Những chồi non chào nắng mai – phần 1
“Tập khí của con khi còn ở ngoài là không tự tin khi cười. Khi tiếp xúc và cười với người khác, trong con có cái gì đó làm cho con không tự tin về chính bản thân mình. Khi đi tu, con thấy mình được sống tự nhiên hơn. Khi cười, nụ cười đó đi ra từ sự bình an và niềm vui đang có trong lòng con nên nó rất tự nhiên. Đó là một sự chuyển hóa của con và khi nhận ra được điều đó, con rất hạnh phúc.
Con cũng huân tập được cho mình một thói quen mới là tập nhìn những cái tích cực. Trong tăng thân, mọi người đến từ nhiều vùng miền, nhiều quốc gia và văn hóa khác nhau nên đôi khi xảy ra những va chạm. Cách con thực tập là nhìn sâu vào tự thân mình trước để không bị cuốn theo những va chạm đó. Hoặc con tìm cách để làm đơn giản hóa vấn đề lại, nhờ vậy con thấy mình nhẹ nhàng hơn”.Sư cô Trăng An Niệm
“Khi còn là cư sĩ, con ít nói chuyện mặc dù công việc của con là quản lý. Sự truyền thông rất ngắn ngủi và có khi cũng không thoải mái để chia sẻ. Nhưng khi vào chùa, con thực tập ái ngữ thêm. Để làm sao có không gian và thời gian hơn khi nói ra điều gì đó và để những lời mình nói có nhiều thương yêu, hiểu biết”.Sư chú Trời Ruộng Hiếu
“Khi có cảm xúc đi lên, con thường nhận diện và dành thời gian để ngồi chơi với nó. Con không còn muốn đổi sang làm một việc gì khác như trước. Ý thức sự có mặt và ôm lấy cảm xúc đó trong vài phút. Vì biết rằng nếu không làm vậy, nó sẽ bám theo con hàng giờ. Con ưu tiên quay về chăm sóc cảm xúc ngay lập tức và thiết lập lại bình an trong nội tâm sớm nhất con có thể”.Thầy Trời Thiện Ý
Quý sư cô, sư chú nhận thấy mình đã học được những thói quen mới nào từ khi xuất gia?
“Trong quá khứ con luôn luôn vội vã, trong công việc hay trong bất cứ việc gì con làm, con luôn chạy theo thời gian. Sau khi xuất gia, con thấy mình không còn cần phải vội vàng nữa. Bây giờ, điều đầu tiên con làm vào buổi sáng là thưởng thức một ly trà với huynh đệ. Con không cần vội vàng mà chỉ uống trà, có mặt cho nhau và thật thư giãn. Ngồi yên được như thế, con nhận ra đó thực sự là thời gian trị liệu cho con”.Sư chú Trời Ruộng Đức
“Ở ngoài đời, con có khuynh hướng đi nhanh vì muốn tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, với tính chất công việc là một điều dưỡng, con càng phải nhanh hơn để có thể chuẩn bị các dụng cụ cần thiết trước khi bác sĩ tới. Cũng như để kịp chăm sóc bệnh nhân và trao đổi hay giải thích với người nhà của họ. Chính vì vậy, khi mới vào chùa, ai cũng nói con đi như bay. Và bài học đầu tiên của con là tập đi.
Ban đầu sự thực tập đó rất khó với con. Một phần vì đã quen đi nhanh nên con không quán thân được và không nghe được tiếng bước chân của mình, ngay cả khi con giẫm xuống đất rất mạnh. Thứ nữa, con thực tập với tâm trạng là mình đang được quý sư cô để ý tới, mỗi khi mình bước chân ra khỏi phòng là sẽ được nhắc nhở. Nên thấy sư cô đi đằng trước là con đi đằng sau, sư cô đi đường này là mình đi đường khác, cứ vậy mà con trốn tránh. Khiến con có cảm giác mình như một chuyến tàu siêu tốc đang bị dừng lại đột ngột.
Sau đó, con phải tự thực tập bằng cách xem mình như là một em bé đang tập đi và chưa biết giữ thăng bằng. Với ý thức đó, con biết cách dừng lại hơn. Nhưng khi có nhiều công việc hay có chuyện gấp cần làm, con thấy những tập khí cũ vẫn trở về. Theo năm tháng thực tập, con nhận diện được để giảm dần tốc độ của mình, cũng như biết sự vận hành của tập khí đó như thế nào”.
Sư cô Trăng Tường Niệm