Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Làm thế nào để giúp đem lại hòa bình cho thế giới?

Trích từ những buổi vấn đáp với Sư Ông Làng Mai trong năm 2011 và năm 2014

 

 

Câu hỏi của trẻ em: Làm thế nào để con không đau khổ khi thấy những người không dễ thương đối với thế giới này?

 Sư Ông Làng Mai trả lời: Trong cuộc sống, có những người tốt, nhưng cũng có những người chưa tốt. Có những người dễ thương và có những người chưa dễ thương. Có những cái tích cực và cũng có những cái tiêu cực. Đời sống là như vậy: có bùn và có sen. Không có bùn thì sen không mọc lên được. Vì vậy sự có mặt của khổ đau là một chuyện rất bình thường. Vấn đề không phải là khổ đau nên có mặt hay không nên có mặt, mà là làm thế nào để không bị đắm chìm trong khổ đau, biết khéo léo sử dụng khổ đau để làm nên hạnh phúc.

Nếu nhìn sâu vào những người đang tàn hại thế giới, đang giết chóc hay đang tàn phá thì mình thấy có thể là những người đó không muốn giết chóc hay tàn phá. Nhưng vì họ có quá nhiều đau khổ, quá nhiều giận dữ trong tâm mà không biết cách xử lý, nên họ bị thúc đẩy làm những chuyện mà có thể họ không muốn làm. Ai trong chúng ta cũng đều có lúc hành xử như vậy: mình biết đó là chuyện xấu nhưng mình vẫn làm như thường để rồi sau đó cảm thấy ân hận. Chúng ta hiểu là những người kia cũng rơi vào trong hoàn cảnh đó. Họ không muốn làm như vậy, nhưng vì trong lòng họ có quá nhiều bạo động và hận thù nên họ không cưỡng lại được.

Vấn đề không phải là trừng phạt mà là làm thế nào để giúp cho người kia chuyển hóa khổ đau và sự giận dữ trong họ. Thế nào cũng có những phương thức khác nhau để giúp. Nếu dùng súng bắn hay bắt bỏ tù người kia thì mình không giúp gì được cho họ, tại vì đó là những cách thức để trừng phạt.

Nếu những người lãnh đạo trong các trại giam biết thực tập thì họ sẽ không sử dụng phương pháp giam cầm để trừng phạt, mà sẽ sử dụng những phương tiện của trại cải huấn để giúp cho tù nhân thực tập và chuyển hóa. Nếu những người cai tù biết tập thở có chánh niệm để chuyển hóa sự giận dữ trong lòng thì họ có thể giúp cho tù nhân cũng làm được như vậy. Nhiều lúc mình phải bắt giam người kia để họ không tiếp tục sát hại và tàn phá. Nhưng mình bắt giam vì từ bi, chứ không phải vì giận dữ. Khi bắt giam người kia mình nói với họ là mình bị bắt buộc phải làm như vậy, nhưng mình muốn họ hợp tác với mình để thực tập thở có chánh niệm, làm êm dịu sự giận dữ, nhìn sự việc một cách bình tĩnh hơn và làm phát khởi lòng từ bi. Nếu làm được như vậy, họ có thể sớm được trả tự do. Nếu ban quản lý trại giam biết thực tập thì họ sẽ giúp cho tù nhân chuyển hóa và được trả tự do sớm hơn.

Có rất nhiều người đang làm những việc gây ra nhiều đau khổ cho thế giới. Nhưng thay vì giận ghét họ thì mình có thể phát khởi lòng từ bi, để cho tình thương lớn lên trong tâm mình, và mình lập lời nguyện là mình sẽ tìm ra con đường để giúp cho những người đó chuyển hóa được giận dữ và bạo động để họ đừng tiếp tục làm khổ những người khác nữa.

Nếu trong lòng mình có ước muốn giúp đỡ người khác thì mình đích thực là một vị Bồ tát, là một vị Bụt, dù là tuổi mình còn rất nhỏ. Chúng ta hiện có rất nhiều vị Bồ tát trẻ trên thế giới.
 

 
Câu hỏi: Chúng ta phải làm thế nào để giúp đem lại hòa bình cho thế giới?

Sư Ông Làng Mai trả lời: Chúng ta phải bắt đầu từ chính tự thân. Chúng ta phải học làm thế nào để chính ta là sự bình an. Ta phải làm cho thân, cảm thọ, tri giác và cách ta suy nghĩ, nói năng cũng có bình an. Nếu ta biết cách làm thì ta sẽ tạo cảm hứng cho người khác cũng làm được như vậy. Và thế giới sẽ được bình an.

Nếu có nhiều căng thẳng, đau nhức trong thân thì ta sẽ không có bình an. Vì vậy ta phải thực tập để làm thư giãn sự căng thẳng và làm dịu đi sự đau nhức trong thân thì ta sẽ có nhiều bình an hơn.

Nếu trong ta có những cảm thọ không bình an như giận dữ, sợ hãi hay bạo động mà ta biết cách thực tập như sử dụng hơi thở hay bước chân để làm lắng dịu những cảm xúc đó thì ta sẽ có bình an. Chúng ta phải ăn uống như thế nào để thân ta không bị xáo trộn. Chúng ta chỉ nên đọc sách, tạp chí hay xem những phim ảnh không tưới tẩm hạt giống của bạo động, sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng trong ta. Đó là sự thực tập hòa bình. Chúng ta phải rất cẩn thận trong khi tiêu thụ! Ta không nên tiêu thụ những gì có yếu tố bạo động; những trò chơi điện tử, sách báo hay phim ảnh có thể chứa nhiều bạo động, giận dữ, căm thù trong đó. Nếu mình tiêu thụ những cái đó mỗi ngày thì mình sẽ không có bình an trong lòng. Và như vậy thì thế giới sẽ không còn hy vọng. Trước tiên chúng ta phải thực tập có bình an để thế giới có được bình an. Vì vậy chúng ta có câu: “Tâm bình, thế giới bình”.