Phẩm 21: Thần lực của Như Lai
Hôm nay chúng ta đi sang phẩm 21 tức là Phẩm Thần Lực của Như Lai. Phẩm này thuộc về Bản môn.
Thần lực của Như Lai là cái khả năng thực hiện của Bụt. Cố nhiên thần lực của Như Lai dựa trên căn bản thọ lượng của Như Lai. Trong một phẩm trước ta đã thấy Như Lai không thể nào được đặt trong khung không gian và thời gian, Như Lai vượt ra khỏi không gian và thời gian. Như Lai không phải là một, mà Như Lai cũng không phải là chỉ ở đây và lúc này. Như Lai ở khắp chốn, khắp thời và có hằng hà sa số phân thân. Vì vậy nếu căn cứ trên nền tảng của cái thọ lượng đó, thì thần lực của Như Lai cũng rất rộng lớn, cũng bất khả tư nghị.
Điều cần nhớ khi đọc phẩm thứ 21 này là chúng ta hãy thực tập cùng chia xẻ thọ lượng và thần lực của Như Lai. Hôm trước chúng ta có nói đến một chiếc lá mùa Thu. Nhìn vào tờ lá mùa Thu một cách sâu sắc, ta thấy nó không sanh cũng không diệt, tất cả mọi hiện tượng đều có mặt trong tờ lá, và tờ lá cũng có mặt ở trong tất cả. Thấy được thọ lượng của tờ lá, là ta có thể thấy được thần lực của tờ lá, tức là khả năng của một chiếc lá. Chúng ta cũng vậy, nếu nhìn sâu vào trong con người của chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra được tự tánh bất sanh bất diệt của chúng ta. Chúng ta cũng không thể nào đặt chúng ta vào trong khung khổ thời gian và không gian được. Chúng ta cũng không phải là một, chúng ta không phải chỉ được giới hạn ở trong khuôn khổ ở đây và bây giờ. Vì vậy mà chúng ta có thể chia xẻ với Bụt cái thọ lượng của Bụt, chia xẻ với Bụt cái thần lực của Bụt. — trong Bản môn, vượt khung thời gian và không gian, chúng ta sẽ tiếp xúc được với cái thọ lượng vô lượng của Bụt, với cái thần lực vô lượng của Bụt. Khi tiếp xúc được với thọ lượng và thần lực của Bụt, thì ta tiếp xúc được với cái thọ lượng và thần lực của chính chúng ta. Chúng ta thường có mặc cảm rằng mình nhỏ bé như một hạt cát. Đối với thời gian vô lượng và không gian vô biên thì chúng ta chỉ là một hạt cát, không có nghĩa gì cả. Nhưng đó là đứng về phương diện Tích môn mà nói. Đứng về phương diện Bản môn thì chúng ta cũng như Bụt, chúng ta cũng siêu thoát thời gian và không gian như Bụt.
Trong đoạn thứ hai, trang 463, chúng ta thấy Bụt thực hiện một phép thần thông lớn, Ngài lè lưỡi ra, và lưỡi của Ngài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, rồi từ các lỗ chân lông trong người của Ngài phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, và những tia sáng đó cho ta thấy được tất cả các cõi nước trong mười phương. Trong các cõi nước đó, chúng ta thấy các vị Bụt đang ngồi trên các tòa sư tử, dưới những gốc cây bồ đề, rất trang nghiêm và đẹp đẽ. Mỗi đức Bụt cũng lè lưỡi ra và từ các lỗ chân lông cũng phóng ra những tia sáng tương tự. Hình tượng này là hình tượng mà ta đã thấy ở trong kinh Hoa Nghiêm, nó là hình tượng của trùng trùng duyên khởi.
Không có gì diễn tả đúng được tầm mức cái khả năng, cái thần lực của Như Lai, bằng hình ảnh trùng trùng duyên khởi. Chúng ta nên biết rằng trong đạo Bụt, ánh sáng hay những tia hào quang là tuệ giác, là sự giác ngộ. Mỗi khi chúng ta có ánh sáng đó mà đem nó soi chiếu chung quanh ta và trong ta, thì chúng ta thấy được nhiều cái mà những người thất niệm không thể thấy được. Có ánh sáng của chánh niệm, của giác ngộ mà soi vào một chiếc lá, một cọng cỏ hay một đám mây thì chúng ta thấy tất cả những cái mầu nhiệm nằm trong đó, và cái thế giới của Hoa Nghiêm được bày mở ra cho chúng ta một cách rất mầu nhiệm. Thế giới của Hoa Nghiêm là thế giới của ánh sáng. Nên nhớ trong kinh điển Đại Thừa cũng như Nguyên Thủy, ánh sáng tượng trưng cho sự giác ngộ. Nếu ai đó được ánh sáng chánh niệm phóng nhằm thì người đó sẽ sáng ra và sẽ được giác ngộ. Có ánh sáng đó thì chiếu tới đâu thì ta thấy rõ ràng tới đó. Bụt là ánh sáng. Chúng ta có câu hát Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần. Chúng ta cũng có nguồn ánh sáng đó trong tự tâm, hễ dùng ánh sáng đó mà soi thì sẽ thấy. Cũng như dùng một cây đèn pin vậy, nhưng ở đây là một thứ đèn pin rất mạnh. Đó là hình ảnh của ánh sáng phát ra từ tất cả các lỗ chân lông của Bụt.
Chúng ta cũng có chánh niệm và chúng ta cũng có thể phát ra ánh sáng đó được, nghĩa là nhờ có chánh niệm mà mình có thể làm được phép lạ. Ví dụ, có một sư cô đang sống trong chánh niệm, đang an trú trong tam muội, sư cô đang đi ra đi vào, đứng lên ngồi xuống, xắt cà rốt, rửa nồi niêu trong tam muội ấy. Trong thời gian này, sư cô tỏa chiếu hào quang chánh niệm. Những người khác nhìn thấy, tiếp xúc được với chánh niệm đó thì được ảnh hưởng, và họ cũng phát ra chánh niệm trong tâm họ và tự nhiên họ cũng sẽ đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm như sư cô. Ánh sáng chánh niệm của sư cô phóng ra, chạm vào mình và nhờ đó mình cũng có chánh niệm theo. — đây cũng vậy, một vị Bụt là gì? một vị Bụt là ánh sáng chánh niệm, và ánh sáng đó chiếu tới đâu thì nó làm hiện rõ ra sự thật mầu nhiệm tới đó, và những sự vật được ánh sáng chiếu tới cũng phản chiếu ánh sáng lại vào những sự vật khác.
Ngày xưa thầy Pháp Tạng đời Đường đã giảng kinh Hoa Nghiêm cho hoàng hậu Vũ Tắc Thiên. Thầy cho làm một cái tháp có tám mặt, mỗi mặt là một tấm kính rất lớn, rồi thầy mời hoàng hậu cầm một cây đèn nến thắp sáng và đi vào tháp cùng thầy. Vào trong tháp, hoàng hậu thấy hình của cây đèn phản chiếu trong tấm kính trước mặt. Quay lại thì cũng thấy cây đèn đó phản chiếu từ tấm kính ở sau lưng. Rồi không những chỉ có hình cây đèn trong mỗi tấm kính, mà có vô số hình cây đèn khác, tại vì hình của cây đèn trong tấm kính này được phản chiếu sang tấm kính kia, và tấm kính kia nó chiếu lại tấm kính này, cứ vậy mà phản chiếu vô lượng vô biên. Vì vậy mà trong một tấm kính không phải chỉ thấy một cây đèn nến, mà thấy vô lượng vô số cây đèn nến. Đây là hình ảnh mà ta thấy trong phẩm thứ 21 này.
Như vậy khi một người có chánh niệm thì từ những lỗ chân lông của người đó phát ra ánh sáng. Những luồng ánh sáng đó chạm phải những người chung quanh dù không có chánh niệm những người này cũng phát khởi chánh niệm, và đến lượt những người đó lại phát ra ánh sáng. Cứ như vậy, và mọi người trong chúng ta được hưởng cái lợi lạc của ánh sáng chánh niệm. Trong chúng mà có một người có chánh niệm là có lợi cho tất cả đại chúng. Người đó là người phát ra ánh sáng, và nếu ánh sáng đó chạm vào người thứ hai thì người này cũng sáng lên, và cứ tiếp tục đến người thứ ba, thứ tư v.v… Ánh sáng này cũng sẽ phản chiếu lại cho người thứ nhất, cho nên người này cũng sẽ được lợi lạc thêm. Đó là hình ảnh trùng trùng duyên khởi trong kinh Hoa Nghiêm mà kinh Pháp Hoa đã sử dụng trở lại.
— đây chúng ta còn một hình ảnh rất đẹp nữa là hình ảnh Quảng Trường Thiệt Tướng, tức là cái lưỡi lớn và dài, một trong 32 tướng tốt của đức Bụt. Đây là một hình ảnh của văn hóa Ấn độ, không phải chỉ có trong đạo Bụt, mà còn có trong những truyền thống có trước đạo Bụt. Những người nói sự thật, thường có lưỡi rất lớn. Lưỡi của Bụt chỉ nói sự thật, chỉ nói đệ nhất nghĩa đế thôi, cho nên Bụt có lưỡi lớn đến độ có thể che được cả tam thiên đại thiên thế giới. Những điều nói ở đây là những điều rất vi diệu. Người chỉ ru rú trong cuộc đời sống say, chết mộng, thì không thể nào thấy được những mầu nhiệm đó. Những cái mà Bụt thấy, mà những vị giác ngộ thấy, chúng mầu nhiệm quá, nói ra, người khác không tin được, cho nên Bụt đã phải lặp lại câu: Tôi đang nói cho quí vị nghe sự thật, và chỉ có sự thật thôi. Cái ý đó được diễn tả bằng một hình ảnh rất tuyệt vời, đó là cái lưỡi của Bụt. Cái lưỡi này lớn vô cùng, bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Những người có tướng lỗ tai đặc biệt là những người có thể nghe được các âm thanh mà những người khác không nghe được. Cũng tương tự như vậy, người có cái lưỡi đặc biệt thì có thể nói lên được những sự thật mà người khác không thể nói lên.
Tôi muốn để dành cho đại chúng có cái pháp lạc được tự tiếp tục đọc phẩm 21 để khám phá thêm về Thần lực của Như Lai. Bây giờ chúng ta đi sang phẩm thứ 22.