Năm Giới quý báu (2)

Cái đp văn hóa

Ta cũng đã được học giới thứ ba là giới không tà dâm. Sự tà dâm tạo nên sự tan vỡ của gia đình, làm cho bao nhiêu đứa trẻ lớn lên không nơi nương tựa. Ban đầu ta đâu có muốn làm chuyện tà dâm, nhưng ta sống trong gia đình không có hạnh phúc, những nỗi khổ niềm đau không được thông cảm nên ta cô đơn, ta đi tìm một người có thể hiểu được mình rồi ta nghĩ rằng nỗi niềm cô đơn đó sẽ tan biến khi mà hai thân xác tới với nhau. Nhưng rồi ta sẽ tìm ra một cách rõ ràng là sự kết hợp của hai thân xác trong hành động tà dâm chẳng những đã không làm tan biến sự cô đơn mà còn làm cho sự cô đơn càng ngày càng lớn vì ta với người đó chỉ có sự kết hợp của hai thân xác mà không có sự kết hợp và hiểu biết của hai trái tim. Cho nên giới thứ ba rất quan trọng. Giới thứ ba có liên hệ mật thiết đến giới thứ năm. Chúng ta đã nói tới giới thứ năm ở trên. Chúng ta phải biết rằng vì tiêu thụ không có chánh niệm cho nên chúng ta đem vào trong thân không biết bao nhiêu là độc tố. Chỉ cần ăn thôi, chỉ cần uống thôi là ta có thể làm cho thân ta ngất ngư. Chỉ cần nghe những chuyện của những người xung quanh nói thì những hạt giống thèm khát và hận thù trong ta được tưới tẩm. Và những độc tố đó làm ung thối tâm tư của chúng ta, làm cho chúng ta trở thành một quả bom, quả bom của sự thèm khát, quả bom của sự hận thù và chúng ta gieo rắc không biết bao nhiêu là khổ đau chung quanh chúng ta và những người thương của chúng ta sẽ gánh chịu. Cho nên hãy cẩn thận trong việc tiêu thụ, kể cả việc tiêu thụ những chương trình vô tuyến truyền hình, những sách báo, kể cả internet, vì cái chất liệu của thèm khát, của hận thù theo nhiều đường dây đi vào trong tâm hồn của mình.

Năm Giới là để bảo vệ mình. Cái xã hội Bắc Mỹ đầy người trẻ Mỹ với đầy dẫy những hận thù và thèm khát; người trẻ gốc Việt đã ảnh hưởng sâu đậm lối sống của người trẻ Mỹ, sống bất cần đời, tàn phá sức khỏe, phản bội lại cha mẹ, phản bội lại tổ tiên, không bảo quản được thân thể và tâm hồn của mình. Tại sao lại có cái chuyện mới 13, 14 tuổi mà đi ngủ với nhau để có thai? Tại sao lại gia nhập vào băng đảng rồi bắn nhau ở cái tuổi 15, 16, 17 để đi vào tù? Trong nền văn hóa của chúng ta đâu có những hiện tượng đó. Trong nền văn hóa của chúng ta, khi đi học thì trước hết ta học cách hành xử rồi mới được học chữ nghĩa và khoa học. "Tiên học lễ, hậu học văn", lễ tức là lễ nghĩa, cách hành xử đúng phép. Khi mà một đứa trẻ 13, 14 tuổi ngủ với một đứa trẻ khác thì cái gì xảy ra? Cái xảy ra là cái mà tiếng Mỹ gọi là empty sex, tức là sự phối hợp của hai cơ thể mà không có một chút gì gọi là tình yêu, là sự cảm thông, là sự kính trọng ở trong đó cả. Trong khi đó theo văn hóa của chúng ta thì trong đêm tân hôn hai vợ chồng trẻ thương yêu nhau là cả một nghi lễ rất lớn, vì đó là lần đầu mà hai người tới với nhau về phương diện tiếp xúc thân thể. Trong giới thứ ba ta học rằng sẽ không có sự phối hợp giữa hai cơ thể nếu không có tình yêu sâu đậm, một cam kết dài hạn (sex will not happen without love and long term commitments). Điều này có ở trong truyền thống Việt Nam cũng như trong truyền thống Tây phương, nếu không có tình yêu sâu đậm và một cam kết dài hạn thì sự kết hợp giữa hai thân thể trở thành một chất liệu phá hoại rất lớn vì đó chỉ là empty sex, không có sự thương yêu, không có sự cam kết, không có sự kính trọng.

Trong truyền thống Việt Nam thì vợ chồng phải kính trọng nhau như những người khách, "tương kính như tân", và thân thể của ta linh thiêng vô cùng, không phải bất cứ ai cũng có thể đụng chạm được. Vậy mà ta không kính trọng thân thể ta, tức là ta đánh mất cái gia tài văn hóa và tâm linh của tổ tiên ta để lại. Trong nền văn hóa Á Đông của ta thì đầu ta là một chỗ rất linh thiêng, không phải ai cũng có thể tới mà đưa cái tay lên rờ đầu ta được. Đó là một sự xúc phạm rất lớn. Đối với người Mỹ thì xoa đầu không sao nhưng đối với người Việt mà xoa đầu thì xúc phạm lắm. Từ nhỏ, bố mẹ chúng ta hỏi: "con thương bố không?", "dạ con thương", "con thương mẹ không?", "dạ con thương", "con thương con để ở đâu?", "con thương con để trên đầu". Vậy thì đầu của ta là cái bàn thờ của tổ tiên. Quý vị thấy các thầy, các sư cô khi đang cầm một cuốn kinh hay đang cầm chiếc áo cà sa, nếu mà có người tới đưa một vật gì hay là chắp tay chào thì các thầy, các sư cô đôi khi để cuốn kinh đó hay là chiếc áo cà sa đó lên trên đầu, rồi mới chắp tay chào lại bởi vì trên đầu là chỗ xứng đáng nhất. Trong truyền thống văn hóa của ta thì đỉnh đầu là bàn thờ của tổ tiên tâm linh và huyết thống cho nên ta đừng để cho ai sờ đầu ta hết. Người lớn sờ đầu ta chưa chắc đã được huống hồ gì là bạn trai (boyfriend) hay là bạn gái (girlfriend). Trong thân thể của chúng ta cũng vậy, có những vùng mà không ai có quyền đụng tới được. Bắt tay thì được, hay vỗ vai thì được, nhưng trong cơ thể của chúng ta còn có những vùng cấm địa rất là linh thiêng mà không thể để cho một người nhìn vào hay sờ vào đó được. Đó là văn hóa của ta.

Từ thân thể đến tinh thần là một, "thân tâm nhất như". Nếu thân thể của ta bị khinh thường thì tâm hồn của ta cũng bị khinh thường cùng một lúc. Nếu kính trọng ta thì phải kính trọng thân thể của ta, chứ không thể nói là tôi chỉ kính trọng tâm hồn của anh thôi, tôi chỉ kính trọng tâm hồn của chị thôi. Nói như vậy là không đúng. Trong tâm ta có những vùng thiêng liêng, có những kỷ niệm, có những tư tưởng mà ta muốn dấu kín, ta không muốn cho ai biết. Chỉ khi nào có người bạn rất thân, thân lắm thì ta mới tỏ lộ được những tư tưởng thầm kín đó, những lo buồn đó, những ước mơ đó cho người bạn thân nghe mà thôi. Trong tâm ta có những vùng rất bí mật, không phải ai hỏi mình cũng nói hết. Những vùng đó như vùng Tử Cấm Thành trong hoàng thành của vua mà nếu ai đi vô đó thì sẽ bị chém đầu. Thân thể của ta cũng vậy. Thân thể ta có những vùng rất linh thiêng mà ta không muốn ai đụng tới, dầu ta là con trai hay con gái. Một người đàn ông cũng phải kính trọng thân thể của mình hoặc người khác. Khi một sư chú tới xoa bóp chân cho tôi thì sư chú phải ngồi yên lặng trước, thở ba hơi, vái thầy rồi mới đụng tới cơ thể của thầy để mà làm việc xoa bóp. Đó là theo truyền thống của chúng ta. Bởi vì trong cơ thể của ta, cơ thể của người con gái cũng như người con trai có những vùng đất cấm mà không phải ai cũng có thể rờ vào đó được. Chỉ khi nào ta có một người thương và là người thương nhất trên đời mà ta muốn sống suốt cả đời với người đó, ta đem hết cả con tim và khối óc ta mà tin cậy, trao gởi vào người đó thì chỉ có một mình người đó mới có thể đụng chạm tới những vùng cấm địa của thân thể ta mà thôi. Đó là văn hóa của chúng ta.

Cống hiến gia tài tâm linh và văn hóa

Vậy thì mẹ ta đã dạy chúng ta những điều đó chưa? Bố ta đã dạy cho chúng ta những điều đó chưa? Nếu chưa dạy, tức là bố đã quên, mẹ đã quên. Tại vì ngày xưa bố cũng đã được học như vậy, mẹ cũng đã được học như vậy. Chúng ta qua đây, qua nước người không phải với tư cách của những người ăn mày, hai tay trắng. Chúng ta qua đây với nền văn hóa dân tộc của chúng ta, với cái đẹp về nếp sống tâm linh văn hóa của chúng ta, chúng ta qua đây và đóng góp cho xã hội này bằng những chất liệu tâm linh và văn hóa của nước Việt. Nếu chúng ta không đem những thứ đó theo để mang ra cống hiến cho xã hội này, làm cho xã hội này tốt hơn lên một chút, đẹp hơn lên một chút mà trái lại chúng ta hứng lấy những rác rến của xã hội thì chúng ta không có dễ thương với tổ tiên, ông bà chúng ta. Tại sao chúng ta học theo những thói hư hèn của người địa phương, tại sao chúng ta không cống hiến được những tinh hoa của nền văn hóa dân tộc, nền đạo đức dân tộc cho xã hội này? Có phải là cha mẹ đã bận rộn quá mà không trao truyền cho các con những tinh hoa đó của văn hóa dân tộc hay không? Có phải cha mẹ đã phó thác con cháu cho xã hội này, cho học đường này mà không có thì giờ để theo dõi, để chăm sóc hay không? Chúng ta, tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm. Bởi vậy cho nên tới với nhau trong một khóa tu là để có cơ hội nhìn lại tình trạng của chúng ta, để thấy rằng chúng ta đang trên con đường phá sản, phá sản văn hóa, phá sản tâm linh, và chúng ta phải gượng lại, chúng ta phải duy trì lại được cái giá trị tâm linh và văn hóa đó của chúng ta.

Nẻo thoát cho nhân loại

Mà nếu ta giữ được giới thứ ba, giới thứ tư, giới thứ năm thì hai giới đầu sẽ trở nên rất dễ thực tập, tức là giới bất sát và giới bất đạo. Nếu ta là người Phật tử, tự nhận là chân chánh, thì ta phải thực tập Năm Giới rất nghiêm chỉnh. Chúng ta phải học hỏi, phải tụng giới ít nhất mỗi hai tuần một lần. Đừng tưởng rằng Năm Giới là những giáo lý có thể hiểu được một cách dễ dàng đâu. Càng học hỏi, càng pháp đàm về Năm Giới, ta càng có sự hiểu biết sâu sắc về Năm Giới và những buổi pháp đàm ấy giúp cho ta tìm ra cách áp dụng Năm Giới trong đời sống hàng ngày, đời sống cá nhân, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Ta biết rằng những người khác tuy không theo đạo Bụt nhưng mà họ cũng thực tập Năm Giới. Năm Giới của ta đã được trình bày bằng một ngôn ngữ không có danh từ Phật giáo. Nếu đọc lại, quý vị sẽ thấy không có danh từ Phật học hay pháp số trong Năm Giới. Đó là một sự cố tình để cho Năm Giới được phổ biến trong những giới không phải là Phật tử. Ở bên Mỹ vừa rồi có một dân biểu đưa ra quốc hội một dự án đạo luật tên là Ten Commandments (mười điều răn của Chúa) để được chấp thuận cho dán vào những chỗ công cộng ở các trường trung học, tiểu học và đại học. Trên đài phát thanh người ta đã bàn luận đến dự án đạo luật này rồi và người ta nghi ngờ rằng dự án đó sẽ không được quốc hội chấp thuận vì bên Mỹ có một đạo luật được đặt ra để tránh trường hợp tôn giáo và quốc gia bị lẫn lộn với nhau. Thành ra đạo luật của ông dân biểu đó đưa ra có thể sẽ không được chấp thuận. Ông dân biểu này thấy rõ ràng xã hội Mỹ thác loạn, hư hỏng và nếu không có sự thực tập mười điều răn của Chúa thì chắc không thể cứu được. Ông cũng nghĩ như tôi, nếu không có Năm Giới thì sẽ không có nẻo thoát cho nhân loại. Tuy nhiên ông không có cơ hội tại vì bên Mỹ chuyện tách biệt giữa tôn giáo và quốc gia (The Separation between Church and State) rất quan trọng. Vì vậy trong khóa tu Omega ở New York có một thiền sinh đã viết một lá thư cho ông dân biểu đó và gởi theo Năm Giới của mình. Người thiền sinh đó nói Năm Giới có cơ hội hơn tại vì trong Năm Giới không có danh từ tôn giáo. Và nếu Thầy đồng ý cho con thì con sẽ gởi thư đến tất cả những dân biểu quốc hội yêu cầu họ vận động để cho Năm Giới này được chấp thuận dán ở các cơ quan chính quyền và ở các trường tiểu học, trung học và đại học bên Mỹ. May ra thì được. Người thiền sinh đó có thiện chí thì ta nên khuyến khích.

Trong tiếng Anh ta không dịch Năm Giới là "Five Precepts" nữa mà dịch là "The Five Mindfulness Trainings", nghĩa là những biện pháp cụ thể để thực tập chánh niệm. Ta nói thực tập chánh niệm hay thiền, nhưng kỳ thực chánh niệm hay thiền khi được áp dụng cụ thể thì trở thành Năm Giới. Thực tập Năm Giới được thì ta bảo vệ được cho bản thân ta, bảo vệ được cho gia đình ta và xã hội. Cho nên khi ta đã tự nhận là con của Bụt thì Năm Giới là khí giới của ta, là vũ khí để ta bảo vệ thân tâm, bảo vệ gia đình và xã hội. Quý vị có thể thành công được hay không do ở chỗ quý vị có thể sử dụng được vũ khí này hay không. Năm Giới được gọi là Năm Giới Quý Báu tại vì trong Năm Giới có chất liệu của Bụt, của Pháp và của Tăng. Năm Giới là một pháp môn rất vi diệu và thánh thiện. Vì vậy Năm Giới là thầy của ta, Năm Giới là hướng đi của ta. Thà ta mất tất cả nhưng mà nhất định không đánh mất Năm Giới. Trong xe hơi, thay vì treo một cái bùa ở phía trước thì ta để một văn bản Năm Giới thế vào đó. Tại vì ta là người có thực tập, ta hiểu được trong văn bản Năm Giới đó có chất liệu của Bụt, của Pháp và của Tăng phù hộ cho ta. Trong nhà ta nên để Năm Giới ở trên bàn thờ, tại vì đó là ‘cái bùa’ lớn nhất (a great mantra), vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú. Mỗi khi nhìn thấy ta phải chắp tay xá, tại vì Năm Giới là hiện thân cụ thể của Bụt, của Pháp và của Tăng.

Bảo hộ gia đình

Trong khóa tu này chúng ta đã được học Năm Giới một cách rất thiết thực, xin quý vị đem Năm Giới về làm phương châm hướng dẫn cho cuộc sống mình. Ta thờ Năm Giới như thờ những cái gì chân thiện mỹ nhất ở trong đời sống của mình. Chúng ta phải học hỏi Năm Giới một cách sâu sắc, và trong gia đình ta phải áp dụng Năm Giới một cách rất nghiêm chỉnh mới được. Gia đình huyết thống có cha mẹ và con cái đã vậy, mà trong Gia Đình Phật Tử cũng vậy. Nếu chúng ta không thực tập trong Gia Đình Phật Tử thì Gia Đình Phật Tử không thể làm sứ mạng của mình. Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử là can thiệp được vào trong đời sống của mỗi đoàn sinh để cho sự thực tập được áp dụng trong gia đình đó. Ta có một em Oanh Vũ, ta biết rằng em Oanh Vũ đó là đại diện cho gia đình của em, thì ta phải làm sao cho em Oanh Vũ đó có thể thực tập được điều này trong gia đình của em. Ta làm thế nào để mọi người trong gia đình em cũng thực tập thì lúc đó ta mới giúp em thực tập được. Còn nếu em Oanh Vũ chỉ thực tập trong Gia Đình Phật Tử thôi, rồi khi về tới nhà không ai thực tập hay không có môi trường để thực tập thì công trình đào tạo em Oanh Vũ không đi tới đâu hết. Tại vì môi trường của em là ở trong Gia Đình Phật Tử, ở học đường và ở trong gia đình huyết thống của em nên Gia Đình Phật Tử phải can thiệp vào cả học đường và gia đình huyết thống. Nếu Gia Đình Phật Tử không giỏi, không hòa điệu, không có hạnh phúc thì làm sao có đủ tư cách để can thiệp vào hai nơi đó? Học đường là môi trường sinh hoạt của Oanh Vũ mà gia đình huyết thống cũng là môi trường sống của em Oanh Vũ. Nếu người Huynh Trưởng không làm được điều đó trong Gia Đình Phật Tử của mình, nếu người Huynh Trưởng không thực tập điều đó để chuyển hóa ngay trong gia đình huyết thống của mình, thì làm sao người Huynh Trưởng có thể giúp được em Oanh Vũ của mình, hay là em thiếu nam, thiếu nữ, thanh nam, thanh nữ của mình? Cho nên sứ mạng của Gia Đình Phật Tử rất rõ ràng. Ta phải thực tập ngay trong lòng Gia Đình Phật Tử để thành công. Rồi dùng sự thành công đó mà can thiệp vào từng gia đình đoàn sinh, để cho từng gia đình có thể thực tập được như vậy. Trong những ngày ở khóa tu này, khi chúng ta gặp nhau để pháp đàm, ta chỉ đàm luận về những cách thức, về những phương cách để có thể áp dụng phương pháp thực tập này mà thôi.

Năm Giới là thực tập chánh niệm, là thực tập thiền rất cụ thể, và điều chắc chắn là nếu một người hay một gia đình thực tập đúng theo Năm Giới thì người đó sẽ được bảo hộ và gia đình người đó sẽ không có tai nạn. Điều này rất rõ, thành ra nếu chúng ta cần làm một quảng cáo thì chúng ta làm như thế này: "Gia đình gặp khó khăn hả, có nguy cơ tan rã hả, tại sao không thử thực tập Năm Giới đi". Và tôi tin chắc là nếu gia đình nào mà trong đó tất cả mọi người đều thực tập theo đúng Năm Giới thì gia đình đó sẽ vững chãi liền lập tức. Không những một gia đình mà một quốc gia thực tập đúng theo Năm Giới thì quốc gia đó sẽ vững mạnh và tất cả những bạo lực, thèm khát, căm thù sẽ tan biến. Vì vậy cho nên bà phu nhân Patricia Ellsberg (Daniel Ellsberg-người đã phát hiện và công bố tập tài liệu: “Những tài liệu bí mật của Ngũ Giác Đài về chiến tranh Việt Nam”), sau khi nhận Năm Giới đã tuyên bố rằng Năm Giới không chỉ là sự thực tập của cá nhân mà cả đất nước này phải thực tập và thọ trì Năm Giới thì Hoa Kỳ mới có một tương lai tốt. Câu nói đó là câu nói được phát xuất từ trái tim của bà ta. Nếu trong gia đình mà cả cha, cả mẹ, cả con đều có niềm tin vững chãi vào Năm Giới và cùng nhau thực tập Năm Giới, thì chắc chắn gia đình đó không tan rã, sự hòa điệu của gia đình sẽ được tái lập lại, sự truyền thông giữa cha và mẹ, giữa cha và con sẽ được tái lập lại. Chắc chắn là như vậy.

Khôi phục tinh hoa ca nền văn hóa dân tộc

Với sự thực tập Năm Giới cho chu đáo và sâu sắc, chúng ta có thể khôi phục được tinh hoa của nền văn hóa dân tộc, chúng ta có thể chuyển hóa được những nỗi khổ đau, chúng ta có thể tái lập được truyền thông, hòa bình, tin yêu cho gia đình của mình. Và khi làm được điều đó là ta cống hiến rất nhiều cho xã hội Tây phương. Chúng ta là những người xuất gia, những người tại gia, tu học theo pháp môn của đạo Bụt Việt Nam. Chúng ta đã qua Âu Châu, chúng ta đã qua Mỹ Châu, chúng ta đã cống hiến giáo lý của đạo Bụt, chúng ta đã tổ chức những khóa tu, chúng ta đã xuất bản kinh sách, chúng ta giúp cho hàng ngàn người, hàng chục ngàn người, hàng triệu người thấm nhuần được nền đạo lý dân tộc. Đó là chúng ta cống hiến văn hóa Việt Nam cho nhân loại, cho Tây phương. Chúng ta không nghèo đói như chúng ta tưởng mà chúng ta rất giàu về phương diện đạo đức và phương diện tâm linh. Mỗi người Việt chúng ta, dầu là đứng trong cương vị một người cha, một người mẹ hay là một người con thì chúng ta vẫn có sứ mạng đem hương sắc của nền văn hóa Việt Nam sang để mà cống hiến, đóng góp cho nền văn hóa này. Đó là biểu lộ sự biết ơn của chúng ta đối với đất nước này.

Tu học là hành động yêu nước chân thật

Thực tập theo Năm Giới đem lại an lành, hạnh phúc cho gia đình ta và bản thân ta là một hành động yêu nước sâu sắc nhất. Nếu ta không chuyển hóa được thân tâm, nếu ta không thiết lập lại được an lạc, hạnh phúc cho gia đình ta thì ta chỉ nói "yêu nước" thôi mà ta không làm được cái việc ấy. Cho nên tu học, theo tôi quan niệm, là hành động yêu nước chân thật và quan trọng nhất. Chúng ta nghĩ rằng ta có thể đem về cho quê hương những kỹ thuật, những kiến thức về khoa học để phục vụ cho quê hương, giúp cho quê hương về phương diện kinh tế, phương diện chính trị, phương diện ngoại giao. Điều đó nhiều người có thể làm được. Con người Việt Nam sau chiến tranh đã bị thương tích rất nhiều. Chúng ta bị đánh mất khả năng thương yêu truyền thống và chúng ta đánh mất rất nhiều hạnh phúc và hòa điệu. Tu tập để thiết lập lại hòa điệu, có được hạnh phúc đó tức là chúng ta đóng góp rất nhiều cho dân tộc. Sách của tôi hiện bây giờ đang được in ở Việt Nam rất nhiều và đồng bào rất hân hoan khi đọc đến những cuốn sách đó, nhiều băng giảng cũng đã được sang ra và đồng bào đang khao khát tu tập theo những phương thức đó. Chúng ta biết rằng tu học cũng là yêu nước, và có thể là một đường lối yêu nước rất thiết thực. Chúng ta không yêu nước bằng những lời tuyên bố, chúng ta yêu nước bằng đời sống hằng ngày. Chúng ta phải cùng nhau tổ chức những buổi tụng giới, những ngày tu quán niệm và tạo ra không khí như không khí hôm nay để chúng ta có thể thực tập nhìn sâu, và thấy được con đường của người lớn cũng như của người trẻ ở xã hội hôm nay.

Ngày hôm qua trong khóa tu cho người Mỹ, tôi đã truyền giới cho 360 người Hoa kỳ vào lúc sáng, có các thầy và các sư cô hộ niệm. Người Mỹ, rất nhiều người đã phát nguyện tiếp nhận Năm Giới tại vì họ biết, nếu không có Năm Giới thì không có cách nào khác hơn để giữ cho bản thân và gia đình được nguyên vẹn và tái lập lại được hạnh phúc. Quý vị nên biết rằng đạo gốc của họ là đạo Cơ Đốc trong khi đạo gốc của ta là đạo Bụt. Và quý vị cũng nên biết rằng người Tây phương khi thọ giới rồi thì họ quyết định làm theo, mà trong điều lệ của mình, thọ giới rồi ba tháng mà không tụng giới ít nhất một lần thì không còn hiệu nghiệm và liên hệ thầy trò cũng không còn nữa. Có người lỡ ba tháng quên không tụng niệm phải đi xin thọ giới lại. Chúng ta là con nhà Phật tử đã từ hơn 2000 năm nhưng chúng ta có được những quyết tâm như người Tây phương khi thọ trì Năm Giới không? Thọ trì Năm Giới là cả một cuộc cách mạng rất lớn trong cuộc đời. Họ đâu phải là người Phật tử, họ theo một truyền thống khác, truyền thống Do Thái Giáo hay Cơ Đốc Giáo nhưng nhìn chung họ đã đánh mất đức tin, vì vậy họ đau khổ, họ tìm tới Phật Pháp và họ thấy được Năm Giới không phải là những bắt buộc của một người thọ giới mà Năm Giới là những bông hoa của tuệ giác, Năm Giới là sự thực tập của 2000 năm nên họ đã quyết tâm thọ trì. Với trí tuệ của chúng ta, chúng ta thấy được rằng, nếu thực tập đúng theo Năm Giới và sống đúng theo Năm Giới thì chắc chắn là ta sẽ bảo vệ được bản thân, bảo vệ được gia đình và tái lập được sự hòa thuận trong gia đình. Cho nên quý vị hãy thử làm cái quảng cáo đó đi: ‘Lộn xộn trong gia đình hả? Gia đình sắp tan rã hả? Thực tập Năm Giới đi rồi coi’. Chúng ta nắm chắc phần thành công trong tay.