Bốn sự thật mầu nhiệm (3)
Phương thuốc trị liệu: Tứ Diệu Đế
Trong đời sống hàng ngày, vì không tu tập chánh niệm nên ta tiếp tục đưa những độc tố vào cơ thể và vào tâm hồn. Cơ thể ta không được mạnh khỏe, nó đã yếu đau rồi mà ta lại ăn vào những thức làm hại thêm, mang thêm độc tố vào cơ thể cũng như vào tâm hồn. Đó là tình trạng của xã hội hiện giờ. Con người rất cô đơn. Và để quên đi sự cô đơn đó, con người phải đi tìm những sự giải trí trong đó có sự ăn uống và xem phim ảnh. Trong khi đi tìm sự quên lãng như vậy thì ta tự làm cho những độc tố trong ta càng ngày càng lớn. Tham, giận, kiêu căng, si mê, lầm lạc, đó đều là độc tố hết. Và Đức Thế Tôn đã gọi đúng tên của nó là tam độc. Hiện nay người trẻ, và cả những người không được trẻ lắm, đều đang mỗi ngày tự đầu độc mình hết.
Ở trong Gia Đình Phật Tử có dạy cho các em phương pháp để tự chấm dứt đầu độc mình không? Có nhiều em mỗi ngày ngồi coi Ti-vi ba, bốn tiếng đồng hồ. Và ba, bốn giờ coi Ti-vi đó đưa vào người các em rất nhiều độc tố. Một năm có bao nhiêu ngày các em làm vậy? Mà mỗi ngày coi ba tiếng thì chắc là chết. Bạo động, căm thù, sợ hãi là những chất liệu được các em nuốt vào mỗi ngày ở trong tâm thức của chúng. Mà người lớn cũng làm như vậy. Tại vì người lớn cũng cô đơn. Người lớn cũng đau khổ, và cũng đi tìm sự khuây khỏa. Đức Thế Tôn là một nhà y sĩ đại tài. Ngài bắt mạch chúng sanh và đưa ra một phương pháp trị liệu. Đó là Tứ Diệu Đế, bốn sự thật mầu nhiệm. Chúng ta cứ theo bài thuốc đó mà thực tập thì thế nào cũng lành bệnh. Vì vậy ta hứa với người thương của ta rằng ta sẽ không tưới tẩm những hạt giống bạo động, căm thù, giận hờn và sợ hãi trong người đó. Ta cũng nói thêm rằng: "Em không tưới những hạt giống xấu cho anh, nhưng anh cũng đừng tự tưới nhé". Phải nói như vậy mới được. Em không tưới rồi nhưng mà nếu anh tự tưới thì em cũng chịu thôi. Anh cứ đi tìm những sự giải trí đó thì chính anh cũng bị đầu độc. Cả hai người, ai cũng cô đơn cả, ai cũng đi tìm sự khỏa lấp. Nên người này đi tìm sự giải trí này thì người kia đi tìm sự giải trí kia, gọi là ông ăn chả thì bà ăn nem. Rồi các con cũng vậy. Mỗi đứa đi tìm sự khuây khỏa riêng của nó. Và nó cứ tưởng đó là hạnh phúc, nhưng không phải vậy. Hạnh phúc là khi mà cha mẹ con cái ngồi được với nhau và mỉm cười, hiểu được nhau, thương được nhau. Đó là chuyện có thể làm được.
Tại Làng Mai chúng tôi có tới cả trăm người xuất gia, đó là một gia đình rất lớn. Nhờ có tu, có phương pháp để thực tập nên chúng tôi có thể sống với nhau hòa thuận và hạnh phúc. Các thầy và các sư cô cho tôi rất nhiều hạnh phúc vì nhờ họ có thực tập theo lời Đức Thế Tôn dạy. Trong gia đình của ta chỉ có ba hay năm người, tại sao ta không thể thành công được? Nếu tin vào giáo pháp của Đức Thế Tôn thì ta có thể thực tập được những điều mà Đức Thế Tôn dạy. Tôi xin nhắc lại là ta hứa đừng tưới những hạt giống tiêu cực của người kia và xin người kia đừng tưới những hạt giống tiêu cực của mình. Ta hứa rằng ta sẽ không tưới những hạt giống tiêu cực của người kia và ta không tự tưới những hạt giống đó trong cách tiêu thụ của ta. Ta xin người kia cũng nên giữ gìn thân tâm họ bằng cách đừng tự tưới những hạt giống tiêu cực ở họ. Và khi thấy thì ta phải nhắc nhau. Ta nói: "Anh ơi, anh nhắc em đi. Em biết rằng em không muốn tự tưới những hạt giống sầu khổ bực bội trong em. Nếu mà có khi em quên thì anh hãy nhắc em…". Chuyện này xảy ra thường lắm. Ta biết rằng ta không muốn nói, không nên nói những câu chuyện đó vì càng nói càng bực. Vậy mà ta cứ nói. Nên khi nghe hỏi: "Em, em đang làm gì vậy? Có phải em đang tưới những hạt giống bực bội ở trong em không?" Thì ta nhớ. Ta cám ơn. Và ta không nói nữa. Có những câu chuyện đâu cần thiết để nói mà tại sao ta phải nói? Những câu chuyện ngoài đời vậy thôi, không có dính gì đến ta nhiều, nhưng tại vì sẵn bực tức nên ta nói. Mà càng nói thì sự bực tức của ta càng lên. Giống như ta trồng ngò, trồng rau, hay trồng cải vậy đó. Càng tưới thì càng lên. Mà ở đây không phải là ngò hay rau cải. Đây là sự bực bội, giận hờn và bất mãn. Không những vô tuyến truyền hình, sách báo, phim ảnh tưới tẩm mà chính những câu chuyện ta nói hàng ngày cũng có tác dụng tưới tẩm độc tố trong ta. Cho nên trong câu chuyện nói với nhau, ta phải rất cẩn thận.
Thiết thực hiện tại
Giáo pháp của Đức Thế Tôn có ba đặc tính.
Đặc tính thứ nhất là "thiết thực hiện tại", tiếng Phạn là "samdrstika". Drsti tức là thấy, thấy ngay trước mắt, hiện tại. ‘Thiết thực hiện tại’ nghĩa là giáo pháp của Đức Thế Tôn không hứa hẹn một hạnh phúc trong tương lai. Giáo lý của Đức Thế Tôn xử lý những vấn đề có thật trong giây phút hiện tại. Tức là trong hiện tại chúng ta có những khó khăn nào, có những khổ đau nào, có những cái kẹt nào thì giáo lý của Đức Thế Tôn là nhắm tới những cái khó khăn đó trong giây phút hiện tại chứ không phải hứa hẹn rằng: "Các con cứ tu đi rồi sau này các con sẽ được thế này thế khác". Điều đó rất thực tế, cái đó gọi là "samdrstika", tiếng Pali là Samditthika. Vậy thì chúng ta có những vấn đề gì ở trong gia đình, trong học đường, trong đoàn thể? Chúng ta phải đặt những vấn đề đó lên bàn và chúng ta cùng nhìn sâu. Chúng ta đang khổ đau về vấn đề chia rẽ, chúng ta đang khổ đau về vấn đề cha mẹ với con cái không truyền thông được với nhau, chúng ta đang khổ đau vì người này không hiểu người kia, vì người kia ép buộc người nọ phải theo ý kiến của mình. Tất cả những khổ đau đó phải được gọi tên ra. Và sau khi gọi tên chúng rồi thì chúng ta phải quán chiếu để thấy rõ ràng những nguyên do nào đã đưa tới những khổ đau đó, tức là khổ đế. Nhìn vào khổ đế thì thấy được bản chất của khổ đế, tức là tập đế. Sự thật thứ nhất là những khổ đau đang thực sự có mặt và sự thật thứ hai là những nguyên do gần xa đã đưa tới sự đau khổ đó. Đó là "tập đế". Người Huynh Trưởng phải ngồi xuống một mình để quán chiếu. Người Huynh Trưởng phải ngồi xuống với những người Huynh Trưởng khác để cùng quán chiếu. Người Huynh Trưởng phải ngồi xuống với các em để quán chiếu, để nhận diện những khổ đau có thật, để nhìn vào trong lòng khổ đau đó mà tìm ra những bản chất, những nguyên do gần xa của khổ đau đó. Đó gọi là sự thực tập. Và khi tìm ra được con đường rồi thì đó gọi là đạo đế, tức là sự thật thứ tư. Sự thật thứ ba là những đau khổ này có thể chấm dứt được, có thể chuyển hóa được, gọi là diệt đế. "Diệt" tức là diệt khổ. Rất đơn giản. Tôi xin được nhắc lại sự thật thứ nhất là những khổ đau hiện thực đang có. Sự thật thứ hai là những nguyên nhân gần xa đưa tới sự thật đó. Sự thật thứ ba là những đau khổ này có thể chấm dứt được và sự thật thứ tư là có con đường đưa tới sự diệt khổ và đem lại an lạc. Đó là nguyên tắc "tứ diệu đế". Vì vậy cho nên đặc tính thứ nhất của giáo lý, của "dharma" là "thiết thực hiện tại", "samdrstika".
Vượt thoát thời gian
Đặc tính thứ hai của giáo pháp là "bất quản thời nhật", là vượt thoát thời gian, tiếng Phạn là "akalika". Tức là phương pháp của Đức Thế Tôn đưa ra, những pháp môn mà Đức Thế Tôn đưa ra để ta thực tập, ta không cần phải thực tập tám năm hay mười năm mới có kết quả. Nó không phải là vấn đề thời gian. Giờ phút mà ta bắt đầu nắm lấy giáo pháp để thực tập thì bắt đầu có hiệu quả liền lập tức, gọi là vượt thoát thời gian. Ví dụ như quý vị thực tập bài hồi nãy: "Tôi đang thở vào và có ý thức về khuôn mặt của tôi. Tôi đang thở ra và mỉm cười với khuôn mặt của tôi", thì tự nhiên quý vị có sự buông thư liền lập tức, có hiệu quả liền lập tức, có kết quả tức thời. Cũng như khi đi thiền hành, không biết đi thiền hành thì thôi, nhưng mà nếu có bạn, có thầy đã chỉ cho ta cách đi thiền hành rồi thì khi bước bước thứ nhất, bước thứ hai thì ta đã có sự đổi mới ở trong thân và trong tâm liền lập tức. Quý vị có biết rằng cái mà ta gọi là "hiện pháp", ta gọi là "thân tâm nhất như"- the oneness of body and mind – đó là cái kết quả của sự tu học. Mà chỉ cần thở vào một hơi, thở ra một hơi trong ý thức là có thể đạt tới kết quả đó liền, tức là "thân tâm nhất như". Ban đầu thì tâm một nẻo, thân một nẻo, ta ở trong thất niệm. Mà khi nghe tiếng chuông là ta bắt đầu theo dõi hơi thở: "Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười", thân tâm trở lại hợp nhất và ta thật sự có mặt. Đâu cần tám năm mới làm được chuyện đó, chỉ cần vài giây đồng hồ thôi. Giáo pháp của Đức Thế Tôn có hiệu quả ngay từ khi chúng ta bắt đầu thực tập. Và nếu chúng ta tiếp tục thực tập thì hiệu quả càng tăng tiến theo thời gian. Cái đó gọi là "vượt thoát thời gian". Bắt đầu thực tập là bắt đầu có kết quả mà càng thực tập thì kết quả càng lớn. Còn nếu mà người ta dạy cho ta một pháp môn mà ta tu ba, bốn, năm năm chẳng thấy động tĩnh gì hết thì ta biết rằng pháp môn đó không đúng, không thích hợp. Cũng như một người nông phu biết rằng thứ phân bón này tuy tốt nhưng nếu bỏ vào lúa thì lúa chết mà cứ tiếp tục dùng loại phân bón đó năm này sang năm khác thì người nông phu đó không phải là một người nông phu thông minh. Phải bỏ liền để đi tìm một thứ phân bón khác thích hợp hơn. Chúng ta cũng vậy, khi được trao truyền một pháp môn mà ta thực tập không có hiệu quả thì ta phải trở về hỏi thầy, hỏi bạn để kiểm chứng lại coi thử là điều mà ta học đó có đúng hay không. Chứ ta không dại dột gì cứ tiếp tục thực tập như vậy hoài mà không có kết quả gì cả trong suốt mười, hai mươi năm tu hành.
Điều này ta có thể chứng nghiệm được. Nếu quý vị về Làng Mai, nếu quý vị có thể tham dự những khóa tu thì quý vị thấy rằng có nhiều người chỉ mới tham dự một khóa tu năm ngày thôi mà đã có sự chuyển hóa ở trong thân tâm, gia đình làm hòa lại với nhau, khôi phục lại được hạnh phúc mà họ đã mất từ hai ba năm về trước. Vì vậy cho nên giáo pháp của Đức Thế Tôn có hiệu quả liền lập tức khi mà ta bắt đầu tu tập.
Đến để mà thấy
Đặc tính thứ ba của giáo pháp là "đến để mà thấy", tức là kinh nghiệm trực tiếp không cần phải qua trung gian của một người nào khác dầu đó là một vị hòa thượng hay là một vị thượng tọa, một vị đại đức, một vị xuất gia. Ta là người có sự suy nghĩ độc lập của mình. Ta là người có thể có kinh nghiệm trực tiếp. Tại sao ta không tới với giáo pháp một cách trực tiếp để tự mình thử nghiệm, để tự mình biết được giá trị của chánh pháp? Ví dụ khi người ta nói rằng trái kiwi ăn ngon lắm thì ta nói: "Đâu, đưa trái kiwi cho tôi đi để tôi có kinh nghiệm trực tiếp." Tại sao ta có miệng, có lưỡi, có tay nhưng ta lại không trực tiếp kinh nghiệm trái kiwi mà phải căn cứ trên lời nói, trên chứng từ của người khác để có niềm tin? Không, ta không cần qua trung gian của một người nào khác dầu đó là một vị xuất gia, dầu đó là một vị tăng lớn. Ta có thể tới mà tự mình chứng nghiệm trực tiếp cái giáo pháp của Đức Thế Tôn. Cái đó gọi là "ehipassika". Tiếp nhận trực tiếp giáo pháp đó và chúng ta phải áp dụng ngay trong đời sống bản thân, đời sống gia đình, và đời sống xã hội. Vậy thì khi mà ta đã tới và có kinh nghiệm trực tiếp về giáo pháp đó rồi thì tự nhiên ta có đức tin, ta có một nguồn năng lượng rất lớn ở trong trái tim mình. Người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử phải có một khối lửa ở trong trái tim. Khi ta thấy một người Huynh Trưởng mà hai mắt rất sáng, dáng đi rất vững chãi, miệng luôn luôn mỉm cười thì ta biết rằng người Huynh Trưởng này có một khối lửa ở trong trái tim, đó là "tín lực". Và người đó là một người đang đi tới. Một người như vậy không thể nào đứng yên một chỗ được, không thể nào đi lui được. Người đó là người đang đi tới và ta có thể có đức tin nơi người Huynh Trưởng đó.