Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Vì sao gia đình con không thể chung sống với nhau?

Phiên tả từ buổi vấn đáp với Thầy Làng Mai trong tuần đầu tiên của khóa tu mùa hè 2013
(ngày 11/07/2013 tại xóm Hạ, Làng Mai)

 

Những câu hỏi của trẻ em

Một cậu bé: Vì sao thế giới này tồn tại? (Why does the world exist?)

 

Thầy: Con có chắc là thế giới này đang tồn tại không?

 

Cậu bé: Dạ, có.

 

Thầy: Còn Thầy thì không chắc lắm. Theo lời Bụt dạy, nếu nói thế giới này “có” cũng không đúng, mà nói thế giới này “không có” cũng không đúng luôn. Vấn đề không nằm ở chỗ hay không có, tồn tại hay không tồn tại, đó là lời Bụt dạy (To be or not to be, that is not a question). Ngày mai chúng ta sẽ chia sẻ thêm về vấn đề này. Con có đồng ý không? Cảm ơn con đã đặt câu hỏi. Một câu hỏi khó mà chỉ có triết gia mới đặt ra thôi.

======

Một cô bé (vừa khóc vừa hỏi): Con không hiểu về tình yêu. Con không biết tình yêu là gì? Vì sao khi cha mẹ của con ly dị, họ lại chửi mắng nhau? Con không thể nào hiểu được vì sao họ lại làm như vậy? Vì sao gia đình con không thể chung sống với nhau?

Thầy: Thầy nghĩ đó là vì cha mẹ của con chưa từng có cơ hội được biết thế nào là tình thương chân thực. Có thể họ chưa từng được cha mẹ, tức là ông bà của con, dạy cho biết phải thương yêu như thế nào mới đúng. Nhưng bây giờ, các con có cơ hội được học về tình thương, học cách thương yêu theo phương pháp Bụt dạy. Vì vậy mà các con sẽ không hành xử như cha mẹ của mình. Và khi các con đã biết cách thương yêu thì các con sẽ không còn đau khổ nữa và các con có thể giúp cho cha mẹ của mình. Nhiều bạn đã làm được như vậy.

Có nhiều bạn nhỏ đến tham dự khóa tu tại Làng Mai và học được phương pháp thương yêu và khi trở về nhà, các bạn đã giúp được cho cha mẹ của mình. Thỉnh thoảng ở Làng Mai có tổ chức những khóa tu dành cho trẻ em, có khoảng 300 – 400 bạn nhỏ đã đến tham dự khóa tu trong vòng 5 hoặc 7 ngày. Và trong thời gian khóa tu, các bạn được học cách thở, cách chăm sóc các cảm xúc mạnh như sợ hãi, giận dữ, v.v. Các bạn cũng học được cách thương chính mình và thương những người khác. Và khi trở về nhà, các bạn có thể giúp được cho cha mẹ của mình. Các bạn có thể giúp cho cha mẹ hòa giải với nhau, điều này đã xảy ra nhiều lần rồi. Vì vậy mà con đừng mất hy vọng. Khi ở Làng Mai, con ráng thực tập cho giỏi. Con cần học cách thương yêu sao cho đúng, nếu không con sẽ có thể hành xử y hệt cha mẹ của mình. Con có đồng ý như vậy không?

=======

Một cậu bé: Thầy có hình ảnh như thế nào về Chúa (Thượng đế)? (What does God look like to you?)

 

Thầy: Theo Thầy, Chúa (God, Thượng đế) biểu hiện dưới muôn vàn hình thức. Nếu ta biết cách nhìn với sự chú tâm, với chánh niệm, chúng ta có thể nhìn thấy Chúa nơi một bông hoa bé xíu mọc ở vạt cỏ  ven đường thiền hành. Ta cũng có thể thấy Chúa là ánh mặt trời buổi sáng hay là một dòng sông. Ta cũng có thể nhận ra Chúa nơi một em bé. Chỉ với năng lượng của niệm, định và tuệ, ta mới có thể nhận ra Chúa. Và Chúa không bị giới hạn trong một hình tướng cụ thể nào. Chúa biểu hiện trong muôn vàn hình thức và luôn luôn có mặt trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta quá bận rộn, chúng ta sẽ không thể nào tiếp xúc được với Chúa.

=======

Một cậu bé: Thưa Thầy, con sẽ sống được bao lâu?

 

Thầy: Nếu con biết thực tập thiền, nếu con biết nhìn sâu vào vạn vật thì con sẽ sống mãi, con sẽ không bao giờ chết. Nhưng nếu con không biết nhìn sâu thì con sẽ luôn lo sợ cái chết. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng không có gì có thể chết đi. Không có gì sinh mà cũng không có gì diệt, đó là tuyên bố của một nhà khoa học người Pháp tên là Lavoisier. Vì vậy đối với một người thực tập thiền, khi nhìn sâu vào vạn vật, người đó sẽ phát hiện ra bản chất không sinh, không diệt của vạn vật. Các nhà khoa học cũng vậy, nếu nhà khoa học biết nhìn sâu thì cũng sẽ thấy được bản chất không sinh, không diệt của vạn vật. Và khi thấy được điều đó, chúng ta sẽ không còn lo sợ cái chết nữa.

==========

Một em gái tuổi teen: Thưa Thầy, khi cha mẹ ly dị nhau, làm sao họ có thể nói rằng họ rất thương con cái của mình trong khi họ lại cãi vã và đánh đập nhau trước mặt con cái?

Thầy: Thầy nghĩ rằng những người cha, người mẹ như vậy có rất nhiều khổ đau trong lòng, và vì họ không biết cách xử lý những khổ đau đó nên họ gây lộn và đánh mắng nhau, cho dù có mặt con cái hay không. Vì vậy mà chúng ta nên cảm thông với cha mẹ và cầu mong cho  họ có thể học được cách xử lý những khổ đau của mình.

Chúng ta có thể viết thư cho cha mẹ và nói rằng: thưa cha, thưa mẹ, con biết là cha và mẹ đều có rất nhiều khổ đau trong lòng, vì vậy mà cha mẹ luôn cãi vã với nhau cho dù có mặt chúng con ở đó. Chúng con không trách cha mẹ, bởi vì chúng con thấy rằng cả cha và mẹ đều có nhiều niềm đau, nỗi khổ trong lòng. Chúng con chỉ xin cha mẹ hai điều thôi. Điều thứ nhất là khi có mặt chúng con, xin cha mẹ đừng nên cãi vã và gây lộn với nhau. Vì mỗi lần như vậy, chúng con khổ tâm lắm. Điều thứ hai là nếu được thì xin cha mẹ hãy tham gia một khóa tu chánh niệm để học cách xử lý những khổ đau trong lòng mình, để cha và mẹ có thể hàn gắn và làm bạn lại với nhau. Và điều này hoàn toàn có thể làm được vì đã có nhiều người tham dự khóa tu chánh niệm và học được cách chế tác hiểu biết và thương yêu đối với mình và với mọi người, nhờ vậy mà sau khóa tu, họ bớt khổ và có thể hàn gắn lại với gia đình của mình.

Chúng ta có thể viết một lá thư như vậy. Chúng ta không nên trách móc cha mẹ bởi vì chúng ta biết rằng họ đang rất khổ. Nếu chúng ta ở vào hoàn cảnh của họ thì có thể chúng ta cũng sẽ hành xử y hệt như vậy. Vì vậy điều quan trọng hơn hết là học cách xử lý khổ đau và xây dựng lại tình thân. Và trong lá thư đó, chúng ta cũng có thể nói thêm rằng mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng chúng ta đã may mắn có được cơ hội học hỏi cách thức xử lý khổ đau trong chính mình. Bất cứ khi nào có một cảm xúc đau buồn phát khởi, chúng ta biết cách để trở về với hơi thở chánh niệm và làm lắng dịu cảm xúc, và nhờ vậy mà chúng ta cảm thấy bớt khổ liền. Vì vậy mà chúng ta hy vọng rằng cha mẹ cũng có thể làm được như vậy, chắc chắn là cha mẹ có thể làm hay hơn chúng ta nhiều.

Chúng ta hãy viết cho cha mẹ một lá thư với nhiều thương yêu, thay vì giận hờn và trách móc. Khi đó cha mẹ của chúng ta sẽ nhận ra rằng là một người trẻ, chúng ta cũng có những khổ đau, nhưng chúng ta vẫn có thể hành xử với rất nhiều thương yêu và cảm thông, từ đó họ sẽ cố gắng để làm được như chúng ta. Thầy chúc con may mắn!

========

Một em gái: Có một người luôn đối xử không tốt với con, nhưng sau khi làm cho con bị tổn thương thì người đó lại quan tâm, lo lắng cho con. Con không hiểu vì sao người đó lại như vậy?

Thầy: Khi một người đối xử không tốt với con thì cũng có nghĩa là người đó cũng đồng thời đối xử không tốt với chính người đó. Người đó không biết thương mình và thường làm khổ chính mình. Và vì không biết thương mình và tự làm khổ mình cho nên người đó cũng hành xử tương tự với con hoặc với một ai khác. Khi chúng ta hiểu được điều đó thì tự nhiên chúng ta sẽ không còn trách móc, mà ngược lại chúng ta mong cho người đó biết cách thương chính mình, biết cách chăm sóc cho thân mình, chăm sóc các cảm xúc mạnh khi chúng phát khởi, và đồng thời biết cách chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc trong tự thân. Đó là những gì mà chúng ta đã may mắn học được trong thời gian ở Làng Mai. Chúng ta mong rằng người đó học được cách thương chính mình, vì khi đã biết thương mình rồi thì người đó cũng đồng thời thương được con và những người khác.

Vì vậy con đừng trách móc người đó. Con có thể tìm cách nói chuyện với người đó. Con có thể nói rằng dù mới ở tuổi teen (tuổi thiếu niên) nhưng con đã có cơ hội học được cách chăm sóc cơ thể của mình, con biết cách buông bỏ những căng thẳng trong thân, con biết cách ăn uống, vui chơi như thế nào để không làm tổn hại đến cơ thể. Con cũng biết cách xử lý một cảm xúc mạnh, một niềm đau. Và con biết chắc rằng nếu thực tập trong một vài tuần thì ai cũng có thể làm được như vậy. Vì vậy mà con mong người đó cũng học được phương pháp thực tập như con. Thực ra, ở Làng Mai cũng thường tổ chức những khóa tu dành cho các giáo viên và các bậc phụ huynh. Trong các khóa tu này, các giáo viên được học cách chăm sóc cho chính mình, và khi đến lớp, họ có thể tươi mát và nhẹ nhàng với các học sinh của mình, nhờ vậy mà họ có thể giúp được những học sinh có nhiều khổ đau. Đối với các bậc phụ huynh cũng tương tự như vậy. Ai trong chúng ta cũng cần học cách chăm sóc chính mình, học cách thương chính mình. Đó là điều kiện căn bản để chúng ta có thể đối xử tốt và thương yêu những người khác.

Nếu người đó làm con khổ và khi thấy con khổ, người đó mới quan tâm, lo lắng thì như vậy là hơi trễ. Vì vậy, khi người đó bày tỏ sự quan tâm, lo lắng đối với con thì con nên chia sẻ với người đó rằng con mong người đó học được cách chăm sóc và thương yêu chính mình, có như vậy thì người đó mới không lập lại cách hành xử như trước đây đối với con. Con nói với người đó rằng: chắc chắn là nếu người đó biết cách chăm sóc và thương yêu chính mình thì người đó sẽ không bao giờ có thể làm tổn thương hay làm khổ con nữa.

=========

Câu hỏi của một bạn trẻ:
Thưa Thầy, khi con nhìn thấy Thầy, con cảm nhận được sự định tĩnh và niềm an lạc nơi Thầy, nhưng đồng thời con lại thấy một niềm đau trong con…Con muốn được như Thầy. Làm sao con có thể chuyển hóa niềm đau trong con thành niềm vui, sự an lạc và tĩnh lặng như Thầy?

Thầy: Con biết đó, ở Làng Mai, chúng ta luôn nói rằng không có bùn thì không có sen. Nếu như có một chút bùn thì chúng ta nên biết cách tận dụng bùn để trồng nên những đóa sen. Vào thời điểm này ở Làng Mai, sen bắt đầu nở ở các xóm. Và con thấy đó, nếu không có bùn thì làm sao có thể trồng sen được. Cũng như vậy, những khổ đau trong ta chính là một loại bùn và chúng ta nên biết cách tận dụng những khổ đau đó. Bản thân Thầy cũng có nhiều khổ đau, nhưng Thầy may mắn có được cơ hội học hỏi từ Bụt, từ Thầy Tổ cũng như các huynh đệ của mình cách thức xử lý khổ đau và chuyển hóa rác thành hoa.

Con vẫn còn rất trẻ, con còn nhiều cơ hội để làm điều đó. Chắc chắn là con có thể làm như Thầy, thậm chí là còn làm hay hơn nữa. Khi con đi, mỗi bước chân của con có thể mang lại cho con niềm vui và sự bình an. Khi con rửa chén hay chuẩn bị bữa sáng cũng vậy, mỗi giây phút rửa chén hay làm đồ ăn sáng có thể trở thành những giây phút đầy niềm vui và hạnh phúc. Và để làm được điều này chỉ đòi hỏi một chút tập luyện mà thôi. Con có rất nhiều cơ hội để tập luyện. Chẳng hạn như từ bãi đỗ xe cho đến nơi làm việc, con có thể tận hưởng từng bước chân của mình. Con phải đi như thế nào để mỗi bước chân đều mang lại cho con sự bình an, nuôi dưỡng và trị liệu. Ai cũng có thể làm được như vậy nếu mình thực sự muốn làm. Muốn thì sẽ được!

=========

Câu hỏi:
Thưa Thầy, làm sao con có thể chuyển hóa mặc cảm tội lỗi trong con cũng như mặc cảm tội lỗi của cha mẹ khi cha mẹ ly dị nhau? Làm sao con có thể tha thứ cho con và tha thứ cho cha mẹ của mình? Con phải làm gì để không bị cuốn đi bởi những cảm xúc tiêu cực?

Thầy: Là con người, ai trong chúng ta cũng có lúc lầm lỗi. Chúng ta không đủ khéo léo, và vì vậy mà chúng ta làm khổ mình và làm khổ người khác, đó là chuyện thường xảy ra. Nhưng điều quan trọng hơn hết là chúng ta có thể học hỏi và lớn lên từ những lầm lỗi này. Chúng ta cần phải học hỏi từ khổ đau. Nếu mọi thứ đều hoàn hảo thì làm sao chúng ta có cơ hội để học hỏi và lớn lên được. Cho nên chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ những vụng về, lầm lỗi của mình, cũng như từ những khổ đau của chính mình. Chúng ta có thể tận dụng bùn để trồng nên sen. Chúng ta chỉ giữ mặc cảm tội lỗi khi chúng ta không thể chuyển hóa nó. Còn nếu chúng ta biết cách chuyển hóa thì mặc cảm tội lỗi đó sẽ tan biến.

Giả sử như ngày hôm qua, ta có một tư tưởng giận hờn, thù ghét một ai đó và ngày hôm nay ta cảm thấy hối hận. Tuy nhiên, ngày hôm nay ta vẫn có thể làm phát khởi trong ta một ý nghĩ đầy thương yêu, tha thứ và bao dung đối với người đó. Chúng ta có cơ hội để làm điều đó. Nếu nhìn thật sâu, chúng ta có thể thấy được niềm đau, nỗi khổ nơi người đó và trong chính chúng ta. Khi đã hiểu được khổ đau nơi mình và nơi người thì tình thương trong ta sẽ phát khởi ngay lập tức. Và khi trong trái tim đã có tình thương thì ta có thể làm phát khởi một tư tưởng đầy thương yêu và từ bi. Nếu hôm nay chúng ta có thể làm phát khởi một tư tưởng thương yêu thì tư tưởng đó sẽ làm trung hòa và xóa đi tư tưởng mà ta đã phát khởi ngày hôm qua. Vì vậy có thể nói chúng ta có khả năng thay đổi cả quá khứ.

Nếu ngày hôm qua ta đã lỡ nói một điều gì đó không dễ thương với người đó và hôm nay ta cảm thấy hối tiếc. Vậy thì tại sao ta không ngồi xuống và nhìn thật sâu để hiểu được khổ đau nơi chính mình và nơi người kia, rồi thì ta có thể gọi điện thoại và nói chuyện với người đó bằng những lời đầy thương yêu và hiểu biết. Sau khi ta đã làm, đã nói được như vậy thì mặc cảm tội lỗi trong ta cũng tan biến. Chúng ta đã làm thay đổi quá khứ, làm cho quá khứ trở nên tươi đẹp hơn. Chúng ta hãy nên tận dụng giây phút hiện tại để làm thay đổi quá khứ và xây dựng tương lai. Đó là điều hoàn toàn có thể làm được với năng lượng của niệm, định và tuệ. Với niệm, định và tuệ, ta sẽ có tự do. Năng lượng của niệm, định và tuệ có công năng giải phóng, giúp ta ra khỏi những tình huống khó khăn, ra khỏi những mặc cảm, kể cả mặc cảm tội lỗi. Chuyển hóa là điều ta có thể làm được nếu ta biết tận dụng giây phút hiện tại để thay đổi chính mình, thay đổi cách ta tư duy, nói năng và hành động, khi đó ta sẽ tạo ra hạnh phúc cho chính mình và cho người khác.

==========

Câu hỏi:
Thầy ơi, con không biết làm gì với cơn giận trong con. Khi cơn giận phát khởi, con có thể cảm nhận được sự có mặt của nó, cơ thể con nóng lên, mặt con đỏ bừng và đầu con thì rối bời…Con biết là con được trao truyền từ cha của con hạt giống nóng giận đó và con không muốn giống cha. Con muốn trở thành một con người dễ thương. Nhưng khi giận lên thì con không thể suy nghĩ được gì hết. Thầy hãy chỉ cho con là con nên làm gì khi con giận? Bởi vì lúc đó đầu óc của con dường như bị tê liệt và con không thể suy nghĩ được gì hết.

Thầy: Có những người rất dễ nổi giận, năng lượng bực bội, sân hận trong họ rất mạnh và dễ biểu hiện. Có thể là mười năm trước, người đó không nóng tính và dễ giận như bây giờ. Và điều đó có nghĩa là hạt giống giận trong người đó được tưới tẩm và không ngừng lớn lên mỗi ngày. Vì vậy, nếu ta thấy cơn giận trong ta quá lớn thì điều đó cũng có nghĩa là ta đã để cho hạt giống giận lớn lên trong ta. Vấn đề là ở thức ăn. Bụt đã dạy rằng không có gì có thể tồn tại nếu không có thức ăn. Và nếu cơn giận trong ta không ngừng lớn lên, đó là vì ta đang cung cấp thực phẩm, đang nuôi cơn giận trong ta mỗi ngày. Những gì chúng ta nghe, những gì chúng ta thấy đều đi vào trong ta và nuôi hạt giống giận lớn lên. Nếu ta biết làm thế nào để dừng lại, không nghe những điều đó, không xem những thứ đó, thì chúng ta có cơ hội ngăn không cho hạt giống giận lớn lên.

Điều này cũng đúng với những hạt giống khác như bạo động, sợ hãi, tuyệt vọng, v.v.Nếu bạo động, sợ hãi và tuyệt vọng trong ta lớn lên, đó là vì ta đã để cho chúng lớn lên. Trong đời sống hàng ngày, ta đã tiêu thụ như thế nào để nuôi cơn giận, sự sợ hãi và tuyệt vọng trong ta ngày một lớn lên. Khi ta đọc một bài báo trong một tạp chí nào đó tức là ta đang tiêu thụ, bởi vì bài báo đó có thể chứa đựng rất nhiều bạo động và hận thù, đọc bài báo đó chính là ta đang cung cấp thực phẩm cho hạt giống giận trong ta. Cũng tương tự như vậy, khi ta trò chuyện với một ai đó và những gì người đó chia sẻ toàn là giận hờn và thù hận thì trong khi nghe, ta đã để cho hạt giống giận trong ta bị tưới tẩm và nuôi dưỡng. Vì vậy mà chúng ta cần phải rất chánh niệm để không tiêu thụ những loại thực phẩm có khả năng nuôi dưỡng cơn giận trong ta. Đó là sự thực tập chánh niệm.

Những thực phẩm nuôi hạt giống giận có thể đi vào trong ta qua đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đó là vấn đề tiêu thụ. Chẳng hạn như Internet, khi ta vào mạng Internet, ta có thể tiếp xúc với rất nhiều những thức ăn không lành mạnh như thèm khát, bạo động, giận hờn, tuyệt vọng, và ta tiêu thụ những thực phẩm đó. Vì vậy mà điều đầu tiên ta cần thực tập đó là không cung cấp thực phẩm để nuôi dưỡng hạt giống giận. Không nhìn, không nghe, không làm những gì có khả năng làm cho hạt giống giận lớn lên. Chúng ta phải quyết tâm và đề ra những cách thức cụ thể để làm điều đó. Chẳng hạn như: ta nguyện rằng từ nay trở đi ta sẽ không nhìn, không nghe, không nói chuyện, không suy nghĩ về những điều có khả năng nuôi dưỡng hạt giống giận trong ta. Và ta phải nhờ bạn bè giúp đỡ, ta có thể nói với bạn bè rằng: “Xin các bạn hãy giúp tôi, tâm giận hờn trong tôi rất lớn, vì vậy xin đừng cho tôi bất kỳ một loại thực phẩm nào có thể nuôi dưỡng hạt giống giận trong tôi. Xin hãy yểm trợ cho tôi.” Chúng ta phải tự mình thực tập và đề nghị bạn bè yểm trợ chúng ta trong sự thực tập đó. Đây là điều đầu tiên chúng ta cần thực tập.

Điều thứ hai chúng ta cần làm, đó là quán chiếu về khổ đau, khổ đau trong chính chúng ta, khổ đau nơi cha, nơi mẹ, nơi vợ/chồng, hoặc con cái, v.v. Những người thân của ta có thể đã nói, đã làm những điều không được dễ thương đối với chúng ta. Nhưng đó không phải là vì họ muốn làm cho chúng ta khổ, mà bởi vì trong bản thân họ có quá nhiều khổ đau. Và họ chính là nạn nhân của khổ đau đó. Họ không biết xử lý những khổ đau trong chính mình. Và nếu nhìn thật sâu, chúng ta sẽ thấy được nỗi khổ, niềm đau nơi họ cũng như những gốc rễ của khổ đau đó. Ta sẽ nhận ra rằng họ chính là nạn nhân của những khổ đau của chính họ. Cái thấy đó sẽ làm phát khởi tình thương và lòng từ bi trong trái tim ta. Từ bi là năng lượng duy nhất có khả năng làm trung hòa cơn giận, một loại thuốc giải độc giúp chuyển hóa cơn giận (antidote of anger). Vì vậy, điều thứ hai mà chúng ta cần thực tập, đó là nuôi dưỡng lòng từ bi. Một người không có từ bi là người có rất nhiều khổ đau. Nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng lòng từ bi thì năng lượng từ bi đó sẽ có khả năng trung hòa cơn giận trong ta và giúp làm vơi bớt khổ đau nơi người kia, bởi vì với lòng từ bi, chúng ta có thể nói và làm một điều gì đó đầy tình thương để giúp cho người kia bớt khổ. Con đường của đạo Bụt là con đường của từ bi. Không một ngày nào mà chúng ta không thực tập nuôi dưỡng lòng từ bi. Nếu lòng từ bi trong ta lớn lên mỗi ngày thì hạt giống giận trong ta sẽ tiếp tục được chuyển hóa. Mọi người ai cũng nên thực tập điều này.

Nếu cha mẹ của chúng ta không biết phương pháp thực tập thì với sự thực tập của mình, chúng ta sẽ giúp cho cha mẹ làm được điều đó. Khi chúng ta thực tập, chúng ta làm cho cơn giận trong ta ngày một yếu đi và năng lượng từ bi ngày một lớn, điều này sẽ nuôi dưỡng và mang lại nhiều lợi lạc cho cha mẹ của chúng ta. Vì cha mẹ không chỉ ở bên ngoài chúng ta mà còn nằm bên trong từng tế bào của cơ thể chúng ta. Vì vậy mỗi khi ta làm phát khởi lòng từ bi trong trái tim ta thì cha mẹ ở trong ta cũng đang được chuyển hóa nhờ vào năng lượng từ bi đó. Và khi chúng ta có con, chúng ta sẽ không tiếp tục trao truyền cho con mình hạt giống giận, bởi vì chúng ta đã thực tập và đã chuyển hóa được cơn giận trong ta. Chúng ta đã dừng lại được bánh xe luân hồi. Chúng ta chỉ trao truyền cho thế hệ tương lai hạt giống của hiểu biết và thương yêu mà thôi. Chúng ta đã chuyển hóa được năng lượng giận hờn trong ta thành năng lượng tích cực. Và đó là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được ngay ngày hôm nay.

=========

Câu hỏiLàm sao con có thể hình dung ra cha của con khi con chưa bao giờ được gặp ông ấy?

Thầy: Có những người nhìn thấy cha mình mỗi ngày nhưng chưa bao giờ thực sự tiếp xúc với cha mình. Nhiều khi giữa vợ và chồng, giữa cha và con, tuy gặp nhau mỗi ngày nhưng giữa họ không hề có sự truyền thông. Họ nhìn thấy nhau nhưng họ không thực sự gặp nhau, bởi vì giữa họ không hề có sự truyền thông, không có tình thương, không có sự cảm thông hay thấu hiểu. Vì vậy trong trường đó, nhìn thấy cha mỗi ngày nhưng lại không hề có hạnh phúc thực sự, bởi vì giữa hai cha con không có sự thấu hiểu và thương yêu.

Nhưng nếu con thực tập nhìn sâu thì con sẽ thấy mình là sự tiếp nối của cha. Đây là sự thật. Con không chỉ là sự tiếp nối của cha mà con chính là cha. Con không thể lấy cha ra khỏi con được. Con hãy nhìn đám mây trên bầu trời. Đám mây có thể trở thành mưa, và mưa lại trở thành trà và khi nhìn vào tách trà, con có thể thấy được đám mây. Không quá khó để nhận ra đám mây trong tách trà. Vì vậy khi nhìn vào chính con, con sẽ dễ dàng nhận ra cha trong con. Con không chỉ là sự tiếp nối của cha mà con chính là cha. Mưa cũng chính là đám mây, mà trà cũng là mưa và cũng là đám mây. Hình tướng bên ngoài không phải là điều quan trọng nhất. Chính nội dung bên trong mới là điều quan trọng. Vì vậy nếu con có thể mỉm cười với niềm vui và sự bình an thì cha của con cũng đang cười đồng thời với con. Con luôn mang cha trong con. Khi con đi được những bước chân an lạc thì cha của con cũng đang bước những bước chân an lạc cùng với con. Và con gần với cha hơn bao giờ hết, còn gần hơn là con nghĩ. Con có thể nói chuyện với cha bất cứ lúc nào. Cha của thầy chưa bao giờ chết, mỗi ngày cha của thầy và thầy đều đi thiền hành với nhau, cùng thở với nhau và thầy thường xuyên nói chuyện với cha. Con thấy đó, đám mây không hề chết, nó chỉ mang một hình tướng mới mà thôi, hình tướng của mưa hoặc của trà, vì vậy mà con có thể nói chuyện với đám mây và con có thể uống cả đám mây nữa. Thiền tập có khả năng giúp ta nhìn sâu như vậy. Khi chúng ta có khả năng nhìn sâu vào vạn vật, ta sẽ có thể buông bỏ hết mọi giận hờn, nuối tiếc, buồn phiền và khổ đau.

===========

Câu hỏi:
Thưa thầy, một người bạn của con bị nghiện và con rất muốn giúp cô ấy. Nhưng mỗi khi lắng nghe cô ấy tâm sự, con lại thấy khổ tâm và nhiều lúc bị chìm ngập trong khổ đau của cô ấy. Con cần phải làm sao thưa Thầy?

Thầy: Thầy nghĩ rằng chúng ta phải biết giới hạn của mình. Ta chỉ nên dành một khoảng thời gian “trong giới hạn” đó để có mặt cho người bạn kia, như vậy ta mới có thể bảo vệ được cho chính mình. Nếu con không giữ gìn và chăm sóc cho chính mình thì con cũng không thể nào có thể giúp được cho người bạn đó trong tương lai. Giữ gìn, chăm sóc cho chính mình là điều rất quan trọng. Con cần phải biết mình có thể dành ra tối đa là bao nhiêu thời gian trong mỗi ngày hoặc mỗi tuần cho người bạn đó. Con có thể nhờ sự giúp đỡ của bạn bè hoặc người thân. Nếu con có một Tăng thân để nương tựa thì con có thể nhờ sự giúp đỡ của anh chị em trong Tăng thân đó. Nếu có được anh chị em trong Tăng thân yểm trợ thì con sẽ mạnh hơn nhiều và con có thể giúp được nhiều hơn cho người bạn đó. Và nếu người bạn đó cũng tham gia tu học với Tăng thân thì người đó sẽ có nhiều cơ hội hơn để chuyển hóa.

Con biết không, có nhiều nhà tâm lý trị liệu phải dành rất nhiều thời gian nói chuyện và lắng nghe các bệnh nhân và không có thời gian để chăm sóc cho chính mình, điều này không tốt chút nào. Chúng ta không thể nào dành cả ngày để lắng nghe khổ đau của người khác. Ta cần phải có thời gian để tiếp xúc với những yếu tố vui tươi, nuôi dưỡng và trị liệu cho chính chúng ta. Các nhà tâm lý trị liệu cũng vậy, họ cũng cần được nuôi dưỡng để có thể tiếp tục công việc của mình một cách lâu dài. Vì vậy, biết được giới hạn của mình là điều rất quan trọng, và con cần phải có một Tăng thân ở đằng sau để yểm trợ con, đó là câu trả lời cho vấn đề của con.