Bốn cách tinh tấn (4)

Bo h thân tâm

Đó là vấn đề tiêu thụ. Ta cần phải sống, cần phải có niềm vui, cho nên ta phải tổ chức như thế nào để mỗi ngày đều có những niềm vui lành mạnh. Đừng để cho những giải trí độc hại tới chia rẽ, phá đám và làm tiêu ma thân thể cũng như tâm hồn ta. Chuyện này rất quan trọng. Nếu ông bà nhìn thấy được tình trạng đó thì ông bà không để cho các cháu đi trên đà xuống dốc như vậy. Ngày nay thanh niên Tây phương, thanh niên Mỹ tự tử, đi theo băng đảng rất nhiều, và đi vào tù cũng nhiều. Ngay trong số Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử cũng có vị Huynh Trưởng đang còn ở tù. Thành ra ta phải rất cẩn thận. Ta phải tỉnh thức, không nên để cho tình trạng đó tiếp tục tiếp diễn như vậy. Vậy thì những giải trí thường ngày là gì? Đi coi hát, đi nghe nhạc, đi nhảy, đi ăn nhà hàng… Và nhiều khi trong gia đình cô đơn quá nên ta đi với một người bạn, bạn gái hoặc bạn trai. Và nếu ông không có hạnh phúc trong gia đình thì ông có thể bị cám dỗ đi theo một người đàn bà khác, hoặc bà không có hạnh phúc trong gia đình, bà đang khổ đau với chồng, khổ đau vì con thì bà cũng có thể bị hấp dẫn và đi theo một người đàn ông khác, làm cho tan nát gia đình. Chuyện vợ bé, chuyện đi theo một người đàn bà khác, chuyện hẹn hò, rồi vướng mắc vào một người con trai, một người con gái khác, kéo ta đi vào những nẻo tối tăm, xảy ra rất thường. Và những cuộc tình duyên đó, những mối liên hệ không chính thức đó đôi khi chỉ rất ngắn nhưng lưu lại rất nhiều vết thương ở trong lòng ta cũng như trong lòng của người kia. Ta cảm thấy cô đơn, tìm tới với nhau, và tưởng rằng khi hai thân xác phối hợp với nhau như vậy sẽ bớt cô đơn. Nhưng thực tế thì ta không hiểu nhau, không thấy được những nỗi khổ niềm đau của nhau, không giúp nhau giải tỏa được khổ đau và những khó khăn mà chỉ tới với nhau bằng xác thịt. Sau đó ta mới thấy rõ rằng nỗi cô đơn của mình còn y nguyên như cũ, không bớt được chút nào hết. Đã vậy ta còn bị lệ thuộc và rồi có thêm rất nhiều khổ đau xuất phát từ chuyện phối hợp đó vì giữa hai tâm hồn mà không có sự thông cảm, hiểu biết thì sự phối hợp của hai cơ thể chỉ làm cho tình trạng thêm tối tăm, thêm xót xa mà thôi. Chuyện đó xảy ra rất nhiều cho thanh niên và cho cả người lớn. Như vậy thì càng ngày ta càng lún sâu vào vũng lầy tăm tối và gia đình ta càng ngày càng khổ đau. Cho nên giới thứ ba rất quan trọng, giới thứ ba bảo vệ gia đình của ta, bảo vệ tương lai hạnh phúc của ta. Người trẻ đã đau khổ rất nhiều trên nẻo đường đó, người lớn cũng vậy, cũng đã đau khổ rất nhiều trên đường đó. Tiếng chuông của Đức Thế Tôn gióng lên rất rõ ràng: chúng ta phải xây dựng lại gia đình của chúng ta, chúng ta phải chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong chúng ta. Chúng ta không thể tìm được sự khuây khỏa ở những nẻo khác, nẻo tiêu thụ, nẻo giải trí, nẻo tà dâm vì nó chỉ làm cho những khổ đau ngày càng chồng chất mà thôi.

Các sinh hoạt thanh niên, cắm trại, trò chơi lớn đều có mục đích giáo dục, tưới tẩm những hạt giống tích cực trong tâm của người đoàn sinh. Vì vậy ta phải biết chọn lựa. Những trò chơi, bài hát, câu chuyện, cuốn phim nào mà có tác dụng tưới tẩm được những hạt giống tốt của thương yêu, hiểu biết, tha thứ, hy sinh thì chúng ta đều sử dụng hết, dù nó có mang danh Phật giáo hay không. Còn những ca khúc, câu chuyện, phim ảnh, bài hát mà tưới tẩm hạt giống sầu đau, bạo động, căm thù thì chúng ta không được sử dụng. Có những người nhân danh Phật tử, đạo pháp mà đưa ra những tư tưởng đầy căm thù, giận hờn, bạo động. Chúng ta không thể nào dùng được những tư liệu đó.

Tiêu thụ  ý thức

Đó gọi là tiêu thụ có ý thức, đó là đối tượng của giới thứ năm. Nhiều khi người ta không dùng chữ chánh niệm nhưng người ta có thực tập chánh niệm. Ví dụ bên Mỹ bây giờ, giới trí thức và giới trẻ rất ít ăn thịt và không ăn thịt mỡ vì họ ý thức được sự nguy hiểm của bệnh "high cholesterol". Nhưng người Việt mình vẫn còn thích ăn thịt mỡ, như trong truyền thống món thịt kho tàu của miền Bắc là món ăn kho thịt mỡ rất nhiều. Đôi khi người Mỹ không ăn thịt mỡ nhiều không hẳn là họ thực tập không sát sanh, chỉ vì trước hết là họ lo cho bản thân của họ, họ không muốn bị đứng tim. Cho nên giới trí thức, giới trẻ có học ăn thịt rất ít, chỉ có giới bình dân, ít học mới ăn thịt nhiều mà thôi. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, giới trí thức và tuổi trẻ ăn thịt rất nhiều, chỉ có giới nghèo là ăn thịt ít vì nghèo mà không có thịt để ăn nhiều thôi. Ở ngoại quốc giới trí thức cũng đã bớt uống rượu và nhất là bỏ thuốc lá. Cách đây mấy chục năm, ta không thể tưởng tượng được là bây giờ ta có thể đi vào những nhà hàng mà trong đó người ta cấm hút thuốc. Ngày xưa đi vào nhà hàng là ta ngửi thấy mùi thuốc lá rất ngộp. Ta cũng không hề tưởng tượng là có những chuyến bay "non-smoking", cấm hút thuốc như bây giờ. Bây giờ hãng máy bay nào mà không có những chuyến bay không hút thuốc lá thì sẽ ít khách. Đó là sự tiến bộ rất lớn, một sự giác ngộ. Ngày xưa rất khó tìm được đậu hũ trong các siêu thị ở Châu Âu và Châu Mỹ, người ta chỉ biết ăn thịt mà không biết ăn đậu hũ, trong khi đậu hũ có rất nhiều chất đạm và protein. Vậy mà bây giờ hầu hết các siêu thị của Mỹ đều có bán đậu hũ để thay thế cho thịt, đó là những tiến bộ của xã hội. Đứng về phương diện chánh niệm về tiêu thụ, có những cái thụt lùi và có những cái tiến bộ. Số người chết mỗi năm vì ung thư phổi rất nhiều, khiến cho người ta bừng tỉnh, thấy được sự tai hại của việc hút thuốc. Người Tây phương bây giờ hút thuốc rất ít nhưng đồng bào Việt Nam còn hút thuốc rất nhiều, nhất là những người vừa mới qua, họ hút thuốc như cái đầu tàu xe lửa. Người Mỹ đã đạt tới thành quả vẻ vang về chuyện hút thuốc, nên trên mỗi bao thuốc đều có ghi một câu là "Hãy cẩn thận, hút thuốc lá có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mình". Mà luật bắt buộc phải in câu đó trên tất cả mỗi bao thuốc. Quý vị có biết là các hãng sản xuất thuốc lá rất giàu, họ tranh đấu vô cùng mãnh liệt, tung ra bao nhiêu là tiền để chống lại việc ra cái luật đó, nhưng cuối cùng nhân dân đã thắng, quần chúng đã thắng và đã có đạo luật bắt buộc phải để câu đó trên bao thuốc lá. Đó là một thắng lợi lớn của chánh niệm. Đó là tiếng chuông chánh niệm. Anh cứ hút thuốc đi và anh sẽ lãnh đủ. Nếu chúng ta thực tập chánh niệm, chúng ta sẽ có rất nhiều người đứng về phía liên minh của chúng ta.

Chúng ta phải làm sao để dán lên mỗi chai rượu cái câu mà đã được dán lên mỗi bao thuốc vì chai rượu nào cũng nguy hiểm hết, nó nguy hiểm tương đương với thuốc lá: hãy cẩn thận, rượu có thể giết người, có thể làm tan nát gia đình, có thể làm chia rẽ đời sống đôi lứa, có thể làm cho các con vất vưởng, mồ côi cha, mồ côi mẹ. Rượu có thể tàn phá xã hội này. Mỗi năm số người bị chết về tai nạn xe hơi do uống rượu rất nhiều, con số đó rất kinh khủng. Nhất là ở tiểu bang Texas, người chết vì rượu rất nhiều. Những đợt thống kê vừa rồi cho biết những đứa trẻ hiện bây giờ là nạn nhân của rượu rất lớn, nhiều hơn là ma túy nữa. Vì vậy chúng ta phải tranh đấu để có câu đó trên mỗi chai rượu, tranh đấu để người ta không thể mua rượu một cách dễ dàng và cuối cùng ta có thể loại rượu ra khỏi đời sống của người trẻ tuổi. Tuy nhiên rượu có nhiều khi được sử dụng một cách thông minh như rượu có thể dùng để ngâm thuốc, vì có những món thuốc Bắc cần phải ngâm rượu, cần phải sao, rồi tẩm thì thuốc mới có hiệu lực. Rượu có thể dùng cho thánh lễ, rượu có thể dùng vào mục đích khác. Ví dụ có những món ăn mà người ta sử dụng rượu để nấu ăn, mà khi nấu xong rồi thì chất rượu biến mất, chỉ còn mùi thơm của rượu thôi. Ở San Francisco có một tiệm ăn chay mà ở đó họ dùng rượu để kho nấm. Nấm mà kho có chút rượu trắng thì rất ngon, trong đó hoàn toàn không còn chất rượu nào. Người Cơ Đốc Giáo, người Do Thái Giáo, trong nghi lễ của họ có dùng tới rượu, nên trước khi lãnh thọ Năm Giới họ hỏi tôi: ‘Nếu chúng con thực tập theo giới thứ năm không uống rượu thì chúng con phản lại truyền thống thánh lễ của chúng con vì trong truyền thống thánh lễ nào cũng phải dùng rượu’. Tôi trả lời rằng: ta có thể khai giới được. Trong thánh lễ ta được dùng rượu nhưng ngoài thánh lễ thì một giọt rượu cũng không uống. Những người phát xuất từ truyền thống Do Thái giáo và truyền thống Cơ Đốc giáo đã chấp nhận điều đó và họ sống với hai truyền thống của họ một cách rất dễ dàng, rất thích hợp. 

Hiện nay ta thấy người gốc Cơ Đốc giáo thực tập đạo Bụt càng ngày càng đông vì họ không thấy có sự chống đối giữa đạo gốc của họ và nền văn minh tâm linh của đạo Bụt. Điều này rất hay. Thay vì cái cây có một gốc rễ thì có hai gốc rễ sẽ càng thêm tốt thêm tươi. Thành ra chuyện mà một người con trai đạo Chúa cưới một người con gái đạo Bụt cũng được, với điều kiện là cả hai người đều thực tập cả hai truyền thống, cũng như sau này khi những đứa con sinh ra đều được thực tập cả hai truyền thống, khỏi có những khổ đau da diết, những phân biệt, kỳ thị, chia cắt như là trong quá khứ. Trong quá khứ thì hai bên đều chống đối nhau: bên Thiên Chúa cũng chống đối mà bên theo Phật giáo cũng chống đối. Bây giờ ta mở ra một nẻo thoát. Giống như ăn xoài vậy. Ta thấy ăn xoài rất ngon nên ta chỉ trung thành với xoài thôi, ta không chịu ăn kiwi là vì ta hẹp hòi, chứ kiwi cũng ngon lắm. Ta có thể thưởng thức cả hai thứ, vừa xoài vừa kiwi, chứ tại sao lại nhất định không ăn kiwi? Trong đạo Phật có những cái hay và trong đạo Chúa cũng có những cái hay, vậy tại sao ta không biết lợi dụng, sử dụng hết những cái hay của cả hai truyền thống? Mở ra được điều đó thì cởi trói cho rất nhiều người. Anh là người Cơ Đốc giáo, anh cưới em là người đạo Bụt thì anh hứa mỗi ngày rằm, ngày mồng một anh sẽ đi chùa với em, anh sẽ nghe pháp thoại, anh sẽ thực tập Năm Giới. Em là người theo đạo Bụt nhưng em yêu anh, em đi nhà thờ với anh mỗi sáng chủ nhật và chúng ta sẽ học hỏi về mười điều răn bên đạo Chúa. Chúng ta giữ cả hai truyền thống, một bên mười điều răn, một bên Năm Giới và giữa hai truyền thống cũng có những điều rất tương đồng, hai cái sẽ bổ túc cho nhau và mỗi người chúng ta đều có hai gốc rễ. Rồi khi những đứa con chúng ta ra đời, chúng ta cho nó thương mến cả hai thứ gốc rễ và giữa hai đạo không có sự chống báng, chiến tranh với nhau nữa, đó là tương lai rất tốt đẹp.