Ái ngữ và Đế thính (2)

Thiết lp lại sự truyền thông

Khi quý vị có được kết quả của sự thực tập, ông chủ sở và những người bạn cùng sở của quý vị sẽ thấy được điều đó và họ sẽ được thừa hưởng sự vững chãi, thảnh thơi và bình an ấy nơi quý vị. Có lẽ một dịp nào đó họ sẽ hỏi sao ta có thể làm được như vậy? Thì lúc đó ta sẽ mỉm cười và tiết lộ bí mật của ta cho họ biết. Rồi họ cũng có thể bắt chước ta thực tập pháp môn mà ta đã được thực tập, một pháp môn thực tập rất đơn giản, thực tiễn nhưng có công năng đem lại lợi lạc rất lớn. Nếu quý vị thực tập một thời gian và thực tập thành công, thì người bạn hôn phối hay con cái của quý vị sẽ thấy được những chuyển hóa trong con người của quý vị, tự nhiên những giận hờn, bực bội của người đó đối với quý vị sẽ từ từ tan biến. Sau đó quý vị có thể thiết lập lại được sự truyền thông đối với người đó dễ dàng hơn.

Có những cặp cha con mà không hề nói chuyện được với nhau hơn một năm trời. Có những cặp vợ chồng cũng không nói chuyện được với nhau, không nhìn được mặt nhau. Đôi khi họ chỉ mới cưới nhau có ba, bốn năm mà sự tình đã xảy ra như vậy. Có ai muốn làm khổ người kia đâu nhưng vì chúng ta vụng về, thất niệm không biết tu tập nên chúng ta đã tạo ra những niềm đau nỗi khổ cho người ta thương. Người đó khổ, mà ta cũng khổ không kém. Rồi trong thâm tâm của hai người, người nào cũng nghĩ rằng người kia chịu trách nhiệm hoàn toàn. Sự thật bao giờ cũng là hai bên, bên nào cũng có trách nhiệm. Có thể một bên ít hơn nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm như thường. Khi bị rơi vào tình trạng bế tắc như thế, người chồng có thể tìm cách tránh né người vợ. Và cách tránh né khéo léo nhất thường là ở lại văn phòng hay phòng mạch trễ hơn. Ông ta lấy cớ rằng: "Anh không thể về sớm được, tại anh phải nghiên cứu hồ sơ của bệnh nhân." Hoặc nói rằng: "Anh muốn có thời gian một mình để học, để thi thêm một cái bằng cấp nữa. Anh làm như vậy là vì tương lai của các con". Nói như vậy đó! Kỳ thực là tại vì về nhà không có hạnh phúc chi mấy. Về nhà không được dễ chịu cho lắm. Đôi khi người đó nói rằng anh cần phải đóng góp cho Cộng Đồng, anh phải đi dạy văn hóa Việt Nam cho các trẻ em. Mà trong khi đó con ta ở nhà thì ta không có lo gì hết. Bởi chúng ta đi tìm sự trốn tránh ở trong công việc, trốn tránh trong sự học hỏi, trốn tránh trong công tác xã hội. Ta tự đánh lừa ta. Ta cho rằng ta là người có lý tưởng và muốn thực hiện lý tưởng cao đẹp ấy; ta không thể để hết thì giờ cho gia đình được. Thực ra ta không có hạnh phúc khi về nhà, ta muốn chạy trốn thực tại ấy. Người vợ cũng tìm cách trốn tránh bằng cách bận rộn trong việc bếp núc hoặc trong công tác xã hội. Người vợ cũng muốn đi dạy văn hóa Việt Nam, đi làm việc xã hội, đi giúp đồng bào. Người nào cũng có lý do chính đáng cả. Cố nhiên là dạy văn hóa cho các cháu, đi làm việc xã hội, giúp đồng bào là việc tốt rồi, ta đâu có nói mấy chuyện đó xấu đâu. Nhưng ta phải làm những công việc đó với hạnh phúc, chứ không phải là tìm cách lẩn tránh tình trạng bằng cách vùi đầu vào các công việc đó để khỏi phải đối diện với sự thật là chúng ta đang không có hạnh phúc với nhau, đang làm khổ nhau. Có những ông chồng sau khi đi làm về, tắm gội xong, ăn vội vàng vài ba miếng rồi chúi đầu vào máy vô tuyến truyền hình, không cần biết những chương trình ấy hay hay dở. Có nhiều khi những chương trình Ti-vi không có gì thích thú cho lắm nhưng ông cứ dán cặp mắt vào đó giờ này sang giờ khác để trốn tránh, để khỏi phải đối diện với khuôn mặt khó chịu của những người chung quanh. Thay vì quy y Bụt, Pháp và Tăng thì người đó chỉ quy y Ti-vi, quy y công việc mà thôi. Quy y vào sự bận rộn để cho đỡ khổ. Vợ chồng mà cứ tránh nhau như vậy ngày này sang ngày nọ thì còn gì hạnh phúc trăm năm nữa. Tội nghiệp quá! Nhất là khi cặp vợ chồng còn trẻ. Vì sự truyền thông đã bị bế tắc, hai vợ chồng không nhìn nhau được nữa và không nói chuyện với nhau được nữa. Rồi hai cha con cũng vậy, hai mẹ con cũng vậy.

Bây giờ đây ta quyết phải khai thông, phải thiết lập lại truyền thông chứ không thể để cho tình trạng kéo dài hoài như vậy nữa. Và ta phải khai thông bằng phương pháp đã được đề nghị. Nếu ta nói chuyện trực tiếp chưa được thì viết thư. Viết thư thường dễ dàng hơn là nói chuyện, vì nói chuyện đôi khi còn có sự cấn cái, người kia lại tưởng rằng ta sẽ trách móc và không mở lòng ra để nghe. Ta nói A mà người kia nghe B, dễ sợ lắm, bóp méo mọi chuyện vì cái đau khổ đã có sẵn trong lòng. Ta đâu có cố tình, đâu có muốn nói B, ta chỉ nói A thôi, vậy mà người kia nghe rõ ràng là B. Cho nên có lẽ an ninh hơn là ta viết một lá thư. Trong lá thư ta phải viết với những ngôn từ hòa ái. Trước khi viết một lá thư như thế, ta phải thực tập đi thiền hành, tập thở để tĩnh tâm. Khi thân tâm đã được an tĩnh rồi ta mới ngồi xuống viết lá thư đó và phải can đảm công nhận là trong quá khứ, ta đã từng vụng về, đã từng nói và làm những điều chạm tới những nội kết, tự ái và những niềm đau nỗi khổ trong lòng người đó. Có nhiều khi ta vô tình chứ không phải cố ý. Trong lá thư đó ta đừng nói lỗi của người kia, vì nếu nói lỗi của người kia thì người kia sẽ đóng trái tim lại và sẽ không đọc thư nữa. Dù rằng sự thật là người kia có một phần lỗi, có khi tới 50% hoặc hơn. Nhưng lá thư này không phải để thiết lập lại công bình xã hội, không phải để tính sổ hơn thua. Mục đích của lá thư này là để thiết lập lại sự truyền thông.

Nói với trái tim

Cho nên trước hết ta phải nói về lỗi của mình chứ không nên nói rằng: "Anh cũng có phần lỗi của anh." Nói như vậy, tuy đúng, nhưng chưa phải lúc và sẽ làm cho người kia đóng trái tim lại, không đọc nữa, không nghe nữa. Cho nên ta phải ngồi yên để lắng nghe lòng của mình. Trong lá thư đó ta viết ra các vụng về của ta: những câu nói, những hành động của ta mà ta nghĩ đã có thể gây đau khổ cho người kia. Và ta có thể nói thêm đó là những cái ta thấy và người kia thấy nhưng ta biết còn bao nhiêu điều vụng về nữa mà ta đã nói và làm gây cho người kia đau khổ mà ta không thấy. "Nếu anh không nhắc em thì chừng nào em mới thấy. Cho nên em rất cần anh giúp em, nói cho em biết để từ rày về sau, em sẽ không dại dột nói và làm những điều như vậy nữa." Ta phải nói với tất cả trái tim của ta. Vấn đề là hai bên phải có một người khởi sự thực tập. Không nên để cho tâm hành tự ái, tự hào làm chủ lấy ta. Nếu là người vợ, thì ta nên khởi sự chuyện thực tập này bởi vì người vợ luôn luôn đứng ở vai vế của người em. Và người đàn ông luôn luôn có sự tự hào của họ. Nói như vậy xin quý vị đừng hiểu lầm là tôi kỳ thị, nhưng vì trong truyền thống của người Việt Nam, người vợ đứng về vai em. Người vợ luôn luôn xưng em với người chồng. Vì vậy cho nên ta phải lấy tư cách người em mà viết lá thư đó. Ta nói rằng: "Anh ơi! Em biết rằng những năm qua anh khổ lắm. Em đâu phải là người mù, người câm, người điếc đâu mà không biết anh khổ. Em biết rằng em phải chịu trách nhiệm một phần quan trọng trong nỗi khổ của anh. Em đã không hiểu anh. Em đã có những tri giác sai lầm về anh, nên em đã có những lời nói, những hành động, những lời buộc tội, thái độ phán xét rất sai lầm. Em rất hối hận. Em muốn có cơ hội để làm mới trở lại. (Làm Mới Trở Lại là danh từ dùng để dịch chữ Sám Hối.) Mình đang còn trẻ, vợ chồng mình có thể làm mới lại. Tại sao chúng ta phải tiếp tục gánh chịu những đau khổ như thế?" Sau khi nói được những điều căn bản đó rồi, thì ta mới nói tiếp: "Em rất vụng về, em rất dại dột. Hôm đó em đã nói điều này làm anh bực. Nhưng anh quá dễ thương, anh đã không rầy la em một tiếng nào! Nếu gặp một người khác, thì người đó có thể đã rầy em hoặc đã đánh em rồi. Nhưng mà anh dễ thương quá, anh nhịn, anh im, anh chịu đựng. Em biết rằng anh đã chịu đựng em trong bao nhiêu năm tháng vừa qua." Ta phải nói với ngôn từ như vậy. Sự thật cũng có một phần như vậy. Ta không nên viết một lá thư có tính cách ngoại giao mà phải viết cho thật với lòng mình. Viết với tất cả trái tim của mình. Nhờ lá thư được viết bằng tất cả lòng chân thành, tỉnh thức, hiểu biết và thương yêu, với tất cả ý chí muốn tái lập lại sự truyền thông mà lá thư trở thành chìa khóa mở cửa trái tim của người kia đã bị khép lại từ hơn một năm nay hoặc hai, ba năm nay.

Tôi mong rằng quí vị có thể thực tập được thành công, tái lập lại được sự truyền thông với người thương của mình. Quý vị làm điều này không phải cho riêng quý vị mà làm cho Bụt, cho thầy, cho gia đình và cho con cái của mình. Làm cho bây giờ và cho tương lai. Đừng than rằng tại vì không có ai dạy tôi, hướng dẫn tôi, không có ai chỉ đường mở lối cho tôi cả. Thưa quý vị, có rất nhiều người đã tiếp nhận giáo pháp, đã đem ra áp dụng và đã chuyển hóa được tình trạng gia đình của họ. Trong số đó rất nhiều người thuộc gốc Công Giáo, Tin Lành, Do Thái Giáo v.v… Trong khi đó chúng ta là những người con của Bụt thì tại sao chúng ta lại không làm được, tại sao chúng ta nằm đó chịu chết? Lá thư đó có thể phải để ra cả tuần lễ mới viết được. Tức là khi viết xong một lần rồi, ngày mai ta đọc lại xem còn có chỗ nào vụng về hay không, còn thiếu chi tiết nào hay không. Và có thể ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần để chữa lại cho hay, cho khéo trước khi gởi đi. Bởi vì đó là bức tâm thư của mình. Đó là kết quả của sự nhìn sâu, quán chiếu trong hơn một tuần qua. Trong thời gian viết bức thư đó ta đã cảm thấy khỏe khoắn, nhẹ nhõm đi rất nhiều trong người rồi. Tuy rằng người kia chưa được đọc nhưng ta đã thấy khỏe, đã có giải thoát. Và tự nhiên tình thương trong ta từ từ lớn lên. Lạ lắm, khi suối nguồn của tình thương trong lòng được khơi dậy và tuôn trào ra thì bao nhiêu niềm hiềm hận, tự ái, ích kỷ và hẹp hòi bớt đi rất nhiều. Sự thật là ta có thương người kia thiệt, nhưng vì ta chưa biết cách thương theo tinh thần của Tứ Vô Lượng Tâm, nên trong tình thương của ta có pha trộn ít nhiều chất liệu của sự ích kỷ, hẹp hòi và độc tài. Tình thương của Bụt dạy không có những yếu tố như vậy. Vì vậy cho nên ngưng lại một thời gian bảy ngày để nhìn sâu, thấy được phần lỗi của ta và thấy được một vài yếu tố tích cực về phía bên kia rồi viết xuống hết. Và trong vòng bảy ngày viết đi viết lại bức thư như thế thì ta đã chuyển hóa được tâm của mình. Tuy ta biết người kia chưa đọc nhưng trong lòng ta đã nhẹ, đã khơi mở rồi nên ta không thấy khó khăn gì nữa. Mà nếu ta thành công được với mình, thì ta sẽ giúp được người kia.

Phương pháp gỡ bom

Có một cặp vợ chồng ở Mỹ. Hai vợ chồng đều có bằng cấp tiến sĩ hết. Những đứa con của họ cũng đã lớn; có người đang học đại học và có người cũng đã có bằng tiến sĩ. Đó là một gia đình có thể gọi là thượng lưu. Ấy vậy mà họ không có hạnh phúc vì ông chồng giống như một quả bom, có thể nổ bất cứ lúc nào. Trong con người của ông ta có đầy chất liệu giận hờn và tự ái. Mấy đứa con rất sợ ba của chúng, không dám tới gần. Người vợ cũng là một nhà trí thức, nhưng cái trí thức của bà không giúp ích gì cho bà trong vấn đề giải quyết những xung đột trong gia đình và đem lại hạnh phúc cho gia đình. Bà cũng sợ ông và không dám tới gần. Không ai dám tới gần một trái bom cả vì sợ nó nổ là tan xác. Một hôm nọ trong buổi ăn cơm gia đình, không biết giận chuyện gì, ông ta xô ngã cả bàn ăn, cơm canh và tất cả đồ ăn thức uống đều lăn lông lốc xuống đất. Mọi người ai nấy kinh hoàng. Đúng là một trái bom! Sống trong một gia đình, có vợ, có con, thế nhưng ông ta hoàn toàn cô độc; mọi người trong gia đình không ai có khả năng hoặc dám tới gần để lắng nghe ông ta, bởi vì ông ta hay nói bằng giọng điệu lên án, quyền hành, chua chát và trách móc. Nghe được vài câu đã thấy dội, đã thấy nặng nề rồi. Thành ra mọi người tránh né cho yên thân. Càng làm như vậy thì ông lại càng có cảm tưởng là mọi người đều muốn tẩy chay ông. Kỳ thực là đâu có ai muốn tẩy chay ông đâu, họ chỉ sợ ông thôi! Bà vợ vốn là người gốc Thiên Chúa Giáo, bà thấy cuộc sống không còn có ý nghĩa gì nữa và muốn tự tử nhiều lần nhưng chưa có can đảm. Có một hôm bà được báo tin là người em trai của bà từ Việt Nam sẽ được qua để đoàn tụ gia đình. Bà mừng quá, nghĩ là mình có nẻo thoát, mình có thể sống cuộc đời của mình với người em trai. Trên đời này không có ai thương yêu mình thì ít ra còn có đứa em trai thương mình; bây giờ mình có người em để có thể thủ thỉ, tâm sự với nhau. Trong lòng bà phát sinh ra mối hy vọng và chắc mẻm là bà có thể sống hạnh phúc được với người em trai. Tại vì sống mà không có niềm vui, hạnh phúc thì thà chết còn hơn. Gia tài đó, bằng cấp đó, địa vị đó, có nghĩa gì đâu? Trong khi mỗi ngày mình gặm nhấm biết bao nhiêu mùi vị của khổ đau và cô đơn. Ngày mà bà ra phi trường đón cậu em trai, hai chị em ôm nhau khóc. Bà khóc sướt mướt. Bà khóc những giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm hy vọng. Nhưng hai chị em đâu có biết tu tập, thành ra sau ba tháng sống chung với nhau, hai chị em giận nhau. Người em gây khổ đau cho người chị, người chị gây khổ đau cho người em. Người chị nói: "Mày đi đâu thì đi cho khuất mắt. Tao tưởng bảo lãnh mày qua đây để chị em mình sống chung với nhau nhưng với cái cách sống của mày thì không có ai có thể sống với mày được hết." Khi cậu em bị đuổi thì anh ta cuốn gói đi liền. Lần này bà muốn tự tử thiệt. Bà hoàn toàn không có hy vọng nào nữa cả. Bà mới điện thoại cho người bạn thân mà bà tin tưởng đó là người duy nhất có thể nghe được bà. Đó là một bà Phật tử. Mà bà Phật tử này đã được nghe một bài giảng của tôi với đề tài là Nghệ Thuật Gỡ Bom. Bà bạn mới khuyên bà nên nghe một cuốn băng giảng của tôi trước khi muốn làm gì thì làm. Lúc đầu bà từ chối không muốn nghe. Bà nghĩ rằng bây giờ không có cái gì có thể lay chuyển ý muốn tự tử của bà được. Với lại bà là người Công giáo, tại sao bà lại đi nghe băng của một ông thầy tu Phật giáo. Nhưng người bạn năn nỉ bà quá chừng: "Chị ơi, chị nghe lời em một lần đi, trước sau gì chị cũng sẽ tự tử thì chị nghe băng giảng này đâu có sao. Nghe xong rồi chị muốn làm gì thì làm, em không dám cản." Vì chiều bạn lần cuối cùng nên bà đã đồng ý. Trong khi nghe băng giảng thì bà giật mình, bà giác ngộ rằng bà cũng chịu trách nhiệm một phần quan trọng của tình trạng đã và đang xảy ra trong gia đình bà. Bà được nghe về phương pháp gỡ bom trong khi ông chồng bà là một trái bom sắp nổ. Bà thấy rằng nếu bà không học cái nghệ thuật gỡ bom thì bà không giúp chồng được. Thì ra những khổ đau, ẩn ức của chồng phần lớn đều do hoàn cảnh chung quanh trong đó bà đóng một vai trò quan trọng. Bấy lâu nay tình trạng bị bế tắc, không có sự truyền thông, trái tim của chồng hoàn toàn đóng lại kín mít, mà trái tim của mình cũng vậy. Nhờ nghe cuốn băng pháp thoại đó mà trái tim của bà đã mở ra được. Trong cuốn băng đó có dạy về phương pháp đi thiền hành, phương pháp quán chiếu cơn giận và quán chiếu về phần trách nhiệm của mình. Bà ta giác ngộ và đã tìm ra được những nguyên do đưa tới cái khổ của chồng bà. Bà thấy ngày xưa chồng bà đâu có những thái độ, những cách hành xử như vậy và bà cũng đâu có cố tâm gây đau khổ cho chồng. Chỉ vì bà vụng về, dại dột mà thôi. Nghe xong cuốn băng đó, bà muốn về để thực tập gỡ bom cho chồng liền lập tức. Trong lòng bà có nguồn năng lượng mới, lòng bà tràn đầy niềm thông cảm, tha thứ, hiểu biết và thương yêu. Bà nghĩ rằng bà là người trí thức, có bằng tiến sĩ, thì với căn bản đó bà có thể trở về gỡ bom cho chồng. Lúc đó người bạn thân Phật tử của bà mới nói: "Này chị, chưa được đâu chị ơi! Chị chưa có khả năng lắng nghe sâu và khả năng sử dụng lời nói ái ngữ đâu. Chỉ khi nào mình nắm được phương pháp lắng nghe, chỉ khi nào mình sử dụng được lời ái ngữ, mình mới có thể ngồi nghe để cho người kia nói ra những niềm đau nỗi khổ của người đó. Chị mới nghe qua một lần bài pháp thoại, chưa có kinh nghiệm thực tập. Nếu chị nôn nóng quá thì chỉ sau mười, mười lăm phút lắng nghe và nhất là nghe toàn những câu buộc tội, chua chát là chị sẽ chịu hết nổi và những đau khổ của chị sẽ khiến chị phản ứng trở lại với những tâm hành giận hờn, trách móc, thì không những không hàn gắn được mà lại đổ vỡ nặng thêm. Chị phải thực tập một thời gian đã. Thầy em sắp qua Mỹ để hướng dẫn hai khóa tu tại vùng California; một khóa ở miền Nam và một khóa ở miền Bắc. Em khuyên chị nên ghi tên đi, khóa tu sẽ được kéo dài trong vòng sáu ngày liên tiếp, em cũng đã ghi tên tham dự khóa tu đó rồi. Chị em mình sẽ cùng tu học với nhau. Em tin chắc rằng sau một khóa tu như thế, chị sẽ có nhiều kinh nghiệm, vốn liếng, có đủ khả năng và tình thương để trở về thực tập lắng nghe chồng mình như chị đã mong ước. Và em tin là chị sẽ làm được."

Vấn đề sống chết

Thế là bà đã chấp thuận và người bạn đã điền đơn ghi tên tham dự khóa tu suốt sáu ngày liên tiếp giùm bà. Trong khóa tu đó, bà ta đã thực tập hết lòng. Đối với bà, đây là vấn đề sống chết của đời mình. Vì thế trong suốt khóa tu, bà đã thực tập thiền đi và hơi thở chánh niệm rất giỏi. Khi ta quay về nương tựa tam bảo hết lòng thì ta quyết tâm thực tập, nhờ vậy mà ta làm chủ được tình trạng thân tâm của ta. Khi làm chủ được thân tâm ta rồi thì ta biết rằng ta có thể thực tập lắng nghe được. Lắng nghe với tâm từ bi, danh từ chuyên môn gọi là bi thính. Bi thính nghĩa là lắng nghe một cách chăm chú, sâu sắc, lắng nghe với lòng thương của đức Quán Thế Âm. Trong khi thực tập lắng nghe, ta phải ngồi cho thật yên, luôn luôn trở về với hơi thở, nắm lấy hơi thở và chỉ làm một việc là lắng nghe thôi, nhất định là không để cho sự thành kiến, phân biệt đúng sai, giận hờn và trách móc chi phối. Hoặc nếu trong khi nghe mà những tâm hành ấy phát khởi thì ta nhận diện, mỉm cười với chúng và làm cho chúng lắng dịu trở lại. Ta không nên phân trần biện minh liền trong lúc đó. Ta chỉ lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có cơ hội nói ra được niềm đau nỗi khổ của họ. Sau một giờ đồng hồ được lắng nghe như thế, người kia đỡ khổ rất nhiều. Trái tim người kia sẽ mở ra và sự truyền thông có thể được thiết lập trở lại.

Chiều hôm đó là ngày cuối của khóa tu, bà ta trở về nhà. Ông chồng thấy bà đi từng bước chậm rãi, thanh thản, không nói năng gì, rất lặng lẽ và bình an. Tối hôm đó, bà tới ngồi gần ông ta, bà nói: "Ông ơi! Tôi biết là mấy năm qua ông đã khổ nhiều. Tôi rất hối hận. Nhìn lại tôi thấy tôi có trách nhiệm trong nỗi khổ của ông. Tôi đã dại dột, đã có tri giác sai lầm về ông. Tôi không hiểu được những khổ đau trong lòng của ông, tôi không thấy được những nỗi khó khăn của ông mà tôi lại còn đổ dầu vào lửa. Tôi đã nói và làm những điều gây khổ đau và khó khăn cho ông. Bây giờ tôi rất hối hận. Thật ra tôi đâu có muốn làm ông khổ, nhưng vì tôi chưa thấy, chưa hiểu được ông nên tôi mới vụng dại như vậy. Xin ông giúp tôi, nói cho tôi biết những nỗi khổ niềm đau của ông để tôi hiểu và cũng xin chỉ cho tôi thấy tôi đã nói hoặc đã làm những điều gì làm cho ông khổ trong bao nhiêu năm nay để tôi có thể tu tập mà sửa đổi. Nếu ông không giúp tôi thì tôi không thể nào thay đổi được. Tôi biết tôi đã từng vụng dại, không hiểu chồng mình nên thay vì thương, tôi đã làm cho ông khổ nhiều. Xin ông tha thứ cho tôi và cho tôi cơ hội để làm mới trở lại. Tôi chỉ muốn gia đình chúng ta có hạnh phúc, có thương yêu thôi. Xin ông giúp tôi để tôi không còn dại dột, vụng về như vậy nữa. Ông ơi! Ông giúp tôi đi! Tôi muốn thương ông, tôi muốn làm hạnh phúc cho ông, chứ tôi đâu có muốn làm ông khổ như vầy…" Bà đã nói với tất cả trái tim của bà. Lạ thay, sau khi nghe bà vợ nói như thế, ông ta đột nhiên bật khóc như một đứa bé. Nhà đại trí thức, cha của những đứa con đã tốt nghiệp đại học mà vẫn bật khóc như một đứa bé. Trong chúng ta, người nào cũng có một em bé đang còn có mặt. Khi bà thấy ông khóc như vậy thì bà mừng thầm biết rằng mình đã thành công, có sự chuyển đổi lớn trong trái tim của chồng mình. Bà ngồi yên lặng một lúc để cho chồng mình khóc, sau đó bà nói tiếp: "Ông ơi! Ông giúp tôi đi. Ông nói cho tôi nghe những khó khăn, những khổ đau của ông đi. Tôi muốn nghe lắm. Tôi thương ông quá đi, tôi xót xa lắm!" Bà thật lòng muốn lắng nghe ông và tìm đủ cách để giúp ông nói ra nỗi khổ của ông. Bà nhất định ngồi nghe và ông bắt đầu nói. Trong khi ông nói, bà ngồi thật yên, theo dõi hơi thở chánh niệm, bà thở vào thở ra nhẹ nhàng và nuôi dưỡng lòng từ bi trong suốt buổi lắng nghe. Bà ý thức rằng mục đích của sự ngồi nghe là để cho chồng mình bớt khổ, chứ không phải ông nói cái gì sai là mình sửa. Ngồi nghe như vậy chỉ với một ước muốn là để cho chồng mình có một cơ hội. Tối hôm đó là một buổi tối rất mầu nhiệm; ông ta nói ra được hết những khó khăn, khổ đau đã bị dồn nén trong mấy năm qua. Sau khi nói ra được rồi, ông ta thấy khỏe. Trong suốt buổi lắng nghe, bà ta không nói một điều gì cả ngoài mấy câu như: "Tội nghiệp ông quá. Tôi thiệt là đồ ngu." Và quý vị có biết cái gì đã xảy ra không? Bà thuyết phục được ông đi dự khóa tu thứ hai ở miền Bắc Cali. Lần này ông chồng tìm lại được người vợ ngày xưa, người đã từng biết nói những lời dịu ngọt, biết buông bỏ tự ái, biết nhận lỗi của mình và nhờ vậy sự truyền thông của hai vợ chồng được thiết lập lại. Những đứa con thừa hưởng được sự hàn gắn và hòa hợp của cha mẹ. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của họ. Hai vợ chồng đã tới tham dự khóa tu, nhưng ba đứa con họ đã không tới được. Tuy họ là tín đồ Công Giáo, nhưng họ tu tập rất đàng hoàng. Bà bạn thân Phật tử của bà cũng có mặt đó trong khóa tu này. Trong buổi thiền trà kết thúc khóa tu, ông ta đứng dậy và nói: "Kính thưa đại chúng, tôi xin giới thiệu với quý vị một vị Bồ Tát trong đời tôi, một người mà tôi đã ngu dại gây đau khổ trong bao nhiêu năm qua, người đó là vợ của tôi. Nhờ bà mà tôi đã thoát ra được ngục tù của khổ đau trong bao nhiêu năm." Sau khóa tu đó, hai vợ chồng chuyển hóa rất nhiều và có rất nhiều hạnh phúc. Rồi sau đó không lâu, hai vợ chồng lại đến tham dự một ngày tu chánh niệm ở trung tâm tu học Spirit Rock cũng ở miền bắc Cali, gần thành phố San Francisco. Hôm đó có trên 2.200 người tới tham dự. Ngày tu chánh niệm bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Những người đến tham dự toàn là người Mỹ. Lần này họ tới cùng với ba đứa con. Bà bạn Phật tử cũng đã đến tham dự và kể lại cho chúng tôi nghe hết những gì đã xảy ra với gia đình họ. Nhờ vậy nên tôi mới biết được câu chuyện này để kể lại cho quý vị nghe.