Lộc Uyển mùa an
(Sư cô Chân Trăng Chùa Xưa)
Bạn ơi, những đêm trăng trên vùng sa mạc núi đá ở tu viện Lộc Uyển đẹp không thể diễn tả. Đây là mùa an cư đầu tiên của mình ở xóm Trong Sáng. Mỗi buổi sớm mai, mình có cả bầu trời với ánh trăng và hàng triệu ngôi sao lấp lánh soi tỏ suốt con đường thơm từ ni xá lên tới thiền đường Thái Bình Dương. Tiếng chuông đại hồng vang vọng, đất trời tràn ngập hương hoa cam, hương lá sage, khuynh diệp và bao nhiêu loài cỏ dại…
Đã hơn mười năm rồi, vùng đất này gặp hạn hán và thiếu mưa nên mùa hè mang màu nâu còn mùa đông thì xanh thắm. Những ngày hè về, mặt đất và lá cây chuyển dần sang màu nâu, thân cành sẫm lại và khô héo tựa như nước đã bị bốc hơi hết. Vì vậy, đối với người mới đến đây, nhìn vào cứ ngỡ rằng cây đã chết. Nhưng thực ra cây đang trở về nuôi dưỡng gốc rễ; nhựa sống cô đặc ở bên trong. Sự sống trở nên khiêm tốn và nhu nhuyến. Có lẽ trong môi trường khắc nghiệt như vậy nên cây nào cũng tỏa ra hương thơm đặc biệt. Nắng càng gắt thì hương hoa, hương lá cây càng đậm đà và màu hoa cũng rất riêng.
Đông sang, đất trời trở lạnh mang theo những giọt sương đêm như gọi sự sống quay về. Mầm non từ từ trỗi dậy khi mặt đất đã thấm đẫm sương mai. Bãi cỏ chuyển dần sang màu xanh non. Cành lá cũng đâm chồi nảy lộc. Cây cối như được hồi sinh trở lại.
Ngắm nhìn rừng hoa tăng thân, con thấy sư cô trụ trì và tất cả quý sư cô lớn nơi đây cũng như những gốc đại thụ, kiên trì, nhu nhuyến, dù đi qua bao khó khăn vẫn tỏa hương thiền thơm ngát.
Đàn nai đã trở về Lộc Uyển, bạn biết chưa?
Ni xá xóm Trong Sáng nằm giữa thung lũng núi đá và rừng sồi nên từ bất cứ góc cửa sổ phòng nào nhìn ra cũng thấy được núi cao và trời xanh. Nếu ai đó lần đầu tiên tới thì chắc hẳn sẽ không biết rằng ẩn giữa những ngọn núi kia có một ni xá với gần bốn mươi sư cô.
Hồi chưa có tu viện Lộc Uyển, nơi này từng là bãi bắn phạm nhân. Tiếng súng đã làm những chú nai sợ mà bỏ chạy lên tận núi cao. Những vị thường trú ở đây mấy chục năm rồi cũng không thấy nai về nữa. Bữa nọ, ni xá bỗng xôn xao tiếng cười, hóa ra vì có bốn chú nai trở về. Quý sư cô trẻ mới nhập chúng Lộc Uyển đang thích thú ngắm chúng thong thả dạo chơi trong những cánh rừng sồi dưới xóm Trong Sáng và xóm Vững Chãi. Bốn chú nai ấy cũng được tính vào số lượng thành viên tham gia trọn vẹn chín mươi ngày an cư cùng với một trăm vị xuất sĩ và cư sĩ năm nay.
Bạn thấy không, đàn nai cũng giống như mười một sư cô trẻ mới từ các trung tâm khác về Lộc Uyển nhập chúng tu học, mang theo sự trong sáng, vui tươi, năng động và thổi vào rừng núi hùng thiêng một gam màu tươi vui.
Món ăn được mong đợi nhất
Chia sẻ về hành trình đi tìm đời sống tâm linh của các anh chị em xuất sĩ vào ngày thứ Năm hằng tuần trong mùa an cư năm nay là món ăn được mong đợi nhất. Cánh cửa trái tim được mở rộng ra trong lòng mỗi sư anh, sư chị và sư em.
Lần đầu tiên, đại chúng có cơ hội được lắng nghe Sư cô trụ trì sau nhiều năm xuất gia chia sẻ về lý do vì sao sư cô quyết định rời ngôi chùa riêng để về sống và tu học chung với đại chúng. Được sống và tu học trong lòng tăng thân, sư cô cảm nhận được tình huynh đệ. Sư cô có đủ không gian, thời gian để trải nghiệm và hành trì các pháp môn được tiếp nhận từ Sư Ông. Những điều kiện ấy đã giúp sư cô tiếp xúc được với chất liệu của một người tu mà sư cô không có nhiều cơ hội được cảm nhận khi sống ở chùa riêng. Đồng thời, chí nguyện muốn tiếp nối Sư Ông để chăm sóc, thương yêu và có mặt với các sư em cũng được vun bồi và nuôi lớn thêm. Mỗi sáng tinh mơ, khi chuông thức chúng còn chưa thỉnh, sư cô đã có mặt thắp nến, dâng trầm thơm trong cốc Sư Ông và nơi thờ Bồ tát Quan Thế Âm giữa vườn ni xá. Hình ảnh ấy đã lan tỏa hơi ấm tâm linh giữa mùa đông băng giá.
Đại chúng còn được nghe câu chuyện về sư cô lớn tuổi nhất ni xá với biệt hiệu “thiên thần quét lá”. Sư cô kể khi vào chùa, sư cô mới học viết, học đọc chữ quốc ngữ. Ở tuổi chín mươi tư, tuy phải chống gậy mỗi lần di chuyển, nhưng sư cô luôn đều đặn tham gia thời khóa cùng đại chúng và tụng kinh cúng cơm cho Bụt mỗi ngày không ngơi nghỉ.
Rồi cả những câu chuyện nuôi dưỡng và đầy cảm hứng trong những buổi ngồi chơi giữa các sư em mới xuất gia với quý sư anh lớn. Những câu hỏi thú vị được đặt ra xoay quanh lý tưởng tu học và phụng sự của một người xuất sĩ cho đến những vấn đề thực tế mà một người tu trẻ có thể gặp phải trên con đường cùng đi với tăng thân. Gia đình xuất sĩ dường như xích lại gần nhau hơn và được tiếp thêm nguồn cảm hứng để cùng nhau đi trên con đường thực tập.
Dòng sông đang đi tới
An cư năm nay, tu viện Lộc Uyển đón chào gia đình xuất gia Cây Táo Nhỏ – Cây Manzanita, với sự biểu hiện của hai sư chú: Chân Nhất Ấn và Chân Nhất Hướng. Cây Manzanita là một loài cây quý hiếm của vùng đất này. Mùa an cư cũng là mùa cây nở hoa, khắp núi rừng lung linh những chùm hoa trắng, hồng như những chiếc bông tai, hay những chiếc đèn chụp nhỏ xíu khắp nơi.
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Đại chúng chào đón thêm hai vị tân giáo thọ là sư cô Nhất Nghiêm và sư cô Trăng Thủy Tiên; được sư cô Chân Không trực tiếp truyền đăng. Đồng thời, có ba sư em chuẩn bị để được về Thái Lan thọ giới lớn vào đầu năm tới. Sau chín mươi ngày an cư, trong hơn bốn mươi cư sĩ đã có sáu bạn trẻ xin được làm tập sự xuất gia. Ngoài ra, đại chúng sẽ cùng xây dựng chương trình tu học dài hạn cho những bạn có tâm muốn tu học và phụng sự dưới hình thức cư sĩ tại tu viện.
Khi nào bạn đến tu viện Lộc Uyển, mình sẽ cùng đi leo núi để ngắm bình minh lên và đón hoàng hôn về hay chỉ là tận hưởng mây trời bao la. Lộc Uyển rộng lắm và phần lớn là núi rừng. Ngóc ngách nào cũng thật đẹp! Cứ mỗi hai tuần vào thứ Tư, tứ chúng lại mang ba lô trên vai, cùng leo núi Escondido từ lúc trời còn tờ mờ sương. Cả trăm người cùng nhau ngồi thiền và cùng đón mặt trời lên. Giữa một bên là thành phố với đèn xe tấp nập, bên kia là tháp chuông, thiền đường, tăng xá, ni xá yên tĩnh ẩn náu trong chốn núi rừng trong xanh, mình đâu cần phải quán chiếu gì nhiều về cái động và cái tĩnh nữa, phải không bạn? Thi thoảng ngày làm biếng, gia đình xuất sĩ sẽ cùng leo núi với nhau. Những chiếc áo nâu ngồi yên bên nhau giữa rừng núi linh thiêng trong hương lá sage với chén trà thơm, tiếng chim hót và cùng hát cho nhau nghe.
Mùa an cư luôn có những lớp học thú vị. Quý sư cô mới lần đầu đến Mỹ được tham dự vào lớp văn hóa Mỹ do chú Kenley- giáo thọ cư sĩ người Mỹ phụ trách. Lớp Anh Văn với nhiều trình độ khác nhau do thầy Pháp Dung, thầy Pháp Lưu, sư cô Kính Nghiêm, sư cô Đẳng Nghiêm hướng dẫn. Lớp tiếng Việt do sư chị Lễ Nghiêm đảm nhận. Lớp nghi lễ được dạy bởi sư cô Khuê Nghiêm và sư cô Thần Nghiêm. Các lớp Giới từ cấp tập sự, sadi, tân tỳ kheo ni đến giáo thọ đều được mở ra bởi các giới sư nhiệt tình, với tình thương mà hết lòng dìu dắt đàn em út.
Hai tuần một lần, đại chúng lại có một buổi chấp tác chung vào thứ Bảy với sự tham gia rất đông vui của các vị cư sĩ dưới phố. Hình ảnh thầy Pháp Nhĩ – tri sự xóm Vững Chãi ra hướng dẫn công việc cho đại chúng trước mỗi buổi chấp tác bằng tiếng Anh luôn nuôi dưỡng tăng thân. Một con đường leo núi mới đã hình thành bởi sự góp sức của của thầy Pháp Lưu cùng anh chị em xuất sĩ mang lại sự thích thú cho nhiều người. Sắp tới, quý thầy sẽ xây dựng thêm sáu phòng tăng xá để có thêm chỗ ở. Một nhóm quý sư cô đã tình nguyện viết thư pháp lên đá, lên ly,… để phát hành và kêu gọi cúng dường sau mỗi ngày quán niệm Chủ nhật. Chín mươi ngày an cư vừa khép lại thật viên mãn. Đại chúng đang được làm biếng ba ngày trước khi vào khóa tu Holiday, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Bạn à, khi nào đủ nhân duyên, mời bạn về Lộc Uyển nhé! Không khí tu học và phụng sự của đại chúng đang lên cao, thấm tình huynh đệ và vui tươi lắm. Nắng đã lên, hẹn gặp sư bạn trong mỗi bước chân thiền hành nhé!
– Xóm Trong Sáng, tu viện Lộc Uyển, mùa An cư 2022 –