Kỷ niệm êm đềm
(Sư cô Chân Đính Nghiêm)
Cuối năm, trời lành lạnh. Cái lạnh không đến nỗi rét như vùng New York, Hoa Kỳ nhưng cũng đủ để con mặc vài lớp áo. Ngồi bên ngọn nến, thưởng thức ly trà thơm, lòng con bình yên đến lạ. Giây phút bên ly trà là giây phút thanh thản, ấm lòng nhất đối với con. Dù trong bất cứ không gian và thời gian nào, trong con đều đong đầy cả khung trời hạnh phúc và tình thương. Buổi sớm mai trở nên thiêng liêng hơn, huyền diệu hơn và ngập tràn năng lượng tinh khôi, đầy sức sống cho một ngày mới bắt đầu.
Con ngồi yên, thưởng thức niềm hạnh phúc và một khuôn mặt hiền từ đầy tình thương hiện lên trong trí nhớ con. Đó là “Sư cô Chân Không – người chị cả của giáo đoàn – người học trò nữ xuất gia đầu tiên của Sư Ông”. Người có một gia tài tình thương không phân biệt bất kỳ một ai, dù đó là cư sĩ tại gia hay xuất gia, dù đó là những đệ tử xuất gia của Sư Ông hay là những vị khách tăng đến thực tập cùng đại chúng. Những hành xử của Sư cô luôn làm ấm lòng người đối diện và trở thành nhiều kỷ niệm đẹp trong tâm khảm của con mỗi khi nhớ về.
Nằm nghe tiếng ru
Năm 2007, được tham dự khóa tu cho người trẻ ở tu viện Bát Nhã, con lên sớm một ngày nên chưa có thời khoá. Sau giờ cơm trưa, Sư cô gọi chúng con vào thiền đường và nói: “Mấy con nằm xuống đi, nằm xuống Sư cô ru cho ngủ”. Con là người mới nhất trong nhóm nên ngơ ngác nhìn. Thấy vậy các bạn kéo con nằm xuống và Sư cô hướng dẫn chúng con pháp môn thiền buông thư. Ôi, thật ngạc nhiên và cảm động biết bao. Con tưởng như mình được trở về thời thơ ấu và được bà ru cho mình ngủ. Từng lời thủ thỉ đầy yêu thương và giọng hát thật ngọt ngào của Sư cô đưa con chìm dần vào giấc ngủ lúc nào không biết. Giấc ngủ thật ngon và thật an lành. Đến khi con thức giấc, Sư cô hỏi chuyện chúng con. Sư cô nói chuyện thật gần gũi xiết bao. Con chỉ ngồi đó lắng nghe vì chưa biết gì về pháp môn và Sư cô, chỉ có một cảm nghĩ là sao Sư cô hiền và dễ thương vậy.
Suốt khoá tu, ngày nào con cũng tận hưởng giờ thiền buông thư của Sư cô và khi về nhà con chỉ nhớ có mỗi pháp môn đó mà thôi. Và từ đó, con có thói quen mới là trưa nào cũng “nằm xuống nghe Sư cô ru”. Nhờ vậy, sức khỏe con tốt hơn, tinh thần tươi vui hơn và chứng bệnh đau dạ dày cũng dần khỏi. Con đã khoe với bạn bè và người thân, cũng như khuyến khích họ thực tập pháp môn đơn giản mà thật hiệu nghiệm này. Bây giờ, mỗi khi có cơ hội hướng dẫn thiền buông thư, con thấy lại hình ảnh thân thương ngày ấy và hết lòng hiến tặng cho mọi người.
Để thương để nhớ
Mùa thu năm 2011, lần đầu tiên con gặp Sư cô ở Lộc Uyển. Sư cô gọi chúng con vào cốc của Sư cô ngồi chơi. Sư cô hỏi tên và nói: “À, con là Đính Nghiêm, người trả lời điện thoại khi sư cô gọi qua Bích Nham”. Con ngạc nhiên và nhớ lại có một lần con nhấc điện thoại và phía bên kia một giọng nói thật hiền: “Sư cô Chân Không đây, con là ai vậy?” Con thưa tên xong thì Sư cô hỏi tiếp con thuộc gia đình xuất gia nào. Rồi Sư cô nói: “Con giỏi lắm, biết thở trước khi nhấc điện thoại. Con còn nhỏ mà đã biết trả lời điện thoại lễ phép, rõ ràng sau này con sẽ làm được nhiều những chuyện khác”. Câu chuyện chỉ có vậy mà Sư cô nhớ và nhắc lại. Con biết Sư cô có trí nhớ rất tốt nhưng với con, đây cũng là một biểu hiện của tình thương Sư cô dành cho sư em nhỏ.
Khóa tu ở Lộc Uyển kết thúc, đại chúng đi lên phía Bắc để hướng dẫn khóa tu tiếp theo ở Google. Sư cô xin ban tổ chức sắp xếp cho chúng con được đi cùng. Sư cô nói: “Chúng con mới đến Mỹ, nếu không được đi đợt này thì đâu biết sẽ có cơ hội nữa hay không!”. Cuối cùng, chúng con cũng được đi, dù chẳng giúp được gì, mà ban tổ chức phải lo thêm chỗ ăn ở và chỗ đi chơi cho chúng con. Khi pháp thoại của Sư Ông kết thúc, chúng con được đi thăm cây cầu Vàng nổi tiếng trong khi Sư cô ở lại cho thiền sinh buông thư.
Trở về Bích Nham, con bị bệnh, ho sòng sọc cả ngày lẫn đêm. Không hiểu sao lúc đó con cứng đầu dễ sợ, nhất định không chịu uống thuốc dù sư cô lớn trong phòng hết lời khuyên nhủ. Rồi Sư cô cũng biết và gửi thuốc cho con, mà con cũng không chịu uống vì đó là thuốc Tây. Mấy ngày sau, Sư cô lại tìm ra thuốc Nam và mang đến dỗ con uống. Con cảm động quá chỉ biết im lặng uống thuốc. Uống xong là ngày mai lành liền. Không biết con lành bệnh do thuốc hay do tình thương của Sư cô nữa.
Sống trong chúng thiệt là hạnh phúc!
Năm 2013, con được làm thị giả Sư cô. Vừa gặp mặt, Sư cô đã tạo cho con một không khí thân tình, ấm áp. “Làm thị giả của sư cô khó lắm đó nghe”, Sư cô nói rồi cười. Nụ cười ấy làm tan hết những lo lắng trong con. Được nuôi dưỡng bởi năng lượng của Sư cô nên con cũng “tự nhiên, gần gũi” với Sư cô ngay lập tức. Con thương Sư cô như bà của mình vậy. Con làm tất cả những gì có thể để chăm sóc Sư cô bằng cả tấm lòng chứ không phải là nghĩa vụ. Và con nghĩ rằng những ai được làm thị giả của Sư cô cũng đều chung suy nghĩ ấy.
Gần Sư cô, con mới biết được khối lượng công việc Sư cô làm cho tăng thân và cho các sư em của mình. Trong khóa tu, Sư cô không bỏ một thời khóa nào. Sáng nào Sư cô cũng dẫn con qua cốc Thạch Lang ngồi uống trà cùng Sư Ông và quý thầy thị giả trước buổi ngồi thiền hoặc pháp thoại. Buổi trưa, Sư cô cho thiền buông thư. Còn buổi chiều, Sư cô làm chủ tọa pháp đàm rồi cho thiền sinh tham vấn. Nếu các sư em gặp khó khăn, Sư cô đều có mặt. Người ở xa thì Sư cô gọi điện khuyên nhủ với tất cả tấm chân tình, còn nếu ở gần, Sư cô dành thời gian ngồi chơi với vị đó. Ngoài ra, Sư cô còn viết sách, trả lời các email của thiền sinh, rồi lo bao nhiêu chuyện khác cho Làng. Hôm nào Sư cô cũng thức rất khuya và dậy thật sớm. Vậy mà lúc nào Sư cô cũng đầy năng lượng tươi vui và đầy nhiệt huyết.
Hồi đó, con là sư út ở Bích Nham, còn ham ăn ham ngủ. Trước khi Sư cô tới Bích Nham, con lo lắm. Bởi con ngại mình khó theo được thời khóa của Sư cô. May sao, nhịp sinh học của con thích nghi được ngay. Hôm nào con cũng thức được tới khi Sư cô đi ngủ và dậy sớm cùng lúc với Sư cô. Con còn trẻ và đâu làm việc nhiều, chỉ có mỗi việc thị giả thôi, nhưng lúc nào Sư cô cũng lo lắng cho con, sợ con mệt hay thiếu ngủ. Sư cô thường hay nói “Cảm ơn con đã chăm sóc sư cô hết lòng”, làm con cảm động lắm. Con thưa Sư cô là chị em con ai cũng muốn có cơ hội chăm sóc Sư cô, ngay cả quý thầy cũng vậy. Sư cô chỉ cười và nói: “Sống trong chúng thiệt là hạnh phúc!”.
Thương mà chiều
Có một tối, mới 9 giờ 30 mà Sư cô đi ngủ rồi. Con ngạc nhiên hỏi thăm thì Sư cô nói: “Sư cô không sao, sư cô chỉ muốn đi nghỉ sớm thôi”. Vậy là con hạnh phúc leo lên giường. Trong giấc ngủ say, con bỗng nghe tiếng lạch cạch, mở mắt ra thì thấy Sư cô đang làm việc trong bóng tối. Con hỏi sao Sư cô không bật đèn lên, Sư cô nói: “Sư cô sợ con thức giấc”. Con nghe mà thấy nghèn nghẹn trong lòng. Con thưa với Sư cô là con ngủ dễ lắm, Sư cô bật đèn to con vẫn ngủ ngon như thường. Sư cô nói: “Thiệt hả? Vậy con bật đèn bàn cho sư cô rồi đi ngủ đi”. Vậy là con đi ngủ tiếp trong niềm hạnh phúc vô biên.
Mỗi lần dùng cơm, Sư cô luôn nhìn vào tô của con xem có món gì, và chia thức ăn cho con. Sư cô có cách chia thức ăn cho thị giả dễ thương lắm, Sư cô nói: “Món này nhiều quá”, hay “Món này sư cô không thích, con ăn giùm sư cô”. Hồi đó con hồn nhiên lắm, cứ nghĩ mình “giúp” Sư cô. Sau này, con mới biết đó toàn là món ruột của Sư cô. Vì sợ con mệt nên Sư cô luôn ép con ăn nhiều cho mau lớn. Có những lúc Sư cô mệt không muốn dùng bữa, nhưng khi nghe thị giả mè nheo: “Sư cô không dùng thì con cũng không ăn”. Sư cô chiều thị giả và cầm đũa, rồi vì thương người nấu cơm nên Sư cô cũng dùng hết luôn.
Có ngày gia đình chú Pritam đến thăm tu viện. Sau khi đưa họ đến thăm Sư Ông, Sư cô tiếp chuyện riêng và chia sẻ một số phương pháp thực tập cho cả nhà, đặc biệt là hai bạn trẻ đi cùng. Ăn trưa xong, Sư cô tặng mọi người một buổi thiền buông thư. Sư cô cũng bảo con “nằm xuống ngủ”. Con chỉ nghe được “in, out” (vào-ra) là con “đi” luôn. Đến khi mở mắt ra, con thấy chỉ còn mỗi mình con trong thiền đường, tất cả đã đi hết rồi. Con ngơ ngác suy nghĩ: Bây giờ tìm Sư cô ở đâu, ni xá, văn phòng hay cốc của Sư Ông? May thay khi vừa ra khỏi thiền đường, con thấy mọi người đang chào nhau trước tăng xá. Khi gia đình chú Pritam đi rồi Sư cô kể: “Con biết không, đi ra tới cửa thiền đường, sư cô quay lại thấy con vẫn đang ngủ nên sư cô để con ngủ luôn!”.
Hôm sau vào khóa tu, Sư cô cho thiền buông thư. Người đông quá, thiền đường thật nóng nên con ngồi phía sau và quạt cho Sư cô. Đến khi kết thúc, Sư cô nói: “Tội con quá, phải quạt cho sư cô mà không được ngủ. Sư cô thích thấy con ngủ ngon”. Vậy là những buổi thiền buông thư sau, dù ở tại tu viện hay ở đâu, con luôn chuẩn bị hết mọi thứ cần thiết rồi yên tâm nằm ngủ. Con cũng tập được việc thức dậy đúng lúc Sư cô kết thúc, và ngồi đếm số vòng Sư cô quay khi Sư cô hướng dẫn năm động tác Suối nguồn tươi trẻ cho thiền sinh.
Nuôi dưỡng niềm thương
Còn nhớ có lần Sư Ông nói: “Từ hôm nay mình gọi Sư cô là Sư bà đi con” thì Sư cô trả lời liền: “Bạch Thầy, con không làm Sư bà đâu”. Khi thấy Sư Ông không thay đổi ý định, Sư cô quay sang con ra điều kiện: “Con mà gọi Sư cô là Sư bà thì Sư cô không chơi với con nữa”. Con chỉ biết cười và thấy kính phục Sư cô vô cùng. Đức khiêm cung của Sư cô thật lớn. Lúc nào Sư cô cũng thấy mình chỉ là sư chị lớn của các sư em thôi.
Tối tối trước khi ngủ, Sư cô lại kể cho con nghe những chuyện ngày xưa Sư cô từng làm, kể từ lúc Sư cô còn đi học cho đến thời điểm hiện tại. Bên Sư cô, con có nhiều cơ hội nghe Sư cô chia sẻ kinh nghiệm rất quý báu trong đời tu. Sư cô thường nhắn nhủ rằng, Sư cô kể để sau này con hiểu bản thân, hiểu các sư em của mình, để thương và thông cảm và để cùng nhau đi qua tất cả. Sư cô bảo con kể chuyện gia đình, chuyện thời thơ ấu cho đến khi con đi tu. Rồi Sư cô nói: “Bây giờ Sư cô biết con được sinh ra là để đi tu thôi. Con đã tu nhiều kiếp rồi nên kiếp này tiếp tục”. Nghe Sư cô kết luận, con thấy hạnh phúc trong mình nhân lên và niềm tin vào con đường càng thêm vững chắc. Đó là cách Sư cô nuôi lửa, truyền lửa cho con và giúp con có thêm động lực để đi tới.
Sư cô thương mọi người một cách chân thành, mộc mạc, không cầu kỳ khách sáo, nên Sư cô cũng đón nhận tình thương một cách chân thành và sâu sắc. Con thật hạnh phúc vì có cơ hội được gần Sư cô, được nuôi dưỡng trực tiếp bởi thân giáo và tình thương của Sư cô, được học hỏi và được truyền thêm lửa cho bồ đề tâm của mình. Nhìn Sư cô, con có thêm niềm tin nơi Sư Ông, vì con biết Sư cô là người học trò lớn của Sư Ông, được nuôi lớn từ thân giáo của Sư Ông cũng như đồng hành cùng Sư Ông trên con đường phụng sự. Giờ đây Sư cô tiếp tục giúp Sư Ông nuôi lớn các sư em của mình. Con nguyện noi gương Sư cô, nuôi dưỡng để lòng mình thênh thang hơn, để có thể trang trải tình thương ngày một rộng lớn hơn, cũng như chế tác năng lượng phụng sự, tấm lòng thủy chung sắt son với tăng thân và với con đường hạnh nguyện mà mình đã chọn.
Con xin thành kính cảm tạ sự hiện diện tuyệt vời của Sư cô trong tăng thân và kính mong Sư cô mãi an yên để làm chỗ nương tựa cho các sư em nhỏ hướng về.