Bốn cách tinh tấn (1)

Những hạt giống

Theo tâm lý học Phật giáo, tâm chúng ta có ít nhất là hai phần. Phần dưới gọi là Tàng thức, có khi được gọi là A lại gia thức hay là Nhất thiết chủng thức. Tàng ở đây có nghĩa là ‘cất dấu’ những hạt giống. Phần trên gọi là ý thức. Ví dụ hình vẽ dưới này là cái tâm của chúng ta. Chúng ta có đầy đủ những hạt giống ở trong tâm thức: hạt giống thương yêu, niềm tin, tha thứ, niềm vui và hạnh phúc; Và chúng ta cũng có đầy đủ những hạt giống giận hờn, thù hận, kỳ thị, ghét bỏ, sợ hãi, căm thù, v.v… Những hạt giống đó có thể do các thế hệ tổ tiên trao truyền lại. Tất cả những tài năng cũng như tất cả những yếu kém của tổ tiên, ông bà đã được trao truyền lại cho ta qua cha mẹ chúng ta. Và chúng có ở trong chiều sâu tâm thức của chúng ta dưới hình thức của những hạt giống. Danh từ Phật học gọi là ‘chủng tử’. Tiếng Phạn gọi là ‘bija’. Tu tập là làm thế nào để tiếp xúc và tưới tẩm những hạt giống tốt lành để cho chúng có cơ hội phát hiện trong đời sống hằng ngày. Còn những hạt giống hận thù, hạt giống thèm khát… thì đừng để bị tưới tẩm và phát hiện. Đó gọi là ‘tinh tấn’. Quý vị đã từng nghe danh từ ‘tứ chánh cần’ chưa? Tứ chánh cần là nội dung của ‘tinh tấn’. Ví dụ ta có hạt giống bạo động và hận thù. Nếu hạt giống bạo động và hận thù trong ta nằm yên thì ta cảm thấy khỏe khoắn cho nên ta phải biết phương pháp thực tập để cho hạt giống đó có thể nằm yên. Còn nếu không có phương pháp thực tập thì những hạt giống đó không chịu nằm yên mà nó sẽ trồi lên. Tàng thức giống như tầng hầm và ý thức giống như phòng khách. Những hạt giống này đang ở dưới tầng hầm và mỗi khi được tưới tẩm, đụng chạm tới thì chúng phát hiện lên trên mặt ý thức. Ví dụ như khi chúng ta coi Ti-vi. Trong khi coi Ti-vi có thể hạt giống thèm khát trong ta bị đụng chạm tới, khi đó thì nó phát hiện lên trên mặt ý thức thành một vùng năng lượng thèm khát. Khi hạt giống giận hờn nằm yên thì ta thấy vui vẻ, hoan hỷ. Nhưng nếu có một người nào tới nói một câu hoặc làm một cái gì đó mà đụng vào hạt giống giận hờn thì nó sẽ phát hiện lên trên mặt ý thức thành một vùng năng lượng giận hờn. Vậy thì mỗi ngày chúng ta phải biết chăm sóc những hạt giống của chúng ta. Hạt giống xấu thì ta bảo vệ để làm sao đừng bị đụng chạm tới. Còn hạt giống tốt thì ta thực tập xúc chạm và tưới tẩm mỗi ngày để cho nó được phát hiện càng nhiều càng tốt. Đó là nội dung của sự thực tập ‘tinh tấn’.

Đng cho hạt giống xấu biểu hiện

Chúng ta phải học cho được một ít những phương pháp căn bản như vậy để thực tập và để dạy cho các em, các cháu của chúng ta thực tập. Trong chúng ta người nào cũng có hạt giống của sự giận hờn. Nhưng khi nó ngủ yên ở dưới tầng hầm thì ta cười, ta nói, ta có hạnh phúc. Còn khi hạt giống giận hờn được tưới tẩm và được đụng chạm tới thì nó biểu hiện lên mặt ý thức thành năng lượng của sự giận hờn. Lúc đó hai mắt ta đỏ lên, những bắp thịt trên mặt ta trở nên căng thẳng và tay ta gồng lên. Ta sẽ trở thành một trái bom sắp nổ, ai tới gần ta sẽ nguy hiểm. Đó là lúc mà tâm hành gọi là giận phát hiện. Khi nó nằm yên dưới tàng thức thì được gọi là chủng tử, khi nó phát hiện trên ý thức thì gọi là hiện hành. Hiện hành ở đây tức là một tâm hành. Khi chủng tử biểu hiện là một tâm hành, một loại năng lượng thì năng lượng này gọi là năng lượng tâm hành. Sự thèm khát trở thành năng lượng thèm khát. Hạt giống của sự giận hờn trở thành năng lượng của sự giận hờn. Vì vậy tu học có tinh tấn là mỗi ngày phải rất cẩn thận, đừng để cho những hạt giống tiêu cực trong ta bị tưới tẩm và động tới. Coi Ti-vi phải cẩn thận, đọc tiểu thuyết, sách báo phải cẩn thận, tại vì trong khi coi Ti-vi, trong khi đọc tiểu thuyết, đọc báo, có thể là những hạt giống về thèm khát, giận hờn, thù hận bị đụng tới và phát hiện. Đức Thế Tôn có dạy: những hạt giống xấu nếu chưa phát hiện thì giữ cho đừng phát hiện. Đó là điều kiện thứ nhất. Quý vị biết thực tập như thế nào không? Các Huynh Trưởng phải ngồi lại với nhau rồi dạy các em làm thế nào để giữ cho những hạt giống tiêu cực đừng có bị đụng chạm tới trong đời sống hằng ngày. Điều này trong Năm Giới có dạy rõ ràng. Thứ hai là: lỡ mà hạt giống tiêu cực như hận thù, tham vọng, thèm khát bị đụng tới và đã phát hiện rồi thì phải tìm cách để cho nó trở về trạng thái hạt giống càng sớm càng tốt. Tại vì nó càng ở lâu trên mặt ý thức chừng nào thì ở dưới hạ tầng cơ sở (tức là tàng thức) nó càng lớn chừng đó. Đó là sự thật trong tâm lý học Phật giáo. Nếu sự giận hờn của chúng ta ở trên phòng khách độ chừng năm phút thì dưới tầng hầm hạt giống giận hờn chỉ có năm phút để lớn lên thôi. Nhưng nếu chúng ta để cái giận ở ngày này sang ngày khác phía trên thì bên dưới nó cũng có nhiều ngày để lớn lên hơn, và như vậy rất có hại. Cho nên khi nó lỡ phát hiện rồi thì phải nhờ thầy, nhờ bạn, nhờ kinh, nhờ kệ, nhờ thực tập hơi thở chánh niệm, nhờ thực tập để đưa nó trở về trạng thái hạt giống càng sớm càng tốt.

Áp dụng sự thực tập

Người Huynh Trưởng giỏi là một người Huynh Trưởng có thể thực tập được giáo lý trong từng giây phút của đời sống hàng ngày và chỉ cho các em cách thực tập. Chỉ cho các em thực tập không phải chỉ bằng lời nói mà bằng chính sự sống của ta. Đó gọi là thân giáo. Ta hãy đem áp dụng sự thực tập vào đời sống hàng ngày của ta, vào sự liên hệ giữa ta và người thương của ta. Người thương đó có thể là chồng, là vợ, là cha, là mẹ hay là em của ta. Ví dụ với người thương ta nói như thế này: "Em ơi, nếu quả thực em thương tôi thì em đừng có tưới tẩm những hạt giống tiêu cực hàng ngày của tôi, tội nghiệp tôi lắm. Như hạt giống giận của tôi có đó mà em cứ mỗi ngày mỗi tưới tẩm cái hạt giống đó hai ba lần chắc chết tôi quá." Làm sao mà sáng tưới một lần, trưa tưới một lần, tối tưới một lần thì cái hạt giống giận lớn lên, rồi đụng cái gì ta cũng giận hết thì nguy quá. Lúc đó đâu còn hạnh phúc nữa, chỉ còn có địa ngục mà thôi. Vì vậy cho nên ta nói: "Người thương ơi, nếu anh quả tình mà thương em thì anh phải cẩn thận nhé. Anh đừng có tưới những hạt giống tiêu cực của em hàng ngày. Anh đồng ý không?" Nếu là người thương đích thực thì chúng ta phải ký với nhau một cam kết: ‘Này em, anh nguyện từ nay trở đi mỗi ngày anh sẽ không tưới tẩm những hạt giống tiêu cực của em’. Nếu đã ký cam kết rồi thì phải theo, đó gọi là ‘tấn’. ‘Em không tự tưới tẩm những hạt giống xấu của em mà anh cũng vậy, anh cũng đừng tưới tẩm những hạt giống xấu của em’. Ta tự tu và ta nhờ người khác tu cho ta nữa. ‘Ba ơi, nếu ba thương con thì những hạt giống tốt của con xin ba tưới cho con mỗi ngày. Ba đừng có tưới những hạt giống xấu của con. Tại vì khi ba tưới những hạt giống xấu của con là con khổ lắm khi nó phát hiện. Còn nếu con có những hạt giống tốt nào mà nếu ba nhận thấy có, rồi mỗi ngày ba cứ tưới những hạt giống đó cho con, thì tự nhiên nó phát hiện và con có hạnh phúc. Mà con có hạnh phúc thì ba cũng có hạnh phúc’

Khi thương nhau thì chúng ta phải hiểu nhau. Chúng ta phải biết rằng trong người ta thương có những hạt giống tiêu cực và những hạt giống tích cực. Những hạt giống tiêu cực mỗi khi được phát hiện thì làm cho người đó đau khổ và ta cũng bị đau khổ lây. Còn khi những hạt giống tích cực nơi người đó được tưới tẩm thì người đó tự nhiên nở như một đóa hoa, người đó có hạnh phúc ngay. Vì vậy cho nên thương nhau, chúng ta phải ký một hiệp ước sống chung an lạc, hòa bình và hạnh phúc với nhau. Ở Làng Mai có pháp môn gọi là ‘Hiệp Ước Sống Chung An Lạc’. Nếu thực tập theo hiệp ước đó thì ta có thể quản lý và chuyển hóa cái giận được và ta không để cho nó phá nát liên hệ hay hạnh phúc của chúng ta với nhau. Nếu thực tập đúng theo ‘tấn’ (tứ chánh cần) thì hạnh phúc có thể tăng tiến trong vòng một tuần lễ thực tập mà không cần nhiều thời gian.

Nhận diện chuyển hóa

Chúng ta đã đặt căn bản cho vấn đề tổ chức Gia Đình Phật Tử là một gia đình và trong gia đình đó chúng ta phải thực tập như thế nào để chuyển hóa những chia rẽ, những buồn giận, những bế tắc để có thể thiết lập lại sự hòa thuận, tin yêu, thương mến, hạnh phúc. Và chỉ khi nào Gia Đình Phật Tử thực hiện được điều đó thì Gia Đình Phật Tử mới có thể can thiệp được vào học đường và gia đình của từng đoàn sinh mình. Mỗi Huynh Trưởng hay mỗi đoàn sinh, dù là Oanh Vũ, cũng có những khổ đau, bế tắc trong lòng. Dù những vấn đề còn bé nhỏ nhưng chúng ta phải nhận diện cho được những khổ đau đó để tìm ra được nguyên nhân. Bổn phận của người Huynh Trưởng là phải nhận diện được những bế tắc và khổ đau đó trong tâm mình, thấy được những bế tắc và khổ đau đó trong các đoàn sinh của đoàn mình. Ta cùng học hỏi để có thể nhận diện được và tìm ra phương thế để chuyển hóa những bế tắc và khổ đau đó. Và khi mà trong Gia Đình Phật Tử có sự hòa thuận, tin yêu, hạnh phúc, thương mến thì lúc đó Gia Đình Phật Tử mới đóng được vai trò mà Đức Thế Tôn đã giao phó cho mình là can thiệp vào phạm vi học đường và gia đình của từng đoàn sinh. Cố nhiên can thiệp vào học đường ta phải có sự cộng tác của các thầy giáo, cô giáo, ban giám hiệu; can thiệp vào gia đình của đoàn sinh ta phải biết nương vào sự cộng tác của các bậc phụ huynh.

Chúng ta cũng đã được học rằng trong tâm ta có những hạt giống của hạnh phúc và hạt giống của khổ đau. Những hạt giống hạnh phúc, khổ đau đó có thể đã được cha mẹ ông bà truyền lại cho ta. Nhưng sống trong một môi trường xấu thì những hạt giống hạnh phúc không được tưới tẩm mỗi ngày trong khi những hạt giống khổ đau, buồn giận, bực tức, chán ghét, bạo động lại được tưới tẩm mỗi ngày cho nên phần khổ đau chiếm ưu thế và đẩy phần hạnh phúc đi vào một ngõ kẹt trong tâm thức. Và khi phần khổ đau lớn quá trong ta, ta muốn khuây khỏa nên ta tìm tới sự giải trí. Giải trí bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng cử động, và giải trí bằng cách ăn uống. Và chúng ta không có khả năng nhận diện những khổ đau trong ta để chuyển hóa. Như vậy sự thực tập hàng ngày của ta là sự thực tập trốn chạy những khổ đau trong ta và che lấp những khổ đau đó bằng những trò chơi giải trí, những thức ăn thức uống được trưng bày khắp thị trường. Ta nên biết rằng trong khi ta đi tìm những thức ăn đó, những trò giải trí đó thì ta liên tục đưa vào trong tâm những chất độc, những độc tố mà Đức Thế Tôn đã gọi tên là tham đắm, là giận hờn, si mê, ganh tỵ, tuyệt vọng, hận thù. Vì vậy cho nên phương pháp tu là phải nhận diện những độc tố đó và tìm cách chuyển hóa, hóa giải những độc tố đó.