu mà chúng ta đi dạy người ta hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc? Vì vậy đoàn thể của chúng ta phải có hòa thuận, hạnh phúc, phải có niềm tin, phải có vững chãi, phải có thảnh thơi thì khi đi ra hướng dẫn khóa tu, dạy người ta tu, ta mới không bán hàng giả. Một người Huynh Trưởng, cũng như một vị thầy hay một vị sư cô mà trong gia đình không có hạnh phúc, không có khả năng lắng nghe, không có khả năng sử dụng ái ngữ, không có khả năng khôi phục lại được sự hòa thuận và tin yêu trong gia đình, thì làm sao có thể dạy các em của ta trong đoàn được. Cho nên người Huynh Trưởng phải có khả năng thực tập trong chính gia đình của mình thì mới có thể làm được "nghề Huynh Trưởng" một cách vững chãi và thành thật ở trong đoàn của mình. Nếu không thì chúng ta cũng đang bán hàng giả và điều đó lương tâm ta không cho phép.
Lắng nghe và ái ngữ
Từ bây giờ, theo Hiệp Ước này, khi có vấn đề thì ta viết giấy đưa cho người kia và nói rằng: "Anh ơi, em đang giận anh, em đang khổ, em muốn anh biết điều đó và thứ sáu này chúng ta sẽ ngồi lại để cùng quán chiếu chung". Quán chiếu có hai phương tiện để hành đạo tức là lắng nghe và ái ngữ. Nếu không có hai yếu tố đó mà ngồi lại thì dễ cãi lộn và đánh nhau lắm. Vì vậy cho nên trong gia đình cũng như trong đoàn, tất cả mọi người phải thực tập hai chuyện đó. Bồ Tát Quan Âm là người có khả năng lắng nghe rất giỏi và ngài dùng những lời rất hòa ái. Có một đức Bồ Tát nữa tên là Diệu Âm. Đức Quan Âm lắng nghe rất giỏi, còn đức Diệu Âm thì nói ra những lời rất hòa ái. Hai vị Bồ Tát đó đều có mặt trong kinh Pháp Hoa.
Chúng ta phải thực tập. Người Huynh Trưởng phải thực tập hai điều đó thật vững chãi. Có được hai điều đó thì việc khôi phục lại hạnh phúc trong gia đình rất dễ cũng như khôi phục lại hạnh phúc và niềm tin của các đoàn sinh rất dễ. Từ bây giờ đến thứ sáu, chúng ta phải thực tập và nếu mà ta tìm ra được là ta đã thất niệm, ta đã nói năng vô ý, đã gây ra khổ đau cho người kia thì ta phải gọi điện thoại xin lỗi liền. Khi ta thực tập và ta biết rằng sở dĩ ta khổ đau, ta giận hờn là vì ta quá hấp tấp, ta có nhận thức sai lầm, người kia không muốn làm ta khổ mà ta cứ nghĩ rằng họ muốn làm ta khổ. Biết được điều đó rồi ta phải lập tức gọi điện cho người kia và nói rằng: "Anh ơi! Em đã giận lầm anh rồi, em có nhận thức sai lầm, em vội vã, em hấp tấp, em có tri giác sai lầm cho nên em đã giận. Thôi thứ sáu này mình ngồi với nhau, uống trà, ăn bánh, khỏi cần quán chiếu gì hết." Làm được như vậy thì người kia sẽ khỏi buồn. Nhưng nếu trường hợp tới chiều thứ sáu mà chưa đạt được kết quả đó thì hai người hãy ngồi lại với nhau. Phải ngồi cho thanh tịnh, trang nghiêm, tập thở năm phút, rồi một người được phép cầm đóa hoa trên tay và nói lên tất cả nỗi khổ của mình cho người kia nghe. Giữa hai người là một bình hoa và chỉ có một bông hoa thôi. Chỉ khi nào ta cầm hoa trên tay thì ta mới có quyền nói và người kia không được quyền nói. Theo nguyên tắc thì ta có quyền nói hết tất cả những nỗi khổ niềm đau của ta cho người kia biết với điều kiện là ta phải nói với ái ngữ. Khi ta có cảm tưởng ta không nói được ái ngữ thì ta xin lỗi: "Em xin lỗi, em ráng hết sức nhưng bữa nay em chưa đủ sức dùng ái ngữ, xin anh cho phép em hoãn lại chừng năm ngày hay là tuần sau." Ta làm cha, ta giận con thì ta cũng phải thực tập như vậy. Ta làm vợ, ta giận chồng thì cũng phải làm như vậy. Có nhiều cặp vợ chồng cưới nhau tại Làng Mai và thực tập theo phương pháp này có rất nhiều hạnh phúc. Và mỗi tuần dù không giận nhau thì họ cũng ngồi với nhau để làm mới. Ban đầu luôn luôn có những hạt rất nhỏ của sự không hạnh phúc nhưng mà nếu ta không giải quyết nó, không hóa giải nó, thì nhiều tuần liên tiếp sau nó sẽ lớn lên và sẽ thành một khối nội kết rất lớn khó mà chuyển hóa. Vì vậy làm mới mỗi tuần là điều rất cần thiết.
Làm mới mỗi tuần là điều cần thiết
Trong gia đình của ta, mỗi tuần nên thực tập làm mới một lần. Danh từ ngày xưa là "sám hối". Quý vị có thể hiểu sám hối là lạy xuống cầu xin Bụt tha tội, nhưng bản chất của sám hối không phải là cầu xin tha tội, bản chất của sám hối là làm mới lại tâm của mình. Những vụng về, những tội lỗi đều do tâm cả. Nếu mà ta làm sạch tâm ta, ta nguyện từ đây về sau sẽ không làm như vậy nữa, đó là sám hối. Chắc quý vị biết câu này rồi:
"Tội tùng tâm khởi tương tâm sám
Tâm nhược diệt thời tội diệc vong
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không
Thị tắc danh vi chơn sám hối”
Có nghĩa là những lỗi lầm của ta đều từ tâm mà ra, nhưng tâm ta đã sửa lại rồi thì những tội lỗi này sẽ không còn nữa. Và khi ta thấy được rằng ta đã vụng về, đã vội vã, đã vì vọng tưởng và tri giác sai lầm mà nói và làm những điều gây đổ vỡ; bây giờ ta đã tự giác, đã giác ngộ, đã biết được rồi; và ta phát nguyện từ giờ về sau sẽ không làm như vậy nữa thì tự nhiên ta mới trở lại. "Anh ơi, em biết rằng trong khi vội vã, trong khi bực bội, trong khi thất niệm, em đã nói những điều đó, đã làm những điều đó và gây nên đổ vỡ. Em quyết từ đây về sau em sẽ cẩn thận, sẽ chánh niệm, sẽ không nói và làm như vậy nữa." Đó là làm mới. Dầu không có giận hờn chúng ta cũng nên ngồi lại uống trà, ăn bánh với nhau và hỏi xem có ai muốn cầm cái hoa lên để nói không. Cành hoa luôn luôn có đó. Nếu ta có chuyện gì hơi bực một chút, ta đừng nên để bụng một mình rất nguy hiểm. Cho nên khi có một điều gì buồn, điều gì giận, thì đó là cơ hội để nói ra và làm mới. Lúc đó ta chắp tay lại xin được nói và khi mọi người đồng ý thì ta đứng dậy, từ từ bước tới cầm cành hoa lên, đi trở về chỗ, ngồi xuống thở ba hơi rồi bắt đầu nói. Ta có thể nói như vầy: "Hôm trước ba nói như thế này … con đau khổ lắm vì con thấy ba không hiểu con nên ba mới nói như vậy. Sự thật là như thế này … con muốn ba hiểu con hơn…" Nói cho hết tất cả những điều cần nói vì nó có công năng đưa những độc tố của giận hờn ra khỏi cơ thể của ta. Và trong khi ta nói thì tất cả mọi người trong gia đình đều lắng nghe. Không ai khác có quyền nói, chỉ có ta với cành hoa trên tay là có quyền nói mà thôi. Nói xong ta đi từng bước trở lại để bỏ bông hoa vào bình hoa, rồi lạy tạ mọi người đã lắng nghe. Những người ngồi xung quanh bình hoa đều là đệ tử của đức Bồ Tát Quan Thế Âm, nghĩa là người nào cũng có khả năng lắng nghe hết.
Trong một gia đình mà không ai biết lắng nghe ai thì gia đình đó là một địa ngục. Hiện bây giờ có nhiều gia đình như vậy lắm, không ai biết lắng nghe ai, không ai biết dùng ái ngữ với ai hết, hễ nói là nói lời chua chát, lên án, trách móc. Cho nên chúng ta phải học hai hạnh đó, một là của Bồ Tát Quan Âm, hai là của Bồ Tát Diệu Âm. Ví dụ ta là cha mà con ta đau khổ, con mình đã nói ra rồi, thì ta đừng có trả lời liền lập tức vì không có hiệu năng tốt. Ta nói rằng: "Con đã nói, bố đã nghe và đã ghi nhận". Rồi thôi, "bây giờ mình uống trà đi!". Dầu con của ta có nói sai, không nói sự thật, chưa biết được sự thật, ta cũng để cho con nói mà khoan trả lời, tuần sau sẽ đến lượt ta. Con ta nói ra thì khỏe rồi, nhưng mà ta biết rằng con ta có một tri giác sai lầm, hiểu sai lời nói của ta. Tuy nhiên ta để lần sau sẽ nói tới, bởi vì nói bây giờ thì tình trạng sẽ thành ra sự đôi co với nhau và hạnh phúc của người được nói ra bị mất đi liền lập tức. Hãy để cho người đó hưởng niềm hạnh phúc của người được nói trong vòng bảy ngày và tuần sau hoặc là ba, bốn ngày sau ta gặp con ở ngoài, khi hai cha con đang vui thì ta nói: "Con ơi! Hôm trước con nói thì cha nghe thôi, nhưng mà con hiểu lầm rồi, cha đâu có nói như vậy, cha nói như vầy nè…" Thì chính trong khung cảnh hòa ái đó, ta nói và con ta có thể nghe được, rất hay. Phương pháp này ở Làng Mai chúng tôi thực tập rất thường.
Không làm nạn nhân của cơn giận
Trong phương pháp làm mới, trong bình hoa chỉ có một bông hoa thôi và người cầm hoa là người duy nhất có quyền được nói, tất cả mọi người khác đều thực tập lắng nghe như đức Quan Thế Âm hết, còn người cầm hoa phải thực tập hạnh của đức Diệu Âm tức là phải nói lời từ ái. Còn khi ta được cơ hội nói mà biết rằng mình chưa có khả năng nói được lời hòa ái thì ta xin lỗi và nói hôm nay ta được cơ hội để nói nhưng mà khả năng sử dụng ái ngữ của ta chưa vững thành ra ta chưa nói được.
Ở khóa tu dạy cho người Mỹ tại Santa Barbara, tôi có dạy: Khi giận, ta đi thiền hành. Xong rồi, ta viết trên một miếng giấy ba câu:
1. Em đang giận anh. Em đang khổ và em muốn anh biết điều đó (Darling, I am angry at you, I suffer, I want you to know it.)
Đó là câu đầu, nhưng mà nó chưa đủ vì chứng tỏ rằng ta chưa biết thực tập.
2. Em đang cố gắng hết sức mình thực tập hơi thở, thiền hành và nhìn sâu (Darling, I am doing my best to practice breathing, to do walking meditation and looking deeply.)
Người Phật tử khi giận thì phải thực tập chứ không phải buông xuôi và chấp nhận là nạn nhân của cơn giận. Chúng ta là con Bụt, là học trò của Thầy, và vì vậy chúng ta phải thực tập.
3. Anh hãy giúp em! (Please help me!).
Cả ba câu đều là ngôn ngữ của thương yêu. Khi ta đang đau khổ, giận hờn, ta phải cho người ta thương biết; và cho người kia biết rằng ta cũng đang thực tập chứ không phải ta chỉ giận suông. Ta không thực tập một mình vì sợ thực tập một mình sẽ không thành công nên ta nhờ người kia thực tập nữa. Vì vậy nếu ta là người trẻ và giận cha thì ta cũng phải làm như vậy. Ta phải nói cho được rằng: "Ba ơi, con đang giận ba. Con đang khổ. Ba ơi, con đang cố gắng thực tập. Ba ơi, ba giúp con đi". Bởi vì thường thường khi giận, ta hay nói: "Tôi không thèm anh, tôi không cần anh, để tôi ở một mình, tôi ghét anh (I don't want you, I don't need you, stay away from me, leave me alone, I hate you)".
Xong quý vị đưa ba câu đó cho người mình giận. Ta giận, nhưng ta muốn thực tập để sự truyền thông giữa hai bên tốt đẹp hơn. Và nhất là ta không muốn ta khổ và người kia khổ. Nên khi đưa được tờ giấy đó cho người kia thì sự hòa giải sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Người kia sẽ hiểu được ta, sẽ tôn trọng cảm thọ giận của ta và hai người có thể đến để làm mới với nhau trong một tinh thần thực tập. Khi tôi dạy ở Santa Barbara, tôi dạy ba câu đó, rất là đơn giản và có nhiều người đã chảy nước mắt. Phương pháp nói trên rất là dễ nhưng nếu quý vị làm theo được thì tránh được sự đổ vỡ rất nhiều.
Văn bản về Hiệp Ước Sống Chung An Lạc
Dưới đây là văn bản về Hiệp ước sống chung an lạc. Có nhiều cặp vợ chồng đã ký văn bản này trước mặt những người bạn để làm chứng và yểm trợ cho sự thực tập của họ. Văn bản này cũng được họ đọc lại chung với nhau thường xuyên để nhắc nhở nhau thực tập. Ta sử dụng văn bản này trong gia đình, trong đoàn, với những người ta thương và cùng muốn thực tập với ta để giữ gìn hạnh phúc cho nhau.
Hiệp Ước Sống Chung An Lạc
Để sống chung với nhau hạnh phúc lâu dài, để tiếp tục xây dựng tình thương và sự hiểu biết, chúng con, những người ký tên dưới đây, xin nguyện cam kết và thực tập đúng theo những điều khoản sau đây:
Người đang chịu đau khổ vì sự giận hờn:
1. Không nói hoặc làm bất cứ điều gì có thể tạo thêm đổ vỡ và làm cho cái giận của hai bên lớn thêm.
2. Không đè nén cái giận xuống, không đàn áp sự hờn giận của mình.
3. Nắm lấy hơi thở, thực tập hơi thở chánh niệm, quay về nương tựa hải đảo tự thân.
4. Cho người kia biết một cách bình tĩnh là mình đang giận và đang khổ, trong thời hạn tối đa là 24 tiếng đồng hồ.
5. Bình tĩnh xin hẹn gặp người kia vào tối thứ sáu để cùng nhìn lại vấn đề cho rõ.
6. Nếu chưa được bình tĩnh để có thể nói thẳng thì có thể điền vào mẩu giấy báo tin, gọi là giấy hẹn, và đưa cho người kia.
7. Đừng tự ái nói: "Tôi đâu có giận – Có sao đâu – Tôi có khổ gì đâu – Có gì đâu mà giận – Không có gì đáng cho tôi giận.”
8. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lái xe hoặc làm việc, thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc để thấy:
a. Đôi lúc tôi cũng thiếu chánh niệm, thiếu khéo léo.
b. Tôi đã làm cho người kia buồn khổ nhiều lần vì tập khí của tôi.
c. Hạt giống của sự giận hờn trong tôi là nguyên nhân chính làm tôi đau khổ.
d. Người kia chỉ là người tưới tẩm hạt giống giận hờn trong tôi. e. Người kia cũng đang khổ cho nên mới làm như vậy.
f. Chừng nào người kia còn khổ, chừng ấy tôi vẫn chưa có được an lành và hạnh phúc.
9. Nếu thấy được sự vụng về và thiếu chánh niệm của mình, hãy tìm cách xin lỗi người kia ngay, đừng đợi đến chiều thứ sáu.
10. Nếu tối thứ sáu mà còn chưa đủ bình tĩnh thì xin dời hẹn đến thứ sáu tuần sau.
Người có trách nhiệm về việc làm người kia giận hờn:
1. Thấy người kia giận, đừng chế nhạo. Phải tôn trọng cảm thọ của người ấy và để cho người ấy đủ thì giờ lấy lại sự an tịnh.
2. Đừng ép người kia phải giải bày liền về cái giận của người ấy.
3. Nói với người kia là mình đã nghe hoặc đã biết rằng người kia giận, bằng lời nói hoặc bằng cách viết trên một mảnh giấy, và hứa với người kia rằng mình sẽ có mặt vào chiều thứ sáu.
4. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lái xe hoặc làm việc, thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc để thấy:
a. Trong tôi cũng có những hạt giống của sự không dễ thương, của bực bội và hờn giận.
b. Tập khí trong tôi đã có nhiều phen gây ra đau khổ cho người kia.
c. Tôi tưởng làm cho người kia khổ thì tôi sẽ bớt khổ, và tôi đã lầm.
d. Làm cho người kia khổ, tôi cũng làm cho tôi khổ theo.
5. Nếu thấy được sự vụng về và thiếu chánh niệm của mình, hãy tìm cách xin lỗi ngay, đừng chờ đến chiều thứ sáu. Xin lỗi mà đừng tìm cách biện bạch.
Trước sự chứng minh của Đức Thế Tôn và với niệm lực của Tăng Thân, chúng con xin nguyện thực tập theo những điều khoản của hiệp ước này. Cầu xin Tam Bảo gia hộ cho chúng con có đủ niềm tin và sự sáng suốt. Chúng con nguyền nương vào Phật Thân, Pháp Thân và Tăng Thân để thực tập tu học.
Hiệp ước làm tại ngày tháng năm .
(Các đương sự ký tên)