Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Thực tập như thế nào khi không có Thầy và Tăng thân yểm trợ?

Hỏi: Kính thưa Thầy, Thầy thường dạy rằng quay về nương tựa Tăng thân, tu tập với Tăng thân là điều hết sức quan trọng và thiết yếu. Con công nhận điều đó đúng. Con đã được nuôi dưỡng rất nhiều bởi năng lượng tu tập của Tăng thân. Hoàn cảnh của con bây giờ là con sẽ đi làm việc ở miền Tây nước Phi Châu trong thời gian khoảng một hoặc hai năm và là một đất nước có thể nói rất khó để con có thể tạo dựng một Tăng thân. Xứ Phi Châu là xứ Công Giáo. Con thật sự không muốn sự thực tập của con sẽ bị mai một, vậy thì làm thế nào con có thể tổ chức sự thực tập để tiếp tục tự nuôi dưỡng mình? Con biết tu tập một mình rất khó. Xin thầy chỉ dạy cho con làm thế nào để sự thực tập của con vẫn giữ được mức bền vững và sâu sắc khi mình thực tập một mình, không có thầy và Tăng thân bên cạnh yểm trợ?

Thầy: Tôi nghĩ chúng ta có thể tạo dựng một Tăng thân tu học bất cứ nơi nào ta đang sinh sống. Thế giới đang cần sự vững chãi, bình an và chánh niệm của ta. Cái khó có lẽ là vì ta chưa biết làm cách nào để chia sẻ sự tu tập chánh niệm của ta với môi trường và con người ở bản xứ nơi mà ta sẽ cư trú, nhất là những vùng ấy chưa có khái niệm gì nhiều về truyền thống tu tập đạo Bụt.

Theo tôi, quý vị nên tránh sử dụng những danh từ đạo Bụt thì sự áp dụng đạo Bụt ở các vùng ấy sẽ dễ dàng. Lúc khoảng bốn mươi tuổi, tôi đã viết được thành công cuốn sách về cách thực tập những lời dạy của Bụt mà không cần sử dụng đến một danh từ giáo lý đạo Bụt nào cả. Khi tổng thống Nam Phi Nelson Mandela viếng thăm nước Pháp, các phóng viên nhà báo đến tiếp kiến ông. Họ hỏi tổng thống một câu rằng: ‘‘Thưa tổng thống, tổng thống muốn làm gì nhất bây giờ?’’ Tổng thống trả lời: ”Điều tôi mong muốn nhất là được ngồi yên mà không cần phải làm gì hết. Từ khi tôi được trả lại tự do sau nhiều năm tù, tôi nhận thấy mình vô cùng bận rộn. Tôi làm việc không hở tay. Được có cơ hội ngồi yên mà không cần phải làm gì hết, là điều tôi ao ước nhất.” Thỉnh thoảng trong các buổi pháp thoại tôi đem câu chuyện này kể cho các thầy, các sư chú các sư cô và các đệ tử cư sĩ nghe. Trong số các sư chú, có một sư chú trẻ pháp tự là Chân Pháp Châu người Nam Phi và tôi thường nói với sư chú rằng: ”Sư chú hãy ngồi yên giùm cho tổng thống của sư chú đi.” Không phải chỉ có tổng thống Nelson Mandela mới có ước mong đó, mà có rất nhiều người trên thế giới đều có ước mong đó. Có rất nhiều người chỉ muốn được ngồi xuống thật yên mà không cần phải làm gì hết. Họ chỉ muốn được ngồi yên tĩnh và thảnh thơi trong từng giây từng phút của đời sống hàng ngày của họ.

Lời khuyên của tôi là cô nên tránh sử dụng những danh từ có tính cách Phật giáo; chỉ thể hiện chánh pháp qua cách sống chánh niệm của mình, nghĩa là sống làm sao cho tươi mát, sâu sắc và ôn hòa trong cách tiếp xử, hành xử của mình với người bản xứ. Tập lắng nghe mọi người với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái. Như thế cô có thể làm bạn với họ một cách dễ dàng. Ngoài ra cây cỏ, sông hồ, khe suối, sỏi đá và chim chóc cũng là những thành phần thuộc Tăng thân của cô. Không khí trong lành cô hít vào mỗi ngày cũng là một thành phần thuộc Tăng thân. Con đường cô sử dụng để thực tập thiền đi cũng là một phần thuộc tăng thân. Những em bé mà cô trò chuyện cùng cũng là một thành phần thuộc Tăng thân.

Cả danh từ Tăng thân – sangha cũng nên tránh sử dụng. Nếu cô mời những người bạn đã quen biết tới nhà chơi, uống trà, thì thay vì cô nói: ‘‘Mời các bạn uống trà trong chánh niệm;’’ cô có thể nói: ‘‘Mời các bạn uống trà trong bình an và ý thức rằng chúng ta đang hạnh phúc được ngồi thưởng thức từng tách trà bên nhau trong giây phút này.’’ Tôi nghĩ nếu cô sử dụng loại ngôn ngữ bình thường như thế, cô sẽ dễ dàng và mau chóng tạo dựng được một Tăng thân tại địa phương của cô. Nếu cô sử dụng ngôn ngữ của đạo Bụt ngay từ lúc đầu khi người ta chưa biết gì về đạo Bụt thì cô sẽ làm cho họ bị dội và việc dựng Tăng sẽ không thành công. Có lẽ sau này khi họ đã nếm được mùi vị của an lạc và hạnh phúc trong sự thực tập rồi, thì cô có thể nhẹ nhàng và khéo léo sử dụng ngôn từ của đạo Bụt. Chúc cô thành công. Tôi biết cô có thể làm được. Tất cả chúng ta đều có thể tạo dựng được một Tăng thân để tu tập ngay tại trú xứ của mình.

(Trích từ tác phẩm “Hơi thở nuôi dưỡng, Hơi thở trị liệu” – Sư Ông Làng Mai)