Chương 6: Làng Tình Thương

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không



Bài thơ của thầy mà tôi thuộc lòng mãi là Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngon lửa dữ. Khi đọc đến câu :

Những đêm bên ướt mẹ nằm
Bên ráo con lăn,
Từng miếng cơm nhai,
Từng bầu sữa cạn,
Bao nhiêu ngày
Bao nhiêu tháng
Bao nhiêu năm
Lo lắng cho con nên hình nên vóc,
Sáng nay một viên đạn đồng làm anh ngã gục
Một viên đạn đồng ghim vào giữa tim, thân em lăn lóc
Mẹ sống làm sao được nữa, con ơi?
Chị làm sao sống được nữa, em ơi?
Đau thương chừng nào vơi, bên cạnh dĩa dầu hao xóm cũ?

Hay là :

Ngực tôi đây anh bắn đi. Mạch máu của mẹ truyền cho đây, em cắt đi để mà xây dựng lâu đài em mơ ước.
Tôi không thể nào cầm được nước mắt vì tin tức chiến trường tới tấp mỗi ngày.

Ba điều thỉnh nguyện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Khi về tới Việt Nam thầy đã đi gặp nhiều thành phần dân tộc trong giới trí thức, giới bình dân, giới không Phật giáo và lắng nghe tiếng nói của giới tăng ni trẻ. Sinh viên học sinh rất quý kính thầy. Sau nhiều ngày thiền quán thầy đã trình lên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (viết tắt GHPGVNTN) ba điều thỉnh nguyện, xin Giáo Hội cố gắng thực hiện để giữ lại niềm tin cho toàn dân. Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm đổ, toàn dân đã quy ngưỡng thật nhiều nơi Giáo Hội, nhưng chư tôn đức chưa có dịp ngồi lại để chuẩn bị những chương trình về lâu về dài.

Thứ nhất:

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nên đứng lên kêu gọi anh em miền Nam và miền Bắc Việt Nam ngồi lại tìm giải pháp chung để chấm dứt chiến tranh cốt nhục tương tàn.

Lúc này, quân đội Hoa Kỳ chưa có mặt tại Việt Nam, mới chỉ có những nhóm cố vấn nhỏ mà thôi. Thế quân bình của Nam và Bắc còn cân nhau. Giáo Hội Phật Giáo còn uy tín lớn, hai bên lâm chiến có thể lắng nghe.

Thứ hai:

Giáo Hội xây dựng gấp Viện Cao Đẳng Phật Học để xây dựng lớp trí thức mới có tu có học rành mạch những điều Phật dạy hầu hướng dẫn đất nước đi về hướng đại trí đại bi, khoan dung, và biết lắng nghe tiếng nói của toàn dân.

Thầy nhắc hoài là trong thời đại Lý và Trần, con em những vị lãnh đạo đất nước, cả những vua chúa đều đến học tại Quốc Tử Giám, ở đó họ được học ba nguồn tuệ giác lớn của dân tộc là đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão. Học đạo Khổng để trị nước, đạo Phật để phá chấp và từ bi, nắm quyền bính trong tay mà không bị kẹt vào danh lợi; đừng làm như các trường học gần đây chỉ bàn cãi quanh quanh chuyện nên học theo giáo dục Pháp hay giáo dục Hoa Kỳ.

Thứ ba:

Giáo Hội thành lập ngay một trung tâm đào tạo Tác Viên Xã Hội đi về nông thôn chăm sóc cho đại đa số quần chúng nghèo thiếu ăn thiếu học và thiếu cách tổ chức. Nói một cách khác là xây dựng cơ cấu hạ tầng xã hội cho công bằng, căn cứ trên nhiều điều Phật dạy.

Ý của thầy không phải bảo GHPGTN chỉ làm chuyện từ thiện đi giúp đỡ người nghèo. Ý của thầy là Giáo Hội huấn luyện người có học có kiến thức về y tế, giáo dục, kinh tế và tổ chức để giúp người dân quê tự đứng lên làm cách mạng thay đổi cho chính cuộc đời mình. Người trí thức về nhà quê giúp nông dân, nhưng không nghĩ mình là “người giúp đỡ” và người dân là người “được giúp”, cả hai bên tương tức như cánh tay mặt và cánh tay trái, cùng đứng lên, cùng trách nhiệm, cùng tự nguyện thay đổi cuộc sống chung.

Những vị lãnh đạo trong Giáo Hội chỉ ủng hộ cho thầy mục thứ hai là lập Viện Cao Đẳng Phật Học. Điểm thứ nhất kêu gọi chấm dứt cốt nhục tương tàn, quý vị không đồng ý. Quý vị bảo miền Nam chưa có cơ cấu dân chủ, cần có quốc hội rồi quốc hội sẽ lập hiến pháp trước. Lập hiến pháp xong rồi thì ta mới kêu gọi chấm dứt chiến tranh được. Mới nghe qua dường như đúng về phần lý luận và lý thuyết nhưng nhìn kỹ lại thì các tướng lãnh quân đội đang nắm quyền, đến khi nào họ mới chịu đứng ra tổ chức quốc hội lập hiến đây? Thầy có thưa với Viện Hóa Đạo rằng chuyện Quốc Hội Lập Hiến là chuyện của các chính trị gia. Chúng ta là người tu, khi anh em một nhà – miền Bắc và miền Nam – đang chém giết nhau, hay bị đẩy vào thế chém giết nhau, lấy vũ khí người ngoài – chủ nghĩa Mác Lê và chủ Nghĩa Chống Cộng theo thế cờ Domino của Hoa Kỳ – cả hai đều là ý thức hệ ngoại lai, chúng ta kêu gọi họ ngừng chém giết nhau tức khắc thôi. Chuyện Quốc Hội Lập Hiến và ngưng chiến tranh như thế nào thì các chính trị gia sẽ biết cách tự đề nghị, tự giải quyết tuần tự như thế nào cho hợp lý. Ông thầy tu chỉ làm việc ông thầy tu là kêu gọi ngưng chém giết. Chuyện chính trị để hai bên lâm chiến lo. Ngày tháng qua mau, niềm tin đối với Giáo Hội Phật Giáo càng ngày càng xuống vì thiếu cán bộ lãnh đạo có uy tín, có đủ đạo đức và tài ba. Nếu để quá lâu khi Phật giáo lên tiếng kêu gọi, e chẳng còn ai nghe. Mà thật thế, không bao lâu sau đó, GHPGVNTN bị chia thành hai khối, uy tín xuống trầm trọng.

Điểm thứ ba quý thầy cũng không chấp nhận vì Phật Giáo làm sao mà làm cách mạng xã hội được? Trong khi bên khối quốc gia chống cộng thì có sự ủng hộ của Hoa Kỳ, bên Cộng Sản thì có khối Trung Quốc và Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết đứng phía sau. Còn nếu Phật giáo chúng ta muốn làm cách mạng xã hội thì phải có khối Phật giáo như Thái Lan, Sri Lanka, Miến Điện, Đại Hàn, Nhật Bản ủng hộ mà khối này thì… yếu xìu… Quý thầy còn nói: Thầy Nhất Hạnh thì làm thơ hay lắm nhưng quá lý tưởng. Đừng nói chuyện cách mạng, không thể nào thành đâu.

Bốn chục năm sau tôi càng thấy rõ hơn là nếu hồi ấy Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đứng ra kêu gọi chấm dứt cốt nhục tương tàn, chấm dứt chiến tranh thì sẽ không có quân đội Hoa Kỳ vào nước, không có mấy triệu người dân chết oan. Lúc ấy cả hai miền Nam Bắc đều chỉ có những ông cố vấn Hoa Kỳ, Nga Xô và Trung Quốc. Bên Quốc Gia đủ mạnh để thương thuyết với miền Bắc chấm dứt chiến tranh. Tình trạng điển hình là anh Bùi Thanh Thủy, chồng chị thứ Bảy của tôi. Anh là đại úy quận trưởng Giá Rai tỉnh Bạc Liêu. Chị tôi thì theo truyền thống ông bà họ Cao và họ Bùi, hay đi vào các thôn làng nghèo khó mà giúp đỡ người dân. Khi bên “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (hồi này không có quân đội Hoa Kỳ nên những khẩu hiệu này không có giá trị) lùa cả làng ở vùng sâu vùng xa đi ra quận Giá Rai biểu tình “đòi hòa bình” thì bên cảnh sát an ninh quốc gia lùa mấy trăm người vào sân vận động bắt họ phơi nắng, nhịn đói tới chiều mới tha về. Chị Bảy tôi là bà quận trưởng nên tự do đi vào sân vận động có lính canh gác, đem nước cho mấy trăm người “bị“ đi biểu tình uống, và trưa thấy họ đói bụng thì đi mua xôi, bắp hay nấu cơm vắt vào phát cho họ ăn. Dân chúng rất thương ông bà quận trưởng nên mỗi khi bên du kích kháng chiến về thì họ tự động, âm thầm, đến báo tin cho ông quận trưởng và ông đại úy quận trưởng đã đến dẹp rất nhanh. Quận Giá Rai bình an, số người biểu tình không còn nữa. Nhưng anh Bảy của tôi có than là bên du kích sao mà súng của họ tốt quá. Còn bên quốc gia thì chỉ có cấp “úy” (thiếu úy, trung úy, đại úy) mới có tiểu liên. Binh sĩ chỉ có súng cũ của Pháp, bắn từng viên rất tồi. Nếu anh giữ bình yên quận Gia Rai là vì dân thương, họ tình báo ngay khi bên kia về. Nhưng từ khi Hoa Kỳ cung cấp súng tốt thì các ông cố vấn Hoa Kỳ ngày càng đông và vì thế bên quốc gia mất chính nghĩa, anh tôi bị bắn chết trong một trận đánh có vài người cố vấn Mỹ. Có lẽ dân chúng ngày càng mất niềm tin nơi giới lãnh đạo có người nước ngoài (Hoa Kỳ) giúp đỡ vì người dân Việt Nam nào cũng biết thành ngữ “cõng rắn cắn gà nhà”. Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam từ từ mất chính nghĩa khi cố vấn Hoa Kỳ đến rất đông và cuối cùng thì có đến hàng chục ngàn, trăm ngàn binh sĩ Hoa Kỳ.

Khi các thầy lớn trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói rằng mình phải có Quốc Hội Lập Hiến mới kêu gọi hòa bình được thì thầy Nhất Hạnh im lặng không cãi lại, nhưng sau đó thầy dạy chúng tôi rằng mình cứ tự thắp đuốc lên mà đi thôi. Tổ tiên ta ngày xưa chỉ có tấm lòng thương dân, thương nhân loại mà dựng quốc, giữ nước, xây dần từng nấc thang đạo đức và văn hóa dân tộc. Ta cũng cứ thế mà làm, chúng ta cứ y theo như lời Phật dạy, chúng ta tự thắp đuốc lên mà đi. Nếu chúng ta làm đúng thì sẽ có nhiều tấm lòng ủng hộ. Tháng 3 năm 1965 thầy đã viết bài kêu gọi ngưng chém giết nhau giữa hai miền Nam Bắc thành một bài Editorial đăng nguyên trang đầu trên tuần báo Hải Triều Âm, tiếng nói chính thức của Viện Hóa Đạo mà thầy là chủ bút. Mỗi tuần tờ báo ra năm mươi nghìn số. Nhà nước chưa nói gì thì thượng tọa Tâm Châu và nhiều vị lớn trong Viện Hóa Đạo bắt tuần báo Hải Triều Âm đóng cửa. Thầy Châu Toàn, tổng thư ký Hải Triều Âm đã đau khổ như người mất hồn khi tuần báo bị Giáo Hội cho ngưng hoạt động.

Viện Cao Đẳng Phật Học, tiền thân của Đại Học Phật Giáo đầu tiên, Viện Vạn Hạnh.

GHPGVNTN nói sẽ ủng hộ điểm thứ hai là lập Viện Cao Đẳng Phật Học, nhưng quý tôn túc trong Giáo Hội cũng quá bận bịu nên chẳng giúp được gì. Thầy Nhất Hạnh, tuy phải làm tất cả từ đầu đến cuối, nhưng thầy có rất nhiều thanh niên trí thức và nhiều sinh viên các trường Đại Học Sài Gòn hết lòng ủng hộ. Thầy mượn được chùa Pháp Hội mới xây, khá khang trang làm văn phòng và làm những lớp học các chứng chỉ đầu. Thầy mời hòa thượng Thích Trí Thủ làm viện trưởng, kỹ sư Trịnh Sâm làm tổng thư ký, thầy Thích Thanh Văn đệ tử của thầy làm trưởng văn phòng. Bác Trịnh Sâm rất thương quý thầy nên chuyện gì cũng đem tới bàn bạc rất kỹ với thầy. Thầy viết thư mời thầy Minh Châu đang ở Ấn Độ, thầy Thiên Ân và thầy Mãn Giác ở Nhật về để cùng chuyển Viện Cao Đẳng thành Viện Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh.

Ngày khai giảng Viện Cao Đẳng Phật Học tháng Tư năm 1964, chỉ bốn tháng sau khi về nước, thầy đã chiếm được hết cảm tình của các nhân sĩ trí thức Sài Gòn. Viện chưa có ngân sách để làm lại con đường trước chùa đầy những vũng lầy trước cổng, nhưng bác Trịnh Sâm cười hả hê sau buổi lễ, bảo rằng trong bài diễn văn khiêm cung và khéo léo thầy đã lấp được vũng nước trước chùa thật là dễ thương. Ai nghe cũng muốn tìm cách giúp ngay.

Thầy xin được khu đất sát cầu Trương Minh Giảng và xin giấy phép thành lập ngay Viện Đại Học Vạn Hạnh, thầy sắp xếp để thượng tọa Thích Minh Châu, khi về nước sẽ được mời làm viện trưởng, thượng tọa Thích Thiên Ân sẽ làm khoa trưởng Khoa Nhân Văn và thượng tọa Thích Mãn Giác khoa trưởng Khoa Sinh Ngữ. Riêng trung tâm đào tạo tác viên đi làm cuộc cách mạng xã hội bằng con đường tự nguyện và tình thương thì thầy phải đứng ra thôi. Thầy chỉ nhận làm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị còn đại đức Thích Thanh Văn sẽ làm giám đốc điều hành.

Nhà xuất bản Lá Bối xuất hiện

Cũng trong năm này thầy dạy thầy Thanh Tuệ, chị Nguyễn Thu Hà và em Cao Ngọc Thanh đứng lên làm nhà xuất bản Lá Bối. Thầy Thanh Tuệ trình bày sách, chị Hà đứng thủ quỹ và Ngọc Thanh lo sổ sách. Tiền vốn bỏ ra là 20.000 đồng do bà bác sĩ Ngô Văn Hiệu cúng dường. Bà Hiệu là người Phật tử duy nhất trong số các Phật tử giàu có đến chùa Ấn Quang thấy được giá trị của thầy. Chính bà đưa thầy đi bác sĩ khi thầy nóng sốt nằm vùi. Cuốn sách đầu tiên của Lá Bối là Bông Hồng Cài ÁoĐạo Phật đi vào cuộc đời. Sách bán rất chạy và nhờ thế có đủ tiền tiếp tục in các cuốn sách khác.

Tac vien PSXH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bà bác sĩ Hiệu, chị Nga, chị Nhất Chi Mai và tác viên PSXH


Làng Tình Thương, tiền thân của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội

Tháng 9 năm 1965 trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mới chính thức thành lập như một phân khoa của Đại Học Vạn Hạnh. Nhưng ngay những ngày đầu về tới Việt Nam ngày 18 tháng 12 năm 1963 thầy đã cho một số anh chị em trong Ban Xã Hội của đoàn Sinh Viên Phật Tử đi điều nghiên một số thí điểm để làm Làng Tình Thương thí nghiệm gọi là làng hoa tiêu.

Ngày 17 tháng 6 năm 1964, tôi trình xong luận án đệ tam cấp về rong nước ngọt với hạng Ưu. Viện Đại Học Paris V cấp cho tôi một chỗ làm tại Muséum d’Histoire Naturelle và một học bổng khá cao để làm tiếp luận án Tiến Sĩ Quốc Gia. Nhưng tôi đành từ chối tấm lòng ưu ái của các giáo sư Bourrelly và Feldmann và xin phép về nước ngày 18 tháng 06 năm 1964 để có mặt ngay ở Việt Nam ngày 19 tháng 06 năm 1964.

Y phuc ve lang 1964

Y phục khi tôi về Làng năm 1964

Bước chân vào Làng Tình Thương hoa tiêu Cầu Kinh tôi như cá gặp nước. Việc nào cũng làm thật dễ dàng không khó khăn như ở xóm ổ chuột ngày xưa. Thiên hạ ở nông thôn chí thú làm ăn, không ai tính lường gạt chúng tôi để đi đánh bài, ăn cắp. Các cháu ham học, các bác nông dân hợp tác tất cả những dự án chúng tôi đề xướng.

Không có trường học cho trẻ con? Thì mình phải tự đứng lên lập lấy cái trường của chính mình. Mới bước chân vào Làng Cầu Kinh, đếm được 77 thiếu nhi từ 5 đến 12 tuổi mà không đứa nào biết đọc, biết viết hết. Chúng tôi đi gặp ông quận trưởng để yêu cầu nhà nước cất trường học cho các cháu. Ông quận trưởng nói, theo ngân sách của Bộ Quốc Gia Giáo Dục thì nơi nào có ít nhất là 200 thiếu nhi mới được cho mở trường học. Chúng tôi áp dụng ngay ba phương châm thầy dạy là TRÁCH NHIỆM, TỰ NGUYỆN và TÌNH THƯƠNG. Chúng tôi tới chơi nhà bác Ba là người lớn tuổi nhất trong làng và thưa rằng: Bác ba ơi, vì chúng cháu thấy 77 đứa bé ở làng mình không có trường học, chúng cháu có tới xin nhà nước, nhưng ông quận trưởng nói không đủ ngân sách, chúng cháu thấy trách nhiệm đối với các em nhỏ nên tự nguyện đứng lên kêu gọi mọi người giúp một tay. Vì tình thương mà làng Cầu Kinh mình phải lập ngay trường học cho con em mình bác Ba đồng ý không? Mình đã không biết đọc biết viết rồi, các con trai con gái mình cũng dốt, mà bây giờ tới đời cháu nội cháu ngoại cũng dốt thì tội nghiệp quá. Thôi chưa có trường cho chúng cháu dạy, các cháu học dưới gốc cây vậy. Thưa bác Ba, thưa cô Bảy, cô bác hy sinh bớt việc nhà để các cháu có thể đến trường nhé. Việc nhà của phần đông các cháu là đi câu cá để có chút thức ăn cho bữa cơm. Có khi câu được con cá to thì đem đi đổi thêm gạo cho gia đình. Chúng tôi dạy ngoài trời chừng mươi ngày thì gặp hôm trời mưa phải đem cả lớp học chạy xin trú ẩn trong nhà bác Hai, nhà nóc ngói, khá giả nhất trong làng. Bác Hai thấy các cháu lóp ngóp dưới mưa thì thương, nhân đó hôm sau chúng tôi đi mời cả làng tới để trình bày là cần sự góp sức cả làng mới thành tựu được một trường học. Bác Hai cho ba thiên lá dừa nước, bác Ba cho bốn chục cây tre to. Cô bác khác hứa sẽ góp công góp sức. Thế là vài tuần sau chúng tôi có được ngôi trường nóc lá vách đất và tre với ba lớp học và một phòng làm trạm y tế. Chị Trà Mi mới tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm nhưng bị bổ đi dạy ở Trung Học Bến Tre, Phùng Thăng có việc nhà phải về Huế, anh Tôn Thất Chiểu cũng thế. Chị Lê Kim Chi tốt nghiệp trường Dược phải về Cao Lãnh mở hiệu thuốc tây. Chú Nhất Trí, em Tâm Thái và Tâm Quang đều quá trẻ, còn thầy thì lúc sau này phải ở luôn chùa Pháp Hội để lo các lớp Phật học vừa khai giảng. Tôi được các bạn giao hết mọi việc điều động Làng Tình Thương. Đầy nhiệt huyết mới về nước, tôi kéo các bạn bè mới cũ vào hết trong ban điều động. Lê Khắc Phương Thảo ăn nói mềm mỏng và đầy nhiệt huyết, nên để chị nằm trong Ban Phổ Triển, ngoại giao để tìm người tham gia. Chính Phương Thảo đã mời được ba anh nội trú vừa tốt nghiệp Y Khoa bác sĩ là Trần Tấn Trâm, Hồ Văn Quyền và Nguyễn Thành Nguyên đó mà. Người đứng tên trường tiểu học của làng đáng lý là chị Trà Mi vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm nhưng vì chị bị đi dạy ở Bến Tre nên làng nhờ chị Cao Ngọc Thanh, đang học Dược, đứng tên làm hiệu trưởng và xin phép cho trường Tiểu Học Chim Sơn Ca chính thức hoạt động. Trường có tất cả năm lớp. Thế thì mỗi ngày chúng tôi cần 5 người tình nguyện ngồi chơi và dạy các cháu học từ lớp năm (tức lớp 1 bây giờ) đến lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất. Cao Ngọc Thanh, Phạm Thúy Uyên và tôi là ba người có bổn phận điều động 30 anh chị sinh viên, mỗi bạn dạy một ngày, dạy sáng và dạy luôn buổi chiều một trong năm lớp. Vì trường dạy 6 ngày trong tuần thành ra phải cần đến 30 người tình nguyện là vậy. Đó là dịp rất hay để quy tụ hết các bạn cũ trở về xây dựng tăng thân: dược sỹ Mỹ Hạnh – hoa khôi của đoàn sinh viên Phật tử, dược sỹ Lê Kim Chi, dược sỹ Lê Khắc Phương Thảo, dược sỹ Phạm Thị Thục và các bạn các ban ngành khác như thẩm phán Bùi Văn Thanh, tiến sĩ toán Lê Khắc Tích, chị Trương Thị Nhiên đang làm luận án tiến sĩ sinh học, chị Nghiêm Thị Kim Chi, giáo viên, chị Nghiêm Thị Bạch Tuyết, học Dược, chị Phan Thị Mai, giáo viên, anh Lương Hữu Định, luật sư, anh Đỗ Văn Khôn, anh Ngô Vĩnh Thành, anh Ngô Lương Phú, v.v… Mỗi người nhận dạy một buổi hay trọn ngày tùy tâm. Chỗ nào trống thì tôi, Thanh và Thúy Uyên đều tự nguyện lãnh hết những chỗ thiếu người ấy. Bên Y Tế thì đã có các anh bác sĩ Trâm, Quyền, Nguyên, Đỗ Tuấn Khanh và Đặng Ngọc Cương cùng dược sỹ Nguyễn Văn Bảy rồi. Nhưng trùm lên trên mọi người bằng tình thương và sự ưu ái là bác sĩ Ngô Văn Hiệu và chị dược sĩ Đỗ Thị Nga. Hai vị này cúng cho làng những vật dụng thiết yếu mà dân làng dù đầy lòng tự nguyện cũng không có tiền mua là thuốc tây và trọn bộ bàn ghế cho học sinh, những dụng cụ cần thiết bên y khoa cho một trạm xá nhỏ.

Nếu cháu sốt là vì bị ông bà quở

Khi tôi về thăm Làng Cầu Kinh lần đầu, lòng tôi rất bất nhẫn, Cầu Kinh chỉ cách Sài Gòn có 7 cây số mà dân ở đây sống như thuộc về thế kỷ trước. Con thím Năm sốt nặng, thím nhất định là tại bà bắt, tại vì nó đi câu cá xa quá, tận trên gần Miếu Bà, bây giờ phải cúng Bà thôi. Anh bác sĩ Trâm nhìn tôi cười khi nghe tôi nói tỉnh bơ: “Bác nói đúng quá, vậy để cháu sẽ đi mua nải chuối về cúng Bà nhưng bác cho em Trung uống viên thuốc này cũng giúp cho bớt sốt”. Anh Trâm nói nhỏ với tôi: “Sốt cao quá có thể bị thương hàn, nhưng để xem”. May quá là hôm sau, bé Trung đã hết sốt và ăn được cháo. Tôi quên mua nải chuối nhưng thấy Trung hết bịnh dân làng bắt đầu tin thầy Tư (Trâm). Trâm, Nguyên và Quyền cũng không xưng là bác sĩ, chỉ xem mạch rồi phát vài viên thuốc trắng trắng xanh xanh là người bệnh hết bệnh khiến dân làng cứ khen thầy Tư, thầy Bảy, thầy Tám mát tay! Thầy Quyền và thầy Nguyên cũng thay phiên nhau tới xem mạch và cho thuốc. Đồng bào bắt đầu tin tưởng ba cái “chú biết chữa bệnh” của Làng.

Rã bành tô

Một bữa khi đi xe máy về lại Sài Gòn sau một ngày làm việc vất vả, bác sỹ Quyền đi song song và hỏi tôi: Chị Phượng đã có người yêu chưa? Tôi hỏi dùm một người bạn chứ tôi đã có fiancée rồi, xin chị đừng hiểu lầm tôi. Tôi mỉm cười nhẹ nhàng nói: “Dạ có rồi, thưa anh”. Trong tâm tôi nghĩ là tôi nói thiệt vì tôi nhớ tới Khá, tôi đã phụ tấm lòng trung hậu đó thì tôi chỉ có một người yêu bất diệt duy nhất là lý tưởng phụng sự người nghèo khổ của tôi thôi. Nếu tôi ưng ai tức là tôi phụ lòng người con trai hiền lành trung hậu ấy, tôi phụ người yêu bất diệt là lý tưởng phụng sự của tôi. Tôi có thuật điều này cho bạn tôi là Lê Kim Chi nghe. Nghe điều ấy Chi bèn đi mách với thầy Nhất Hạnh khiến thầy thấy tội nghiệp tôi quá. Chiều đó thầy gửi các bạn đem cho tôi một bức thư và căn dặn khi nào buồn lắm thì mở bức thư “cấp cứu”của thầy ra mà đọc. Tôi rất can đảm và không cần mở bức thư cấp cứu đó ra, sau này có dịp, tôi đem trả lại thầy, thầy bảo tôi mở ra xem. Thì ra chỉ có mấy câu thầy dạy tôi cách đi thiền hành để ôm ấp niềm xót xa trong lòng!

Ngày hôm sau, các bạn trong giới y khoa (bạn của Trâm) Sài Gòn, nhiều người được anh Trâm hỏi: Có biết cô Cao Ngọc Phượng bên Đại Học Khoa Học không? Các bạn hỏi lại: Biết, thì sao? Trâm nói: Tui “rã bành tô” rồi bồ ơi, tôi buồn quá, cô ấy đã có người yêu. “Bành tô” là tiếng người bình dân miền Nam gọi trại chữ manteau của Pháp tức là áo khoác dày bên ngoài khi trời lạnh. Nếu bành tô của mình mà rã thì tả tơi lắm. Đúng ra phải nói: Tôi tả tơi quá bạn ơi.

Với một bạn khác của làng thì anh chia sẻ: Bạn biết không. Vừa gặp Phượng thì tôi biết đây là người mà tôi chờ đợi từ lâu rồi, lâu lắm rồi. Đúng là người con gái có cái dáng ốm ốm thanh thanh đó, đúng là cái người thiếu nữ tóc dài có nước da xanh mét đó… Buồn quá, bạn nghĩ có thật cô ấy đã có hôn phu rồi không?

Trâm buồn được vài tuần thì bỗng nhiên vui vẻ trở lại và lại tiếp tục đi cùng tôi thăm từng gia đình dân làng Cầu Kinh và Thảo Điền, xem mạch, cho thuốc và bàn bạc với tôi về những việc chung của làng. Tôi cũng vui vì nghĩ rằng anh ấy đã bình thường hóa lại cái tình đồng chí với tôi trong công tác làm mới xã hội nghèo khó này.

Hoi lis scckVài tháng sau tôi nghe nguồn tin là Phương Thảo đã bật mí cho anh ấy biết tôi chẳng có anh chàng nào hết, trừ chàng Nguyễn Khá, cố nhân rồi! Thế là anh ấy lại hy vọng. Nhưng hôm đó tại nhà Phương Thảo tôi nhất định cho Trâm biết người yêu của tôi là lý tưởng phụng sự đồng bào nghèo khổ, xin đừng hy vọng bỏ tôi vào lại cung điện của tình yêu thường tình. Mấy hôm sau tôi bị các bạn của anh Trâm “tấn công” khá kỹ. Họ nói: Cái chị Phượng đó hả? Thà cạo đầu đi tu làm ni cô cho người ta không mơ tưởng. Ai kêu chị ấy để tóc dài mơ mộng quá để cho người khác bể trái tim, tội chết! Không biết chị ấy có biết không? Tôi cười buồn, cũng muốn cạo đầu quách cho rồi nhưng không có chùa thì làm sao mà tu được? Tôi đâu muốn vào chùa của ni sư Vĩnh Bửu, vì tôi không cho nghiệp phụ nữ là nặng và không cần tu để kiếp sau thành con trai cho nhẹ nghiệp. Con trai mà cứ vướng mắc tình cảm như anh Trâm thì còn nặng nghiệp hơn. Gia đình tôi đa số đều chấm Trâm thi đậu làm rể, ai cũng bàn vào đề nghị tôi đồng ý cho rồi, nhưng cái đầu cứng của cô cọp con này ai mà bóp cho mềm được. Sáng sớm tôi đã mất hút vào làng, khi thì làng Cầu Kinh, khi thì làng Thảo Điền, và tối khuya mới về lại nhà. Má tôi trách: Hồi ở Pháp, con nói con nhớ má, thương má, vậy mà khi về tới đây, sáng sớm là con đi mất, tối khuya con mới về, con đi đâu mà đi dữ vậy? Tôi nằm kề bên ôm chặt má và nói: Con thương má lắm nên mới không lấy chồng, nếu con lấy chồng thì bụng mang con, tay này lo cho chồng, tay kia lo cho cả giang san gia đình bên chồng, còn đâu thì giờ ngồi ôm má ban đêm như vầy đâu?

Nghe thế má tôi cười vui trở lại. Má tôi thật dễ thương, dễ nghe lời con gái quá à! Tôi ôm hôn má thật ngon, rúc đầu vào má mà ngủ, hai mẹ con hạnh phúc nằm bên nhau. Hôm sau tôi lại phải đi sớm và má vẫn vui.

Khi nào thì tôi mới gửi thiếp mời mọi người đi dự lễ xuất gia của tôi đây?

Bảy tháng sau, tôi nghe nói Trâm thật tình hiểu là tôi quyết đi tu nên anh không theo đuổi nữa và quyết định trở lại với người con gái rất xinh đẹp đã thương anh từ lâu. Lòng tôi rất vui mừng cho anh ấy vì làm sao mà tôi vui nổi khi có người khổ vì mình mà mình thì nhất định không thể ưng anh ta được. Tôi hỏi các bạn sao không rủ chị ấy đi làng mình cùng với anh Trâm. Chị Nhiên ở chung cùng cư xá Trần Quý Cáp với cô kia nói: Trời ơi, chị Phượng ơi, tội nghiệp cô kia lắm! Cô cứ khóc với tụi tui hoài hà. Cứ mỗi lần anh Trâm gặp cô ấy thì hay đề nghị em nên để tóc dài như chị Phượng, em nên mặc áo trắng như chị Phượng… Mấy tháng sau nữa chúng tôi nhận được thiệp cưới của Trâm. Bỗng nhiên tôi thấy thật buồn!

Lạ quá, tại sao từ chối người ta khi người ta hai lần cầu hôn rồi bây giờ được thiếp cưới của người ta thì buồn, tôi yêu Trâm ư? Nhìn sâu lại tâm mình tôi mới nhận ra một sự thật rất bình thường là: Người con gái nào cũng xem ngày cưới của mình là trọng đại, là ngày đi lập cuộc đời mới với người con trai mình thương yêu và gửi gắm niềm tin. Nhưng con đường của tôi, không phải là con đường đó. Tôi đã chọn lý tưởng làm người xuất gia theo Phật. Lấy sự dấn thân phụng sự cho người nghèo khổ làm tương lai cho mình. Vậy thì khi nào tôi mới mời được bạn bè đến dự ngày xuất gia của tôi đây? Tôi buồn là phải! Đất nước đầy khổ đau, nội chiến lăm le cùng khắp nước, một ngôi chùa ni theo lối tu mới, dấn thân theo lối tôi mơ ước, chẳng biết khi nào lập được. Thế thì chẳng bao giờ tôi có được cái hạnh phúc gửi thiệp cho ai hết để mời đến dự ngày tôi xuất… gia. Tôi buồn không phải năm phút mà… gần cả ngày!

Ngày hôm sau tôi lấy xe mobylette chạy tới hỏi chị Hà: Tiền tụi mình dành dụm để cất chùa ni được bao nhiêu rồi hả chị ? Chị Hà cười: “Còn chờ lâu lắm Phượng ơi! Nhưng nếu cất chùa lá chắc là đủ. Tôi nghĩ: Tại sao không? Một ngôi chùa bằng lá? Cách mạng lắm chứ! Tôi nghĩ đến ngày cất chùa xong tôi mời thầy tới xuống tóc cho mấy chị em tôi. Thiệp mời sẽ làm thật đẹp. Thế nào cũng gửi cho vợ chồng anh Trâm, anh Quyền và Xuân Lan, anh Nguyên, Phương Thảo, Bích, Kim Chi, Nhiên… Thiệp xuất gia của bảy tám chị em chúng tôi cùng một lúc. Vui quá! Người xuất gia chắc chắn sẽ có chị Hà, Phượng, Thanh, Uyên, Trà Mi, Phùng Thăng, chị Liên, chị Điệp… Chắc chắn là vui hơn đám cưới nhiều!

Tránh kịp một vụ Mỹ Lai

Sáng đó tôi vào đến làng Thảo Điền bỗng thấy không khí có vẻ kỳ lạ quá. Cái làng hiền lành của tôi hôm nay đầy lính Mỹ. Anh Mỹ nào cũng nhìn tôi với ánh mắt vừa sợ hãi, vừa ngây thơ. Tuy cao lớn dềnh dàng – có anh cao bằng hai tôi – nhưng mặt anh nào cũng non choẹt. Tôi nhìn vào mắt một anh và hỏi: Các anh định làm gì ở đây? Anh ta hơi giật mình! Có người biết tiếng Mỹ! Ngập ngừng một chút anh ta nói: Chúng tôi đến tìm cộng sản. Với ánh mắt thật trong sáng và chân thật, tôi trả lời ngay là ở đây không có Cộng Sản đâu. Cách đây ba hôm, có một toán du kích vào trói gô ông xã trưởng lại và nói: Mày làm việc cho ngụy, ta phải đốt nhà mày. Dân làng lạy lục năn nỉ họ đừng đốt nhà ông xã trưởng vì ở đây nhà nào cũng bằng lá. Đốt một nhà là đốt hết cả làng. Họ do dự… rồi sau đó bỏ đi. Mừng quá, thế là chúng tôi yên tâm mấy ngày nay. Thế các anh tới đây làm gì? Tại sao trước đây không tới mà bây giờ đến? Họ nói: Cái cầu dài ngoài kia suýt bị mìn nổ vì có du kích đem mìn tới. A thì ra thế! Một lát sau, một người sĩ quan Hoa Kỳ hình như là trưởng nhóm lại đến hỏi tôi lần thứ hai. Sau đó, toán lính Mỹ này có đi lùng soát rất kỹ và hình như thấy đúng như lời tôi khai báo, không có súng, vỏ đạn, không có gì khả nghi. Nhờ thế nên khoảng một giờ sau thì họ rút đi. Tôi chợt nghĩ nếu sáng hôm đó mà tôi không tới kịp, nếu có chú bé nào dại dột vác hèo tới đập anh lính Mỹ nào đó thì sự cố có thể rất tệ. Cái ánh mắt sợ sệt kia sẽ nhanh chóng biến thành hoảng hốt và những loạt súng bắn bừa vì sợ hãi sẽ kéo theo một vụ Mỹ Lai thứ hai thì sao? Mỹ Lai là một làng nhỏ của Quảng Ngãi bị lính Hoa Kỳ (sĩ quan Calley) bắn ria chết mấy trăm người dân vô tội, toàn là trẻ em và ông bà già cùng phụ nữ, báo chí Hoa Kỳ đang phanh phui tội ác lớn này. Lòng tôi rất thương, có khi người ta không ác nhưng vì sợ hãi – như mấy anh lính Mỹ hồi sáng nay ở Thảo Điền đã nhìn dân làng với đôi mắt đầy ngây thơ nhưng sợ hãi – vì nghĩ là phải tự vệ nên người ta tàn sát. Ôi tôi mong mỏi chiến tranh này chấm dứt càng sớm càng tốt để con người không phải gây nghiệp ác với nhau dài dài vì vô minh và sợ hãi như tôi đã chứng kiến sáng nay và kịp thời tránh giúp cho họ. Nhưng ở các làng xa của Việt Nam có bao nhiêu nông dân nói được tiếng Hoa Kỳ để tránh tai nạn kịp thời như tôi đã làm?

Tết Trung Thu

Chỉ còn có một tuần nữa là tới rằm tháng Tám. Tôi rất phục sư chú Nhất Trí là đệ tử xuất gia đầu của thầy chúng tôi. Làng Thảo Điền là làng hoa tiêu thứ hai mà sư chú và tôi tìm ra, nó chỉ cách Làng Cầu Kinh chúng tôi có một con sông lớn. Đây là một làng hoàn toàn bị cô lập với thế giới văn minh từ Sài Gòn mà chúng tôi đang sống. Không có trường học, không trạm y tế, không hàng quán. Nông dân làm nghề thuần túy trồng lúa. Mỗi nhà có được giàn bầu, giàn bí, giàn khổ qua, giàn dưa và có trồng rau húng và khoai lang, khoai sọ, khoai mì. Họ chèo ghe qua bên kia sông tới Cầu Kinh mua dầu hôi đốt đèn, dầu ăn, nước mắm và muối. Mỗi khi về làng Thảo Điền, tôi phải đi xe mobylette khoảng bảy cây số từ nhà chị Tám tôi ở Nguyễn Bỉnh Khiêm tới cầu Xa Lộ, chạy thêm nửa cây số thì rẽ vào đường đê, băng ngang ruộng lúa độ hai cây số thì tới cổng Làng. Hình như đây là ấp chiến lược của ông Ngô Đình Nhu muốn đưa dân vào ở chung một nơi cho dễ kiểm soát. Mỗi khi sư chú Nhất Trí về làng là trẻ con gọi nhau ơi ới: Thầy Năm về, đi học, đi học, bây ơi. Không khí này khiến tôi nhớ xóm Quốc Thanh của tôi mỗi khi tôi vào thăm. Các cháu mừng tôi như mẹ đi chợ về. Lúc nào tôi vào các cháu cũng gọi nhau ơi ới như thế, tôi ưa đem bong bóng và kẹo dừa cho các cháu. Còn ở đây các cháu gọi nhau chỉ là để đi học. Thương không? Con nít thành phố đâu có ham đi học như vậy đâu? Các bé đủ lứa tuổi, đứa nào cũng ham học. Có đứa phải ở nhà giữ em nhưng có thầy Năm (tên mà dân Làng đặt cho sư chú) về dạy học, dạy hát mà không đi học sao được. Các bé bồng em vào lớp để cùng học chung. Bờ a ba, bờ a ba huyền bà…đứa bé một tuổi đòi tụt xuống đất để bò lê trên sàn nhà, cô chị mới sáu tuổi ráng níu em lại. Chợt có tiếng khóc thét của đứa bé đòi tụt xuống sàn. Chị nó là Ổi, phải miễn cưỡng bồng em ra ngoài kẻo làm ồn lớp học. Sư chú nhìn tôi lắc đầu, chắc phải tổ chức giữ em vần công mới được chị ơi. Sư chú đọc lớn và bảo các em đọc theo: Bờ a ba huyền bà. Bà ru em ngủ. Bỗng có tiếng la lớn: Xíu ơi, em mầy ị dưới nền lớp học rồi! Thúi hoắc hà! Thế là lớp học tạm ngưng để Xíu đi lau phân của em nó, ị trên sàn đất, lau trên sàn đất thì làm sao mà sạch được !

Ở chơi đến chiều, tôi học được rất nhiều bài hát của chú tự sáng chế để dạy cho trẻ em.

Em ra ngoài đồng,
em thấy một con trâu,
sừng trâu to lớn
nước da xám xỉ
năm chì ỉ trên đường đi
gặp chi ăn nấy
em thấy hai con trâu.
Em ra ngoài đường, em thấy hai con trâu

Sư chú Nhất Trí nhờ tôi dạy các em bài:

Tết Trung Thu em xách đèn đi chơi
Em xách đèn đi khắp phố phường
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Em xách đèn cùng đến cung trăng
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn xanh xanh với đèn tím tím
Em múa đèn cùng với chị Hằng.

Chị Hằng là ai? Sư chú chịu khó chỉ mặt trăng mới lên và giải thích, kể chuyện Hằng Nga và Chú Cuội cho các cháu nghe, giải thích là vì trăng tròn tháng Tám trời không lạnh không nóng, mới gọi là lúc tận hưởng trăng tròn giữa Mùa Thu. Người lớn thì khoe tài khéo làm bánh, làm kẹo; trẻ em thì được xách đèn đi múa dưới trăng Trung Thu rất mát mẻ và vui tươi. Mình sẽ tập múa chèo thuyền để trình diễn văn nghệ cho cô bác xem, các anh chị bạn của cô Chín (là tôi) sẽ mang quà về cho tụi con. Mình sẽ mời dân làng Cầu Kinh sang đây trình diễn chung coi bên nào có tiết mục hay nhất.

Ngày hôm đó, Mỹ Hạnh phối hợp việc thu quà, Phương Thảo lo điều động toàn chương trình; Thanh, Uyên, Bạch Tuyết đã về đây tập hát với các cháu nhiều lần nên đang tập dượt với các cháu. Tôi với sư chú rút vào hậu trường để các bạn từ Sài Gòn xuống đứng ra chủ động cho họ vui. Sau khi các cháu trai trình diễn điệu múa mới với mái chèo, dân làng vỗ tay tán thưởng thật lâu khiến các cháu lại múa lại lần nữa.

Bỗng chúng tôi nghe tiếng hát reo vui của một đoàn thiếu nhi dẫn đầu là sư chú Nhất Trí đã có đèn trong tay, vừa đi vừa hát:

Tết Trung Thu em xách đèn đi chơi

Em xách đèn đi khắp phố phường

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Rồi ở góc kia của Làng lại một đoàn thiếu nhi khác, dẫn đầu là Tâm Thái, cũng vừa đi vừa hát:

Em xách đèn cùng đến cung trăng

Đèn ông sao với đèn cá chép

Rồi ở góc làng khác một đoàn thiếu nhi dẫn đầu là Tâm Quang:

Đèn xanh xanh với đèn tím tím

Em múa đèn cùng với chị Hằng

Các cụ già nhìn các cháu xách đèn đi chơi cười rung rung hàm râu trắng nói: Trăng tròn năm nay nhờ có thầy Năm và cô Chín về, các cháu sướng ghê, lâu lắm rồi, chưa bao giờ làng này vui như vậy.

Nhưng sau đó sư chú vào Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, đi làm công tác ở Bình Điền, mất tích cùng với bảy người bạn khác. Đêm đó ở Bình Điền, nếu tôi không sợ mẹ tôi buồn, ở lại ngủ đêm tại cái làng bình yên đó thì chắc tôi cũng bị mất tích theo.