Chương 1: Đời sống hằng ngày

1. Tôi không biết làm gì với cuộc đời tôi

H. Tôi không biết làm gì với cuộc đời tôi. Tôi như bị cuốn đi về nhiều hướng, chẳng chú tâm lâu vào một việc gì. Tôi luôn thấy bất an, buồn bực và bối rối. Tôi phải thực tập như thế nào?

Tl. Đôi khi chúng ta trồng hoa hồng bằng cách cắt cành hồng rồi cắm vào đất ướt có phân bón. Sau ít lâu cành hồng sẽ đâm rễ. Ta cũng có khả năng trở thành một khóm hồng xinh đẹp, nhưng ta cần có đất và được cắm trong lòng đất đủ lâu để những chiếc rễ của ta mọc đủ mạnh.

Chúng ta thường nghĩ rằng khổ đau là tiêu cực. Hãy nên tập nhìn khổ đau dưới nhận thức mới, tích cực hơn. Theo giáo lý của Bụt, khổ đau là một Sự Thật Mầu Nhiệm (Chân đế) và chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ khổ đau. Chúng ta phải có khả năng ứng phó với khổ đau cũng như hạnh phúc. Khổ đau luôn đi cùng với hạnh phúc. Nếu không có khổ đau thì chúng ta cũng sẽ không có hạnh phúc. Xu hướng thông thường của chúng ta là tránh né khổ đau, và như vậy là không tốt. Nếu không có khổ đau thì chúng ta không thể khôn lớn, không thể nuôi lớn hiểu biết và thương yêu. Vì vậy chúng ta phải học nhận diện và ôm ấp khổ đau. Nếu ta còn tìm cách trốn chạy khổ đau thì ta còn khổ đau. Nhiều người cảm thấy mình như ở trong một tình trạng gọi là mất gốc. Những người đó cần một môi trường thích ứng, một vùng đất màu mỡ để cắm rễ, nghĩa là một Tăng thân, một cộng đồng có tu tập, có tình huynh đệ, có yêu thương, tăng thân đó sẽ hỗ trợ cho ta rất nhiều và không bao lâu sau ta có thể tự mình đứng vững. Để một cành hồng trở thành một khóm hồng không lâu lắm đâu.

2. Ngồi đó mà không làm gì cả

H. Khi rảnh rỗi, không bận việc này hay việc kia tôi thường cảm thấy tội lỗi. Tôi có nên không làm gì cả?

Tl. Xã hội ngày nay, người ta có xu hướng coi việc ngồi không là không tốt, thậm chí còn cho là tội lỗi. Nhưng khi có nhiều việc để làm thì chúng ta lại đánh mất mình trong công việc và phẩm chất đời sống của chúng ta bị suy giảm. Ta phụ bạc chính ta. Cho nên biết tự bảo hộ, giữ gìn sự tươi mát, lạc quan, vui vẻ, thương yêu, rất là quan trọng. Trong đạo Bụt có sự thực tập gọi là “vô tác”. Quả vậy trong truyền thống đạo Bụt, hình ảnh của một con người lý tưởng, một vị A la hán hay một vị Bồ tát, là một người vô sự, không bận rộn, không phải đi đâu và cũng không phải làm chi. Chúng ta phải học cách an nhiên tự tại, không làm gì cả. Hãy thử sống một ngày mà không làm chi cả, chúng tôi gọi đó là “ngày làm biếng”. Mặc dầu đối với nhiều người quen chạy quanh hết việc này tới việc nọ, thì ngày làm biếng là một ngày thật sự không dễ. Không dễ để sống thảnh thơi, an nhiên, tự tại. Nếu ta vẫn hạnh phúc, thoải mái và mỉm cười khi không làm gì hết là ta đã khá giỏi. Khi ta biết sống thảnh thơi, không bận rộn thì phẩm chất của sự sống sẽ tỏa sáng. Đây là một điều rất quan trọng. Vậy thì không làm gì hết tức là đang làm. Hãy về viết câu này và treo lên: “Không làm gì hết là đang làm”.

3. Làm bất cứ thứ gì, không bao giờ cho là đủ

H. Vì muốn đạt thành quả mà nhiều khi tôi rất đau khổ. Làm bất cứ thứ gì, tôi không bao giờ cho là đủ. Làm thế nào để tôi không còn tự trách mình?

Tl. Phẩm chất hành động của ta phụ thuộc vào phẩm chất sống của ta. Giả sử ta muốn cống hiến, muốn hiến tặng, hoặc muốn làm cho ai đó được hạnh phúc, đó là một điều đáng làm. Nhưng nếu chính ta không hạnh phúc thì ta không thể làm điều đó được. Muốn làm cho người khác có hạnh phúc thì trước hết ta phải có hạnh phúc. Vậy thì có một sự liên hệ mật thiết giữa làm và sống. Nếu ta sống không thành công thì hành động của ta cũng không thành công. Nếu ta không cảm thấy là mình đang sống đúng thì ta không thể có hạnh phúc. Điều này đúng cho tất cả mọi người. Nếu không biết rõ hướng đi của đời mình thì ta sẽ đau khổ. Tìm ra pháp môn và thấy rõ con đường tu chân chính là rất quan trọng.

Hạnh phúc là khi ta cảm thấy mình đang đi đúng hướng, sống đúng chánh pháp trong từng giây phút. Ta không cần đi cho tới đích mới có hạnh phúc. Chánh pháp đưa ra những phương pháp rất cụ thể giúp chúng ta sống trọn vẹn trong từng phút giây. Đạo Bụt đã cống hiến cho chúng ta Tám Con Đường Hành Trì Chân Chánh gọi là Bát chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh hành, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Sống theo Bát chánh đạo trong từng giây phút của cuộc sống hằng ngày là một việc mà ai cũng có thể làm được. Sống theo Bát chánh đạo không những mang lại hạnh phúc cho chính mình mà còn cho rất nhiều người. Nếu ta thực tập theo tám con đường hành trì chân chánh này thì ta sẽ trở nên tươi mát, vui vẻ và đầy thương yêu.

Hãy nhìn hàng cây trước sân. Cây dường như chẳng làm gì cả. Cây chỉ đứng đó, tràn đầy sức sống, xanh tươi, xinh đẹp. Bất kỳ ai cũng được hưởng lợi lạc từ cây. Đó chính là mầu nhiệm của sự sống hiện hữu. Nếu cây không trọn vẹn là cây thì tất cả chúng ta sẽ nguy khốn. Nếu cây chỉ cần là một cái cây đích thực thì chúng ta sẽ còn niềm vui và hy vọng. Vì vậy nếu ta chỉ là chính ta thôi tức là ta đang hành động rồi. Hành đặt trên nền tảng của vô hành. Hành động là sống với sự sống hiện hữu.

Có những người làm rất nhiều nhưng gây rắc rối cũng lắm. Mặc dầu họ có rất nhiều thiện chí nhưng càng cố gắng giúp thì họ càng gây rắc rối. Tâm họ không được bình an, họ không hạnh phúc. Vậy thì ta không nên cố gắng quá mức, chỉ cần sống an nhiên. Nhờ đó mà ta luôn luôn có được bình an và thương yêu. Trên nền tảng đó tất cả những gì ta nói hay làm cũng đều có thể giúp ích. Nếu ta có thể làm cho ai đó bớt khổ hoặc làm cho họ mỉm cười, thì ta sẽ cảm thấy hãnh diện và có rất nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc là khi biết rằng mình có thể giúp người khác, và có ích cho xã hội. Khi ta có pháp môn tu tập và luôn luôn hạnh phúc trong từng giây phút tu tập thì ta đã là một người đặc biệt rồi. Ta không cần trở thành một người nào khác.

Trong đạo Bụt có sự thực tập gọi là vô nguyện (apranihita). Nếu ta cứ đặt mục tiêu phía trước thì ta sẽ rong ruổi suốt đời và không bao giờ có được hạnh phúc. Ta chỉ có hạnh phúc khi ta biết dừng lại sự rong ruổi, biết trân quý phút giây hiện tại và trân quý tự thân. Ta không cần phải là một ai khác vì bản thân ta đã là sự sống mầu nhiệm rồi.

4. Luôn bận tâm tới những việc chưa cần

H. Khi đang làm một việc gì thì trí óc tôi cứ bận tâm về những việc sẽ làm hay đã làm. Tôi phải làm gì để chấm dứt tình trạng luôn nghĩ tới những việc chưa
cần thiết?

Tl. Khi nhận được nhiều lá thư cùng một lúc, ta sẽ chọn một bức thư để đọc trước. Có thể là có hai bức thư quan trọng như nhau. Nhưng ta phải chọn lựa và quyết định chọn một bức thư trước. Khi đã chọn rồi thì đừng đổi ý. Khi đang đi trên cầu này thì đừng nghĩ tới cái cầu khác mà mình chưa đi. Mình sẽ đi qua cái cầu ấy vào một dịp nào đó sau này, nhưng mà chỉ sau khi đi qua cầu này đã. Đó là sự thực tập. Vị luật sư chỉ nghĩ đến khách hàng mà mình đang lo chứ không nghĩ tới khách hàng nào đó trong tương lai. Vị bác sĩ chỉ nghĩ tới bệnh nhân đang ở trước mặt. Đó gọi là định, là chánh niệm, là chú tâm. Nếu ta không thực tập được khả năng chỉ chú tâm vào một đối tượng thì hậu quả là ta sẽ bị phân tán và bối rối. Ta phải có mặt một trăm phần trăm với cái bây giờ và ở đây.

5. Chánh niệm và hoạch định tương lai

H. Làm sao để phối hợp việc thực tập chánh niệm và sống trong giây phút hiện tại với việc hoạch định kế hoạch cho cuộc đời?

Tl. Thực tập chánh niệm không có nghĩa là không được hoạch định cho tương lai. Điều hay nhất là đừng đánh mất mình trong sự hoang mang và lo sợ cho tương lai. Nếu thực sự an trú trong giây phút hiện tại thì ta có thể mang tương lai về ngay bây giờ và ở đây để hoạch định cho tương lai. Khi nghĩ đến tương lai ta không đánh mất hiện tại. Thật ra, trong hiện tại chứa đựng cả quá khứ lẫn tương lai. Tương lai chỉ được làm bằng chất liệu của hiện tại. Xử lý hiện tại một cách tuyệt hảo là cách duy nhất để lo cho tương lai. Sống trong hiện tại với tất cả sự chú tâm, với tất cả sự thông minh của mình đó là ta đang xây dựng cho tương lai rồi.

6. Nhận diện và chuyển đổi thói quen

H. Làm sao để nhận diện và chuyển đổi những tập khí (thói quen xấu)?

Tl. Những tập khí tiêu cực luôn tìm cách trỗi dậy, nhưng nếu có chánh niệm thì ta có thể nhận diện được. Chánh niệm giúp ta nhận diện những tập khí do tổ tiên, cha mẹ trao truyền hay những tập khí do thói quen từ thời thơ ấu cho đến khi ta lớn. Nhiều khi, chỉ cần nhận diện thôi là tập khí không còn khống chế được ta nữa. Ví dụ như trong trường hợp ta có tập khí
hấp tấp trong khi nấu ăn hay khi đi mua sắm, nhờ có chánh niệm mà ta nhận ra ngay là ta đang lăng xăng hấp tấp, đang cố làm nhanh cho xong việc. Khi nhận ra năng lượng của tánh hấp tấp đang biểu hiện, ta thở vào, thở ra trong chánh niệm, và tự nhủ rằng: “Năng lượng tập khí của ta ơi, ngươi lại đến rồi ư?”. Ngay khi nhận diện được tập khí thì tập khí sẽ yếu đi. Nếu lần sau tập khí đó trở lại thì ta lại làm như thế và tập khí sẽ tiếp tục yếu đi. Ta không cần phải vật lộn với nó mà chỉ cần nhận diện và mỉm cười với nó. Mỗi khi nhận diện được một tập khí thì tập khí ấy sẽ yếu đi một chút cho đến khi nó không còn khống chế và điều khiển được ta nữa.

7. Tánh hay chỉ trích

H. Làm sao tôi có thể khắc phục được tánh hay phê bình, chỉ trích và phán xét?

Tl. Khi nhìn một ai ta phải nhìn sâu để thấy rằng một cá nhân được tạo thành bởi nhiều yếu tố: xã hội, giáo dục, cha mẹ, tổ tiên, văn hóa, v. v. Nếu không thấy được tất cả những yếu tố đó nơi một người thì ta sẽ không thấy rõ được người ấy một cách toàn vẹn. Người ấy có hành xử tiêu cực thì đó không phải là do ý người ấy muốn mà có thể người ấy là nạn nhân của sự trao truyền. Những hạt giống tiêu cực trong người ấy là do xã hội, cha mẹ, tổ tiên, hay văn hóa đã trao truyền lại.

Khi ý thức như thế thì ta dễ phát sanh lòng từ bi. Ta không còn ý muốn chỉ trích, trái lại ta sẽ tìm cách thay đổi môi trường, văn hóa để cho các thế hệ tương lai không phải tiếp nhận hạt giống tiêu cực như thế nữa. Thay vì bực bội, khó chịu thì ta phát tâm hành động với tâm từ bi.

Khi nhìn sâu vào tự thân, ta cũng nhận ra rằng những gì là tài năng hay hạnh phúc của ta đều do tổ tiên, cha mẹ, văn hóa, v.v… trao truyền lại. Ta là sự tiếp nối của tổ tiên, của dòng họ ta. Cũng vậy, những yếu tố tiêu cực trong ta như sợ hãi, sân hận, hay kỳ thị có thể là do cha mẹ, tổ tiên ta trao truyền lại. Trong cả hai trường hợp ta không phải là người đáng bị phán xét. Cha mẹ, tổ tiên ta đã không thể chuyển hóa những yếu tố tiêu cực trong họ và vì vậy họ đã truyền lại những yếu tố tiêu cực ấy cho ta. Tuy nhiên, ta có cơ hội để thay đổi, để không trao truyền những hạt giống tiêu cực ấy cho con cháu ta. Khi đã biết cách nhìn vào bản thân hay nhìn người khác như thế, ta sẽ có sự cảm thông, thương yêu và phát sinh ý muốn hành động để chuyển hóa.

8. Chia sẻ niềm vui với người khác

H. Cách nào là cách tốt nhất để chia sẻ niềm vui với người khác?

Tl. Khi ta thực sự có niềm vui thì không những chính ta được hưởng lợi lạc mà nhiều người khác cũng được hưởng. Niềm vui đích thực có thể giúp ích cho thân và tâm. Niềm vui nuôi dưỡng chúng ta. Trong Đạo Bụt, thiền tập được mô tả như nguồn thức ăn hằng ngày (thiền duyệt vi thực). Trong thiền tập, niềm vui và chánh niệm là những yếu tố quan trọng. Nếu trong suốt buổi ngồi thiền (thiền tọa) hay đi thiền (thiền hành) mà ta cảm thấy không có niềm vui thì sự thực tập của ta đã có điều gì đó không đúng.

Niềm vui của ta được lan tỏa một cách tự nhiên. Khi ta vui, ta hạnh phúc thì nguồn năng lượng ấy ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ta sẽ tạo nên một bầu không khí nhẹ nhàng, dễ thở, và cùng với bạn bè ta tạo ra một niềm vui chung, có lợi lạc cho rất nhiều người. Hằng ngày chúng ta tụng câu: “Nguyện sáng cho (một) người thêm niềm vui, chiều giúp (một) người bớt khổ.” Nhưng đó là nói tối thiểu. Đem niềm vui cho một người tức là đem niềm vui tới cho rất nhiều người.

Khi sự hiểu biết của ta càng lớn thì tình thương yêu và lòng từ bi nhân ái của ta càng mở rộng. Khi lòng rộng mở thì ta dễ chấp nhận, dễ ôm ấp để chuyển hóa những cảm thọ tiêu cực trong ta. Giả sử ta bỏ một nắm muối vào trong một ly nước thì ta không thể uống ly nước đó vì nước rất mặn. Nhưng khi bỏ một nắm muối vào dòng sông thì nước sông không bị ảnh hưởng gì mấy và ta có thể uống nước sông dễ dàng. Sông rộng bao la cho nên có khả năng tiếp nhận, ôm ấp và chuyển hóa. Tâm ta cũng như dòng sông. Tâm ta cũng đủ rộng rãi để có thể chuyển hóa khổ đau, không những cho riêng mình mà còn cho tất cả mọi người xung quanh ta.

9. Thần tượng hóa nhưng rồi thất vọng

H. Tôi có xu hướng thần tượng hóa người này người kia, nhưng rồi thất vọng vì họ không như tôi mong đợi. Tôi phải làm sao?

Tl. Một hôm khi đang thực tập Mười động tác chánh niệm trước một cái cây, tôi bỗng nghiệm ra rằng cái cây đang hiến tặng cho tôi rất nhiều và tôi cũng hiến tặng cho cây rất nhiều. Cây cho tôi vẻ đẹp, bóng mát và dưỡng khí. Tôi cho cây hơi thở, lòng biết ơn và niềm vui. Cây và tôi tương tức. Khi nhìn một người khác ta cũng nên nhìn như thế, không tô đậm những gì mình đang thấy, hay tưởng tượng ra những gì không thực sự có mặt. Đôi khi ta trông đợi quá nhiều, ta muốn thần tượng hóa những gì ta thấy. Nếu khi nhìn một ai hay một vật gì mà ta chỉ nhìn như một thực tại đơn thuần, không tô đậm cũng không tưởng tượng, thì chúng ta sẽ ít đau khổ. Có nhiều người thương Bụt nhưng lại bóp méo hình ảnh của Bụt. Họ biến Bụt thành một vị thần linh hay một đấng sáng tạo. Làm như thế là tự hại mình và hại Bụt. Vì vậy, thực tập chánh niệm, nghĩa là nhận diện thực tại một cách đơn thuần như chúng đang là – là sự thực tập căn bản của đạo Bụt. “Thở vào tôi biết đây là hơi thở vào, thở ra tôi biết đây là hơi thở thở ra.” “Thở vào, tôi thấy trời xanh. Thở ra, tôi mỉm cười với bầu trời xanh.” Ghi nhận sự vật đơn thuần như thế sẽ giúp ta tránh được thói quen tô đậm hay tưởng tượng.

10. Buông xả hệ lụy

H. Tôi thường có nhiều vướng bận với những mối liên hệ, việc làm, cảm xúc, v.v… Làm sao để có thể buông xả bớt đi những hệ lụy ấy?

Tl. Buông xả có nghĩa là buông xả một cái gì đó. Có thể là buông xả một đối tượng của tâm ý hay một sáng tạo của tâm thức, ví dụ như ý tưởng, cảm thọ, ham muốn hay niềm tin. Kẹt vào một ý tưởng (kiến chấp) nào đó thì rất có thể điều đó mang lại cho ta nhiều đau khổ và lo lắng. Ta muốn buông xả nhưng làm thế nào để buông xả? Nếu chỉ muốn buông bỏ thôi thì không đủ. Trước hết ta cần phải công nhận rằng kiến chấp của ta là có thật. Ta phải nhìn sâu vào bản chất cũng như nguồn gốc của kiến chấp ấy, bởi vì mọi kiến chấp đều phát sinh từ cảm thọ và kinh nghiệm quá khứ, từ những gì mà ta đã nghe và đã thấy. Nhờ năng lượng của chánh niệm, của định lực mà ta có thể nhìn sâu và khám phá ra được gốc rễ của ý tưởng, cảm thọ, ham muốn trong ta. Niệm và định sẽ mang đến tuệ giác và tuệ giác có thể giúp ta buông xả được đối tượng của tâm thức. Giả sử ta có một ý niệm về hạnh phúc, ý niệm về những gì sẽ làm cho ta hạnh phúc. Ý niệm ấy có gốc rễ trong ta và trong môi trường ta sống. Ý niệm ấy cho ta biết những điều kiện ta cần có để được hạnh phúc. Ta ôm giữ ý niệm ấy trong mười năm, hai mươi năm và giờ đây ta nhận ra rằng ý niệm về hạnh phúc ấy đã làm cho ta đau khổ. Có thể trong ý niệm về hạnh phúc ấy có mang một chút ảo tưởng, sân hận hay thèm khát. Những yếu tố ấy là chất liệu của khổ đau. Mặt khác ta biết là ta có những kinh nghiệm khác như niềm vui, sự thanh thoát hay thương yêu. Ta nhận ra đó là những giờ phút hạnh phúc chân thật. Khi ta có được những giây phút hạnh phúc chân thật thì ta có thể buông bỏ đối tượng của tham đắm dễ dàng hơn vì ta đã có tuệ giác rằng những đối tượng kia sẽ không làm cho ta hạnh phúc. 

Rất nhiều người có ý muốn buông xả nhưng không thể buông xả được là vì họ không có đủ tuệ giác, họ không thấy được những cơ hội, những cửa ngõ khác, những cơ hội và cửa ngõ đưa ta về chốn bình an, hạnh phúc. Sợ hãi là một yếu tố cản trở cho sự buông xả. Chúng ta sợ rằng nếu buông bỏ đi thì ta không còn gì để bám giữ. Buông xả là một sự thực tập, là một nghệ thuật. Khi ta có đủ sức mạnh và quyết tâm thì ta có thể buông xả được những gì làm cho ta đau khổ.

11. Chánh niệm và năng lượng tình dục

H. Sự thực tập chánh niệm có thể giúp ta kiểm soát năng lượng tình dục?

Tl. Năng lượng tình dục là một hiện tượng sinh lý bình thường mà ta không nên cho là xấu xa, tội lỗi. Tất cả chúng ta đều có năng lượng tình dục. Trong truyền thống đạo Bụt, năng lượng phụng sự hay từ bi, không trái với bản năng thú tính. Phật tính trong ta có thể ôm ấp thú tính trong ta. Không cần tạo nên một tình trạng xung đột giữa hai bên. Làm như vậy rất có hại và sẽ gây nên rất nhiều tổn thương. Thực tập của đạo Bụt căn cứ trên tuệ giác bất nhị. Chúng ta có chánh niệm nhưng cũng có cả thất niệm. Chúng ta có từ bi nhưng cũng có khi nóng giận hay thù ghét. Tất cả đều cùng có trong ta. Không nên loại trừ hay gạt bỏ bất cứ thứ gì kể cả năng lượng tình dục. Chánh niệm là khả năng nhận diện những gì đang xảy ra mà không tham đắm, không đấu tranh hay đè nén. Ta gọi đó là nhận diện đơn thuần. Bước đầu tiên của chánh niệm là nhận diện và tiếp nhận những gì đang xảy ra dầu là tích cực hay tiêu cực, dầu là dễ chịu hay khó chịu. Sau đó, khi mà chánh niệm của ta đủ mạnh thì ta có thể biết được bản chất của những gì đang xảy ra và có thể chuyển đổi năng lượng của chúng hoặc là hướng năng lượng ấy về hướng khác. Nếu ta để tâm vào một mục tiêu gì khác và muốn thành tựu mục tiêu ấy thì năng lượng tình dục có thể được chuyển theo hướng mục tiêu đó và ta không còn thì giờ để nghĩ về tình dục.

Các vị xuất sĩ ý thức sự có mặt của năng lượng tình dục trong mình, nhưng nhờ sự yểm trợ của tăng thân, họ hướng tất cả năng lượng đó về hướng khác, hướng của những mục đích cao cả nhất. Họ dành thì giờ học hỏi giáo lý và pháp đàm về các phương pháp hành trì. Mỗi vị xuất sĩ có một người bạn đồng tu làm “đệ nhị thân”, nghĩa là làm thân thứ hai, vị này có trách nhiệm chăm sóc sự an lạc, sự tu tập cho “đệ nhị thân” của mình. Ngoài ra cũng còn phải dành thì giờ chăm sóc các thiền sinh đến tu học. Hướng năng lượng vào những việc ấy mang lại rất nhiều hạnh phúc. Nếu chúng ta tổ chức đời sống của mình một cách thông minh, khéo léo và sử dụng năng lượng của mình để giúp người khác bớt khổ thì năng lượng tình dục
không còn là một vấn đề lớn trong đời sống của ta nữa.

Giáo lý về thương yêu trong đạo Bụt rất quan trọng. Từ Bi, Hỷ, Xả là những yếu tố của một tình yêu thương chân thật mà chúng ta thực tập mỗi ngày. Thương yêu khác với khoái cảm tình dục. Trong liên hệ tình dục nếu không có tình yêu chân thật, nếu không có những cam kết vững bền hay hiểu biết lẫn nhau thì sẽ gây nên đau khổ và đổ vỡ. Để có được hạnh phúc, chúng ta phải có hiểu biết sâu sắc và cách ứng xử phù hợp. Như vậy, với chánh niệm và hiểu biết thương yêu thì đời sống tình dục có thể trở nên đẹp đẽ và thánh thiện.

12. Hình ảnh, phim ảnh lõa thể trong nghệ thuật

H. Có nên tránh những hình ảnh lõa thể hay tranh vẽ, phim ảnh có liên hệ tới tình dục hay không? Có thể áp dụng chánh niệm trong tình dục hay không?

Tl. Thân thể con người rất đẹp và tình dục cũng  rất thiêng liêng. Nếu không có tình dục thì Bụt đã không ra đời. Chúng ta không thể tách rời thân và tâm: Thân thể chúng ta cũng linh thiêng như tâm hồn. Bởi thế cho nên nếu coi thân thể như là một trò tiêu khiển hay một đối tượng của tình dục thì chưa thực sự thấy được thân thể. Thân thể chúng ta cần phải được đối xử một cách tôn trọng. Khi chúng ta xúc chạm vào thân thể của một ai đó tức là chúng ta đã chạm vào tâm hồn của người đó rồi.

Bụt dạy rằng thân người được làm bằng năm yếu tố: sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức, gọi là ngũ uẩn. Ngũ uẩn nương nhau mà biểu hiện. Tâm thức không thể biểu hiện nếu không có sắc thân. Vì vậy, tuệ giác thân và tâm là một, thân tâm nhất như rất quan trọng. Khi ta tôn trọng ai tức là ta tôn trọng thân thể của người ấy chứ không phải chỉ tôn trọng cảm xúc, ý tưởng và tâm thức của người ấy.

Tác phẩm nghệ thuật có thể mang nội dung tình dục. Tuy nhiên nếu ta phô diễn thân thể con người chỉ để tưới tẩm các hạt giống tham dục thì ta đang gieo trồng những hạt giống khổ đau trong tương lai cho ta và cho người khác. Có nhiều thi sĩ, họa sĩ, hay đạo diễn điện ảnh có khả năng diễn bày thân thể con người như là một đối tượng để quán chiếu và kính ngưỡng. Khi mà thân thể con người được mô tả như thế thì những hạt giống thẩm mỹ, vui tươi, kính ngưỡng của người thưởng thức được tưới tẩm. Đó là những gì mà chúng ta phải làm. Chúng ta phải mô tả thân thể con người như thế nào để mang lại sự tín cẩn, hạnh phúc và niềm an vui.

13. Vướng mắc vào máy ảnh, điện thoại di động

H. Tôi không thể tưởng tượng được là tôi có thể sống mà không có cái máy ảnh hay điện thoại di động. Gắn bó với những tiện nghi này có gì là sai không?

Tl. Có máy ảnh là tuyệt vời mà không có máy ảnh cũng tuyệt vời. Chánh niệm giúp ta cảm nhận được niềm vui khi có máy ảnh mà không quá say mê trong niềm vui đó. Chánh niệm giúp ta vẫn có được bình an cho dù ta không có máy ảnh. Chúng ta có xu hướng muốn lưu giữ những hình ảnh lâu dài và cũng muốn chia sẻ với bạn bè những hình ảnh và kinh nghiệm của mình. Đó là lý do chính đáng để có máy ảnh, nhưng khi thấy một chiếc máy ảnh đời mới hơn, đắt tiền hơn rồi muốn vứt bỏ cái máy cũ để sắm máy mới, như thế là không tốt. Chính vì biết điểm yếu của ta là ham tiêu thụ cho nên những nhà sản xuất càng ngày càng sản xuất nhiều, và chúng ta đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường vì các đồ phế thải. Cũng vì muốn tiêu thụ nên chúng ta dành rất nhiều thì giờ vào đó, nên không còn thời gian để làm việc, để yêu thương, để xây dựng tình huynh đệ nữa. Chúng ta nên tập sống nếp sống giản dị mà không cần tiêu thụ quá mức. Một cuộc sống giản dị có thể mang lại cho ta rất nhiều
hạnh phúc.

14. Đạo Bụt và vấn đề đa văn hóa

H. Xin cho biết quan điểm của đạo Phật về vấn đề đa văn hóa. Có thể nào tự nhận mình là người da màu và đồng thời không bị ám ảnh bởi ý nghĩ ấy hay không?

Tl. Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình những yếu tố của đa văn hóa và đa sắc tộc. Chúng ta không hoàn toàn “thuần chủng”. Vì vậy, tự nhận mình thuộc về một sắc tộc nào đó thì cũng tốt, tuy nhiên tôi nghĩ rằng nếu chú trọng về những giá trị văn hóa và tâm linh thì có ích hơn. Đó là những giá trị chung mà ai cũng có thể tán thành và trân trọng. Nếu chúng ta tin rằng con cái ở đâu ông bà ở đấy thì nên thiết lập một bàn thờ ở trong nhà để luôn luôn cảm thấy gần gũi với tổ tiên và giữ vững niềm tin nơi truyền thống văn hóa của mình. Khi có niềm tin nơi nét đẹp văn hóa của mình thì chúng ta sẽ có khả năng bảo tồn nét đẹp văn hóa ấy mặc dù những người khác có thể không hiểu. Nếu không dành thì giờ để dạy cho con cháu về văn hóa của mình thì chúng sẽ đánh mất đi truyền thống văn hóa của tổ tiên. Nhưng cũng nên nhớ rằng nền văn hóa nào cũng có hoa và rác. Không nên coi trọng văn hóa của mình và coi khinh văn hóa của người khác. Nếu chúng ta cố chấp vào những tập tục truyền thống văn hóa và bám giữ lấy, kể cả những tập tục không còn ích lợi, thì chúng ta chỉ bị thiệt thòi mà thôi. Thiết lập liên hệ với tổ tiên và tưởng nhớ tới tổ tiên là một cách tôn trọng và thừa nhận truyền thống văn hóa của mình mà không mù quáng chấp kẹt vào đó.

15. Bận rộn trong chánh niệm

H. Làm sao để luôn chánh niệm khi sống trong một xã hội mà làm gì và lúc nào cũng phải vội vã. Có thể bận rộn hay vội vã trong chánh niệm không? 

Tl. Khi mới thực tập, nếu ta hoạt động chậm lại thì sẽ dễ dàng có chánh niệm hơn. Khi thực tập chánh niệm đã giỏi rồi thì có thể hoạt động nhanh hơn, miễn là ta luôn giữ chánh niệm. Ta có thể đi trong chánh niệm nhưng ta cũng có thể tùy lúc chạy trong chánh niệm. Nên sắp đặt lịch trình sao cho mình có dư thời giờ để khỏi phải vội vàng. Ví dụ nếu phải có mặt tại sân bay lúc 10 giờ thì nên đi sớm hơn một giờ để có được thú vui đi thiền hành trong phòng chờ ở sân bay. Khi lái xe, thay vì chạy cho mau tới nơi thì nên vui hưởng từng giây phút của việc lái xe. Khi nấu bữa ăn sáng thì nên biến việc nấu ăn sáng thành một buổi thiền tập, một cơ hội thực tập chánh niệm. Đừng nghĩ tới những gì mình cần phải làm sau đó. Hãy thưởng thức từng giây phút khi sửa soạn bữa ăn, ta sẽ đem niềm vui tới cho cả nhà. Bí quyết là an trú trong hiện tại, bây giờ và ở đây, hạnh phúc trong từng giây phút ấy.         

Lẽ tất nhiên là ta có nhiều việc phải làm. Ngay cả các vị xuất sĩ cũng có nhiều việc phải làm. Nhưng chúng tôi học cách làm việc trong niềm vui mà không phải là một lao tác cực nhọc. Đây là một nghệ thuật mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Nếu biết giảm tiêu thụ thì ta không cần phải làm việc cực nhọc. Không cần có lương cao, không cần có xe đắt tiền ta mới có hạnh phúc. Nghệ thuật sống đơn giản sẽ cho ta có nhiều thời gian hơn để sống hạnh phúc và để giúp đỡ cho người khác.

16. Phản ứng giễu cợt

H. Tôi đang cố gắng thực tập ái ngữ và lắng nghe ở nơi làm việc, nhưng nhiều đồng nghiệp đáp lại bằng sự giễu cợt. Tôi phải thực tập như thế nào? 

Tl. Trong từ bi có sự kiên nhẫn. Khi thực sự thương yêu thì chúng ta có khả năng chờ đợi và kiên nhẫn. Những người đáp lại bằng sự nghi ngờ và giễu cợt là vì trong quá khứ họ đã có những kinh nghiệm khổ đau. Họ mất lòng tin. Họ ít khi được hiểu và được thương. Họ không tin rằng sự hiểu biết và tình thương yêu mà ta dành cho họ là chân thật, nên mặc dù ta hết lòng yêu thương nhưng họ vẫn nghi ngờ.

Có nhiều người trẻ ít nhận được tình thương và sự cảm thông từ trong gia đình, ngoài học đường, hay ngoài xã hội. Họ không thấy bất cứ thứ gì là tốt đẹp, là chân thật. Họ đi lang thang để tìm kiếm một niềm tin. Họ giống như là những con ma đói. Trong truyền thống đạo Bụt, ma đói được mô tả có cái bụng rất to nhưng cuống họng rất nhỏ, hẹp như cây kim. Họ rất đói nhưng không nuốt được thức ăn. Họ đang khao khát được hiểu và được thương yêu nhưng lại không có khả năng tiếp nhận được tình thương. Ta phải giúp khai thông cuống họng của họ trước khi ban tặng thức ăn. Điều đó cần sự thực tập kiên nhẫn, cần tiếp tục hiểu biết và thương yêu. Cần có thời gian để họ có thêm niềm tin, chỉ đến khi đó ta mới có thể giúp được họ. Nên mặc dù đối diện với sự hững hờ và nghi ngờ, ta cần phải tiếp tục thực tập và kiên nhẫn.

17. Để được hạnh phúc mỗi ngày

H. Xin cho biết những gì mà một người bình thường có thể làm để được hạnh phúc hơn mỗi ngày?

Tl. Thiền hành là một việc mà ai cũng làm được. Có nhiều người thấy khó khăn trong khi ngồi thiền nhưng phần lớn thì ai cũng đi thiền được. Nếu ta ngồi trên xe lăn thì ta cũng có thể thực tập thiền lăn xe được. Bất cứ ở đâu, Berkeley, New York, Amsterdam, Paris hay Bangkok và bất cứ ai cũng đều có thể thưởng thức niềm vui khi đi thiền. Mỗi bước chân giúp ta dừng lại sự thất niệm, trở về tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm để được nuôi dưỡng và chuyển hóa. Thiền hành là một sự thực tập rất dễ chịu, có công năng chuyển hóa và trị liệu. Khi thực tập thiền hành ta đem tâm về hợp nhất với thân và trở về với hơi thở. Theo dõi hơi thở, giúp cho thân và tâm ta hợp nhất. Khi đó ta sẽ thực sự có mặt, thực sự sống và tìm thấy hạnh phúc trong giờ phút hiện tại.