Chương 10: Tết Mậu Thân

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không



71 giáo sư Đại Học Sài Gòn kêu gọi kéo dài đình chiến vào dịp Tết Mậu Thân
để đi đến thương thuyết chấm dứt chiến tranh

Tám tháng sau khi chị Mai tự thiêu kêu gọi hòa bình, chiến tranh vẫn khốc liệt trên nhiều trận tuyến lớn: trận Bình Long, binh sĩ hai bên và thường dân chết quá nhiều, trận Chu Phrong, trận Pleime, trận Đồng Xoài,… trận nào cũng thây chết chất chồng. Chúng tôi trong phong trào Phật tử và sinh viên các trường đại học Sài Gòn quá nóng lòng, muốn làm cái gì đó như là tiếng nói của lương tâm đất nước. Từ góc Đại Học Khoa Học, tôi thuyết phục được một số giáo sư, rồi bên Văn Khoa, Luật Khoa, Y Khoa và có được 71 giáo sư các trường đại học Sài Gòn đồng ký tên kêu gọi ngưng chiến nhân dịp Tết sắp đến. Kế đó xin hai phe lâm chiến kéo dài ngày Đình Chiến vào dịp Tết để có thể đưa tới thương thuyết tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

 

Cả hai bên đập vỡ hòa ước đình chiến vào dịp Tết Mậu Thân

Bên Mặt Trận Giải Phóng hứa đình chiến ba ngày, bên Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chỉ đồng ý một ngày thôi. Đâu có ai ngờ là mới tối 30 tháng Chạp, chưa giao thừa thì súng đã nổ cùng khắp. Du kích quân đã băng qua được phi trường và vào tận các khu phố khắp Sài Gòn. Hai bên đánh nhau dữ dội, phi cơ Hoa Kỳ yểm trợ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hết lòng nên đã bỏ bom nát tan nhiều chung cư lớn, nhiều xóm nghèo đông đúc ở quận 5, quận 6, quận 7, quận 10, quận 11 của Sài Gòn. Chính quyền ra lệnh giới nghiêm 100%. Không ai dám ra khỏi nhà, mọi người quây quần bên đài truyền thanh hay truyền hình. Bỗng nhiên tôi nghe đài phát thanh đọc tên tôi chung với 70 vị giáo sư đã ký tên kêu gọi kéo dài ngưng chiến vào dịp Tết Mậu Thân. Cô xướng ngôn viên cho biết tất cả những người vừa được đọc tên phải vào gặp ông bộ trưởng Bộ Giáo Dục gấp ngày hôm sau. Nhưng mới vài phút trước đó, đài truyền hình có chiếu cảnh thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan đưa súng ra lẩy cò giết tại chỗ một cậu thanh niên mà ông nghi là cộng sản. Vì thế nên cả nhà đã khuyên tôi không nên đi dự buổi họp của Bộ Giáo Dục theo lời yêu cầu trên radio. Nhưng tôi vẫn phải đi thôi vì tôi biết rất rõ chính tôi là người chủ trương.

 

Tiếng nói của lương tâm nhà giáo

Hôm đó có nhiều giáo sư phải về quê ăn Tết và kẹt lại ở nhà quê. Đến nơi ông bộ trưởng Quốc gia Giáo Dục yêu cầu chúng tôi ký tên ngay một bản tuyên cáo chống sự vi phạm Đình Chiến vào dịp Tết của phía bên cộng sản mà văn phòng của Bộ đã chuẩn bị sẵn. Tôi đã thưa với các giáo sư có mặt hôm đó rằng, cả nước đều nghe chúng ta, 71 giáo sư đại học đã kêu gọi Hòa Bình, bị mời lên Bộ Giáo Dục để bàn việc này, rồi sau đó là bức thư soạn sẵn như trên, sinh viên sẽ thấy chúng ta làm theo mệnh lệnh chứ không phải vì lương tâm của kẻ sĩ phu. Nếu cần biên một thư phản kháng việc vi phạm đình chiến nhân dịp Tết thì chúng ta sẽ làm riêng, vào một cuộc họp mặt khác. Kết quả là 18 người đã ký tên bản tuyên cáo soạn sẵn vì… sợ và 3 người từ chối ký là tôi, giáo sư Châu Tâm Luân và Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan.

Từ chối xong, về nhà tôi chuẩn bị ngay bàn chải, kem đánh răng và một bộ quần áo ngắn mặc ở nhà để sẵn sàng chuẩn bị vào tù. Nhưng thay vì bị công an đến nhà bắt, tôi nhận được một thư mời đến gặp riêng ông Bộ Trưởng. Vừa vào tới văn phòng, ông Bộ Trưởng nhìn tôi soi mói:

–  A, thì ra cô đây là một trong ba người đã từ chối ký tên phản đối việc vi phạm đình chiến của cộng sản phải không? Cũng đơn giản thôi. Đó là do Tổng Nha Cảnh Sát họ yêu cầu tôi, nếu cô không ký tên, tôi chỉ cần gọi điện thoại cho họ (Tổng Nha Cảnh Sát) biết và cho ông Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn của cô thôi, thì cô sẽ biết hậu quả của hành động của cô.

Tôi rất giận khi nghe câu nói đó và tôi đáp:

– Thưa ông Bộ Trưởng, câu nói trên của ông có nghĩa là ông Viện Trưởng sẽ đuổi em ra khỏi ban giảng huấn của Đại Học Khoa Học, và sẽ báo tin để Tổng Nha Cảnh Sát cho người đến bắt em. Xin ông Bộ Trưởng cứ tùy nghi, em đã chuẩn bị các thứ cần dùng cá nhân để đi tù rồi, từ khi em từ chối ký tên trên cái bản Tuyên Cáo soạn trước ấy.

Nói xong tôi bỗng cảm thấy vô cùng bơ vơ trước những bậc “đàn anh” quá tệ như thế. Đất nước nhiễu nhương, có quá nhiều gia đình mà anh em cùng mẹ cha phải buộc lòng cầm súng đứng về hai phe chống cộng hay thân cộng rồi giết nhau. Có khi người em đã nói: Ngực em đây anh bắn đi? Mạch máu của mẹ truyền cho đây, anh cắt đi, để xây dựng lâu đài anh mơ ước. Nghĩ đến đây tôi không ngăn được hai dòng nước mắt tuôn trào. Giọng nói tôi run run:

– Sở dĩ em tới đây vì em nghĩ ông Bộ Trưởng trước khi làm chức này vẫn là một giáo sư bậc cha chú, bậc đàn anh của em. Trong hàng giáo chức em chỉ thuộc vào hàng em cháu nhỏ xíu, em chỉ có bổn phận lớn lên, sống xứng đáng, sống đẹp để dám nhìn vào mắt đàn em cháu mình mà không hổ thẹn. Bản kêu gọi Hòa Bình mà em thảo cho 71 giáo chức đại học ký hôm trước Tết, xuất phát từ trái tim thương yêu chơn chất của em. Thưa ông Bộ Trưởng, chưa bao giờ lịch sử nước Việt Nam lại xảy ra việc anh em một nhà sử dụng vũ khí ngoại bang để chém giết nhau. Chưa bao giờ dân tộc giải quyết chuyện nhà mà phải mời quân đội ngoại quốc đến lo giúp. Nhà giáo trong thời hỗn loạn này không thể chỉ dạy cho sinh viên kiến thức mà thôi, sinh viên chờ đợi ở bậc thầy trong ngành giáo dục dạy họ thêm về lương tâm đối với đất nước, lương tâm của kẻ sĩ trong thời tao loạn. Em không muốn cúi đầu ký tên trong một tuyên cáo soạn sẵn dưới áp lực của nồi cơm, và của cây súng. Nếu em nghe lời ông Bộ Trưởng, cúi đầu ký tên ngay, thì tối nay nếu du kích chiến vào nhà em, đưa súng ra và bắt em ký tên “Hoan hô ngài Chủ Tịch Mao Trạch Đông” thì em cũng sẽ ký, bởi vì chính ông Bộ Trưởng dạy em cúi đầu làm theo mệnh lệnh của cây súng. Ông Bộ Trưởng có biết không, đại tá Liễu, thân tín của tổng thống Thiệu, mới bị bên kia bắt ngày trước thì ngày sau đã kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa bỏ súng theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đó là kết quả của lối giáo dục như ông Bộ Trưởng bày em làm. Em chỉ là mụt măng non mới lớn trong hàng giáo chức, xin ông Bộ Trưởng giúp cho em sống cho đẹp, cho xứng đáng là con cháu của tổ tiên đất nước này. Hôm trước khi từ chối ký tên, em đã chuẩn bị để sẵn sàng vào tù rồi, xin ông Bộ Trưởng tùy tiện.

Mặt ông đỏ lên và lúng túng nói:

– Cô hiểu lầm tôi, tôi không chủ trương như vậy. Thôi cô về đi.

Tôi đi về bình yên và một tuần, hai tuần, ba tuần trôi qua tôi vẫn chưa bị bắt.

 

Lượm xác chết sình thối

Năm sáu ngày trôi qua từ khi du kích đột nhập được vào thành phố Sài Gòn ngày ba mươi Tết Mậu Thân. Hai bên vẫn còn tiếp tục xáp lá cà nhiều chỗ. Thây những người bị trúng đạn chết từ hôm khuya 30 Tết đã bắt đầu sình thối, xe Hồng Thập Tự của Sở Vệ Sinh Đô Thành Việt Nam Cộng Hòa đi lượm xác chết để chôn hầu tránh nạn dịch tả vì thây người sình thúi, nhưng có hai người tài xế xe Hồng Thập Tự bị du kích bắn trọng thương. Sở Vệ Sinh yêu cầu – trên radio – là họ cần người tình nguyện đi lượm xác vì xác chết nằm đầy nhiều góc đường đã bắt đầu xông mùi, không khéo sẽ bị dịch tả chết còn ghê gớm hơn. Tôi thấy hầu như sinh viên học sinh các trường Trung và Đại Học đã lập nhiều đoàn thể cứu trợ nạn nhân chiến tranh Tết Mậu Thân nên anh em Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội không cần lập thêm một đoàn thể cứu trợ nữa. Anh em cũng đang giúp quý ni sư chùa Từ Nghiêm lo gạo lo cơm cho mấy ngàn đồng bào vào tá túc ở chùa Từ Nghiêm và Ấn Quang rồi. Vậy thì tại sao mình không tổ chức thêm một đoàn tình nguyện hợp tác với Hồng Thập Tự đi lượm những xác chết không người thừa nhận đầy đường đem chôn để tránh nạn dịch tả sẽ làm chết cả thành phố. Thầy Thanh Văn im lặng nghe lời đề nghị của tôi, nhưng sau đó thầy trả lời là Trường TNPSXH là để đào tạo thanh niên đi về nông thôn phát triển cộng đồng, giúp người dân nghèo đứng lên tự giúp mình vượt ra khỏi nghèo khó chứ không phải đào tạo người đi lượm xác chết. Tôi im lặng nhưng nói nhỏ với vài người quen là ngày mai tôi đi lượm xác chết cùng với xe Hồng Thập Tự, ai muốn đi theo thì đi. Vài sư cô và vài sinh viên cư sĩ hôm sau cũng có mặt tại trụ sở của Sở Vệ Sinh Đô Thành, cùng lên xe có treo cờ Hồng Thập Tự.

Thế là xe chở chúng tôi đi từng khu phố, khi thấy có xác sình thối ở góc đường thì xe dừng lại và chúng tôi xuống xe, khiêng xác bỏ lên sau thùng. Hồi này đang chiến tranh, không có eau de Javel sát trùng và trung hòa cho bớt mùi hôi, cũng không có găng tay để mang vào. Tôi nghe nói nếu bôi dầu phọng vào mũi thì báng mùi, nhưng không đúng, không báng mùi gì hết. Vừa đụng đến xác chết sình thúi thì cái mùi hôi ôi là kinh khủng! Mấy em gái nôn oẹ và sắp xỉu nên xin về nhà ngay. Tôi và em Phú cũng nôn, may có chai dầu nhị thiên đường thoa gần phỏng mũi luôn mà vẫn thúi. Sư chú Phạm Đăng Phú và một anh nhân viên Hồng Thập Tự thấy tôi là người con gái duy nhất vẫn kiên trì đi tiếp tục lượm xác thì thương, không cho tôi làm nữa nhưng tôi vẫn đi theo xe.

Nhìn mặt của cả trăm xác chết, đủ các thế nằm, đủ màu sắc màu đen khô, hay còn chút đỏ. Ôi mặt người khi chết, quả thật là một khám phá mới của tôi. Tôi nhìn mặt bác tài xế và liên tưởng ngay: Nếu chết nằm ở góc đường thì mặt bác ấy sẽ như thế này đây, như cái xác này. Nếu anh nhân viên Hồng Thập Tự chết thì mặt sẽ ra thế kia, môi chết sẽ tím như vầy, mắt sẽ trợn trừng như vầy. Nếu chú Phú chết thì mặt chú sẽ ra sao? Tôi lại hình dung và tiếp tục quán chiếu. Xe đưa chúng tôi về nghĩa trang Đô Thành. Có chiếc xe ủi đất (bulldozer) đang xúc từng đống xác chết và định ủi vào hố chon tập thể đã đào xong. Chúng tôi xin phép để chúng tôi đặt mỗi xác xuống hố cho có thứ tự theo lối xếp cá hộp chứ để xe đẩy đứt tay, cụt thêm chân hay gãy ngang cổ thì tội quá. Nhưng hố quá sâu, chúng tôi không bước xuống hố được nên cuối cùng đành đẩy từng xác xuống bằng tay thôi.

Mùi hôi dần dần thấm vào người nên tôi cũng quen, hết nôn oẹ và rồi những cảm giác thương tâm cũng mất. Ờ thì khi sống chú Phú như vầy, chết thì như thế kia thôi, tôi tự nhủ. Tôi rồi cũng thế, cái mặt của tôi khi chết chắc cũng hơi hơi giống nét mặt của mình thấy trong kiếng nhưng xấu xí hơn như thế, sẽ xanh tái lại, miệng hở, đưa mấy cái răng chết hơi lòi ra như cô kia nằm dưới hố đó! Rồi thầy Nhất Hạnh thương kính của mình nếu chết thì cũng nằm ngay đơ và mặt mày cũng xanh mét, môi tím và méo lại xấu ra, không còn phương phi và từ bi như khi còn sống đâu. Hồi này thầy chưa dạy chúng tôi về Cửu Tưởng Quán và về không sinh không diệt, nhưng những kinh nghiệm bi đát như trên đã dạy tôi quá nhiều về cái mong manh của sự sống.

Về lại trường TNPSXH tôi có chia sẻ cho thầy Thanh Văn nghe và thầy cũng hứng khởi muốn theo kinh nghiệm của tôi đi lượm xác để thực chứng mấy điều tôi thuật. Nhưng Nha Vệ Sinh nói họ đã làm xong, chấm dứt chương trình lượm xác chết. Thế nên thầy Thanh Văn chưa có dịp đi. Tôi thì khi về nhà tắm đã ba bốn lần xà bông nhưng vẫn nghe mùi “ấy” nó theo sát bên tôi ngày đêm. Suốt mấy tháng tôi chỉ ăn cơm với muối tiêu chứ bất cứ thức gì có chút mùi chất hữu cơ như chao, tương và ngay cả nước tương tôi cũng không ăn được.

Sau Tết Mậu Thân đài phát thanh Mặt Trận Giải Phóng (cộng sản) nói rằng đã giết được 40.000 quân ngụy. Bên Quốc gia nói rằng đã có 40.000 tên cộng sản phải bỏ thây. Còn tôi, tôi chỉ thấy xác nào cũng là đồng bào tôi, con cùng bọc từ bụng Mẹ Âu Cơ, cùng là anh em bè bạn tôi. Nếu tôi sống thì như vầy, lăn ra chết đi thì cũng xanh lè và hôi thúi như tất cả thôi, nhưng ngoài sự hôi thúi đó vẫn còn cái gì? Sau này được thầy dạy, tôi biết rằng tôi không nên khổ đau vì những xác chết. Không có gì thật sự “chết” cả. Cái thân xác này tàn hoại nhưng sẽ biểu hiện lại dưới hình thức tùy thuận theo nghiệp lực mà mình, ông bà mình, hoàn cảnh mình đã tích tụ suốt thời gian trước đó. Cái rõ ràng nhất là những gì mà suốt đời mỗi người đã tận tụy, đã làm; những gì rất thiện, rất lành thì những tinh ba đó đang đi vào bao nhiêu bè bạn, bao nhiêu người thân, để tái sinh liền bây giờ nơi các bạn bè ấy, nơi những người thân ấy, chứ không đợi đến khi mình chết xong mới “tái sinh”. Thân xác mình đang sống hay chết đi nhưng tinh anh mình làm cũng đang tái sinh nơi bao nhiêu người thương mến mình.