Chương 11: Lọt vào vòng bom đạn

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không



 

Ngày 11 tháng 05 năm 1968, từ nhà chị Bảy tôi ở cư xá Lữ Gia Trường Đua Phú Thọ, gia đình chúng tôi nghe tiếng súng bắn dữ dội ở hướng phi trường Tân Sơn Nhất, dường như là có du kích đang tiến về phía phi trường suốt một ngày và hai đêm. Sáng hôm ấy Masako đi mobylette tới nhà tôi báo tin là cả vùng Phú Thọ, Hòa Tân Phú du kích tràn ngập và bên quốc gia đang bắn đại pháo rockets dữ dội lắm. Dân chúng đổ xô vào công viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội rất đông, không đếm xuể được. Có thể là trên 11 ngàn người. Giếng nước đóng của trường, bình thường anh em cho máy bơm một giờ thì đủ nước cho cả Trường xài ba ngày, mà nay máy đã bơm suốt ngày và cả suốt đêm hôm qua cũng không thể nào đủ cho hằng hà sa số người vào tá túc. Nồi niêu soong chảo của trường cũng đều biến mất. Chánh điện của chùa, giảng đường và thư viện của trường cùng với 40 phòng ngủ của các sinh viên nam nữ đều đầy người. Và ngay cả cầu tiêu nhà tắm cũng có người vào trốn trong ấy. Họ sợ bom nên vào tránh. Anh chị em muốn đi cầu cũng không có chỗ đi. Thầy Thanh Văn sợ du kích lẫn trong dân, nếu du kích đem vũ khí vào công viên mình và bắn qua bên quốc gia thì sẽ biến trường mình thành chiến trường mất. Ban điều hành tìm những vị bô lão và nhờ họ lặng lẽ làm việc theo dõi và khuyến thỉnh nếu có du kích chiến trà trộn vào. Nếu đã vào lỡ thì xin các anh vì đồng bào mà chôn súng đừng sử dụng.

Anh em TNPSXH gửi đi công tác các tỉnh hết rồi, chỉ còn có 37 người, rất khó mà điều động hơn 11.000 người bồng bế nhau chạy vào công viên và cư xá của Trường TNPSXH tị nạn. Anh em phải cấp tốc chia ra thành tám toán để tổ chức lại số người quá đông này. Mỗi toán của trường chỉ có bốn hay năm người, và anh em mời được đồng bào tị nạn bổ sung mỗi toán thêm 20 người nữa để lo trật tự, lo phụ nấu ăn, chia phần ăn và nước uống cho từng gia đình, lo vệ sinh từng khu – đào thêm 20 hố xí dã chiến – các chị thì chăm sóc trẻ em theo từng lứa tuổi, làm vệ sinh, chăm sóc người bị thương…. Cô Masako được nhờ đi mua xăng cho máy bơm nước vì hết xăng và hết nước thì sống rất khó.

Khi cô Masako đến nhà tôi báo tin này, phản ứng tức thì của tôi khi nghe tin là mặc áo lên Trường TNPSXH ngay, cứ nghĩ đơn giản là lên kia, khi thấy thiếu gì thì chạy về mua thôi. Tôi chỉ kịp ghé tiệm thuốc tây Lữ Gia gần nhà lấy thêm bông băng thuốc đỏ, alcool và thuốc bột exoseptoplix để rắc khử nhiễm trùng. Tôi thật không ngờ là mới hai đêm một ngày mà vùng Phú Thọ Hòa bị tàn phá lớn lao đến thế và tôi đang dại dột đi vào ngay cơn xoáy của chiến tranh. Muốn trở lui cũng không được nữa rồi. Trước mặt tôi phía trái một rocket rơi ầm, bụi tung mù mịt mà sau lưng tôi cách một trăm thước, khoảng xe tôi vừa chạy qua, cũng một trái rocket nữa. Vườn lài hoa thơm lừng vào tháng năm mỗi khi tôi đi ngang, bây giờ đạn tung bụi bay mù mịt.

Cuối cùng thì tôi cũng vào được Trường TNPSXH, các em tôi đã treo lên lá cờ Phật Giáo phất phơ trên nóc chùa để báo hiệu đây là chùa, xin đừng dội bom. Các em gái tôi đang băng bó những người bị thương, may quá tôi không bị thương. Em Tuấn (cựu y tá) báo tin là em đỡ đẻ bình yên cho hai bà mẹ trẻ mới sinh tại đây, một gái một trai rồi. Xưa Tuấn học nghề y tá, không có học đỡ đẻ gì hết, nhưng vì không thể nào đưa họ lên nhà bảo sanh hay bệnh viện được nên em liều, nhưng rồi mẹ con cũng bình yên! Có ba người chết, phải giải quyết chôn gấp nếu không, thây sình thối lên sẽ bị truyền nhiễm thì nguy lắm. Các em chạy tới hỏi: Chị có mang băng và thuốc không? Tôi tức mình, tôi thật ngu, nghe thế là đi liền, chỉ trút tạm tủ thuốc gia đình và có ghé nhanh đến hiệu thuốc tây Lữ Gia nhưng họ cũng chỉ có hai cuộn băng. Chúng tôi mới băng bó thêm được năm người là hết băng. Tôi cũng phải chung sức lo băng bó và cũng đành cắt hai vạt áo dài của tôi mà làm băng như các em gái khác. Trong khi tôi đang băng thì có một bé trai khoảng 11 tuổi tới kéo áo tôi nói lí nhí gì đó. Tôi dịu dàng nói: Cô bận lắm, cưng chờ một chút cô rảnh tay, sẽ lắng nghe nhé. Rồi tôi quay lại chăm chú rắc thuốc bột sát trùng cho một phụ nữ cỡ 38 tuổi mà Tuấn đã dùng alcool lau sạch vết thương ở đùi. Rắc bột, để thêm một miếng compress, tôi loay hoay băng cho thiếu phụ thì chợt nghe các em la lên: Kìa xem kìa, ai rảnh tay ra phụ với thằng bé gấp, kéo như vậy nguy hiểm quá. Thì ra chú bé gọi tôi khi nãy chắc là để cầu cứu vì bà nó đang bị thương nặng nhưng tôi bận băng bó cho chị Năm nên không lắng nghe cháu. Sợ bà chết cháu quay về chỗ bà ngoại cháu bị đạn ngã quỵ, cố lôi bà tới nơi để chúng tôi cứu. Bà bị thương ở bụng máu ra nhiều quá. Chúng tôi chỉ có thể lau máu chứ đâu dám sờ vào vì trong chúng tôi không có ai là bác sĩ cả, nhất lại là bác sĩ giải phẫu. Để bà nằm ngay ngắn, Tuấn cho bà thở ether và chúng tôi phải bàn bạc tìm cách vượt qua lằn đạn mà đưa bà đi bệnh viện, chỉ còn cách ấy thôi. Bởi vì chiếc xe Hồng Thập Tự cấp cứu Nghiệm mới gọi tới đã chở đi hết bốn người rồi, chắc họ không chịu trở lại đâu. Cuối cùng có sáu em, tôi không nhớ là ai, hai người cầm lá cờ Phật giáo, hai người giăng chiếc y vàng của một sư chú và hai em khiêng miếng ván để bà ngoại của bé Ty nằm. Họ vượt được khu bom đạn và tới Hòa Hưng mướn xe lam đưa cụ vào bệnh viện. Thấy bé Ty khóc, ai cũng thương nên cho em đi theo đoàn đưa bà đi bệnh viện. Nghe nói cuối cùng bà ngoại của Ty được cứu sống. Cha mẹ Ty đều chết, cháu chỉ sống với bà ngoại. Chính sự can đảm kiên trì của chú bé đã động lòng mọi người, các sư chú dám vượt bom đạn đưa cụ vào bệnh viện cũng là vì thương bé Ty bơ vơ nếu bà chết.

Lúc này các đoàn TNPSXH đã công tác khắp nơi như Quảng Trị, Quảng Nam, Tánh Linh, Đồng Nai, Bình Thuận nên tại trường chỉ có 37 tác viên. Vì thế mà có được mươi phòng trống nên khi hơn 10 nghìn người tới thì người già người bệnh có phòng nghỉ bên trong. Bên ngoài thiên hạ đành phải nằm tràn lan đầy nghẹt hết lối đi. Chúng tôi mời hơn 100 người trong số 11 nghìn người này hợp tác vào ban điều hành chia ra làm tám nhóm như đã nói trên để cấp tốc phục vụ.

Buổi tối, khi mọi người đi ngủ thì từng nhóm họp riêng chia việc và Ban Điều Động nguyên nhóm cũng họp để bàn chung những bất trắc từng ngày. Ví dụ như nhờ những bô lão chức sắc trong quần chúng lặng lẽ đi xem xét xem trong quần chúng tị nạn có ai là du kích chiến đang giữ súng không, nếu có thì nhờ năn nỉ các anh đừng dùng liên thanh bắn sang bên quốc gia, nếu không bên quốc gia sẽ gọi phi cơ oanh tạc 11 nghìn đồng bào lánh nạn; Làm cách nào để tải thương về bệnh viện, làm thế nào để giải quyết chôn tám xác chết.

Đến ngày thứ ba, bỗng nhiên có tin đồn là phi cơ sắp tới oanh tạc công trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Thiên hạ nhốn nháo lên rồi vô cùng sợ hãi. Có người kêu nên bình tĩnh, nên ở lại vì đi ra ngoài thì đạn cũng đang pháo kích tùm lum. Còn đây mới là tin đồn, ở đây còn an ninh hơn nhiều. Nhưng cũng có một số không biết suy nghĩ, hễ nghe sắp có oanh tạc thì cuốn gói chạy tiếp. Thầy Thanh Văn đã cầm máy phát âm chạy bằng pile của trường định khuyên và kêu gọi đồng bào nên bình tĩnh, ở lại. Nhưng thầy buông máy xuống và quyết định không kêu, không tuyên bố gì hết. Sau này thầy cho chúng tôi biết là hôm đó vì sợ đồng bào đi ra ngoài chùa sẽ bị lạc đạn chết, thầy đã quyết định ra lệnh kêu gọi đồng bào ở lại. Nhưng khi sắp mở miệng thì thầy bỗng tự hỏi: Nếu đồng bào nghe lời mình ở lại đây mà phi cơ vẫn oanh tạc và đồng bào chết thì mình sống làm sao nổi! Nghe thế chúng tôi rất cảm kích lòng từ bi lớn của thầy. Va cũng nhờ sự bình tĩnh của Ban Điều Hành Trại mà tâm mọi người dần dần ổn định.