Có tay Thầy trong túi áo

(Sư cô Chân Tuyết Nghiêm)

 

 

Thầy kính thương,

Con vẫn viết thư cho Thầy vì con cảm nhận sâu sắc Thầy vẫn còn đây trong giây phút này. Chỉ cần một hơi thở bình an là con có thể mời Thầy về bên con rất sâu sắc. Ngày Thầy chưa ẩn tàng, con cũng đã học tiếp xúc với Thầy trong con như vậy. Cho nên mỗi khi viết thư cho Thầy, con cảm nhận được Thầy đang thật sự rất gần, luôn có mặt để lắng nghe, để thấu hiểu những tâm tình của người con trẻ.

Cuộc chơi sinh tử nhỏ

Thầy ơi,

Lại một lần nữa con đặt chân đến miền đất mới. Mỗi lần thay đổi trung tâm tu học, con thường tác ý là mình đang thực hiện một cuộc chơi sinh tử nhỏ. Con trải nghiệm sự buông bỏ những thân quen và chấp nhận những điều mới mẻ. Trạm Tịch, nơi cho con rất nhiều điều kiện hạnh phúc, nơi con đã sống, tu học và gắn bó gần sáu năm qua. Con thương tất cả những gì thuộc về nơi ấy. Năng lượng tu học, lý tưởng phụng sự, tình chị em, tình tăng thân, khu rừng yên và tất cả những ân nghĩa đầy vơi.

Ngày rời Trạm Tịch, con có cảm giác mình chỉ lên đường cho một khóa tu dài hạn nên trong lòng không có cảm xúc rời bỏ hay chia ly. Nhìn lại, con thấy cuộc chơi mà con trải qua trên mảnh đất Trạm Tịch đã đủ đẹp. Con sống, tu học và cống hiến bằng cả trái tim ở đó nên ngày rời đi, con thấy lòng mình thỏa mãn, an vui.

Con lại một lần nữa chiêm nghiệm sâu sắc lý tưởng sống của mình: Sống trọn vẹn, sống hết lòng thì khi ra đi con sẽ thấy bình an. Sống đẹp, chết sẽ đẹp. Con đã gửi vào ngân hàng tâm linh của con một ít vốn cho sự nghiệp giải thoát sinh tử của mình. Thầy thấy con suy nghĩ vậy có được không ạ? Dù bé nhỏ nhưng cái thấy ấy cũng khiến cho con luôn cảm thấy vui và nhẹ nhàng trước sự đổi mới.

Đại Ẩn Sơn – Lộc Uyển Tự, cái tên mà con đã được biết từ rất lâu rồi, đã nghe nói nhiều về cái bao la và hùng vĩ nơi đây. Vậy mà hôm nay khi đặt những bước chân đầu tiên trên mảnh đất này, con thật sự cảm nhận sự vững chãi và thích thú. Đúng là ngôi chùa nằm ẩn sâu trong lòng núi, bao quanh là chập chùng núi đá sa mạc. Vừa đến nơi, con đã thấy hạnh phúc vì được về với thiên nhiên, về với sự che chở thật gần của trời Cha, đất Mẹ. Mấy hôm nay lòng con cũng thênh thang khi nhìn ngắm đất trời rộng mở bao la.

Có một ước hẹn như lời mời gọi khiến con tìm leo lên đỉnh đồi trong buổi sáng đầu tiên thức dậy trên mảnh đất này. Con và sư em ngồi yên trên đỉnh đồi nhìn ra xa mây núi, thấy lòng thật bình an. Hai chị em cứ lặng yên để cảm nhận đất trời thiêng liêng và từng khoảnh khắc quý giá ấy.

Cất giọng hô canh buổi sáng:

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai
Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười…

Giây phút hiện tại tuyệt vời biết mấy, con biết ơn hàng vạn nhân duyên đưa con về chốn này. Rõ ràng sự tiếp nối liên hồi, duyên này khép lại để duyên khác mở ra. Cuộc đời luôn là chuỗi tiếp nối nhiệm mầu.

Tay Thầy trong túi áo con

Buổi sáng, trời se lạnh. Con khoác áo, mang tất, đeo găng tay ấm áp nhưng tay vẫn lạnh. Con vừa đi, hai bàn tay thọc vào túi áo. Con nhớ lại một kỷ niệm ngọt ngào với Thầy vào mùa đông năm 2010. Năm ấy con tròn hai mươi tư tuổi, một năm nhiều sóng gió với những bước chuyển mình trong hành trình tu học của con. Việc chuyển trung tâm tu học đến với con như một định mệnh, chưa mấy sẵn sàng mà các nhân duyên cứ nối tiếp nhau một cách vội vã.

Tuổi hai mươi tư, con còn ham vui lắm, còn cần thật nhiều tình huynh đệ. Do vậy, việc phải chuyển từ xóm Hạ lên thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris như một sự thiệt thòi, hy sinh của tuổi trẻ. Từ một đại chúng ba xóm có đến mấy trăm người đông vui, con được khuyến khích trải nghiệm sống ở một trung tâm nhỏ chỉ có tám sư cô, trong đó có bốn chị em trẻ Việt Nam.

Buổi sáng con và sư em Nội Nghiêm lên chào Thầy để lên đường. Lòng mang nỗi buồn nặng trĩu. Như thấu hiểu niềm riêng ấy, Thầy đứng sẵn trước cổng Sơn Cốc để chờ đón chị em con. Vừa bước xuống xe, Thầy đã xoa đầu và nắm tay hai chị em con thiền hành quanh nội viện. Bước đi lặng yên bên Thầy, con cảm nhận sâu sắc tình Thầy thật ấm áp, dù Thầy không nói điều gì. Thầy luôn là vậy, bao giờ cũng thể hiện tình thương thật tinh tế nhưng khiến chúng con ghi khắc từng phút giây.

Bàn tay con lạnh ngắt, và càng rõ hơn khi con nắm lấy bàn tay ấm của Thầy. Con cứ sợ cái lạnh của tay mình thấm qua tay Thầy mà thương Thầy quá. Bỗng Thầy dừng lại, nhìn con. Con chưa kịp hiểu Thầy đã lên tiếng: “Tay con lạnh quá!”. Rồi Thầy mỉm cười và nhẹ nhàng đặt đôi tay nắm chặt của hai thầy trò vào trong túi áo của Thầy. Con ngạc nhiên và thấy lòng hạnh phúc, cảm động vì tình Thầy. Bàn tay con dần ấm lên. Và trong từng tế bào, ngóc ngách của tâm hồn cũng được thấm nhuần cái ấm của tình thương.

Đi một vòng về đến cửa vào Sơn Cốc, Thầy rút đôi tay ra khỏi túi áo của Thầy. Siết chặt bàn tay con, Thầy nói: “Tay con đã ấm lại rồi thấy chưa? Lên trên ấy mỗi lần con thấy buồn, cô đơn, nhớ Thầy, nhớ đại chúng, con hãy đặt tay vào túi áo. Có tay Thầy trong túi áo của con”. Giây phút ấy lắng đọng tình thầy trò và đã trở thành huyền thoại trong con. Từng lời Thầy nói là dấu ấn, là gia tài, là hành trang để tiễn đứa học trò nhỏ lên đường đi xa và con mãi mang theo cho tới bây giờ.

Cái buồn tủi được xoa dịu bằng tình Thầy ấm áp. Con thấy mình muốn đi tới mạnh mẽ hơn với niềm tin của Thầy và đại chúng dành cho mình. Quả thật, trong những ngày tháng ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, có những phút yếu lòng, con buồn bã, mệt mỏi. Cũng có những khoảnh khắc con thấy mình tràn ngập sự cô đơn, tủi hờn. Con đã nhớ đến Thầy, và không ít lần con đặt tay vào túi áo để tiếp xúc với bàn tay của Thầy, bàn tay của tình thương yêu và tin cậy.

Sức mạnh đó giúp con vượt qua những khó khăn bé nhỏ để từng bước trưởng thành. Có lẽ trong suốt hành trình sau đó con xa Thầy trên phương diện hình hài, nhưng trong tâm con luôn có Thầy rất gần. Lời Thầy nói như là câu thần chú nhỏ của con: “Có bàn tay Thầy trong túi áo của con”. Sáng nay, trên đường lên đồi, với hai bàn tay đặt vào túi áo, con cũng nắm được bàn tay Thầy trong những phút giây trở về hạnh phúc, bình yên và ấm áp tình thương.

Trọn vẹn ân tình

Thầy kính thương,

Núi đồi Lộc Uyển thật đẹp. Ngồi trên mỏm đá nhìn xuống phố núi bao la, lòng con cũng tự nhiên rộng mở. Không có gì khiến con phải lo lắng. Không có gì khiến con nuối tiếc trong giây phút này. Có lẽ nhờ những bài học Thầy đã dạy cho con trong những ngày tháng con được gần Thầy, mà ở góc độ nào con cũng tìm được một vài điều khiến tư duy con đổi thay tích cực. Tâm thức con luôn chọn về hướng tự do, để rồi những điều con chọn làm trong cuộc đời xuất sĩ của mình luôn có ý nghĩa rất riêng của nó.

Con còn nhớ khi rời Thiền đường Hơi Thở Nhẹ về lại Làng sau một năm gắn bó, con nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương của tăng thân nơi ấy, đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ Việt Nam hay lui tới thiền đường. Khi rời đi, con tập buông hết mọi duyên với mọi người, mọi cảnh như quan điểm sống rất rõ trong con. Sống thì có mặt hết lòng, đi thì không còn ràng buộc. Con nghĩ điều ấy đúng với lý tưởng tự do của một người tu sĩ. Vì vậy, con khá bất ngờ khi về Làng, Thầy lại dạy con: “Thầy nghe nói các bạn trẻ Paris quý và thương con lắm phải không? Con nhớ viết thư cho các bạn trẻ để nuôi dưỡng họ nhé”. Con bất ngờ lắm, nhưng lại nghĩ, Thầy đang khích lệ mình sau một năm chịu trải nghiệm sống và xây dựng chúng ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Vì vậy, con lặng lẽ cho lời Thầy dạy đi qua như một cơn gió.

 

 

Nhưng vài ngày sau đó, Thầy lại hỏi: “Con đã viết thư cho các bạn trẻ chưa?”. Lần này con mới để tâm nhiều hơn điều Thầy dạy và tự hỏi: “Đây là bài tập Thầy giao cho mình sao? Tại sao mình muốn buông mà Thầy lại dạy mình nắm?”. Con muốn hiểu cho đúng để làm điều Thầy dạy thật tự nhiên, nhưng vẫn chưa giải bày được bài tập ấy. Vậy nên con chọn im lặng, không làm gì cả. Thế rồi thêm vài ngày nữa, Thầy lại cho con một bài tập cụ thể hơn: “Tuyết Nghiêm, con viết thư rủ các bạn trẻ về Làng ăn Tết nhé. Các bạn được về Làng ăn Tết là vui lắm!”. Lần này thì con đã dần hiểu bài tập Thầy trao. Càng nhìn sâu về điều Thầy dạy, con tự nhận ra giá trị mới cho con đường phụng sự của mình: “Khi mình còn duyên nuôi dưỡng một ai đó thì hãy tiếp tục hết lòng, bởi vì đó là duyên đẹp”. Nghĩ thông rồi, con ngồi xuống viết thư gửi đến các bạn trẻ Paris như lời Thầy dạy. Các bạn nhận được thư thì ấm lòng lắm. Trong thư, con kể cho các bạn nghe về sự quan tâm của Thầy dành cho các bạn qua việc Thầy dạy con viết thư này. Và niềm vui đến khi năm ấy, các bạn trẻ lần đầu tiên kéo nhau về Làng ăn Tết thật vui dù chỉ có hai ngày ngắn ngủi.

Cũng năm đó, trong buổi Bói Kiều đầu xuân của đại chúng, Thầy cũng ưu ái mời đại diện các bạn trẻ lên bói Kiều. Sau câu hỏi của bạn trẻ đặt ra trong đại chúng, lòng con hạnh phúc lắm khi các bạn được tăng thân lớn ôm ấp, thương yêu và nâng đỡ. Đang tận hưởng niềm vui đó, bỗng Thầy gọi tên con: “Tuyết Nghiêm, con ngâm Kiều đi”. Con ngồi sau lưng Thầy, nên Thầy vừa nói vừa quay lại nhìn con. Con bối rối vì trình độ ngâm Kiều của con vẫn rất dở, mà quanh con toàn quý thầy quý sư cô ngâm Kiều quá xuất sắc. Con khẽ cầu cứu đến Thầy: “Dạ con bạch Thầy, nãy giờ quý thầy, quý sư cô ngâm hay quá, vị thì ngâm giọng Bắc, vị thì ngâm giọng Huế, vị ngâm giọng miền Nam, con không biết phải ngâm giọng gì nữa?”. Thầy mỉm cười từ bi: “Con hãy ngâm bằng giọng của con”. Câu nói của Thầy khiến con giật mình, biết mình chỉ có thể cất giọng tự do nhất như đó là mình vậy thôi. Vừa ngâm xong, tuy giọng không hay lắm nhưng con thỏa mãn như công án Thầy trao “Con hãy ngâm bằng giọng của con”. Đó là mộc dấu của sự tự do, tự tại, sẵn sàng.

Vừa bước qua được một cánh cửa khó, con thở phào nhẹ nhõm, bất chợt Thầy lại tiếp tục giao cho con bài tập khó thứ hai: “Tuyết Nghiêm, con giải Kiều cho bạn đi”. Lần này con lại sốc hơn, vì dường như buổi bói Kiều nào cũng chỉ có Thầy và quý thầy, quý sư cô lớn giải cho đại chúng. Con bối rối quá, cố tìm lối thoát lần nữa, con khẽ thương thuyết để từ chối: “Dạ bạch Thầy, con không biết giải Kiều đâu”. Ánh mắt con năn nỉ Thầy cứu con, nhưng Thầy lại vừa cười, vừa cương quyết: “Đâu được, con là sự tiếp nối của Thầy mà”. Con lại không thể làm gì hơn ngoài việc chấp nhận hiện tại của mình và chấp nhận nhập vai giải Kiều cho bạn trẻ ấy. Có lẽ con hiểu bạn đủ nên con đi thẳng vào vấn đề của bạn khiến ai cũng cười, vì nói trúng tim đen quá. Một buổi sáng thôi mà bao điều lưu lại trở thành thiên thu trong con cho đến bây giờ Thầy à.

Thầy kính thương,

Những bài tập Thầy giao cho con, con vẫn để nhiều tâm huyết để giải trong suốt những năm qua. Câu thần chú “Con hãy ngâm bằng giọng của con” giúp con vượt thắng những mặc cảm tự ti trong mình để có một trạng thái tự nhiên, tự tại trong khi làm một điều gì đó. Miễn là con làm hết lòng và có tự do khi làm là con thấy Thầy rất gần con. Mỗi lần con sợ hãi, e ngại về khả năng của mình khiến con muốn dừng lại, rút lui, bỏ cuộc, con lấy lại niềm tự tin với câu thần chú: “Đâu được! Con là sự tiếp nối của Thầy mà”. Mỗi lần con muốn cắt duyên dù là duyên vẫn còn với mình, mình vẫn còn hiến tặng được những nuôi dưỡng cho ai đó thì bài học “Con hãy tiếp tục nuôi dưỡng họ” sẽ cho con động lực tiếp tục hiến tặng những gì đẹp nhất khi còn có thể để mọi nhân duyên được trọn vẹn, cho tới khi hết duyên thì mỉm cười thả buông.

Thầy ơi,

Con đang từng ngày trưởng thành trên con đường Thầy đã dìu dắt. Con đường đưa đạo Bụt đi vào cuộc đời thật không hề đơn giản chút nào. Thầy đã chuẩn bị cho con thật nhiều hành trang. Đó là tất cả tình thương yêu và tin cậy mà Thầy dành cho đệ tử.

Sáng nay những lời pháp của Thầy lại tiếp tục soi sáng dẫn đường cho con đi tới trong chí nguyện đẹp đẽ của người xuất sĩ. Con lại từng bước thong dong lên đồi chơi, từng bước chân không vướng bận, từng bước hẹn về với bình an. Trên đồi cao, con lại ngồi thưởng thức những hơi thở an lành cùng mây gió. Đặt tay vào túi áo, con thấy bàn tay ấm áp đang tiếp tục truyền cho con niềm khích lệ tin yêu.

…Nhìn lại đi, thầy đang ở trong con,
và trong từng nụ hoa, chiếc lá
Nếu gọi tên thầy, con sẽ tự khắc thấy thầy ngay
…Thầy trò ta thật chưa bao giờ từng cách biệt…

(Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai – Thơ Thầy)

Con biết ơn Thầy vì Thầy vẫn còn đẹp hoài trong trái tim con, vẫn sống mãi với những tiếp nối mầu nhiệm trong cuộc đời này. Con sẽ nắm tay tăng thân, để cùng nhau chúng con đưa Thầy về tương lai Thầy nhé.

Kính nhớ Thầy,
Con của Thầy: Chân Tuyết Nghiêm