Hiện pháp lạc trú
Góp củi cho mùa Đông
Trong đời sống hàng ngày, ta bị những buồn phiền, lo lắng, giận hờn, sợ hãi trấn ngự và che lấp. Những lúc như vậy ta phải biết làm thế nào để xử lý cái buồn phiền, lo lắng và sợ hãi của ta. Nếu ta không có năng lượng của chánh niệm, không có khả năng an trú bây giờ và ở đây thì ta không làm được chuyện đó, nghĩa là ôm ấp những khổ đau của ta để chúng êm dịu lại và chuyển hóa chúng. Những lúc ta không bị những buồn phiền, lo lắng, sợ hãi trấn ngự thì ta phải biết lợi dụng cơ hội để thực tập trở về an trú trong hiện tại và tiếp xúc với những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt. Như là trời chưa lạnh, chưa cần đốt lò sưởi thì ta vẫn gom góp củi để đốt lò sưởi trong mùa đông. Đây là sự thực tập rất quan trọng. Ta nên sử dụng những phút giây an bình của đời sống hàng ngày, lúc mà ta không bị buồn phiền trấn ngự, để thực tập vì lúc đó ta thực tập rất dễ. Thực tập trở về giây phút hiện tại rất dễ và là công tác nuôi dưỡng. Nếu ta không nuôi dưỡng ta được thì ta cũng không thể nuôi dưỡng con ta và các em ta được.
Nuôi dưỡng tức là trị liệu. Ta có những thương tích và ta muốn trị liệu các thương tích đó. Có hai cách: một là ôm ấp lấy niềm đau và chuyển hóa nó, hai là nuôi dưỡng niềm hạnh phúc trong ta. Hạnh phúc trong ta cũng có khả năng trị liệu. Giống như ta uống thuốc, có loại thuốc chỉ là thực phẩm thôi nhưng trong khi ta ăn thì cảm thấy vừa ngon miệng vừa trị liệu được bệnh của ta. Ví dụ sâm bổ lượng, đó là thức ăn nhưng mà nó có dược tính. Cũng như khi trời nóng, ta ăn chè đậu xanh thì rất ngon và cũng trị liệu được khí nóng trong người. Vì vậy trị liệu không hẳn phải cần thuốc đắng, có thể dùng thức ngọt như thực phẩm. Khi ta có niềm đau, nỗi khổ, ta có thể trị liệu được bằng những phương pháp chuyển hóa, và ta cũng có thể trị liệu bằng cách đưa vào những chất liệu nuôi dưỡng. Những chất liệu nuôi dưỡng này có thể trị liệu nỗi khổ đau của ta. Đây là phương pháp mà Bụt gọi là hiện pháp lạc trú.
Sống cho đáng sống
Ta phải sắp xếp đời sống hàng ngày như thế nào để có những giờ phút mà ta sống có niềm vui, sống có sự thảnh thơi và hạnh phúc. Sống cho đáng sống, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của đất trời và thiên nhiên. Ta dùng trí thông minh của chúng ta để làm gì? Ta thường dùng trí thông minh của ta để đạt được sự thành công này, giật được mảnh bằng kia, đạt tới địa vị nọ, hay để thực hiện được công trình đó. Nhưng ta không biết dùng trí thông minh để sắp đặt, tổ chức để ta có thể sống những giờ phút thật đáng sống trong đời sống hàng ngày. Ta cứ phóng về tương lai và ta không có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Cho nên nếu ta là một người biết sống thì ta dùng trí thông minh để sắp đặt cuộc sống hàng ngày. Làm sao trong đời sống hàng ngày có những giây phút đáng sống, giờ phút có hạnh phúc thật sự để ta nuôi dưỡng thân và tâm của mình. Ở Làng Mai, các thầy, các sư cô vừa phải chăm sóc cho 300, 400 thiền sinh vừa phải nấu ăn, rửa nồi, rửa bát, chuyên chở người, nhưng họ thực tập để làm các công việc đó mà vẫn an trú trong hiện tại, làm các công việc đó mà vẫn có hạnh phúc, có niềm vui. Họ không làm các công việc đó cho xong. Họ làm trong chánh niệm. Làm như thế nào để cảm nhận sự sống xung quanh. Ví dụ trong khi rửa bát, họ phải rửa như thế nào để niềm vui có mặt từ đầu cho đến lúc rửa xong chén bát. Họ không nghĩ đó là việc lao động, họ không cố làm cho xong để có thể đi ngồi thiền. Làm như vậy thì trong suốt thời gian rửa bát họ không có an lạc, không có hạnh phúc. Thành ra phải sắp đặt như thế nào để thời gian ta rửa bát, dù là 10 phút, 15 phút đều là thời gian đáng sống. Rửa bát như thế nào để trong suốt thời gian rửa bát ta vẫn có an lạc, hạnh phúc. Điều này là điều có thể làm được. Mỗi cái bát ta rửa, ta rửa cẩn trọng với tất cả tấm lòng và chánh niệm của ta giống như đang tắm cho một đức Bụt sơ sinh. Trong khi đó ta theo dõi hơi thở, ta mỉm cười chánh niệm và như vậy thời gian rửa bát cũng là thời gian thiền tập. Quét nhà, dọn dẹp, nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn sáng cũng vậy. Tất cả những công việc đó đều trở thành sự thực tập được hết. Khi các thầy, các sư cô xuống bếp chuẩn bị bữa ăn sáng, họ đã được học là niềm hạnh phúc, sự an lạc, thảnh thơi có thể có được trong lúc chuẩn bị. Họ không làm gấp gáp. Muốn không gấp gáp thì họ phải dậy sớm hơn một chút cho có nhiều thì giờ hơn và có thể làm công việc một cách nhẹ nhàng, thong dong, thảnh thơi. Họ luôn luôn theo dõi hơi thở và có nụ cười chánh niệm, có mặt trong suốt thời gian chuẩn bị bữa ăn sáng. Điều đó tất cả chúng ta đều có thể làm được nếu chúng ta có quyết tâm và có thông minh. Thời gian chúng ta lái xe hoặc ngồi trên xe buýt tới sở làm đều là những thời gian thiền tập được hết. Khéo léo một chút là ta có thể thực tập lời dạy của Đức Thế Tôn về "hiện pháp lạc trú". Nếu ta có mặt trong giây phút hiện tại và tiếp xúc được những mầu nhiệm của sự sống trong ta và chung quanh ta thì ta có khả năng nuôi dưỡng thân tâm. Mà nuôi dưỡng được thân tâm thì những bệnh tật, khổ đau trong ta sẽ từ từ được trị liệu. Rồi với năng lượng đó, những khi khổ đau, buồn phiền trỗi dậy thì ta có khả năng ôm lấy, quán chiếu và chuyển hóa nó.
Nuôi dưỡng và trị liệu là mục đích của khóa tu.
Trong những khóa tu tổ chức ở Châu Âu và Bắc Mỹ thì tôi cũng chỉ dạy phương pháp đó thôi. Một là nuôi dưỡng, hai là trị liệu. Người nào cũng có những khổ đau trong thân và trong tâm; làm thế nào để nhận ra những khổ đau đó và ôm ấp để trị liệu nó là mục đích của khóa tu. Và khi người ta tới học, người ta chuyển hóa được một phần khổ đau, rồi họ mang pháp môn đó về nhà để tiếp tục thực tập cho đến khi họ có thể chuyển hóa hoàn toàn những khổ đau trong lòng họ để cho hạnh phúc có mặt. Người Huynh Trưởng phải có khả năng làm việc đó cho chính bản thân mình, phải biết nuôi dưỡng, trị liệu mình cũng như nuôi dưỡng và trị liệu cho gia đình mình, cho đoàn sinh mình. Và khi ta chăm sóc cho một đoàn sinh tức là ta cũng chăm sóc cho gia đình của người đoàn sinh đó.
Trẻ em có khả năng an trú trong hiện tại nhiều hơn người lớn. Người lớn lo lắng về tương lai, tiếc nuối quá khứ, nhưng trẻ em thì sống trong hiện tại nhiều hơn. Đức Thế Tôn dạy rằng: quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, chỉ có giây phút mình sống cho cuộc đời mình là giây phút hiện tại. Vậy mà hầu hết chúng ta không có khả năng an trú trong hiện tại. Chúng ta chỉ muốn chạy về tương lai hoặc thả hồn về quá khứ và khi làm như vậy là chúng ta đánh mất cuộc đời của chúng ta.
Thâu lại chủ quyền
Trong kinh Bhaddharattasutta mà chúng ta dịch là ‘Kinh Người Biết Sống Một Mình’, Đức Thế Tôn có nói:
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Trong giây phút hiện tại
Đó là lời của Đức Thế Tôn dạy. Vậy thì giây phút hiện tại là giây phút duy nhất mà ta có thể sống thật sự. Đây là một sự thực tập. Không phải muốn là ta có thể làm được. Tại vì ta có thói quen rong ruổi, đánh mất mình trong thất niệm. Trong đạo Bụt ta có danh từ trầm luân. Trầm tức là chìm xuống, luân là lăn. Trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày ta có thể là đang trầm luân, đang chìm trong quên lãng và ta đang lăn lóc trong thất niệm. Ta không thức dậy được để có thể sống trong giây phút hiện tại. Trầm luân ở đâu? Trầm luân trong biển khổ, chìm đắm và trôi lăn trong biển khổ. Đó là chuyện mà ta đang làm hàng ngày. Ta không có khả năng sống an lạc và hạnh phúc trong hiện tại. Ta để quá khứ giam hãm, để tương lai đe dọa. Vì vậy chúng ta không sống được sâu sắc những giây phút của đời sống hàng ngày. Thực tập thiền là thâu lại chủ quyền, để có thể sống những giây phút của đời sống hàng ngày một cách sâu sắc. Đó là mục đích của sự thiền tập. Đức Thế Tôn có dạy một phương pháp tu mà ở các chùa, quý thầy ít khi nhắc nhở chúng ta, đó là hiện pháp lạc trú. Hiện pháp lạc trú là sống an lạc hạnh phúc ngay trong phút giây hiện tại. ‘Hiện Pháp’ có nghĩa là bây giờ và ở đây, tức là những cái gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Tiếng Phạn là drstadharma. ‘Lạc Trú’ nghĩa là an trú, an trú trong hạnh phúc, tiếng Phạn là sukhavihara. ‘Sukha’ là hạnh phúc và ‘vihara’ tức là an trú, là sống. Hiện pháp lạc trú tức là ‘drstadharma sukha vihara’. Giáo lý này cần phải được những người trẻ trong Gia Đình Phật Tử phát huy và xiển dương tại vì có nhiều người nghĩ tu là phải khổ, khổ như vậy rồi thì hai mươi, ba mươi năm sau sẽ được sinh về cõi Cực Lạc, cõi hạnh phúc, cõi Tịnh Độ hay Niết Bàn. Điều này trái với giáo lý của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói phải có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Đừng có mong mỏi hạnh phúc trong tương lai. Trong bản chữ Nho, Đức Thế Tôn nói hiện pháp là những gì đang xảy ra trong hiện tại mà ta có thể thấy được, lạc là hạnh phúc, trú là sống. Trong bản tiếng Phạn thì Sukkha là hạnh phúc, vihara tức là trú. Sống hạnh phúc trong hiện pháp tức là trong giây phút hiện tại. Những lời Đức Thế Tôn dạy còn ghi chép rất rõ ràng trong Đại Tạng tiếng Phạn cũng như tiếng Hán. Và cái năng lượng giúp ta trở về sống an lạc trong giây phút hiện tại, năng lượng đó gọi là chánh niệm. Chữ niệm viết theo chữ Hán hay lắm: phía trên có chữ kim, có nghĩa là bây giờ; phía dưới có chữ tâm, có nghĩa là tâm của mình. Tâm trở về giây phút hiện tại là chánh niệm. Và chính năng lượng chánh niệm đó giúp cho ta trở về với giây phút hiện tại để thật sự có mặt. Nếu không có mặt thì làm sao ta có thể sống được trong giây phút hiện tại? Vì vậy ta có thể nói rằng chánh niệm là năng lượng của sự có mặt. Khi người đó ngồi mà tâm trí đang trôi lăn đâu đâu thì người đó đang sống trong thất niệm. Khi ta tới và hỏi: "Có ai ở nhà không?" thì tâm của người đó trở về. Hồn nhập vào xác trở lại! Lúc thân tâm nhất như thì người đó mới có mặt. Ta giúp cho người đó có mặt. Thành ra trong gia đình của ta, nếu có người vắng mặt, vắng đây là vắng tâm trí thì ta giúp người đó trở về. Nhiều khi tôi đi vào nhà bếp, thấy một sư chú hay một thiền sinh đang gọt cà rốt thì tôi hỏi: "Sư chú đang làm gì đó?" Sư chú hiểu liền và không bao giờ nói: "Bạch thầy con đang gọt cà rốt". Nếu sư chú mà trả lời như vậy thì tôi sẽ chê liền. Tại vì tôi thấy sư chú đang làm gì mà, đâu cần sư chú phải trả lời như vậy. Tôi hỏi như vậy để coi sư chú có đang thật sự có mặt trong lúc gọt cà rốt hay không hay là tâm của sư chú đang trôi lăn trong quá khứ hoặc trong tương lai. Thường thì sư chú sẽ trả lời: "Bạch Thầy, con đang thở". Có khi sư chú không trả lời mà chỉ mỉm cười thôi. Đó là những câu trả lời rất hay. Còn nếu sư chú trả lời: "Bạch Thầy con đang gọt cà rốt" thì hỏng. Câu hỏi của tôi: "Con đang làm gì đó?’ như là một tiếng chuông đưa ta trở về với thực tại. Ta có mặt thật sự trong giây phút hiện tại và ta thật sự đang sống. Còn nếu không có mặt trong giây phút hiện tại thì ta đâu có sống.
Nhà văn Pháp Albert Camus có kể một câu chuyện trong đó ông viết ‘có người đang sống mà như chết’, (il vit comme un mort). Người đó còn sống thiệt, nhưng mà sống như đang chết, tại vì không thật sự có mặt. Bây giờ quý vị cứ nhìn thử xung quanh đi. Ra thành phố, đứng ở một ngã tư và nhìn mọi người chung quanh trong một đám đông thì ta thấy phần lớn đều là những người chết. Tức là những người tuy thân ở đó nhưng mà tâm họ thì không ở đó. Thân tâm không nhất như, họ không sống vững chãi và thảnh thơi trong giây phút hiện tại. Và mục đích của thiền tập là sống vững chãi thảnh thơi trong giây phút hiện tại. Bụt, đời sống của Bụt, con người của Bụt là một bài thuyết pháp linh động. Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, Đức Thế Tôn cũng vững chãi, thảnh thơi và có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu quý vị quan sát các thầy, các sư cô trong khóa tu thì quý vị cũng thấy các thầy, các sư cô cũng đang thực tập để được như vậy. Phẩm chất của sự sống, sự có mặt của quý thầy, quý sư cô lớn hơn người bình thường một chút là tại vì các thầy, các sư cô luôn luôn sử dụng hơi thở, bước chân, công việc của mình để trở về an trú trong hiện tại.
Chỉ có giây phút hiện tại để sống mà thôi
Đời sống có những khổ đau, nhưng cũng đầy mầu nhiệm trong ta và chung quanh ta. Nếu ta không có mặt trong phút giây hiện tại thì làm sao ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm đó của sự sống và có hạnh phúc được. Ví dụ như sáng hôm nay lúc thức dậy, ta thấy mây bao phủ xung quanh núi, đẹp một cách lạ kỳ. Bây giờ cũng vẫn còn đẹp. Khi sư chú, sư cô đi thiền hành thì sư chú, sư cô an trú trong hiện tại nên sư chú, sư cô tiếp xúc được với cái đẹp đó, và thấy mình may mắn được đứng trong khung cảnh này. Sự tiếp xúc đó đưa lại chất liệu an lạc, hạnh phúc để nuôi dưỡng và trị liệu các vết thương trong thân và tâm của mình. Nếu anh vắng mặt thì làm sao anh tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống? Vì vậy anh phải có mặt. Đó là sự thực tập của chúng ta. Ví dụ như có mười lăm người đứng ngắm mặt trời lặn, mặt trời lặn có thể rất huy hoàng, ai cũng thấy cảnh mặt trời lặn mầu nhiệm vô cùng. Chúng ta nhiều người bận rộn đến nỗi không có thì giờ nhìn trời, nhìn đất để thấy cây cỏ, thấy mặt trăng lên, thấy mặt trời lặn, rất là tội nghiệp. Vậy thì mười lăm người đứng trên đồi nhìn mặt trời lặn, người nào cũng có thể thấy được cái đẹp của mặt trời lặn, nhưng có một người trong số mười lăm người không thấy được vẻ đẹp đó, tại vì người đó đang sầu đau, đang tưởng về quá khứ, đang lo sợ về tương lai cho nên người đó tuy là đứng chung với mười bốn người kia nhưng không tiếp xúc được với mặt trời lặn. Thân và tâm người đó không có mặt cùng một lúc, vì vậy người ấy không có mặt trong giây phút hiện tại và không thể tiếp xúc với cuộc sống. Đức Thế Tôn dạy:
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Và ta chỉ có phút giây hiện tại để sống mà thôi. Nếu ta không trở về giây phút hiện tại thì ta đánh mất sự sống. Vì vậy cho nên sự ước hẹn của ta đối với sự sống là trong giờ phút hiện tại. Nếu ta đánh mất giây phút hiện tại thì ta lỡ hẹn với sự sống. Quý vị thử tự hỏi mình đã lỡ hẹn với sự sống bao nhiêu lần rồi? Có nhiều người sống 40, 50 năm mà chưa bao giờ gặp được sự sống. Chúng ta hẹn gặp đủ thứ người: hẹn gặp bạn, bác sĩ, luật sư, thầy, nhưng chúng ta không chịu hẹn gặp sự sống. Mà cái hẹn đó là trong giây phút hiện tại. Ta phải trở về phút giây hiện tại để có thể tiếp xúc với sự sống. Cái năng lượng giúp cho ta trở về giây phút hiện tại là chánh niệm. Cho nên những người tu, những người xuất gia hay tại gia đều là những người đang chế tác năng lượng đó. Vậy thì nếu ta là một phụ huynh, một Huynh Trưởng mà muốn trị thương cho chính mình, muốn nuôi dưỡng cho mình, muốn đem lại chất liệu dinh dưỡng cho bản thân thì ta phải biết thực tập hiện pháp lạc trú, trở về với giây phút hiện tại và tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống, có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu không thì làm sao ta nuôi dưỡng, trị liệu cho ta, cho các em mà ta đang chăm sóc, và cho gia đình ta? Hiện pháp lạc trú là sự thực tập của chúng ta.
Điều kiện của hạnh phúc nằm trong giây phút hiện tại
Hai mươi năm hay ba mươi năm có thể đi qua như một giấc mộng và đến khi tới giờ phút hấp hối thì ta tự hỏi ta đã thật sự sống được bao nhiêu giây phút đồng hồ trong cuộc sống của ta? Ta sẽ ngạc nhiên mà thấy rằng ta chưa từng bao giờ thật sự sống hết. Suốt đời, ta chỉ chạy mà thôi. Ta chỉ rong ruổi, trôi lăn mà thôi. Ta chưa bao giờ thật sự sống sâu sắc được tại vì chưa bao giờ ta được học phương pháp trở về an trú trong phút giây hiện tại. Chúng ta bị sự mê tín chi phối là hạnh phúc không thể có bây giờ được, hạnh phúc phải nằm ở tương lai, nên người nào trong chúng ta cũng chạy về tương lai. Chỉ có tương lai mới có hạnh phúc. Những điều kiện của hạnh phúc ta có chưa đủ, ta còn thiếu một, hai, ba, bốn điều kiện nữa. Ban đầu ta nghĩ rằng có bằng cấp thì ta hạnh phúc. Đến khi có bằng cấp ta vẫn không hạnh phúc. Hay ta vẫn còn thiếu cái nhà, cái xe hơi? Và ta chạy đi kiếm cái điều kiện mà ta thiếu. Nhưng khi có những điều kiện đó rồi ta vẫn chưa thấy có hạnh phúc. Và như vậy ta tiếp tục chạy cả đời, không bao giờ có thể dừng lại được. Trong khi theo giáo pháp của Đức Thế Tôn thì những điều kiện của hạnh phúc đã có sẵn trong giây phút hiện tại. Nếu ta ăn trong chánh niệm, tiếp xúc sâu sắc thì ngay trong hiện tại đã có rất nhiều hạnh phúc rồi. Đôi khi nó còn nhiều hơn những gì ta thật sự cần. Một trong những ví dụ là ta có hai con mắt. Hai mắt ta còn sáng và ta chỉ cần mở mắt ra là thấy núi, mây, trời, cỏ cây, thấy khuôn mặt quen thuộc của người ta thương. Chỉ cần ngồi trên bãi cỏ ngắm nhìn mùa xuân thì ta có thể tạo ra thiên đường của thiên nhiên đầy màu sắc. Có nhiều cái đẹp quá chừng xung quanh ta nhưng ta không có khả năng hưởng và tiếp xúc. Chỉ đến khi bị mù thì ta mới biết rằng có đôi mắt sáng là quý vô cùng. Khi đã bị mù rồi thì không thể nhìn thấy hình ảnh, màu sắc nào nữa hết, lúc đó ta mới nói rằng tiếc quá, ngày xưa mình đã không biết sử dụng đôi mắt của mình. Bây giờ ao ước duy nhất của ta là có một ông bác sĩ nào có thể chữa lành đôi mắt và làm cho ta có thể thấy được hình ảnh và những màu sắc, thì khi đó ta giống như được đưa vào thiên đường của màu sắc, của hình ảnh. Nhưng thật sự chúng ta ở đây ai cũng có hai mắt sáng, đang ở trên thiên đường, nhưng có mấy ai trong chúng ta đã tiếp xúc được với thiên đường của màu sắc, của hình ảnh? Mấy ai đã hạnh phúc trong sự tiếp xúc đó? Tại vì sao? Tại vì ta không có chánh niệm, không có khả năng an trú trong hiện tại, tại vì ta tiếp tục chạy.
Ngay cả trong giấc mơ, ta vẫn tiếp tục chạy, chứ đừng nói là trong khi ta thức. Ta không dừng lại được vì ta quen chạy rồi. Ta đã chạy từ nhiều kiếp xa xưa, khi ta là tổ tiên, ông bà, cha mẹ; bây giờ làm con, ta vẫn tiếp tục chạy. Và khi ta sinh ra cháu, cháu cũng sẽ tiếp tục chạy. Cho nên Đức Thế Tôn bảo ta hãy dừng lại. Đó là thiền chỉ. Chỉ nghĩa là ngưng lại, phải ngưng lại, phải biết an trú trong phút giây hiện tại thì tự nhiên ta khám phá ra được là có rất nhiều điều kiện hạnh phúc đang có mặt cho ta và tự nhiên ta có hạnh phúc liền lập tức. Hai mắt sáng là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Trái tim của ta đang hoạt động bình thường là một điều kiện của hạnh phúc. Có nhiều người không có trái tim bình thường, họ có thể bị đau tim bất cứ lúc nào. Luôn luôn họ nơm nớp lo sợ. Họ chỉ mong ước có trái tim bình thường như của ta thôi mà cũng không có được. Thành ra ta có rất nhiều điều kiện hạnh phúc nhưng ta đạp lên trên đó mà đi rất uổng!
Cho nên trở về với giây phút hiện tại là điều gởi gắm của Đức Thế Tôn. Ta có rất nhiều điều kiện hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Và ta có thể bắt đầu có hạnh phúc liền lập tức. Cái đó gọi là hiện pháp lạc trú.
Câu nói ‘hiện pháp lạc trú’ và ‘sống an lạc, hạnh phúc trong giây phút hiện tại’ là một câu nói rất quan trọng của Bụt nhưng mà chúng ta rất ít khi được nghe, không hiểu tại sao.
An lạc ngay trong giờ phút hiện tại là nghệ thuật của sự tu học
Nghệ thuật của sự tu học là để được đạt tới sự an lạc ngay trong giờ phút hiện tại bởi vì trong giờ phút hiện tại chúng ta đang có những điều kiện của hạnh phúc. Nếu biết trở về với giây phút hiện tại thì ta có thể tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong giây phút đó. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy là chúng ta có thể có an lạc ngay trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây, mà không cần chạy theo những cái ảo ảnh của hạnh phúc xa vời trong tương lai hay bám víu những hình bóng hạnh phúc của quá khứ. Phần lớn chúng ta không có khả năng an trú trong hiện tại. Có thể là chúng ta đang ôm ấp một hình ảnh của quá khứ mà chúng ta không buông bỏ được; có thể là chúng ta đang lo lắng, sợ hãi và mơ ước cho tương lai và vì vậy chúng ta không có khả năng an trú, không có khả năng tiếp xúc được hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Phương pháp thực tập của Đức Thế Tôn là giúp cho chúng ta trở về, an trú, vững chãi trong giây phút hiện tại, bởi vì sự sống chỉ có trong giây phút hiện tại mà thôi.
Trong Gia Đình Phật Tử có một bài mà ta hay hát mỗi khi có thầy tới. Đó là bài Kính Mến Thầy: "Hôm nay thầy về đây, chúng con xin kính chào thầy. Trong giờ phút vui này, chúng con biết làm gì đây?" Câu "chúng con biết làm gì đây" buồn cười lắm, tại vì ta mừng quá cho nên ta không biết làm gì. Rồi ta lăng xăng, lo chuyện này, lo chuyện khác cho đến khi thầy trò phải chia tay nhau. Rốt cuộc thầy với ta không được sống hạnh phúc với nhau trong giờ phút gặp gỡ. Quý vị nghĩ lại thử xem: giờ phút hiện tại mà ta được gặp người thương, người thương của ta là thầy, là các anh, các chị, là các em, thì ta phải biết an trú trong giờ phút đó để tận hưởng, để sống một cách sâu sắc niềm hạnh phúc mà ta đang có. Có rất nhiều người có những điều kiện hạnh phúc nhưng không an trú được trong hiện tại, vì vậy họ không sống được sâu sắc với những giờ phút mà đáng lý họ phải có hạnh phúc. Do đó có mặt trong giây phút hiện tại và sống sâu sắc với giây phút hiện tại là giáo lý rất sâu sắc của Đức Thế Tôn. Ta bị quá khứ ám ảnh, ta bị tương lai lôi kéo. Ta đã quên đi và đã đánh mất khả năng có thể sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Đó là vì chúng ta không an trú được. Và vì vậy cho nên sự thực tập của chúng ta phải đi theo đường lối đó. ‘Trong giờ phút vui này, chúng con biết làm gì đây?’ Rất rõ ràng là trong giờ phút vui này chúng con phải an trú trong hiện tại để có thể hưởng được một cách rất sâu sắc sự có mặt của thầy, của anh, của em, của chị. Vì vậy mời quý vị thay đổi câu đó thành: "Hôm nay thầy về đây, chúng con xin kính chào thầy. Trong giờ phút vui này, chúng con quyết lòng ngồi đây…" Ngồi với sự vững chãi, thảnh thơi, an trú trong hiện tại để có thể thấy được rằng thầy ta đang có mặt đó, Huynh Trưởng của ta đang có đó, chị ta có đó, em ta có đó, và giờ phút này là giờ phút tuyệt vời.
Có mặt cho nhau
Ta biết rằng nhiều khi thân ta ở đó mà tâm ta ở chỗ khác nên ta không thật sự có mặt. Ví dụ em ta đi tới với một nụ cười rất tươi, rất hồn nhiên, rất thơ ngây. Em tới để kiếm một chút xíu sự chú ý của ta tại vì con nít lúc nào cũng cần sự chú ý của người lớn. Nhưng tuy ta ngồi đó mà tâm ta đang rong ruổi trong quá khứ, trong tương lai, trong những sự lo lắng này kia nên ta không thật sự có mặt cho em. Và em bé sẽ thất vọng. Ta không có mặt đó cho em ta, ta không có mặt đó cho con ta, ta không có mặt đó cho cha, cho mẹ ta, ta luôn luôn vắng mặt. Có khi ta sống với mẹ ta mười năm, hai mươi năm mà tâm ta không bao giờ an trú và chưa bao giờ ta từng thật sự có mẹ và sống bên cạnh mẹ. Một ngày nào đó mẹ ta mất rồi thì ta mới tiếc. Ta nói rằng mình sống bên mẹ mười năm, hai mươi năm nhưng chưa bao giờ ta thật sự sống được một cách sâu sắc những giây phút bên cạnh mẹ. Đó là thông điệp của đoản văn "Bông Hồng Cài Áo". Ta cũng vậy, ta sống bên cạnh những người thương của mình nhưng ta không có khả năng an trú trong giây phút hiện tại. Vì vậy cho nên cùng sống dưới một mái nhà mà không hẳn là sống dưới một mái nhà. Chúng ta không có mặt cho nhau tại vì chúng ta bị quá khứ lôi, bị tương lai kéo. Ta không an trú được trong giây phút hiện tại và ta không thừa hưởng được những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại. Những điều kiện đó có rất nhiều nhưng khi ta dẫm lên chúng mà đi qua rồi thì ta than rằng ta không có hạnh phúc. Khi ta thực tập hơi thở có ý thức thì một phép lạ sẽ xảy ra. Tuy thân ta ngồi đây mà tâm ta đang rong ruổi ở chỗ khác nhưng giữa thân và tâm có một sự liên kết gọi là hơi thở. Khi thân đi một đường và tâm đi một nẻo thì ta ở trong trạng thái không có mặt thật sự. Trạng thái này danh từ Phật học gọi là ‘thất niệm’.
Chánh niệm là có mặt đích thật
Thất niệm có nghĩa là quên lãng. Ở giữa thân và tâm có một cây cầu. Cây cầu đó là hơi thở và khi ta nắm lấy hơi thở, thở một cách có chánh niệm: "Tôi đang thở vào và tôi biết tôi đang thở vào. Tôi đang thở ra và tôi biết tôi đang thở ra", cái đó gọi là hơi thở chánh niệm. Ta chỉ cần thở một hoặc hai hơi có ý thức như vậy thì tự nhiên thân và tâm ta trở lại và đoàn tụ với nhau. Thân và tâm mà trở về với nhau thì ta thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Trong kinh gọi là trạng thái "thân tâm nhất như", tức là thân với tâm hòa hợp lại, thành ra một. Đó là trạng thái của sự có mặt thật sự, trạng thái của sự tỉnh thức và chỉ cần một hơi thở chánh niệm, hai hơi thở chánh niệm là có thể đưa ta về trạng thái "thân tâm nhất như" rồi. Khi ngồi, khi đứng, khi đi, và cả khi lái xe, nếu ta biết thở vào và thở ra có chánh niệm thì ta đem thân về hợp nhất với tâm và ta tự nhiên có mặt. Có mặt ở đâu? Có mặt ở trong hiện tại. Có mặt ở trong cái bây giờ và ở đây. Đó là bắt đầu trạng thái tỉnh thức. Bụt là người tỉnh thức, tại vì Bụt luôn luôn có mặt khi mà chúng ta thở những hơi thở có ý thức. Khi đi mà ta biết là ta đang bước đi, tức là có ý thức về thân ta đang đi, thì lúc ấy chánh niệm có trong ta. Khi ăn cơm mà ý thức là ta đang ăn cơm, thì lúc đó gọi là ăn trong chánh niệm. Khi rửa bát mà ta rửa bát có chánh niệm thì năng lượng chánh niệm có trong ta. Có hai cách rửa bát: một là vừa rửa bát vừa nghĩ vẩn vơ, nghĩ chuyện này chuyện khác, đánh mất mình trong quá khứ, trong tương lai, trong sự lo lắng, trong sự buồn khổ, trong sự giận hờn. Đó là rửa bát trong thất niệm. Còn nếu biết tu thì ta phải rửa bát trong chánh niệm, tức là ta có mặt hoàn toàn trong giây phút rửa bát. Ta biết rằng ta đang sống và rửa bát cũng là một phép lạ. Rửa bát có thể là một hành động tu tập rất sâu sắc, ta có thể có an lạc và hạnh phúc ngay trong khi đang rửa bát. An trú trong hiện tại. Giờ phút rửa bát cũng quan trọng như giờ phút ngồi thiền, giờ phút niệm Bụt hay giờ phút họp đoàn bởi vì trong giờ phút đó, chánh niệm có mặt. Chánh niệm có mặt tức là Đức Thế Tôn có mặt. Đức Thế Tôn được làm bằng một chất liệu gọi là chánh niệm. Và vì vậy cho nên ngài luôn luôn có mặt ở trong giây phút hiện tại. Ngài có mặt nên sự sống cũng có mặt. Nếu ta không có mặt thì làm sao mà sự sống có mặt được? Bụt dạy: "Sự sống chỉ có thể tìm ra, chỉ có thể tiếp xúc được trong giây phút hiện tại mà thôi". Ngài đã nói:
Đừng luyến tiếc quá khứ
Đừng mơ tưởng tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Sự sống chỉ có thể được tiếp xúc
trong giây phút hiện tại.
Vì vậy khi ta trở về với giây phút hiện tại, thân và tâm hợp nhất thì ta có thể tiếp xúc được với sự sống. Lúc đó ta là một con người thực sự sống. Lúc đó ta mới thực sự có mặt. Ví dụ như khi ta ngồi hay đứng nhìn cảnh mặt trời mọc. Cảnh mặt trời mọc rất huy hoàng, rất tráng lệ. Nhưng nếu ta đứng đó mà tâm chỉ nghĩ tới quá khứ, nghĩ tới tương lai và tâm bị kẹt trong sự lo lắng, sợ hãi, buồn phiền thì cảnh mặt trời huy hoàng đang mọc đó không phải cho ta, nó không thật sự có mặt. Chỉ khi nào thân tâm ta hợp nhất và có mặt một cách đích thực trong giờ phút hiện tại thì cái cảnh tráng lệ của mặt trời mọc mới là cho ta mà thôi. Vì vậy cho nên thực tập chánh niệm tức là làm cho mình có mặt thật sự và sống động. Đó là sự thực tập căn bản của đạo Bụt gọi là ‘hiện pháp lạc trú’. Nếu ta có mặt thì tất cả những mầu nhiệm của sự sống đều có mặt cho ta. Mẹ ta, em ta, thầy ta, đoàn ta là một hiện tượng mầu nhiệm của sự sống. Mặt trời mọc, đám mây, cây ổi, bông hường, tất cả những cái đó đều có mặt đích thực nếu ta có mặt đích thực. Vì vậy cho nên sự thực tập của chúng ta là có mặt. Khi chúng ta được gặp mặt nhau như thế này thì chúng ta phải thực tập thật sự có mặt để ta có thể hưởng được sự có mặt của nhau, sự có mặt của thầy và sự có mặt của một cơ hội rất lớn. Đó là cơ hội được ngồi với nhau, được đứng với nhau, được thở với nhau, được đi thiền hành với nhau và được quán chiếu với nhau về quá khứ, hiện tại, và tương lai của Gia Đình Phật Tử.
"Nam mô A Di Đà Phật, hôm nay thầy về đây, chúng con xin kính chào thầy". Kính chào thầy chỉ cần xá một cái, đâu cần phải có thì giờ nhiều. "Trong giờ phút vui này, chúng con biết làm gì đây?" Bây giờ thì ta biết làm gì rồi đó! Chúng con quyết tâm có mặt tại đây để chúng con có thể hưởng được sự có mặt của thầy và của tất cả các bạn trong giây phút này. "Chúng con nguyện tinh tấn, diệt tan tham sân hận… Ánh đạo hằng mong tiến đến gần." Tôi đề nghị như vậy vì chánh niệm là bản chất của sự tu học của mình. Năng lượng chánh niệm càng lớn thì ta càng có mặt đích thực. Vì vậy ta tu tập làm sao cho năng lượng chánh niệm càng tăng tiến, vững bền. Câu này có thể thay cho câu "ánh đạo hằng mong tiến đến gần". Ta không cần mong "tiến đến gần" ánh đạo. Ta thực tập thở, thực tập đi, thực tập ngồi cho có chánh niệm thì năng lượng của chánh niệm tự nhiên tăng tiến, đó không còn là một điều mong ước, chúc lành mà là sự thật đang xảy ra.