Bốn sự thật mầu nhiệm (2)

Ái ngữ Lắng nghe

Chúng ta làm thế nào để thực tập được những lời của Đức Thế Tôn dạy? Đó là đối tượng của khóa tu này. Chúng ta phải học, chúng ta phải tìm cách. Tại vì người anh, người chị, hay người em của chúng ta cũng đang lâm vào tình trạng này, có rất nhiều bực tức, nhiều sự thối chí, nhiều tủi hờn, nhiều giận dữ cho đến nỗi mỗi khi nói ra thì lời nói của mình có đầy sự chua cay, sự giận dữ, sự bực tức. Cho nên người kia không dám nghe. Vì có khổ đau nhiều quá nên chúng ta không thực tập được hai điều mà Đức Thế Tôn dạy. Điều thứ nhất là lắng nghe, điều thứ hai là ái ngữ. Muốn thiết lập truyền thông giữa anh chị em với nhau, muốn thiết lập truyền thông giữa ta và cha mẹ thì ta phải biết sử dụng hai phương pháp này. Khi nói ta phải nói những lời ôn tồn, nhẹ nhàng. Khi nghe thì ta phải nghe bằng trái tim của sự thương yêu. Hình như bây giờ chúng ta đã đánh mất khả năng lắng nghe, và khi mới nghe có một, hai câu thì ta đã đùng đùng nổi giận. Cha mẹ nghe con không được, mà con cũng không lắng nghe cha mẹ được. Tại vì mỗi khi nói ra thì ta không có khả năng nói ôn tồn và dùng lời ái ngữ. Trong ngôn từ của chúng ta có chất liệu của sự hờn tủi, có chất liệu của sự trách móc, có tính cách chua chát, buộc tội, cho nên người kia không có khả năng lắng nghe được ta. Mà khi người kia không lắng nghe được ta thì ta có cảm tưởng bị cô lập hóa (isolated) hoàn toàn. Vì vậy nỗi khổ ngày càng lớn vì sự truyền thông giữa hai người đã trở thành rất khó khăn. Ta đâu có muốn nói những lời cay chua, trách móc, buộc tội đâu. Ta biết nói những lời như vậy thì người kia sẽ không ngồi nghe được và sẽ bỏ chạy. Nhưng mỗi khi ta nói thì những nỗi khổ niềm đau cứ tuôn ra và tự nhiên lời nói ta mang tính cách chua chát, trách móc, buộc tội, lên án.

Có những gia đình mà khi người cha nói thì toàn là giọng trách móc, chua chát, giận hờn, buồn tủi, buộc tội. Thành ra người mẹ không dám nghe và những người con cũng không dám nghe. Càng nghe họ càng khổ, cho nên ai cũng tìm cách trốn. Người cha có cảm tưởng là mình bị mọi người tẩy chay nên rất khổ. Người cha khổ vì người cha chưa học được phương pháp nói gọi là ái ngữ, tức là nói với sự ôn tồn, hòa nhã, với sự thương yêu. Chúng ta đã mất khả năng đó. Chúng ta đâu có muốn tẩy chay cha của ta. Chúng ta thấy ông rất khổ. Chúng ta muốn làm cái gì đó để giúp cho ông bớt khổ. Nhưng ta không biết rằng mỗi lần ta nghĩ bây giờ mình phải tới ngồi gần cha, lắng nghe cha để cha bớt khổ, để cha có dịp nói ra hết những gì đau khổ trong lòng thì kết quả ngược lại. Ta có rất nhiều thiện chí và thương yêu. Ta tới ngồi gần cha, ta nói: "Ba ơi, ba những khổ đau thì ba nói cho con nghe đi, con sẵn sàng nghe." Nhưng mà khi cha ta bắt đầu nói thì từ từ những bực bội, những chua chát, lên án, giận hờn đi ra theo lời nói. Và ta chưa có đủ khả năng để chấp nhận những thứ đó cho nên sau 10 phút, 15 phút là ta bỏ chạy liền. Bởi vì trong khi nghe như vậy, những hạt giống khổ đau trong ta bị tưới tẩm, nó ùn ùn nổi lên làm cho ta khổ và làm cho ta có khuynh hướng muốn trả đũa trở lại, muốn chua chát, buộc tội trở lại: "Ba nói con như vậy, nhưng kỳ thực ba cũng như vậy. Ba cũng rất tệ với con". Ta cũng có thể nói những câu như thế. Cho nên giữa hai cha con sự truyền thông trở thành khó khăn.

Giữa mẹ và cha có thể cũng có tình trạng đó xảy ra vì trong người mẹ cũng có những điều không vui, những uất ức, khổ đau, đè nén, tủi hờn. Và không ai có thể ngồi lắng nghe người kia hơn năm phút, bảy phút mà không bỏ chạy vì trong khi nghe thì những hạt giống khổ đau trong mình bị tưới tẩm làm mình không chịu nổi. Trong chúng ta, chưa có ai được học phương pháp nói để tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc và tình thương nơi người kia. Nên bây giờ chúng ta phải học. Và chúng ta phải học trong khi nói năng để đừng tưới tẩm hạt giống khổ đau, hận thù của người đối diện. Tất cả những điều đó đã được dạy trong kinh điển rất rõ ràng. Nếu chúng ta biết thực tập một ngày, hai ngày, ba ngày thì tình trạng gia đình có thể thay đổi rồi. Phải có thực tập thì mới thành công được, chứ không phải chúng ta biết cần làm như vậy là ta có thể làm được liền đâu. Ví dụ như ta thấy người ta đánh quần vợt (tennis). Thấy thì dễ ợt. Nhưng nếu chưa học đánh mà vô sân, cầm vợt với trái banh thì ta đánh tùm lum không ra gì hết. Đừng tưởng là dễ. Muốn có thể lắng nghe được cha mình, mẹ mình, hay là con mình thì ta phải thực tập một thời gian: một ngày, năm ngày, bảy ngày, ở trong một môi trường thuận tiện. Có khi phải thực tập cả tháng mới làm được. Mà khi đã làm được rồi, thì ta mới có thể giải cứu được gia đình của mình. Ví dụ ở đây có một gia đình đang đau khổ, nơi kia cũng có một gia đình nọ đang đau khổ. Và ở đây thì mình có Gia Đình Phật Tử. Vậy Gia Đình Phật Tử đó có thể can thiệp vào như thế nào để cho những gia đình kia bớt khổ? Đó là cái mà Gia Đình Phật Tử phải học. Vì Gia Đình Phật Tử cũng là một gia đình, trong Gia Đình Phật Tử cũng có những khổ đau giống hệt như trong những gia đình thường ở ngoài đời.

Ta phải làm cho ta

Ta đã làm cho người kia, và ta phải làm cho ta. Nhiều khi ta tự tưới những hạt giống xấu của mình mà không biết cách tưới những hạt giống tốt trong ta. Khi quý vị tới dự khóa tu này là quý vị có phước vì ở đây tôi cũng như các thầy, các sư cô sẽ không tưới những hạt giống xấu của quý vị. Tới đây chúng ta chỉ tưới cho nhau những hạt giống tích cực mà thôi. Những hạt giống của bồ đề tâm, của thương yêu, tha thứ, giác ngộ, từ bi, giải thoát được tưới tẩm bằng những bài pháp thoại, bài kinh tụng, bài thiền ca. Hồi nãy chúng ta hát với nhau một giờ đồng hồ, quý vị có biết hát như vậy là để tưới tẩm những hạt giống bồ đề, hạt giống tu tập của chúng ta không? Hát như vậy không phải là để chơi đâu. Cùng niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm trong hai mươi phút, cùng hát bài "Mười Nguyện Phổ Hiền" trong một giờ đồng hồ là để tưới tẩm những hạt giống tốt. Bởi vậy các thầy, các sư cô ở trong chùa rất may mắn vì ngày nào cũng được tưới những hạt giống tốt lành. Hạt giống xấu không bị tưới vì các thầy, các sư cô đều phải thực tập giới thứ tư là không sử dụng ngôn từ và hành động của mình để tưới những hạt giống xấu của những người khác. Các thầy, các sư cô ở trong một gia đình gọi là gia đình người xuất gia. Ta có gia đình của ta và ở trong gia đình mình cũng có thể tu tập như ở trong tu viện vậy. Chúng ta phải cam kết với nhau. Chúng ta phải có một buổi đại hội gia đình. Chúng ta nói bây giờ ta đã thấy được sự thật thứ nhất rồi và ta nhất định sẽ thực tập sự thật thứ tư.

"Em xin cam kết với anh", đó là lời người vợ, "từ nay trở v sau em sẽ cẩn thận, em sẽ không tưới tẩm những hạt giống giận hờn, bực bội, cáu kỉnh nơi anh nữa. Nhưng anh phải giúp em, anh cũng đừng nên tưới tẩm những hạt giống giận hờn, bực bội, cáu kỉnh nơi em." Hai người cùng ký chung một hòa ước tu tập. Giữa cha con cũng vậy. Hai cha con đã từng làm khổ nhau rồi. Người cha đã nói nặng lời với con. Ban đầu con, vì là con, nên không dám nói lại. Nhưng nếu mà cha cứ tiếp tục nói những câu buộc tội, chê trách, mắng nhiếc, thì một hồi, những hạt giống bực bội nơi con sẽ lớn lên. Rồi một ngày nào đó con sẽ nói lại. Hoặc nếu nói lại, con sợ bất hiếu thì nó bỏ đi. Ta sẽ mất con. Thành ra cả cha và con đều khổ cả. Cho nên hai cha con phải ngồi lại với nhau, phải công nhận rằng có sự thật thứ nhất là đau khổ trong con và trong cha. Có sự thật đau khổ trong liên hệ giữa hai cha con. Đó là "sự thật thứ nhất" mà ta phải công nhận. Ngồi với nhau, cha có thể nói với con như thế này: "Con ơi, giữa cha con không sự hòa thuận, không sự hiểu biết lẫn nhau, không hạnh phúc". Ta phải công nhận điều đó. "Chính vậy hai cha con mình phải theo lời Đức Thế Tôn, phải theo lời Thầy, phải thực tập. Từ bây giờ cha hứa với con cha sẽ không dùng ngôn ngữ hằn học, lên án, mắng nhiếc, tưới tẩm những hạt giống đau khổ của con nữa. Nhưng con cũng phải giúp cha mới được. Con cũng đừng làm cho cha bực. Con đừng tưới tẩm những hạt giống bực bội của cha bằng cách hành xử này bằng cách hành xử kia." Hai cha con phải ngồi lại với nhau, như trong một bàn hội nghị vậy. Và phải đi tới một hòa ước với nhau về vấn đề tưới tẩm. Ta chỉ tưới hoa mà không tưới rác. Ở Làng Mai chúng tôi gọi là "sự tưới tẩm có chọn lựa" (selective watering), tức là ta chỉ tưới những cái tích cực thôi, không tưới những cái tiêu cực. Hai cha con phải đi tới chỗ đó. Và hai anh em cũng phải đi tới chỗ đó. Phải cứu khổ như là cứu nhà cháy mới được. Đừng có để lục bình trôi riu ríu mỗi ngày. Phải can thiệp vào lập tức ở trong gia đình huyết thống của mình.

Phải can thiệp lập tức

Trong gia đình tâm linh, tức là Gia Đình Phật Tử, các vị Huynh Trưởng và đoàn sinh cũng phải làm như vậy nếu có khổ đau, nếu thiếu sự truyền thông, nếu có những hiện tượng bực bội, giận hờn, tan rã, thì ta phải can thiệp vào lập tức. Đừng để cho tình trạng đó kéo dài từ tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Phương pháp Đức Thế Tôn đưa ra rất rõ rệt. Ta phải thấy được sự thật rằng hàng ngày ta vẫn tìm cách che lấp khổ đau. Ta rất cô đơn. Đối với vợ, ta truyền thông rất khó. Đối với những đứa con, ta cũng truyền thông không được. Cho nên ta rất cô đơn. Ta đi tìm khuây khỏa trong những trò giải trí: một cuốn băng Thúy Nga, một bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Những giải trí ở ngoài đời, thị trường cung cấp nhiều lắm. Nào là phim ảnh, tiểu thuyết, tạp chí, v.v… Có rất nhiều thứ để cho ta tiêu thụ. Các nhà thương mại biết rằng người nào cũng đau khổ cực kỳ, vì vậy cho nên họ bán cái này cái kia để người ta mua về khỏa lấp những đau khổ. Họ làm giàu được vì họ biết điểm yếu của con người là bị khổ mà không diệt được khổ, rồi tìm cách đi mua những phương tiện giải trí đó để khỏa lấp. Họ đang lợi dụng ta.

Quan trọng hơn nữa, trong khi ta tiêu thụ những sản phẩm đó thì ta tiếp tục làm cho lớn lên những hạt giống khổ đau ở trong mình tại vì những sản phẩm mà ta đang tiêu thụ đó có rất nhiều độc tố. Thí dụ như khi em bé coi một giờ Ti-vi. Trong một giờ coi Ti-vi đó có rất nhiều bạo động, sợ hãi và căm thù đi vào người em bé. Quý vị có nhớ câu chuyện về một người đem súng vào bắn giết học sinh trong trường không? Tại vì người đó đã tiêu thụ, đã giải trí bằng những phương tiện rất độc hại. Họ đã đem vào người những phim ảnh, tiểu thuyết, trò chơi, câu chuyện đầy những bạo động và hận thù. Và khi hận thù, bạo động bị chất chứa nhiều quá trong người thì tìm cách phát ra ngoài, nên khi có súng, thấy trong lòng bực bội thì bắn ra thôi. Cho nên chúng ta phải cẩn thận lắm trong sự tiêu thụ những sản phẩm gọi là giải trí. Những sản phẩm đó chỉ có thể khỏa lấp được trong chốc lát những khổ đau, giúp ta tìm quên được trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng lại tiếp tục đưa vào người ta những độc tố và làm lớn lên những khổ đau, những nỗi khổ trong ta cũng như sự bạo động, hận thù, kỳ thị. Hận thù là độc tố. Tham dục cũng là độc tố. Vướng mắc, mê đắm cũng là độc tố. Ngu si cũng là độc tố. Cho nên Bụt dạy rằng Tham, Sân, Si là tam độc. Mà nào có phải chỉ có tam độc thôi đâu, còn có tứ độc, ngũ độc, v.v… rất nhiều.