Chương 3: Đời sống tâm linh

37. Tại sao thực tập chánh niệm lại quan trọng?

H. Tại sao thực tập chánh niệm lại quan trọng như vậy?

Tl. Trong chúng ta ai cũng có khả năng sống chánh niệm. Dù ít hay nhiều ai cũng có chánh niệm. Vấn đề là làm sao để có chánh niệm nhiều hơn. Nhiều người đánh mất mình trong tiếc nuối quá khứ hoặc lo lắng về tương lai. Họ mải mê theo đuổi những dự án hay tưởng tượng mông lung, tâm ở một nơi, thân ở một ngả. Nếu thân và tâm ta không hợp nhất với nhau thì ta không thực sự đang sống. Bước chân chánh niệm hay hơi thở chánh niệm đem tâm ta về với thân, để ta thực sự có mặt ngay giây phút bây giờ, ở đây và thực sự sống có tỉnh thức. Thực tập chánh niệm được xem như là một sự tái sinh, bỗng nhiên ta trở nên sống động. Chánh niệm làm tăng cường định lực, giúp cho ta nhìn thấy sự vật một cách sâu sắc hơn và ta không còn là nạn nhân của những tri giác sai lầm nữa. Ta không còn gây đau khổ cho mình và cho người khác. Ta sẽ cảm thấy yêu đời hơn, muốn giúp cho những người khác cùng vui sống. Ta không thể bắt buộc người khác sống chánh niệm nhưng nếu ta thực tập và có hạnh phúc thì ta có thể gây cảm hứng cho những người khác cùng thực tập.

38. Nhìn sâu

H. Một trong những từ ngữ hay được dùng nhất trong khi giảng dạy Phật pháp là “nhìn sâu”. Nhìn sâu có nghĩa như thế nào?

TL. Nhìn sâu có nghĩa là định tâm trên một đối tượng và ý thức sâu sắc về đối tượng đó. Chúng ta sử dụng năng lượng của chánh niệm để ôm lấy đối tượng và chú tâm vào đối tượng ấy. Chúng ta không chỉ dùng mắt để nhìn sâu mà còn dùng cả tai. Nhìn sâu và lắng nghe sâu đều có cùng một bản chất. Ta có thể lắng nghe ta, lắng nghe người khác, nhờ đó mà ta có hiểu biết hơn và phát sinh ra tuệ giác. Tất cả chúng ta đều có mắt, tai nhưng nếu không có năng lượng của chánh niệm thì chúng ta không thể nhìn sâu hay lắng nghe sâu được.

Ta có thể nhìn sâu cho dù ta nhắm mắt hay bịt tai. Ví dụ như khi lắng nghe hơi thở ta không cần dùng mắt hay tai. Khi tâm ta có chánh niệm thì năng lượng chánh niệm sẽ đóng vai trò chủ động trong việc nhìn sâu của ta. Đôi khi chúng ta có thể dừng suy nghĩ. Trong nhiều trường hợp suy nghĩ có thể kéo ta đi lạc hướng. Nhưng nếu chúng ta biết kiểm soát được suy nghĩ thì suy nghĩ đó có thể giúp cho ta thấy sâu hơn.

Tất cả chúng ta ai cũng có kinh nghiệm là khi đọc một trang sách ta cứ tưởng mình đã hiểu rồi, nhưng khi đọc lại hay suy nghiệm lại thì mới khám phá ra là mình chưa thực sự thâm nhập hay hiểu rõ ý nghĩa của nó. Nhìn sâu cũng giống như vậy. Thật dễ để cho ta thấy được một đóa hoa là vô thường và chấp nhận hoa là vô thường. Nhưng không phải nhờ trí năng mà ta có thể tiếp xúc được bản chất của vô thường. Ta phải tiếp xúc với bản chất của vô thường một cách sâu sắc để vượt thoát ý niệm về vô thường và chạm được gốc rễ của ý niệm ấy. Đây là cốt lõi của sự thực tập gọi là thiền minh sát (vipassana) hay nhìn sâu. Để thành công ta phải trau dồi chánh niệm và định lực để những năng lượng ấy giúp ta thấy thật sâu bản chất của mọi sự vật, hiện tượng.

39. Nuôi dưỡng bồ đề tâm

H. Cách tốt nhất để nuôi dưỡng bồ đề tâm?

Tl. Bồ đề tâm là tâm thương yêu, là ý muốn giúp người, độ đời và đem niềm vui đến cho nhiều người khác. Bồ đề tâm là một nguồn năng lượng vĩ đại có thể nâng cao phẩm chất sự sống của chúng ta. Khi học năm phép Thực Tập Chánh Niệm (Năm Giới), chúng ta khám phá ra rằng khi sống theo Năm Giới thì năng lực của ta sẽ được tăng cường. Năm Giới có thể bảo hộ cho bản thân chúng ta, bảo hộ cho gia đình và cả cho xã hội. Năm Giới giúp chúng ta vơi bớt khổ đau, mang lại niềm vui, bình an và hạnh phúc. Nếu hiểu và thực hành sâu sắc năm phép Thực Tập Chánh Niệm thì có thể giúp ta trở thành một người tích cực xây dựng hạnh phúc và hòa bình cho mọi người.

Theo tôi năm phép Thực Tập Chánh Niệm là chất liệu của một vị Bồ tát. Bồ tát là người có chí nguyện giúp cho cuộc đời, làm vơi bớt nỗi khổ đau, mang đến niềm an vui, hạnh phúc. Khi tiếp nhận Năm Giới và quyết tâm hành trì theo Năm Giới, ta có thể trở thành một vị Bồ tát, sống không chỉ cho riêng mình mà còn sống cho mọi người. Cuộc sống của ta sẽ là một nguồn năng lượng đem lại hạnh phúc cho nhiều người khác.

Nếu ta có ước nguyện như vậy, thì điều đó sẽ được thể hiện trong cách ta hành động, cách ta ứng xử và cách ta nhìn nhận. Nó sẽ được hiển lộ trên nụ cười, trong những bước chân của ta bởi vì trong ta tràn đầy năng lượng. Ta không sợ gian khổ, tâm ta đủ rộng lớn để chấp nhận tất cả. Ta không còn có khuynh hướng kỳ thị, loại trừ ai mà chỉ muốn bao bọc cả thế giới. Và sự thực tập hằng ngày của ta như trong khi đi, khi đứng, khi cười, và khi thở sẽ đưa ta về hướng của Bồ đề tâm.

40. Quán chiếu vô thường

H. Khi quán chiếu về vô thường, chúng ta có cùng quán chiếu với thời gian và không gian hay không?

Tl. Khi tiếp xúc với bản chất của vô thường thì ta cũng tiếp xúc được với bản chất của tương tức. Nhờ có vô thường mà có sự sống. Vô thường là sự đổi khác trong từng phút giây. Không có gì có thể giữ nguyên được trạng thái của nó, luôn luôn có cái biểu hiện ra và cái mất đi, có “nhập” và có “xuất”. Mọi thứ đều có sự tương tức lẫn nhau, nghĩa là không thể tự tồn tại riêng biệt mà phải tương quan, tương duyên với những cái khác, vì vậy tiếp xúc với vô thường cũng là tiếp xúc với tương tức.

Khi quán chiếu về không gian, ta biết rằng không gian không thể tự nó một mình mà có. Không gian phải có cùng với thời gian và vật chất, cùng với tất cả mọi cái khác. Khi quán chiếu về bản chất của không gian ta cũng tiếp xúc với vô thường, với tương tức và ta có thể thấy tất cả vạn vật trong không gian. Ta có thể thấy vật chất trong không gian, ta có thể thấy thời gian trong không gian. Ví dụ khi ta nói về mùa Xuân. Sao gọi là mùa Xuân? Mùa Xuân mới nghe qua như là một khoảng thời gian, sau mùa Xuân là mùa Hạ, sau mùa Hạ là mùa Thu rồi mùa Đông. Nhưng mùa Xuân có liên hệ chặt chẽ với không gian, bởi vì trong khi ở Bắc Mỹ đang là mùa Xuân thì ở Úc châu không phải là mùa Xuân. Vậy ta biết rằng trong không gian có thời gian, và trong thời gian có không gian. Ngay cả khi ta nói phút giây hiện tại, phút giây đó không thể tự nó một mình mà có. Hiện tại gắn liền với quá khứ và tương lai.

Khi nhìn mặt trời mọc ta luôn luôn thấy mặt trời mọc lên từ chân trời, ta có thể nghĩ rằng ta đang thấy mặt trời của hiện tại; nhưng các nhà khoa học cho ta biết rằng mặt trời mà ta đang nhìn thấy là hình ảnh của mặt trời tám phút trước đó. Vậy thì hiện tại có liên hệ với không gian chứ không chỉ với thời gian. Tuy nhiên, ta vẫn có thể sống trong giây phút hiện tại mặc dù ta biết đây là mặt trời của tám phút trước. Hiện tại bao hàm cả bây giờ và ở đây, do đó không thể tách rời thời gian và không gian thành hai thực thể riêng biệt, và nhìn vào cái một ta thấy cái tất cả. Tuệ giác tương tức giúp ta hiểu rõ hơn bản chất của vô ngã và vô thường.

Nhiều đạo sư và triết gia như Heraclitus và Khổng Tử cũng nói đến vô thường. Nhưng vô thường mà Bụt nói tới không phải là một triết lý mà là một công cụ để ta thực tập nhìn sâu. Hãy sử dụng chìa khóa vô thường để khai mở cánh cửa của thực tại – thực tại tương tức, vô ngã, vô tướng. Vì vậy, ta không nên nói tới vô thường như một ý niệm, một giả thuyết, hay một triết lý mà như là một công cụ Bụt trao cho ta để ta thực tập nhìn sâu và khám phá ra bản chất của sự vật, hiện tượng.

41. Khó duy trì chánh niệm

H. Tôi thực tập một mình đã nhiều năm nhưng vẫn thấy khó để duy trì được chánh niệm. Tôi có thể định tâm được vài tuần lễ nhưng rồi dễ bị xao động và luôn luôn như có cái gì khiến tôi bị phân tán. Xin Thầy cho ý kiến về việc này?

Tl. Chính vì tâm ta luôn xao động mà ta cần phải tu tập. Khi tu tập thì thế nào cũng có lúc lên lúc xuống. Đó là chuyện bình thường. Nhưng nếu ta có một tập thể để cùng nhau tu tập, một tăng thân để nương tựa, thì những lúc ta yếu kém ta sẽ được nâng đỡ. Tăng thân sẽ khuyến khích và hỗ trợ ta trên con đường tu tập.

Nương tựa tăng thân rất quan trọng. Không có tăng thân ta không thể tu tập lâu dài được. Nếu ta từ bỏ tăng thân thì ta phải trở lại ngay. Còn nếu ta chưa có dịp tiếp xúc với tăng thân thì phải cố hết sức tìm cho ra một tăng thân.

Tất cả chúng ta ai cũng có thể xây dựng tăng thân, bất kể chúng ta ở đâu. Ở đâu người ta cũng cần sự vững chãi, tĩnh lặng và chánh niệm. Sử dụng các danh từ Phật học có thể gây nên những chướng ngại. Có nhiều người chỉ thích ngồi yên mà không làm gì hết, để được bình an, yên tĩnh và ý thức từng giây phút của cuộc sống hàng ngày. Ta nên tránh dùng từ ngữ Phật học, chỉ cần thể hiện giáo lý bằng nếp sống chánh niệm, sự tươi mát và cởi mở của mình. Khi mới thực tập mà sử dụng những từ ngữ Phật giáo thì dễ làm cho người khác không thích và như vậy ta sẽ không thành công. Biết lắng nghe sâu và sử dụng ái ngữ thì ta sẽ có bạn. Ta cũng có thể xem cây cỏ, đất đá, dòng sông như những thành viên của tăng thân. Khí trời mà ta hít thở cũng là một yếu tố của tăng thân. Con đường thiền hành cũng là thành viên của tăng thân. Không ai cần phải quỳ xuống tiếp nhận Năm Giới để trở thành thành viên của tăng thân. Em bé mà ta đang nói chuyện, người láng giềng mà ta vừa kết bạn có thể là thành viên của tăng thân ta. Chỉ cần có một nhóm người cùng trò chuyện, cùng qua lại với nhau là đã có một tăng thân. Ta không cần phải sử dụng từ ngữ tăng thân. Nếu mời bạn bè đến uống trà thì đừng nói: “Hãy tổ chức một buổi thiền trà”, mà nói: “Xin mời cùng uống trà, thưởng thức trà trong tĩnh lặng, cùng gặp gỡ để vui với nhau.” Nếu học cách sử dụng ngôn ngữ như thế thì ta có thể xây dựng được tăng thân.

42. Khó để thư giãn

H. Tôi rất khó thư giãn. Tôi luôn xao động không yên khi ngồi thiền. Làm thế nào để bớt xao động?

Tl. Nhiều người trong chúng ta như có một nguồn năng lượng mạnh thúc đẩy ta đi về phía trước. Vì vậy, ta được hướng dẫn cách thực tập thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn và thiền thở. Khi ăn ta thưởng thức từng miếng thức ăn lúc đang nhai. Nếu ta thành công với miếng ăn đầu thì ta có thể thành công với miếng thứ hai, thứ ba. Tập ăn như thế giúp ta thư giãn trong khi ăn. Thực tập thiền đi cũng giúp ta thư giãn. Nếu cảm thấy không thư giãn thì hãy thực tập thiền hành, đi từng bước. Nếu ta đi được một bước vững chãi thảnh thơi thì ta có thể đi được những bước khác vững chãi thảnh thơi. Nếu ta còn loay hoay, xao động mà không biết làm sao để xử lý năng lượng đó thì hãy ghi nhận và gọi tên năng lượng ấy là loay hoay hay xao động. Dùng hơi thở vào và hơi thở ra để ghi nhận và mỉm cười với năng lượng ấy: “Ta biết ngươi rồi, năng lượng xao động.” Hãy tin tưởng vào pháp môn thực tập. Hãy bắt đầu bằng nhai một miếng thức ăn có ý thức, bằng một hơi thở, bằng một bước đi có ý thức. Bất cứ làm gì, lau nhà hay bước một bước, hãy trở về với hơi thở và lấy lại tự do để thực sự là mình. Khi đó thì ta không còn là nạn nhân của năng lượng bồn chồn không yên nữa.

43. Ý thức về ngã

H. Các nhà tâm lý học nói rằng chúng ta phải có một ý thức lành mạnh về ngã. Đạo Bụt có dạy ta tăng cường ý thức về ngã hay không?

Tl. Trong giới tâm lý học người ta thường cho rằng chúng ta có ý thức về ngã. Nhưng khi có ý thức về ngã thì ta có xu hướng so sánh cái ngã này với những cái ngã khác. Từ sự so sánh đó mà phát sinh mặc cảm tự ti, tự tôn, ý nghĩ về hơn, thua, và bằng người. Tự ti được xem như là có hại. Chúng ta được khuyên rằng ta phải cố vươn mức tự trọng lên cao hơn. Nhưng tâm lý tự cao cũng có thể làm hại, cũng có thể gây đau khổ. Khi có ai đó nói “Cái ngã của anh ấy lớn quá” thì đó không phải là một lời khen. Một người tự cao có thể gây đau khổ cho mình và cho người khác. Ý muốn bằng người cũng có thể đem lại đau khổ. Chỉ có những người không có ý thức về ngã, vô ngã, mới hạnh phúc. Người ấy không ghen tức, không thù hận, không sân hận bởi vì họ không có một cái ngã để so sánh.

Theo giáo lý của đạo Bụt, ngã là nền tảng của khổ đau. Trong ta có những tâm hành tiêu cực và những tâm hành tích cực. Khi ta có nhiều tâm hành tiêu cực biểu hiện chúng sẽ làm cho ta đau khổ và nhiều người khác đau khổ. Khi ta có nhiều tâm hành tích cực biểu hiện, điều đó có thể làm tăng phẩm chất con người của ta, tăng cường định lực và tuệ giác. Chúng ta thực tập là để làm lớn mạnh những tâm hành tích cực hơn là để tăng cường ý thức về ngã. Chánh niệm giúp ta làm biểu hiện những tâm hành tích cực, giúp tăng cường phẩm chất của sự sống và ta sẽ vững chãi hơn. Chánh niệm là năng lượng giúp ta thật sự sống trong giây phút hiện tại. Khi ta thực sự có mặt trong hiện tại ta sẽ làm chủ được hoàn cảnh, ta sẽ có nhiều tình thương yêu, lòng kiên nhẫn, nhiều hiểu biết, từ bi. Từ đó mà phẩm chất con người của ta được vững vàng và cải thiện. Tiếp xúc được bản chất của vô ngã có giá trị chữa trị rất lớn. Khoa tâm lý trị liệu có thể học được rất nhiều từ giáo lý vô ngã của Đạo Bụt.

44. Tu tập sâu sắc

H. Làm thế nào để thực tập cho sâu sắc?

Tl. Tu tập sâu sắc là tu tập thực sự, là không tu tập hình thức. Tu tập sâu sắc giúp ta và những người xung quanh ta có nhiều niềm vui, bình an, vững chãi. Tôi thích từ ‘tu thiệt’ hơn. Theo tôi tu thì phải vui. Tu thiệt có thể đem sự sống đến cho ta ngay lập tức. Khi thở một hơi thở chánh niệm ta trở nên sống động, trở nên có thật, không những khi ta ngồi hay đi mà cả khi nấu ăn hay làm bất cứ việc gì. Nếu biết cách thở vào, thở ra trong chánh niệm trong khi đang nấu ăn sáng với nụ cười trên môi, ta sẽ chế tác được tự do, tự do vì không nhớ tưởng về quá khứ hay lo lắng cho tương lai. Ta sẽ trở nên sống động, vui tươi và tràn đầy tình thương yêu. Như thế gọi là ‘tu thiệt’, và kết quả có thể thấy được ngay tức khắc.

45. Ngồi yên

H. Tôi bận việc từ sáng tới tối không một phút ngồi yên một mình. Làm sao mà tôi có thể có cơ hội thực tập ngồi trong im lặng?

Tl. Im lặng phát xuất từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài. Im lặng không có nghĩa là không nói chuyện hay không làm gì cả. Im lặng là khi ta không bị xao động, không tán loạn hay không có những tiếng nói thì thầm trong nội tâm. Nếu ta thật sự im lặng được thì bất cứ ở hoàn cảnh nào ta cũng có thể vui trong im lặng. Có những lúc ta nghĩ là ta đang im lặng và xung quanh cũng im lặng, nhưng thật sự ở trong đầu ta đang nói. Đó không phải là im lặng. Sự thực tập là làm sao để ta có được sự tĩnh lặng trong tất cả mọi hoạt động mà ta đang làm.

Hãy thay đổi cách ta suy nghĩ, cách ta nhìn. Phải nhận ra rằng sự im lặng phải phát xuất từ trong tâm mà không phải vì không nói. Ngồi ăn sáng có thể là một cơ hội để ta thưởng thức sự im lặng; mặc dù xung quanh ta mọi người đang nói chuyện nhưng bên trong ta vẫn có thể hoàn toàn im lặng. Bụt có cả ngàn đệ tử vây quanh. Mặc dù Bụt cùng đi, cùng ăn uống sinh hoạt với các đệ tử nhưng Ngài luôn luôn an trú trong im lặng. Bụt có dạy rất rõ rằng, người biết sống một mình, biết sống tĩnh lặng, người đó không có nghĩa là phải vào trong rừng sâu. Ta có thể sống trong tăng thân hay ở giữa chợ mà vẫn tận hưởng sự yên tĩnh. Người biết sống một mình không có nghĩa là không sống chung với ai cả.

Người biết sống một mình có nghĩa là người đó biết an trú vững chãi ngay trong giây phút bây giờ và ở đây, ý thức rõ những gì đang xảy ra. Dùng chánh niệm để nhận biết mỗi cảm thọ, mỗi ý tưởng phát khởi trong tâm. Ý thức những gì đang xảy ra trong tăng thân nhưng an nhiên tự tại, không đánh mất mình. Đó là định nghĩa của sự thực tập lý tưởng để sống một mình của Bụt: không bận về quá khứ, không rong ruổi tương lai, an trú bây giờ và ở đây, thân và tâm hợp nhất, ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Đó là đích thực sống một mình.

46. Tâm lý sợ chết

H. Làm thế nào để nhìn sâu vào tâm lý sợ chết?

Tl. Khi quán chiếu sâu sắc tâm lý sợ chết ta thấy có ý muốn được thường hằng. Chúng ta sợ sự thay đổi. Sân hận, sợ hãi, tuyệt vọng bắt nguồn từ tri kiến sai lầm, từ những khái niệm về có, về không, về đến, về đi, về lên, về xuống. Nếu quán chiếu sâu sắc, chúng ta khám phá ra rằng những khái niệm ấy không phản ánh được thực tại. Chúng ta có thể tiếp xúc với tự tánh của bản thân, tiếp xúc được với bản môn và nhờ đó mà không còn sợ hãi. Khi đặt niềm tin vào tuệ giác không sanh không diệt ta có thể vui sống từng giây phút của cuộc đời.

Hãy nhìn một đám mây trên trời. Đám mây không muốn thay đổi. Đám mây sợ chết, sợ trở thành hư vô, vì thế mà đám mây đau khổ. Nhưng nếu đám mây quán chiếu cho sâu sắc, đám mây sẽ khám phá ra rằng nó không thể nào chết được. Đám mây có thể trở thành mưa hay tuyết nhưng không thể trở thành hư không; điều đó không thể có. Khi đám mây khám phá ra được tự tánh bất diệt thì nó sẽ không còn sợ hãi. Đám mây đã hiểu rằng làm một đám mây lơ lửng trên trời là tuyệt vời, mà thành mưa, thành tuyết cũng tuyệt vời. Đám mây không còn là nạn nhân của sự sợ hãi nhờ vào quán chiếu sâu sắc và tiếp xúc được với tự tánh bất diệt. Không có gì có thể mất đi được. Ta không thể trở thành hư vô. Sự sống luôn luôn biến đổi. Nếu không có sự biến đổi thì không thể có sự sống. Khi ta đã vui vẻ chấp nhận điều đó thì ta không còn sợ hãi. Đó là sự thực tập nhìn sâu.

47. Người thương sẽ vĩnh viễn ra đi

H. Tôi vẫn lo một ngày kia mẹ tôi hay người thương của tôi sẽ vĩnh viễn rời tôi. Làm thế nào để chuyển hóa sự lo sợ đó?

Tl. Phải nhìn sâu để thấy rằng mẹ ta không phải chỉ có ở bên ngoài ta mà cũng có ở trong ta. Cha mẹ thực sự có mặt trong mỗi tế bào của ta. Ta mang các tế bào ấy đi về tương lai. Ta có thể nói chuyện với cha, mẹ ta trong ta. Tôi vẫn thường nói chuyện với mẹ, với cha tôi, với tổ tiên trong tôi. Tôi biết rằng tôi chỉ là sự tiếp nối của các vị. Với tuệ giác đó ta ý thức rằng, mặc dầu thân xác đã tan rã nhưng mẹ ta vẫn tiếp tục có mặt trong ta dưới hình thức năng lượng mà mẹ ta đã tạo ra qua hành động và lời nói. Trong đạo Bụt chúng ta gọi năng lượng đó là “nghiệp”. Nghiệp (karma) có nghĩa là hành động, là ba loại hành động của thân, khẩu và ý.

Nếu nhìn cho sâu ta sẽ thấy sự tiếp nối của mẹ ta trong ta và ngoài ta. Mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động của mẹ giờ đây vẫn đang được tiếp nối mặc dù hình hài của mẹ ta có đó hay đã mất đi. Phải quán chiếu để thấy mẹ sâu hơn. Mẹ ta không phải chỉ giới hạn trong hình hài của mẹ và ta không chỉ giới hạn trong hình hài của ta. Phải thấy cho được như vậy. Đó là sự mầu nhiệm của thiền tập đạo Bụt. Bằng cách thực tập nhìn sâu ta có thể tiếp xúc với tự tánh bất sinh bất diệt của chính ta. Ta có thể tiếp xúc tự tánh bất sinh bất diệt của cha ta, của mẹ ta, của con ta, và tất cả mọi thứ ở trong ta và xung quanh ta. Chỉ có tuệ giác đó mới giúp ta giảm bớt và thoát khỏi sự sợ hãi.

48. Mục đích của khóa tu

H. Mục đích của một khóa tu là để làm gì? Chỉ đọc sách Phật giáo là chưa đủ hay sao?

Tl. Mục đích của một khóa tu không phải là để giảng dạy môn tâm lý học Phật giáo hay để giảng một bài kinh nào đó. Vì nếu như vậy thì ta chỉ cần mua sách về tự đọc.

Mục đích của khóa tu là để giúp ta cởi bỏ những nội kết ở trong ta. Có hai loại nội kết. Nội kết thứ nhất là ý niệm và những tri giác của ta. Ai cũng có những ý niệm và tri giác, chúng ta chấp giữ những ý niệm và tri giác đó của mình nên chúng ta không có tự do. Nội kết thứ hai là các tâm hành phiền não như: sợ hãi, sân hận, kỳ thị, tuyệt vọng, kiêu căng… Tất cả những phiền não đó cần phải được cởi bỏ để ta có tự do. Các hoạt động trong khóa tu như thiền hành, thiền tọa, thở, mỉm cười và nghe pháp thoại có công năng giúp ta cởi bỏ hai thứ nội kết đó.

Những nội kết ấy chôn sâu trong tâm thức. Chúng khống chế, thôi thúc ta làm những việc mà ta không muốn làm, nói những điều mà ta không muốn nói. Trong khóa tu, bài pháp thoại không nhằm mục đích cung cấp thêm nhiều ý niệm và tri giác mà mục đích là để giúp ta cởi bỏ những ý niệm và tri giác đang ràng buộc chúng ta. Bài pháp thoại phải giống như một cơn mưa tưới tẩm những hạt giống tuệ giác và tự do ở trong ta. Vì vậy, ta phải học cách nghe pháp thoại. Chúng ta nghe pháp thoại là để cởi bỏ những ý niệm và tri giác. Nếu nghe xong pháp thoại mà khi về nhà quên hết là một dấu hiệu tốt. Ta không cần nhớ gì hết. Ta phải ra về trong tự do. Khi học ở trường, chúng ta thường có những bài tập làm ở nhà sau giờ học và điều này đòi hỏi ta phải nhớ nhiều chữ nghĩa, ý tưởng, khái niệm và ta nghĩ rằng đó là những hành trang hữu ích cho cuộc đời ta. Nhưng đối với việc tu tập thì hành trang này là một gánh nặng. Vì vậy, mục đích của một khóa tu là để giúp ta cởi bỏ gánh nặng của kiến thức, ý niệm, khái niệm, cũng như cởi bỏ những gánh nặng của phiền não, sân hận và tuyệt vọng.

49. Thiền tập và cầu nguyện

H. Xin cho biết sự liên hệ giữa thiền tập và cầu nguyện?

Tl. Trong tinh thần của đạo Bụt, bất cứ làm gì mà có chánh niệm, có định và có tuệ đều có thể xem như là cầu nguyện. Trong khi uống trà mà tâm ta suy nghĩ mông lung thì giây phút đó ta không thật sự sống, bởi vì đang không có mặt, không có chánh niệm, không có sự chú tâm, không có sự thực tập. Khi ta nâng một tách trà, uống trà trong chánh niệm và chú tâm giống như khi ta đang dâng lên một nén hương thì đó là một sự cầu nguyện. Khi đi, nếu ta vui trong từng bước chân, nếu mỗi bước chân có sự nuôi dưỡng, có sự chuyển hóa thì đó cũng là một sự cầu nguyện. Khi ta ngồi vững chãi, khi ta thở hơi thở có chánh niệm, khi ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, đó là thiền tập mà cũng là cầu nguyện. Vì vậy, theo truyền thống của đạo Bụt không có sự phân biệt giữa thiền tập và cầu nguyện. Khi có chánh niệm, có định lực, có tuệ giác là ta tiếp xúc được với Bụt, với tăng thân. Khi ta thật sự cầu nguyện thì ta tiếp xúc được với Chúa Jesu, với Nước Chúa. Tiếp xúc như thế phải đem lại cho ta sự chuyển hóa và trị liệu. Khi có niệm, định và tuệ thì sự ngăn cách giữa người cầu nguyện và người hướng về để cầu nguyện không còn nữa. Các bạn Kitô giáo và Do Thái giáo thường nói, “Sống trong từng giây phút với Chúa.” Nếu ta sống trong niệm, định, và tuệ, ta luôn luôn có mặt với Chúa thì mỗi ngày của ta là một sự cầu nguyện. Sống được như thế sẽ đem lại cho ta rất nhiều hạnh phúc và bình an.

50. Tụng kinh hay nghe kinh theo lệ

H. Khi tụng kinh làm thế nào để tránh thói quen tụng theo lệ, chỉ tụng chữ mà không có sự chú tâm?

Tl. Khi tụng kinh hay nghe kinh ta phải tụng hay nghe với tất cả thân và tâm. Tụng như thế là ta đang có định lực, đang có chánh niệm và hòa nhập cùng với tăng thân. Ta không còn là một giọt nước đơn lẻ mà trở thành dòng sông của tăng thân. Tâm ta phải luôn luôn có mặt cùng với thân. Vì vậy, thiền hành có thể được coi như là một sự cầu nguyện, cầu nguyện bằng đôi chân. Khi đó ta có thể tiếp xúc được với nước Chúa hay tiếp xúc với cõi Tịnh Độ của Bụt A Di Đà, và ta có thể cảm nhận hiệu lực của sự cầu nguyện ngay lập tức.

Khi ta thở vào, thở ra trong chánh niệm, hơi thở đó là hơi thở có thật. Thân và tâm hợp nhất. Nếu miệng tụng kinh mà trí óc đi lang thang về quá khứ hay nghĩ đến tương lai thì đó không phải là tụng kinh. Bởi vì khi không có chánh niệm, không có định, không có mặt như thế ta không thể nào có tuệ giác. Phải hợp nhất thân tâm trong khi tụng kinh chứ không chỉ là chắp hai tay và tụng một bài kinh nào đó. Chúng ta nên tránh rơi vào cái bẫy của sự thực tập hình thức mà bất cứ tôn giáo nào như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, hoặc các tôn giáo khác có thể xảy ra. Thực tập như thế thì sẽ không có hiệu quả.

Thỉnh thoảng tôi hay nhắc nhở đại chúng trước bữa ăn chung, “Hãy thở như một tăng thân.” Khi đó tất cả mọi người trong tăng thân cùng thực tập thực sự chứ không phải thực tập theo hình thức. Trong một buổi lễ, khi lạy xuống trước bàn thờ chúng ta xướng bài kệ: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Người lạy và người được lạy không phải là hai thực thể riêng biệt, do đó sự truyền thông giữa hai bên đạt mức không thể nghĩ bàn. Tất cả chúng ta đều cần được nhắc nhở để tránh không sa vào thói quen thực tập theo hình thức. Chúng ta phải tìm ra những phương tiện khéo léo để giữ cho sự thực tập của chúng ta được sống động.

51. Tín hữu Kitô có nên quy y Phật?

H. Những tín hữu Kitô giáo ham chuộng giáo lý đạo Bụt có nên quy y để trở thành Phật tử hay không?

Tl. Tinh hoa của đạo Bụt là chánh niệm, thiền định, và tuệ giác. Có nhiều tín hữu Kitô giáo cũng có khả năng có chánh niệm, thiền định và tuệ giác thì họ đã là Phật tử rồi, họ không cần mang nhãn hiệu “Phật tử”. Khi họ có ý muốn tiếp nhận Tam Quy và Ngũ Giới thì họ biết rằng sự thực tập này của đạo Bụt sẽ giúp cho đức tin Kitô giáo của họ thêm vững mạnh. Một tín hữu Kitô giáo khi đến một trung tâm Phật giáo sẽ học được các phương pháp chế tác chánh niệm, thiền định, và tuệ giác. Một tín hữu Kitô giáo nếu tiếp nhận đạo Bụt một cách đúng đắn sẽ không bao giờ từ bỏ gốc rễ Kitô giáo của mình. Thực tập đạo Bụt như thế không những giúp họ trở thành một tín hữu Kitô giáo tốt hơn mà còn giúp họ làm mới Kitô giáo để cho các thế hệ trẻ Kitô giáo cảm thấy thoải mái và dễ dàng thích nghi hơn. Tất cả các truyền thống tôn giáo, kể cả Phật giáo, cần phải được đổi mới để phù hợp với thời đại và phù hợp với sự phát triển trên toàn thế giới.

Chúng ta không nên kẹt vào hình thức. Có nhiều người tự nhận mình là Phật tử nhưng sự thực họ không xứng đáng là Phật tử, bởi vì họ kỳ thị và giáo điều. Họ không có đức tính của một Phật tử như nhiều tín hữu Kitô giáo khác. Có nhiều tín hữu Kitô giáo không tự nhận mình là Phật tử nhưng họ có đức tính của một người Phật tử hơn những Phật tử kia. Chúng ta phải học nhìn theo cách như thế. Đã có đủ Phật tử rồi, ta không cần phải cải đạo thêm nhiều người thành Phật tử. Thái độ đúng đắn là không nên khuyên người khác từ bỏ truyền thống của họ mà khuyên họ trở về với truyền thống của họ một cách sâu sắc hơn. Đó là việc mà họ có thể làm được nhờ sự thực tập chánh niệm, thiền định và tuệ giác của đạo Bụt.

Có người đã hỏi tôi: “Giả sử Bụt và Chúa Jesu gặp nhau ngày hôm nay thì hai Ngài sẽ nói với nhau điều gì?” Câu trả lời của tôi là: “Bụt và Chúa Jesu đang gặp nhau mỗi ngày, và gặp ở khắp mọi nơi.” Bởi vì những người Phật tử là sự tiếp nối của Bụt và những tín hữu Kitô giáo là sự tiếp nối của Chúa Jesu, họ đang gặp nhau mỗi ngày ở khắp nơi. Chúng ta phải giúp đỡ để làm cho cuộc gặp gỡ của các Ngài được thành công.

52. Trở về truyền thống tâm linh

H. Xin Thầy nói rõ hơn về lời khuyên nên trở về truyền thống tâm linh của mình. Làm thế nào để trở về truyền thống tâm linh của mình mà vẫn thực tập đạo Bụt?

Tl. Nếu ta là một người Phật tử thì Bụt là gốc rễ của ta, nhưng ta cũng biết rằng Bụt cũng có gốc rễ. Cho nên gốc rễ của ta không chỉ bắt đầu từ Bụt. Cho nên tìm hiểu Bụt và cả tổ tiên của Bụt là một điều quan trọng. Khi ta là một tín hữu Kitô thì Chúa Jesu là gốc rễ tâm linh của ta, nhưng trước Chúa Jesu còn có nhiều truyền thống tâm linh khác. Vì vậy, tìm hiểu các gốc rễ của mình là một việc nên làm và thậm chí có thể là rất thích thú. Gốc rễ của chúng ta có thể là từ rất xa xưa mà cũng có thể là rất mới. Ta đang thừa hưởng những thứ như tự do, dân chủ, và những người đã tạo dựng ra dân chủ và tự do đó cũng là gốc rễ của ta. Cố nhiên ta có thể gặp những trường hợp hay những yếu tố tiêu cực, nhưng không vì thế mà ta không thể tìm về gốc rễ của ta. Gốc rễ của ta cũng là gốc rễ của nhiều người xung quanh ta. Một người không có gốc rễ thì không thể có hạnh phúc. Nếu trở về với gốc rễ truyền thống của mình để khám phá ra những giá trị đích thực, những châu báu của truyền thống ấy thì ta có khả năng làm lợi lạc cho rất nhiều người có cùng gốc rễ. Khi tôi nói rằng anh nên trở về gốc rễ của anh, điều đó không có nghĩa là anh phải từ bỏ thực tập đạo Bụt mà anh đang thích.

Nhưng thực tập đạo Bụt có thể sẽ giúp anh hiểu rõ hơn, từ đó thay đổi và làm mới truyền thống tâm linh của mình. Nó sẽ giúp anh mở rộng lòng hơn, chấp nhận được những người chưa đủ cởi mở và hiểu biết khi họ muốn trao truyền những truyền thống, giá trị cho các thế hệ tương lai. Chúng ta có thể có nhiều gốc rễ tâm linh. Theo tôi, Phật giáo, Kitô giáo, hay Do Thái giáo cùng thuộc về một gia tài tâm linh của nhân loại. Chúng ta có thể thừa hưởng từ tất cả các truyền thống tâm linh ấy. Không nên tự hạn chế mình trong một truyền thống tâm linh duy nhất. Nếu ta thích ăn xoài thì cứ tự do ăn xoài nhưng không ai cấm ta không được ăn dứa, ăn cam. Ta không phản bội xoài trong khi có biết bao nhiêu loại trái cây trên quả đất này. Những truyền thống tâm linh cũng như những loại trái cây, ta có quyền thưởng thức. Ta có thể có hai truyền thống và chọn ra những gì tốt đẹp nhất của cả hai truyền thống đó để sống với chúng. Tôi tiên đoán là trong tương lai chúng ta sẽ phải lấy đi những rào cản giữa các truyền thống tâm linh khác nhau.

53. Làm mới truyền thống tâm linh

H. Xin Thầy giải thích thêm khi Thầy khuyên nên làm mới truyền thống tâm linh.

Tl. Truyền thống tâm linh của chúng ta phải là một truyền thống sống động cũng giống như một cái cây vậy. Cây phải đâm thêm nhánh, đơm hoa và trổ trái. Nó phải là một thực tại sống động chứ không phải là một vật để chúng ta trưng bày trong viện bảo tàng. Sự lớn mạnh của một truyền thống tâm linh là do sự thực tập của chúng ta, của chư Tổ, và cả tăng thân. Nếu không có sự tu tập thì truyền thống tâm linh đó sẽ không có sinh khí, chỉ có hình thức bên ngoài mà không có sự sống đích thực.

Khi trồng một cây mận ta phải tỉa cành hàng năm, phải cắt bỏ những cành nào không sinh hoa, sinh trái mà lại hút nhựa sống của cây. Phải tỉa một số cành để các cành khác có điều kiện tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Một truyền thống tâm linh cũng như một cái cây ăn trái. Phải chăm sóc và cắt tỉa khi cần. Những gì không còn hợp thời thì phải cắt bỏ. Mục đích là chỉ giữ lại phần tinh túy của truyền thống và diễn giải thế nào để cho thế hệ trẻ có thể nhận ra những phẩm chất, những giá trị tốt đẹp của truyền thống và thấy rõ truyền thống của mình quý báu như thế nào. Chúng ta phải can đảm, phải chấp nhận cắt tỉa ít nhiều để cho truyền thống được lành mạnh, bởi vì xu hướng cổ hủ hóa luôn có trong tất cả các tôn giáo, kể cả Phật giáo. Nếu biết cách chăm sóc và cắt tỉa với tất cả sự thương yêu thì chúng ta sẽ giúp cho cái cây truyền thống tâm linh ấy được xanh tươi, và cây sẽ hiến tặng thêm nhiều hoa trái.

54. Đọa địa ngục vì không chấp nhận Thượng Đế

H. Cha mẹ tôi theo Kitô giáo Chính thống, không hiểu gì về đạo Bụt và có nói rằng vợ con tôi và tôi sẽ bị đọa địa ngục vì chúng tôi không chấp nhận Chúa. Làm sao để tôi có thể truyền thông với cha mẹ tôi?

Tl. Nếu ta nhìn Chúa như là một người có khả năng áp bức hay trừng phạt, không có khả năng tha thứ và bao dung thì ta có quan niệm sai lầm về Chúa, ta đã bóp méo hình ảnh của Chúa. Những người Kitô Chính thống tin rằng có những kẻ thù của Chúa cần phải tiêu diệt. Họ không biết rằng ý nghĩ ấy dính liền với sự kỳ thị và ý muốn trừng phạt. Đối với Chúa thì không có kẻ thù. Có vài tín hữu Kitô thuộc phái Chính thống có thể thay đổi cách suy nghĩ nếu ta biết sử dụng ái ngữ và kiên nhẫn. Cảm thông nhau là nền tảng của hòa bình thực sự. Ta phải giúp họ thấy được nội dung chứ không phải chỉ thấy nhãn hiệu. Ta có thể nói với cha mẹ rằng: Là một Phật tử chúng ta thực tập để bảo vệ sự sống, chia sẻ thời giờ, năng lượng và vật chất với những người thiếu thốn, bảo vệ sự an toàn của người lớn cũng như trẻ em, chống lại sự quan hệ tình dục không đúng đắn, thực tập lắng nghe sâu, nói lời ái ngữ, không sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm có chứa độc tố. Chúng ta có thể mô tả người Phật tử như thế. Trong tinh thần không kỳ thị, ta có thể giúp cha mẹ cởi bỏ quan niệm hẹp hòi. Không nên lên án hay đả kích. Ta phải sử dụng ái ngữ để nói cho cha mẹ biết rằng nên hiểu Chúa một cách rộng sâu hơn. Có năm vị nữ tu Công giáo đến tham dự một khóa tu chánh niệm do tôi hướng dẫn. Vào ngày chót của khóa tu, Mẹ Bề Trên đã nói rằng: “Những gì Thầy chia sẻ đều tuyệt vời. Nhưng tại sao Thầy không nói gì về Chúa?” Tôi nhìn bà mỉm cười và nói: “Xin thưa, những gì tôi đã chia sẻ trong sáu ngày qua có điều gì tôi nói mà không liên hệ đến Chúa đâu?” Và bà ta cười – Bà đã nhận ra được thông điệp.

55. Mộng và điềm báo mộng

H. Giấc mộng có ý nghĩa gì? Liệu chúng ta có nên hành động theo điềm báo mộng hay không?

Tl. Theo tinh thần của đạo Bụt, phần đông chúng ta sống như trong mộng. Chúng ta không thực sự tiếp xúc với thực tại. Chúng ta chỉ có ý tưởng và khái niệm về thực tại, về ta, về người khác, về tất cả những gì mà chúng ta cảm nhận được ở trong ta và xung quanh ta. Tất cả thực sự là một giấc mộng. Thực tập chánh niệm và thiền định giúp ta nhìn sâu để có được một cảm nhận đúng về hiện hữu, những gì đang xảy ra, về những cảm thọ, ý tưởng trong ta, và đối tượng tâm thức của ta. Sống chánh niệm và nhìn sâu là cách duy nhất để sống thực với giấc mơ của ta.

Chúng ta phải để tâm đến những gì mà những người xung quanh đang nói với ta, trước tiên là những gì mà ta tin chắc đó không phải là mộng. Rồi kế đến là những gì mà những người trong mộng nói với ta. Không phải chỉ những người trong mộng là sáng tạo phẩm của tâm thức ta, mà cả những người đang ngồi trước mặt ta, đang ở xung quanh ta khi ta đang thức, cũng là sáng tạo phẩm do tâm thức tạo nên. Trong trường hợp đó chúng ta không thể có một nhận thức đúng về những gì đang thực sự có mặt.

Giấc mộng còn là một sáng tạo phẩm chung của tâm thức, được tạo nên từ những dữ kiện có sẵn trong tàng thức của ta và trong tâm thức của cộng đồng. Những gì mà ta thấy trong mộng là biểu hiện từ chiều sâu của tâm thức chứ không phải từ bên ngoài. Nhưng đây không phải là tâm thức của riêng ta, bởi vì ta được làm bằng những yếu tố không phải là ta. Tâm thức ta được làm bằng tâm thức của xã hội. Vậy thì hãy mỉm cười với những gì ta thấy trong giấc mộng. Và hãy quán chiếu, có thể giấc mộng là một thông điệp cho ta. Có thể đó là một ước mơ thầm kín, có thể là một sự lo sợ, có thể là một chút giận hờn nằm trong sâu thẳm của giấc mộng.

Mỉm cười, nhớ lại giấc mộng, quán chiếu giấc mộng là một điều rất thú vị. Nhưng những giấc mộng của ban đêm đâu phải là quan trọng hơn những giấc mộng của ban ngày. Bởi vì những gì ta nghe, ta thấy khi ta đang thức hầu hết đều là sáng tạo phẩm của tâm thức. Những gì mà ta cho là thực tại thì hầu hết chỉ là sáng tạo phẩm từ tâm thức của chính ta. Vì thế cho nên sự thực tập chánh niệm để nhận diện những đối tượng của tâm thức, cũng như thực tập quán chiếu để biết những cảm nhận (tưởng) của ta có sai lầm hay không là rất quan trọng. Nhiều người trong chúng ta đang sống như sống trong giấc mộng. Vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh mộng. Giáo lý của đạo Bụt là giáo lý của sự thức tỉnh. Những lời Bụt dạy là để thức tỉnh chúng ta. Bụt là một người đã tỉnh thức. Và đạo Bụt là đạo dạy phép tu để tỉnh thức.