Đàn voi của Thầy

Chân Như Hiếu

Các sư em thương,

Chị vẫn nhớ những ngày đầu mới về Bát Nhã, mỗi khi có dịp ngồi chơi với các sư em, chị đều được yêu cầu kể chuyện ở Làng cho các sư em nghe. Mà đâu phải riêng chi mình chị, hễ có sư cô hay thầy nào từ Làng hay các trung tâm khác của Làng về thăm hay nhập chúng, các sư em cũng đều thích được nghe kể chuyện ở Làng. Một trong những chuyện các sư em thích nghe nhất và thậm chí nghe hoài không biết chán, đó là những câu chuyện về Thầy, hẳn rồi vì Thầy là Thầy của chúng ta mà. Bây giờ Làng mình có nhiều trung tâm và các sư em thì đông hơn ngày trước nhiều, dù ở cách xa nhau nhưng không vì vậy mà chị em mình mất đi cơ hội kể chuyện cho nhau nghe, các sư em có thấy vậy không?

Mấy năm nay, Làng mình có thêm các trung tâm ở Thái Lan, Mộc Lan, Bích Nham, Hồng Kông, Nhập Lưu, Học Viện Vô Ưu ở Đức, v.v.. Những trung tâm khác thì chị chưa đến, nhưng Học Viện Vô Ưu ở Đức và Thái Lan thì chị đã đến trong những khóa tu lớn, hay những lần đưa các sư em sang Thái dự lễ xuất gia, thọ giới. Lúc đó đại chúng ở Thái chưa dọn lên đất mới nhưng chị đã có mặt trong ngày đặt đá ở đất mới, khởi đầu cho công trình xây dựng trung tâm về mặt cơ sở hạ tầng. Và từ khi có các trung tâm mới, chị đã được nghe rất nhiều câu chuyện của các anh chị em mình. Câu chuyện nào cũng hay, cũng nuôi dưỡng chị. Dù chưa đến những nơi ấy, nhưng với đầu óc tưởng tượng khá phong phú, chị có thể hình dung được khung cảnh của các trung tâm ấy, mà sự thật thì chị đâu có giỏi tưởng tượng, bởi trung tâm nào cũng có hình và có cả phim nữa.

Được nghe những câu chuyện từ các anh chị em mình, chị thấy hạnh phúc lắm. Ở yên một chỗ, không tốn vé máy bay mà ai cũng biết được rất nhiều chuyện về các sinh hoạt của tăng thân khắp chốn, cảnh vật, thời tiết thay đổi bốn mùa v.v. Được nuôi dưỡng qua những câu chuyện của các anh chị em, chị thấy mình cũng nên mở lòng kể chuyện cho các sư em nghe. Phải rồi, có những câu chuyện đẹp đã nuôi dưỡng chị nhiều lắm các sư em, chị thấy mình không nên cất giữ cho riêng mình và chị muốn chia sẻ với các sư em của chị. Đang ở Làng nên chị sẽ kể về Làng cho các sư em nghe nhé! Chuyện ở Làng thì nhiều lắm, kể không bao giờ hết, viết không bao giờ cùng. Câu chuyện chị sắp kể ra đây đã đi qua ba mùa đông rồi, đó là mùa đông năm 2012, một trong những câu chuyện đẹp mà chị có trong những lúc ở bên Thầy, giây phút ấy giờ đã trở thành huyền thoại rồi, các sư em.

Các sư em đã nghe kể về các xóm ở Làng rồi phải không, để chị kể sơ một chút về lộ trình của ba xóm cho các sư em nghe trước khi bắt đầu câu chuyện nhé. Đường lên xóm Thượng từ xóm Hạ không xa lắm, đủ một vòng thể thao 45 phút đi bộ thong thả, đó chỉ là đi thôi. Muốn dừng lại lâu hơn để tiếp xúc với cảnh vật hai bên đường, ngắm trời mây thì chừng đó thời gian không đủ, nhất là đối với những người yêu thích thiên nhiên. Trước khi vào hẳn trong xóm phải đi qua rừng sồi và bên kia là vườn nho. Những cây sồi lâu năm nên thân và gốc cây to lắm. Rừng sồi còn có tên Đồi thỏ do các chị em tự đặt, vì nơi đây có nhiều thỏ. Những hang thỏ nằm dưới hoặc bên cạnh các gốc cây sồi. Những mùa thời tiết đẹp, ngày quán niệm ở xóm Thượng, các chị em thường rủ nhau đi sớm hơn, mang theo thức ăn và trà nước lên rừng sồi ngắm cảnh rồi ăn sáng, uống trà. Giờ đó những chú thỏ đã chịu chui ra khỏi hang để dạo chơi và ăn cỏ. Sóc thì dạn hơn, lúc nào cũng thể hiện tài nhảy phóc của mình, người ngồi dưới gốc cây, sóc nhảy trên cành, nai thì gặm cỏ trong các vườn nho cạnh mé rừng, hòa bình quá phải không các sư em. Cũng nơi rừng sồi này, vào tháng ba, hoa Thủy tiên biểu hiện vàng rực cả một vùng.

Vào những ngày quán niệm ở xóm Thượng hay xóm Hạ, quý thầy, quý sư cô và thiền sinh hai xóm có dịp đi bộ. Xóm Mới ở cách xa nên các chị em, ngoài đi bộ qua Sơn Cốc trong những ngày dành cho chúng xuất sĩ trong mùa An cư, phải đi xe qua hai xóm trong những ngày quán niệm. Và khi quán niệm ở xóm Mới thì hai xóm kia cũng phải đi xe. Sơn Hạ thuộc chúng xóm Thượng nên ngày quán niệm sinh hoạt chung tại xóm Thượng.

Các anh chị em ngoài những ngày quán niệm vẫn có những buổi đi bộ chơi trong những ngày làm biếng. Nhiều người thích khám phá những con đường mới hơn, xa hơn và mỗi lần khám phá ra con đường mới hay một đám hoa dại lạ, một lâu đài cổ kính, một hồ nước thiên nhiên v.v… vậy là truyền tin cho nhau biết và rủ nhau đi cùng. Chị không biết đây có phải là sở thích chung của nhiều người, ưa đi tìm những cái mới lạ. Đôi khi ưa thích đi tìm những cái mới lạ, chị đã thờ ơ và quên đi những cái rất bình thường, rất thật đang ở ngay bên cạnh mình. Và tình trạng ấy đã xảy ra cho chị đó các sư em.

Hôm ấy chị cùng Đàn Nghiêm và Tập Nghiêm lên cốc Thầy, cốc Ngồi Yên ở xóm Thượng. Lúc nào cũng vậy, trước khi bắt đầu một công việc gì, Thầy trò cũng có thì giờ uống trà trước khi làm. Hôm đó, trong lúc ngồi uống trà, Thầy nhìn ba chị em và hỏi: “Trên đường vào đây các con có thấy đàn voi của Thầy không?”. Câu hỏi hơi bất ngờ khiến ba chị em không hẹn mà đưa mắt nhìn nhau. Nụ cười thay cho câu trả lời là thượng sách của những lúc bí. Các sư em biết đó, kiểu hỏi của các thiền sư luôn mang tính chân đế mà học trò thì còn tục đế quá, hỏi làm sao mà lãnh hội được liền, nghĩ vậy nên chị tự than thầm: “Chúng con còn tục đế lắm Thầy ơi!”. Hiểu được tâm trạng của những đệ tử chưa thấm tương chao, Thầy mỉm cười một cách rộng lượng. Thầy trò ngồi yên uống trà. Nâng ly trà trong hai tay, sau khi nhấp một ngụm trà, Thầy nói tiếp: “Các con nhìn thấy đàn voi đó là mỗi khi đi qua đó Thầy sẽ nhớ tới các con. Lát nữa trên đường về các con nhớ nhìn cho kỹ, qua khỏi cái bảng Arrival và nhìn về phía bên trái, các con sẽ thấy có hơn năm chục con voi đứng ở bên đường chào đón các con”. Rồi Thầy cười và tiếp: “Chỉ có Thầy mới thấy được những con voi đó!”.

Có chuông sinh hoạt, Thầy đứng dậy và bảo: “Đi chơi với thầy các con!”. Câu này thì ba chị em lãnh hội được ngay liền. Dù biết kiểu “đi chơi” của Thầy rồi nhưng ba chị em không một ai lên tiếng, cứ bước theo Thầy ra hướng thiền đường. Vào những giờ này, nếu chị em nào lên làm thị giả Thầy đều được Thầy “mời” đi chơi, tức là đi ngồi thiền đó các sư em. Thầy biết các chị em không thích ngồi thiền chung ở xóm quý thầy khi không có chúng lớn ba xóm. Biết vậy, Thầy dành luôn những gối cạnh Thầy cho các chị em, điều này còn ngại hơn vì chị ý thức là mình đang ngồi trên cả quý thầy lớn tuổi hạ hơn mình. Vậy mà cũng phải ngồi đó các sư em, bởi cung kính không bằng nghe lời mà. Thầy thì vượt thoát, là an khi thở, lạc khi ngồi, một ngồi xuống dứt trầm luân, còn chị thì sau vài phút chơi với cảm thọ mới ý thức rằng mình đang được ngồi thiền có Thầy bên cạnh và với các sư anh, sư em của mình. Vậy đó mà đôi lúc chánh niệm trốn đi chơi, chị đã vật lộn với hạt giống ưa thích và chống cự, để mất thời gian trân quý Thầy và đại chúng lúc ấy. Tệ hơn nữa là bài học phá chấp theo tinh thần Bát Nhã mà Thầy đang gởi đến cho toàn chúng: “không trên không dưới, không trước không sau” ấy, chị nào thấu hiểu để “ngộ” liền.

Nhưng hôm đó, không biết Bụt có nghe câu gọi thầm của chị “Bụt ơi, cứu con!” không mà khi ra tới các bậc cấp dẫn lên thiền đường, Thầy dừng lại và quay ra hỏi ba chị em: “Sao thiền đường tối vậy con, sao không thấy ai trong đó hết vậy?”. Ba chị em ở xóm Hạ mà, Thầy hỏi vậy thôi chứ Thầy biết là ba chị em cũng giống Thầy, chẳng biết tại sao thiền đường vắng người. May quá, lúc ấy có một sư chú đi tới, Thầy hỏi sư chú đó thì biết là tối nay không có ngồi thiền mà sinh hoạt y chỉ sư, y chỉ đệ. Phải nói là chị mừng… hết lớn và chị biết hai sư em kia cũng vậy. Thầy nhìn ba chị em và nói: “Không có ngồi thiền” và Thầy cười rất tươi như đọc được những gì các chị em đang có. “Mình đi chơi các con, đi thăm đàn voi của thầy!”. Nói rồi Thầy đi về hướng cốc Ngồi Yên. Ba chị em nhìn Thầy rồi nhìn nhau, không biết màn kế tiếp là gì nhưng vẫn cứ đi theo Thầy. Chị nghĩ chắc có ai đó mới cúng dường Thầy bộ sưu tập voi đang để trong cốc, Thầy lúc nào cũng vậy, có cái gì vui cũng muốn chia sẻ cùng đệ tử. Thầy đi từ từ tới xe, mở cửa lên xe ngồi, thắt dây an toàn đàng hoàng. Ba chị em, trước khi lên xe còn đứng đưa mắt nhìn nhau trông như người ngớ ngẩn. Tới đây thì chị hết dám đoán mò nhưng vẫn không thôi thắc mắc. Ba chị em cũng ngồi vào xe, thắt dây an toàn và… hồi hộp, không biết Thầy đang đưa mình đi đâu. Thầy bảo Đàn Nghiêm lái xe ra hướng đầu đường.

Chị ngồi trong xe mà bao nhiêu câu hỏi khởi lên, bởi có bao giờ chị nghe ai nói có sở thú ở vùng này đâu. Qua bãi đậu xe cạnh vườn rau, Thầy bảo cho xe chạy chầm chậm và hỏi: “Sao, các con có thấy đàn voi của thầy không, có thấy gì không?”. Thầy hết nhìn sang Đàn Nghiêm lại quay ra sau nhìn hai chị em. “Nhìn đi, nhìn ra bên ngoài đi con! Sao, các con có thấy con voi nào không?”. Chịu. Ba chị em vẫn không thấy con voi nào của Thầy đâu cả. Vẫn con đường đó, một bên là rừng sồi già, một bên là vườn nho. Chị không biết các vị thiền sư ngày xưa hành xử như thế nào với những người đệ tử chậm tiến, nhưng chị biết kiểu độn căn cỡ chị mà gặp Tổ Lâm Tế thì chắc phải ăn vài hèo. Nhưng may cho chị, Thầy là Thầy, vì vậy không những Thầy không cho ăn hèo nào mà còn từ bi kiên nhẫn với học trò vô cùng. Cuối cùng Thầy chỉ vào từng gốc sồi và nói: “Đó, đàn voi của Thầy đó, các con coi cái gốc cây có giống như chân của con voi không. Nhiều chân voi lắm, cả một bầy voi đang đứng bên nhau đó con, nhìn đi, nhìn cho kỹ!”. Bụt ơi! Tới đây thì chị chỉ biết thở và cười để buông bỏ những nghi hoặc từ khi đặt chân vào cốc Thầy.

Các sư em thương! Lâu nay chị ưa thích đi khám phá những điều mới lạ: những con đường mới lạ, lâu đài mới lạ, một câu chuyện mới lạ, loài hoa dại mới lạ, khu rừng mới lạ… mà vô tình với những gì quen thuộc thân thương đang có mặt chung quanh mình. Từ khi được Thầy dạy nhìn kỹ, chị đã thấy đàn voi của Thầy một cách sâu sắc hơn. Và mỗi lần có dịp đi ngang qua rừng sồi, chị lại bắt gặp ánh mắt Thầy đang mỉm cười. Trong cuộc sống còn biết bao nhiêu điều chúng ta chưa nhìn thấy được, các sư em, có phải do chúng ta chưa thật sự nhìn kỹ? Nhìn kỹ mẹ, nhìn kỹ ba, nhìn kỹ anh chị em, nhìn kỹ những người đang có đó cho mình, nhìn kỹ một bàn tay, nhìn kỹ một đám mây, một nụ hoa… và nhìn kỹ lại mình, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều cái hay, cái đẹp trong tự thân của mỗi loài. Nhìn cho kỹ, chúng ta sẽ thấy niềm biết ơn dâng tràn, sự trân quý dâng tràn và niềm thương cũng dâng tràn. Biết nhìn kỹ thì cuộc sống sẽ sâu sắc hơn, giây phút hiện tại rõ ràng và thật hơn. Nhìn kỹ để thấy thực tại mầu nhiệm đang có mặt đó cho mình.

Xe chạy ra đầu đường, Thầy bảo quay ngược xe trở lại. Lần này xe chạy chậm hơn, Thầy trò đang tiếp xúc với những gì đang thật có trong im lặng. Và kể từ giờ phút ấy, chị học nhìn cho kỹ, học tiếp xúc với mọi cảnh, mọi vật chung quanh bằng con mắt của Thầy, con mắt vô tướng hiện thật tướng.

Nhìn cho kỹ, đó là thông điệp chị đã nhận được từ Thầy hôm ấy, chị xin gởi tới cho các sư em của chị.