Bốn cách tinh tấn (2)

Tự ký hiệp ước

Trước hết ta phải tự ký với ta một bản hợp đồng, một hiệp ước vì ta có thân thì ta phải lo, phải chuyển hóa. Khi thân ta chưa được chăm sóc, chưa được chuyển hóa thì ta tiếp tục làm khổ bản thân ta và những người thương của ta. Vì vậy ta phải ký với bản thân ta một hiệp ước. Hiệp ước đó gồm những điều sau đây: ta nhận thức được rằng lâu nay ta đã sống trong sự lãng quên, sự buông thả và vì vậy ta đã để cho những hạt giống xấu, những độc tố trong người ta tích chứa và phát triển. Ta tiếp tục đi tìm những phương pháp gọi là giải trí để tiêu khiển, để quên đi những nỗi khổ niềm đau đó chứ ta không thật sự trở về để chuyển hóa chúng. Bây giờ ta phát nguyện ta sẽ không làm như vậy nữa. Đó là nội dung của giới thứ năm. Từ nay trở đi, những phương pháp giải trí phải lành mạnh, phải tưới tẩm được những hạt giống tốt trong ta. Những phương tiện giải trí nào không lành mạnh và những phương pháp nào mà chỉ tưới tẩm những hạt giống của bạo động, của căm thù, của kỳ thị thì ta nhất định không chấp nhận những phương pháp đó: hoặc là phim ảnh, hoặc là tiểu thuyết, hoặc là máy vi tính, hoặc là internet, hoặc là những câu chuyện ta nói hàng ngày. Tất cả những phương tiện nào gọi là giải trí không lành mạnh thì ta phải viết xuống trên một miếng giấy: đây là những phương tiện giải trí không lành mạnh mà từ nay trở đi con sẽ không sử dụng nữa. Hứa với Bụt tức là ta hứa với bản thân mình vì Bụt không ở đâu xa cả, Bụt ở ngay trong trái tim ta. Điều này rất quan trọng. Người lớn cũng vậy mà người trẻ cũng vậy. Ta biết những giải trí không lành mạnh ấy có khả năng phá hoại thân tâm của ta và làm khổ những người thân của ta. Ta lấy một tờ giấy, và ta viết xuống những điều đó rồi ta hỏi anh ta, em ta, chị ta, người bạn hôn phối của ta xem ta còn thiếu cái gì không; rồi ta làm một danh sách cho đủ những phương tiện giải trí mà có chứa đựng độc tố. Sau đó ta lật ra trang kia và nói đây là những phương tiện giải trí có tính cách lành mạnh và không có độc tố, tưới tẩm những hạt giống thương yêu, tha thứ, hạnh phúc của ta. Ta chép xuống những điều đó. Như khi ta ngồi chung và hát bài: ‘Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh’ thì ta hát rất vui nhưng trong khi hát vui đó ta cũng đồng thời tưới tẩm những hạt giống của sự tín thành. Đó là một loại giải trí lành mạnh. Đôi khi ta không gọi đó là giải trí nhưng kỳ thực nó đem lại cho ta niềm vui và hạnh phúc rất nhiều. Khi ta đi lên chùa, lên một tu viện, ta thực tập đi từng bước vững chãi và thảnh thơi như Đức Thế Tôn đã đi thì mỗi bước như vậy làm thân ta nhẹ nhàng, lòng ta phơi phới, mỗi bước làm ta tiếp xúc được với trời xanh, mây trắng, tiếng chim ca. Trong mỗi giây phút như vậy ta đưa những chất bổ dưỡng, nhẹ nhàng, thanh thoát vào trong thân và tâm ta.

Quý vị có thấy ở chùa các thầy, các sư cô bước đi những bước vững chãi thảnh thơi và nở những nụ cười rất tươi không? Tại vì trong lòng họ đã chuyển hóa rất nhiều độc tố. Họ biết sống an lạc trong giây phút hiện tại, họ biết rằng cãi nhau, giận nhau chỉ làm cho hai bên cùng khổ nên họ thực tập nói và hành xử với nhau một cách nhẹ nhàng và thân ái. Khung cảnh thiền môn là khung cảnh thuận lợi cho chúng ta có thể trở về và tắm mình trong dòng suối tươi mát của Phật pháp. Khi lên chùa hay lên tu viện thì ta cũng được đi những bước chân thanh thản nhẹ nhàng như các thầy, các sư cô, ta cũng được ăn những bữa ăn đạm bạc và ngon lành không có độc tố. Khi nghe chuông, nghe kinh, nghe tán, nghe hát thì những âm thanh đó chỉ đem lại cho ta những niềm vui và hạnh phúc, chỉ tưới tẩm những niềm vui và hạnh phúc trong ta mà thôi chứ những lời kinh, giọng hát đó không bao giờ tưới tẩm những hạt giống của sự tuyệt vọng, phiền não, sợ hãi trong tâm ta. Ta phải chép xuống tất cả những biện pháp nuôi dưỡng lành mạnh mà ta phải có mỗi ngày. Ta cần phải có thức ăn mới lớn lên được. Trong bài kinh cúng cơm trưa cho Đức Thế Tôn có bốn chữ "thiền duyệt vi thực". Thiền duyệt vi thực có nghĩa là niềm vui của sự thực tập thiền, là thức ăn hàng ngày nuôi dưỡng chúng ta. "Duyệt" là niềm vui, là hạnh phúc của thiền, "vi thực" tức là thức ăn. Nên mỗi khi tới chùa, tới tu viện là ta tiếp nhận những thức ăn rất bổ dưỡng cho thân tâm. Mà nhiều khi không cần lên tới chùa, ở ngay nhà, khu phố, công viên nơi ta ở, ta cũng có thể thực tập được những điều như vậy. Thực tập được như vậy tức là nuôi dưỡng những niềm vui, hạnh phúc của ta.

Chọn bạn chơi

Ta phải chọn bạn mà chơi, người bạn mà khi ngồi một bên ta thấy khỏe trong người, thấy lòng tràn đầy thương yêu và tha thứ. Có những người bạn mà khi đi chơi với họ chừng nửa giờ hay một giờ là ta thấy mệt rồi vì trong người bạn đó có nhiều độc tố, có một sức mạnh cuốn hút ta đi tới những con đường say sưa, mê hoặc. Nếu ta đi chơi với những người bạn đó, để thì giờ ra để đi theo những người bạn đó thì ta sẽ bị cuốn hút và bị tưới tẩm những hạt giống xấu. Đó gọi là những con đường ác đạo, những con đường xấu. Ta phải đi tìm những con đường tốt, mà những con đường tốt ấy chỉ có thiện hữu tri thức mới đưa mình đi tới mà thôi. Thiện hữu tri thức tức là bạn tốt. Vì vậy ta phải lấy một tờ giấy thứ hai, viết xuống tên những người bạn tốt có thể có. Và ta tìm đủ mọi cách để có thì giờ được đi chơi với những người bạn tốt đó. Bạn tốt, danh từ của đạo Bụt gọi là "thiện hữu tri thức", tiếng Phạn là "kayanamutra". Trong nghi thức truyền giới, trước hết ta lạy cha mẹ, những người sanh thành ra ta; kế tiếp ta lạy thầy, các vị thầy đã đưa đường chỉ lối cho ta trên con đường tu học Phật pháp; cái lạy thứ ba ta hướng về các bạn, những bạn hiền đã nâng đỡ và hướng dẫn ta, giúp đỡ ta trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Giới tử mang ơn bằng hữu các bậc thiện tri thức đã tác thành cho. Lạy xuống trước Tam Bảo trong mười phương. Thành ra người nào có được một thiện hữu tri thức, hai thiện hữu tri thức, ba thiện hữu tri thức là người đó may mắn. Thiện hữu tri thức của ta cũng là thầy, sư anh, sư chị, sư em ta; thiện hữu tri thức cũng là bạn đồng hành của ta, có thể là em, là con ta. Khi con ta, em ta biết con đường tu học thì trở thành thiện hữu tri thức của ta. Tôi biết có nhiều người trẻ biết tu học đã đưa được bố mẹ trở về con đường chánh và những người trẻ đó là thiện hữu tri thức của cha mẹ. Trong khóa tu ở miền Nam Cali đã có những người trẻ đến tu học, và sau khi tu học họ đã chuyển hóa được những phiền giận với cha mẹ, họ thương trở lại cha mẹ, họ thực tập rất giỏi và hướng dẫn cha mẹ đi dự những khóa tu, rồi cha mẹ cũng bắt đầu tu tập và chuyển hóa. Như vậy thì con cháu cũng có thể là thiện hữu tri thức của cha mẹ chứ không phải thiện hữu tri thức là những người bằng tuổi hoặc lớn tuổi hơn mà thôi. Cho nên quý vị phải lấy một tờ giấy thứ hai và chép vào mặt trước tên những người thiện hữu tri thức mình đang có, mà những người thiện hữu tri thức có thể còn rất trẻ tuổi. Sau khi viết được ba bốn tên ta tự nghĩ sao ít vậy, rồi ta hỏi những người thân. Những người thân có thể chỉ cho ta thêm những người mà ta quên tên. Kỳ thực ai cũng có thể có nhiều hơn ba, bốn người thiện hữu tri thức. Làm một danh sách cho khá, mười người hay trên mười người thì ta mới sống sót được. Rồi lật qua trang bên kia, ghi tên những người "ác hữu", những người đã đưa ta tới các nẻo tối tăm, khổ đau, lầm lạc. Viết tên họ xuống, có thể viết tắt cũng được. Viết xong thì hỏi anh, hỏi em, hỏi bạn tờ giấy đó ra làm sao, còn thiếu ai. Chỉ cho ta tên những người ác hữu không nên thân cận. Họ gọi điện thoại thì nói là ta rất bận, bận học, bận tu, bận giúp cha giúp mẹ, và xin lỗi. Ta phải cương quyết mới được vì những người đó cũng hấp dẫn lắm. Ta phải có một lập trường rất vững và đôi khi ta phải nhờ tới những người bạn thân của ta giúp đỡ thì ta mới có đủ can đảm để từ chối những người kia.

Đây là những phương pháp rất cụ thể mà quý vị phải làm. Ngày xưa người ta tu thiền không cần viết chì và giấy trắng nhưng ngày nay ta tu thiền có thể dùng phương tiện đó.

Tờ giấy đầu, có hai mặt, một mặt nói về những loại giải trí lành mạnh, một mặt là những loại giải trí không lành mạnh. Cất giữ tờ giấy đó và mỗi ngày nên đọc một lần rồi có thể trong vài hôm hay vài tuần nữa ta có một danh sách đầy đủ hơn. Tu hành mỗi ngày đều phải có tiến bộ. Tờ giấy thứ hai thì hai mặt mang tên những thiện hữu và những ác hữu của ta. Tên những thiện hữu càng ngày càng nhiều nếu ta khám phá ra được vì một thiện hữu có thể đưa tới thêm một thiện hữu khác. Một bạn hiền có thể đưa tới một người bạn hiền khác. Ở trong kinh có nói rằng chơi với bạn tốt như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng rồi thấm và mềm xuống. Dù chỉ chơi thôi chứ không làm gì hết. Dù ta không có tu học với người đó nhưng nếu đó là một người hiền thì đi với người đó, ngồi với người đó, ta sẽ có cơ hội thấm được những chất liệu lành, tốt của người đó (thân phụ thiện giả như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận). Mặt kia ta viết xuống tên của những ác hữu. Ác hữu nhưng có thể rất là hấp dẫn, chính họ đưa ta đi về địa ngục. Ngày xưa có một bài hát "Take my hand, I will bring you to paradise" (Cầm tay tôi, tôi sẽ đưa em lên thiên đàng). Nhưng với ác hữu là "take my hand, I will bring you to hell" (Cầm tay tôi, tôi sẽ đưa anh về địa ngục). Mà địa ngục có đâu xa, ở ngay kế ta đó thôi. Và sau khi viết xong danh sách các ác hữu thì ta hỏi bạn thêm tên của những người ác hữu còn quên chưa viết xuống. Và khi đã có danh sách rồi mà có điện thoại, người đó xưng tên thì ta phải thở, nhất định là không có nghe theo lời của người bạn ác đó. Có rất nhiều thú vui và niềm vui lành mạnh, nhiều lắm. Nhiều bậc cha mẹ ngỡ con đi tu là khổ, kỳ thực trái lại, con đi tu rất sướng vì suốt ngày được nghe, được nhìn, được làm, được chung đụng những điều rất lành mạnh. Và thức ăn cho thân và tâm mà mỗi ngày con tiếp nhận rất là hiền. Tu viện như một hải đảo bảo vệ cho ta, không để cho những độc tố của cuộc đời tràn vào xâm chiếm, phá hoại thân tâm. Trong tu viện có giới luật, có uy nghi, sư anh chăm sóc cho sư em, sư em chăm sóc cho sư chị. Tất cả mọi người đều chăm sóc cho nhau dưới lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn, của các bậc thầy nên rất là an toàn. Tới tu viện thì ta được hưởng sự an toàn đó.

Giải trí lành mnh

Ta có thể học thêm vài nguyên tắc cụ thể để có thể thực tập cho vấn đề này. Chúng ta rất cần được nuôi dưỡng bởi những yếu tố lành mạnh tươi mát nên vấn đề giải trí rất quan trọng. Giải trí, như chúng ta biết, một mặt giúp cho chúng ta quên bớt những lo lắng, khổ đau, đó là giải pháp tạm bợ nhưng mà nhiều khi chúng ta vẫn cần. Mặt khác, giải trí có thể tưới tẩm những hạt giống thương yêu, hạnh phúc trong ta. Cho nên chúng ta phải chọn những loại giải trí rất lành mạnh. Vậy thì chúng ta phải tổ chức những buổi họp, những hội nghị gia đình trong đó gồm có người lớn và người trẻ để bàn rất sâu sắc về những phương tiện giải trí của gia đình, của từng người trong gia đình; những phương tiện giải trí vừa lành mạnh vừa có tính cách nuôi dưỡng để bảo vệ thân tâm. Chúng ta cũng có thể mời những người khác tới tham dự để người đó góp ý, nhưng mà chúng ta đừng mời những người chưa có khả năng nói sâu, chúng ta chỉ nên mời những người đã tu tập thành công, đã có chuyển hóa và có hạnh phúc trong gia đình của họ. Có những người nói rất hay, thao thao bất tuyệt, lý thuyết rất giỏi nhưng mà trong gia đình họ không có hòa thuận, không có hạnh phúc. Vậy thì những người đó chúng ta không mời, chúng ta chỉ mời những người truyền thông được, đại diện được cho sự thực tập có hạnh phúc mà thôi. Chúng ta mời một hay hai người, những người đó có thể là những người trẻ hay là người lớn tuổi mà ta biết rằng mời vào thì người đó có thể ngồi như là một thành phần của gia đình. Có mặt họ nhưng ta không ngần ngại nói ra những điều trong gia đình ta cho họ nghe và phẩm chất hội nghị gia đình có thể tăng cường bằng sự có mặt của một người bạn thân, một người có thể được gọi là thiện hữu tri thức. Trong buổi họp chúng ta bàn về hai mặt: giải trí không lành mạnh và giải trí lành mạnh. Người lớn có những giải trí của người lớn và người nhỏ có những giải trí của người nhỏ. Có khi người lớn không ưa những cách giải trí của người nhỏ và người nhỏ không ưa những giải trí của người lớn, nhưng có những thứ giải trí mà cả người lớn và người nhỏ đều có thể tham dự chung. Chúng ta phải liệt kê ra ba loại như vậy.

Ví dụ như ta bàn tới vấn đề Ti-vi. Ti-vi là một dụng cụ giải trí cho tất cả mọi người. Người lớn cũng cần Ti-vi, người nhỏ cũng cần Ti-vi (có người tuyên bố không có Ti-vi là chết liền), nhưng mà Ti-vi giết mình từ từ. Ti-vi trút vào trong lòng mình những độc tố như bạo động, sợ hãi, căm thù, thèm khát. Ti-vi tưới tẩm những hạt giống thèm khát trong ta rất nhiều, thèm khát về danh, thèm khát về tài lợi, thèm khát về sắc dục. Do vậy Ti-vi trở thành độc hại vô cùng. Nhưng không phải vì vậy mà ta cầm lấy cái búa đập vỡ tan Ti-vi vì trong Ti-vi có những chương trình ta có thể học hỏi, có những hình ảnh rất đẹp, giúp cho ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của thiên nhiên, những bài học về khoa học, về nhân chủng học, về sử học rất hay. Vì vậy không ai dại gì mà lấy cái búa đập bể Ti-vi và nói là tại vì Ti-vi có chứa nhiều độc tố. Chúng ta đừng có thành kiến với cái Ti-vi. Chúng ta nên sử dụng Ti-vi với sự thông minh của chúng ta, với khả năng biết phân biệt đâu là độc tố, đâu là những yếu tố lành mạnh có thể nuôi dưỡng ta. Vì vậy con cái rất cần tuệ giác của cha mẹ và của những bậc tri thức tại vì nếu con cái mà không biết sử dụng Ti-vi thì một ngày mai, con cái sẽ lãnh đủ tất cả những gì xấu mà Ti-vi cung cấp, con cái sẽ theo băng đảng, con cái sẽ xách súng vào trong trường bắn những đứa con nít khác. Khi có sự bực tức mà không biết làm sao điều phục thì người ta biểu lộ sự bạo động ấy ra và làm tan nát hết. Vậy thì chúng ta đồng ý rằng ta không đập bể Ti-vi nhưng mà ta phải làm thế nào để Ti-vi không phá hoại gia đình mà chỉ xây dựng gia đình thôi. Do đó cho nên phải nghiên cứu, phải coi những chương trình nào của Ti-vi mình có thể coi được, những chương trình nào người lớn nên coi, chương trình nào trẻ em nên coi, và những chương trình nào người lớn và trẻ em cùng nên coi. Có những phim tài liệu nghiên cứu về địa chất học, về lịch sử con người, về đời sống thú vật, về đời sống cây cối, mà nếu ta không được coi thì thật là quá uổng. Vậy ta phải để ý, phải biết được trong Ti-vi ngày nào có những chương trình gì và ta nhất định chỉ coi những phim tài liệu, những chương trình có tính cách giáo dục.

Ở bên Mỹ có một đài truyền hình có tính cách giáo dục, tuy chưa hoàn mỹ, nhưng mà trong những chương trình của đài truyền hình đó có rất nhiều tư liệu để cho cha mẹ và con cái có thể ngồi chung, coi chung và sau đó đàm luận với nhau. Những chương trình nào hay thì ta có thể thâu vào video để mấy hôm sau còn có thể coi lại. Vì vậy cho nên như chúng ta đã nói, không cần đập bể Ti-vi mà phải sử dụng Ti-vi một cách rất là thông minh. Tôi biết có một gia đình sống ở Boston mà trong đó có tới ba thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà: có ông bà, cha mẹ và con cháu. Họ cũng có một cái Ti-vi nhưng ngộ lắm, khi nào có một phim hay, một phim có giá trị đã được quảng cáo trước bốn hay năm ngày gì đó thì cả gia đình hẹn nhau cùng coi phim chung. Tới giờ đó bà nội, bà ngoại đi rửa mặt, chải tóc, mặt áo đàng hoàng. Rồi cha mẹ các cháu và các cháu đều chuẩn bị đàng hoàng như là đi coi hát vậy. Sau đó tới ngồi trước Ti-vi, ngồi rất đàng hoàng, có ly nước cam để uống với nhau trong thời gian chờ đợi tới giờ phim chiếu. Sau khi phim chiếu xong rồi thì tắt máy, mọi người đi giải lao hoặc có thể ngồi đó đàm luận về nghệ thuật cũng như ý nghĩa của phim vừa coi, giống như là đi coi hát về vậy. Và sau khi coi hát có thể ăn cháo buổi khuya được. Có thể nấu cháo nấm hay là hủ tiếu gì đó để ăn với nhau và trong khi ăn có cảm giác ấm áp trong hạnh phúc gia đình. Rồi họ mới đàm luận về những nhân vật đóng phim như thế nào. Nếu ai có kiến thức về phim ảnh và nghệ thuật thì có thể trao truyền những kiến thức đó cho những người khác và buổi đó là một buổi rất có hạnh phúc, mọi người đều có thể học hỏi được rất nhiều. Đã vậy họ khỏi tốn tiền mua vé và được ăn cháo khuya, ăn chè khuya ngay trong gia đình của mình, chuẩn bị đàng hoàng trong buổi chiều hôm đó nên không khí rất ấm cúng. Đó là chuyện một gia đình người Việt sống ở Boston. Tại sao ta không làm được như vậy? Chúng ta biết chánh niệm tức là khả năng có thể thấy được những gì đang xảy ra, có thể đánh giá được bản chất của những gì đang xảy ra là hiền hay là dữ, và chánh niệm cho ta biết rằng đó là phim tốt hay phim xấu. Phim tốt tưới tẩm hạt giống của tình thương, của sự yêu đời, của sự tha thứ, của những cái đẹp trong ta. Còn phim xấu thì làm cho ta thêm bạo động, thêm nghi kỵ, thêm sự căm thù. Và vì vậy phải chọn lọc những yếu tố sản phẩm ta tiêu thụ.

Du ngoạn

Chúng ta lại bàn xem ngoài những chương trình hay của vô tuyến truyền hình, chúng ta còn có những giải trí nào hay hơn nữa. Có những nơi rất đẹp, có những phong cảnh rất là thanh tú và có thể cuối tuần hay những ngày nghỉ, chúng ta chuẩn bị để cùng đi lên sống một, hai ngày ở những khung cảnh thiên nhiên thanh tú đó. Có những buổi du ngoạn mà những nơi du ngoạn đó ta có thể phải chuẩn bị hàng tuần trước. Ta phải làm cho cuộc du ngoạn đó thành công và trong suốt thời gian du ngoạn đó chúng ta chỉ tiếp xúc với những mầu nhiệm, những đẹp đẽ của cảnh trí mà thôi. Dĩ nhiên chúng ta sẽ ăn picnic ở đó, chúng ta có thể ngủ ở đó một đêm, chúng ta có thể mang theo một cái lều di động, và chúng ta có thể chuẩn bị như một ngày hội. Ngay trong khi cha mẹ với các con chuẩn bị trong tinh thần thương yêu đoàn kết thì đó đã có niềm vui rồi chứ không hẳn phải tới đó rồi mới có niềm vui. Đó là niềm vui nuôi dưỡng ta trong giây phút hiện tại. Cũng như ngày Tết, cái nao nức chuẩn bị ăn tết mới là vui. Đem bộ lư đồng xuống để đánh cho sáng lên, làm một vài thứ mứt để nghĩ mình sẽ cúng ông bà, để mình nhâm nhi với nhau và với bạn trong mấy ngày tết… Chính sự chuẩn bị đó đã vui rồi. Đem hết tài năng của mình ra chuẩn bị và mục đích là có niềm vui hạnh phúc, chứ mục đích không phải là tổ chức một cách hoàn mỹ. Muốn tổ chức một cách hoàn mỹ mà người này cho rằng ý kiến của mình mới hay còn ý kiến người kia thì dở; rồi cãi lộn nhau thì thà không đi còn hơn. Nhiều khi tại vì ta độc tài, ta muốn ý kiến của ta được tiếp thu, phải làm hết theo ý ta thì ta mới thích nên mới có chuyện cãi lộn. Vì vậy cho nên trong khi chuẩn bị thì đó đã là sự tu tập, làm sao mà điều hợp được những ý kiến của mọi người, nghe hết tất cả ý kiến của mọi người và nếu cần, ta buông bỏ ý kiến của ta để cho người kia được hạnh phúc. Đó mới gọi là tu, là hay. Còn ta hơi cứng, nhất định giữ ý mình, tuyên bố rằng ý này không được thì tôi không đi là thất bại rồi. Đi để có hạnh phúc, chứ không phải đi để rồi chia rẽ, ghét bỏ nhau.

Ta cũng có thể mời một gia đình bạn đến ăn cơm với ta và đó là hạnh phúc rất lớn. Đây là người bạn mà ta quý, gia đình bạn mà ta quý, thì khi mời họ đến ăn cơm ta phải chuẩn bị trước, làm sao để cho buổi tối đó thành công, đem lại hạnh phúc cho cả hai gia đình. Những bài hát nào ta sẽ hát cho họ nghe, những gì ta có thể chia sớt cho họ và đem những thực tập nào ta đã thành công để chia sẻ cho họ. Tại vì trong đời sống hàng ngày cũng như đời sống tâm linh của ta, ta có những thực tập, có những cố gắng, đã tạo ra sự hòa điệu và hạnh phúc nên ta muốn chia sẻ những cái đó. Hoặc là nếu ta mới đi Vermont năm ngày, mà trong năm ngày đó ta có nhiều niềm vui, nhiều thành công trong sự thực tập nên khi về đến thành phố ta muốn chia sẻ với một người nào đó. Ta sẽ tổ chức cuộc chia sẻ một cách rất cẩn thận: mời họ ăn cơm, bàn xem sẽ ăn món gì, ai làm món đó, rồi ta sẽ cho họ coi hình, xem băng, nói những gì ta muốn chia sẻ, v.v… thì trong thời gian cả buổi chiều đó vừa chia sẻ, vừa ăn cơm là ta hoàn toàn chỉ tưới tẩm hạt giống hạnh phúc mà thôi. Ta không tưới tẩm những độc tố, những buồn giận phiền muộn của mình.

Ta cũng có thể tổ chức đi chơi. Một cuộc chơi núi vừa làm cho thân thể ta mạnh khỏe, được thở khí trời trong mát và tiếp xúc với cây cỏ, hoa lá, những con vật mà ta chưa biết. Nếu có được một người rành về thực vật học đi cùng, ta nhờ người đó chỉ và nói tên từng loại cây, loại cỏ, loại hoa cho ta và các con ta được học thì rất quý. Đó là một kiểu du ngoạn để học hỏi rất lành mạnh, rất hay. Và nếu ta đi với một nhà địa chất học, thì nhà địa chất học đó sẽ cầm lên từng viên đá, chỉ vào từng triền núi mà nói cho ta biết lịch sử của địa chất. Đó là những chuyến du khảo học hỏi rất là quý giá. Đó không phải là những loại giải trí rẻ tiền có tác dụng độc hại.

Ta phải sống đời sống văn minh, mỗi ngày đời sống tâm linh của ta càng thanh nhã hơn, càng có văn hóa nhiều hơn, càng có tâm linh nhiều hơn tại vì trong đời sống tâm linh ta cũng lớn lên như trong đời sống của cơ thể. Nếu cơ thể ta lớn lên mà tâm linh của ta không chịu lớn lên thì mất sự thăng bằng. Đó là đứng về phương diện nghệ thuật, còn đứng về phương diện tâm linh ta cũng phải có thức ăn cho đàng hoàng. Đức Khổng Tử nói rằng nếu anh không đọc sách, nếu anh bỏ đọc sách chừng vài tháng thì anh sẽ bắt đầu quên. Cũng vậy, có những kiến thức về khoa học, về nghệ thuật, về xã hội người ta khám phá ra được mà ta lại rất quê, không biết gì hết, không biết kiến thức nhân loại đi tới đâu rồi thì thật là ta sống trong thời đại của thế kỷ 21 mà giống như sống trong thế kỷ 17, 18 vậy. Do đó ta phải biết rằng đó là những thức ăn ta phải có trong đời sống hàng ngày và phải biết học hỏi. Sự học hỏi không nặng nề, không có lao động cực nhọc vì học hỏi dưới hình thức này rất dễ chịu. Ví dụ như có một cuốn phim nói về sự sống của một bộ lạc ở Châu Phi hay Nam Mỹ. Văn minh của thế giới Tây phương chưa đi tới được góc rừng ấy, nhưng có những người làm phim đã đi tới tận đó và họ đã ở nhiều tháng để quay những hình ảnh về đời sống hàng ngày từ vật chất đến tinh thần của giống dân bộ lạc nói trên. Mà có nhiều người rất tài, họ quay được những hình ảnh mà ta không ngờ họ có thể quay được. Những người dân trong bộ lạc chưa bao giờ nhìn thấy một cái máy quay phim, một cái máy chụp hình, những người chưa bao giờ thấy hình ảnh thật của chính mình xuất hiện trên một cái màn ảnh và khi những người làm phim quay, họ cho ta thấy những hình ảnh đó và cho ta thấy sự ngạc nhiên lớn lao của những em bé và cả những người lớn, lần đầu tiên được thấy hình ảnh của mình xuất hiện ngay trong màn ảnh. Ta thấy cuộc sống của bộ lạc đó có những cái rất ngây thơ, rất đẹp mà bây giờ ta không có nữa, ta đã đánh mất. Ta thấy có những nếp sống có nền văn minh rất cao nhưng mà khi tiếp xúc với nền văn minh vật chất rồi thì họ bắt đầu đánh mất những cái đó, rất tội nghiệp.