Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Thế nào là công lý?

Trích từ buổi vấn đáp ngày 14.06.2014 trong khóa tu 21 ngày tại xóm Hạ, Làng Mai. Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh

Câu hỏi của một sư cô Nhật Bản: Kính bạch thầy, ở đất nước con – Nhật Bản, vẫn còn áp dụng án tử hình trong tội phạm hình sự. Trước khi xuất gia, con từng là một vị thẩm phán, và trong những phiên tòa, có lúc con phải quyết định có kết án tử hình hay không. Ví dụ như trường hợp có hai người đàn ông đã bắt cóc hai cô gái, cướp của và giết hại hai cô gái đó. Gia đình nạn nhân đã đòi tòa kết án tử hình đối với hai kẻ phạm tội. Con rất hiểu niềm đau của gia đình nạn nhân, nhưng thật là khó mà tuyên án tử hình vì đó cũng là một cách giết người được pháp luật cho phép. Con thật sự muốn biết Thầy có cái thấy như thế nào về án tử hình.

Thầy trả lời:

Bụt ở Happy Farm

Tôi thấy chúng ta cần quán chiếu cho kỹ về ý nghĩa của chữ “công lý”. Cái gì được gọi là công bằng và cái gì là không công bằng? Chúng ta có một ý niệm về công lý, cho nên ta nghĩ sự trừng phạt là cần thiết. Để phục vụ cho công lý, chúng ta phải trừng phạt. Ta phải trả giá cho việc làm của mình, điều này nghe có vẻ rất hợp lý. Nhưng sự sống đâu chỉ giới hạn trong sự hợp lý (logic) mà thôi!

Bụt có một cách nhìn có thể giúp cho chúng ta bớt khổ ngay tức thì. Bụt thấy tất cả chúng ta đều đau khổ và cần sự giúp đỡ. Quý vị có biết là Bụt cũng có khổ đau hay không? Bụt cũng đau khổ, tôi tin chắc như vậy, tại vì Bụt có một trái tim biết thương yêu, Bụt không phải là gỗ đá. Khi Bụt nghe tin đệ tử thân yêu của mình là thầy Xá Lợi Phất (Sariputra) tịch, tôi tin là Ngài cũng đau khổ trong lòng tuy bề ngoài Ngài không có vẻ gì là khổ. Ngài là Bụt nhưng cũng là một chúng sinh. Trở thành Bụt không có nghĩa là phải lấy đi hết tính chúng sinh ra khỏi mình. Đó là giáo lý của Thiền tông: Sinh Phật bất nhị, tức Bụt và chúng sinh tương tức, chúng ta không thể lấy cái này ra khỏi cái kia. Vì vậy Bụt cũng đau khổ và Bụt cũng cần sự giúp đỡ.

Bụt chứng kiến quê hương mình bị vua Tỳ Lâu Ni (Virudhaka) – con trai của Vua Ba Tư Nặc tàn phá. Bụt đã cố hết sức mình, Ngài đã ngăn chặn được vua Tỳ Lâu Ni lần đầu tiên và lần thứ hai, nhưng đến lần thứ ba thì Bụt không thể ngăn vua được nữa tại vì năng lượng của hận thù quá lớn. Nếu tôi có mặt ở đó thì tôi sẽ tìm cách giúp cho Bụt. Nếu quý vị có mặt ở đó thì quý vị sẽ tìm cách giúp cho Bụt. Bụt cần sự giúp đỡ. Cũng như Đức Đạt-lai Lạt-ma, dù là một người thực tập đạo Bụt xuất sắc, Ngài cũng cần sự giúp đỡ. Và chính tôi cũng cần sự giúp đỡ. Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ.

Điều chúng ta cần là sự giúp đỡ mà không phải là sự trừng phạt. Ai trong chúng ta cũng có những lúc vụng về, dù không muốn nhưng đôi khi chúng ta cũng gây ra tàn hại và đau khổ. Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ, kể cả Bụt, kể cả một thầy giỏi. Bắt giam một kẻ giết người vào tù là việc mà mình cần phải làm. Nhưng đó có thể là một hành động thương yêu mà không phải là một hành động trừng phạt. Mình giam người đó vào tù để người đó đừng tiếp tục giết người nữa. Việc làm này giúp cho người đó và đồng thời cũng giúp cho mình. Mình bắt giữ tội phạm với tình thương chứ không phải với sự hận thù và sợ hãi.

Những người cảnh sát, những thẩm phán, những luật sư đều có thể  làm việc với tình thương đối với cả những tội phạm tại vì tội phạm cũng cần được giúp đỡ. Nếu cần thì chúng ta bắt giam họ, nhưng không phải là để trừng phạt mà là để giúp họ đừng tiếp tục hành động sai lầm nữa. Tùy cách chúng ta suy nghĩ, bị giam 10 năm, 20 năm không phải là một sự trừng phạt. Thời gian bị giam của một tội phạm phải được căn cứ trên khả năng chuyển hóa của người đó. Và nhà tù phải là nơi để người đó học hỏi và tu tập Năm Giới. Mình cần gởi các vị giáo thọ tới những trại giam để giúp cho những người tù học hỏi và tu tập Năm Giới, để họ bớt khổ.

Nếu họ được ra ngoài làm việc như cuốc đất, trồng rau, v.v… thì đó là chúng ta cho họ có cơ hội phục vụ để làm nhẹ đi cảm giác tội lỗi về những việc mà họ đã làm. Thời gian ở tù phải là thời gian thực tập để chuyển hóa và trị liệu. Đó là một hành động thương yêu mà không phải là sự trừng phạt. Các thẩm phán và Ban quản lý trại giam cần phải làm như vậy. Thời gian ở tù là thời gian để tù nhân thực tập thương yêu, hiểu biết và chuyển hóa. Nhà tù không còn là chỗ để trừng phạt mà là nơi có sự thương yêu, là nơi để người ta học thương yêu. Chúng ta phải huấn luyện những thẩm phán, những luật sư, những người cai tù của chúng ta theo phương pháp thương yêu. Đó là một nền văn minh mới, nền văn minh thương yêu.

Rất nhiều tù nhân đã nói với chúng tôi: Nhà tù là nơi tốt nhất để thực tập đạo Bụt, thực tập thiền và chuyển hóa. Họ đã viết cho chúng tôi rất nhiều thư, vì có nhiều người trong chúng tôi đã gởi sách và pháp môn thực tập vào nhà tù. Chúng tôi cũng đã vào nhà tù để tổ chức những khóa tu.

Điều này cũng nên áp dụng cho án tử hình. Án tử hình không phải là một hành động trừng phạt. Trong những trường hợp cùng cực thì mình phải bắn một người. Người đó có khí giới trong tay, người đó mang đầy hận thù và sợ hãi và mình không còn cách nào khác để ngăn người đó đừng giết người. Trong trường hợp này mình giết người đó vì lòng từ bi. Nhưng mình chỉ giết người đó khi mình là một vị bồ tát, mình giết với tâm từ bi. Có thể mình có đủ khéo léo, mình chỉ làm cho người đó bị thương và chế ngự được họ. Nhiều người trong chúng ta không cần sử dụng súng, họ khéo léo chế phục và ngăn chặn được tội phạm. Có rất nhiều cách, và giết người là biện pháp cuối cùng. Và mình, nếu phải làm là do lòng từ bi mà làm. Cũng như một con ngựa đang hấp hối, nếu mình không thể cứu được nó thì vì lòng từ bi mình cho nó “một phát ân huệ“ (coup de grâce) để nó chết  được bình an. Chúng ta nhìn và suy nghĩ với lòng từ bi mà không cần phải trừng phạt, vì người đó cần sự giúp đỡ. Bụt cần sự giúp đỡ, tôi cần sự giúp đỡ, quý vị cần sự giúp đỡ. Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ. Nếu biết cách giúp đỡ thì mình không cần phải trừng phạt, đó là sự thực tập của Bụt, là tình thương của Bụt.

Án tử hình không phải là câu trả lời. Từ bi, sự thực tập chánh niệm, sự chuyển hóa trong nhà tù mới là câu trả lời.  Sư cô nên viết một bài báo, một cuốn sách chia sẻ sự thực tập này với những người tiếp nối sư cô trong tòa án và giúp họ nhìn lại.  Sư cô nên ký tên mình như một thẩm phán chính thức. Làm như vậy, sư cô có thể tưới tẩm hạt giống của từ bi, trí tuệ trong họ.

Đọc thêm những bài có liên quan:

Thư thỉnh cầu Chủ tịch nước bãi bỏ án tử hình

Quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã đến Trại giam dành cho thanh thiếu niên ở Brownsville, Mỹ để hướng dẫn các em thực tập (năm 2011)

https://www.nbcnewyork.com/news/local/nyc-juvenile-detention-meditation-yoga-lessons-lineage-project/1933517/