Chương 5: Bệnh tật và sức khỏe, chết và sắp chết

73. Liên hệ giữa bệnh tật và thiền tập

H. Tôi có nghe nói rằng những người bị bệnh nặng vô phương cứu chữa có thể kéo dài sự sống nhờ thực tập đạo Bụt và thiền tập. Như vậy liên hệ giữa bệnh tật và thiền tập là như thế nào?

Tl. Thiền tập có khả năng chữa trị rất lớn. Thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm giúp ta thư giãn thân và tâm. Khi cơ thể trở về trạng thái tự nhiên, quân bình, không phải làm việc quá sức và không bị căng thẳng dồn ép thì khả năng tự chữa trị của cơ thể bắt đầu có hiệu lực.

Các loài động vật rất khôn ngoan. Một con thú rừng khi bị thương biết cần phải làm gì để lành vết thương. Đó là nhờ vào trí khôn từ nhiều thế hệ tổ tiên truyền lại. Nó tìm một nơi yên tĩnh để nằm nghỉ, nó không cần đến thức ăn hay chạy theo các con vật khác. Nó chỉ nằm yên, nghỉ ngơi, sau vài ngày vết thương lành thì nó mới hoạt động lại.

Loài người chúng ta đã mất đi khả năng nghỉ ngơi. Chúng ta lo lắng nhiều quá, không để cho thân và tâm có cơ hội hồi phục. Ngay cả khi có được vài tuần đi nghỉ hè du lịch ta cũng không biết cách nghỉ ngơi. Những lo lắng, bức xúc, sợ hãi của chúng ta làm cho tình trạng trở nên tồi tệ. Thiền tập có thể giúp ta thư giãn, buông thư những căng thẳng, giúp ta ôm ấp những lo lắng, sợ hãi, giận hờn của ta. Đó là khả năng chữa trị rất lớn của thiền tập. Hãy để cho cơ thể điều hành tự nhiên. Học lại cách nghỉ ngơi và thư giãn là rất quan trọng.

Khi chúng ta cảm thấy trong lòng có bình an thì những bộ phận của thân và tâm ta sẽ hoạt động một cách điều hòa. Đó là nền tảng của sức khỏe. Khi những bộ phận của cơ thể cùng nhau hoạt động hòa điệu thì các chất sinh hóa trong cơ thể ta được điều tiết đúng mức. Những chất hóa học như adrenaline sẽ không tiết ra quá độ.

Bụt có nói tới “mũi tên thứ hai.” Khi ta bị một mũi tên bắn vào người ta cảm thấy rất đau. Nhưng giả sử có một mũi tên thứ hai cắm vào ngay vết thương của mũi tên thứ nhất thì sự đau đớn sẽ tăng lên gấp mười lần. Bụt khuyên chúng ta là mỗi khi có đau nhức trong thân và tâm thì hãy theo dõi hơi thở, ghi nhận nỗi đau nhưng đừng quá để tâm hay phóng đại nỗi khổ niềm đau đó. Nếu cứ mãi lo lắng, sợ hãi, chống cự, giận hờn thì niềm đau trong ta sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Sự lo lắng, sợ hãi của ta chính là mũi tên thứ hai. Vì vậy, ta phải cẩn trọng bảo hộ mình, đừng để cho mũi tên thứ hai bắn vào nữa.

74. Thực tập cho những người mắc bệnh nan y

H. Có con đường thực tập tâm linh nào cho những người mắc bệnh nan y không?

Tl. Một căn bệnh ngặt nghèo có thể là tiếng chuông chánh niệm thức tỉnh ta, là cơ hội để ta tu tập và bắt đầu một nếp sống tâm linh. Vì vậy, bệnh tật cũng có phần tốt, giúp ta lớn lên. Bệnh tật là tiếng chuông chánh niệm cho chúng ta và những người xung quanh ta. Sự thực tập biết chấp nhận, không lo lắng, vui trong giây phút hiện tại có khả năng chữa trị rất lớn. Nhiều người bị ung thư đã có thể kéo dài sự sống khá lâu nhờ thực tập được như thế.

Một anh bạn ở Canada đến thăm tôi và cho tôi hay tin là bác sĩ dự đoán rằng anh chỉ có thể sống được thêm hai tháng. Tôi nói với anh; “Anh hãy thưởng thức tách trà này với tôi. Hãy quên hết mọi việc, chỉ ý thức rằng anh đang còn sống, đang ngồi với tăng thân. Hãy chú tâm vào tách trà và vui trong giây phút này.” Và anh ta đã làm được như vậy. Sau khi tiếp nhận Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm và áp dụng sự thực tập ấy hàng ngày, anh ta đã sống thêm mười ba năm nữa. Vì vậy, chúng ta không thể nào biết trước được tương lai ra sao. Hãy học hỏi và tu tập, tận hưởng những năm tháng còn lại của đời mình. Trong khi còn sống thì nên vui sống trong từng giây phút và dành thời gian để quán chiếu sâu sắc tự tánh bất sinh bất diệt của mình. Hãy nhìn đám mây trên trời. Đám mây không thể nào chết được. Đám mây chỉ có thể trở thành mưa hay thành tuyết. Là một đám mây bay lơ lửng trên bầu trời thì rất đẹp, nhưng khi đám mây rơi xuống thành mưa cũng rất đẹp. Với tuệ giác đó, ta không còn sợ hãi. Nếu trong đời sống hàng ngày, ta có những ý nghĩ tốt đẹp, nói những lời ái ngữ, hành động đầy thương yêu thì đó là những cách giúp ta đi về tương lai một cách tươi đẹp. Sự tàn hoại của hình hài này không phải là một sự kết thúc. Tuệ giác đó chính là nền tảng cho hạnh phúc đích thực và không sợ hãi. Mọi thứ đều có thể là tiếng chuông chánh niệm, kể cả khổ đau. Tuổi già, bệnh tật và cái chết đều là những tiếng chuông chánh niệm cho ta, là những thông điệp đầy sức mạnh. Vậy thì chúng ta hãy hướng về những tiếng chuông chánh niệm ấy và đi theo hướng đi chung mà nhân loại nên đi. Hãy nắm tay nhau cùng đi, bởi vì nếu chúng ta không cùng nhau thì chúng ta sẽ không có hy vọng.

75. Thiền tập để chữa trị chứng trầm cảm

H. Nhiều người mắc chứng trầm cảm kinh niên do các hóa chất trong cơ thể tạo ra. Có thể dùng thiền tập để chữa trị hay dùng cả dược phẩm được không?

Tl. Những tâm hành của chúng ta như sự lo sợ, hờn giận, và tuyệt vọng sản sinh ra những hóa chất đi vào trong máu huyết. Tâm ảnh hưởng tới thân và thân ảnh hưởng tới tâm. Thân và tâm tương tức với nhau. Tôi không chống lại việc dùng dược phẩm, nhưng tôi muốn nhấn mạnh và khuyến khích thực tập chánh niệm để khỏi bị lệ thuộc vào dược phẩm. Một ngày nào đó ta sẽ nhận ra rằng ta có thể sống mạnh khỏe mà không cần dùng đến thuốc men. Có nhiều cách để thay đổi sự vận hành của tâm thức. Nếu biết cách chuyển đổi tâm hành của mình thì chúng ta sẽ biết cách thư giãn, biết cách ôm ấp và chuyển hóa nỗi sợ hãi, lo lắng trong ta. Khi ta chuyển đổi được các tâm hành thì ta sẽ chuyển đổi được cơ cấu hoạt động của cơ thể, tạo nên một sự thăng bằng giữa các hóa chất được tiết ra trong cơ thể.

Nếu nghĩ rằng ta cần dùng thuốc thì cứ dùng. Nhưng đừng nên tin cậy hoàn toàn vào thuốc mà nên tin tưởng vào sự thực tập và sự chuyển hóa của tự thân. Môi trường sống rất quan trọng. Có những loại gen, bản thân chúng không tự hoạt động được mà phải nhờ vào môi sinh kích hoạt. Vì vậy, hãy chọn cho mình một môi trường sinh sống lành mạnh, có nhiều yếu tố nuôi dưỡng và tưới tẩm những hạt giống tích cực, vui tươi, thương yêu và không sợ hãi trong ta. Ta sẽ nhận ra rằng nhờ đó mà ta được chữa trị nhanh chóng. Tất cả những gì ta đang tiếp xúc như chuyện trò, phim ảnh, sách báo, âm nhạc… đều có thể khơi dậy những nét đẹp trong ta. Khi nghe một bài pháp thoại, những hạt giống tích cực trong ta sẽ được tưới tẩm. Khi biết được những hành vi thương yêu của người khác ta sẽ thêm tin tưởng về cuộc đời và về tương lai. Điều đó sẽ tưới tẩm hy vọng và thương yêu trong ta. Cho nên hãy để cho những hoàn cảnh tốt đẹp tưới tẩm những hạt giống tích cực trong ta.

Hãy thiết lập ra những cộng đồng có cuộc sống lành mạnh cho con cháu, bạn bè, những cộng đồng sống bình dị, bớt tiêu thụ, để cho mọi người trong cộng đồng được hạnh phúc hơn. Nếu để dành cuộc đời mình cho việc xây dựng những cộng đồng sống lành mạnh và bình dị như thế thì ta sẽ có rất nhiều niềm vui. Những người sống với ta trong những cộng đồng ấy biết mỉm cười, biết thưởng thức từng bước chân đi, biết sống an trú trong giây phút hiện tại. Như vậy thì sự chữa trị sẽ tiến triển một cách rất khả quan.

76. Vấn đề trợ tử

H. Một người bị bệnh lâu ngày và chịu rất nhiều đau đớn có được phép tự kết liễu đời mình hay không sau khi đã bàn luận với gia đình và tăng thân?

Tl. Vào thời Bụt cũng có nhiều vị khất sĩ trong tăng đoàn của Ngài bị bệnh. Và Bụt đã giảng nhiều bài pháp về cách thực tập vào những lúc sắp chết, đặc biệt là bài pháp Độ Người Hấp Hối và Ngũ Quán (Năm điều quán tưởng). Chúng ta nên học các kinh đó để giúp cho những ai bị bệnh hay sắp chết. Chúng ta cũng có thể học để áp dụng các kinh ấy cho chính mình trong trường hợp lâm bệnh nguy kịch. Có nhiều cách để giúp giảm thiểu đau nhức trong cơ thể. Đức Phật dạy chúng ta cách thực tập để bớt cảm thấy đau đớn. Chúng ta ghi nhận sự có mặt của đau nhức nhưng chúng ta không để cho đau nhức gia tăng vì sự sợ hãi hay tuyệt vọng của chúng ta.

Về câu hỏi có nên tự kết liễu đời mình khi bản thân không còn chịu đựng được nữa, câu trả lời của tôi là trước hết phải tìm sự giúp đỡ. Không nên áp dụng phương pháp trợ tử một cách giáo điều, cứng nhắc mà phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Đôi khi chúng ta phải giúp người bệnh thực hiện ý muốn của mình vì người ấy bị cơn đau hành hạ quá mức đến nỗi nếu ta vẫn để cho người ấy tiếp tục bị đau đớn thì dường như ta đang đi ngược lại với sự thực tập từ bi. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết định theo tuệ giác chung của tập thể các bác sĩ, của gia đình và chính đương sự. Tuệ giác tập thể của tăng thân, của cộng đồng, là điều cốt yếu để xác định những gì cần phải làm trong trường hợp này.

Nếu có một bác sĩ hay một người bạn am tường về chứng đau nhức đó thì người ấy có thể cho bệnh nhân biết rõ về bệnh trạng để bệnh nhân không bị cảm xúc mạnh như sợ hãi, giận dữ hay tuyệt vọng. Cũng có cách khác để thực tập với cơn đau nhức. Đó là tái lập sự thăng bằng bên trong để cơ thể có thể chịu đựng được cơn đau. Khi tưới tẩm những hạt giống tích cực trong ta thì ta sẽ bớt khổ đau và có thể chịu đựng lâu dài hơn. Vì khi bị đau đớn quá nhiều ta thường có cảm giác là không còn đủ sức tự chủ. Khi một người bạn đến cầm tay ta, ta có cảm giác là ta sẽ chịu đựng được cơn đau lâu hơn. Trong ta vẫn có những yếu tố của sức mạnh và hạnh phúc. Khi những yếu tố đó được biểu hiện sẽ giúp tái lập được sự thăng bằng. Nhờ đó mà ta có thể chịu đựng đau nhức dễ hơn.

Khi một người chị của Sư cô Chân Không hấp hối trong cơn mê sảng và không ngừng đau đớn, rên siết. Chồng con và cả các bác sĩ không biết phải làm gì. Sư cô Chân Không tới nhưng không nói chuyện được với chị vì bà ấy đang trong cơn mê sảng. Sư cô bèn mở máy ghi âm bài niệm danh hiệu Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm do các sư cô Làng Mai đồng tụng bằng tiếng Việt và đặt ống nghe sát vào tai người chị. Chỉ vài phút sau thì như một phép lạ, chị Sư cô yên dịu hẳn và không còn rên siết nữa. Và từ đó cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng bà ấy không rên la vì đau đớn nữa.

Người chị của Sư cô Chân Không đã từng tu tập, đã nghe bài tụng ấy từ trước và nhận ra bài tụng truyền thống tâm linh của mình. Trong những tuần lễ cuối cùng của đời bà, bài tụng ấy đã là một nguồn suối bình an, thư thái cho bà. Trong lúc đó thì không ai biết làm thế nào để giúp bà tiếp xúc với những hạt giống an bình trong bà. Những hạt giống ấy đã bị suy nhược vì bị cơn đau nhức và tuyệt vọng tràn ngập. Tiếng tụng niệm đã đi vào trong tâm thức và chạm tới nguồn năng lượng tâm linh trong bà. Nguồn năng lượng tâm linh ấy đã cho bà đủ sức mạnh để phục hồi sự thăng bằng cần thiết.

Chúng ta phải ý thức rằng, mặc dù cơ thể bị đau nhức nhưng trong ta vẫn còn những yếu tố không bị đau ốm ảnh hưởng như sự vững chãi, an lạc và niềm tin. Để phục hồi sự thăng bằng ta cần tiếp xúc với những yếu tố ấy. Là đệ tử của Bụt chúng ta biết phải làm gì khi có một bệnh nhân đang hấp hối hay đau đớn, hay có những ai bị mất thăng bằng trong thân, tâm. Khi Bụt hay các đại đệ tử của Ngài đến thăm những người đang hấp hối, quý Ngài luôn biết cách giúp bệnh nhân phục hồi sự thăng bằng để giảm thiểu bớt đau đớn. Đó là phép tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc và bình an. Điều này luôn luôn mang đến nhiều hiệu quả.

77. Khi người thân tự vẫn

H. Sự thực tập chánh niệm giúp ích được gì trong trường hợp có một người thân tự vẫn?

Tl. Một người tự vẫn là vì người ấy không thể xử lý được đau khổ của mình về mặt tinh thần cũng như thể xác, hay mỗi khi có cảm xúc mạnh. Nếu trước đó chúng ta đã không biết để ngăn chặn thì nay ta phải học để sẵn sàng giúp cho những người có ý định tự tử trong tương lai. Chúng ta vẫn còn có nhiều người thương đang sống với ta. Nếu ta không để ý thì một trong những người thương đó của ta cũng có thể tự vẫn. Vì vậy, ta phải học từ bài học của quá khứ. Đừng để sự việc ấy xảy ra thêm một lần nữa. Việc mất đi một người thân có thể là một nhân duyên để ta cứu giúp cho những người khác. Thấy rõ như vậy, ta phải tu tập. Ta có thể giúp một người đang gặp khó khăn thấy được rằng người ấy có thể sẽ trở thành một vị Bồ tát, một bậc đại nhân có khả năng giúp đỡ những người khác đang gặp đau khổ. Một người đang gặp khó khăn, bối rối có thể không biết xử lý ra sao với cuộc đời của mình. Ta có thể chỉ cho họ thấy rằng có một cách rất mầu nhiệm là cống hiến cuộc đời mình cho mục đích giúp người bớt khổ. Rất nhiều người đã làm được như vậy. Nếu ta giúp được những người như thế chuyển hóa thì người thân đã mất có thể mỉm cười vì cái chết của người đó đã trở nên hữu ích.

78. Chuyển hóa sự sợ hãi

H. Con tôi đang bệnh rất nặng. Tôi phải làm gì để có thể chuyển hóa sự sợ hãi?

Tl. Nếu nhìn cho sâu sắc thực tại trong ta cũng như xung quanh ta, thì chúng ta sẽ thấy rằng khi đầy đủ nhân duyên thì sự vật sẽ hiển lộ một cách toàn vẹn hình sắc của nó. Nhưng khi nhân duyên chưa đầy đủ thì sự hiển lộ cùng lúc sẽ chấm dứt. Hiểu được như thế thì chúng ta sẽ vơi đi đau khổ. Nếu đứa bé không tiếp tục được đời sống của mình trong lúc này thì em sẽ tìm cách biểu hiện trở lại mai sau.

Có một mùa đông ở Làng Mai khí hậu khá ấm, khiến những cây hoa anh đào Nhật Bản nở sớm hơn mọi năm. Trong khi đang đi thiền hành, tôi nghĩ thầm: “Năm nay chúng ta sẽ có hoa đẹp để trang trí cho thiền đường vào dịp Tết.” Thế nhưng một tuần sau, trời đột ngột trở lạnh, làm cho các nụ hoa đều bị đông đá. Khi đi thiền hành tôi lại nghĩ: “Bao nhiêu nụ hoa đều chết cả rồi, đâu có hoa để trưng thiền đường nữa”. Nhưng khoảng mười ngày sau, đi thiền hành tôi lại thấy hoa anh đào nở nụ. Và tôi biết rằng cuối cùng thì chúng tôi cũng sẽ có những bông hoa đẹp.

Khi nhân duyên không hội tụ đầy đủ thì hoa tạm thời ẩn tàng để rồi xuất hiện trở lại. Em bé cũng như vậy. Nếu nhân duyên không hội tụ đầy đủ để đứa bé có thể biểu hiện trên cuộc đời này, thì em sẽ ẩn tàng để rồi sẽ biểu hiện trở lại một ngày nào đó. Thấy được như vậy anh sẽ bớt đau buồn hơn. Anh không mất con đâu. Hãy để cho đứa bé ẩn tàng để rồi biểu hiện trở lại. Điều này cũng đúng với tất cả muôn loài, sinh vật, hoa, trái, v.v… Nếu chúng ta biết nhìn bằng con mắt ấy thì chúng ta sẽ không quá đau khổ khi mất mát. Vô thường là một sự thật. Nhờ tuệ giác vô thường mà ta có thể đứng vững trước những đổi thay của cuộc sống. Chúng ta sẽ không bị ngã gục bởi vì chúng ta biết rằng không có gì mất đi. Khi nhân duyên hội tụ đầy đủ, thì người thương của ta sẽ biểu hiện trở lại thật nhiệm mầu.

79. Chấm dứt tình trạng ăn uống quá độ

H. Tại sao có quá nhiều người bị béo phì? Làm thế nào để chấm dứt thói quen ăn uống một cách quá độ?

Tl. Những người không thể ngừng ăn uống là vì họ cảm thấy trống trải trong lòng. Họ không thể xử lý những đau khổ của mình và vì thế sự trống trải trong họ càng làm họ thêm đau khổ. Đi vào nhà bếp kiếm một cái gì đó để ăn là một cách để quên lãng tình trạng bất an và bực bội. Tại Làng Mai, chúng tôi thực tập giới không ăn phi thời ngoài những bữa ăn cùng đại chúng. Mỗi sư thầy và sư cô đều có một bình bát được gọi là ứng lượng khí, dùng để lấy chỉ vừa đủ lượng thức ăn cần thiết. Ta có thể tổ chức một nhóm cùng thực tập như thế, cùng ăn chung vui vẻ, ăn uống chừng mực theo tinh thần của sự thực tập Năm Quán.

Khi có tăng thân thương yêu yểm trợ ta có thể tập được những thói quen mới một cách dễ dàng. Chánh niệm giúp cho ta nhận diện được tập khí. “Xin chào, tập khí của ta ơi. Ta biết ngươi đang có đó. Ngươi xúi ta đi vô nhà bếp và mở tủ lạnh để tìm thức ăn.” Khi phải thực tập một mình ta sẽ thấy khó khăn hơn. Sự cám dỗ có thể mạnh hơn năng lượng chánh niệm của ta. Nhưng khi chánh niệm là năng lượng của tập thể thì năng lượng ấy sẽ mạnh hơn nhiều. Khi ta sống trong một cộng đồng có năm ba người thực tập giỏi thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Và từ từ chúng ta sẽ huân tập thêm tập khí mới.

Nhờ vậy mà khi ăn ta sẽ thấy an lạc hơn. Khi ăn ta chỉ chú tâm vào từng miếng thức ăn, từng miếng cà rốt, từng miếng bánh đang nhai. Ta đón nhận miếng cà rốt, miếng bánh như những sứ giả của vũ trụ. Mỗi miếng ăn là một cơ hội thực tập. Nếu nhai miếng thức ăn thật kỹ, hai mươi, ba mươi lần, ta sẽ cảm thấy không cần phải ăn nhiều nữa. Cơ thể ta sẽ báo cho ta biết khi nào thì nên dừng lại. Hãy lắng nghe cơ thể của mình, cơ thể ta biết rõ điều đó.

80. Khi chết tâm thức ta đi về đâu?

H. Sau khi ta chết điều gì sẽ xảy ra cho tâm thức ta?

Tl. Cái gì đang xảy ra cho tâm thức ta khi ta còn sống? Nếu ta trả lời được câu hỏi này thì ta có thể trả lời câu hỏi kia. Chúng ta phải tập nhìn thực tại bằng con mắt vượt thoát hình tướng. Khi nhìn một cây bắp, ta không thấy hạt bắp đã nẩy mầm thành cây bắp. Nhưng nếu nhìn cho sâu ta sẽ thấy hạt bắp dưới một hình dạng khác là cây bắp. Đây là một sự thực tập rất sâu sắc, là cửa ngõ đưa tới giải thoát khỏi những sợ hãi, tham đắm và tuyệt vọng.

Ta không có khả năng thấy được mình một cách rõ ràng và sâu sắc và cũng không có khả năng thấy được người khác thực rõ, thực sâu. Chúng ta thường chỉ chạm được bên trên bề mặt của của mọi sự vật, hiện tượng. Ta không biết ta sự thực là ai và người kia sự thực là ai. Vì thế cho nên những khái niệm của ta về sự vô sinh bất diệt, về có, về không, cũng là những khái niệm rất cạn cợt. Thiền tập của đạo Bụt là để đưa nhận thức về hiện hữu của chúng ta đi sâu hơn, xa hơn. Khi ta nhìn một ai, ví dụ khi ta nhìn người thương, ta phải nhìn cho sâu. Hãy nhìn ngay bây giờ. Đừng đợi đến khi người thương chết rồi ta mới đi tìm.

Nhìn cho sâu ta sẽ thấy những tế bào trong cơ thể ta phối hợp nhau, hoạt động trôi chảy như một dòng sông. Ta thấy có dòng sông cảm thọ, những cảm thọ nối tiếp không ngừng. Ta thấy có dòng sông ý tưởng hay tri giác, có dòng sông tâm hành, và dòng sông tâm thức. Tâm thức ta không phải là thực tại bất biến mà là một quá trình chuyển biến không ngừng, một dòng chảy. Thân thể ta cũng không phải là một khối vững chắc bất động mà đang liên tục diễn biến. Tất cả các tế bào sinh diệt liên tục không ngừng.

Nhìn bằng con mắt vô tướng như thế sẽ giúp ta vượt thoát được hình tướng bên ngoài. Nếu ta có thể nhìn người thương bằng con mắt vô tướng thì ta sẽ không đau buồn khi hình tướng người ấy không còn nữa. Bởi vì mặc dù hình tướng ấy không còn nhưng người thương của ta vẫn còn đó. Sự tan rã của hình hài này không là gì cả. Không có gì mất đi hết. Nếu ta không còn hình tướng này thì ta có hình tướng khác. Nếu không là mây thì là mưa. Đó là sự thực tập. Hình hài, sự hiện hữu, và tâm thức của ta đan xen lẫn nhau, bao trùm khắp không gian và thời gian. Trong ý nghĩa đó thì không có “trước” và “sau” khi chết. Chúng ta phải chế tác năng lượng chánh niệm đủ mạnh để có được nhận thức đó. Khi đó ta sẽ vượt thoát được ý niệm sinh, tử.

81. Sau khi người thân qua đời

H. Làm sao để chúng ta có thể chấp nhận dễ dàng khi nghe rằng người thân của ta khi chết đi sẽ được tiếp nối dưới một hình thái khác?

Tl. Khi nhìn một cây cam, ta thấy cây cam cho ta nào cành, nào lá, nào trái ngọt, nào hoa thơm. Đó là những gì mà cây cam có thể hiến tặng cho cuộc đời. Chúng ta cũng vậy. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đóng góp cho đời những ý nghĩ, những lời nói và những hành động của mình. Những ý nghĩ của ta có thể là rất đẹp, đầy hiểu biết, thương yêu. Những lời nói của ta có thể là rất đẹp, đầy hiểu biết, thương yêu. Những hành động của ta cũng có thể là rất đẹp, đầy hiểu biết, thương yêu. Nhìn cho sâu, ngay giây phút này, chúng ta đang chế tác ý nghĩ, lời nói, và hành động. Theo giáo lý đạo Bụt, ý nghĩ, lời nói và hành động của ta là sự tiếp nối đích thực của chính chúng ta.

Mỗi khi ta phát khởi lên một ý nghĩ, ý nghĩ ấy sẽ còn đó rất lâu. Mỗi khi ta nói lên một lời nói, lời nói ấy sẽ còn đó rất lâu. Mỗi khi ta hành động thì hành động của ta sẽ có ảnh hưởng lâu dài về tương lai. Giả thử chúng ta khởi lên một ý nghĩ đầy từ bi và bao dung thì ý nghĩ ấy ngay tức khắc có tác dụng chữa trị cho toàn thế giới và tiếp tục có tác dụng trị liệu lâu dài cho tương lai. Cho nên khởi tâm từ bi, bao dung và không kỳ thị là rất quan trọng.

Rất nhiều người nghĩ rằng sau khi thân thể này tan rã thì sẽ không còn gì nữa hết. Ngay cả nhiều nhà khoa học cũng đã nghĩ như vậy. Nhưng những ý nghĩ, những lời nói hay hành động của ta là những năng lượng có ảnh hưởng lâu dài. Cho nên nếu muốn có sự tiếp nối tốt đẹp thì phải đóng góp những ý nghĩ tốt đẹp, nói lời tốt đẹp, hành động tốt đẹp. Ta không thể nào triệt tiêu một con người. Không thể biến người đó thành không. Cũng như một đám mây không thể chết đi, con người cũng không thể trở thành hư vô. Vậy cho nên phải quán chiếu sâu sắc tự tánh của chính mình cũng như tự tánh của những người xung quanh, từ đó phát sinh tuệ giác giúp giải phóng chúng ta ra khỏi sự buồn giận và lo sợ. Đó là tuệ giác vô úy, tuệ giác bất sinh, bất diệt. Đó là hoa trái quý giá nhất của sự thực tập.