Niềm vui chân thật
Chân Trăng Linh Dị
Sư cô Trăng Linh Dị người Úc gốc Hoa, xuất gia trong gia đình Cây Trắc Bá (tháng 7/2014). Sư cô là con một trong gia đình huyết thống, vì vậy cách duy nhất để cha mẹ của sư cô đỡ nhớ con là thường xuyên về thăm Làng và thực tập cùng đại chúng. Sư cô đang tận hưởng hạnh phúc được làm một “em bé” trong tăng thân. Một trong những nguồn vui đối với sư cô là làm vườn và hát các bài thi kệ mà sư cô tự làm nhạc, trong khi các sư chị lớn thì đang bận… họp. Bài viết được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Những người thương mến của con ơi,
Hôm nay là ngày bắt đầu của một năm mới mà cũng chính là ngày bắt đầu cho những ngày còn lại trong cuộc đời của tất cả chúng ta. Con kính chúc mọi người nhiều sức khỏe.
Ngày hôm qua khi đến xóm Thượng đón Giao thừa (Tết dương lịch), con cùng với hai sư chị đi bộ lên khu đồi phía Tây. Mấy chị em ngồi chơi giữa sương mù lãng đãng, hít thở không khí trong lành tỏa ra từ những ngọn đồi xanh trải dài trước mặt và lặng ngắm cảnh hoàng hôn cuối cùng của năm 2014. Trong khi nheo mắt ngắm những tia nắng chiều, con ngạc nhiên thấy lòng mình không hề gợn chút luyến tiếc nào về quá khứ.
Những năm về trước, dù đón năm mới bằng những bữa tiệc với rượu champagne, nhưng con vẫn cảm thấy buồn khi nhìn thời gian đang vùn vụt trôi qua. Dù đón năm mới với bạn bè hay với gia đình, bao giờ chúng con cũng so sánh thức ăn, rượu, pháo hoa, nhạc của năm nay với năm ngoái. Trong khi hình hài của chúng ta già nua theo năm tháng, tâm đã trở nên mệt mỏi, nhưng lúc nào chúng ta cũng muốn mình tràn đầy sức sống và được trải nghiệm những điều mới mẻ.
Trong những khoảnh khắc như vậy, tâm con luôn chạy về tương lai, vừa háo hức trông đợi những gì sẽ đến, vừa tiếc nuối lo sợ những gì mình đang có, đang trải nghiệm sẽ đến hồi kết thúc. Điều này khiến cho con lo lắng và sợ hãi đến nỗi thành bệnh. Ngay cả khi tô son lên môi, con cũng lo lắng: Nếu cây son này hết thì mình phải làm sao? Nếu mình không có việc làm thì làm sao mình có tiền để mua sắm? Cái gì sẽ xảy ra cho mình nếu người thân trong gia đình qua đời hết và mình chỉ còn lại một mình?
Đương nhiên là con không lạ gì với mấy câu: “Đừng lo lắng, cứ vui đi”, “hãy sống trong giây phút hiện tại…” Nhưng những câu đó chỉ càng làm cho con cảm thấy thất bại với chính mình, bởi vì con rất rành về lý thuyết, nhưng khi đem áp dụng vào thực tế thì con không làm được.
Có những giai đoạn mà đối với con, mỗi ngày đi qua là một ngày với đủ loại hoang tưởng chết người, với những viên thuốc làm cho các giác quan của con trở nên tê dại và cơ thể con nhiễm độc. Tâm con tán loạn đến nỗi con không thể đọc một bài báo dù đơn giản nhất. Gia đình, người yêu, bạn bè, bác sĩ, kể cả chú chó cưng cũng đều cố gắng giúp cho con có thể thức dậy và ra khỏi giường mỗi sáng. Nhưng ra khỏi giường để làm gì? Bên dưới bề mặt vô nghĩa của cuộc sống hàng ngày là những câu hỏi trăn trở về sinh tử mà không có thuốc men nào có thể giúp cho con được. Con hoàn toàn lạc lối.
Ở đây, nơi con đang ngồi, mặt trời đang từ từ khuất bóng sau rặng bạch dương. Những con chim én đang chao liệng trên nền trời xanh thẫm. Con thấy mình mới may mắn làm sao khi được chỉ dạy cách trở về để làm lắng dịu thân tâm, để có thể bình an trong khi tâm ý đang vận hành như chiếc kính vạn hoa. Thật quý báu biết bao khi có duyên được nghe giáo pháp và được khai mở rằng sự sống và cái chết chỉ như những vòng tròn đang lan tỏa trên bề mặt đại dương của sự sống bao la.
Khi sống an trú trong mỗi phút giây thì những gì bình thường cũng trở nên phi thường. Vài người bạn đã hỏi con rằng: “Sư cô tu không thấy chán sao?” Ồ, có chứ, hồi xưa con đã từng chán, rất chán! Ba năm trước khi mới bắt đầu làm quen với thiền tập, mới ngồi năm phút con đã thấy như bị tra tấn. Con ngáp, ngọ nguậy, ngủ gục hoặc mơ màng chuyện này chuyện nọ. Ngoài những lúc ngồi thiền, cuộc sống của con đầy dẫy những kế hoạch để xem, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm cái này, cái kia.
Mới gần đây thôi, vào một buổi tối trời mưa, sau khi dọn dẹp, rửa nồi, con có được một chút thời gian trống trước thời ngồi thiền tụng kinh buổi tối. Quả là những giây phút hiếm hoi quý báu! Con ngồi ngoài hiên một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ mới dựng lên để làm phòng may. Ánh sáng từ chiếc bóng đèn gần đó hắt ra một màu vàng ấm áp soi rõ làn khói tỏa lên từ tách trà con đang cầm trong tay. Làn khói đang nhảy múa và hòa quyện với những giọt mưa đang rơi xuống.
Xung quanh chỗ con ngồi là những vật liệu xây dựng còn đang để ngổn ngang. Xa hơn một chút có thể thấy quần áo của ai phơi trên dây chưa được lấy vào. Không thể cho đó là một quang cảnh huy hoàng được. Ấy vậy mà con thấy mình hạnh phúc. Trong con không hề có ý muốn chụp một bức hình để bỏ lên Facebook, cũng không hề nghĩ là phải chi có ai đó cùng ngồi đây với mình trong giây phút này. Con cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có, chỉ đơn giản vậy thôi.
Dĩ nhiên là để vun trồng được những giây phút có nhiều “hoa sen” như thế, con cũng đã có rất nhiều bùn. Có những lúc con thấy tâm mình vừa đáng bực vừa đáng cười. Sao con lại có thể ăn một lần hết cả một thanh sô cô la sau khi tụng giới thứ Năm về tiêu thụ có chánh niệm? Sau khi đọc quán nguyện về “tắt đài radio ở trong đầu”, sao con lại có thể ăn nhanh như thế? Đã phát nguyện độ tất cả chúng sanh, tại sao con lại có thể hối hả đi khử trùng chén dĩa khi một bạn thiền sinh đang có một câu hỏi cần con giải đáp? Chơi nhạc là để cúng dường đại chúng, sao con lại thấy hơi buồn trong lòng khi không được mời tham dự trong ban nhạc?
Bất cứ lúc nào con cũng có thể trở nên mất kiên nhẫn và bực bội. Những sư cô mà con quý nhất lại thường là những người phải hứng chịu nhiều nhất khi con vụng về, không ái ngữ trong cách nói năng.
Gần đây có một việc xảy ra làm cho con cảm thấy xấu hổ vô cùng vì con thấy trái tim mình còn quá nhỏ. Chuyện có liên quan đến ba sư chị của con. Sau khi sự việc xảy ra, con dự định đến sám hối với một sư chị, người đã bị con trút cơn giận của mình lên. Tối đó, tình cờ hai chị em gặp nhau, con nghĩ chắc sư chị sẽ nói một vài lời dạy dỗ con. Thay vào đó, sư chị cười và nói: “Cho sư chị thiền ôm với sư em một cái được không? Xin lỗi sư em vì sư chị đã làm cho sư em căng thẳng thêm một cách không cần thiết.” Trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau đó, hai sư chị kia cũng tìm đến con và xin lỗi vì hai sư chị đã không đủ tươi mát và có mặt cho con. Trời ạ, con mới chính là kẻ sân si và kém dễ thương! Con đã phàn nàn là mình không có đủ thời gian để học thêm giáo pháp, nhưng bài học này đối với con đáng giá hơn bất cứ một điều gì con đã đọc trong sách vở. Cảm ơn tình thương mà quý sư chị đã dành cho con!
Và còn nữa, thương làm sao để lòng vẫn mở… ôi chao, một điều không dễ chút nào. Con rất sẵn lòng lau sàn nhà dùm cho một sư cô con thích, nhưng khi một sư cô khác bước lên sàn vừa mới được lau thì con lại thấy kém vui. Con đã quen thương theo kiểu ngoài đời, nghĩa là muốn mình có một vị trí đặc biệt đối với một ai đó, vì thế con rất dễ đánh mất mình. Tuy vậy, trong cái thương nhỏ hẹp đó, con cũng thấy có những yếu tố tích cực, thí dụ như lo lắng chăm sóc cho người khác và đặt nhu cầu của họ lên trước nhu cầu của mình (con thấy cái đó nơi mẹ của con). Con cố gắng nhận ra những yếu tố quý giá ấy và thực tập hiến tặng những điều đó cho nhiều người khác. Con tự nhắc mình rằng nếu con chỉ muốn thương yêu chăm sóc cho một vài người thì con đã có thể lập gia đình và có con cái. Như thế thì bà nội 93 tuổi của con sẽ không cần phải viết thư để hỏi xem bà nên gửi số tiền mà bà đã dành dụm cho đám cưới của con vào ngân khoản nào? (cười).
Có một buổi sáng, sư chị của con không được khỏe. Hôm ấy con được phân công ngồi chuông cho buổi tụng giới sadi nữ. Trên đường ra thiền đường, con thấy lo lo và đầu óc bận bịu tìm kiếm những phương thuốc có thể giúp cho sư chị hết bệnh. Đột nhiên con nghe tiếng của Thầy: “Thở đi con! Sự bình an là điều tốt nhất mà mình có thể hiến tặng.”
Ý thức là cảm thọ của mình sẽ được chuyển tải qua tiếng chuông trong buổi tụng giới nên con đi chậm lại, thưởng thức không khí mát lạnh của buổi sáng, ngắm những vì sao trên trời xa. Và khi ngồi chuông, con cố gắng để hết tâm mình vào sức nặng của dùi chuông, lắng nghe tiếng chuông ngân và mở lòng ra để cho những lời thuyết giới đi vào.
Con đã chia sẻ điều này với sư chị của con. Con không biết là nó có giúp được gì cho sư chị không, nhưng có một điều chắc chắn là nó đã làm cho môi con nở một nụ cười.
Những người thương của con ơi, cảm ơn mọi người đã cùng thở và cùng đi với con trên con đường vui và sáng đẹp này.
Với nhiều thương mến và lòng biết ơn,
Con – Chân Trăng Linh Dị