Điều phục tâm hành (3)

Quản những hạt giống tiêu cực

Nếu ta tự nhận ta là một người đệ tử của Đức Thế Tôn thì ta không thể không học những phương pháp đó, không thể không thực tập những phương pháp đó. Các thầy và các sư cô cũng có hạt giống của sự giận hờn, của sự bực bội, của sự thèm muốn, nhưng các thầy và các sư cô đã thực tập để quản lý được những hạt giống giận hờn, bực bội và thèm muốn của họ. Vì vậy cho nên các thầy và các sư cô tương đối có hạnh phúc, an lạc, vững chãi, thảnh thơi và có tình thương. Ta phải học những phương pháp đó để có thể có được sự hạnh phúc và an lạc như các vị xuất gia vậy.

Khi chúng ta được hướng dẫn đi thiền hành, khi chúng ta được hướng dẫn ăn cơm trong an lạc, khi chúng ta theo dõi hơi thở, tức là chúng ta có cơ hội trở về với chính ta, với giây phút hiện tại. Nhờ đó mà ta có thể chế tác ra năng lượng chánh niệm và chính năng lượng chánh niệm đó sẽ có tác dụng nhận diện và ôm ấp nỗi khổ niềm đau của chúng ta. Nếu không có năng lượng chánh niệm thì niềm đau kia sẽ tràn lấp, thúc đẩy chúng ta làm những điều và nói những điều gây ra đổ vỡ. Trong ta có những nguồn năng lượng, hạt giống tốt đẹp, lành mạnh và tích cực như năng lượng của tình thương, của sự tha thứ bao dung, như chí nguyện lợi tha, mong cho xã hội, cho nhân loại được tốt đẹp trong tương lai, mong cho đoàn thể mình có khả năng đem lại niềm vui, sự vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc cho các đoàn sinh của mình và cho gia đình của họ. Nhưng trong ta cũng có những nguồn năng lượng ma quái, tiêu cực, không lành mạnh. Và ta phải học làm thế nào để cho những năng lượng không lành mạnh, xấu ác này không tác yêu tác quái, sai khiến ta đi theo con đường của sự gây ra bạo động, tan vỡ và chết chóc. Có nhiều khi ta biết chắc rằng nếu nói câu đó thì ta sẽ gây khổ đau và tan nát, đỗ vỡ trong gia đình ta, trong đoàn thể ta, trong mối liên hệ của ta đối với người ta thương, nhưng ta vẫn cứ nói những câu như vậy, vẫn cứ làm những cử chỉ như vậy. Tại sao? Tại vì trong ta có những lực lượng của ma quái, của sự thèm khát, của sự cứng đầu, cho mình là đúng, tập khí nóng giận, tập khí muốn gây chia rẽ, muốn làm cho bỏ ghét, muốn trừng phạt người kia khi người kia không làm vừa ý mình. Những năng lượng của thói quen như thế đã được un đúc lâu ngày. Danh từ Phật học gọi là tập khí. Khí là khí công, là năng lượng. Tập là cái thói đã được un đúc, huân tập lại trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Tập khí tức là thói quen, lề thói đã được un đúc lâu ngày và nó kết lại dưới hình thức của hạt giống trong tâm thức ta và có khi nó biểu hiện lên trên vùng ý thức như hình thái của năng lượng. Chúng thường âm thầm sai sử ta. Tuy nhiên tập khí cũng có hai loại: tập khí tốt và tập khí không tốt. Ví dụ khi thấy một người ngã xuống, ta không cần suy nghĩ gì cả, tự nhiên chạy tới đỡ người đó lên, hỏi han và chăm sóc cho người đó. Đó gọi là tập khí tốt. Vì vậy, tu tập là để có khả năng nhận diện được tập khí và không để cho tập khí đó tác yêu tác quái, sai khiến ta nói những điều ta thật sự không muốn nói, làm những điều ta thật sự không muốn làm. Ta có đủ thông minh để biết rằng nếu nói như thế thì sẽ tan nát hết, làm như thế thì sẽ tan nát hết, nhưng tại sao ta đã nói, đã làm để gây ra sự tan nát, rồi ta đấm ngực, bứt tóc và than rằng: "Trời ơi, tại sao mình ngu dại quá vậy? Tại sao mình nóng nảy quá vậy?" Và ta tự hứa là lần sau ta sẽ không phạm vào lỗi lầm ấy nữa. Ta quỳ trước bàn thờ Bụt, bàn thờ tổ tiên và tha thiết, thành khẩn muốn làm mới, muốn thay đổi và có Bụt, có tổ tiên chứng giám cho ta. Ấy vậy mà khi hoàn cảnh xảy ra, ta lại phạm vào lỗi lầm ấy y như trước; ta lại nói những câu ta không muốn nói, lại làm những hành động ta không muốn làm và lại tạo ra sự tan vỡ một lần nữa. Ta trở nên bất lực, chán ghét chính ta, nghĩ rằng những tập khí ấy mạnh hơn ta, ta bó tay chịu thua. Cái đó gọi là ma chướng, là tập khí xấu mà trong người nào cũng có. Những tập khí xấu đó không hẳn là do ta làm ra. Đôi khi nó đã được trao truyền lại từ những thế hệ ông bà, tổ tiên, cha mẹ ta. Ta là người đã thừa kế tất cả từ cha mẹ ta. Tổ tiên, ông bà và cha mẹ đã trao truyền rất nhiều những hạt giống cho ta trong đó có những hạt giống rất tích cực, đẹp đẽ và thánh thiện. Nhưng họ cũng trao truyền cho ta những hạt giống của khổ đau, tuyệt vọng và giận hờn. Gia tài của ta có đủ những hạt giống của hạnh phúc, của khổ đau, của hy vọng và của thất vọng. Nếu không tu tập, mỗi ngày ta tạo điều kiện cho những hạt giống của khổ đau, tuyệt vọng, giận hờn, trách móc và thèm khát trong ta được tưới tẩm, thì ta sẽ trở thành con người khổ đau và tuyệt vọng, ta sẽ làm khổ những người ta thương. Thật ra ta đâu có muốn làm như vậy.

Hạ th công phu

Vì thế cho nên tu tập nghĩa là phải nhận diện hạt giống tốt mà ta đang có, và mỗi ngày ta phải tạo điều kiện để cho những hạt giống tốt ấy được tưới tẩm, cho chúng lớn lên và tìm cách duy trì, giữ gìn để những hạt giống xấu đừng bị tưới tẩm và nhất định là không để cho người khác tưới tẩm. Đó là nội dung của sự thực tập tinh tấn (tấn lực) trong giáo lý ‘tứ chánh cần’ . Đó là ý nghĩa sâu sắc của chữ tấn mà các anh, các chị thuộc cấp Tấn phải hiểu rõ.

Chánh niệm là nguồn năng lượng có khả năng nhận diện được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Khi đi tham dự những khóa tu là ta có cơ hội để chế tác ra năng lượng chánh niệm qua cách thở, đi (thiền đi), ngồi (thiền ngồi), ăn cơm trong im lặng, rửa bát v.v… Chánh niệm là năng lượng giúp ta có mặt đích thực trong từng giây từng phút, là khả năng an trú trong hiện tại. Chánh niệm là năng lượng của Bụt. Trong ta có hạt giống của chánh niệm và nếu ta học theo các thầy, các sư cô đi từng bước trong chánh niệm, thì mỗi bước chân như thế sẽ làm cho hạt giống chánh niệm lớn lên mạnh mẽ. Trong những ngày vừa qua quý vị đã có cơ hội quan sát cách đi, đứng, ngồi, nói năng và tiếp xử của các thầy các sư cô; quý vị thấy họ đi, đứng, ngồi, ăn cơm v.v… có chánh niệm. Đó là những bài pháp hùng hồn nhất của một người tu, là Phật sự của họ với tư cách một người tu. Trong đời sống hàng ngày, nếu ta không đi, đứng, thở, nói, cười, tiếp xử và làm việc trong chánh niệm, ta không chế tác được năng lượng chánh niệm, không có sự vững chãi và thảnh thơi, thì làm sao ta có thể giúp người khác được. Nếu tự thân ta không thực hiện được những yếu tố đó thì khi đi tổ chức khóa tu, hướng dẫn khóa tu, ta đâu có gì để cống hiến. Ta đâu có thể đi bán hàng giả. Vì vậy, điều quan trọng là không phải ngồi với nhau hàng giờ để nói thao thao bất tuyệt về những giáo lý, mà phải thật sự hạ thủ công phu, nghĩa là phải áp dụng thực tế những giáo lý mình đã học được vào trong đời sống tu tập hàng ngày. Một giờ học giáo lý phải là năm giờ thực tập. Ngày Gia Đình Phật Tử tụ về để sinh hoạt là ngày để cho ta thực tập chánh niệm và ta phải có những giờ chánh niệm, tổ chức những ngày chánh niệm để cho các anh, các chị trưởng và các em có cơ hội thực tập chánh niệm như các thầy và các sư cô ở chùa. Có năng lượng chánh niệm thì ta mới có khả năng nhận diện được những tập khí ma quái trong ta và chỉ khi nào ta nhận diện được nó thì ta mới có thể chuyển hóa nó. Mỗi khi cái tập khí đó biểu hiện thì chỉ cần nhận diện đơn thuần thôi, rồi ta mỉm cười và nói: "Anh bạn ơi, ta biết ngươi có mặt đó, nhưng ngươi chẳng làm gì được ta đâu." Nói như vậy thì cái năng lượng ma quái đó mới ngưng tác yêu tác quái, mới không sai sử ta mà thôi. Còn nếu ta không có khả năng nhận diện nó thì nó sẽ tiếp tục tác yêu tác quái, xúi ta làm những cái mà ta không muốn làm, nói những câu mà ta không muốn nói.

Tôi nhớ có một chàng thiền sinh trẻ người Hoa Kỳ về Làng Mai cách đây độ chừng tám năm để tu tập. Anh thiền sinh đó sống và tu tập rất hạnh phúc với các thầy và các sư chú ở Xóm Thượng, chùa Pháp Vân. Anh ta thực tập đi thiền, ngồi thiền, rửa chén, nấu cơm, giặt áo, chùi cầu tiêu, xếp đặt thiền đường giống như các thầy, các sư chú và anh ta được hướng dẫn để làm những công việc đó trong chánh niệm. Anh ta sống rất hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi. Thay vì chỉ ở một tuần lễ như đã dự định, anh ta đã xin phép ở luôn ba tuần lễ với tăng thân, với các thầy, các chú để được tiếp tục tu tập. Trong tu viện, người nào cũng thực tập đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, nói, cười trong chánh niệm nên anh ta được nâng đỡ bởi năng lượng tập thể của Tăng Thân, và sự tu tập của anh ta tiến bộ rất nhanh. Tới tuần thứ ba, anh ta được phái đi chợ mua một ít thực phẩm để làm món ăn mừng ngày Tạ Ơn (Thanksgiving) được tổ chức theo tinh thần đạo Bụt. Đây là lần đầu tiên anh ta đi chợ sau hơn hai tuần tu tập tại Làng. Theo truyền thống đạo Bụt, ta có bốn sự biết ơn cao quý (tứ trọng ân), đó là ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn bè bạn và ơn mọi loài chúng sanh. Thiền sinh của mỗi nước tới với nhau để cùng nấu một món quốc hồn quốc túy của nước mình dâng lên bàn thờ Tổ Tiên. Thiền sinh Việt Nam thì nấu món ăn Việt Nam để dâng cúng, ví dụ như chả giò hoặc xôi năm màu v.v… Thiền sinh Hòa Lan thì họp lại với nhau để cử một người đi chợ mua thức ăn làm một món ăn Hòa Lan, thiền sinh Đức làm món ăn truyền thống của họ, thiền sinh Mỹ làm món ăn Mỹ. Thầy không nhớ năm đó thiền sinh Mỹ đã dâng cúng món gì, có thể là món bánh Pumkin Pie (bánh bí rợ) hay Apple Pie (bánh táo). Hôm ấy anh ta đi chợ ở thành phố St. Foy La Grande, một thành phố gần Làng Mai. Trong khi mua sắm, tự nhiên anh thấy có một nguồn năng lượng rất tiêu cực trào lên. Anh cảm thấy trong người rất bất an, cử chỉ và bước chân của anh ta trở nên hấp tấp, vụt chạc và cuống quýt; một nguồn năng lượng mà trong hơn hai tuần qua anh không hề có bỗng xuất hiện. Hơn hai tuần qua được sống trong tăng thân có sự tu tập vững chãi, thảnh thơi, nên sự thực tập chánh niệm của anh rất vững. Nhờ vậy mà năng lượng bất an, vụt chạc trong anh không có cơ hội trào lên. Bây giờ một mình ra chợ, không có sự yểm trợ của tăng thân, nên trong khi anh mua sắm thực phẩm thì năng lượng đó lại trào lên. Cố nhiên là trước khi tới Làng Mai năng lượng tập khí đó đã trào lên nhiều lần, nhưng trong ba tuần ở Làng Mai nó không xảy ra. Đó là nhờ sự nâng đỡ bởi năng lượng tu tập của tăng thân. Cho nên có tăng thân yểm trợ, nâng đỡ là sự may mắn rất lớn. Ngạn ngữ có câu: ‘ăn cơm có canh, tu hành có bạn’ là ý nghĩa đó. Lần này hoàn cảnh trở nên khác hẳn vì anh ta đã được thực tập ba tuần lễ trong tu viện và năng lượng chánh niệm rất hùng hậu nên anh có thể nhận diện được tập khí hấp tấp, lo lắng ấy khi nó phát khởi. Khi có một năng lượng của tập khí tiêu cực phát khởi mà ta không nhận diện được nó thì nó sẽ tác yêu tác quái ta, nó sai khiến ta nói hoặc làm những điều gây đổ vỡ, xa cách; nhưng khi ta đã nhận diện được nó rồi, thì sức mạnh của nó bị suy yếu dần đi. Do đó, khi anh ta nhận diện được trong mình đang bị nguồn năng lượng của tập khí hấp tấp, vụt chạc sai sử thì anh ta lập tức trở về với hơi thở và thực tập: ‘Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười’. Anh thấy rõ ràng cái năng lượng này là năng lượng của mẹ anh vì mẹ anh là người thường sống trong sự cuống quýt, vụt chạc, bất an và bà đã trao truyền cho anh cái tập khí không lành mạnh đó. Cho nên với hơi thở chánh niệm, anh ta nhận diện được ngay đây là năng lượng tập khí mà mẹ đã truyền lại cho mình; anh mỉm cười và nói: " Chào Mẹ! con biết mẹ đang có mặt với con." Khi nói ra được câu nói đó thì tự nhiên cái năng lượng kia tan biến đi và anh phục hồi được sự bình an, vững chãi, thảnh thơi trở lại. Từ giây phút đó, anh ta giác ngộ rằng không có tăng thân xung quanh thì sự thực tập khó hơn trăm ngàn lần và phải thường trực theo dõi hơi thở chánh niệm thì mình mới không bị đánh mất mình, mới có thể duy trì được sự vững chãi, thảnh thơi. Với sự tỉnh thức ấy, anh ta đã làm tiếp công việc đi chợ của anh trong hơi thở có ý thức, trong sự vững chãi và thảnh thơi. Sau khi đi chợ về, anh ta kể lại chuyện đó cho thầy và tăng thân nghe.

Lực lượng ma quái

Trong chúng ta, người nào cũng có những nguồn năng lượng của tập khí ma quái này: nó hay xúi ta nói hoặc làm những điều ta không muốn nói, không muốn làm. Ta có đủ thông minh, lý trí để biết rằng nếu nói điều đó là dại dột; nếu làm cái đó là sẽ gây sự đổ vỡ, tan nát, ấy vậy mà ta vẫn riu ríu làm theo. Vì vậy, tu tập là để chế tác năng lượng chánh niệm để có thể nhận diện được những lực lượng ma quái đó. Và khi nhận diện được chúng rồi, ta mỉm cười với chúng thì chúng sẽ không thể làm gì được ta nữa.

Đức Thế Tôn đã từng thực tập như vậy. Ngài đã thành đạo rồi mà thỉnh thoảng chúng vẫn còn xuất hiện và mỗi khi chúng xuất hiện để dụ dỗ, sai khiến Ngài, thì Ngài chỉ cần mỉm cười là chúng tự khắc tan biến. Có một lần nọ, hình như vào năm thứ hai sau khi thành Đạo, Ngài về thăm quê hương và gia đình ở tại thành Ca Tỳ La Vệ. Sau khi thuyết pháp cho hoàng gia, lắng nghe những khó khăn, những khổ đau của hoàng gia, của đất nước, Ngài chia sẻ những ý kiến để xây dựng một nước hùng mạnh, có nhân đạo, xong Ngài cùng với một số các thầy vượt biên giới qua miền Bắc nước Kosala. Sáng hôm đó, trong khi Ngài đang ngồi thiền với các thầy thì tự nhiên Ma Vương tới thăm. Ma Vương xuất hiện dưới hình dáng của một thân hào nhân sĩ, râu tóc bạc trắng, mặt mày hồng hào muốn được yết kiến với Đức Thế Tôn. Ma Vương nói: "Thưa Đức Thế Tôn, Ngài là người rất hiếm có. Ngài có tài năng hùng biện, có lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ cao vời vợi; nếu Ngài đem tất cả những cái đó ra dùng để xây dựng đất nước thì Ngài sẽ trở thành một nhà chính trị rất lỗi lạc và chắc chắn thế giới này sẽ được thừa hưởng lợi lạc rất nhiều." Nói thế tức là Ma Vương muốn mời gọi Đức Thế Tôn nên bỏ đời sống của một vị Đạo Sư để ra làm một nhà chính trị. Đức Thế Tôn thở, mỉm cười, rồi nói: "Anh Ma Vương ơi, tôi biết anh quá mà." Đức Thế Tôn mới thốt lên một câu như thế thì Ma Vương tự nhiên biến mất. Ma Vương kia là sự biểu hiện từ hạt giống trong tâm thức Ngài, một nguồn năng lượng rất hấp dẫn; nó biểu hiện ra là vì Ngài mới về thăm nhà, thấy được những khó khăn, ước vọng của vua cha, của đất nước và thấy rằng chưa ai có thể thay thế vua cha lo việc nước. Dù vua cha và quan thần thân quyến không nói ra nhưng mọi người đều mong muốn Ngài sẽ nối ngôi vua. Họ nghĩ Ngài có thể vừa làm Bụt, vừa làm vua, tại sao lại không được? Trong thâm tâm, Ngài cũng nghĩ đơn giản như vậy, nhưng Bồ Đề Tâm của Ngài lớn quá, Ngài tự nhủ: "Tôi chỉ muốn làm thầy tu thôi, tôi không muốn làm vua, không muốn làm nhà chính trị." Chí nguyện làm thầy tu cao lớn như vậy; nhưng trong tâm thức cũng có hạt giống muốn làm chính trị dù nó chỉ nhỏ bằng hạt mè, hạt bụi. Và khi bị người ta tưới tẩm, họ nói: "Bụt ơi, Ngài giỏi quá đi. Trí tuệ của Ngài cao vòi vọi, lòng từ bi của Ngài rộng lớn như thái hư, khả năng hùng biện của Ngài không ai có thể sánh bằng. Nếu Ngài ra làm chính trị thì muôn dân sẽ hưởng được sự an bình, cơm no áo ấm." Và những lời ca ngợi đó thấm nhuần vào tâm thức của Ngài. Nếu những lời ca ngợi như thế được thốt ra từ những người của nước khác thì không đánh động Ngài được, nhưng đây là những lời được thốt ra từ những người thân nhất của Ngài. Vì thế, sau khi Ngài đi sang nước Kosala, trong giờ ngồi thiền thì Ma Vương hiện ra để dụ dỗ Ngài. Đức Thế Tôn đã nhận diện được ý đồ của Ma Vương. Lúc đó Đức Thế Tôn mỉm cười: "Tôi biết mà, anh có phải là Ma Vương đó không?" thì Ma Vương lè lưỡi và biến mất.

Ma Vương hiện ra rất nhiều lần trong đời của Đức Thế Tôn. Có nhiều kinh nói tới Ma Vương lắm. Và mỗi lần nó hiện ra là Đức Thế Tôn nhận diện được. Đó gọi là phương pháp nhận diện đơn thuần. Khi ta nhận diện được nó thì nó không làm gì được ta cả. Ta cũng vậy, con ma tập khí nó trồi lên rất nhiều lần mà quý vị không nhận diện được nó thì nó kéo quý vị đi thôi chứ có gì đâu! Nó đẩy quý vị phải nói câu đó, làm việc đó, làm cho đổ vỡ, làm cho khốn đốn. Thành ra ta phải nhận diện được ma. Ma là ở trong ta. Tên cúng cơm của nó là tập khí. Mà tập khí đó, năng lượng đó đã được truyền xuống cho ta từ nhiều thế hệ. Ta phải nhận diện được nó thì mới chuyển hóa được từ từ. Trong ta có những hạt giống của sự thèm khát, hận thù, ganh ghét, của ý muốn trừng phạt người không làm vừa ý mình. Thỉnh thoảng những hạt giống đó biểu hiện lên thành những nguồn năng lượng. Nếu ta không có chánh niệm để nhận diện sự có mặt của chúng, thì ta sẽ trở thành nạn nhân của những tập khí đó. Nếu không thì khi ta có con, ta sẽ truyền cho con và con ta sẽ khổ vì tập khí đó. Có những đứa trẻ thấy ba mình khổ quá, má mình khổ quá nên nghĩ rằng khi lớn lên, có con thì mình sẽ không làm như ba, không làm như má, mình sẽ làm ngược lại. Vậy mà đến khi lớn lên có gia đình, có con thì nó làm giống hệt ba, má của nó. Đó gọi là luân hồi và luân hồi đi xa lắm. Chỉ khi nào ta nhận diện được nó bằng chánh niệm và chuyển hóa nó thì mới chấm dứt được luân hồi mà thôi. Cho nên chuyện nhận diện tập khí rất quan trọng. Ta nhận diện được tập khí của ta và ta cũng có thể giúp được người kia nhận diện tập khí của họ. Vì vậy ta phải ký một hiệp ước với nhau. "Anh ơi, anh tập khí của anh. Em cũng tập khí của em. Tập khí của em n vậy nè, mỗi khi nó đầu ra thì em nhận diện nếu em quên thì nhờ anh nhắc dùm em." Nhắc chứ không phải là lên án, là chê bai. "Đó, đó, em thấy không, đó tập khí của em đó." Làm như vậy rất là ích lợi. Hoặc nói bằng nụ cười: "Anh ơi, đó tập khí của anh đó." Thì người kia nhận ra được tập khí của mình. Và nếu người kia nhận ra được tập khí của mình rồi thì tránh được không biết bao nhiêu là đổ vỡ.

Đng kẹt vào sự tổ chức

Cho nên tu có nghĩa là chế tác năng lượng chánh niệm để nhận diện những nguồn năng lượng ma quái ấy khi chúng phát khởi ngay từ nơi tâm ta, vì thường chúng từ trong đi ra nhiều hơn là từ ngoài đi vào. Đức Thế Tôn đã làm như vậy, các thầy và các sư cô đang làm như vậy và ta là người Huynh Trưởng, ta cũng phải làm như vậy. Đó là tu. Chúng ta không nên đánh mất mình trong sự lăng xăng, tổ chức. Mục đích của sự tổ chức là để tu tập chứ không phải để khoe rằng mình có tài tổ chức. Có nhiều người không chịu tu, họ chỉ muốn tổ chức để cho người khác tu thôi. Dồn hết năng lực tổ chức cho thành công để cuối cùng gặt hái được những lời khen ngợi. Đó không phải là mục đích cao cả, đích thực của chúng ta. Mục đích cao cả của chúng ta là làm hạnh phúc thật sự cho tất cả các em của ta, làm sao cho các em của chúng ta có một tương lai, cống hiến cho họ con đường tu tập thực tiễn để cho các em tu tập chuyển hóa và trị liệu, xây dựng được hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình và xã hội. Do đó, ta tuyệt đối không đi tìm niềm vui trong sự tổ chức, không nên để bị kẹt vào tổ chức và khao khát gặt hái những lời khen ngợi. Đó là sự thèm khát về danh, về lợi chứ không phải là lý tưởng cứu người, độ đời. Là con cháu của Đức Thế Tôn, chúng ta phải thấy cho được điều đó và tinh tiến tu tập chánh niệm. Chánh niệm sẽ nói cho chúng ta biết động cơ thúc đẩy ta làm chuyện này là từ đâu: vì danh, vì lợi hay vì tình thương, vì lý tưởng đích thực! Chỉ có chánh niệm mới soi sáng được cho ta thôi. Và nhờ chánh niệm của các bạn đồng tu soi sáng cho ta. Sau khi quán sát cách làm việc của ta họ có thể nói rằng: "Này anh, chúng tôi thấy anh làm rất siêng năng, anh làm cả ngày cả đêm không biết mệt mỏi, nhưng anh thử nghiệm lại xem cái động lực khiến anh làm cả ngày cả đêm như thế được phát xuất từ tình thương, từ chí nguyện muốn làm hạnh phúc cho các em, cho xã hội hay là do sự thèm khát về danh, về lợi?" Đó là câu mời mọc có công năng thức tỉnh ta. Và ta có thể giật mình thức tỉnh. Tại vì có thể ta đang làm như thế để cầu danh, cầu lợi, cầu tiếng khen mà ta cứ tưởng là ta đang phục vụ Đạo Pháp. Ta nhân danh Đạo Pháp, nhân danh dân tộc, yêu nước thương dân, nhân danh tổ chức, nhưng kỳ thực ta có thể đang phục vụ cho cái Ngã của ta. Nếu không có chánh niệm, không có bạn tu nhắc nhở, soi sáng cho ta thì ta có thể đi mãi trên con đường sai lầm đó. Không biết rằng ta đang bị đánh lừa và đang đánh mất lý tưởng cao đẹp ban đầu của ta. Vì vậy mới có câu kệ để giúp ta thực tập, đó là câu kệ trong bài kệ thực tập Quay Về Nương Tựa: "Chánh Niệm là Bụt, soi sáng xa gần.”

Cho nên hôm nay ta học phương pháp đối trị cơn giận và phương pháp nhận diện tập khí. Quý vị đem về áp dụng thì chắc chắn trong một thời gian ngắn sẽ có sự thay đổi trong bản thân và trong gia đình của quý vị.