Những chồi non chào nắng mai – phần 2
“Nhiều lúc, con cảm thấy mình ‘nhỏ bé’ khi tiếp chuyện với một thầy hay một sư cô lớn. Con thấy thật hay khi ai đó nói chuyện với con một cách tôn trọng và mở lòng, giúp đẩy con ra khỏi vị trí của một người nhỏ. Con cảm được có gì đó trong năng lượng của vị ấy, giúp con cảm thấy mình được lắng nghe và ý kiến của con được được ghi nhận.
Một điểm khác mà con thực sự biết ơn là thấy một thầy lớn tham gia thời khóa đầy đủ. Điều đó giúp con ý thức mình cũng có thể làm được như thế mà không cần phải hy sinh giây phút hạnh phúc của sự thực tập khi trở thành người lớn. Con thấy thật vui khi hướng về tương lai”.Thầy Trời Thiện Ý
“Tấm lòng phụng sự đầy nhiệt huyết và hết lòng nơi quý thầy, quý sư cô đã đánh động và gây nhiều cảm hứng để cho con thực tập theo”.Sư cô Trăng An Niệm
“Là khi vị đó cho con được lớn lên, được phép lầm lỗi và không hoàn hảo. Dù sao thì một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thể làm những gì mà người ta nói là hoàn hảo nhưng con nghĩ là không có gì phải vội. Với con, được tu học một cách chậm rãi, từ hòa và với lòng từ bi rất quan trọng. Và Y chỉ sư đã có đó bên cạnh con với tinh thần ấy”.Sư cô Chân Xuân Hạnh
“Đối với con, đó là sự chấp nhận. Khi vào chùa, con mang theo cả những khó khăn, có những thứ con chưa thực tập được. Quý sư cô đã cho con rất nhiều không gian và kiên nhẫn đợi chờ con thực tập, cũng như luôn sẵn sàng có mặt và hướng dẫn con. Con có cảm giác mình đang được về nhà”.Sư cô Trăng Tường Niệm
Phẩm chất nào ở quý thầy, quý sư cô lớn hoặc vị y chỉ sư mà quý sư cô, sư chú thấy trân quý nhất?
“Với con đó là sự từ ái và mở lòng. Có lần, con phải thỉnh chuông thời khóa, nhưng con không biết là phải mặc áo dài mới được thỉnh. Có một sư cô tới và nói với con là để sư chị thỉnh chuông cho em mà không hề có một sự phán xét. Đó thực sự là một cách rất hay để chỉ dạy, mà không cần phải nói Em cần làm thế này, thế kia”.Sư cô Trăng Lâm Hỷ
“Con biết là mỗi người đến từ tầng lớp xã hội khác nhau, trong môi trường văn hóa và với những ước nguyện khác nhau. Con rất trân quý những quý thầy, quý sư cô lớn, người có khả năng ôm lấy tất cả những sự khác biệt ấy. Dù vị đó có thể có sự tự giác kỷ luật rất cao nhưng đồng thời cũng có khả năng uyển chuyển và linh hoạt với người khác. Người hiểu được cốt tủy sự thực tập của Làng Mai và cách để áp dụng sự thực tập vào xã hội hiện đại. Con nghĩ những điểm này phải đi chung với nhau: Hiểu được người trẻ và hiểu được thế giới”.Sư cô Trăng Hiếu Đức
“Con ấn tượng khi thấy được cách quý thầy duy trì sự thực tập suốt cả ngày. Con cũng được thực sự gây cảm hứng bởi cách nuôi lớn sự có mặt hơn là bằng kiến thức”.Sư chú Trời Niệm Xả
“Con rất biết ơn khi thấy quý thầy lớn có sự vững chãi và hành trì lời dạy của Thầy. Nhờ thế, con có cảm giác là mình có thể học được rất nhiều từ lời dạy cũng như kinh nghiệm của các vị. Đặc biệt khi con được biết quý thầy đã đi qua khó khăn như thế nào, mặc dù ngay lúc đó kinh nghiệm ấy không giúp ích gì cho con. Nhưng trong tương lai nếu con có khó khăn tương tự, con có thể nương tựa vào kinh nghiệm ấy”.Sư chú Trời Niệm Thuần
“Với con, khi được sống cùng và có cơ hội gần gũi với quý sư cô, con cảm nhận được rất nhiều tình thương, đặc biệt là ở những vị được tiếp nhận sự dạy dỗ, tình thương trực tiếp từ Sư Ông. Tình thương của quý sư cô dành cho đại chúng rất lớn. Quý sư cô luôn mong muốn trao truyền những pháp môn hành trì, những lời căn dặn của Thầy đến những sư em không có cơ hội được gần gũi Thầy. Đó thực sự là cái đẹp của tình chị em trong một gia đình, người lớn dành cho người nhỏ tất cả tình thương, sự quan tâm, động viên. Vì vậy, con thấy mình cũng cần có trách nhiệm, thực tập cho đàng hoàng để không phụ lòng quý sư cô lớn”.Sư cô Trăng Tâm Đức