Hành trình theo bước chân Thầy
(Bài viết được dịch từ tiếng Anh)
Con đã học được những gì từ Thầy? Con học dừng lại, có mặt thực sự, nghe mưa, uống một tách trà và tiếp xúc với sự sống một cách sâu sắc. Con học được rằng sự có mặt đích thực cũng là hành động. Con chỉ cần là con thôi mà không cần phải cố gắng trở thành một cái gì khác.
Những lời dạy của Thầy đã thay đổi cuộc đời con như thế nào? Thầy dạy với những ngôn từ rất giản dị và bằng sự sống của chính Thầy. Thầy đã sống đúng với những gì Thầy dạy và điều đó đánh động tâm con một cách sâu sắc.
Sao Thầy không nhắc gì tới Thượng đế?
Đến Làng Mai lần đầu tiên vào tháng Hai năm 2002, con mong mỏi được gặp vị thầy đã cho bài pháp thoại đầy hùng lực sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 ở Mỹ. Thời gian ấy con bắt đầu đọc một vài cuốn sách của Thầy, như Đường xưa mây trắng, trong đó Thầy nói về Bụt như một con người chứ không phải như một vị thần linh. Những lời dạy của Thầy đã truyền rất nhiều cảm hứng cho con và con bắt đầu áp dụng những lời dạy ấy trong đời sống hằng ngày, thí dụ như con tập mỉm cười.
Hồi đó con đã thực tập thiền tọa được hơn 20 năm nhưng con không bao giờ nghĩ việc nở một nụ cười trên môi lại có thể tác động lớn tới sự thực tập của con đến vậy. Chỉ thực tập đơn giản vậy thôi mà con đã cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Sự thực tập của con trở nên đơn giản hơn, và thân tâm con cũng nhẹ nhàng, lắng dịu hơn.
Hồi đó, con có nhu yếu sâu sắc muốn tìm hiểu về cái chết và lý do vì sao những người mà con thương yêu lại gặp nhiều đau khổ đến vậy. Con cần làm gì để có thể giúp cho họ bớt khổ và có bình an? Con muốn làm cho trái tim mình lớn rộng, tự do và để có thể thương yêu nhiều hơn.
Trong khóa tu đầu tiên của con ở Làng, con được nghe Thầy kể câu chuyện về một nhóm nữ tu Cơ Đốc giáo tới tham dự khóa tu do Thầy hướng dẫn. Sau năm ngày, một vị là mẹ bề trên trong nhóm nữ tu đó thưa với Thầy: “Bạch Thầy, Thầy đã dạy chúng con mọi thứ nhưng sao Thầy không nhắc gì tới Thượng đế?”
Thầy kể lại rằng lúc đó Thầy không trả lời câu hỏi ngay. Thầy đã thở chậm rãi một vài hơi, rồi sau đó Thầy mới nói với vị nữ tu ấy: “Thưa Sơ (Soeur), vậy có điều gì tôi nói trong suốt năm ngày vừa qua mà không phải là nói về Thượng đế?” Và Thầy kể thêm: “Đó là giây phút khiến mọi người trong phòng bừng tỉnh. Ai cũng chợt ngộ ra một điều: Chúng ta bị vướng vào từ ngữ và khái niệm quá nhiều. Sự thực là lúc nào chúng ta cũng có thể trò chuyện và tâm tình được với Thượng đế”.
Con rất thích thú khi được nghe câu chuyện này, nhất là khi thấy một tu sĩ Phật giáo như Thầy có thể nói về Thượng đế một cách thoải mái bằng thứ ngôn từ đẹp đến như vậy.
Trao truyền và tiếp nối
Ngay sau khóa tu đầu tiên này, con đến thăm người cô của con. Lúc ấy, cô của con bị bệnh nặng và trong tình trạng hôn mê đã vài tháng. Con tới hôm trước thì tối ngày hôm sau cô mất. Con cảm nhận một cách sâu sắc những gì con tiếp nhận trong khóa tu, đã giúp con giữ được sự bình thản để có thể ôm ấp nỗi đau của chính mình cũng như nỗi đau của các con, các cháu của cô. Những lời Thầy dạy cứ vang vọng trong con. Cô của con vẫn còn đó. Cô đang có mặt khắp mọi nơi và con có thể cảm nhận được. Con cũng đã giúp những người anh chị em họ của mình nhận diện được những hạt giống tốt đẹp mà cô đã trao truyền cho các con. Chúng con là sự tiếp nối của cô.
Ba của con đã qua đời trước đó nhiều năm. Với niềm tin nơi Thầy, con nỗ lực thực tập những lời Thầy dạy. “Hãy cảm nhận rằng con đang nắm tay ba. Hãy cảm nhận ba đang bước đi bằng hai bàn chân của con”. Từ sự thực tập đó, con đã học được cách kết nối với ba nơi từng bước chân chánh niệm.
Khi mới thực tập, con phải dùng trí tưởng tượng của mình, nhưng càng thực tập thì con càng thấy rõ ba đang bước đi cùng con. Đó là một trải nghiệm vô cùng ấn tượng và sâu sắc. Con mất ba lúc mười chín tuổi. Ngày đó, con nghĩ rằng như thế là hết. Nhưng thực tập thiền hành theo cách Thầy dạy đã gợi lại trong con những kỷ niệm của thời thơ ấu. Hồi còn nhỏ, con thường đứng trên hai bàn chân của ba, rồi hai cha con cùng nhảy múa. Ba vẫn còn sống mãi trong con!
Kể từ đó, con đường trị liệu được mở ra. Đó là một con đường rất đẹp, con đường chuyển hóa mối liên hệ giữa hai cha con. Con thấu hiểu hơn những gì ba đã trao truyền cho con và đã thiết lập lại được sự truyền thông với ba. Con viết thư để kể cho ba nghe những điều mà con chưa từng có cơ hội.
Pháp môn thiền hành là một trong những món quà lớn nhất mà con tiếp nhận được từ Thầy. Món quà ấy đã giúp nuôi dưỡng niềm vui và xoa dịu nỗi đau trong con. Mỗi khi có một người thân qua đời, mỗi khi thấy cơn giận nổi lên, hay thấy buồn bã, lo âu,… con lại thực tập thiền hành và có mặt hoàn toàn với bước chân, hơi thở, ý thức rõ rệt về từng bước chân và sự di chuyển của cơ thể. Được đặt từng bước chân trên mặt đất quả thật là một phép lạ. Con đi cho những người thân không còn có khả năng tự bước đi được nữa. Con bước đi trong niềm vui là mình đang được bước đi.
Con đang bước cho Thầy
Năm 2020, con may mắn được về Tổ đình Từ Hiếu một tuần để thăm Thầy và có dịp đẩy xe lăn cho Thầy đi dạo xung quanh Tổ đình. Thầy ra hiệu bằng tay để nói chuyện với con, giới thiệu cho con các địa điểm khác nhau trong Tổ đình. Con bước đi cho Thầy, hai bàn chân của Thầy cũng chính là hai bàn chân con.
Con đã có nhiều dịp bước đi theo Thầy trên những nẻo đường khác nhau. Có lúc con đi theo Thầy ở những thành phố lớn, trong những buổi thiền hành với hàng ngàn người. Lại cũng có lúc con đi theo Thầy cùng vài người khác, trên những con đường nhỏ. Bao nhiêu năm bước đi theo Thầy, con cảm được niềm vui và sự nhẹ nhàng trong cách Thầy đi. Con thấy được sự tự do, an lạc của Thầy.
Mỗi khi đi thiền hành, Thầy thường ưa dành một chút thời gian để ngồi yên cùng đại chúng, dầu đó là một đại chúng hàng ngàn người hay chỉ một nhóm nhỏ vài ba người. Thầy chỉ ngồi và tận hưởng việc ngồi yên mà không làm gì cả. Chỉ đơn giản thưởng thức sự có mặt của nhau giữa khung cảnh thiên nhiên, kể cả khi nơi đó là vệ đường ở các thành phố lớn. Con nhớ hồi mới bắt đầu tu tập ở Làng Mai, khi chúng con ngồi với Thầy giữa buổi thiền hành, con cứ chờ đợi Thầy nói hay làm điều gì đó đặc biệt. Nhưng Thầy và đại chúng chỉ ngồi yên, thưởng thức giây phút hiện tại. Và đó là cơ hội để mọi người tiếp xúc sâu sắc với cảnh vật xung quanh, hưởng được sự an lạc và sự có mặt của nhau. Dần dần, con học được cách thưởng thức từng giây phút trong đời sống hằng ngày một cách sâu sắc hơn.
Tình thương của đất Mẹ
Năm 1995, mẹ con qua đời. Con cảm thấy quá đau đớn khi nghĩ đến điều đó và con không muốn nghĩ tới nó. Nên con chỉ biết chôn giấu nỗi đau mất mẹ trong lòng. Nhưng rồi, tình thương và những lời dạy của Thầy về đất Mẹ đã giúp con mở lòng ra để ôm ấp nỗi đau của chính mình và cảm nhận được tình thương của mẹ con qua tình thương của đất Mẹ.
Thực tập có mặt thực sự để cảm nhận vẻ đẹp tuyệt diệu và tình thương của đất Mẹ, con bắt đầu có thể ôm ấp niềm đau trong mình. Nỗi đau của con nhờ đó mà giảm bớt và con biết mẹ vẫn sống trong con. Con có thể hiến tặng cho mẹ niềm vui và cách sống đẹp của con, cũng như có thể hiến tặng cho tất cả tổ tiên của con. Vì con là sự tiếp nối của tổ tiên.
Niềm biết ơn tràn dâng
Khi tới xóm Hạ tháng Hai năm 2002, con thật sự xúc động trước sự mộc mạc, đơn sơ của nơi này. Thật cảm động khi thấy bức thư pháp treo trong nhà ăn “The piece of bread in your hand is the body of the cosmos” (Miếng bánh mì trong tay ta chứa đựng cả vũ trụ).
Năm 2005, một ngày sau khi hoàn thành chuyến hoằng pháp tại Mỹ, Thầy tới nghỉ tại tu viện Rừng Phong ở Vermont. Chỉ có một vài người trong chúng con ăn tối cùng Thầy. Thầy hỏi con: “Con không có gì để ăn kìa, vì sao con lại không ăn?”. “Bạch Thầy, tối nay con không muốn ăn. Như thế này con thấy dễ chịu hơn”, con trả lời. Thầy nhìn con mỉm cười, rồi lấy một miếng bánh mì trong đĩa của Thầy đưa cho con. Làm sao con có thể từ chối miếng bánh mì từ Thầy. Con mỉm cười nhận miếng bánh và chậm rãi ăn. Cử chỉ đơn sơ của Thầy đã làm con thực sự xúc động. Con học cách nhìn sâu vào mỗi miếng bánh mì để thấy được sự có mặt của cả vũ trụ trong miếng bánh, bản chất tương tức của miếng bánh. Và con đã ăn miếng bánh trong niềm biết ơn tràn dâng đối với vạn vật xung quanh.
Uống trà với Thầy
Khi mới tới Làng Mai, được uống trà với Thầy là mơ ước của con và con đã viết thư kể cho Thầy về mơ ước đó. Vào ngày kỷ niệm một năm chúng con xuất gia, Thầy gọi gia đình xuất gia nhỏ (chỉ bao gồm bốn quý sư cô) của chúng con tới ngồi chơi với Thầy. Và Thầy mời chúng con chia sẻ về những gì chúng con đã thực tập trong năm vừa qua. Con chia sẻ rằng con thực tập buông bỏ những kỳ vọng của mình. Thầy hỏi: Vậy những kỳ vọng của con là gì, liệu có phải con kỳ vọng Thầy sẽ nhanh chóng thành Bụt không? Con trả lời rằng đối với con thì Thầy đã là Bụt rồi. Thầy lại hỏi: “Vậy có phải kỳ vọng của con là được uống trà với Thầy thật nhiều không?”. Con trả lời “Touché” (Thầy nói trúng phóc rồi đó!). Và Thầy đã cười quá chừng. Đó là một giây phút thật đẹp, thấm đượm tình thầy trò. Từ ngày đó, con đã có nhiều lần được uống trà với Thầy. Một điều thật giản dị như vậy mà đem lại cho con biết bao là hạnh phúc.
Năm đầu tiên sau khi con xuất gia, Thầy thường hay đùa khi gọi tên con là Đào Lakshmi hay Lakshmi Đào. Thầy mỉm cười nhìn con mỗi khi Thầy gọi tên con như vậy. Vì trước khi xuất gia, con đã từng sống tại một tu viện Ấn Độ giáo hai mươi năm và con thường đồng nhất bản thân mình với những trải nghiệm ở nơi đó, nơi người ta gọi con với cái tên là “Lakshmi” – tên một vị nữ thần trong Ấn Độ giáo. Thầy đã giúp con nhận ra rằng con đang bị kẹt vào danh tính này. Con cũng thấy được những hệ lụy khổ đau mà điều đó mang lại: Con không thể mở lòng đón nhận những gì mà giây phút hiện tại hiến tặng cho con.
Con có thấy thoải mái không?
Lần cuối Thầy cho pháp thoại là ngày mở đầu khóa tu dành cho các thầy cô giáo và những người hoạt động trong ngành giáo dục ở Pháp. Sư cô Jina và con ngồi bên Thầy, mỗi người một bên. Thầy quay qua con và hỏi: “Sœur Dao Nghiem, êtes-vous comfortable?” (“Đào Nghiêm, con có thấy thoải mái không con?”). Rất nhẹ nhàng, Thầy đưa con trở về với giây phút hiện tại, giây phút tuyệt vời khi Thầy đang còn sống và con được ngồi bên cạnh Thầy. Lúc đó Thầy đã yếu và phải ngồi trên xe lăn, nên trong con có nhiều lo lắng. Câu hỏi của Thầy là tiếng chuông chánh niệm cho con: “Trở về đi con, con đang ở đâu vậy?”.
Thầy đã dạy cho con thấy cuộc sống này đẹp vô cùng. Thầy giúp con tiếp xúc được những mầu nhiệm của sự sống trong những điều bình dị nhất, cho con thấy bản chất tương tức của vạn vật và hiểu vì sao mọi hành vi từ thân, khẩu, ý của mình đều có tác động lên toàn thế giới.
Những năm đầu khi mới xuất gia, có những lúc con phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Nhiều khi con không biết mình phải làm gì. Con tự hỏi mình: “Vì sao mình lại đi xuất gia? Vì sao mình lại chọn gia nhập tăng thân Làng Mai? Vì sao mình lại rời cộng đồng trước đây của mình?”. Mỗi lần như vậy, con thường thầm cầu cứu Thầy trong tâm để Thầy giúp con có được cái nhìn sáng suốt hơn. Rất nhiều lần, khi con đang cầu cứu như vậy thì bỗng nhiên Thầy xuất hiện. Thầy xuất hiện thật sự chứ không phải ở trong tâm tưởng của con. Thời gian đó, con đang ở xóm Mới và có những ngày Thầy đột nhiên có mặt, tham gia thời thiền tọa buổi sáng với chúng con. Có ngày Thầy tới dự lễ tụng giới, lại có lúc con thấy Thầy bỗng nhiên có mặt sau cánh cửa, trong xe ô tô hay đang đi ra từ nhà vệ sinh. Mỗi lần gặp, Thầy đều mỉm cười với con hoặc giơ nhẹ tay chào hay nói với con đôi câu. Mỗi lần xuất hiện ấy của Thầy đã giúp con thấy Thầy luôn có mặt đó cho con. Đến bây giờ, mặc dù Thầy đã buông bỏ báo thân nhưng Thầy vẫn luôn có mặt cho con như vậy.
Tiếp tục đi tới
Năm 2012, Thầy và tăng đoàn tới Paris vài ngày. Thời gian này con đang ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris và cùng với một sư cô nữa trong nhóm tổ chức cho sự kiện lớn này. Chúng con đã có một cuộc tranh luận ở ngoài vườn và Thầy ngồi cách đó không xa. Sau cuộc tranh luận, con tới gặp Thầy và chia sẻ với Thầy vì những tri giác sai lầm mà chúng con đang làm khổ nhau như thế nào. Thầy lắng nghe và nói với con: “Rất nhiều người có tri giác sai lầm về Thầy nhưng Thầy chỉ tiếp tục kiên định đi trên con đường của mình, không để cho những tri giác của người khác làm mình nhụt chí. Mỗi chúng ta đều có tri giác sai lầm về người khác, người khác có tri giác sai lầm về chúng ta và chúng ta cũng có tri giác sai lầm về chính mình. Điều chúng ta cần làm là tiếp tục đi, tiếp tục con đường của mình”. Những điều Thầy dạy ngày hôm đó đã giúp con vượt qua rất nhiều thử thách trong đời sống xuất gia của mình.
Từ Thầy, con đã học tiếp xúc với sự sống một cách sâu sắc trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Con chạm được chiều sâu của từng hành động giản đơn như chải răng, rửa chén hay chơi đùa với tuyết. Con học được cách yêu thương đất Mẹ và thưởng thức phép lạ của sự sống.
Thầy đã giúp con dừng lại và mỉm cười. Mỗi giây phút là giây phút hạnh phúc, mỗi giây phút là giây phút huyền thoại.